Bạn đang đọc Những Chiều Mưa: Chương 32
Gần 4 giờ tôi mới ngủ, mà 6 giờ bé Thảo đã gọi tôi dậy rồi. Làu bàu rồi nướng thêm. . . 15 phút nữa. Cho đến khi bé Thảo gào lên bên tai tôi mới chịu lồm cồm bò dậy. Vệ sinh cá nhân, thay đồ xong cũng là 6 rưỡi. Vơ đại đống sách vở nhét vào cặp, phốc xuống dưới nhà sau đó tôi đờ đẫn leo lên cái xe đạp rồi guồng chân đạp đi, trước cái nhìn soi mói rồi thở dài chỉ tiếc rèn sắt không thành thép của bé Thảo.
Sáng sớm trời quang mây tanh, không khí trong lành gió mát xuyên háng. . . nhầm gió mát rười rượi. . . Càng làm cho cơn. . . buồn ngủ gia tăng. Có khúc vừa đạp xe vừa lim dim, mém nữa thì húc vào mấy cái xe ba gác hay xe đạp của tụi học sinh cũng đang đi học. Nhưng chưa chết chưa sợ, tôi vẫn lim dim như bình thường. Rồi thế quái nào mà gió thổi vù một cái, tôi giật mình lạng tay lái qua bên trái, chỉ thấy chiếc taxi Mai Linh lướt qua cái vèo ngay trước mặt. Một dòng điện từ sống lưng chạy thẳng lên đỉnh đầu, mồ hôi túa ra sau áo, tôi thầm kêu may mắn hù hồn. Và café G7 có mạnh đến đâu đi chăng nữa cũng phải chịu thua trước màn này. Tôi tỉnh ráo ngay lập tức rồi guồng chân đạp như bay đến trường.
Hôm nay cà kê nướng hơn 15 phút nên đến lớp trễ hơn bình thường một chút. Lên đến nơi đã thấy em Thùy ngồi yên vị tại chỗ rồi. Vẫn xinh đẹp cao quý như thường ngày, em đang chống cằm đọc quyển vở gì đó mà tôi chưa kịp nhìn. Em khẽ ngước lên nhìn tôi rồi môi khẽ hé một nửa nở cười làm tôi ngây ngất, rồi ngay lập tức em thu nụ cười lại với đôi mi khẽ nhíu lại.
“Làm gì mà mắt sưng hết lên vậy kìa?” – Em lo lắng hỏi
“Ừa tối qua gần 4 giờ mới ngủ.” – Tôi thở dài thườn thượt
“Trời, làm gì mà giờ đó mới ngủ?”
“Thì học bài rồi làm linh tinh nên. . .” – Tôi nhún vai nói
“Haizzz” – Em khẽ thở dài rồi nhìn tôi mỉm cười – “Vậy xuống sân ngồi cho thoáng rồi tí lên học nhé?”
“Thôi, ở lớp đi. Xuống đó hồi lại buồn ngủ hơn.”
“Vậy . . .” – Em khẽ bặm môi rồi nói nhẹ nhàng – “Thế Hiếu ở đây nhé, mình xuống mua li café uống cho tỉnh.”
Nhìn dáng người hơi gầy, mảnh mai kia lại chạy đi mua café ình, tôi liền cảm thấy. . . không nỡ. Đành tặc lưỡi.
“Thôi xuống dưới ngồi cũng được, để mình vào cantin mua luôn.”
“Sao có người mới nói không đi mà ta?”
“Ừm thì. . . người đẹp cũng đi rồi nên mình cũng phải đi theo bảo vệ thôi.”
“Ừa, mắt sưng lên mà vẫn mồm mép ha?” – Em cũng khẽ gật đầu mỉm cười.
“Tối qua làm bài thấy sao rồi?”
“Ừa thì vẫn ổn, kiểm tra thôi nên kiến thức không nhiều lắm. Gồng gánh lắm thì chắc cũng tầm 8 9 điểm.” – Tôi vừa uống café vừa chậc lưỡi.
“Vậy Anh văn thì sao?”
“Cái này. . . hên xui. Nói chung cứ học thôi, vào đó không biết chỗ nào thì có máy tính kế bên, lo gì.”
“Máy tính. . . Anh văn thì liên quan gì máy tính?” – Em ngạc nhiên hỏi.
“Thì máy tính có nút Ans đó, bấm nút đó xong rồi xem nó hiện số nào thì lấy chữ số cuồi cùng là đáp án.” – Tôi khoát tay tuyên bố xanh rờn.
“Học hành vậy đó.” – Em khẽ cười rồi đưa tay lẹ nhẹ đánh vai tôi.
“Người ta thức đêm thức hôm mệt mỏi, giờ lên lớp còn bị đánh đập hành hạ. Làm con trai thật là quá ủy khuất mà.” – Tôi lắc lắc đầu thở dài.
“Nói gì nghe ghê vậy.” – Nàng che miệng cười – “À mà nãy mình nghe Nhật Giang nói Hiếu biết thổi sáo à, nghe đâu là thứ 6 này duyệt luôn phải không?”
“Thôi chết cha tôi rồi. . .” – Tôi giật mình toát mồ hôi, mấy hôm nay bù đầu học bài để cho em Thùy dò, còn đâu đổ hết tâm huyết vào cái mô hình kia. Cái nhạc lý bài hát tôi cũng quăng qua một bên có tập tành gì đâu. May là giờ em Thùy nhắc chứ không đến thứ 6 lên thì. . . chết trên dàn mướp rồi.
“Ơ sao thế?” – Em ấy ngạc nhiên hỏi.
“Thùy nhắc mới mình mới nhớ ra, bữa giờ chép lại cái nhạc lý xong vứt qua một bên quên mất tiêu.”
“Thế rồi có sao không?” – Em lại lo lắng hỏi.
“Không sao, thứ 6 duyệt thì còn 2 ngày để tập, vẫn qua được. . .”
Nói đến đây tôi lại giật mình lần nữa. Bỏ mẹ rồi, hôm qua mình tính còn 3 ngày để hoàn thành cái mô hình, mà thứ 6 thì phải tặng rồi nên thứ 6 loại ra, vậy còn 2 ngày để hoàn thành. Móa ơi sao lắm việc thế này, thầm chửi rủa bản thân vì tội ngu ngốc khi đem cây sáo ra táy máy trước mặt tụi khốn kia, nếu hôm đó mà không đem ra thì giờ tôi đâu phải đau đầu thế này.
“Lại có chuyện gì à?” – Em ấy hỏi khi thấy bộ mặt của tôi càng ngày càng khó coi.
“Có chút chuyện, mà giờ mới nhớ ra thôi. . .” – Tôi thở dài chán nản.
“Có gì quan trọng không?”
“Không, chỉ là mấy chuyện. . . linh tinh, nhưng cứ dồn hết vào mấy ngày nay nên hơi khó chịu. . .”
“Ừa, Hiếu học thổi sáo lâu chưa?”
“Để xem nào, hình như từ lớp 2 lớp 3 gì đó. Năm đó mình với đám bạn chui vào vườn nhà người ta chặt trộm tre về để làm đuốc chơi Trung thu. Rồi bị chủ vườn bắt được sạc ột trận, mà vườn đó. . . trồng rất nhiều cam. Thế nên tụi mình bực vụ lão ấy mắng nên mấy hôm sau quay lại để. . . ăn trộm cam tiếp, rồi vô tình nghe được ông ấy thổi sáo rất hay. Từ đó mình hay lê la qua để học, nhưng cũng chỉ bập bõm nghịch thôi. Mãi đến lớp 5 mới chú tâm vào thực sự. . .” – Tôi ngồi kể lể dài dòng cái quá khứ huy hoàng ra, lòng lại bùi ngùi nhớ đám bạn ở ngoài quê.
“Gì mà toàn vào nhà người ta để ăn trộm vậy ông?” – Em ấy tròn mắt nhìn tôi.
“Ế. . .” – Tôi ngớ người. Lại thầm xỉ vả bản thân vì tội lỡ miệng, cứ kể đại là thấy ông ấy thổi sáo hay rồi qua học là được, cần quái gì lôi cả thành tích . . . 2 lần đi ăn trộm vào làm gì để giờ gây nên chuyện này. . .
“Thì. . . cam vườn nhà người ta nhiều. Mình không vặt thì. . .chim nó cũng ăn, thế thôi.” – Tôi toát mồ hôi nói bừa.
“Hì hì” – Em nhìn tôi bật cười – “Hồi bé Hiếu nghịch quá ha?”
“Ừa ừa. . .” – Tôi gật đầu lia lịa, chả dám hó hé gì. Nhỡ đâu lại kể ra thêm vài cái nữa thì hay to rồi, hồi bé nghịch trò nào cũng hoành tráng cả.
“Vào nhà người ta ăn trộm mà người ta cũng dạy Hiếu thổi sáo à?”
“Ừm, ông ấy sống một mình nên lúc tụi mình đến chơi ông ấy cũng vui. Rồi lớp 5 thì bắt đầu học thực sự, cứ thế tới bây giờ. . .”
Đang lan man kể lể thì chuông reo vào lớp vang lên, tôi ngạc nhiên – “Thế quái nào nay vào lớp sớm thế, vừa ngồi đây mà.”
“Thôi lên lớp đi, tại Hiếu đến trễ giờ còn nói gì nữa !” – Em khẽ mỉm cười rồi nhẹ nhàng đứng lên.
Nhờ có em Thùy mà sáng hôm đó tiết Anh văn trôi qua khá vui vẻ khi tôi lên bảng làm ro ro bài mà cô đưa. Dù chỉ là bài tập chuyển câu đơn giản, nhưng tôi cũng cười ngoác miệng đến tận mang tai. . .
“Đù, ghê ta, mày đi học thêm Anh văn à ku?” – Thằng Mạnh ngồi đằng sau ngạc nhiên hỏi.
“Thêm cái gì, tao người tốt mệnh lớn, có quý nhân phù trợ đàng hoàng.” – Tôi gật gù nói.
“Em Thùy bày nó chứ mày nghĩ nó chăm tới mức đi học thêm à?” – Thằng Vũ ngồi bên cạnh chen mồm vào.
“Mày không nói có ai bảo mày bị câm không?”
“Tại nghe mày nói tao ngứa tai quá nên phải chen vào thôi.”
“À nhắc mới nhớ, thấy mấy hôm nay mày thân thiết với em Thùy vậy? Thấy 2 đứa đi cùng nhau suốt?” – Thằng Hưng cũng ham truyện hóng hớt vào hỏi.
“Ờ. . .” – Tôi cũng chỉ gật lạnh nhạt cho qua.
Dường như biết thái độ của tôi không vui khi cứ nhắc đến mấy cái này, nó cũng im lặng xong đế vào một câu – “Mày làm sao thì làm, đừng thấy cái lợi trước mắt mà bỏ mất cái sau này. . .”
“Ý mày là gì?” – Tôi cau mày hỏi lại.
“Hiểu hay không thì sau này mày biết. Thôi quay lên đi cô nhìn kìa !”
Trong bụng đầy bực bội, rồi suy nghĩ xem thằng Hưng nói vậy là có ý gì. Ngay lập tức tôi ném ngay suy nghĩ đó ra khỏi đầu thầm nghĩ – “Nó là người ngoài thì biết cái quái gì chứ. . .”
Chiều hôm đó tan học, trời lại mưa. . . Tôi ngước nhìn trời mưa lòng lại trầm xuống nhớ lại lần đầu tiên tôi gặp nàng cũng trong một buổi chiều mưa tầm tã như này. Nàng đang co ro trong trạm xe bus như một con mèo con, tôi thì bị hút hồn bởi nàng ngay khi vừa gặp mặt lần đầu tiên. Rồi cứ thế mọi thứ lại bình yên trôi qua nhẹ nhàng, dường như tôi và nàng có một sự ngẫu nhiên nào đó. Ngay hôm sau thì tôi gặp nàng ở nhà sách, rồi hôm tôi đi mua thuốc cho bé Thảo cũng vô tình gặp nàng ở tút dưới gần chợ Lớn. . . Nhân ảnh nhỏ bé đầu đội lụp xụp cái mũ lưỡi trai màu đen xem tôi đá bóng, cô gái xinh đẹp mặc bộ váy trắng đến nhà tôi nấu ăn, khuôn mặt lạnh lùng khi đưa tay gạt tôi sang một bên. . . Tất cả mọi thứ chầm chầm lướt qua trước mắt. Mới có 1 tháng thôi ư, thực sự ai mà ngờ được chỉ vẻn vẹn 1 tháng mà xảy ra cả đống chuyện thế này. . .
“Sao vậy ku?” – Thằng Đức lại gần hỏi.
“Ừm không sao.” – Tôi lạnh nhạt nói.
“Thế quái nào mà bữa nay lại mưa nhỉ, tháng 11 rồi mà?” – Thằng Đức cau mày bực bội.
“Ừm . . .”
“Ra làm vài trận không?” – Nó lại tiếp tục gạ gẫm.
“Thôi về đi, nay tao không có hứng !”
“Ế. . .” – Nó chưng hửng, tròn mắt ra nhìn tôi.
Lại dầm mưa về, trong cặp thì có áo mưa nhưng cũng chỉ để đó. . . trưng bày. Mưa cũng khá nặng hạt, chỉ khác là không có gió thổi như lần đó, nhưng cũng đủ làm tôi ướt sũng. Tôi cố tình đạp thật chậm để đi lại qua trạm xe bus kia, hi vọng một lần thấy được bóng người đó. Và rồi. . . quả đúng như tôi dự đoán, vẫn dáng người hao gầy, mảnh mai, đơn bạc kia đang khẽ nép vào trạm xe bus như ngày đầu tiên. Đôi mắt vẫn u buồn lặng nhìn từng hạt mưa rơi xuống. Lòng tôi lại bồi hồi, xen lẫn chút bực mình. Sao lần nào cũng vậy, sao không để sẵn áo mưa trong cặp chứ, cứ đứng vậy là sao . . .
Thế rồi tôi đứng xéo bên đường, nép vào một góc khuất với tầm mắt của nàng rồi lặng lẽ nhìn nàng. Từng hàng người qua lại dưới trời mưa tầm tã, số ít trong đó cũng đổ ánh nhìn về phía tôi. Chắc họ thắc mắc tại sao trời mưa tôi lại đứng ngu người ở vệ đường, mà lại không mặc áo mưa, hay nghĩ ác hơn thì có thể cho rằng tôi bị. . . thần kinh. Cứ thế, thời gian cứ dần trôi. Hình như đã có lần tôi thấy nàng định bước lên xe bus như bao lần nhưng lại do dự mà không lên. Nàng làm sao vậy, sao lại không lên, chẳng lẽ đứng như vậy vui lắm ư?
Thời gian cứ chầm chậm trôi đi, khi những hạt mưa cũng tạnh dần, bầu trời cũng đang tối dần, lác đác đã có vài người đi đường mở đèn xe. Có một chiếc xe bus nhẹ nhàng dừng lại trước trạm, nàng chỉ khẽ nhìn xung quanh rồi cúi đầu bước lên . . . Tôi thầm thở dài rồi cũng lên xe, guồng chân rồi đạp về.
“Tôi nên làm gì đây . . .?”