Đọc truyện Những Đứa Con Của Tự Do – Chương 40
Một buổi sáng tháng Chín năm 1974, tôi sắp mười tám tuổi, mẹ bước vào phòng tôi. Mặt trời chỉ mới mọc và mẹ thông báo rằng tôi sẽ không đến trường.
Tôi nhỏm dậy trên giường. Năm nay, tôi chuẩn bị thi tú tài và tôi ngạc nhiên vì mẹ đề nghị tôi bỏ buổi học. Mẹ đi với cha cả ngày và muốn em gái tôi và tôi cùng đi. Tôi hỏi đi đâu, mẹ nhìn tôi với nụ cười chẳng bao giờ rời mẹ- Nếu con hỏi cha, có lẽ dọc đường cha sẽ nói với con về một câu chuyện mà cha chưa bao giờ kể cho các con.
Chúng tôi tới Toulouse vào giữa ngày. Một xe hơi đợi chúng tôi ở nhà ga và đưa chúng tôi đến quảng trường lớn của thành phố.
Trong lúc em gái tôi và tôi ngồi vào bậc khán đài gần như vắng vẻ không người, thì cha tôi và chú em cha, cùng đi có một số nam giới và phụ nữ, bước xuống các bậc, tiến về một lễ đài dựng giữa sân cỏ. Mọi người xếp thành hàng, một bộ trưởng tiến về phía họ và đọc một bài diễn văn:
“Vào tháng Mười một năm 1942, những người Lao động nhập cư ở miền Tây Nam đã tự tổ chức thành phong trào kháng chiến vũ trang để lập ra đội 35 FTP-MOI 1.
Là người Do Thái, công nhân, nông dân, đa số là người nhập cư Hungari, Tiệp Khắc, Ba Lan, Rumani, Italia, Nam Tư, hàng trăm hàng trăm người trong số họ đã tham gia giải phóng Toulouse, Montauban, Agen; họ đã có mặt ở mọi trận chiến để đuổi quân thù ra khỏi Garonne-Thượng, khỏi Tarn, khỏi Tarn-et-Garonne, khỏi Ariège, khỏi Gers, khỏi các miền Pyrénées-Thượng và Hạ.
Nhiều người trong số họ đã bị đi đày hoặc đã hy sinh, theo gương người chỉ huy Marcel Langer…
Bị truy đuổi, chịu khốn khổ, thoát khỏi lãng quên, họ là biểu tượng của tình anh em được đào luyện trong cảnh đau khổ sinh ra từ sự chia rẽ, và cũng là biểu tượng cho sự dấn thân của những người phụ nữ, những trẻ em và những người đàn ông đã góp phần khiến đất nước chúng ta, đất nước đã bị nộp cho bọn quốc xã làm con tin, từ từ ra khỏi sự thinh lặng để cuối cùng phục sinh…
Cuộc chiến đấu, bị pháp luật thời ấy kết tội, là một cuộc chiến đấu vinh quan. Nó là thời kỳ mà cá nhân vượt lên thân phận của chính mình khi khinh thường thương tích, sự tra tấn, cảnh tù đày và cái chết.
Chúng ta có bổn phận dạy cho con cái chúng ta biết cuộc chiến đấu ấy mang những giị xiết bao thiết yếu, biết cuộc chiến đấu ấy, do phải trả giá hết sức nặng nề cho tự do, nên xiết bao xứng đáng được khắc ghi trong ký ức của nước Cộng hòa Pháp 2.”
Bộ trưởng cài một huân chương lên ve áo của họ. Khi một người trong số họ, nổi bật bởi màu tóc đỏ hoe, đến lượt nhận huân chương, thì một người đàn ông bước lên lễ đài. Ông mặc trang phục màu xanh nước biển của Không lực Hoàng gia Anh và đội mũ lưỡi trai trắng. Ông lại gần con người, thời xưa, mang tên Jeannot và thong thả chào người đó như người ta chào một quân nhân. Thế là, cặp mắt của một cựu phi công và cặp mắt của một cựu tù nhân đi đày lại gặp nhau.
° ° °
Vừa bước xuống khỏi lễ đài, cha tôi tháo huân chương cất vào túi áo vét. Ông đến bên tôi, khoác vai tôi và nói khẽ “Lại đây, cha cần phải giới thiệu con với bạn bè, rồi ta về nhà.”
° ° °
Buổi tối, trong chuyến tàu đưa chúng tôi trở lại Paris, tôi chợt thấy cha náu mình trong thinh lặng, nhìn đồng quê lướt qua. Bàn tay cha đặt lơ đãng trên chiếc bàn nhỏ ngăn giữa chúng tôi. Tôi đã ấp bàn tay mình lên bàn tay ấy, điều này không phải là vô nghĩa, cha con tôi chẳng mấy khi chạm vào nhau. Cha không ngoảnh đầu lại, nhưng tôi có thể nhìn thấy, trong kính cửa sổ, bóng nụ cười của cha. Tôi hỏi cha tại sao cha đã không kể cho tôi tất cả những điều ấy sớm hơn, tại sao lại chờ đợi suốt thời gian ấ
Cha nhún vai.
– Con muốn cha nói gì với con nào?
Tôi thì tôi nghĩ rằng tôi những muốn được biết cha là Jeannot, tôi những muốn được mang theo câu chuyện của cha dưới bộ đồng phục học sinh của mình.
– Rất nhiều chiến hữu đã ngã xuống dưới những thanh ray này, chúng ta đã giết người. Về sau, cha chỉ muốn con nhớ rằng cha là cha của con.
Và, rất lâu về sau, tôi hiểu rằng cha đã muốn làm đầy tuổi thơ tôi bằng một tuổi thơ khác với tuổi thơ cha.
Mẹ không rời mắt khỏi cha. Mẹ đặt một nụ hôn lên môi cha. Qua ánh nhìn hai người trao cho nhau, em gái tôi và tôi đoán hiểu được họ đã yêu nhau biết mấy từ ngày đầu tiên.
Tôi nhớ lại những lời cuối cùng của Samuel
Jeannot đã giữ lời hứa.
Như thế đó, em yêu. Người đàn ông đứng tựa khuỷu tay bên quầy giải khát phố Tourneurs và mỉm cười trong vẻ thanh nhã của mình, đó là cha tôi.
Dưới mảnh đất Pháp này, bạn bè của cha yên nghỉ.
Mỗi lần ở nơi này hay nơi nọ tôi nghe thấy người nào đó phát biểu những ý tưởng của anh ta giữa một thế giới tự do, tôi lại nghĩ đến họ.
Lúc đó tôi nhớ rằng cái từ “Người nước ngoài” là một trong những lời hứa hẹn đẹp đẽ nhất của thế gian, một lời hứa hẹn đầy màu sắc, đẹp như Tự do.
Tôi sẽ không bao giờ có thể viết được cuốn sách này nếu không có những lời kể và các câu chuyện thu thập từ Une histoire vraie (Claude và Raymond Levy, NXB Français Réunis), La Vie des Francais sous lOcccupation (Henri Amoroux, NXB Fayard), Les Parias de la Résistance (Claude Levy, NXB Calmann-Lévy), Ni travail, ni famille, ni patrie – Journal dune brigade FTP-MOI, Toulouse, 1942-1944 (Gérard de Verbizier, NXB Calmann-Lévy), LOdyssée du train fantôme. 3 juillet 1944: une page de notre histoire(Jürg Altwegg, NXB Robert Laffont), Schwartzenmurtz ou lEsprit de parti (Raymond Levy, NXB Albin Michel) và Le Train Fantôme – Toulouse-Bordeaux, Sorgues-Dachau (Études Sorguaises).
Lời cảm ơn
Emmanuelle Hardouin
Raymond và Danièle Levy, Claude Levy
Claude và Paulette Ur
Pauline Lévêque
Nicole Lattès, Leonello Brandolini, Brigitte Lannaud, Antoine Caro, Lydie Leroy, Anne-Marie Lefant, Elisabeth Villeneuve, Brigitte và Sarah Forissier, Tine Gerber, Marie Dubois, Brigitte Strauss, Serge Bovet, Céline Ducournau, Aude de Margerie, Arié Sberro, Sylvie Bardeau và tất cả các thành viên của Nhà xuất bản Robert Laffont.
Laurent Zahut và Marc Mehenni
Léonard Anthony
Éric Brame, Kamel Berkane, Phillippe Guez
Katrin Hodapp, Mark Kessler, Marie Garnero, Marion Millet, Johanna Krawczyk
Pauline Normand, Marie-Ève Provost
và
Susanna Lea và Antoine Audouard
— —— —— —— ——-
1 FPT (Francs-tireurs et partisans): Nghĩa quân và du kích.
MOI (Main-doeuvre immigrée): Lao động nhập cư.
2 Diễn văn của Charles Hemu, bộ trưởng bộ Quốc phòng (chú thích của tác giả