Bạn đang đọc Những chiếc đồng hồ treo tường: Chương 19 + 20
Chương 19
Giáo sư Purdy giận dữ quát vào máy điện thoại:
– Ai đấy? Cái gì? Ông ta đang ở dưới nhà à? Bảo ông ta mai hãy đến. Thôi được, cho ông ta lên đây!
Vị Giáo sư quay sang cô thư ký đánh máy Sheila Webb, nhăn nhó:
– Cứ chốc chốc lại phải ngưng lại! Kiểu thế này thì làm việc sao được? Cô Sheila, ta đến chỗ nào rồi nhỉ?
Sheila chưa kịp trả lời thì đã có tiếng gõ cửa. Vị Giáo sư khảo cổ học phải cố dứt khỏi dòng suy nghĩ đang hướng về ba ngàn năm về trước.
– Mời vào! – Ông gắt. – Vâng, mời vào! Có chuyện gì thế?
– Xin giáo sư tha lỗi tôi đã làm giáo sư phải tạm ngừng công việc. Chào cô Sheila!
Cô gái đã đứng lên, và thanh tra Hardcastle cảm thấy hình như trong mắt cô ta có thoáng một chút lo âu. “Hay mình tưởng tượng?” Ông tự nhủ.
– Có chuyện gì vậy? – Vị giáo sư khảo cổ sẵng giọng hỏi.
– Tôi là thanh tra cảnh sát Hardcastle. Cô Sheila đây đã biết tôi.
– Tôi hiểu, tôi hiểu, – Vị giáo sư nói.
– Tôi muốn được nói chuyện với cô thư ký của ông.
– Vội thế kia à? Đúng lúc tôi đang cần cô ấy. Đến đúng cái đoạn quan trọng nhất. Thôi đành, tôi nhường cô Sheila cho ông trong mười lăm phút, thôi được, có thể hơn một chút, nhưng tối đa là nửa giờ. Ôi, sáu giờ rồi này!
– Tôi vô cùng lấy làm tiếc, thưa giáo sư Purdy,- Viên thanh tra nhắc lại lần nữa.
– Không sao, không sao. Nhưng có chuyện gì vậy? Hẳn là một tai nạn giao thông?
– Nghiêm trọng hơn, thưa giáo sư.
– Mà phải rồi, cô Sheila không có ô tô riêng nên không thể đâm vào ai, – Vị giáo sư nói và nhìn cô gái vẻ thông cảm. – Tôi nhớ rồi, đến đây cô ấy phải đi xe buýt. Vậy là chuyện gì đấy, ông thanh tra?
– Về một cô gái, tên là Edna Brent, – viên thanh tra quay sang Sheila. – Cô đã biết tin rồi chứ?
Ông có cảm giác mắt cô gái giống mắt một người nào đó ông đã gặp. Vầng trán nhăn lại, cô nói:
– Vâng, Edna Brent thì tôi biết rất rõ. Bạn ấy có chuyện gì vậy, thưa ông?
– Vậy là cô chưa biết, tôi thấy rõ như vậy. Trưa nay, cô đi ăn ở đâu, cô Sheila?
Cô gái đỏ mặt.
– Ông thanh tra hơi tò mò quá đấy. Tôi ăn trưa với một người bạn trai, tại một quán ăn của người Hoa.
– Sau bữa ăn, cô không quay về Trung tâm phải không?
– Có chứ. Tôi quay về đấy, nhưng người ta bảo tôi rằng Giáo sư Purdy đợi tôi ở khách sạn Curlew vào hai giờ rưỡi.
– Cô Sheila nói đúng, – Vị giáo sư gật đầu. – Và chúng tôi làm việc từ lúc đó đến giờ.
– Vậy là cô không biết chuyện xảy ra với cô Edna Brent?
– Edna gặp phải chuyện gì ạ? – Sheila lo lắng hỏi. – Edna bị tai nạn gì? Bị ô tô cán phải không?
– Đúng là cô ấy gặp tai nạn,
Viên thanh tra ngưng lại, chăm chú nhìn Sheila để dò xét thái độ.
– Cô ấy bị giết. Kẻ nào đã thắt cổ cô ấy trong một trạm điện thoại công cộng.
– Trạm điện thoại công cộng?
Vị giáo sư kêu lên, bắt đầu quan tâm đến sự việc.
Cô Sheila thì há hốc miệng, trong một lúc không thốt lên được lời nào, mắt mở to nhìn viên thanh tra, và ông này càng thấy cặp mắt rất giống mắt một người nào đó mà ông chưa nghĩ ra. Tuy nhiên, ông vẫn thầm nghĩ: “Cô em đóng kịch tài lắm!”
Vị giáo sư thì miệng vẫn lẩm bẩm:
– Lạy Chúa tôi! Bị thắt cổ chết trong một trạm điện thoại công cộng… Sao tôi nghe cứ có vẻ khó tin thế nào ấy, rất khó tin! Chưa bao giờ tôi lại nghĩ, người ta có thể gây án mạng trong một trạm điện thoại công cộng. Và tội nghiệp cô gái kia!
– Edna bị giết? Sao có thể như thế được? Tại sao người ta lại giết nó kia chứ?
– Cô Sheila! Cô biết hôm kia, cô Edna có đến nhà tìm cô không? Cô ấy đến nhà bà dì cô, và đã ngồi đấy đợi cô khá lâu, sau không chờ thêm được nữa mới đi.
Vị giáo sư vội nói:
– Lỗi tại tôi! Bao giờ cũng là lỗi tại tôi! Hôm ấy, tôi nhớ rồi, tôi đã giữ cô Sheila làm việc thêm với tôi rất lâu. Tôi rất tiếc. Cô nhớ phải nhắc tôi về giờ giấc đấy. Kẻo khi làm việc là tôi không còn nhớ gì nữa. Tôi thành thật nói điều đó với cô.
– Dì tôi có kể chuyện Edna đến. Nhưng tôi chủ quan, cho rằng chuyện chẳng quan trọng. Có lẽ hôm đó Edna rất cần gặp tôi. Hẳn nó đang có chuyện rất buồn hoặc rất lo.
Viên thanh tra nói:
– Hiện chúng tôi chưa biết gì, và hẳn chúng tôi sẽ không bao giờ biết, nếu như cô không thành thật kể ra với chúng tôi, thưa cô Sheila Webb!
– Tôi ư? Nhưng tôi có biết gì đâu mà kể?
– Cô ít ra cũng đoán được cô Edna muốn gặp là về chuyện gì chứ?
– Hoàn toàn không, – Sheila nói.
– Trong lúc cùng làm việc ở Trung tâm, chẳng lẽ cô Edna không thổ lộ chút nào với cô sao?
– Không, hoàn toàn không! Mà tôi nghĩ có lẽ bản thân Edna cũng không ngờ câu chuyện lại diễn ra như thế này. Hôm qua tôi không đến Trung tâm. Tôi được cử đến làm việc cả hai buổi ột nhà văn, ông ta là khách hàng quen biết của Trung tâm chúng tôi. Tôi tuyệt đối không hề có một ý nghĩ nào về vấn đề Edna có thể thổ lộ ra với tôi. Sau khi dì tôi nói, chính tôi cũng rất ngạc nhiên, Edna đến tận nhà dì tôi tìm tôi để làm gì?
– Rất có thể cô Edna muốn nói riêng với cô, chứ không muốn nói công khai ở cơ quan. Một chuyện gì đó hết sức tiêng tư, chỉ có thể nói giữa hai cô với nhau? Cô có nghĩ như thế không?
Sheila run rẩy đáp:
– Hẳn là thế, thì Edna mới cất công tìm tôi như vậy.
– Cô Sheila, cô không thể giúp chúng tôi được sao?
– Tôi rất tiếc là không biết gì để có thể kể ông nghe. Và tôi cũng rất đau đớn thấy Edna Brent gặp tai họa. Quả thật tôi không biết tí gì hết.
Vị giáo sư nói:
– Tôi thấy cô run rẩy, tôi rót một ly sherry cô uống xong sẽ trấn tĩnh lại được đấy.
Chương 20
Đến London, tôi tới gặp Đại tá Beck ngay.
Ông vung vẩy điếu xì gà về phía tôi, nói:
– Giả thuyết của cậu về “Trăng Lưỡi Liềm” suy cho cùng thì chưa phải đã tồi đâu, – ông nhượng bộ.
– Tôi đã phát hiện ra được một con cáo già đấy, Đại tá công nhận chứ?
– Ta chưa nói đến chuyện ấy vậy. Nhưng lão kỹ sư công chính ở số nhà 62 phố Wilbraham Crescent, hay gọi là phố“W-Trăng Lưỡi Liềm” như giả thuyết của cậu, lão ta không phải không có vấn đề. Cách đây năm tuần lễ, hắn đã rời khỏi nước Anh. Để sang Rumani. Bây giờ thì cậu có thể đẩy nhanh tốc độ điều tra được rồi đấy. Ta đã chuẩn bị sẵn một tấm hộ chiếu mới toanh, xinh xắn. Và tất cả những thị thực xuất nhập cảnh cần thiết. Lát nữa, khi trao cho cậu những thứ đó, ta sẽ cho cậu biết tên người của ta gài ở đó để cậu bắt liên lạc. Sang đó cậu hay thu thập tất cả những thông tin có thể thu được về lão kỹ sư Ramsay ấy. Nhưng ta thấy hình như cậu không phấn khởi lắm làm nhiệm vụ ta giao, đúng thế không? – Đại ta nói rồi chăm chú nhìn tôi qua làn khói thuốc lá mù mịt.
* * *
Máy bay cất cánh vào 10 giờ đêm. Tôi tranh thủ đến gặp ông bạn thân của cha tôi, thám tử tư Hercule Poirot.
Lần này đến, tôi thấy ông ta đang nhấm nháp lý cassis, ông mời tôi nhưng tôi khước từ. Sau đấy, anh chàng giúp việc George của ông ta mang đến cho tôi một ly whisky. Anh ta biết tính tôi.
– Trông anh bạn trẻ có vẻ rầu rĩ, – ông Poirot nhận xét.
– Quả có thế. Tôi có việc phải rời khỏi nước Anh. Còn ông, công việc văn chương của ông đến đâu rồi?
– Tôi đã đọc hết các ghi chép của anh bạn, và đọc hết sức thích thú, – Poirot nói.
– Toàn những chuyện vớ vẩn, chẳng có giá trị gì, không hơn những chuyện ngồi lê đôi mách, – tôi nói.
– Anh bạn lầm to, rất to! Chí ít thì cũng có hai người kể anh bạn nghe những điều quan trọng, rọi sáng vụ án.
– Những điều gì, thưa ông? Và hai người đó là những ai?
Nhà thám tử tư nổi tiếng khinh bỉ quẳng trả lại tôi mớ giấy ghi chép của tôi.
– Vậy anh bạn hãy đọc lại cho kỹ. Anh bạn sẽ thấy ngay. Vì chúng rành rành ra đấy! Còn con đường anh bạn cần đi tiếp là tiếp tục la cà, trò chuyện phiếm với các hàng xóm khác.
– Đấy là tất cả rồi. Không còn hàng xóm nào nữa, thưa ông Poirot.
– Còn đấy. Bao giờ cũng vẫn còn những người đã nhìn thấy gì đó. Đấy là lý thuyết của tôi.
– Nhưng lý thuyết đó không áp dụng được trong vụ án này. Mà xin báo ông một sự kiện nữa: lại có thêm một vụ án mạng.
– Thật à? Nhanh thế ư? Chà, lý thú đấy.
Tôi kể ông nghe toàn bộ. Poirot đưa ra cho tôi hết câu hỏi này đến câu hỏi khác, đòi tôi phải đi vào mọi chi tiết. Tôi kể ông nghe cả tấm bưu thiếp mà tôi đã đưa cho thanh tra Hardcastle.
– “Hãy nhớ lấy! 4.13… hoặc 4 giờ 13” – ông ta lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại. Đúng là vẫn nằm trong vụ án kia.
Tôi ngạc nhiên nhìn ông.
– Ông nói thế là nghĩa làm sao?
Poirot nhắm mắt, nói:
– Thứ còn thiếu trên tấm bưu thiếp đó, là một vết ngón tay vấy máu.
Tôi lo lắng hỏi:
– Nghĩa là sao, thưa ông Poirot?
– Mọi thứ đang lộ dần. Hung thủ đã không còn kiểm soát được các hành động của hắn nữa rồi.
– Nghĩa là sao?
– Hắn đã buộc phải làm những việc hắn rất khôngmuốn làm.
– Nhưng “hắn” là ai?
Thám tử Poirot đâu phải dại dột để trả lời câu tôi hỏi.
– Trong thời gian anh bạn trẻ ra nước ngoài công cán, anh bạn cho phép tôi tiến hành một cuộc điều tra nhỏ, được không?
– Điều tra gì ạ?
– Viết thư ột ông bạn luật sư già, ông Enderby, nhờ ông ấy lục lọi các sổ đăng ký kết hôn còn lưu trữ trong Viện Lưu tữ Somerset. Ngoài ra tôi đánh vài bức điện ra nước ngoài.
– Tôi tưởng ta đã quy ước với nhau rồi, ông chỉ ngồi nhà nghiên cứu và suy nghĩ.
– Thi tôi cũng chỉ làm cái công việc ấy. Nhưng tôi muốn thẩm tra kết quả nghiên cứu của tôi xem có đúng hay không. Những việc kia không phải là thu thập tài liệu, mà chỉ là tiến hành thẩm tra những điều tôi suy nghĩ.
– Tôi e ông nói khoác, thưa ông Poirot, bởi tôi không tin ông đã đoán ra được hung thủ. Bởi cho đến giờ, còn chưa ai biết được tung tích nạn nhân.
– Tôi đã biết.
– Tên thật ông ta là gì?
– Hiện tôi chưa biết tên. Nhưng điều đó có gì quan trọng đâu? Anh bạn trẻ nên biết, vấn đề không phải ai, mà là thuộc loại người thế nào.
– Một kẻ chuyên tống tiền?
Thám tử Poirot lại nhắm nghiền mắt.
Tôi hỏi tiếp:
– Một thám tử tư?
Poirot mở mắt:
– Cũng như lần trước, lần này tôi kết thúc cuộc gặp gỡ với anh bạn trẻ bằng một câu trích dẫn: “Cậu bé, cậu bé, cậu bé… cậu đến đây là để nộp mạng”.