Những Đứa Con Của Nửa Đêm

Chương 25: Gã buddha


Đọc truyện Những Đứa Con Của Nửa Đêm – Chương 25: Gã buddha

Một điều khá rõ ràng (bởi nếu không tôi sẽ phải đưa ra vào thời điểm này một cách lý giải hoang đường nào đó cho sự tiếp tục tồn tại của tôi trong “hồng trần gió bụi” này) là quý vị có thể liệt tôi vào danh sách những kẻ cuộc chiến năm 65 không tận diệt được. Bị ống nhổ tẩy não, Saleem chỉ hứng chịu sự tẩy xóa một phần, chỉ bị xóa sạch, trong khi những kẻ khác, kém may mắn hơn, bị xóa sổ. Nằm bất tỉnh dưới cái bóng buổi đêm của một thánh đường đạo Hồi, tôi sống sót nhờ sự cạn kiệt của trận mưa rác thải bom đạn.

Nước mắt – thứ mà thiếu vắng cái lạnh Kashmir, tuyệt đối không có cơ hội đông cứng thành kim cương, lăn dài trên gò má đầy đặn như bầu ngực của Padma.

“Ôi, ông ơi, cái cuộc chiến tamasha này, người tốt thì giết thằng dốt lại tha!” Gương mặt như có một đàn sên vừa bò xuống từ đôi mắt đỏ hoe, để lại những vệt dinh dính bóng nhẫy, Padma khóc thương gia tộc bị bom ép bẹp của tôi. Mắt ráo hỏanh như thường lệ, tôi độ lượng không phản ứng trước hàm ý lăng mạ vô tình ẩn trong câu cảm thán đẫm lệ của Padma.

“Hãy khóc cho người sống.” Tôi nhẹ nhàng quở trách cô: “Người chết đã có vườn long não.”

Hãy xót cho Saleem! Người, bị chặn lại trước thảm cỏ Thiên Đường bởi trái tim vẫn tiếp tục đập, một lần nữa tỉnh giấc trong mùi kim loại lành lạnh cùa phòng bệnh. Người sẽ không được các houri, chưa hề bị người hoặc yêu tinh chạm đến, chiêu đãi sự an ủi vĩnh hằng như đã hứa. Tôi có may mắn được nhận sự chăm sóc hậm hực, khua bô xủng xoảng của một nam hộ lý đô con. Tay này, trong lúc băng bó đầu cho tôi, cay cú làu bàu rằng: chiến tranh thì mặc chiến tranh, các sahib bác sĩ muốn Chủ nhật phải được đi nghỉ nhà mát ven biển.

“Chú mày chết giấc thêm một ngày nữa có phải tốt không?” Hắn lầm bầm, trước khi đi tiếp cho đến cuối phòng để nhân rộng màn khích lệ tinh thần ấy.

Hãy xót cho Saleem – người, mồ côi và được thanh tẩy, bị tước đoạt cả trăm lần cảm xúc, ngày ngày tấm tức như kim chích của cuộc sống gia đình. Một cảm xúc mà riêng nó cũng đủ xì hơi quả khinh khí cầu hoang đường của lịch sử và thu nhỏ nó lại một kích cỡ con người dễ kiểm soát hơn. Bị giật đứt rễ và ném không thương tiếc xuyên năm tháng, bị trời định phải lao không-ký-ức đến một tuổi trưởng thành mà mọi khía cạnh của nó mỗi ngày một trở nện dị hợm.

Những vệt sên bò còn ướt trên má Padma. Buộc phải thử một chiêu dỗ dành kiểu “Coi kia, coi kìa”, tôi bèn bắt chước trailer phim. (Ngày xưa ở Metro Cub Club tôi mới mê chúng làm sao! Ôi những tiếng chép môi trước hình ảnh dòng chữ BOM TẤN KỲ SAU in trên nền nhung xanh lượn sóng! Ôi cơn nhỏ dãi háo hức trước khi màn ảnh loan tin SẮP RA MẮT! – Bởi triển vọng về một tương lai huyền bí dường như luôn luôn là, với tâm thức tôi, thuốc giải hoàn hảo cho nỗi thất vọng của hiện tại.)

“Thôi nào, thôi nào.”

Tôi vỗ về cô khán giả ngồi xổm khóc thương của tôi: “Tôi đã kể hết đâu! Còn một vụ điện giật, một khu rừng mưa nhiệt đới, một kim tự tháp đầu người giữa cánh đồng thấm đẫm dịch tủy xương, những vụ hút chết, một ngọn tháp thánh đường gào rú! Padma, còn nhiều chuyện đáng kể lắm: những thử thách sau này của tôi, trong cái giỏ tàng hình, và dưới bóng một thánh đường khác. Hãy chờ đón linh cảm của Resham Bibi và cái bĩu môi của Parvati-phù-thủy! Tình phụ tử và sự phản bội nữa, và tất nhiên cả mụ Góa phụ vô phương tránh thoát ấy. Kẻ đã bổ sung vào lịch sử bị hút-kiệt-ở-trên của tôi nỗi nhục nhã cuối cùng là trống-rỗng-ở-dưới… Tóm lại, vẫn còn vô số những bom-tấn-kỳ-sau và sắp-ra-mắt, chương này kết thúc khi có người mất đi cha mẹ, nhưng một chương mới cũng sẽ bắt đầu.”

Phần nào nguôi ngoai trước hứa hẹn của tôi về một câu chuyện kỳ thú, Padma của tôi khịt mũi, chùi đi chất nhớt của động vật thân mềm, lau khô mắt, hít vào thật sâu… Và, với anh chàng bị ống nhổ tẩy não, ta vừa gặp lần trước trên giường bệnh, độ năm năm đã trôi qua trước khi đóa sen-phân của tôi thở ra.

(Trong khi Padma, để tự trấn tĩnh, nín thở, tôi tự cho phép mình chen vào một cận cảnh theo phong-cách-chớp-bóng-Bombay. Một cuốn lịch bị gió thốc vào, từng tờ nối nhau vèo vèo bay đi – biểu thị năm tháng trôi qua. Tôi chèn lên tới tấp những toàn cảnh về bạo loạn đường phố, những trung cảnh về xe buýt bốc cháy và những thư viện Anh ngữ thuộc sở hữu của Hội đồng Anh và Trung tâm Thông tin Hoa Kỳ đang rừng rực lửa. Qua cuốn lịch đang lật trang vùn vụt, chúng ta nhìn thấy sự sụp đổ của Ayub Khan, Đại tướng Yahya nhậm chức tổng thống, vì lời hứa tuyển cử… Nhưng giờ đôi môi Padma đang hé ra, và không còn thời gian để lấn quấn với hình ảnh đối lập dữ dội của Z.A.

Bhutto và Sheikh Mujib-ur-Rahman, không khí hít vào bắt đầu được thở ra trong vô hình từ miệng cô, và những gương mặt trong mơ của lãnh đạo Đảng Nhân dân Pakistan và Liên đoàn Awami mờ dần rồi nhòa đi. Luồng hơi từ phổi cô phả ra, nghịch lý thay, làm cơn gió đang lật từng tờ lịch của tôi lắng xuống, và dừng lại ở một ngày cuối năm 1970. Trước cuộc bầu cử chia đôi đất nước, trước cuộc chiến tranh giữa Cánh Tây với Cánh Đông, P.P.P. với Liên đoàn Awami, Bhutto với Mujib…

Trước cuộc bầu cử 1970, và cách xa sân khấu đại chúng, ba anh lính trẻ đang trên đường đến một doanh trại bí ẩn ở Đồi Murree.)

Padma đã lấy lại sự tự chủ: “Được rồi, được rồi.”

Cô bất bình ra mặt, vung tay xua đi những giọt nước mắt: “Ông còn chờ gì hử? Bắt đầu đi.” Bông sen uy nghi ra lệnh cho tôi.

“Bắt đầu lại từ đầu.”

Doanh trại trên đồi này sẽ không thể tìm thấy trên bản đồ, nó nằm cách đường Murree quá xa để tiếng sủa của lũ chó trong trại có thể đến tai người qua đường, kể cả những tay lái mô tô thính tai nhất. Hàng rào thép gai bao quanh trại được ngụy trang rất kỹ; cổng vào không có tên hay ký hiệu. Nhưng nó đã và đang tồn tại, mặc dù sự tồn tại của nó bị phủ nhận kịch liệt.

Chẳng hạn, khi Dacca thất thủ, khi viên tướng Pakistan bại trận Tiger Niazi bị bạn chí cốt và người chiến thắng, Tướng Sam Manekshaw của Ấn Độ, chất vấn về chuyện này, con Cọp cười khẩy: “Biệt đội Liệp Khuyển chuyên Săn lùng và Hoạt động tình báo? Chưa nghe bao giờ, ông bị bịp rồi, ông bạn già. Nói ông bỏ quá, ý tưởng lố bịch hết sức.” Bất chấp những gì Cọp nói với Sam, tối nhấn mạnh: doanh trại này vẫn luôn ở đó…

“Mạnh mẽ lên!” Chuẩn tướng Iskandar hét ba tay lính mới, Ayooba Baloch, Farooq Rashid và Shaheed Dar.

“Các cậu giờ đã là một đội CUTIA[1] rồi!”

Gõ cây dùi cui vào đùi, ông ta xoay gót và bỏ họ lại giữa bãi tập, đồng thời bị nướng dưới mặt trời vùng núi và đóng băng vì khí lạnh vùng núi. Ngực ưỡn, vai ngang, người cứng đờ với ý thức phục tùng, ba gã thanh niên nghe thấy tiếng cười khùng khục của tay cần vụ của Chuẩn tướng, Lala Moin: “Ra các cậu là mấy thằng hãm phải nhận con chó-người ấy à!”

[1] Viết tắt của Canine Unit for Tracking and Intelligence Activities, Biệt đội Liệp Khuyển chuyên Săn lùng và Hoạt động tình báo.

Trên giường cá nhân đêm đó: “Săn lùng và tình báo!”, Ayooba Baloch thì thào, vẻ tự hào.

“Gián điệp, bọn mày ạ! Kiểu O.S.S. 117! Cứ cho bọn mình gặp tụi Hindu ấy xem – có gì là ta không làm! Binh! Bốốp! Một lũ èo uột, bọn Hindu ấy! Toàn thằng ăn rau! Rau.”

Ayooba dè bỉu: “Bao giờ cũng thua thịt.” Người gã đồ sộ như xe tăng. Mái tóc húi cua cắt sát lông mày.

Và Farooq: “Mày nói có chiến tranh không?”

Ayooba khịt mũi: ‘‘Chứ sao? Làm sao mà không được? Sahib Bhutto chẳng đã hứa cho mỗi nông dân một hecta đất? Mà đất ấy ở đâu ra? Để có ngần ấy đất, phải chiếm Punjab và Bengal! Mày cứ chờ xem, bầu cử xong, khi đảng Nhân dân đã thắng – tha hồ Binh! Bốốp!”

Farooq vẫn băn khoăn: “Bọn Ấn nó có quân Sikh, mày ơi. Tóc dài râu rậm, khi trời nóng nó ngứa rồ lên, làm chúng hóa điên và chiến đấu điên cuồng…!”

Ayooba cười sằng sặc: “Một lũ ăn chay, tao thề, ờ… làm sao chiến nổi bọn trâu bò như tụi mình?” Nhưng Farooq lại cao và người dây.

Shaheed Dar thì thào: “Nhưng hắn nói thế là sao nhỉ: chó người?”


Sáng hôm sau, trong một căn lều treo bảng đen, Chuẩn tướng Iskandar chà các khớp ngón tay lên ve áo trong khi một tay thượng sĩ Niajmuddin lên lớp cho các tân binh. Theo công thức hỏi – đáp, Najmuddin đưa ra cả câu hỏi và trả lời. Không ai được phép ngắt lời. Trong lúc bên trên tấm bảng hai bức chân dung quàng hoa của Tổng thống Yahya và Liệt sĩ Mutasim dòm xuống đầy nghiêm khắc. Và qua những cánh cửa (đóng kín), tiếng chó sủa dai dẳng… Từng câu hỏi và trả lời của Najmud-din cũng được sủa thành tiếng.

Các cậu đến đây làm gì?

– Luyện tập.

Lĩnh vực gì?

– Truy-lùng-và-bắt-giữ.

Hoạt động ra sao?

– Theo từng đội liệp khuyển ba người và một chó.

Có điểm gì đặc biệt?

– Không có sĩ quan chỉ huy, phải tự mình quyết định, đồng thời đòi hỏi ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm đạo Hồi cao độ.

Mục tiêu của đơn vị?

– Nhổ tận gốc những phần tử phản động.

Đặc điểm của những phần tử này?

– Lén lút, khéo ngụy trang, có-thể-là-bất-cứ-ai.

Những mục đích của chúng?

– Đáng thống hận: hủy hoại cuộc sống gia đình, giết Chúa, cướp của địa chủ, thủ tiêu cơ chế kiểm duyệt phim.

Gây hậu quả ra sao?

– Diệt vong Nhà nước, vô chính phủ, ngoại bang đô hộ.

Những nguy cơ nổi bật?

– Kỳ bầu cử sắp tới và tiếp đến là chính quyền dân sự. (Tù chính trị đã và đang được thả. Đủ loại côn đồ đang hoành hành.)

Nhiệm vụ cụ thể của đội?

– Chấp hành mệnh lệnh không thắc mắc, săn lùng không mệt mỏi, bắt giữ không thương xót.

Phương thức hoạt động?

– Âm thầm, hiệu quả, nhanh gọn.

Cơ sở pháp lý của việc bắt giữ?

– Luật Phòng vệ Pakistan, cho phép bắt giữ những phần tử phản động, và có thể bị cấm cố trong sáu tháng. Ghi chú: có thể gia hạn thêm sáu tháng.

Hỏi gì nữa không?

– Không. Tốt. Các cậu là Biệt đội CUTLA 22. Phù hiệu mẫu khuyển sẽ được khâu lên ve áo mọi người. Chữ CUTIA, dĩ nhiên, có nghĩa là chó cái. Còn con chó người?

Khoanh chân, mắt xanh, lừ lừ nhìn về phía trước, nó ngồi dưới gốc cây. Bồ đề không mọc ở độ cao này, nó đành bằng lòng với một gốc chinar[2]. Mũi nó phồng to, như quả dưa chuột, chỏm mũi tím tái vì lạnh. Đầu nó có một vạt hói từng bị tay lão Zagallo tóm lấy. Và một ngón tay cụt mà phần bị đứt rơi xuống chân Masha Miovic sau khi Keith Nội tiết sập cửa. Và mặt nhọ như bản đồ… “Hăắt xìì” (Nó nhổ.)

[2] Một loài cây hình dáng như cây phong, mọc ở vùng núi phía Bắc Ấn Độ.

Răng nó ố bẩn, lợi đỏ màu nước cốt trầu. Một tia nước trầu đỏ phún xuất khỏi môi nó, rơi trúng, với độ chính xác đáng khen ngợi, một cái ống nhổ bằng bạc được gò rất tinh xảo, đặt trước mặt nó. Ayooba Shaheed Farooq nhìn trân trối với vẻ kinh ngạc.


“Chớ có lấy đi cái ấy của nó.” Thượng sĩ Najmuddin chỉ cái ống nhổ: “Sẽ làm nó điên lên.”

Ayooba lên tiếng: “Dạ thưa sếp em tưởng sếp bảo ba người và một…”

Nhưng Najmuddin sủa: “Miễn hỏi! Phục tùng không thắc mắc! Đây là chó săn của các cậu, thế thôi. Giải tán.”

Lúc đó, Ayooba và Farooq mười sáu tuổi rưỡi. Shaheed (người đã nói dối tuổi) có lẽ ít hơn một tuổi. Bởi vì họ còn quá trẻ, chưa có thời gian để có được dạng ký ức giúp con người nắm bắt chắc chắn về hiện thực. Như ký ức về tình yêu hay nạn đói, những anh lính trẻ đặc biệt dễ bị tác động bởi những truyền thuyết và chuyện ngồi lê đôi mách. Trong vòng hai mươi bốn giờ, qua những câu chuyện tại phòng ăn tập thể với các đội CUTIA khác, con chó-người đã được thần thoại hóa triệt để…

“Xuất thân từ một thế gia!”

“Đứa con đần độn, họ tống nó vào Quân đội để rèn giũa nó nên người!”

“Bị tai nạn hồi chiến tranh ‘65, chả nhớ được gì sất!”

“Mà này, nghe nói nó là anh trai của…”

“Không, mày ơi, điên à, cô ấy tốt lắm, mày biết đấy, giản dị và sùng đạo, sao có thể bỏ mặc anh trai?”

“Với cả nó dứt khoát không nhắc đến chuyện đó.”

“Tao nghe được một chuyện kinh khủng, cô ấy ghét nó, mày ạ, vì thế cô ấy mới!”

“Không trí nhớ, không để ý tới người khác, sống như một con chó!”

“Nhưng vụ đánh hơi là hoàn toàn thật đấy! Mày thấy mũi nó không?”

“Ờ, mẹ ơi, nó có thể theo dấu mọi thứ trên đời!”

“Qua nước, baba, xuyên đá! Thật là một con chó săn kinh khủng, chưa thấy bao giờ!”

“Mà nó không cảm thấy gì hết! Thật đấy! Tê liệt, tao thề, tê liệt từ-đầu-đến-chân! Mày chạm vào nó, nó cũng không biết – chỉ nhờ mùi mà nó biết mày ở đó!”

“Chắc tại vết thương chiến tranh!”

“Nhưng còn cái ống nhổ, mày ạ, chẳng ai biết vì sao? Lúc nào cũng kè kè như kỷ vật tình yêu!”

“Nói thật, tao mừng là rơi vào ba thằng mày; nó cứ làm tao rờn rợn, ờ, hai con mắt xanh ấy.”

“Mày biết tại sao người ta phát hiện ra cái mũi nó không? Nó đi vào bãi mìn, mày ạ, tao thề, rồi thản nhiên đi ra, cứ như nó ngửi thấy đống mìn vậy!”

“Ôi, không, mày nói gì thế, chuyện đấy cũ rồi, đấy là chuyện về con chó đầu tiên của cả chương trình CUTIA, con Bonzo, ông ạ, đừng lộn xộn chứ!”

“Mà này, Ayooba, coi chừng đấy, người ta bảo có một số V.I.P. để mắt đến nó đấy!”

“Ờ, tao đã bảo mà, Jamila Ca sĩ…”

“Dào, câm đi, bọn tao nghe ba chuyện cổ tích của mày đủ rồi!”

Khi Ayooba, Farooq và Shaheed đã làm quen với chuyên gia săn lùng kỳ quái, vô cảm của họ (ấy là sau sự kiện trong nhà xí), họ đặt cho hắn cái biệt hiệu buddha: “ông già”. Không chỉ vì hắn chắc phải hơn họ bảy tuổi, và từng tham gia cuộc chiến ’65 sáu năm trước, khi ba anh lính trẻ còn chưa mặc quần dài, mà còn vì từ hắn tỏa ra một không khí hết sức cổ xưa. Buddha là một kẻ già trước thời đại.

Ôi sự mơ hồ may mắn trong cách phiên âm! Chữ “buddha” trong tiếng Urdu, nghĩa là ông già, được phát ậm với hai chữ D nặng và bật hơi. Nhưng cũng có một Buddha, với hai chữ D đọc mềm hơn, có nghĩa là người-giác-ngộ-dưới-gốc-bồ-đề…

Ngày xửa ngày xưa, có một hoàng tử, không chịu đựng nổi những khổ đau của thế gian, đã có khả năng vừa xuất thế lại vừa nhập thế; vừa hiện hữu, nhưng lại không hiện hữu; thân ở một nơi, nhưng tâm lại ở nơi khác. Tại Ấn Độ cổ đại, Đức Phật Cồ Đàm giác ngộ dưới gốc bồ đề ở Gaya, tại vườn Lộc Uyển Người dạy đệ tử cách thoát ly những ưu phiền thế tục và đắc đạo. Và nhiều thế kỷ sau, Saleem gã buddha ngồi dưới một gốc cây khác, không nhớ được khổ đau, tê dại như băng, bị xóa sạch như một tấm bảng đá… Với một chút bối rối, tôi buộc phải công nhận rằng mất trí nhớ là một thứ thủ thuật thường được các nhà làm phim giật gân của chúng ta sử dụng.

Khẽ cúi đầu chào, tôi thừa nhận rằng cuộc đời mình, một lần nữa, lại mang màu sắc của phim chớp bóng Bombay. Nhưng nói cho cùng (gạt vấn đề đầu thai nhiều tranh cãi sang một bên) chỉ có một số giới hạn những phương thức để tái sinh. Vì thế, tuy lấy làm tiếc về tình tiết cải lương ấy, tôi vẫn phải kiên trì nhấn mạnh rằng, tôi, hắn, đã trùng sinh. Rằng, sau nhiều năm khát khao được là người quan trọng, mọi nỗ lực của tôi đã bị tẩy sạch hoàn toàn. Rằng, sau sự trả thù bằng cách bỏ rơi tôi của Jamila Ca sĩ, người tống tôi vào Quân đội để cho khuất mắt, tôi (hay hắn) đã chấp nhận số phận mà tôi coi như cái giá phải trả cho tình yêu, và ngồi không oán trách dưới mộc gốc chinar. Rằng, bị xóa sạch lịch sử, buddha đã học được nghệ thuật phục tùng, và chỉ làm những gì được yêu cầu. Tóm lại: tôi trở thành công dân Pakistan.

Một điều có lẽ không tránh khỏi là, sau một thời gian tập luyện gã buddha bắt đầu làm Ayooba Baloch khó chịu. Có lẽ vì hắn cố tình sống tách khỏi những người lính khác, trong một chòi rơm khổ hạnh ở cuối dãy chuồng chó. Hoặc vì người ta rất hay thấy hắn ngồi xếp bằng dưới gốc cây của hắn, tay ôm cái ống nhổ, ánh mắt ngơ ngẩn và một nụ cười ngô ngốc trên môi, như thể hắn lấy làm mừng vì đã mất não! Thêm vào đó, Ayooba, tín đồ trung thành của thịt, có lẽ thấy con chó săn của đơn vị không đủ nam tính.


“Chả khác gì brinjal[3]” Tôi cho phép Ayooba cằn nhằn: “Tao thề – một củ rau chính hiệu.”

[3] Cà tím.

(Ta cũng có thể, từ góc nhìn bao quát hơn, kết luận rằng cảm giác khó chịu đã lây lan trong không khí vào thời điểm cuối năm. Chẳng phải cả Tướng Yahya và Ngài Bhutto cũng khó chịu và nóng máu trước việc Sheik Mujib nằng nặc đòi được quyền thành lập chính phủ mới? Cái đảng Liên đoàn Awami đáng ghét ấy của dân Bengal đã thắng 160 trên 162 ghế tối đa ở Cánh Đông. Đảng P.P.P. của Ngài Bhutto chỉ giành được 81 khu bầu cử phía Tây. Phải, một cuộc bầu cử rất khó chịu. Không khó hình dung ra cả Yahya lẫn Bhutto, đều dân Cánh Tây, bực bội đến mức nào! Và khi những nhân vật quyền uy còn phát cáu, làm sao trách được một anh lính trơn? Sự khó chịu của Ayooba Baloch, ta hãy tạm kết luận, đặt gã ngang hàng với những nhân vật ưu tú, nếu không muốn nói là danh giá.)

Trong quá trình thao diễn, lúc Ayooba Shaheed Farooq trầy trật leo trèo theo buddha khi hắn lần theo từng dấu vết mờ nhạt nhất qua bờ bụi núi non sông suối, ba cậu trai buộc phải thừa nhận khả năng của hắn. Nhưng Ayooba, lùi lũi như cỗ xe tăng, vẫn chất vấn: “Mày không nhớ gì thật à? Không gì cả? Allah, mày không thấy buồn à? Mày cũng phải có cha mẹ chị em ở đâu đó chứ?”

Nhưng buddha nhẹ nhàng ngắt lời gã: “Đừng có nhồi vào đầu tao cái lịch sử này. Tao là tao, thế thôi.” Giọng hắn cực kỳ thuần khiết.

“Tiếng Urdu chính gốc Lucknow, chà, chà!” Farooq nói đầy ngưỡng mộ, đến nỗi Ayooba Baloch, người ăn nói thô hào như thổ dân, im bặt, và ba cậu trai bắt đầu tin còn nhiệt thành hơn vào những lời đồn. Cả ba không tự chủ được bị hấp dẫn bởi gã đàn ông có cái mũi dưa chuột và cái đầu chối bỏ mọi ký ức gia đình lịch sử, và tuyệt đối không chứa đựng gì ngoài mùi này…

“Như một quả trứng ung bị người ta hút kiệt.” Ayooba làu bàu với đồng đội, và rồi, trở lại chủ đề trung tâm của gã, thêm: “Allah, đến cái mũi hắn cũng giống củ rau.”

Cảm giác bất an vẫn đeo đẳng họ. Họ có cảm thấy, trong sự trống rỗng tê liệt của buddha, dấu vết của sự “phản động”? – Vì sự chối bỏ quá-khứ-và-gia-đình của hắn há chẳng phải là dạng hành vi phá hoại mà họ dốc lòng “nhổ tận gốc” hay sao? Tuy nhiên, các sĩ quan trong trại giả điếc trước những thỉnh cầu của Ayooba: “Báo cáo sếp, tụi em có thể đổi một con chó thật không?”

Thế nên Farooq, một kẻ theo đuôi bẩm sinh, người đã kịp tôn Ayooba làm đàn anh và người hùng của gã, than: “Biết làm sao được? Nhà hắn quan hệ rộng thế, chắc là một số sếp lớn đã bảo ngài Chuẩn tướng phải chịu đựng hắn, có vậy thôi.”

Và (mặc dù không ai trong bộ ba này diễn đạt được tư tưởng ấy) tôi cho rằng ẩn sâu dưới nền móng của sự bất an của họ là nỗi sợ của chứng tâm thần phân liệt, của sự chia rẽ, thứ được chôn chặt như một sợi dây rốn trong mỗi trái tim Pakistan. Ngày ấy, hai cánh Đông và Tây của đất nước này bị ngăn cách bởi khối đất Ấn Độ không thể bắc cầu, trong khi quá khứ với hiện tại cũng bị chia cắt bởi một vực sâu không thể bắc cầu. Tôn giáo là chất keo của Pakistan, gắn kết hai nửa đất nước với nhau, giống như ý thức – sự nhận biết bản thân như một thực thể đồng nhất trong thời gian, một sự hòa trộn của quá khứ và hiện tại – là chất keo của nhân cách, gắn kết cái ta trước kia và cái ta bây giờ.

Triết lý thế đủ rồi: điều tôi muốn nói là: bằng cách từ bỏ ý thức, đoạn tuyệt với lịch sử, gã buddha đã tạo ra tấm gương xấu nhất trong mọi tấm gương. Và nhân vật bắt chước tấm gương ấy không ai khác ngoài Sheikh Mujib, khi ông ta lãnh đạo Cánh Đông ly khai và tuyên bố độc lập dưới cái tên “Bangladesh”! Phải, Ayooba Shaheed Farooq đã có lý khi cảm thấy bất an – bởi vì ngay trong sâu thẳm của sự rút lui khỏi mọi trách nhiệm, tôi vẫn phải chịu trách nhiệm, thông qua sự vận hành của chế độ liên kết theo nghĩa bóng, về những sự kiện thù địch trong năm 1971.

Nhưng tôi phải trở lại với ba đồng đội mới của mình, để có thể kể về tai nạn trong nhà xí: có Ayooba, cỗ xe tăng, người chỉ huy cả đội, và Farooq, người vui vẻ nghe theo. Gã trai thứ ba, tuy vậy, thuộc mẫu người âu sầu hơn, kín đáo hơn, và do đó đồng cảm với tôi nhất. Vào ngày sinh nhật thứ mười lăm Shaheed Dar đã nói dối tuổi của mình để nhập ngũ.

Hôm ấy, ông bố nông dân cấy rễ quê Punjab của gã dắt Shaheed ra đồng và khóc ướt đẫm bộ quân phục mới của thằng bé. Ông lão Dar giải thích cho con về tên gã, nghĩa là “kẻ tuẫn đạo”, và bày tỏ hy vọng gã sẽ chứng tỏ mình xứng đáng với nó, và có lẽ sẽ trở thành người đầu tiên trong nhà được vào vườn hương, bỏ lại sau thế giới khốn khổ này, nơi một người bố không dám mong vừa trả được nợ vừa nuôi nổi mười chín đứa con.

Quyền năng áp đảo từ những cái tên, cùng hệ quả là một viễn cảnh tuẫn đạo đang đến gần, bắt đầu giày vò ghê gớm tâm trí Shaheed. Trong mơ, gã bắt đầu thấy cái chết của mình, hiện ra dưới hình hài một quả lựu sáng rực rỡ, lơ lửng trong không khí sau lưng gã, bám theo gã đi khắp nơi, chờ đợi thời cơ. Viễn tượng ám ảnh và phần nào kém hào hùng về cái chết với quả lựu đã biến Shaheed thành một anh chàng hướng nội, không cười.

Hướng nội, không cười, Shaheed lặng lẽ quan sát từng đội CUTIA được điều từ trại ra mặt trận, và ngày một tin rằng thời khắc của gã, và của quả lựu, đã tới rất gần. Từ cuộc ra đi của những biệt đội ba người-một-chó trên xe jeep ngụy trang, gã suy ra một cuộc khủng hoảng chính trị đang lên cao. Đang là tháng Hai, và nỗi bực bội của những nhân vật danh giá ngày một rõ rệt hơn. Tuy nhiên Ayooba-xe-tăng vẫn giữ cái nhìn cục bộ. Cơn bực bội của gã cũng đang tích tụ, song đối tượng của nó là gã buddha.

Ayooba trở nên say mê người đàn bà duy nhất trong trại, một đứa cọ nhà xí gầy gò, chắc không thể quá mười bốn, và nụ hoa mới bắt đầu nhú lên dưới manh áo tả tơi. Loại thấp hèn, rõ rồi, nhưng ở đây chỉ có thế, và so với một đứa cọ nhà xí thì con nhỏ có hàm răng khá đẹp và một thân hình khơ khớ dưới con mắt hấp háy của đám lính tráng…

Ayooba bắt đầu đi theo con nhỏ, và bởi thế mới phát hiện thấy nó chui vào chòi rơm của buddha, và bởi thế gã mới dựa cái xe đạp vào tường, rồi đứng lên yên, và bởi thế gã mới bị ngã, vì gã không thích điều gã thấy.

Sau đó gã nói chuyện với con nhỏ, thô bạo tóm lấy tay nó: “Tại sao lại làm chuyện đó với thằng khùng ấy? Tại sao, trong khi anh, Ayooba, có thể…?”

Và con nhỏ nói: em thích con chó-người, hắn rất ngộ, hắn chẳng cảm thấy gì, hắn nắc cái vòi nước của hắn bên trong em mà vẫn chả cảm thấy gì. Nhưng em thích, và hẳn nói hắn khoái mùi của em.

Sự thật thà của con nhỏ cầu bơ, sự thành thực của đứa cọ nhà xí, làm Ayooba ghê tởm. Gã chửi con nhỏ là đồ có linh hồn bằng cứt lợn, và lưỡi cũng đóng đầy phân. Và trong khi máu ghen nổi lên, gã nghĩ ra trò chơi khăm bằng điện cực, cái bẫy hố xí dẫn điện. Địa điểm ấy hấp dẫn gã, nó chứa đựng một thứ công lý đầy chất thơ.

“Không cảm thấy, hử?” Ayooba cười khẩy với Farooq và Shaheed, “Chờ đấy: tao sẽ cho hắn nhảy dựng lên.”

Vào hôm 10 tháng Hai (khi Vahya, Bhutto và Mujib từ chối hội đàm cấp cao), buddha cảm thấy thiên nhiên vẫy gọi. Một Shaheed có phần âu lo và một Farooq hớn hở lảng vảng quanh nhà xí. Trong Ayooba, sau khi đã dùng kẹp điện cực nối hai tấm để chân kim loại của hố xí với ắc quy một chiếc jeep, đứng tít đằng xa, sau nhà xí, cạnh chiếc xe đang nổ máy. Buddha xuất hiện, mắt nở to như phê thuốc, và dáng điệu như đi-trong-mây, và khi hắn bồng bềnh trôi vào nhà xí, Farooq reo lên, “Ohe! Ayooba, yara!” và cười khúc khích. Ba tên lính con nít chờ đợi tiếng tru đau đớn ê chề báo hiệu con chó săn ngô ngốc của họ bắt đầu đái, khiến dòng điện theo dòng nước màu vàng chạy lên, chích vào cái vòi nước tê dại và nắc-gái-cầu-bơ của hắn.

Nhưng chẳng có tiếng rú nào. Farooq, ngơ ngác và cảm thấy bị lừa, nhíu mày. Và một lúc sau, Shaheed đâm lo liền hét gọi Ayooba Baloch: “Bớ Ayooba! Mày làm gì thế?”

Ayooba-xe-tăng đáp: “Mày nghĩ sao hả, tao bật điện năm phút trước rồi!”…

Và giờ Shaheed chạy – HẾT TỐC LỰC! – vào nhà xí, để thấy buddha vẫn đang đái với vẻ mặt thỏa mãn đờ đẫn, tiếp tục xả một cái bàng quang tích nước, có dễ đã hai tuần liền. Trong khi dòng điện chạy vào người hắn qua quả dưa chuột dưới hạ thể (và hiển nhiên hắn không hề hay biết), khiến người hắn tích đầy điện và có những tia lửa điện xanh lè nổ lách tách ở đầu cái mũi ngoại cỡ của hắn.

Và Shaheed, không đủ can đảm sờ vào sinh vật hoang đường, có thể hấp thụ điện qua vòi nước của hắn, hét lên: “Ngắt điện, trời ơi, kẻo hắn biến thành hành phi mất!”

Buddha từ nhà xí bước ra, hờ hững, tay phải cài khuy quần, còn tay trái cầm ống nhổ bạc. Và ba tên lính con nít hiểu ra điều này là thật, Allah, tê cứng như băng, gây tê trước cảm xúc cũng như ký ức… Một tuần liền sau vụ này, không ai có thể động vào buddha mà không bị điện giật, và kể cả con nhỏ dọn nhà xí cũng không thể mò đến với hắn ở chòi.

Điều kỳ lạ là, sau vụ điện cực, Ayooba Baloch thôi không căm ghét buddha nữa, thậm chí bắt đầu tôn trọng hắn. Nhóm liệp khuyển nhờ giây phút kỳ quặc này, mà được hun đúc thành một đội thực thụ, sẵn sàng xông pha chiến đấu với những kẻ tác ác trên trái đất.

Ayooba-xe-tăng không thể làm buddha bị sốc, nhưng nơi mà anh lính trơn thất bại, kẻ quyền lực lại thành công. (Khi Yahya và Bhutco quyết định làm Sheikh Mujib nhảy dựng lên, họ không phạm một sai lầm nào.)

Ngày 15 tháng Ba năm 1971, hai mươi biệt đội của CUTIA tập trung tại một căn lán treo bảng đen. Tấm hình quàng hoa của Tổng thống nhìn xuống sáu mươi mốt người và mười chín chó. Yahya Khan vừa chuyển đến Mujib cành ôliu, đề xuất đối thoại trực tiếp với chính ông ta và Bhutto, để giải quyết mọi nỗi bực bội. Nhưng bức chân dung ông ta vẫn duy trì một vẻ mặt lạnh lùng tuyệt hảo, không lộ bất kỳ manh mối gì về ý định thật, gây sốc của mình… Trong khi Chuẩn tướng Iskandar chà xát các khớp ngón tay lên ve áo, Thượng sĩ Najmuddin truyền đạt mệnh lệnh: sáu mươi mốt người cùng mười chín chó được yêu cầu cởi bỏ quân phục.

Một cơn sột soạt, nhốn nháo nổi lên trong lán: phục tùng không thắc mắc, mười chín người tháo vòng nhận dạng khỏi cổ chó. Bầy chó, được huấn luyện hoàn hảo, có nhướng mày, song kiềm chế không phát ra tiếng. Và buddha, nghiêm chỉnh chấp hành, bắt đầu cởi đồ. Sáu chục con người theo sau hắn, sáu chục con người quay về tư thế nghiêm trong nháy mắt, lạnh run lẩy bẩy, cạnh từng chồng mũ nồi giày quần và áo chui đầu màu xanh khuỷu tay đáp da xếp ngay ngắn. Sáu mươi mốt người, không mặc gì ngoài đồ lót không lành lặn, được phân phát: (từ Lala Moin tay cần vụ) quần áo dân thường được Quân đội chuẩn y.

Najmuddin sủa lệnh, một lúc sau, tất cả lại chỉnh tề đứng đó, người bận lungi và kurta, người đội khăn xếp Pashtun. Có người mặc quần vải rayon rẻ tiền, người vận sơ mi kẻ sọc. Buddha mặc dohti và kameez, hắn thoải mái, nhưng xung quanh nhiều người ngọ nguậy vì mặc không vừa. Đây, dù vậy, là quân vụ, không một lời phản đối, của người lẫn chó, được thốt ra.

Ngày 15 tháng Ba, sau khi tuân thủ những chỉ thị về trang phục, hai mươi đội CUTIA bay đến Dacca, qua đường đảo Ceylon. Trong số đó có Shaheed Dar, Farooq Rashid, Ayooba Baloch và buddha của họ. Cũng sang Cánh Đông theo đường vòng này, là sáu mươi ngàn quân thiện chiến nhất của Cánh Tây. Sáu mươi ngàn, như sáu mươi mốt người này, đều mặc thường phục. Viên Tổng chỉ huy (mặc com lê xanh hai hàng cúc rất sành điệu) là Tikka Khan – sĩ quan chịu trách nhiệm về Dacca, vỗ sự thần phục và rốt cuộc là đầu hàng của nó, tên gọi Tiger Niazi. Ông ta mặc bush-shirt với quần vải, đầu đội một chiếc mũ nỉ nhỏ khá chơi.

Qua đảo Ceylon chúng tôi bay, sáu mươi nghìn và sáu mươi mốt hành khách lương thiện, tránh bay qua không phận Ấn Độ. Và do đó, mất cơ hội chứng kiến, từ độ cao bảy ngàn mét, cảnh ăn mừng của đảng Tân Quốc đại của Indira Gandhi, vì vừa giành thắng lợi áp đảo – 350 trên 515 ghế tối đa ở Lok Sabha – cũng trong một cuộc bầu cử mới diễn ra. Chẳng-biết-đến-Indira, không được thấy khẩu hiệu tranh cử của bà, GARIBI HATAO, Xóa Bỏ Đói Nghèo, được tuyên truyền rầm rộ ở tường và băng rôn trên khắp viên kim cương Ấn Độ vĩ đại. Chúng tôi hạ cánh ở Dacca vào đầu xuân, và được chở đến một trại lính trên những chiếc xe buýt dân sự, được đặc biệt trưng thu vì mục đích này. Tuy nhiên, ở chặng cuối này của hành trình, chúng tôi không tránh khỏi nghe thấy dăm câu hát, phát ra từ một chiếc máy hát không ai nhìn thấy.

Bài hát tên là “Amar Sonar Bangla” (“Bengal Hoàng Kim Của Chúng Ta, tác giả: R. Tagore) và có đoạn: “Mỗi độ xuân về, hương xoài của Người làm tim con mê cuồng một nỗi hân hoan[4].” Tuy nhiên, chúng tôi không ai biết tiếng Bengal, và nhờ thế được bảo vệ trước tư tưởng băng hoại âm hiểm trong lời hát, tuy rằng chân chúng tôi có vô tình đánh nhịp (phải thừa nhận như vậy) theo điệu nhạc.

[4] Một câu trong bài Quốc ca của Bangladesh.


Ban đầu, Ayooba Shaheed Farooq và buddha không được cho biết tên thành phố họ vừa đặt chân đến. Ayooba, mường tượng ra cảnh tiêu diệt bọn ăn chay, thì thầm: “Tao đã bảo mà! Giờ ta sẽ cho chúng biết tay! Tuyệt chiêu gián điệp! Thường phục và các thứ! Biệt đội 22, xung phooong! Binh! Chát! Hự!”

Nhưng chúng tôi không ở Ấn Độ, mục tiêu của chúng tôi không phải là những kẻ ăn chay. Và sau nhiều ngày chờ dài cổ, quân phục được trả lại cho chúng tôi. Lần thay hình đổi dạng thứ hai này diễn ra vào ngày 25 tháng Ba.

Ngày 25 tháng Ba, Yahya và Bhutto đột ngột cắt đứt hội đàm với Mujib và quay về Cánh Tây. Đêm xuống, Chuẩn tướng Iskandar, theo sau là Najmuddin và Lala Moin, khệ nệ dưới sức nặng của sáu mươi mốt bộ quân phục và mười chín cái vòng cổ, xộc vào trại của CUTIA. Lúc này Najmuddin: “A lê hấp! Chỉ làm cấm hỏi! Cấp cấp như luật lệnh!” Các hành khách đi máy bay mặc quân phục và cầm vũ khí, trong khi Chuẩn tướng Iskandar rốt cuộc đã thông báo mục đích chuyến đi.

“Thằng cha Mujib ấy,” ông tiết lộ, “chúng ta sẽ cho hắn nếm mùi. Chắc chắn ta sẽ làm hắn nhảy dựng lên!”

(Hôm đó là 25 tháng Ba, sau khi hội đàm với Bhutto và Yahya đổ vỡ, Sheikh Mujib-ur-Rahman liền tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Bangladesh.)

Các biệt đội CUTIA từ trại chui ra, leo lên xe jeep đang chờ sẵn, trong khi qua loa phong thanh trong căn cứ, tiếng hát thu âm của Jamila Ca sĩ cất lên những bài ca yêu nước. (Còn Ayooba, huých buddha: “Nghe kìa, coi nào, chẳng lẽ mày không nhận ra – thử nghĩ xem, đấy chả phải là người thân của mày à – Allah, thằng này ngoài trò đánh hơi ra thì thật vô dụng!”)

Vào nửa đêm – chẳng lẽ còn có thể vào thời điểm nào khác? Sáu mươi ngàn quân tinh nhuệ rời doanh trại, các hành-khách-bay-với- tư-cách-dân-thường lúc này bấm nút khởi động xe tăng. Tuy nhiên, riêng Ayooba Shaheed Farooq cùng buddha được chọn tháp tùng Chuẩn tướng Iskandar trong sứ mệnh trọng đại nhất của đêm hôm đó. Phải, Padma: lúc Mujib bị bắt, chính tôi là người đánh hơi thấy ông ta. (Họ đưa cho tôi một chiếc áo cũ của ông ấy; có mùi rồi thì chuyện đơn giản thôi.)

Padma gần như quẫn trí vì đau đớn. “Nhưng thưa ông, không phải là ông, không thể là ông, sao ông có thể làm một việc như thế…?”

Padma: là tôi đấy. Tôi đã thề sẽ kể hết, không giấu giếm một mẩu sự thật nào. (Nhưng trên mặt cô đang có những vết sên bò, và hẳn là cô phải có lý do.)

Thế nên – tin tôi hay không thì tùy, nhưng chuyện là thế đó! Tôi phải nhấn mạnh rằng tất cả đã kết thúc, tất cả lại bắt đầu, khi một cái ống nhổ đập vào gáy tôi. Saleem, với sự mòn mỏi khát khao ý nghĩa, khát khao mục đích xứng đáng, khát khao thiên-tài-như-một-tấm-khăn-san, đã ra đi. Và sẽ không trở lại cho đến khi một con rắn rừng nhiệt đới…

Tuy nhiên, vào lúc này, chỉ còn lại budhha, kẻ không nhận ra giọng hát người thân, kẻ không nhớ cả cha lẫn mẹ, kẻ mà với hắn nửa đêm chẳng có ý nghĩa gì. Kẻ, ít lâu sau tai nạn thanh tẩy hắn, tỉnh dậy trên một giường bệnh quân y, và chấp nhận Quân ngũ là số phận của mình. Kẻ tuân theo cuộc sống mà hắn rơi vào, và làm tròn nhiệm vụ. Kẻ phục tùng mệnh lệnh, kẻ sống cả trong-thế-giới-này và không-trong-thế-giới-này. Kẻ cúi đầu quy phục, kẻ có thể truy ra cả người lẫn thú giữa phố xá hoặc dưới dòng sông. Kẻ không biết và cũng chẳng quan tâm đến việc làm thế nào, dưới sự bảo trợ của ai, là ân huệ dành cho ai, và do ai xúi bẩy vì lòng thù hận mà hắn bị nhét vào bộ quân phục này. Người, nói tóm lại, chỉ là chó săn chính thức của Biệt đội CUTIA số 22 không hơn không kém.

Nhưng bệnh mất trí nhớ này thật tiện biết mấy, nó bào chữa được nhiều việc biết bao! Vậy nên hãy cho phép tôi tự phê bình: triết lý chấp nhận mà buddha tuân thủ cũng có hậu quả không hơn và cũng chẳng kém phần bất hạnh so với nỗi-khát-thèm-vai-trò-trung-tâm trước kia của hắn. Và ở đây, tại Dacca, những hậu quả này sắp được phơi bày.

“Không, không đúng,” Padma của tôi nấc lên, hầu hết những gì xảy ra đêm hôm đó cũng bị phủ nhận như thế.

Nửa đêm, 25 tháng Ba năm 1971, qua trường Đại học, nơi đang bị pháo kích, buddha dẫn quân lính vào sào huyệt của Sheikh Mujib. Sinh viên và giảng viên từ ký túc xá chạy ra, những loạt đạn chào đón họ, và Mercurochrome đỏ loang mặt cỏ. Sheikh Mujib, dù vậy, không bị bắn, chịu xiềng xích và xô đẩy, ông ta được Ayooba dẫn ra một chiếc xe hòm chờ sẵn. (Như lần trước, sau cuộc cách mạng của các lọ gia vị… nhưng Mujib không trần truồng; ông ta mặc một bộ pajama sọc xanh vàng.) Và khi xe chúng tôi chạy trên đường phố, Shaheed ngó qua cửa sổ thấy những cảnh tượng không-phải-không-thể-nào là thật.

Quân lính đi vào nhà phụ nữ không hề gõ cửa, phụ nữ, bị lôi ra giữa đường, cũng bị đi vào, và cũng lại không ai buồn gõ cửa. Và các tòa báo, cháy bốc lên thứ khói vàng đen bẩn thỉu của những tờ lá cải rẻ tiển. Và trụ sở các nghiệp đoàn, bị đập nát thành gạch vụn. Và cống rãnh lề đường đầy ứ những người không đơn giản là đang ngủ – họ nằm phơi ngực trần, với những nốt mụn rỗng của lỗ đạn. Ayooba Shaheed Farooq im lặng quan sát qua cửa sổ xe đang chạy, trong khi các chàng trai của chúng ta, những chiến-sĩ-của-Allah, những jawan đáng-mười-tên-babu gìn giữ sự thống nhất của Pakistan bằng cách chĩa súng phun lửa súng máy lựu đạn vào khu ổ chuột của thành phố. Khi chúng tôi áp giải Sheikh Mujib đến sân bay, nơi Ayooba gí súng vào mông rồi đẩy ông ta lên chiếc máy bay sẽ đưa ông ta tới nơi giam cầm ở Cánh Tây, buddha đã nhắm mắt lại. (“Đừng nhổi vào đầu tao cái lịch sử này,” hắn đã có lần nói với Ayooba-xe-tăng, “Tao là tao, thế thôi.”)

Và Chuẩn tướng Iskandar củng cố tinh thần binh sĩ: “Vẫn còn những phần tử phản động cần phải tróc nã tận gốc.”

Khi suy nghĩ trở nên quá đỗi đau đớn, hành động là liều thuốc công hiệu nhất… các chiến binh chó giằng căng dây xích, thế rồi, khi được thả, sung sướng lao vào nhiệm vụ. Ôi những cuộc săn lùng phản động của bầy mãnh cẩu! Ôi những vụ truy bắt tràn lan giáo sư và thi sĩ! Ôỉ những vụ bắt giữ không may biến thành bị-bắn-vì-chống-cự của các thành viên Liên đoàn Awami và phóng viên thời trang! Bầy chiến khuyển gieo rắc tang thương khắp thành phố, có điều chó săn tuy không mệt, binh sĩ lại yếu hơn.

Farooq Shaheed Ayooba thay nhau nôn mửa khi mùi hôi thối từ khu ổ chuột bốc cháy ào ạt xộc vào mũi họ. Buddha, bị mùi hôi thối khơi dậy trong mũi hắn những hình ảnh sống động rát bỏng, vẫn cứ tiếp tục nhiệm vụ của mình. Ngửi ra chúng: phần còn lại dành cho đám lính cậu. Những biệt đội CUTIA sục sạo đống đổ nát âm ỉ khói của thành phố. Đêm nay không tên phản động nào được yên thân, không chỗ ẩn náu nào là bất khả xâm phạm. Chó săn St. Hubert săn đuổi những kẻ thù đang trốn chạy của quốc gia thống nhất. Chó săn Ireland, không kém cạnh, cắm ngập hàm răng dữ tợn vào con mồi.

Bao nhiêu vụ bắt giữ – mười, bốn-trăm-hai-mươi, một-nghìn-lẻ-một? – được Biệt đội 22 thực hiện đêm đó? Bao nhiêu tên trí thức Dacca èo uột trốn sau sari đàn bà và phải bị túm cổ lôi ra đường? Bao nhiêu lần Chuẩn tướng Iskandar – “Ngửi đi! Mùi phản loạn đấy!” – thả lũ chiến khuyển của sự thống nhất xổ ra? Có những điều xảy ra vào cái đêm 25 tháng Ba ấy sẽ phải vĩnh viễn nằm lại trong sự mập mờ.

Sự vô nghĩa của các số liệu thống kê: trong năm 1971, mười triệu người tị nạn đã vượt qua biên giới Đông Pakistan (Bangladesh) sang Ấn Độ – nhưng mười triệu (cũng như mọi con số lớn hơn một ngàn lẻ một) vượt quá giới hạn hiểu biết của con người. Phép so sánh cũng chẳng ích gì: “làn sóng di cư lớn nhất lịch sử nhân loại” – vô nghĩa. To hơn cuộc Xuất hành[5], lớn hơn đám đông thời kỳ chia cắt, con quái vật nhiều đầu ấy tràn sang Ấn Độ. Ở biên giới, quân Ấn Độ huấn luyện các nhóm du kích lấy tên là Mukti Bahini. Tại Dacca, Tiger Niazi toàn quyền kiểm soát thành phố.

[5] Nguyên văn: Exodus, cuộc di cư của dân Do Thái do Moses dẫn đầu rời khỏi Ai Cập (Kinh Thánh).

Còn Ayooba Shahecd Farooq? Các chàng trai áo xanh? Họ làm quen với việc chiến đấu chống lại những đồng bào ăn thịt ra sao? Họ có làm binh biến? Và các sĩ quan – Iskandar, Najmuddin, và thậm chí Lala Moin – có bị những viên đạn của sự ghê tởm xuyên thủng lỗ chỗ? Họ không sao hết. Sự trong sạch đã mất đi, nhưng bất chấp vẻ tàn nhẫn mới xuất hiện trong mắt, bất chấp tín nhiệm đã mất không thể vãn hồi, bất chấp những giá trị tuyệt đối về đạo đức bị xói mòn, cả đội tiếp tục thi hành nhiệm vụ. Buddha không phải là người duy nhất phục tùng mệnh lệnh… trong khi đâu đó phía trên cuộc giao tranh, tiếng hát của Jamila Ca sĩ tranh đấu với các giọng ca vô danh hát ca từ của R. Tagore: “Đời con trôi đi giữa làng quê rợp bóng, đầy ấp thóc từ đồng lúa của Người, chúng làm tim con mê cuồng một nỗi hân hoan.”

Trái tim điên cuồng, nhưng không phải vì một nỗi hân hoan, Ayooba và đồng đội theo lệnh hành sự, Buddha theo dấu mùi. Biệt đội số 22 tiến về trung tâm thành phố, nơi đã trở nên bạo lực điên cuồng đẫm máu, khi binh sĩ Cánh Tây phản ứng tồi tệ trước nhận-thức-về-điều-sai-trái của bản thân. Xuyên qua phố xá tối tăm, buddha chỉ chuyên tâm vào đánh hơi dấu vết trên mặt đất, mặc kệ sự hỗn loạn ở bề mặt của mùi thuốc lá phân bò xe đạp đổ giày vứt đi, và sau đó, là vào những nhiệm vụ khác.

Ở nông thôn, nơi những ngôi làng bị đốt trụi vì trách nhiệm tập thể trong việc chứa chấp Mukti Bahini, buddha và ba gã trai tiếp tục tróc nã những cán bộ cấp thấp của Liên đoàn Awami và các phần tử Cộng sản tiếng tăm. Vượt qua từng đoàn lưu dân gánh gồng chạy nạn, những đoạn đường sắt bị xé toang và rặng cây bị cháy trụi, và không ngừng, như thể có một sức mạnh vô hình dẫn dắt từng bước chân, lôi họ vào một hố thẳm đen tối hơn của cơn cuồng dại này, nhiệm vụ dẫn họ mải miết xuôi về phía Nam Nam Nam, mỗi lúc một gần biển hơn, đến nơi sông Hằng đổ ra biển.

Rốt cuộc – họ đang đuổi theo ai? Tên tuổi có còn quan trọng nữa không? – Hẳn là hẳn họ đã gặp phải một con mồi sở hữu những kỹ năng đáng mặt kỳ phùng địch thủ của buddha, không thì tại sao mãi mà họ chưa bắt được hắn? Sau cùng – không thể thoát khỏi những gì họ đã được huấn luyện – săn-lùng-không-mệt-mỏi-bắt-giữ-không-thương-xót, họ ở vào lưng chừng của một nhiệm vụ không hồi kết, săn đuổi một địch thủ không ngừng cao chạy xa bay, nhưng chẳng thể tay trắng quay về căn cứ, thế là họ đi mãi, về Nam Nam Nam, bị hút theo một dấu mùi liên tục thoái lui và có lẽ còn theo một điều khác nữa: bởi vì, trong đời tôi, vận mệnh chưa bao giờ ngần ngại chìa tay giúp đỡ.

Họ trưng dụng một chiếc thuyền, vì buddha nói rằng dấu vết dẫn đến dòng sông. Đói khát thiếu ngủ kiệt sức giữa một thế giới của những đồng lúa bỏ hoang, họ chèo đuổi theo con mồi chưa thấy mặt. Họ đi xuôi dòng sông nâu vĩ đại, tới khi cuộc chiến đã ở quá xa không ai nhớ nổi, nhưng cái mùi ấy vẫn kéo họ đi tiếp. Nơi đây dòng sông có một cái tên quen thuộc: Padma. Nhưng cái tên này là một sự lừa dối địa phương, trên thực tế con sông vẫn là Người, là mẹ-nước, là nữ thần Ganga, chảy xuống trái đất qua mái tóc thần Shiva. Đã nhiều ngày buddha không hé răng, hắn chỉ chỉ, đấy, hướng đó, thế là họ đi, về phía Nam Nam Nam để ra biển.

Một buổi sáng không tên. Ayooba Shaheed Farooq tỉnh dậy trên con thuyền của cuộc săn đuổi lố bịch của họ, được neo lại bên bờ Padma-Ganga – và thấy hắn đã biến mất. “Allah-Allah,” Farooq rên lên, “Bịt tai lại và cầu Chúa rủ lòng thương đi, hắn đã lừa tụi mình đến xứ ngập lụt này rồi bỏ trốn, tất cả tại mày hết, Ayooba, chính mày nghĩ ra trò điện cực và đây là đòn thù của hắn!”…

Mặt trời lên cao dần. Những loài chim lạ bay lượn trên không. Cái đói và nỗi sợ như chuột sục sạo trong dạ dày họ: ngộ nhỡ, ngộ nhỡ quân Mukti Bahini… các bậc cha mẹ được kêu gọi hết lời. Shaheed vừa mơ giấc mơ quả lựu của gã. Nỗi tuyệt vọng dập dềnh quanh mạn thuyền. Và đằng xa, gần với chân trời, một bức tường xanh khổng lồ bất tận không tưởng, trải dài hai bên đến tận cùng trái đất! Nỗi sợ không nói thành lời: có thể nào, có thể nào những gì chúng ta đang thấy là thật, ai lại xây tường vắt ngang thế giới?…

Thế rồi Ayooba, “Kìa, kìa, Allah!” Bởi đang tiến lại gần họ qua ruộng lúa là một cảnh đuổi bắt quay chậm kỳ dị. Đầu tiên là buddha với cái mũi dưa chuột, mà quý vị có thể nhận ra từ xa một dặm. Và đuổi theo hắn, bì bõm chạy giữa ruộng, là một bác nông dân hoa chân múa tay lăm lăm lưỡi hái, một Đức Cha Thời gian[6] nổi giận. Trong khi chạy dọc con mương là một người đàn bà sari xắn cao giữa hai chân, tóc rối bù, không ngớt la hét van vỉ, trong khi kẻ báo thù cầm hái vấp ngã dúi dụi giữa ruộng lúa ngập nước, từ đầu đến chân nhoe nhoét nước và bùn.

Ayooba gầm lên đầy nhẹ nhõm: “Thằng dê xồm! Không nhịn nổi cái thói táy máy gái quê! Mau lên, buddha, đừng để bị tóm, lão ta sẽ xẻo hai quả dưa chuột của mày đấy!”

Và Farooq, “Nhưng sau đó thì sao? Nếu buddha bị xẻo, thì sao?”

Lúc này Ayooba-xe-tăng rút súng khỏi bao. Ayooba ngắm: hai tay giơ ra trước, cố giữ không rung, Ayooba bóp cò: lưỡi hái vẽ một đường cong trong không khí. Và, chầm chậm, chầm chậm, một đôi tay nông dân giơ lên như cầu nguyện, cặp đầu gối quỳ xuống nước ruộng, một khuôn mặt cắm xuống nước và vập trán vào đất. Trên bờ mương một tiếng phụ nữ rú lên.

Và Ayooba bảo buddha: “Lần sau, người ăn đạn sẽ là mày.” Ayooba-xe-tăng run bần bật như một chiếc lá. Và Thời gian nằm chết trên ruộng lúa.

[6] Trong báo chí phương Tây, thời gian thường được nhân cách hóa thành Đức Cha Thời gian (Father Time), một ông già râu bạc, mặc áo choáng đen, tay cầm lưỡi hái và một chiếc đồng hồ cát.

Nhưng vẫn còn đó cuộc săn đuổi vô nghĩa, và kẻ thù chẳng bao giờ thấy mặt. Và buddha, “Đi đường kia,” thế là bốn người lại tiếp tục chèo, về Nam Nam Nam, họ vừa giết chết giờ và đã quên mất ngày, họ không còn biết mình đang truy đuổi hay trốn chạy, nhưng dù điều gì thúc đẩy họ thì nó cũng đang đem họ đến gần hơn gần nữa bức tường màu xanh không tưởng kia. “Đường đó,” buddha quả quyết, và thế là họ đã ở trong nó, một khu rừng rậm rạp đến mức lịch sử hầu như chẳng bao giờ tìm thấy đường vào. Rừng Sundarbans: nó nuốt chửng họ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.