Bạn đang đọc Những chiếc đồng hồ treo tường: Chương 14
Đã lâu lắm rồi tôi không đến ngôi nhà này. Lên thang máy xong, tôi bấm chuông phòng 203. Một gia nhân ăn mặc kiểu cách ra mở cửa, tươi cười.
– Chào ông Colin. Lâu quá rồi không thấy ông đến.
Tôi nhìn thấy ông bạn già Hercule Poirot, ngồi trong ghế bành to tướng như mọi khi, bên cạnh lò sưởi.
– A, anh bạn trẻ! Xin tỏ lời khen ngợi anh bạn về thành công gần đây nhất của anh, vụ Larkin, nếu tôi không lầm.
– Hiện giờ thì cuộc điều tra đang tiến triển tốt, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, tôi đến gặp ông hôm nay không phải về vụ đó.
– Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi, – Poirot nói.
Viên thám tử tư nổi tiếng chìa tay, ra hiệu mời tôi ngồi, đưa tôi một ly rượu thuốc. Tôi khước từ không một chút do dự. Sau khi đưa mắt nhìn những cuốn sách quăng bừa bãi xung quanh ông ta, tôi nói:
– Hình như ông đang tìm cái gì thì phải?
Poirot thở dài đáp:
– Anh đoán có phần đúng. Nhưng chỉ một phần thôi. Trong vụ án tôi đang điều tra, tôi thấy phải đọc một số cuốn tiểu thuyết hình sự.
“Anh bạn trẻ xem đây này: Bí mật của căn phòng mầu vàng. Một cuốn đáng xếp vào loại kinh điển, làm tôi rất ưng. Cuộc điều tra trong này được tiến hành hết sức lô gich. Tôi nhớ báo chí có một số bài phê phán là tác giả cố tình. Nói thế là sai, anh bạn trẻ ạ, hoàn toàn sai. Đây mới đúng là một kiệt tác, mà rất tiếc là bị người thời nay bỏ qua.
Nhặt lên một cuốn sách khác, ông nói tiếp:
– Đây là của tác giả Garry Gregson, một tác giả đẻ như gà: nếu tôi nhớ đúng thì ông ta đã cho ra đời sáu mươi tư cuốn truyện hình sự. Nhưng toàn chuyện rối rắm, vô lý đến mức khủng khiếp. Loại truyện ra bãi rác chúng ta xúc được hàng thúng! Đầy xác chết, đủ thứ bằng chứng chồng chất lên nhau kín cả các trang sách. Hoàn toàn không có chi tiết nào tin được, không một chi tiết nào giống với thực tế cuộc đời!
Rồi ông vố một cuốn khác, nâng lên âu yếm:
– Những truyện phiêu lưu của Sherlock Holmes.
– Poirot nói bằng giọng thán phục. – Một cây bút bậc thầy!
– Sherlock Holmes?
– Không, mà là tác giả Arthur Conan Doyle. Tuy chuyện của ông ta có rất nhiều thứ khó tin là có thật, nhưng lại được ông ta xếp đặt thành những tình huống hoàn toàn có thể tin là chúng có thật. Thêm vào đấy là một văn phong tuyệt diệu. Bác sĩ Watson thì đúng là một sáng tạo kỳ lạ! Một thành công xứng đáng.
Tôi nói:
– Thưa ông Poirot, lý do tôi đến đây thăm ông hôm nay, thật ra là bản thân tôi đang vấp phải một cái nút rất khó gỡ: một vụ án mạng nhỏ xinh xắn.
– Anh bạn muốn tôi gỡ à? – Poirot nói.- Một vụ án mạng?
– Vâng, hoàn toàn khó hiểu. Thậm chí không thể hiểu nổi.
– Không có vụ án không thể hiểu nổi,- Poirot nói. – Mọi chuyện đều có thể giải thích được. Mọi chuyện trên đời, không chừa một chuyện nào.
Vẫn ngồi yên trong ghế bành, gõ ngón tay một cách lơ đãng, ông nghe tôi thuật lại chi tiết. Khi tôi ngừng kể, ông không đưa ra lời bình phẩm nào.
Lát sau, không giữ nổi kiên nhẫn, tôi kêu lên:
– Ông không nói gì sao, thưa ông Poirot?
– Anh bạn muốn tôi nói gì nào?
– Xin ông cho tôi lời giải. Khi nghe ông nói, tôi luôn hiểu rằng chỉ cần ngồi trong ghế bành, bình thản suy nghĩ để tìm ra câu giải đáp. Rằng hoàn toàn vô ích chạy tứ tung tìm dấu hiệu này nọ.
– Đúng là tôi thường nói như thế.
– Cho nên tôi cho ông là nói khoác. Ông làm tôi thất vọng đấy. Tôi đinh ninh là ông tìm được lời giải ngay lập tức.
– Nhưng anh bạn trẻ thân mến, vừa rồi anh bạn mới cung cấp cho tôi một tấm sơ đồ. Còn bao nhiêu điểm phải làm cho rõ. Hẳn cảnh sát sẽ tìm ra tung tích của nạn nhân rất nhanh đấy. Họ rất giỏi về khoản đó.
– Vậy theo ông thì lúc này ta chưa nên làm gì, phải ngồi chờ cảnh sát tìm ra tung tích đã?
– Bao giờ cũng vẫn có những việc có thể làm trong lúc chờ đợi.
– Thí dụ?
Poirot gí ngón tay trỏ vào mũi tôi:
– Thí dụ la cà trò chuyện với các hàng xóm.
– Tôi làm chuyện ấy rồi. Tôi đã đi theo thanh tra Hardcastle trong các cuộc thẩm vấn của anh ta. Nhưng hàng xóm không ai biết gì hết.
– Ái chà chà, đấy là ý kiến của riêng anh bạn. Nhưng tôi cam đoan là anh bạn lầm. Nếu ta hỏi họ có thấy gì lạ không, tất nhiên họ trả lời là không thấy. Đó là điều chắc chắn. Vậy mà anh bạn đã vội tin ngay câu trả lời của họ. Tôi khuyên anh bạn trẻ la cà trò chuyện với họ, đâu phải là dò hỏi kiểu đó! Tôi nhắc lại: là cà trò chuyện. Khi đó nhất định anh bạn sẽ phát hiện ra một chi tiết nào đó hết sức quý báu. Họ nói về khu vườn, về cây cỏ, về súc vật, về bác thợ cắt tóc, về quần áo của họ, bất kể họ nói về cái gì, cũng có một chi tiết nào đó làm lộ ra một thứ gì đáng cho chúng ta lưu ý. Anh bạn bảo câu chuyện của họ chẳng có gi đặc biệt, chẳng giúp ích được gì cho anh bạn. Xin lỗi, tôi không tin! Giá như anh bạn kể được cho tôi nghe chính xác những câu họ nói…
– Rất dễ,- tôi kêu lên. – Làm chân trợ lý cho thanh tra, tôi ghi lại tất cả. Xin đưa ông.
– Anh bạn đáng khen đấy! Rất tốt! Đúng là phải làm như thế! Tuyệt vời. Tôi cảm ơn anh bạn vô cùng tận.
Tôi rụt rè hỏi, ông còn khuyên tôi điều gì nữa không.
– Có chứ. Lúc nào cũng có. Cô gái kia chẳng hạn. hãy đến gặp và trò chuyện với cô ta. Hai người đã khá thân nhau rồi chứ gì? Lúc cô ấy lao ra khỏi ngôi nhà, cô ta chẳng đâm bổ vào anh bạn, và anh bạn đã ôm chặt cô ta, đúng thế chứ gì?
– Tôi thấy ông bị ảnh hưởng những chuyện sướt mướt của nhà văn Garry Gregson rồi đấy. Ông đã quá coi trọng tình huống.
– Có thể anh bạn nói đúng,- Poirot công nhận,- Con người ta rất dễ chịu ảnh hưởng những cuốn tiểu thuyết họ đọc.
– Còn cô gái kia… tôi rất muốn…
– Ra thế. Tôi hiểu rồi, anh bạn rất không muốn thấy cô ta là hung thủ, hoặc đồng bọn của hung thủ.
– Đúng thế. Việc cô ta có mặt ở đấy chỉ là hoàn toàn ngẫu nhiên.
– Không đâu, anh bạn trẻ thân mến ạ. Không có gì hoàn toàn ngẫu nhiên đâu. Anh bạn thấy rồi đó. Tại sao khi gọi điện thoại đến xin một thư ký đánh máy, người ta lại chỉ đích danh cô ấy?
– Chính cô ấy cũng không biết tại sao.
– Anh bạn tin chắc là như thế chứ? Rất nhiều khả năng là cô ấy biết tại sao, nhưng không nói ra.
– Tôi không tin, – tôi bướng bỉnh nói.
– Ngay trường hợp quả thật cô ấy không biết, thì chỉ khi trò chuyện với cô ấy anh bạn mới hy vọng có thể biết được sự thật.
– Tôi chưa hiểu nói chuyện cách nào để biết được… bởi tôi chỉ mới quen cô ta.
Poirot nhắm mắt lại.
– Khi một nam giới và một phụ nữ cảm thấy mến nhau, thì dễ xảy ra tình trạng đó lắm,- Poirot trầm ngâm nói.- Cô ấy khá dễ thương đấy chứ?
– Vâng, rất dễ mến.
Poirot sôi nổi nói:
– Nếu vậy thì mạnh dạn trò chuyện với cô ấy đi nào. Hai người đã thân nhau rồi kia mà. Rồi quay lại gặp bà giáo mù, gợi chuyện bà ta, la cà chuyện phiếm với bà ta. Rồi đến Trung tâm, kiếm cớ thuê đánh máy một tài liệu nào đó, bắt chuyện với một cô thư ký nào ở đó. Anh bạn hãy làm tất cả những việc đó đi rồi quay về đây kể lại cho tôi nghe.
– Tôi ngại quá! – tôi kêu lên.
– Không đâu, làm những việc đó cũng là một cách giải trí đấy.
– Ông không biết là tôi còn bao nhiêu công việc riêng của tôi nữa.
– La cà, chuyện phiếm sẽ làm anh bạn giải tỏa sự căng thẳng, có lợi cho sức khỏe của anh bạn đấy. Sau những cuộc la cà như vậy, anh bạn làm công việc riêng của anh bạn sẽ tốt hơn à xem.
Tôi cười đứng dậy.
– Cảm ơn bác sĩ. Bác sĩ không cho tôi được lời khuyên nào bổ ích hơn hay sao? về chuyện những chiếc đồng hồ khó hiểu kia thì ông thấy sao?
Ngả lưng ra ghế, Poirot nhắm nghiền mắt. Rồi tôi ngạc nhiên thấy ông ta ngâm những cần thơ.
Đã đến lúc, con Hải Mã nói
Bàn luận về đủ thứ chuyện trên đời
Tầu thuyền, giầy dép, cây cối
Vua chúa, biển cả và bao nhiêu thứ nữa
Tại sao biển lại bùng lên dữ dội
Rồi run rẩy trên những con sóng bạc đầu?
– Anh bạn vẫn nghe tôi nói đấy chứ?
– Một đoạn trong kiệt tác Alice trong xứ sở thần tiên?
– Chính thế. Anh bạn hãy suy ngẫm đi. Lúc này tôi mới chỉ có thể nói với anh bạn như thế, anh bạn thân mến ạ.