Những Đứa Con Của Nửa Đêm

Chương 31: Abracadabra[1]


Đọc truyện Những Đứa Con Của Nửa Đêm – Chương 31: Abracadabra[1]

[1] Câu thần chú mà các ảo thuật gia Ấn Độ thường sử dụng khi diễn trò, tương tự như Úm ba la xì bùa.

Sự thật là, tôi đã nói dối về cái chết của Shiva. Sự dối trá thẳng thừng đầu tiên của tôi, mặc dù phần tường thuật của tôi, về thời kỳ Khẩn cấp dưới dạng một nửa đêm kéo dài sáu trăm ba mươi lăm ngày, có lẽ là lãng mạn quá mức, và chắc chắn sẽ mâu thuẫn với hồ sơ dữ liệu về khí tượng. Mặc dầu vậy, và cho dù người khác nghĩ gì đi nữa, dối trá không hề là việc dễ dàng với Saleem, và tôi đang cúi gằm mặt xấu hổ khi thú nhận chuyện này…

Vậy thì, vì sao, lời nói dối trắng trợn duy nhất này? (Bởi vì, trên thực tế, tôi không hề biết địch thủ của/đứa trẻ bị đánh tráo với tôi đi về đâu sau tai biến tại Khách sạn Góa phụ; hắn ở hỏa ngục hay nhà thổ cuối đường thì tôi cũng chẳng phân biệt được.) Padma, gắng hiểu cho tôi: tôi vẫn khiếp sợ hắn.

Nợ nần giữa tôi và hắn chưa thanh toán hết, và mỗi ngày trôi qua tôi vẫn run rẩy trước ý nghĩ rằng biết đâu người hùng thời chiến sẽ khám phá ra bí mật lúc chào đời của hắn. Có bao giờ hắn được cho xem một cặp hồ sơ có ba chữ cái đầu bật-mí-bí-mật? Và rằng, bị sự mất mát không thể vãn hồi của quá khứ thổi bùng lên cơn thịnh nộ, biết đâu hắn sẽ đến tìm tôi để giáng xuống một đòn báo thù ngạt thở… Lẽ nào tất cả sẽ kết thúc như thế, sinh mệnh bị bóp nghẹt khỏi tôi bởi một cặp đầu gối siêu nhân, tàn ác?

Thế nên, tôi mới bịa đặt. Lần đầu tiên, tôi trở thành nạn nhân của sự cám dỗ mà mọi người viết tự truyện đều gặp phải, của ảo tưởng rằng bởi vì quá khứ chỉ tồn tại trrong những ký úc của con người và những từ ngữ cố gắng một cách vô ích để biểu đạt chúng nên có thể tạo ra những sự kiện trong quá khứ đơn giản bằng cách viết rằng chúng đã xảy ra.

Nỗi sợ hiện tại của tôi đã đặt khẩu súng vào tay Roshanara Shetty, với hồn ma của Trung tá Sabarmati đứng sau nhòm qua vai tôi. Tôi cho cô hối lộ ve vãn luồn lọt để vào được xà lim của hắn… Tóm lại, ký ức về một trong những tội ác đầu tiên đã tạo nên tình huống (giả tưởng) cho tội ác cuối cùng của tôi.

Kết thúc màn thú tội: bây giờ tôi đang đến gần một cách nguy hiểm cái kết cho những hồi tưởng của tôi. Đêm đã về, Padma đã vào vị trí. Ở bức tường trên đầu tôi, một con thằn lằn vừa nhai rau ráu một con ruồi. Cái nóng nung nấu của tháng Tám, dư sức ngâm cả não người, hân hoan sủi bọt giữa hai tai tôi. Và mới năm phút trước chuyến tàu nội hạt cuối cùng, đã vạch một đường vàng-và-nâu về phía Nam đến Ga Churchgate, thành thử tôi không nghe thấy điều Padma vừa nói, với vẻ thẹn thùng che giấu một quyết tâm mãnh liệt như dầu hỏa. Tôi đành bảo cô nhắc lại, và những cơ thịt của sự ngỡ ngàng bắt đầu co giật ở bắp chân cô.

Tôi phải lập tức ghi lại rằng đóa sen-phân của chúng ta đã nói lời cầu hôn, “để em có thể săn sóc ông, mà không phải hổ hẹn với bàn dân chiên hạ.”

Đúng như tôi sợ! Nhưng giờ lời đã nói ra, và Padma (tôi có thể đoán được) sẽ không chấp nhận câu trả lời “không”.

Tôi phản đối, như một trinh nữ mặt đỏ bừng: “Như vậy thì đường đột quá, rồi còn vụ phẫu thuật, rồi thứ bị vứt cho chó ăn: em không ngại ư? Và Padma, Padma, còn cả thứ-ăn-mòn-xương, nó sẽ biến em thành quả phụ! Và em mà nghĩ xem, còn lời nguyền chết thảm nữa, hãy nghĩ cái Parvati, em có chắc không, có chắc không có chắc không hả…?”

Nhưng Padma, hàm răng siết chặt thành khối bê tông của một quyết tâm hùng hồn không gì lay chuyển nổi, trả lời: “Ông nghe em đây – với em không có nhưng nhị gì sất! Không bàn đến mấy chuyện hoang đường ấy nữa. Còn có tương lai để nghĩ tới.” Tuần trăng mật sẽ diễn ra ở Kashmir.

Dưới cái nóng hừng hực từ quyết tâm của Padma, lòng tôi nhói lên một ý nghĩ điên cuồng rằng, biết đâu, sau tất cả, em là người có thể thay đổi kết cục câu chuyện của tôi, bằng sức mạnh ý chí phi thường của em. Rằng những vết nứt – và bản thân cái chết – có thể sẽ phải lùi bước trước quyền năng của niềm quan thiết khôn nguôi em dành cho tôi…

“Còn có tương lai để nghĩ tới,” em nhắc tôi.

Và biết đâu (tôi cho phép mình nghĩ lần đầu tiên từ khi bắt đầu câu chuyện này) – biết đâu còn có thật! Hằng hà sa số những cái kết mới chen chúc quanh đầu tôi, vo ve như bầy côn trùng của cái nóng…

“Mình cưới nhau đi, ông.” em cầu hôn, và đàn bướm đêm của niềm phấn khích loạn động trong ruột tôi, như thể em vừa đọc một chú ngữ thần bí, một câu abracadabra siêu phàm, giải phóng tôi khỏi định mệnh – nhưng hiện thực đang đeo đuổi tôi.

Tình yêu không chinh phục tất cả, trừ trong phim chớp bóng Bombay. Rách nứt rạn sẽ không bị đánh bại chỉ bởi một nghi lễ, và lạc quan là một căn bệnh.

“Vào sinh nhật ông, có được không?” em gợi ý. “Tam thập nhi lập, đàn ông ba mốt lấy vợ là phải rồi.”

Tôi biết nói thế nào với em? Làm sao tôi nói được, rằng còn có những kế hoạch khác cho ngày hôm đó, tồi luôn bị bóp nghẹt trong một định mệnh điên-cuồng-với-hình-thái, vốn thích gieo rắc tai ương vào những ngày linh thiêng… tóm lại, làm sao tôi nói được với em về cái chết? Tôi không thể, thay vào đó, với vẻ nhu mì và muôn phần cảm kích, tôi nhận lời cầu hôn của em. Tôi, đêm hôm nay, là một tân lang, hãy đừng ai nghĩ khắt khe về tôi vì đã tự cho phép mình – và bông sen kết tóc se tơ của tôi – niềm hoan lạc cuối cùng, tầm thường, vô nghĩa này.

Padma, qua việc cầu hôn, đã cho thấy, em sẵn lòng xem mọi thứ tôi kể cho em chỉ là những “chuyện hoang đường” không hơn không kém. Khi tôi trở lại Delhi và thấy Picture Singh cười ngoác miệng dưới bóng chiếc cầu đường sắt, tôi mau chóng hiểu ra rằng cả các nhà ảo thuật cũng đang mất dần ký ức. Đâu đó trong những lần di chuyển của khu ổ chuột lưu động, họ đã làm thất lạc năng lực ghi nhớ của mình, thành thử giờ đây họ đã mất khả năng phán đoán, vì họ đã quên mọi thứ có thể sử dụng để tham chiếu với những việc đã xảy ra.

Ngay cả thời kỳ Khẩn cấp cũng đang nhanh chóng rơi vào sự mai một của quá khứ, và các nhà ảo thuật chú tâm vào hiện tại với sự chuyên nhất của loài sên. Họ cũng không nhận ra rằng mình đã thay đổi; họ quên rằng mình đã từng khác bây giờ, chủ nghĩa Cộng sản đã rỉ ra khỏi họ và bị mặt đất khát nước, nhanh như thằn lằn, nuốt sạch; họ bắt đầu quên những kỹ năng nghề nghiệp trong cơn hỗn loạn của đói khát, bệnh tật và sự bạo hành của cảnh sát – những yếu tố cấu thành (như thường lệ) hiện tại.

Tuy nhiên, với tôi, sự thay đổi ở những bằng hữu cũ này không khác gì một cú sốc. Saleem đã biết thế nào là mất trí nhớ, và đã được thấy mức độ phi đạo đức của nó; trong đầu gã, quá khứ mỗi ngày trở nên một rực rỡ hơn trong khi hiện tại (đã bị những lưỡi dao cắt đứt khỏi gã mãi mãi) có vẻ không màu, rối rắm, một thứ chẳng có gì quan trọng; tôi, kẻ nhớ rõ từng sợi tóc trên đầu bọn cai ngục và bác sĩ phẫu thuật, choáng váng sâu xa trước thái độ ngần ngại nhìn lại sau lưng của các nhà ảo thuật.

“Người chả khác gì mèo,” tôi bảo con trai, “chẳng dạy được cái gì hết.”

Mặt thằng bé có vẻ nghiêm nghị rất hợp cảnh, nhưng nó nín thinh.

Con trai tôi Aadam Sinai đã, khi tôi tái phát hiện khu trại bóng ma của các nhà ảo thuật, mất hẳn mọi dấu tích của chứng lao phổi từng hành hạ nó hồi mới sinh. Tôi, lẽ dĩ nhiên, tin chắc chắn rằng căn bệnh đã tiêu tan cùng với sự sụp đổ của mụ Góa phụ; Picture Singh, mặc dù vậy, bảo tôi rằng công lao chữa bệnh phải được quy cho một mụ thợ giặt nào đó, tên gọi Durga, người đã nuôi vú thằng bé suốt thời gian nó ốm, cho nó ngày ngày hưởng dụng hai bầu sữa đồ sộ và bất tận của mụ.

“Cái mụ Durga ấy, đội trưởng,” người dụ rắn già nói, giọng anh tố cáo sự thật rằng, khi về già, anh đã trúng bùa xà ngải rắn của mụ dhoban nọ, “Thật là một người đàn bà!”

Mụ là người đàn bà có bắp tay cuồn cuộn, có cặp vú siêu nhiên đổ ra dòng sữa có khả năng nuôi dưỡng hàng trung đoàn. Và, người ta đồn kín với nhau rằng (mặc dù tôi ngờ rằng tin đồn này do chính mụ tung ra), có hai tử cung. Vú mụ nhiều sữa bao nhiêu thì đầu mụ cũng nhiều chuyện tấm phào với ngồi lê đôi mách bấy nhiêu. Mỗi ngày cả tá chuyện mới tuôn ra từ mồm mụ. Mụ sở hữu một nguồn năng lượng vô tận phổ biến trong tất cả đám chị em bạn nghề. Khi mụ quật những sơ mi và sari lên phiến đá giặt đến phọt hết sinh khí ra ngoài, mụ dường như gia tăng sức mạnh, như thể mụ hút cạn sinh lực của quần áo, những món đồ có chung một kết cục là phẳng lì, đứt hết khuy và bị nện nhừ tử. Mụ là một con quái vật sống hết ngày nào quên ngay ngày ấy.

Tôi phải hết sức miễn cưỡng bản thân khi đồng ý làm quen với mụ, và cũng hết sức miễn cưỡng tôi mới để mụ bước vào những trang viết này. Tên mụ, từ trước khi tôi gặp mụ, đã có mùi của cái mới, mụ đại diện cho tân kỳ, những khởi đầu, sự xuất hiện của những câu chuyện sự kiện điều phức tạp mới, mà tôi thì không còn hứng thú với bất cứ thứ gì mới nữa. Tuy nhiên, một khi Pictureji đã cho tôi biết anh định lấy mụ, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác, mặc dù vậy, tôi sẽ đề cập đến mụ vắn tắt nhất mà vẫn bảo đảm tính xác thực.

Nào thì vắn tắt: mụ Durga thợ giặt là một con hồ ly tinh! Một con thằn lằn hút máu đội lốt người! Và ảnh hưởng của mụ lên Picture Singh chỉ có thể so với uy lực của mụ đối với những chiếc áo bị quật vào đá, nói tóm lại, mụ đè bẹp anh. Gặp mụ một lần, tôi hiểu tại sao nhìn Picture Singh lại già và sầu thảm như thế. Nay bị tước đi chiếc ô hòa hợp mà nam phụ lão ấu từng tụ tập ở dưới để được nhận lời khuyên và bóng mát, anh như ngày một héo hon đi. Khả năng anh trở thành con Chim ngân nga thứ hai đang tan biến ngay trước mắt tôi.

Durga, trong khi đó, ngày một vượng hơn: những chuyện ngồi lê đôi mách của mụ ngày càng tục tĩu, giọng mụ ngày một to và khàn, đến khi rốt cuộc mụ làm tôi nhớ đến Mẹ Bề trên những năm cuối đời, khi bà phình ra còn ông tôi co lại. Sự tái hiện đầy hoài niệm hình ảnh ông bà tôi là điều duy nhất làm tôi hứng thú ở tính cách của mụ thợ giặt mồm loa mép giải này.

Nhưng không thể nào phủ nhận sự hào phóng của tuyến sữa của mụ: Aadam, ở tháng thứ hai mươi mốt, vẫn đầy thỏa mãn bú vú mụ. Đầu tiên tôi nghĩ đến việc cho thằng bé cai sữa, nhưng rồi nhớ ra con trai tôi chỉ làm duy nhất điều nó muốn, nên tôi thôi không ép nó nữa. (Và, hóa ra, tôi đã đúng khi không làm thế.) Vì cái tử cung nghe-đồn-là-kép của mụ, tôi không có khao khát biết chuyện đấy thật hay giả, nên không đi sâu tìm hiểu.

Tôi đề cập đến Durga mụ dhoban, chủ yếu vì chính mụ là người đầu tiên, một buổi tối khi chúng tôi đang dùng bữa với hai mươi bảy hạt cơm mỗi suất, tiên đoán về cái chết của tôi.

Tôi, phát bực với dòng tin tức và tán nhảm bất tận của mụ, phàn nàn, “Durga Bibi, chả ai quan tâm đến mấy chuyện chị kể đâu!”

Nghe vậy mụ, bình thản, “Saleem Baba, tôi tử tế với cậu vì Pictureji bảo rằng sau khi bị bắt chắc cậu tan vỡ ghê gớm lắm. Nhưng, nói thật, tôi thấy độ này cậu chả quan tâm đến cái gì ngoài việc vật vờ đi lại. Cậu nên biết rằng khi một người mất hứng thú với cái mới, anh ta đang mở cánh cửa đón Hắc thần.”

Và mặc dù Picture Singh mềm mỏng, “Coi nào, đội trưởng gái, đừng khắt khe với cậu bé,” mũi tên của Durga mụ dhoban đã trúng đích.

Trong tình trạng kiệt quệ của ngày trở về sau khi bị hút kiệt, tôi tìm thấy ngày tháng trống rỗng bao bọc lấy tôi như một lớp thạch dày. Và mặc dù Durga đề nghị, vào sáng hôm sau, và có lẽ do chật lòng áy náy về những lời lẽ cay nghiệt của mình, giúp tôi hồi phục sức khỏe bằng cách cho tôi bú vú trái trong khi con trai tôi bú bên phải, “và sau đó biết đâu cậu sẽ suy nghĩ bình thường trở lại,” những điềm báo của tử vong bắt đầu chiếm lĩnh phần lớn tâm trí tôi; thế rồi tôi khám phá ra tấm gương của sự hèn mọn ở bến xe Shadipur, và bắt đầu tin rằng tử kỳ của tôi đang đến.

Đó là tấm gương treo nghiêng phía trên lối vào ga ra xe buýt. Tôi, lang thang vô định trong sân trước của bến xe, bị thu hút bởi ánh mặt trời nhấp nháy mà nó phản chiếu ra. Tôi nhận ra đã nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, tôi chưa nhìn thấy mình trong gương, và đi qua đứng bên dưới nó. Nhìn lên tấm gương, tôi thấy mình biến dạng thành một người lùn đầu to, thân trên nặng nề, trong hình ảnh bị thu ngắn lại một cách hèn mọn ấy của bản thân, tôi thấy tóc mình nay đã xám xịt như mây trời.

Thằng lùn trong gương, với khuôn mặt nhăn nheo và đôi mắt mỏi mệt, gợi nhớ sâu sắc cho tôi về ông tôi Aadam Aziz vào cái ngày ông nói chuyện nhìn thấy Chúa với chúng tôi. Khi ấy những khổ não được Parvati-phù-thủy chữa khỏi đều (hệ quả của việc bị hút kiệt) trở lại hành hạ tôi. Tay chín ngón, sừng thái dương, đầu sư cọ, mặt nhọ, chân vòng kiềng, mũi dưa chuột, bị thiến, và nay lại già trước tuổi, tôi đã thấy trong tấm gương của sự hèn mọn ấy một con người mà lịch sử không còn gì để làm nữa, một sinh vật dị hợm vừa được phóng thích khỏi cái số kiếp tiền định đã đánh đập gã tơi bời cho đến khi gã chỉ còn nửa điên nửa tỉnh, với một tai lành và một tai điếc tôi nghe thấy tiếng chân vị Hắc thần của cái chết.

Khuôn mặt trẻ-già của thằng lùn trong gương biểu lộ sự nhẹ nhõm sâu sắc.

Tôi đang trở nên rầu rĩ, ta hãy đổi đề tài… Đúng hai mươi bốn tiếng, trước khi lời chế nhạo của một anh hàng trầu, khiêu khích Picture Singh đến chỗ lên đường đi Bombay, Aadam Sinai con tôi đi đến một quyết định, cho phép chúng tôi đồng hành với người dụ rắn.

Sau một đêm, chẳng hề báo trước, và trước sự bần thần của người vú nuôi thợ giặt, người buộc phải vắt sữa thừa vào những thùng vanaspati năm lít, thằng bé Aadam tai quạt cự cai sữa, lẳng lặng từ chối bầu vú và yêu cầu (không lời) được ăn dặm: cơm nhão đậu nhừ bích quy. Như thể nó đã quyết định cho phép tôi tiến đến cái đích riêng tư và nay-đã-rất-gần của mình.

Tính tự chủ câm lặng của một đứa trẻ chưa đầy hai tuổi: Aadam không hề nói khi nào nó đói hay buồn ngủ hay nóng lòng thực hiện các nhu cầu tự nhiên. Nó đòi hỏi chúng tôi phải tự biết. Sự quan tâm liên tục mà nó yêu cầu có lẽ là một trong số những nguyên nhân khiến tôi tiếp tục, bất chấp mọi chỉ dấu về điều ngược lại, sống được… chẳng làm được gì khác trong những ngày mới thoát kiếp giam cầm, tôi tập trung vào trông nom con trai tôi.

“Anh nói thực, đội trưởng, may mà cậu quay về,” Picture Singh đùa, “không thì thằng bé này đã biến mọi người thành ayah hết.”

Tôi một lần nữa hiểu rằng, Aadam là thành viên của một thế hệ thứ hai, của những đứa trẻ thần kỳ, sẽ lớn lên, kiên cường hơn nhiều thế hệ trước. Không tìm kiếm vận mệnh của mình trong những lời tiên tri hay chiêm tinh, mà tôi luyện ra nó trong lò lửa bất khuất của ý chí của chúng.

Nhìn vào đôi mắt đứa trẻ vừa không phải con tôi, đồng thời là hậu duệ của tôi hơn bất kỳ đứa con máu thịt nào, tôi thấy trong đôi đồng tử trống rỗng, trong veo ấy một tấm gương thứ hai của sự hèn mọn. Cho tôi thấy rằng, từ giờ trở đi, tôi chỉ còn đóng vai trò ngoại vi như bất cứ ông già vô dụng nào: chức năng truyền thống, có thể, của một người hồi tưởng, người kể chuyện…

Tôi cứ băn khoăn không biết trên cả nước đàn con trai hoang của Shiva có đang, áp đặt ách bạo quyền tương tự lên những bậc cha mẹ bất hạnh, và lần thứ hai mường tượng ra bầy nhóc con có sức mạnh đáng sợ này, đang lớn lên đợi chờ nghe ngóng, tập dượt cho thời khắc cả thế giới sẽ biến thành đồ chơi của chúng.

(Làm thế nào để, trong tương lai, nhận diện những đứa trẻ này: rốn chúng lồi ra thay vì thụt vào).

Nhưng đã đến lúc kể tiếp câu chuyện: một lời chế nhạo, một đoàn tàu sau chót chạy về phương Nam Nam Nam, một trận chiến tối hậu… Ngay sau cái ngày Aadam cai sữa, Saleem theo Picture Singh đến Connaught Place để phụ anh trong màn xiếc rắn. Durga mụ dhoban bằng lòng dắt con trai tôi theo đến dhobi-ghat. Aadam dành cả ngày quan sát sức mạnh bị nện phọt ra khỏi quần áo của người giàu và được mụ hồ ly ấy hấp nạp ra sao.


Vào cái ngày định mệnh ấy, khi tiết trời ấm áp đang trở lại thành phố như một đàn ong, tôi bị gặm nhấm trong niềm hoài nhớ chiếc ống nhổ bị xe ủi đè bẹp. Picture Singh đã cho tôi một vật-thay-thế-ống-nhổ, một can dầu Dalda Vanaspati rỗng. Nhưng mặc dù tôi vẫn dùng nó mua vui cho con tôi bằng sự thành thạo trong môn nghệ thuật đầy tinh tế phụt-ống-nhổ, phun những tia nước trầu dài trong không khí bụi bặm ở khu trại của giới ảo thuật, tôi vẫn không nguôi nỗi nhớ.

Câu hỏi: việc gì phải đau khổ chỉ vì một cái hứng bã trầu? Câu trả lời của tôi là quý vị đừng bao giờ đánh giá thấp một cái ổng nhổ.

Tao nhã trong salon của Quận chúa xứ Cooch Naheen, nó cho phép giới trí thức rèn luyện một hình thức nghệ thuật đại chúng. Lấp lánh dưới hầm, nó biến thế giới ngầm của Nadir Khan trở thành một Taj Mahal thứ hai. Nằm phủ bụi trong cái rương tôn cũ, nhưng nó luôn hiện diện trong suốt lịch sử của tôi. Ngấm ngầm hấp thụ những tai biến trong tủ giặt, hồn ma, đóng băng, tan băng, hút kiệt, lưu đày.

Từ trên trời rơi xuống như một mảnh trăng, nó đã kích phát một sự biến đổi. Ôi chiếc ống nhổ bùa thiêng! Ôi vật thu nhận ký ức cũng như bã trầu mỹ lệ nay đã thất lạc! Có con người nhạy cảm nào lại không thông cảm với nỗi xót xa hoài niệm của tôi trước sự thất lạc của nó?

Bên cạnh tôi ở cuối cỗ xe buýt căng phồng nhân loại, Picture Singh ngồi với những sọt rắn cuộn tròn ngây thơ trên lòng anh. Suốt dọc đường xóc lên nảy xuống chạy xuyên cái thành phố đầy rẫy cả những hồn ma sống dậy của những thành Delhi xa xưa và thần thoại. Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian toát ra một vẻ ngã lòng uể oải, như thể một trận chiến trong một căn buồng tối xa xăm đã kết thúc…

Cho đến khi tôi quay về, không ai hiểu được nỗi sợ đích thực và không nói ra của Pictureji, là anh thấy mình đang già đi. Sức mạnh của anh đang lịm dần, anh sẽ sớm trôi dạt và bất lực trong một thế giới mà anh không hiểu. Như tôi, Picture Singh bấu víu vào sự hiện diện của Bé Aadam như thể thằng bé là ánh đuốc trong một đường hầm dài tăm tối.

“Một thằng bé ngoan, đội trưởng,” anh bảo tôi, “một chằng bé đầy tự trọng: ta hầu như không để ý đến tai nó.”

Tuy nhiên, ngày hôm đó con trai tôi không đi cùng chúng tôi.

Mùi của New Delhi xộc vào mũi tôi trên Connaught Place, hương bích quy từ quảng cáo của J.B. Mangharam, mùi phấn bảng sầu thảm của thạch cao bong tróc. Và hơi bi kịch của các tài xế xe lam, do xăng tăng giá mà đói đến nỗi buông xuôi tất cả. Và hương-cỏ-xanh của vòng tròn tiểu cảnh nằm giữa bùng binh giao thông, trộn lẫn với mùi những tên lừa đảo đang thuyết phục khách nước ngoài đổi ngoại tệ chợ đen dưới những mái vòm rợp bóng.

Từ Quán cà phê Ấn Độ, nơi dưới mái lều bạt không ngớt rộn lên tiếng lao xao tán gẫu tỏa ra mùi hương kém dễ chịu của những câu chuyện mới đang bắt đầu. Tình ái, hôn nhân, cãi cọ, tất cả đều bị trộn lẫn với mùi trà và pakora cay. Thứ tôi ngửi thấy ở Connaught Place: sự có mặt ăn xin quanh đó của một cô gái mặt sẹo năm xưa từng là Sundari-mỹ-nhân-tuyệt-sắc. Và ký-ức-thất-lạc, và hướng-tới-tương-lai, và chẳng-có-gì-thật-sự-thay-đổi… Quay lưng lại những dự cảm khứu giác ấy, tôi tập trung vào những mùi nồng nặc và đơn thuần hơn của nước đái (người) và phân động vật.)

Dưới hàng cột của Nhà F tại Connaught Place, cạnh mẹt sách vỉa hè, là chỗ ăn nên làm ra của một anh hàng trầu. Anh ngồi khoanh chân phía sau cái quầy kính xanh như một tiểu thần của chốn này. Tôi đưa anh vào những trang cuối cùng này bởi vì, mặc dù bốc ra mùi nghèo đói, kỳ thực, anh là người có của. Chủ nhân của một chiếc Lincoln Continental, mà anh đậu khuất tầm mắt ngoài Bùng binh Connaught, được anh mua bằng gia tài kiếm được từ bán thuốc lá nhập lậu và đài bán dẫn.

Mỗi năm anh vào tù nghỉ mát hai tuần, và thời gian còn lại trả cho vài viên cảnh sát một mức lương hậu hĩnh. Trong tù anh được biệt đãi như một ông hoàng, nhưng đứng đằng sau cái quầy kính xanh, anh trông rất bình thường, vô hại, thành thử không dễ (nếu không có một cái mũi nhạy bén cỡ Saleem) nhìn ra đây là một người biết tất cả mọi thứ về tất cả mọi thứ, người có mạng lưới quan hệ bất tận cho phép anh nắm được những thông tin bí mật…

Với tôi anh là sự gợi nhớ bổ sung và không phải là không dễ chịu về một nhân vật tương tự mà tôi biết ở Karachi trong những ngày rong ruổi trên chiếc Lambretta. Tôi mải hít thở mùi hương quen thuộc của hoài niệm đến nỗi, khi anh lên tiếng, anh làm tôi giật mình.

Chúng tôi dựng rạp biểu diễn ngay cạnh quầy của anh, trong khi Pictureji mải đánh bóng sáo và đội lên đầu cái khăn xếp khổng lồ màu nghệ, tôi thực hiện vai trò hoạt náo viên.

“Lại đây lại đây – cơ hội cả đời có một đây! Ladees ladah, lại xem lại xem lại xem đi! Đây là ai ? Không phải hạng bhangi tầm thường, chẳng phải loại bịp bợm đầu đường. Đây, hỡi các công dân, các ông các bà, là Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian! Phải, lại xem đi lại xem đi: ảnh của anh do chính Công ty Eastman-Kodak chụp! Lại đây mau đừng sợ – PICTURE SINGH ở đây!”

Và đủ thứ ba hoa rác rưởi khác, nhưng rồi anh hàng trầu lên tiếng:

“Tôi biết một màn oách hơn. Anh chàng này đâu phải là số một. Ồ không, chắc chắn là không. Ở Bombay có người còn oách hơn.”

Đấy là cách Picture Singh biết đến sự tồn tại của kình địch, cũng là lý do vì sao anh, vứt bỏ mọi kế hoạch trình diễn, thẳng tiến đến anh hàng trầu đang cười hờ, và sục xuống sâu trong anh để tìm lại giọng nói quyền uy khi xưa, rồi nói, “Cậu sẽ cho tôi biết sự thật về tên bịp bợm này, đội trưởng, nếu không tôi sẽ tống răng cậu chui vào họng cho đến khi chúng cắn vào dạ dày cậu.”

Và anh hàng trầu, tỉnh khô, thừa biết ba viên cảnh sát lảng vảng gần đó sẽ mau mắn can thiệp để bảo vệ đồng lương của họ nếu cần thiết. Thì thầm với chúng tôi bí mật về tài vạn sự thông của anh, cho chúng tôi biết ai bao giờ ở đâu, tới khi Picture Singh nói bằng một giọng mà vẻ quả quyết đã che lấp đi nỗi sợ của anh.

“Tôi sẽ đi tìm và cho gã Bombay này biết ai là số một. Trên đời này, các đội trưởng, không có chỗ cho hai Người Dụ Hoặc Nhất.”

Người bán các thức trầu trân phẩm, nhún vai một cách tế nhị, phún xuất dưới chân chúng tôi.

Như một câu thần chú, lời giễu cợt của người bán trầu đã mở ra cánh cửa cho Saleem trở về thành phố chôn nhau cắt rốn, nơi trú ngụ của nỗi hoài nhớ sâu sắc nhất trong gã. Phải, đó là một câu “vừng ơi mở ra,” và khi chúng tôi quay về dãy lều nát dưới gầm cầu đường sắt, Picture Singh bới đất rồi moi lên chiếc khăn mùi soa buộc túm đựng đồ bảo mệnh của anh, mảnh vải bạc màu bụi đất nơi anh tích cóp những đồng xu cho lúc tuổi già.

Và khi Durga mụ thợ giặt từ chối đi cùng anh, “Ông nghĩ sao vậy, Pictureji, tôi là loại đàn bà triệu phú hay sao mà có thời gian nghỉ mát kiểu đấy?”

Anh quay sang tôi với điều gì đó rất gần với sự van nài trong ánh mắt và ngỏ lời muốn tôi đi cùng, để anh không phải bước vào trận chiến ác liệt nhất, thử thách với tuổi tác của anh, mà không có một người bạn…

Phải, và Aadam cũng nghe thấy – với đôi tai phấp phới nó đã nghe thấy nhịp điệu của câu thần chú, tôi thấy mắt nó sáng lên khi tôi đồng ý, và thế là chúng tôi ngồi trong một khoang tàu hạng ba chạy về phía Nam Nam Nam, và trong sự đơn điệu năm âm tiết của những bánh xe, tôi đã nghe thấy mật ngữ ấy: abracadabra abracadabra abracadabra, tiếng hát của bánh xe khi chúng đưa chúng tôi bay-về-Bom.

Phải, tôi đã bỏ khu trại của giới ảo thuật lại sau mãi mãi, tôi đang abracadabra abracadabra hướng đến trái tim của một nỗi hoài nhớ sẽ giữ tôi sống đủ lâu để viết những dòng này (và tạo ra một số tương ứng những lọ ngâm).

Aadam cùng Saleem và Picture Singh nhồi nhét trong toa hạng ba, đem theo một cơ số sọt đã buộc dây, những chiếc sọt làm phần nhân loại bị nhồi-như-thịt-hộp trong toa kinh hãi vì kêu phì phì liên tục, khiến đám đông dồn ra sau sau sau, tránh xa hiểm họa bầy rắn, nhường cho chúng tôi một sự thoải mái và rộng rãi nhất định. Trong khi những bánh xe hát bài abracadabra cho đôi tai phấp phới của Aadam.

Càng gần đến Bombay, vẻ bi quan ở Picture Singh càng lớn dần lên. Cho tới khi dường nó như đã trở thành một thực thể vật chất chỉ có bề ngoài là giống người dụ rắn ngày xưa. Đến ga Mathura, một gã trai người Mỹ cằm đầy mụn và đầu cạo trọc như quả trứng lên toa chúng tôi cùng đội quân hàng rong nhộn nhạo bán con giống đất sét và chaloo-chai[2] theo cốc. Gã phe phẩy một cái quạt lông công, và vận đen từ mớ lông công càng làm Picture Singh trầm uất ngoài sức tưởng tượng.

Trong khi sự bằng phẳng bất tận của bình nguyên Ấn-Hằng trải rộng ngoài cửa sổ, phả hơi nóng điên dại của gió sa mạc[3] về chiều vào hành hạ chúng tôi, tay Mỹ trọc giảng giải cho hành khách trong toa về tính phức tạp của đạo Hindu và bắt đầu dạy họ chân ngôn trong khi tay chìa ra một cái bát ăn xin bằng gỗ hồ đào. Picture Singh như mù trước cảnh tượng kỳ thú này và như điếc trước điệp khúc abracadabra của đoàn bánh xe.

“Chẳng ích gì đâu, đội trưởng,” anh buồn thảm giãi bày, “tay Bombay này sẽ trẻ và khỏe, và từ nay anh sẽ chỉ còn là người đàn ông dụ hoặc thứ hai.”

Khi chúng tôi tới ga Kotah, mùi đen đủi bốc ra từ cây quạt lông công đã hoàn toàn chiếm lĩnh Picture Singh, ăn mòn anh một cách đáng báo động đến nỗi mặc dù mọi người trên toa đều xuống tàu ở phía bên kia so với sân ga để tiểu tiện lên thành tàu, anh không có dấu hiệu gì là cần đi cả. Đến Giao lộ Ratlam, trong khi cơn phấn khích của tôi dâng cao, anh chìm vào một cơn hôn mê không phải là ngủ mà là sự tê liệt đang lớn dần của tâm lý bi quan.

“Cứ cái đà này,” tôi nghĩ, “khéo anh ấy còn chẳng thách đấu được.”

Qua Baroda: vẫn thế. Tại Surat, cảng tập kết của John Company ngày xưa[4], tôi nhận ra rằng mình cần phải hành động ngay. Bởi vì mỗi phút abracadabra lại đem chúng tôi đến gần Bombay hơn. Thế là cuối cùng tôi nhặt cây sáo gỗ cũ của Picture Singh lên, và bằng cách thổi nó một cách vụng về tệ hại đến nỗi tất cả lũ rắn rít lên đau đớn và làm gã trai người Mỹ nín bặt vì khiếp đảm.

Bằng cách phát ra một âm thanh ma tru quỷ khóc đến nỗi không ai nhận ra tàu đã chạy qua đường Bassein, Kurla, Mahim, tôi đã phá vỡ màn âm khí của lông công. Sau cùng, Picture Singh đã rùng mình tỉnh dậy từ cơn tuyệt vọng với một cái nhệch cười yếu ớt và nói.

“Tốt hơn là cậu thôi đi, đội trưởng, và đưa tôi thổi cho, không thì có người chắc chết vì đau đớn mất.”

[2] Trà sữa pha đường.

[3] Nguyên văn: loo-wind, thứ gió mùa mang hơi nóng của sa mạc vào lục địa Ấn Độ.

[4] John Company: tên gọi khác của Công ty Đông Ấn thuộc Anh.

Bầy rắn nguôi dần trong sọt, thế rồi bánh xe thôi hát, và chúng tôi đến nơi: Bombay!

Tôi ôm ghì lấy Aadam, và không cưỡng được bật ra một tiếng reo xa xưa.

“Bay-về-Bom!” Tôi reo mừng, trước vẻ ngơ ngác của gã trai người Mỹ, kẻ chưa bao giờ biết đến câu chân ngôn ấy.

Và nhắc đi, và nhắc lại, nhắc đi, nhắc lại: “Bay-về-Bom! Về-Bom!”

Bắt xe buýt xuôi đường Bellasis, tới vòng cua Tardeo, chúng tôi đi qua những người Parsee mắt trũng sâu, qua những tiệm sửa xe đạp và quán café Iran. Rồi đến Hornby Vellard bên phải chúng tôi – nơi khách bộ hành chứng kiến cảnh Sherri con chó lai bị vứt bỏ cho ộc máu ra chết! Nơi hình nộm bằng bìa của các đồ vật vẫn ngất ngưởng trên các lối vào ở sân vận động Vallabhbhai Patel!

Chúng tôi xóc nảy tưng tưng qua những cảnh sát giao thông dưới ô che nắng, qua đền Mahalaxmi – rồi đến đường Warden! Bể bơi Breach Candy! Và kia, nhìn kìa, các cửa hàng… nhưng tất cả đã đổi tên.

Còn đâu nữa Thiên Đường của Độc giả với hàng chồng truyện tranh Siêu nhân? Còn đâu, Tiệm giặt Band Box và hàng bánh kẹo Bombelli’s, với những thanh Sô Cô La Dài Cả Mét?

Và, lạy Chúa, nhìn kia, trên đỉnh quả đồi hai tầng nơi những biệt thự của William Methwold từng đứng dưới vòm hoa giấy và kiêu hãnh nhìn ra biển… nhìn nó đi, con quái vật khổng lồ da hồng hình tòa nhà, ngọn tháp chọc trời sắc đào của đám đàn bà nhà Narlikar, lừng lững đứng đó và xóa sổ hoàn toàn vòng xuyến của tuổi thơ…


Phải, đây là Bombay của tôi, mà cũng không-phải-của-tôi, bởi vì khi đến Kemp’s Corner, chúng tôi thấy biển quảng cáo cậu bé rajah của Air- India với Thằng nhóc Kolynos đã biến mất, biến mất mãi mãi, và bản thân Thomas Kemp and Co. cũng đã tan biến vào hư không…

Cầu vượt chằng chịt mọc lên ở nơi, ngày xửa ngày xưa, thuốc được bán theo đơn và một tiểu tinh linh đội mũ diệp lục nở nụ cười sáng bóng với xe cộ qua lại. Rất đỗi bi thương, tôi lầm rầm trong hơi thở: “Giữ Răng Shạch và Giữ Răng Sháng! Giữ Răng Kolynos Cực Bóng Loáng!”

Nhưng mặc cho tôi niệm chú, quá khứ vẫn không tái hiện. Chúng tôi lạch xạch đi xuống đường Gibbs và xuống xe gần Chowpatty Beach.

Ít ra, còn có Chowpatty là chưa thay đổi mấy. Một dải cát bẩn thỉu nhan nhản bọn móc túi, và ma cà bông, và những người bán rong channa-nóng-đây, hoặc kulfi và bhel-puri và chutter-mutter[5]. Nhưng phải xuôi xuống Marine Drive tôi mới được thấy chiến tích của đội quân tetrapod. Trên vùng đất mà liên doanh Narlikar đã lấn được của biển, một bầy quái vật khổng lổ vươn thẳng lên bầu trời, mang những cái tên ngoại lai kỳ quái: “OBEROI – SHERATON” hét vào mặt tôi từ xa.

Và còn đâu tấm biển neon Jeep?…

“Đi thôi, Pictureji,” Tôi nói sau một hồi lâu, ấp Aadam vào ngực, “Hãy đến nơi chúng ta cần đến và giải quyết cho xong đi; thành phố này đã bị thay đổi rồi.”

[5] Những đồ ăn vặt phổ thông ở Bombay: kulfi là một loại kem nhiều sữa, bheh-puri là một món ăn nhẹ gồm bỏng gạo, mì xào giòn, hành tây và khoai tây; chutter-muttor là một kiểu xa lát rau của Ấn Độ.

Tôi biết nói gì về Câu lạc bộ Nửa đêm-Riêng tư? Rằng nó nằm dưới lòng đất, ở một địa điểm bí mật (song không bí mật với những anh bán trầu vạn sự thông), cửa ra vào, không ký hiệu, khách hàng, giới tinh hoa của thành Bombay.

Còn gì nữa? À, phải rồi: chịu sự quản lý của một tay Anand “Andy” Shroff, doanh nhân và playboy, người hầu như ngày nào ta cũng thấy phơi nắng tại Khách sạn Sun ’n’ Sand trên Bãi biển Juhu giữa các minh tinh màn bạc và những bà hoàng bị truất ngôi.

Xin hỏi quý vị: một người Ấn, tắm nắng? Nhưng hiển nhiên đây là chuyện rất bình thường, những quy tắc quốc tế của giới playboy phải được tuân thủ nghiêm ngặt, trong đó có điều khoản về việc phải sùng bái mặt trời mỗi ngày, tôi cho là vậy.

Tôi mới ngây thơ làm sao! (vậy mà tôi từng nghĩ Sonny, đầu bẹp forcep, mới là thằng đơn giản!) Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng trên đời có những chỗ như Nửa đêm-Riêng tư! Nhưng tất nhiên là có, tay nắm chặt những cây sáo và những sọt rắn, ba chúng tôi gõ cửa.

Có bóng người thấp thoáng, sau tấm lưới sắt nhỏ ở ngang tầm mắt: một giọng nữ ngọt ngào khe khẽ yêu cầu chúng tôi cho biết mục đích cuộc viếng thăm.

Picture Singh tuyên bố: “Tôi là Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian. Quý vị đang thuê một người dụ rắn khác biểu diễn tạp kỹ ở đây. Tôi sẽ thách đấu với anh ta để chứng tỏ mình xuất sắc hơn. Tôi không đòi trả tiền cho việc này. Đó là, đội trưởng gái ạ, vấn đề danh dự.”

Lúc đó là buổi tối, Ngài Anand “Andy” Shroff, may mắn thay, đang có mặt. Và, để khỏi rườm lời: lời khiêu chiến của Picture Singh được chấp thuận, chúng tôi tiến vào nơi mà cái tên chưa gì đã làm tôi ít nhiều mất can đảm, bởi vì nó chứa chữ nửa đêm, và bởi vì những chữ viết tắt của nó đã từng hàm chứa thế giới bí mật của riêng tôi.

M.C.C., có nghĩa là Metro Cub Club, và cũng từng chỉ Hội nghị Những đứa trẻ Nửa đêm[6], nhưng nay đã bị hộp đêm bí mật này tiếm đoạt. Nói tóm lại: tôi cảm thấy bị xâm phạm.

[6] Tên tiếng Anh của câu lạc bộ này là Midnite-Confidential Club.

Hai vấn đề song hành của giới trẻ thành thị sành điệu: làm thế nào để tiêu thụ đồ uống có cồn ở một quốc gia cấm rượu, và làm sao để cua gái theo đúng kiểu Tây xịn nhất. Nghĩa là bằng cách đưa các em đi ăn chơi đập phá, trong khi vẫn bảo đảm tuyệt đối bí mật, nhằm tránh nỗi ô nhục rất Á Đông của một vụ tai tiếng?

Nửa đêm Riêng tư là giải pháp của Ngài Shroff cho những khó khăn day dứt này của giới trẻ lá ngọc cành vàng của thành phố. Dưới không gian ngầm của sự phóng đãng ấy, gã đã tạo ra một thế giới tối tăm như chốn u minh, đen như địa ngục. Giữa không gian bí mật của bóng tối nửa đêm, các tình nhân của thành phố gặp nhau, uống rượu, và yêu đương. Được bao bọc trong màn đêm cách biệt, nhân tạo, họ mơn trớn nhau mà không bị trừng phạt.

Địa ngục là huyễn tưởng của nhân loại: mọi truyền thuyết đòi hỏi ít nhất một kẻ phải sa xuống Jahannum. Và tôi theo sau Picture Singh vào đêm đen như mực của Câu lạc bộ, ôm đứa con trai bé bỏng trên tay.

Chúng tôi được dẫn xuống trên một tấm thảm đen thăm thẳm – đen-của-đêm, đen như lời nói dối, đen-của-quạ, đen-của-thịnh-nộ, đen trong “ê này, thằng đen!”. Tóm lại, một tấm thảm tối sẫm – bởi một nữ nhân viên với vẻ hấp dẫn nhục cảm mê hồn, với tấm sari gợi tình vấn trễ ngang hông, một đóa hoa nhài cài trên rốn.

Nhưng khi tiến sâu vào bóng tối, cô quay sang chúng tôi và nở nụ cười trấn an, tôi nhận ra rằng cô nhắm mắt, một đôi mắt long lanh kỳ dị đã được vẽ lên mí mắt cô.

Tôi nhịn không nổi phải hỏi, “Vì sao…”

Cô đáp lại, đơn giản: “Tôi bị mù. Và hơn nữa, không ai đến đây muốn bị nhìn thấy. Ở đây là một thế giới không diện mạo hay tên tuổi. Ở đây con người không có ký ức, gia đình, hay quá khứ, nơi đây là cho hiện tại, và chỉ hiện tại mà thôi.”

Và bóng tối vây phủ chúng tôi, cô dẫn chúng tôi qua hố thẳm ác mộng ấy, nơi ánh sáng bị gông cùm và xiềng xích, cái nơi nằm ngoài thời gian, cái chốn phủ nhận lịch sử ấy…

“Ngồi đây,’’ Cô nói, “Người dụ rắn kia sẽ sớm có mặt. Khi đến lúc, một ngọn đèn sẽ rọi vào các anh. Lúc đó, hãy bắt đầu cuộc đấu.”

Chúng tôi ngồi đó trong – bao lâu? Vài phút, vài giờ, vài tuần? Và trong đêm lóng lánh ánh mắt của những cô gái mù dẫn những vị khách vô hình vào chỗ ngồi. Và dần dà, trong bóng tối, tôi bắt đầu ý thức được: vây quanh mình là những xì xầm se sẽ, đê mê như thể một đàn chuột nhung đang giao phối. Tôi nghe tiếng leng keng của ly tách trên những cánh tay xoắn xuýt vào nhau, tiếng cọ xát dịu dàng từ những đôi môi. Với một tai lành và một tai điếc, tôi nghe thấy âm thanh của dục tình cấm kỵ tràn ngập bầu không khí nửa đêm…

Nhưng không, tôi không muốn biết điều gì đang xảy ra. Mặc dù mũi tôi có thể ngửi thấy, trong cái lặng lẽ xì xầm của hộp đêm, đủ thể loại câu chuyện và khởi đầu mới, đủ loại ái tình lạ lẫm và cấm kỵ. Và những mâu thuẫn vụn vặt vô hình và kẻ-nào-đang-đi-quá-xa, nghĩa là đủ thứ chuyện ngồi lê đôi mách sốt dẻo, tôi quyết định phớt lờ tất cả, bởi vì đây là một thế giới mới, và tôi không có chỗ đây.

Tuy nhiên, con trai tôi, Aadam, ngồi cạnh tôi với đôi tai nóng rực lên vì hứng thú. Mắt nó sáng lên trong bóng tối trong khi nó lắng nghe, và ghi nhớ, và học hỏi… Thế rồi ánh sáng bừng lên.

Một luồng sáng duy nhất đổ xuống thành một quầng sáng trên sân Câu lạc bộ Nửa đêm-Riêng tư. Từ bóng đêm nằm ngoài phạm vi vùng ánh sáng, Aadam và tôi trông thấy Picture Singh ngồi cứng đờ. Chân khoanh lại, cạnh một thanh niên đẹp trai đầu vuốt Brylcreem[7], xung quanh mỗi người là nhạc cụ và những chiếc sọt đậy kín của môn nghệ thuật họ sắp trình diễn.

Có tiếng loa thông báo: trận đấu huyền thoại giành danh hiệu Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian sắp bắt đầu. Nhưng có ai lắng nghe? Thậm chí, có ai buồn chú ý đến họ, hay tất cả đều đang mê mải với môi lưỡi tay? Đây là tên đối thủ của Pictureji: Tiểu vương xứ Cooch Naheen.

[7] Một loại dầu bóng vuốt tóc xuất xứ từ Anh.

(Tôi không biết: tự đặt danh hiệu là việc chẳng khó khăn gì. Nhưng có lẽ, có lẽ anh ta đích thực là cháu nội của vị Quận chúa từng một thời, lâu lắm rồi, là bạn của Bác sĩ Aziz; có lẽ hậu nhân của người-ủng-hộ-con-Chim-ngân-nga đã được cử ra thi đấu, trớ trêu thay, với người lẽ ra đã có thể trở thành Mian Abdullah thứ hai! Không loại trừ khả năng này: không ít tiểu vương đã lâm cảnh bần hàn từ khi mụ Góa phụ xóa tên họ trong danh sách được chính phủ trả lương.)

Họ đã quyết đấu bao lâu, dưới lòng hang không ánh mặt trời ấy ? Hàng tháng, hàng năm, hàng thế kỷ? Tôi không biết nữa, tôi chứng kiến, như bị thôi miên, cảnh họ nỗ lực vượt lên đối thủ, mê hoặc đủ mọi loại rắn con người có thể hình dung ra, yêu cầu mang đến những loài rắn hiếm từ trại rắn Bombay (nơi Bác sĩ Schaapsteker từng…)

Và anh chàng tiểu vương ngang tài với Picture Singh ở từng loại rắn, thậm chí dụ được cả trăn, điều từ trước đến giờ chỉ có Picture làm nổi. Dưới cái Hộp đêm hỏa ngục ấy, nơi bóng tối là một khía cạnh trong nỗi ám ảnh của chủ nhân với màu đen (nguyên nhân khiến gã tắm nắng ở Sun ’n’ Sand cho da ngày một đen hơn), hai nghệ sĩ bậc thầy thúc bách lũ rắn thực hiện những màn trình diễn không tưởng.

Bắt chúng tự thắt nút, cúi đầu chào, thuyết phục chúng uống nước từ ly đựng rượu, và nhảy qua vòng lửa… Thách đố sự mệt mỏi, cái đói và tuổi tác, Picture Singh thi thố màn trình diễn của đời anh (nhưng liệu có ai xem? Bất cứ một ai?)

Và sau cùng, rõ ràng người trẻ hơn đang xuống sức trước, rắn của anh ta không còn nhảy múa nhịp nhàng theo tiếng sáo. Và cuối cùng, bằng một tuyệt chiêu nhanh đến mức tôi không kịp hiểu điều gì vừa diễn ra, Picture đã thắt một con hổ mang chúa quanh cổ chàng tiểu vương.

Lời Picture nói: “Nhận thua đi, đội trưởng, nếu không ta sẽ bảo nó cắn.”

Trận đấu kết thúc ở đó. Vị tiểu vương bị nhục rời Câu lạc bộ và sau đấy có tin anh ta đã tự sát bằng súng trên taxi. Và trên sàn đấu của trận chiến vĩ đại cuối cùng của anh, Picture Singh đổ sập xuống như một gốc bồ đề gục ngã… Các nữ tiếp viên mù (tôi gửi Aadam cho một người trông hộ) giúp tôi khiêng anh rời hiện trường.

Nhưng Nửa đêm-Riêng tư còn một trò chơi khăm nữa giấu sau tay áo. Một lần, mỗi đêm, như một chút gia vị rắc thêm. Ngọn đèn pha di động tìm đến một trong những cặp đôi cấm kỵ, rồi phơi bày họ dưới ánh mắt ẩn kín của những người đồng hội. Một dạng Cò quay Nga[8] phát quang, không nghi ngờ gì nữa, làm cuộc sống thêm phần kích thích với giới trẻ thời thượng của thành phố…

Và đêm đó ai là nạn nhân bị rọi trúng? Ai, sừng-thái-dương mặt nhọ mũi dưa chuột, bị nhận chìm trong luồng ánh sáng tai tiếng? Ai, bị lòa như các nữ tiếp viên bởi luồng mắt thị dâm của những bóng đèn, suýt nữa đánh rơi chân người bạn đang bất tỉnh?

[8] Một trò chơi may rủi chết người bằng súng lục ổ quay. Trong ổ đạn sẽ chỉ lắp một viên, mỗi người chơi đến lượt mình sẽ quay ổ đạn rồi cầm súng tự bắn vào đầu mình.

Saleem trở về thành phố chôn rau cắt rốn để đứng dưới ánh đèn trong một căn hầm, trong khi dân Bombay rúc rích cười gã từ trong bóng tối.

Một cách mau chóng, vì ta đã đến đoạn kết của những tai biến. Tôi ghi lại rằng, trong một căn phòng hậu trường, nơi được phép bật đèn, Picture Singh hồi tỉnh từ cơn ngất. Và trong lúc Aadam ngủ ngon lành, một trong những nữ phục vụ mù dọn cho chúng tôi bữa ăn mừng thắng lợi và hồi sức.


Trên bàn tiệc khải hoàn là samosa, pakora, gạo, dal, puri, và chutney xanh. Phải, một bác nhôm nhỏ chutney, xanh, lạy Chúa, xanh như châu chấu…Và nhoáng cái một chiếc puri đã nằm trong tay tôi và chutney đã ở trên puri. Và tôi đã nếm một miếng, và suýt nữa tái diễn màn ngất xỉu của Picture Singh, bởi vì nó đã đem tôi về lại cái ngày tôi ra viện với chín ngón tay và bước vào kiếp lưu đày ở nhà Hanif Aziz, và được cho ăn thứ chutney ngon nhất trần đời…

Mùi chutney này không chỉ là sự đồng vọng của một mùi vị xa xưa – nó chính là mùi vị của ngày xưa, đích thị mùi vị ấy, với sức mạnh đem quá khứ trở về như thể nó chưa bao giờ xa khuất…

Trong cơn kinh hỉ của niềm phấn khích, tôi túm chặt tay người nữ phục vụ mù, khó khăn lắm mới kiềm chế nổi bản chân, tôi bật ra: “Món chutney! Của ai làm?”

Chắc tôi đã thét lên, bởi Picture, “Yên nào, đội trưởng, cậu làm thằng bé dậy mất…Mà làm sao thế? Trông cậu như vừa nhìn thấy hồn ma kẻ thù đáng sợ nhất ấy!”

Và, người nữ phục vụ mù, có chút lạnh lùng: “Cậu không thích món chutney à?”

Tôi phải ghìm lại một tiếng gầm dữ tợn.

“Tôi thích chứ,” Tôi nói bằng cái giọng bị nhốt trong lồng sắt.

“Tôi thích chứ! Giờ cô hãy cho tôi biết nó từ đâu đến?”

Và cô ta, kinh sợ, bồn chồn muốn bỏ đi: “Là Rau quả dầm Braganza, ngon nhất Bombay, ai cũng biết.”

Tôi bảo cô đem cho tôi cái lọ, và kia, trên bao bì, là địa chỉ: của một tòa nhà với vị nữ thần neon nhấp nháy màu nghệ-và-xanh trên cổng. Một nhà máy được sự bảo hộ của Mumbadevi huỳnh quang, trong khi những đoàn tàu nội hạt chạy vàng-và-nâu qua. Công ty TNHH (Tư nhân) Rau quả dầm Braganza, ở khu đô thị hóa Bắc thành phố.

Một lần nữa, một câu Abracadabra, một câu Vừng ơi mở ra: những chữ in trên một lọ chutney, đã mở ra cánh cửa cuối cùng của đời tôi…

Tôi bị bóp nghẹt bởi một quyết tâm không gì cưỡng nổi là tìm ra tác giả của thứ chutney không tưởng của ký ức này, và nói.

“Pictureji, em phải đi…”

Tôi không rõ chuyện của Picture Singh kết thúc ra sao, anh từ chối đi cùng tôi trong cuộc truy tìm này. Và trong mắt anh tôi nhận ra rằng những nỗ lực chiến đấu đã làm tan vỡ một điều gì đấy trong anh. Rằng chiến thắng của anh là, kỳ thực, một thất bại, nhưng liệu anh vẫn ở Bombay (có lẽ làm thuê cho Ngài Shroff), hay đã trở về với mụ thợ giặt của anh. Liệu anh còn sống hay đã chết, tôi cũng không biết nữa…

“Làm sao em bỏ anh được?” Tôi hỏi, trong tuyệt vọng, nhưng anh trả lời.

“Đừng ngốc thế, đội trưởng. Cậu đã có chuyện phải làm, thì chẳng có cách gì khác mà phải làm thôi. Đi đi, tôi cần gì cậu chứ? Như mụ Resham vẫn bảo cậu ấy: đi, đi mau đi!”

Mang Aadam theo cùng, tôi đi.

Đoạn kết của hành trình: từ thế giới ngầm của những nữ tiếp viên mù, tôi tiến về phía Bắc Bắc Bắc, ôm con trai trên tay. Và cuối cùng đến nơi ruồi bị thằn lằn nuốt rau ráu, những vại rau quả dầm sôi lục bục. Và những người đàn bà cánh tay lực lưỡng kể chuyện cười thô tục, đến thế giới của những đốc công mồm mép cay độc có cặp vú hình nón, và tiếng lanh canh vang dội tứ bề của các lọ ngâm ở dây chuyền đóng chai…

Và ai, ở cuối con đường của tôi, đứng chắn trước mặt tôi, tay chống nạnh, lông tơ ở bắp tay lấp lánh mồ hôi? Ai, luôn thẳng thừng như thế, cật vấn.

“Này, ông kia: ông muốn gì?”

“Em!” Padma reo lên, hớn hở và có chút thẹn thò khi nhớ lại.

“Dĩ nhiên, còn ai vào đây nữa? Em em em!”

“Xin chào, Begum,” Tôi nói.

(Padma xen vào: “Ôi ông – bao giờ cũng một niềm lịch thiệp này kia!)

“Xin chào, tôi xin phép nói chuyện với bà giám đốc ?”

Ôi nàng Padma lầm lì, phòng thủ, cứng đầu!

“Không được. Begum Giám đốc đang bận. Ông phải hẹn trước, rồi quay lại sau. Giờ thì xin ông đi cho.”

Nghe này: chắc chắn tôi sẽ ở lại, thuyết phục, dọa dẫm, thậm chí dùng vũ lực để vượt qua đôi cánh tay Padma. Nhưng có một tiếng kêu từ trên cầu treo – cây cầu treo này đây, Padma, bên ngoài khu văn phòng!

Cây cầu treo nơi ai đó từ đầu đến giờ tôi chưa sẵn sàng nói tên đang đứng nhìn xuống, qua dãy vại ngâm khổng lồ và những mẻ chutney liu riu. Ai đó đang lạch cạch lao bổ xuống những bậc thang kim loại, rú lên đến lạc giọng:

“Ôi lạy Chúa, ôi lạy Chúa! Ôi Jesus đức Jesus nhân ái! Baba, con trai ta, xem ai đây này, arre baba, con không thấy ta sao, con gầy quá đi mất. Mau, mau, để ta hôn con nào, để ta lấy bánh con ăn nhé!”

Đúng như tôi đoán, Begum Giám đốc của Công ty TNHH (Tư nhân) Rau quả dầm Braganza, người tự xưng là Bà Braganza, quả nhiên chính là người ayah năm xưa của tôi, tên tội phạm của nửa đêm, Cô Mary Pereira, người mẹ duy nhất còn lại của tôi trên đời này.

Nửa đêm, hoặc là tầm đó. Một người đàn ông cầm theo chiếc ô đen cụp lại (và nguyên vẹn) đi về phía cửa sổ phòng tôi từ hướng đường ray xe lửa, dừng lại, ngồi xổm, ỉa. Rồi thấy bóng tôi dưới ánh đèn, và, thay vì bất bình khi thấy tôi nhìn trộm, hét to: “Xem đây!” đoạn tiếp tục rặn ra cục phân dài nhất tôi từng thấy.

“Bốn mươi phân!” anh ta hét to, “Đằng ấy được bao nhiêu?”

Trước đây, khi còn sung mãn hơn, tôi chắc sẽ muốn kể câu chuyện đời anh. Thời khắc nửa đêm và cái ô mà anh sở hữu là tất cả những mối liên hệ cần thiết để tôi khởi đầu tiến trình dệt anh vào cuộc đời tôi. Và tôi tin chắc mình sẽ kết thúc bằng việc chứng minh anh là nhân tố không thể bỏ qua với bất kỳ ai muốn hiểu cuộc đời tôi và những thời kỳ bị bóng đêm ngự trị. Nhưng giờ tôi đã bị ngắt điện, rút nguồn, chỉ còn một việc phải làm là viết điếu văn.

Thế nên, vẫy tay với nhà vô địch đại tiện, tôi đáp trả: “Hôm nào giỏi thì mười lăm,” và quên anh đi.

Ngày mai, hoặc là ngày kia. Những vết nứt sẽ chờ đến 15 tháng Tám. Vẫn còn một ít thời gian: ngày mai tôi sẽ kết thúc.

Hôm nay tôi cho phép mình nghỉ viết và đến thăm Mary. Một cuốc xe buýt dài nóng nực bụi bặm qua những đường phố đã bắt đầu sục sôi trong niềm háo hức về Ngày Độc lập sắp tới. Mặc dù tôi ngửi thấy cả những mùi khác, ô uế hơn: vỡ mộng, hám lợi, yếm thế…

Cái huyền thoại sắp ba mươi mốt tuổi về tự do không còn là nó ngày xưa nữa. Đất nước này cần những huyền thoại mới, nhưng đấy không phải là việc của tôi.

Mary Pereira, giờ đây lấy tên là Bà Braganza, sống cùng với em gái, Alice, nay là Bà Fernandes, tại một căn hộ trên tòa tháp sắc hồng của đám đàn bà nhà Narlikar trên ngọn đồi hai tầng nơi ngày xưa. Trong tòa cung điện đã bị phá hủy, bà ngủ trên manh chiếu của người hầu.

Phòng ngủ của bà chiếm một khoảng không xấp xỉ khối lập phương không khí ngày xưa, nơi ngón tay đang chỉ của một ngư phủ đã hướng một cặp mắt trẻ thơ về phía chân trời. Ngồi trong chiếc ghế ru gỗ tếch, Mary ru con trai tôi, hát bài “Buồm Đỏ Dưới Hoàng Hôn”. Những cánh buồm dhow sắc đỏ căng phồng trên nền trời xa.

Một ngày thật dễ chịu. Khi ta nhớ về những ngày đã qua. Khi tôi nhận ra rằng, một luống xương rồng ngày trước đã sống sót qua cuộc cách mạng của đám đàn bà nhà Narlikar. Và mượn cái xẻng của người mali[9] rồi đào lên một thế giới đã bị chôn vùi từ lâu. Một quả địa cầu nhôm đựng bức-hình-con-nít-cỡ-đại ố vàng bị kiến gặm, tác phẩm của Kalidas Gupta, và lá thư của Thủ tướng.

Và những ngày sau đó: có dễ đến chục lần chúng tôi hàn huyên về vận may bỗng đổi chiều của Mary Pereria. Về chuyện tất cả đều nhờ vào cô em Alice – vợ của ông Fernandes tội nghiệp đã chết vì mù màu, do bị lẫn lộn, khi lái chiếc Ford Prefect cũ, trước một trong những cột đèn giao thông hồi ấy còn hiếm hoi của thành phố.

Về chuyện Alice đã về Goa thăm bà, mang theo cái tin rằng các bà chủ của cô, đám đàn bà ghê gớm và tháo vát nhà Narlikar, sẵn sàng đầu tư một khoản tiền-tetrapod vào một nhà máy rau quả dầm.

“Em bảo họ, không ai làm achar-chutney được như chị Mary,” Alice đã nói, với sự chính xác tuyệt đối, “bởi vì chị ấy trút cảm xúc của mình vào trong đó.”

Vậy là Alice cuối cùng đã trở thành một cô gái tốt. Và, baba, con nghĩ sao hả? Làm sao ta tin nổi cả thế giới đều muốn ăn món chutney quê mùa của ta, ở tận Anh họ cũng ăn? Và giờ, con nghĩ xem, ta ngồi đây, trên nền ngôi nhà cũ thân thương của con, trong khi có Chúa mới biết bao điều đã xảy đến với con, sống vạ vật bấy lâu. Thế giới này thật trớ trêu, baapu-re!

[9] Thợ làm vườn.

Và những khóc than đắng cay xen lẫn ngọt ngào: Ôi, ba má tội nghiệp của con! Bà chủ nhân hậu, chết rồi! Còn ông Sinai tội nghiệp, chẳng bao giờ biết ai yêu mình lẫn cách yêu người! Lại còn con Khỉ nữa…

Nhưng tôi đã ngắt lời, không, chưa chết, không, không phải đâu, chưa chết. Đang bí mật, ở một tu viện, ăn bánh mì.

Mary, người ăn trộm cái tên của bà hoàng Catharine tội nghiệp, kẻ đã trao cho người Anh những hòn đảo này, đã dạy tôi bí quyết làm rau quả dầm.

(Kết thúc một khóa học đã bắt đầu trong chính không gian này khi tôi đứng dưới bếp xem bà khuấy cảm giác tội lỗi vào xoong chutney xanh.)

Giờ bà ở nhà, nghỉ hưu khi đã tuổi già tóc bạc, một lần nữa sung sướng đóng vai ayah, với một thằng bé để nuôi nấng.

“Giờ chuyện viết lách của con đã xong, baba, con nên dành nhiều thời gian hơn cho con trai.”

Nhưng Mary ạ, con làm việc ấy vì nó.

Và bà, chuyển chủ đề, bởi vì dạo này tâm trí bà cứ nhảy tanh tách tứ tung như bọ chét: “Ôi, baba, baba, nhìn con này, con già quá rồi!”


Bà Mary giàu có, người chưa bao giờ mơ mình giàu có, đến giờ vẫn không biết ngủ giường. Nhưng uống mười sáu lon Coca một ngày, chẳng sợ sâu răng, vì đằng nào răng cũng rụng hết rồi.

Lại nhảy tách một phát: “Mà sao con lại đám cưới vội vàng đột ngột thế?”

Vì Padma muốn thế. Không, cô ấy đâu có bị sao, làm sao cô ấy có thể, với tình trạng này của tôi?

“Không sao, baba. Ta chỉ hỏi vậy thôi.”

Và ngày hôm đó, chắc đã bình yên trôi qua, một ngày hoàng hôn gần thời khắc tận cùng của thời gian. Nếu như lúc này, cuối cùng, khi ba tuổi, một tháng và hai ngày, Aadam Sinai không bật ra một âm thanh.

“Ab…” Arre, Ôi lạy chúa, nghe kia, baba, thằng bé đang nói gì ấy! Và Aadam, hết sức nắn nót: “Abba…”

Cha. Nó gọi tôi là Cha. Nhưng không, thằng bé chưa nói hết, mặt nó lộ vẻ căng thẳng. Và cuối cùng con trai tôi, người sẽ buộc phải trở thành phù thủy để đối mặt với thế giới mà tôi sắp bỏ nó lại, đã hoàn tất tiếng nói đầu đời, thần diệu của nó: “… cadabba.”

Abracadabra! Nhưng không có gì xảy ra, chúng tôi không hóa chành ếch, thiên thần không bay vào qua cửa sổ, thằng bé chỉ đang khởi động. Tôi sẽ không kịp thấy những phép mầu của nó…

Giữa lúc Mary hoan hỉ đón chào thành tựu của Aadam, tôi quay về với Padma và nhà máy. Bước tiến nhập đầu tiên, bí hiểm của con trai tôi vào lãnh địa của ngôn ngữ đã để lại trong mũi tôi một mùi hương đáng lo ngại.

Abracadabra: hoàn toàn không phải tiếng Ấn, mà là một chú ngữ thần bí, xuất phát từ tên thần linh tối cao của các tín đồ Trí huệ giáo dòng Basilidean[10]. Hàm chứa con số 365, số ngày trong một năm, số Thiên Đường, và số linh thần tán phát từ đức Abraxas[11].

“Thằng bé,” tôi tự hỏi, không phải lần đầu, “nghĩ nó là ai nhỉ ?”

[10] Trí huệ giáo (Gnosticism) là một tôn giáo ra đời khoảng thế kỷ 2 Công nguyên, sau này bị Thiên Chúa giáo xem là tà thuyết. Basilides là một đạo sư truyền bá Trí huệ giáo ở Alexandria, Ai Cập từ năm 117 đến 138 Công nguyên.

[11] Giáo lý Trí huệ giáo dòng Basilides cho rằng Abraxas là thần linh tối cao, thủ lĩnh của 365 vị thần, đại diện cho 365 ngày và cai quản 365 tầng Thiên Đường, trong đó tầng thấp nhất là trái đất. Abraxas nếu viết bằng ký tự Hy Lạp sẽ tạo nên con số 365, vì vậy chữ này được cho là có sức mạnh thần bí, và chính là từ nguyên của câu thần chú Abracadabra.

Những công thức đặc biệt của tôi: tôi đã để dành chúng từ đầu đến giờ. Giá trị tượng trưng của quá trình ngâm: sáu trăm triệu tế bào trứng đã sinh ra toàn bộ dân số Ấn Độ có thể nhét vừa một lọ ngâm kích cỡ tiêu chuẩn. Duy nhất, sáu trăm triệu t*ng trùng có thể múc lên chỉ trong một thìa. Mỗi lọ ngâm (hãy tha thứ cho tôi, nếu tôi trở nên hoa mỹ trong giây lát) do đó, chứa dựng triển vọng tối thượng nhất: khả năng chutney-hóa lịch sử, niềm hy vọng vĩ đại là ngâm thời gian! Tôi, tuy vậy, đã ngâm những chương sách.

Đêm nay, bằng việc vặn chặt nắp vào chiếc lọ dán nhãn Công thức Đặc biệt Số 30: “Abracadabra”, tôi đã đi đến hồi kết của cuốn tự truyện dài dằng dặc của mình. Bằng câu chữ và lọ ngâm, tôi đã biến ký ức của mình thành bất tử, mặc dù cả hai phương pháp đều không tránh khỏi có những sự méo mó. Tôi e rằng chúng ta buộc phải chung sống với cái bóng của sự bất toàn.

Những ngày này, tôi quản lý nhà máy cho Mary. Alice – “Bà Fernandes” – phụ trách mảng tài chính, trách nhiệm của tôi là khâu sáng tạo.

(Tất nhiên tôi đã tha thứ cho tội lỗi của Mary. Tôi cần mẹ cũng như cần cha, mà một người mẹ thì nằm ngoài diện oán giận.)

Giữa lực lượng lao động toàn nữ của Rau quả dầm Braganza, trong ánh nhấp nháy sắc nghệ-và-xanh cửa nàng Mumbadevi neon, tôi tuyển lựa xoài, cà chua, chanh từ những phụ nữ đội thúng đến đưa hàng lúc rạng đông. Mary, với nỗi căm ghét xa xưa đối với “bọn đàn ông”, không chấp nhận nam giới nào ngoài tôi vào vũ trụ mới, đầm ấm này của bà… tôi, và dĩ nhiên cả con tôi.

Alice, tôi ngờ rằng, vẫn có vụng trộm tí chút. Còn Padma đã say tôi ngay từ đầu, thấy ở tôi một nơi để trút bầu quan hoài bao la bị dồn nén của em. Phần còn lại thì tôi không dám nói, nhưng đối với đội ngũ nhân công nhà máy, năng lực phi phàm của phụ nữ nhà Narlikar được phản ánh qua nhiệt huyết trong đôi tay lực lưỡng của những người quấy vại.

Quá trình chế biến chutney cần những gì? Nguyên liệu thô, tất nhiên rồi, hoa quả, rau, cá, giấm, gia vị. Những cuộc viếng thăm mỗi ngày của những phụ nữ Koli sari xắn cao giữa hai chân. Dưa chuột cà tím bạc hà.

Nhưng chưa hết: cặp mắt, xanh như băng, không bị lừa mị bởi sự phỉnh phờ ngoài mặt của hoa quả, và nhìn thấu chỗ ủng dưới lớp vỏ những loại quả họ cam. Những ngón tay chỉ bằng một cú chạm nhẹ tựa lông hồng là đã thăm dò được trái tim thầm kín, không ngừng biến động của những quả cà chua xanh. Và trên hết là một cái mũi có năng lực thấu hiểu ngôn ngữ ẩn mật của những-thứ-cần-ngâm, sự hài hước và những thông điệp và cảm xúc của chúng…

Ở Rau quả dầm Braganza, tôi giám sát quy trình sản xuất theo các công thức huyền thoại của Mary. Ngoài ra, có cả những hỗn hợp đặc biệt của tôi, trong đó, nhờ sức mạnh của khoang mũi bị hút kiệt, tôi có thể đưa vào ký ức, mơ mộng, tư tưởng, để một khi chúng đi vào sản xuất hàng loạt.

Tất cả những ai tiêu thụ sẽ biết lọ gia vị đã giành được gì ở Pakistan, và cảm giác khi lạc trong rừng Sundarbans ra sao… Tin hay không tùy quý vị, nhưng đó là sự thật. Ba mươi chiếc lọ xếp hàng trên giá, chờ đợi được trút xuống đầu dân tộc mất trí nhớ này.

(Và bên cạnh chúng, một lọ hãy còn trống.)

Quá trình hiệu chỉnh phải diễn ra liên tục và không ngừng nghỉ. Chớ nghĩ rằng tôi thỏa mãn với những gì đã có! Trong số những thứ làm tôi kém vui: một mùi hơi gắt từ những lọ chứa ký ức về cha tôi, một sự mơ hồ nào đấy trong mùi vị tình yêu ở “Jamila Ca sĩ” (Công thức Đặc biệt Số 22), có thể làm những ai thiếu nhạy bén kết luận rằng tôi đã hư cấu ra toàn bộ câu chuyện tráo-hài-nhi để biện hộ cho một tình yêu loạn luân.

Sự mù mờ thiếu hợp lý trong lọ mang nhãn “Tai nạn trong Tủ giặt”, những câu hỏi được rau quả dầm trong lọ đặt ra chưa có sự trả lời thấu đáo. Chẳng hạn: Tại sao Saleem phải gặp tai nạn mới có được siêu năng lực? Hầu hết những đứa trẻ khác không cần… Hoặc là, trong “Đài phát thanh Toàn Ấn Độ” và các lọ khác, một nghịch âm xuất hiện trong bản hòa tấu của mùi vị. Lẽ nào sự thú nhận của Mary lại gây sửng sốt cho một người có năng lực ngoại cảm thực thụ?

Có những lúc, ở phiên bản lịch sử của những lọ ngâm, Saleem dường như biết quá ít, và có những lúc, quá nhiều… Phải, tôi phải chỉnh sửa và chỉnh sửa, hoàn thiện và hoàn thiện, nhưng tôi không còn cả thời gian lẫn sức lực. Tôi đành phải đưa ra trơ khấc một lời giải thích bướng bỉnh này. Chuyện xảy ra như thế vì nó xảy ra như thế.

Rồi còn cả vấn đề của các gia vị chủ đạo. Sự phức tạp của nghệ và thì là, sự vi diệu của cỏ cà ri, khi nào dùng bạch đậu khấu hạt to (và khi nào hạt nhỏ), rồi muôn vàn tác động khác nhau của tỏi, garam masala, quế thanh, rau mùi, gừng… Chưa kể thỉnh thoảng còn có sự đóng góp nồng nàn hương vị của vài hạt bụi. (Saleem đã hết bị ám ảnh về sự thuần khiết.)

Qua việc pha chế gia vị, tôi học được cách chấp nhận những méo mó tất yếu của quá trình ngâm ủ. Ngâm ủ, nói cho cùng, là mang lại sự bất tử: cá, rau, hoa quả được ướp trong gia-vị-và-giấm. Một điều chỉnh nào đó, một sự gia tăng chút ít về mùi vị, chỉ là một vấn đề nhỏ, hẳn rồi? Bí quyết là thay đổi về nồng độ, chứ không phải chủng loại gia vị.

Và trên hết (trong ba mươi và một cái lọ của tôi) là cho chúng hình dạng và hình thái – như thế tức là, ý nghĩa, (tôi từng đề cập đến nỗi sợ sự vô nghĩa của mình.)

Có lẽ một ngày kia thế giới sẽ được nếm món rau quả dầm của lịch sử. Đối với một số người, vị của chúng có lẽ sẽ quá nồng nàn, mùi của chúng có lẽ sẽ quá mãnh liệt, nước mắt có thể sẽ ứa ra.

Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng mình có thể nói về chúng rằng chúng chứa đựng thứ mùi vị nguyên chất của sự thật…Rằng chúng là, bất chấp tất cả, những hành động của tình yêu.

Còn một lọ trống… kết thúc thế nào đây? Có hậu, với Mary trong chiếc ghế đu và đứa con bắt đầu bập bẹ? Giữa những công thức, và ba mươi cái lọ có nhãn là tên các chương sách? Giữa nỗi bi ai, đắm chìm trong hồi ức về Jamila và Parvati, thậm chí cả Evie Burns? Hay là với những đứa trẻ thần kỳ…

Nhưng nếu vậy thì tôi có nên vui vì một số đã chạy thoát, hay nên kết thúc trong bi kịch của quá trình tan rã, hệ quả của việc bị hút kiệt?

(Vì căn nguyên của sự rạn nứt nằm trong chính việc bị hút kiệt: cơ thể bất hạnh, bị nghiền nát, bị hút kiệt ở trên và ở dưới của tôi bắt đầu rạn nứt bởi vì nó đã héo quắt đi. Khô kiệt, nó cuối cùng đã đầu hàng trước những di chứng của một đời bị vùi dập cả tơi. Và giờ vang lên tiếng nhay xé gặm, và một mùi hôi bốc ra qua các kẽ nứt, hẳn là mùi của cái chết. Làm chủ: tôi phải làm chủ được tình hình càng lâu càng tốt.)

Hay là với những câu hỏi: giờ đây, khi có thể (tôi thề) nhìn thấy những vết nứt trên mu bàn tay, nứt dọc theo đường chân tóc và giữa những ngón chân.

Tại sao tôi không chảy máu? Lẽ nào tôi đã trống trơn khô kiệt bị ngâm ủ sẵn rồi? Lẽ nào tôi đã thành xác ướp của chính tôi?

Hay là những giấc mơ: bởi vì đêm qua hồn ma của Mẹ Bề trên xuất hiện, chằm chằm nhìn xuống tôi qua cái lỗ khoét giữa một đám mây, chờ đợi cái chết của tôi để bà có dịp khóc ra một mùa mưa trong bốn mươi ngày…

Và tôi, bồng bềnh ngoài cơ thể mình, nhìn xuống hình ảnh bị rút ngắn của chính tôi, và thấy một thằng lùn tóc muối tiêu, kẻ từng, trong một tấm gương, tỏ ra nhẹ nhõm.

Không, như thế không ổn, tôi sẽ phải viết về tương lai như đã viết về quá khứ, ghi chép nó với sự chắc chắn tuyệt đối của một nhà tiên tri. Nhưng tương lai không thể được bảo quản trong một cái lọ, một cái lọ phải đế trống…

Điều không thể đem ngâm, vì nó chưa xảy ra, là tôi sẽ sống đến ngày sinh nhật, lần thứ ba mươi mốt, và chắc chắn lễ cưới sẽ được cử hành. Padma sẽ có hoa văn henna trên bàn tay lẫn bàn chân, và cả một cái tên mới, có lẽ là Naseem, để tỏ lòng tôn kính hồn ma Mẹ Bề trên đang dõi theo chúng tôi. Và ngoài cửa sổ sẽ có pháo hoa và đám đông, vì hôm đó là Quốc khánh và những con quái vật nhiều đầu sẽ đổ ra đường, còn Kashmir sẽ đang chờ đợi.

Tôi sẽ cầm vé tàu trong túi, sẽ có một chiếc taxi với tài xế là một cậu bé nhà quê từng mơ ước, tại quán Café Pioneer, trở thành minh tinh màn bạc. Chúng tôi sẽ chạy về phía Nam Nam Nam, vào trung tâm đám đông huyên náo này, những người sẽ ném bóng sơn vào nhau, vào cửa sổ đã được kéo lên của chiếc taxi, như thể hôm nay là Holi, lễ hội Sắc màu. Rồi dọc theo Hornby Vellard, nơi một con chó bị bỏ mặc đến chết, và đám đông, đám đông lúc nhúc, đám đông không biên giới này, cứ lớn mãi đến khi lấp chật thế gian, khiến việc tiến lên trở thành bất khả.

Chúng tôi sẽ bỏ lại chiếc xe cùng những giấc mơ của anh chàng tài xế, đi bộ vào đám đông chật như nêm này. Và phải, tôi và Padma sẽ thất lạc nhau, bông sen-phân của tôi vươn tay về phía tôi qua đại dương dậy sóng, cho tới khi em chìm nghỉm vào đám đông và tôi chỉ còn lại một mình giữa mênh mông biển số. Những con số diễu hành rầm rập một hai ba, tôi bị nhồi lên dập xuống trong khi cơn nhay xé gặm lên đến đỉnh điểm, và cơ thể tôi hét lên. Nó không thể chịu đựng kiểu đối xử này thêm nữa, nhưng giờ tôi nhìn thấy những khuôn mặt quen thuộc trong đám đông.

Tất cả đều có mặt, ông ngoại tôi Aadam và vợ ông Naseem, và Alia và Mustapha, và Hanif và Emerald, và Amina người từng là Mumtaz, và Nadir kẻ trở thành Qasim, và Pia và Zafar thằng nhóc đái dầm, và cả Đại tướng Zulfikar, họ chen chúc quanh tôi xô đẩy giẫm đạp và những vết nứt toác ra, từng mẩu cơ thể tôi rơi xuống.

Còn kia là Jamila người đã rời tu viện để có mặt trong ngày cuối cùng này. Màn đêm đang buông xuống, đã buông rồi, vang lên tiếng tích tắc đếm ngược về nửa đêm. Pháo hoa và trời sao, những mô hình đô vật bằng bìa các tông, và tôi nhận ra rằng, mình sẽ không bao giờ đến được Kashmir. Như Jehangir Đại đế Mughal tôi sẽ chết với Kashmir trên môi, không kịp nhìn thấy thung lũng hoan lạc. Nơi con người tìm đến để hưởng thụ cuộc sống hoặc để kết thúc nó, hoặc cả hai.

Bởi vì, giờ tôi đã thấy những bóng dáng khác trong đám đông. Bóng dáng khủng bố của một người hùng chiến tranh, với đôi đầu gối sát thủ. Người đã khám phá ra tôi ăn cắp quyền vị lúc chào đời của hắn ra sao. Hắn đang xô đẩy, xông đến chỗ tôi qua đám đông, lúc này chỉ toàn những khuôn mặt quen thuộc.

Kia là anh chàng kéo Rashid xe tay-trong-tay với Quận chúa xứ Cooch Naheen. Đây là Ayooba Shaheed Farooq với Mutasim Anh tuấn. Còn từ một hướng khác, hướng mộ đảo của Haji Ali[12], tôi nhìn thấy một bóng ma thần thoại đang tiến lại: Hắc thần. Có điều khi đến gần mặt nó màu xanh, mắt nó màu đen, tóc nó rẽ ngôi giữa, bên trái xanh và bên phải đen, mắt nó là cặp mắt Góa phụ.

Shiva và Hắc thần đang đến gần rất gần, bên tai tôi vang lên những lời nói dối trong đêm: bất cứ gì con muốn thành, con sẽ được. Sự dối trá trắng trợn nhất, nứt vỡ rồi. Sự phân rã của Saleem, tôi là Quả bom ở Bombay, hãy xem tôi nổ tung. Từng đốt xương nứt gãy rạn vỡ dưới sức ép khủng khiếp của đám đông, cái túi da đựng xương rơi rơi rơi.

Như năm xưa ở Jallianwala, nhưng hôm nay xem ra không có mặt Dyer, và không có Mercurochrome. Chỉ có một sinh vật vỡ vụn tung tóe từng mảnh cơ thể ra đường, bởi vì tôi đã từng là rất-nhều quá-nhiều nhân vật. Cuộc đời, không như ngữ pháp, cho phép ta là nhiều hơn ba ngôi[13], và cuối cùng đâu đó dội lên tiếng chuông đồng hồ, điểm đúng mười hai tiếng.

[12] Haji Ali là một thánh đường đạo Hồi đồng thời là một Kiến trúc lăng mộ tọa lạc trên một hòn đảo tí hon ở phía Nam Bombay.

[13] Trong tiếng Anh, chữ person vừa có nghĩa là con người/nhân vật, vừa có nghĩa là ngôi nhân xưng.

Phải, chúng sẽ nghiền nát tôi dưới chân, những con số rầm rập diễu hành một hai ba, bốn trăm triệu năm trăm sáu… Biến tôi thành vô vàn hạt bụi vô thanh, cũng như, đến một ngày kia, chúng sẽ nghiền nát đứa con trai không phải con trai tôi. Và đứa con trai không phải con trai nó, và đứa con trai không phải con trai nó, cho đến tận thế hệ thứ một ngàn lẻ một, cho đến khi một ngàn lẻ một nửa đêm đã ban phát những món quà khủng khiếp của chúng.

Và một ngàn lẻ một đứa trẻ đã chết, bởi vì những đứa trẻ của nửa đêm đều mang trong mình đặc ân và lời nguyền rằng chúng vừa là chủ nhân vừa là nạn nhân của thời đại chúng, phải từ bỏ sự riêng tư và bị cuốn vào vòng xoáy hủy diệt của đại chúng, và không được sống và chết một cách bình yên.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.