Đọc truyện Những kẻ điên rồ phải chết – Chương 36: phần 1
Chương 25
Con chó xù quý hiếm không chết, vì thế bà nhà giàu cũng không có lí do gì đòi bồi thường. Có vẻ bà ta không phiền lòng lắm về vụ cái mặt sưng vù, hoặc là điều đó không quan trọng lắm đối với bà ta hay đối với người chồng. Rất có thể bà còn khoái chuyện đó là đằng khác.
Bà ta gửi cho Osano một bức thư hữu nghị, để mở cửa cho họ đến với nhau. Osano lầm bầm diều gì đó kiểu giễu cợt rồi ném bức thư vào sọt rác.
– Tại sao ông không thử tán bà ta xem? – Tôi nói. – Không chừng cũng thú vị tình thâm lắm đấy.
– Ôi dào, đã bảo cậu rồi. Tớ không thích gặm cỏ dai sợ e sái cả quai hàm, – Osano nói. – Con mụ ấy còn muốn tôi xài mụ ta như một cái túi đấm.
– Chị ta có thể là một nàng Wendy khác, – Tôi nói.
Tôi biết Wendy vẫn luôn có một sức mê hoặc đối với ông mặc dầu họ đã li dị bao năm nay rồi và mặc dầu bao nỗi khảm kha bất bình mà bà ta đã gây ra cho ông.
– Lạy Chúa, – Osano nói. – Tôi chỉ cần có thế?
Nhưng rồi ông mỉm cười. Ông biết tôi muốn nói gì. Rằng có lẽ việc dùng nắm đấm để dạy cho đàn bà biết phải quấy hình như không làm ông phiền lòng mấy. Thế nhưng ông lại muốn chứng tỏ là tôi đã lầm.
– Wendy là người vợ duy nhất đã khiến tôi phải đánh nàng, – Ông nói. – Tất cả những người vợ khác của tôi, họ đeo những người bạn của tôi, họ ăn cắp tiền của tôi họ cấu xé tôi về tiền cấp dưỡng, họ vu khống nói xấu tôi, nhưng tôi không bao giờ đánh họ, không bao giờ ghét họ. Tôi là bạn tốt với tất cả người vợ cũ khác của tôi. Nhưng mụ Wendy chết tiệt đó là thứ của nợ loại đặc biệt? Mỗi mình mụ ta là một phạm trù riêng! Nếu tôi còn ở với con quỷ cái đó, chắc tôi đã giết nó từ lâu.
Nhưng vụ xiết cổ con chó lông xù còn được bàn tán râm ran trong giới văn nghệ ở New York. Osano lo ngại về những cơ may chiếm giải Nobel của mình.
– Đám Bắc Âu đó cưng chó lắm, – Ông nói.
Ông bỏ cuộc vận động đề cử mình vào giải Nobel văn học bằng cách viết thư cho tất cả bạn bè và người quen trong văn giới. Ông vẫn tiếp tục in những bài báo và những bài điểm sách về những tác phẩm phê bình quan trọng nhất xuất hiện trong tạp chí. Thêm vào những tiểu luận văn chương mà tôi luôn nghĩ là những nhận định nhảm nhí. Nhiều lần khi vào văn phòng ông, tôi thấy ông đang viết quyển tiểu thuyết vĩ đại của mình, đầy những tranh giấy màu vàng. Tôi biết ông đang viết tác phẩm để đời vì đó là bản thảo duy nhất mà ông viết tay. Còn tất cả những thứ khác ông đều phóng ra từ hai ngón tay gõ trên bàn máy đánh chữ. Ông là người đánh máy nhanh nhất mà tôi từng thấy, chỉ với hai ngón thôi. Ông mổ rào rào, đều đặn như súng liên thanh. Và với kiểu đánh máy liên thanh đó, ông nêu ra định nghĩa về nền tiểu thuyết vĩ đại của Hoa Kỳ phải như thế nào, giải thích tại sao nước Anh không còn cho ra đời những tác phẩm hư cấu lớn được nữa trừ ra ở thể loại gián điệp, hoặc tháo tung ra những tác phẩm của Faulkner, Mailer, Styron, Jones, bất cứ ai có thể cạnh tranh với ông về giải Nobel. Văn phong rực rỡ, ngôn ngữ rất hàm súc khiến ông thuyết phục được người đọc. Bằng cách cho in ra những thứ đó, ông triệt hạ các đối thủ và xây dựng thần đàn cho mình. Nhưng rối là ở chỗ chỉ có hai quyển tiểu thuyết của ông được xuất bản cách đây hai mươi năm là có giá trị văn học đáng kể Còn những tiểu thuyết sau này và những tác phẩm phi hư cấu của ông thì chẳng xuất sắc cho lắm.
Sự thật là hơn mười năm qua, ông đã đánh mất phần lớn sự thành công với số đông độc giả cũng như danh tiếng văn học của mình. Ông đã xuất bản quá nhiều sách loàng xoàng do viết vội vàng cẩu thả, tạo ra quá nhiều kẻ thù với cách quản lí tạp chí theo kiểu bề trên ngông nghênh của mình. Ngay cả khi khen ngợi một vài khuôn mặt văn học hay trí thức có thế lực lớn, ông cũng làm điều đó với sự ngạo mạn và trịch thượng và tìm cách hòa trộn mình vào đó (thí dụ bài báo ông viết về Einstein thì cũng nói về ông gần ngang với phần nói về Einstein).
Ông tạo ra quá nhiều kẻ thù với những lời tuyên bố bốc đồng bất cần đời. Chẳng hạn ông cho rằng sự khác biệt lớn lao giữa văn chương Pháp thế kỉ XIX với văn chương Anh, đó là các nhà văn Pháp được hưởng tình dục ê hề còn các nhà văn Anh bị ức chế bởi đạo lí khắc khổ thời Victoria. Thế là độc giả tạp chí giận sôi lên.
Trên tất cả những chuyện này, hành vi ứng xử của bản thân ông gây tai tiếng rất nhiều. Sự cố trên máy bay đã thành đề tài tán gẫu của mọi người. Trong một lần được thỉnh giảng ở đại học California, ông gặp một cô sinh viên văn khoa mới mười chín tuổi, trông giống như một kẻ đầu têu trong các cuộc hội họp, lễ lạc hay là một tiểu minh tinh màn bạc hơn là một người yêu sách vở.
Thật ra cô là một người mê đọc sách và rất hâm mộ nhà văn lớn Osano. Thế là chàng liền đem nàng về New York sống chung. Mối tình kéo dài được sáu tháng nhưng trong thời gian đó ông đưa nàng đến tất cả các cuộc họp mặt văn học. Osano ở độ tuổi trung tuần năm mươi, tóc tuy chưa bạc nhưng bụng hơi phệ. Khi nhìn họ ở bên nhau, người ta thấy có cái gì đó hơi bất ổn. Nhất là những lúc Osano say xỉn và nàng phải dìu ông về nhà. Ông lại còn uống rượu trong lúc làm việc ở văn phòng. Thêm nữa, ông còn lừa cô bạn gái mười chín tuổi để lăng nhăng với một nữ tiểu thuyết gia bốn mươi tuổi vừa mới in ra một quyển best-seller. Quyển sách không thực sự hay lắm nhưng Osano dành nguyên cả một trang trong tạp chí để viết bài giới thiệu, hân hoan chào đón nàng như một khuôn mặt vĩ đại trong tương lai của nền văn học Hoa Kỳ.
Và ông còn làm một việc mà tôi thực sự ghét. Ông sẵn sàng ột trích dẫn với bất kì người bạn nào yêu cầu. Do vậy, người ta thấy những quyển tiểu thuyết mới xuất bản rất loàng xoàng nhưng nơi các trang đầu ghi một trích dẫn từ Osano đại khái như: “Đây là quyển tiểu thuyết tinh tế nhất về Miền Nam kể từ quyển “Nằm xuống trong bóng bối” của Styron.” – Hoặc là “Một quyển sách gây sốc, sẽ làm bạn sững sờ.” một lời giới thiệu láu cá ranh mãnh, quỷ quyệt vì ông đang chơi kiểu lấy hai đầu chống lại đoạn giữa, vừa làm ơn cho người bạn, lại vừa kín đáo cảnh báo độc giả chớ đụng vào quyển sách đó làm chi để vừa phí tiền, phí thời gian đọc, lại còn chuốc lấy bực mình. Đúng là một kiểu khen đểu nhưng rất thâm!
Quá dễ để cho tôi thấy là Osano đang bị phân tán bản ngã, theo một cách nào đó. Tôi nghĩ có lẽ ông sắp điên đến nơi. Nhưng tôi không biết từ cái gì mặt ông có vẻ nhuốm bệnh, hơi phì phị ra, đôi mắt xanh lục ánh long lanh thật sự không bình thường. Bước đi của ông hơi lệch, nhiều lúc hơi xiêu xiêu về bên trái. Tôi lo ngại cho ông. Vì dù bất đồng quan điểm với những gì ông viết với việc ông vận động cho giải Nobel quá tốn kém mà hiệu quả lại rất mơ hồ, việc ông gặp phụ nữ nào có chuyện liên hệ với ông mà ông thấy vừa mắt là ông đều muốn “bắt ốc vít” ngay, tôi vẫn mến ông. Ông vẫn thỉnh thoảng hỏi tôi về quyển tiểu thuyết tôi đang thai nghén, khích lệ, cho tôi lời khuyên, mau mắn cho tôi mượn tiền mặc dầu tôi biết ông nợ ngập đầu và ông phải tiêu pha rất lớn để trợ cấp cho năm “cựu phu nhân” cùng với chín đứa con. Tôi phát hãi với tổng lượng tác phẩm ông cho in ra, dù chúng có nhiều khiếm khuyết đi nữa. Ông đều đặn xuất hiện nơi một nguyệt san, có khi hai hoặc ba, hàng năm ông cho ra một quyển loại phi hư cấu về một đề tài mà các nhà xuất bản nghĩ “nóng bỏng.” Ông làm tổng biên tập của tạp chí và mỗi tuần viết một tiểu luận khá dài đăng lên báo. Ông còn viết kịch bản điện ảnh. Ông kiếm được những khoản tiền khổng lồ nhưng ông vẫn luôn bị nợ. Tôi biết ông nợ cả một gia tài chứ không ít. Không chỉ từ việc mượn tiền mà còn lấy tiền ứng trước cho những quyển sách tương lai. Tôi nhắc nhở chuyện này rằng ông đang đào một cái hố mà ông không bao giờ thoát ra được, nhưng ông xua ý tưởng đó đi một cách nôn nóng.
– Tôi còn con át chủ bài ở trong lỗ đấy, – Ông nói. – Quyển tiểu thuyết lớn của tôi sắp hoàn tất. Có lẽ năm tới lúc đó tôi lại sẽ giàu. Rồi sau đó đến Bắc Âu lãnh giải Nobel với khoảng tiền sơ sơ một triệu dô. Hãy nghĩ tới các em rồng lộn tóc vàng mắt biếc cao lớn, hậu duệ của đám hải tặc Viking, mà chúng ta sẽ phết cho tơi tả.
Ông vẫn luôn gom tôi theo trong cuộc hành trình lãnh giải Nobel.
Những cuộc tranh cãi lớn thường xảy ra giữa chúng tôi là ông hỏi tôi nghĩ gì đối với các tiểu luận của ông về văn chương. Tôi thường làm ông nổi giận với câu nói tôi chỉ là một người kể chuyện.
– Ông là một nghệ sĩ với nguồn cảm hứng thiêng liêng, – Tôi bảo ông. – Ông còn là một trí thức, với nguồn năng lượng trí tuệ dồi dào tuôn trào lai láng đủ hàng trăm bài thuyết giảng về văn chương hiện đại. Còn tôi chỉ là một kẻ phá tủ sắt. Tôi áp tai vào thành tủ chờ nghe tiếng lẫy khóa rơi vào chỗ.
– Anh cứ kể hoài câu chuyện phá tủ sắt nhảm nhí của anh, – Osano nói. – Anh chỉ muốn nói lảng thôi. Anh có nhiều ý tưởng. Anh là một nghệ sĩ thật sự, một kẻ có thể kiểm soát mọi sự, những điều anh viết và nói chung cả cuộc đời anh. Anh nghĩ anh có thể phá vỡ mọi cạm bẫy. Anh đang vận trù như thế đấy.
– Ông nghĩ sai về pháp sư rồi, – Tôi bảo ông. – Một pháp sư thi thố pháp thuật. Thế thôi.
– Và anh nghĩ thế là đủ? – Osano hỏi. Một nụ cười buồn thoáng trên mặt ông.
– Thế là đủ cho tôi, – Tôi đáp.
Osano gật đầu:
– Anh biết chứ, tôi từng là một pháp sư vĩ đại, anh từng đọc tác phẩm đầu tiên của tôi. Thật là ảo diệu, đúng không?
Tôi vui mừng là tôi có thể đồng ý với ông về điểm này. Tôi rất thích quyển đó.
– Tuyệt diệu, tôi nói.
– Nhưng chưa đủ, – Osano nói. – Chưa đủ cho tôi.
Tội cho ông quá, tôi nghĩ. Và hình như ông đọc ra ý nghĩ của tôi.
– Không, không phải theo cách anh nghĩ đâu, ông nói. – Tôi không thể làm lại điều đó bởi vì tôi không muốn làm hoặc có lẽ là tôi không thể làm. Tôi không còn là một pháp sư nữa, sau quyển sách đó. Tôi đã trở thành nhà văn.
Tôi nhún vai, có vẻ không mấy đồng cảm. Osano thấy ra và nói:
– Và kể từ sau đó, cuộc đời tôi bắt đầu khốn nạn, như anh có thể thấy. Tôi ganh tị với anh, với cuộc đời anh. Chuyện gì cũng nằm trong vòng kiểm soát. Anh không nghiện rượu, không nghiện thuốc, lá, không chạy theo đàn bà. Anh chỉ viết lách, thỉnh thoảng đánh bạc chút đỉnh và giữ đúng vai trò bố tốt, chồng ngoan. Anh là một pháp sư cao thâm đấy, Merlin à. Anh biết ứng dụng câu “đại trí nhược ngu” của Lão Tử đấy. Để làm một pháp sư an toàn, một cuộc đời an toàn, những quyển sách an toàn, anh làm cho nỗi tuyệt vọng tan biến.
Ông đang bực bội với tôi. Ông nghĩ mình đang đi vào cốt tủy ông không biết mình cũng đầy nhảm nhí như bao người khác. Và tôi cũng chẳng phiền gì, điều đó chứng tỏ ma thuật của tôi có tác dụng. Đó là tất cả những gì ông có thể thấy và với tôi, thế càng tốt thôi. Ông nghĩ tôi kiểm soát được đời mình, rằng tôi không đau khổ hoặc không cho phép mình đau khổ, rằng tôi không cảm thấy những cơn đau của nỗi cô đơn đã từng đẩy ông đến với những người đàn bà khác nhau, những cơn say bí tỉ, những lần hút hít cocaine. Ông không nhận ra hai điều. Là ông đang đau khổ bởi vì thực sự sắp điên, chứ không phải đau khổ. Điều nữa là mọi người trên đời này đều đau khổ và cô đơn chứ cứ riêng gì ông. Song mỗi người phải tự rút ra được những gì tinh hoa tốt đẹp nhất từ đau khổ và cô đơn. Đây là triết lí bi tráng, là niềm vui bi tráng mà ông không tìm thấy. Đáng tiếc cho ông. Kinh Phật đã chẳng dạy “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn” hay “Bồ đề thị phiền não, phiền não thị bồ đề” đấy sao?
***
Và tôi bỗng dưng gặp rắc rối từ một hướng không ngờ tới. Ngày nọ, ở tòa soạn tạp chí tôi nhận cú gọi từ chị Pam, vợ Artie. Chị bảo muốn gặp tôi về một chuyện quan trọng và chị muốn gặp mà không có mặt Artie. Tôi có thể đến ngay được không?
Tôi thực sự phát hoảng. Tận trong sâu xa của tâm hồn mình, tôi vẫn hằng ưu tư về Artie. Anh thực sự mảnh mai và lúc nào trông cũng có vẻ mệt mỏi. Vẻ đẹp trai thon thả của anh có thể là đầu mối của rắc rối. Tôi hoảng quá nên yêu cầu cho tôi biết ngay qua điện thoại nhưng chị không chịu. Chị bảo rằng về cơ thể thì anh ấy chẳng có chuyện gì đâu. Nhưng giữa chị và anh Artie đang có vấn đề riêng và chị cần tôi giúp.
Liền ngay đó, tôi thấy nhẹ nhõm. Rõ ràng là chị có vấn đề chứ không phải Artie. Nhưng dù sao tôi cũng nghỉ làm sớm và lái xe đến Long Island để gặp chị. Artie sống ở vùng Bờ Bắc của Long Island còn tôi sống ở Bờ Nam. Nên thực ra cũng không xa lắm với hành trình về nhà tôi. Tôi có thể nghe chị giãi bày và về nhà kịp bữa tối, chỉ hơi trễ hơn thường lệ một chút.
Nên tôi thấy không cần phải gọi về nhà báo cho Vallie.
***
Tôi vẫn thích đến nhà Artie. Anh có năm đứa con, song chúng đều dễ thương. Chúng thường có nhiều bạn bè đến chơi cùng và Pam không bao giờ tỏ vẻ phiền. Chị luôn có đồ ăn thức uống đầy đủ để cho cả đám bạn của con. Có những đứa đang xem ti vi, có những đứa đang nô đùa trên bãi cỏ. Tôi chào bọn trẻ và chúng chào lại tôi.
Pam đưa tôi vào nhà bếp với cái cửa sổ lớn nhìn ra biển. Chị đã pha sẵn cà phê và rót ra cho tôi. Chị vẫn cúi đầu lặng thinh hồi lâu rồi bỗng dưng ngước lên nhìn tôi và nói:
– Artie đang có bạn gái.
Mặc dù đã có năm mặt con, Pam trông vẫn còn trẻ với khuôn mặt đẹp, dáng người cao, thanh mảnh và tia nhìn giống như hình tượng Thánh Mẫu. Nàng gốc dân tỉnh lẻ miền Trung Tây. Artie quen nàng thời sinh viên và bố nàng là chủ tịch một ngân hàng nhỏ. Không ai trong ba thế hệ gần đây nhất của gia đình nàng có hơn hai con, nên đối với người thân của nàng thì nàng là một anh hùng tuân đạo vì đã năm lần sinh đẻ.
Khi Pam kết tội anh mình như thế, tôi hơi giận. Tôi biết Artie. Biết anh không thể nào lừa dối vợ. Anh không thể đem lại nguy cơ cho cái tổ ấm mà anh chăm chút xây dựng trong bao năm trời và là lẽ sống của đời anh.
Dáng người cao gầy của Pam rũ xuống, những giọt lệ ứa ra trong đôi mắt nàng. Nhưng nàng vẫn đang quan sát nét mặt tôi. Nếu Artie có chuyện gì, thì người duy nhất mà anh muốn bày tỏ là tôi. Và nàng cũng đang hi vọng tôi sẽ để lộ bí mật bởi một vài biểu hiện nào đó trên khuôn mặt mình.
– Điều đó không đúng, – Tôi nói. – Artie vẫn luôn có phụ nữ chạy theo và anh ghét điều ấy. Anh là một người đàn ông chân thật, thẳng thắn nhất trên đời này. Chị biết là tôi không phải tìm cách biện hộ hay bao che cho anh ấy đâu. Tôi không kết tội oan nhưng tôi cũng không bao che đâu.
– Tôi biết điều đó, – Pam nói. – Nhưng anh ấy về nhà trễ ít nhất là ba lần mỗi tuần. Và đêm rồi anh còn dấu son môi trên áo. Và anh gọi điện thoại sau khi tôi đi ngủ, lúc ấy đã khuya. Phải anh gọi chú không?
– Không, – Tôi nói.
Và giờ đây tôi thấy mình ngốc quá. Có thể là đúng vậy chứ, tôi vẫn còn chưa tin, nhưng tôi phải tìm ra.
– Và anh ấy đang tiêu những khoản tiền mà trước đây anh ấy không hề tiêu, – Pam nói. Rồi chị ấy lại bật khóc thành tiếng.
Rối thật.
– Tối nay anh sẽ về nhà ăn tối chứ? – Tôi hỏi.
Pam gật đầu. Tôi nhấc điện thoại và gọi cho Vallie, bảo nàng là tôi ăn ở nhà Artie. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến nhà Artie ăn tối và anh em hàn huyên, nên Vallie không tỏ ra ngạc nhiên hay hỏi han gì.
Tôi gác máy và nói với Pam:
– Để em xuống nhà ga đón anh ấy. Và làm rõ chuyện này trước khi ăn tối.
Tôi nói giọng giễu giễu:
– Anh tôi vô tội.
– Chắc không? – Chị gượng cười.
Mặc dù mọi bằng chứng, như vết son trên áo chuyện về nhà trễ, chuyện gọi điện thoại đêm khuya, những khoản tiền ngoại lệ, tôi vẫn tin rằng Artie vô tội. Điều tệ hại nhất có thể xảy ra đó là một cô gái nào đó đeo đẳng quá khiến cuối cùng đành cũng yếu lòng đôi chút, có thể lắm.
Tôi vẫn luôn có chút ganh tị với Artie. Sao anh ấy lại hấp dẫn phụ nữ đến thế, theo cái cách tôi chẳng bao giờ có được. Với một chút tự mãn tôi chợt nhận thấy rằng xí trai chưa hẳn đã là điều bất hạnh!
Khi Artie ra khỏi xe lửa, anh không tỏ ra ngạc nhiên lắm khi thấy tôi. Trước đây tôi vẫn thường làm chuyện này, đến thăm anh bất ngờ và đón anh ở nhà ga. Tôi vẫn luôn thấy dễ chịu khi làm điều ấy và anh vẫn luôn sung sướng khi thấy tôi đứng đón anh. Lần này, nhìn kĩ, tôi nhận thay hôm nay gặp tôi, anh chẳng vui gì mấy.
– Chú làm gì ở đây vậy?
Anh nói, nhưng anh vẫn ôm siết tôi và mỉm cười. Đối với một người đàn ông, thì nụ cười của anh quá ư ngọt ngào. Một nụ cười vẫn rất hồn nhiên trẻ thơ, chưa có vẻ gì đổi thay cùng năm tháng.
– Em đến để xin cho anh khỏi bị đòn đấy, – Tôi nói vui – Chị Pam nói đã bắt được quả tang anh phạm tội.
Anh cười:
– Lạy Chúa, lại chuyện nhảm ấy nữa. Tính cả ghen của Pam luôn là đề tài gây cười.
– Đúng mà, – Tôi nói. – Nào là đi làm về trễ, gọi điện thoại trong đêm và bây giờ, cuối cùng là, bằng chứng “kinh điển” dấu son trên áo anh.
Tôi cảm thấy vui khi gặp Artie và nói chuyện với anh tôi biết rằng đó là sự nhầm lẫn thôi.
Nhưng thình lình Artie ngồi xuống vào một trong những băng ghế. Mặt anh lộ vẻ mệt mỏi. Tôi đứng bên anh và bắt đầu thấy hơi áy náy.
Artie ngước nhìn tôi. Thấy một tia nhìn thương hại lạ lùng trên mặt anh.
– Đừng lo, – Tôi nói. – Em sẽ dàn xếp mọi chuyện.
Anh gượng cười:
– Này pháp sư Merlin, – Anh nói. – Cái mũ ma thuật của pháp sư đâu? Đội mũ phép lên đi. Và ngồi xuống đây!
Anh đốt một điếu thuốc. Tôi lại nghĩ anh hút nhiều quá. Tôi ngồi xuống kế bên anh. Ối đào, tôi nghĩ. Và đầu óc tôi chạy đua tìm giải pháp để gỡ rối mọi chuyện giữa anh và Pam. Một điều tôi biết, tôi không muốn nói dối với chị ấy hay khuyên Artie nói dối với Pam.
– Tôi không lừa dối Pam đâu, – Artie nói. – Và đó là tất cả những gì tôi muốn nói với chú.
Chuyện tôi tin anh không đặt vấn đề.
– Đồng ý, – Tôi nói. – Nhưng anh phải cho Pam biết chuyện gì đang xảy ra nếu không chị ấy sẽ điên mất. Chị gọi cho em lúc em đang làm việc.
– Nếu nói với Pam, tôi phải nói với chú? – Artie nói. – Chú không muốn nghe chuyện đó?
– Nói em nghe đi, – Tôi nói. – Có gì ghê gớm mà anh phải giữ kín? Anh vẫn luôn nói với em mọi chuyện mà. Có sao đâu?
Artie buông rơi điếu thuốc xuống nền sân ga.
– Ok, – Anh nói.
Anh đặt bàn tay lên cánh tay tôi và tôi bỗng thấy kinh hoảng. Thuở ấu thơ những lúc chúng tôi cô đơn bên nhau, anh vẫn làm như thế để trấn an tôi.
– Để tôi nói hết, đừng ngắt lời nhé, – Anh nói.
– Ok, – Tôi nói.
Mặt tôi bỗng nóng lên. Tôi không nghĩ ra điều gì sắp đến.
– Trong mấy năm vừa qua, anh đã cố đi tìm mẹ chúng ta, – Artie nói. – Bà là ai, bà đang ở đâu, chúng ta là gì? Một tháng trước đây, tôi đã gặp mẹ.
Tôi đứng lên. Tôi rút cánh tay mình ra khỏi bàn tay anh. Artie cũng đứng lên và cố giữ tôi lại.
– Bà nghiện rượu. Bà đánh son môi. Trông bà khá xinh đẹp. Nhưng bà cô đơn trong đời này. Bà muốn gặp mặt chú, bà nói rằng bà không thể…
Tôi ngắt lời anh:
– Đừng kể với em nữa, – Tôi nói. – Đừng bao giờ kể với em nữa. Anh muốn làm gì thì làm, nhưng em sẽ không nhìn mặt bà trừ khi gặp nhau ở hỏa ngục!
– Thôi nào, thôi nào, chú làm gì vậy, – Artie nói.