Bạn đang đọc Những chiếc đồng hồ treo tường: Chương 01
LỜI KỂ CỦA COLIN LAMB
Như cảnh sát đã biết, ngày 9 tháng Chín, vào 14 giờ 59 phút, tôi đi dọc theo phố Wilbraham Crescent theo hướng Đông. Đấy là lần đầu tiên tôi đến đây, và thú thật, phố Wilbraham Crescent này làm tôi hoàn toàn mất phương hướng.
Tôi đang thẩm tra lại một trong những linh cảm của tôi, vì linh cảm ấy rất lờ mờ cho nên tội càng cố muốn biết xem nó có đúng hay không.
Tôi tìm số nhà 61, liệu có số nhà đó không? Tôi bắt đầu đi tìm nhà số 1 đến số 28, thì phố Wilbraham Crescent bị một phố lớn cắt ngang, tên phố lớn đó là đại lộ Albany. Tôi bèn thử đi ngược lại. Bên này phố, chỉ có một bức tường rào chạy dài, trong là những tòa nhà chung cư, nhiều tầng bằng bê tông, cao vút lên tận trời xanh. Không thấy lối vào nhà để lên cầu thang, chắc ở mặt phố phía bên kia. Vậy là đi theo hè bên này không ích gì.
Vừa đi, tôi vừa kiểm tra các nhà số 24, 23, 22, 21. Biệt thự Diana,hẳn đây là số 21. Một con mèo ngồi trên một cột hàng rào, đang đưa chân lên xoa mặt. Rồi tôi đi đến số nhà 19…
Đột nhiên cánh cửa ngôi nhà số 19 bật mở, một người bên trong lao ra như một quả trái phá, kèm theo một tiếng rú man dại, không ra tiếng rú của con người. Một cô gái trẻ lao ra phía cổng sắt. Ra đến hè phố, cô đâm xầm vào tôi khiến tôi loạng choạng suýt ngã, rồi cô túm lấy tôi như kẻ chết đuối túm được cái cọc.
– Bình tĩnh đã nào, – tôi lấy lại thăng bằng. – Cô bình tĩnh đã chứ.
Cô gái đã trấn tĩnh lại đôi chút, không kêu lên nữa, mà khóc nức nở.Thú thật là bản thân tôi cũng lúng túng.
– Cô có chuyện gì phải không? – tôi hỏi. Nhưng thấy câu hỏi vô duyên, tôi nói thêm. – Có chuyện gì vậy?
Cô gái nín thở, mắt lấm lét trỏ vào ngôi nhà:
– Trong ấy… trong ấy…
– Trong ấy sao?
– Có một người chết… nằm trên sàn nhà… bà ta suýt nữa giẫm phải ông ta.
– Ai? Mà tại sao lại giẫm?
– Bà ấy mù, tôi đoán thế. Còn ông ta thì đầy máu.
Đột nhiên cúi xuống nhìn hai bàn tay, cô gái vội buông tôi ra.
– Tay tôi cũng đầy máu đây này, – cô ta nói thêm.
– Đúng thế, – tôi nhìn lên ống tay áo tôi cũng rây vết máu. Tôi thở dài. – Cô làm rây sang áo tôi nữa đây này. – Suy nghĩ một chút, tôi nói. – Cô dẫn tôi vào trong đó xem thử.
– Không, không. Tôi sợ lắm… Tôi không dám vào cái nhà ấy nữa.
– Có lẽ cô nói thế là đúng, – tôi nói rồi đưa mắt nhìn xem có chỗ nào dìu cô gái đến, bởi tôi thấy cô đang xỉu đi, không thể đứng vững.
Tôi đỡ cho cô từ từ khuỵu xuống bên cạnh hàng rào sắt, rồi đặt cô ngả đầu vào hàng rào.
– Cô ngồi yên đây, đừng đi đâu. Đợi tôi ra đã. Nếu mệt quá, cô cúi xuống, gục đầu lên đầu gối mà nghỉ.
– Bây giờ thì tôi hơi dễ chịu rồi.
Cô nói bằng giọng không được tự tin cho lắm.
Tôi không gặng hỏi thêm, chỉ vỗ nhẹ vai cô an ủi, rồi đi nhanh vào nhà. Vào qua cửa ngoài, tôi liếc nhìn sang gian bên trái, đó là phòng ăn. Tôi đi thẳng vào phòng khách bên phải.
Trong đó, một bà có tuổi, tóc hoa râm, đang ngồi trong chiếc ghế xa lông, nghe thấy tiếng động, bà ta quay đầu lại.
– Ai thế?
Tôi cũng nhận thấy ngay là bà ta mù. Mặt quay về phía tôi, nhưng cặp mắt lại hướng lên phía bên trên đầu tôi. Tôi hỏi thẳng vào vấn đề.
– Vừa rồi, một cô gái trẻ lao ra ngoài đường, kêu lên rằng trong này có một người bị giết.
Trong lúc đang nói, tôi đã thấy ngay câu hỏi của tôi hồ đồ. Trong một gian phòng ngăn nắp thế này, trước mặt một phụ nữ dáng quý phái, ngồi chắp hai tay lành hiền, bình thản, làm sao có thể có xác chết nào được?
Nhưng bà già đáp:
– Đúng đấy. Sau cái đi văng kia kìa.
Tôi vòng ra sau lưng đi văng thì thấy nạn nhân, cánh tay cứng đờ, hai mắt mở to như mắt thủy tinh, và vết máu loang trên áo đã khô lại.
– Đầu đuôi thế nào? – tôi thô lỗ hỏi.
– Tôi hoàn toàn không biết gì.
– Nhưng ông ta là ai?
– Tôi không biết.
– Phải báo cảnh sát ngay, – tôi đưa mắt nhìn quanh. – Điện thoại bà để đâu?
– Nhà tôi không có điện thoại.
Tôi chăm chú nhìn bà ta.
– Đây là nhà bà?
– Đúng thế.
– Bà có thể kể tôi nghe từ đầu được không?
– Tất nhiên là được. Tôi ra phố mua sắm về… – lúc này tôi đã nhìn thấy chiếc làn đi chợ để trên một chiếc ghế gần cửa. – Vào đến đây, tôi cảm thấy trong nhà có người. Người mù bao giờ cũng thính. Tôi hỏi “Ai đấy?” Không thấy tiếng trả lời, chỉ nghe thấy tiếng thở hổn hển. Tôi bèn đi về phía có tiếng thở, thì đột nhiên một giọng con gái hét lên, kêu lên rằng ở đó có xác chết, rằng tôi đừng đi tiếp nữa kẻo giẫm phải. Thế là cô gái chạy vụt ra, vừa chạy vừa rú lên.
“Được! Vậy là hai người nói ăn khớp nhau, tôi thầm nghĩ.”
– Sau đó bà làm gì?
– Tôi lần đến đấy, và chân tôi vấp phải một vật gì đó.
– Rồi sao nữa?
– Tôi quỳ xuống, sờ thử, đụng phải bàn tay một ngưòi đã lạnh giá, mạch không còn đập. Tôi bèn ngồi vào đây, đợi người đến, bởi cô gái kia hẳn đi báo cảnh sát. Tôi nghĩ tốt nhất là chẳng nên ra khỏi đây.
Thái độ điềm tĩnh của bà già làm tôi kinh ngạc. Bà ta không la hét, không hốt hoảng chạy ra khỏi nhà, mà lại ngồi bình tĩnh đợi! Tôi công nhận làm như thế là đúng, nhưng không phải ai cũng làm được như thế.
Bà ta hỏi tôi.
– Vậy ông là ai?
– Tên tôi là Colin Lamb, tôi tình cờ đi ngang qua bên ngoài nhà bà.
– Cô gái kia đâu rồi?
– Tôi dìu cô ta ngồi tựa vào hàng rào sắt, để cô ta trấn tĩnh lại. Tôi muốn gọi điện thoại thì phải đi đâu?
– Cách đây chừng năm chục mét, có một trạm điện thoại công cộng ở chỗ vòng ấy.
– Phải rồi, có. Tôi nhớ đã nhìn thấy lúc đi đến đây. Bà…
Tôi ngập ngừng. Tôi định hỏi bà ta một câu gì đó, đại loại như “Bà cứ ngồi đây chứ?” Hoặc: “Bà không sao chứ?”
Bà ta như đoán được, nói:
– Tốt nhất là ông nên đưa cô gái kia vào đây ngồi nghỉ.
– Tôi e cô ấy không chịu vào.
– Tất nhiên không phải vào phòng này, nhưng cô ấy có thể sang phòng ăn, ngay bên cạnh. Bảo cô ấy là tôi sẽ pha một ấm trà nóng cho cô ấy uống.
Bà ta đi về phía tôi.
– Nhưng bà…
Trên môi bà ta hiện lên một nụ cười buồn rầu.
– Từ khi tôi đến sống ở ngôi nhà này, đã mười bốn năm rồi, tôi đều tự nấu nướng lấy. Mù chưa phải có nghĩa không làm gì được,
– Bà tha lỗi. Đúng là tôi hỏi câu ngu xuẩn. Tôi muôn biết tên bà, được không ạ?
– Tên tôi là Pebmarsh.
Tôi đi nhanh ra ngoài. Thấy tôi, cô gái trẻ ngước mắt nhìn. Tôi dìu cô đứng lên.
– Tôi thấy trong người dễ chịu rồi, – cô nói.
– Hay lắm, – tôi vui vẻ đáp.
– Có đúng là trong đó có một người bị giết không?
– Đúng, – tôi đáp rất nhanh. Bây giờ tôi chạy đi gọi điện thoại, báo cảnh sát. Theo tôi, cô nên vào trong nhà đợi tôi. – Tôi nói hơi to như ra lệnh, để cô gái không kịp phản đối. – Bà Pebmarsh sẽ pha trà cho cô uống.
– Vậy bà mù đó là bà Pebmarsh?
– Chính thế. Bà cụ cũng kinh hoàng, nhưng vẫn giữ được điềm tĩnh. Nào, ta vào. Trong lúc đợi tôi, cô dùng một chén trà nóng, sẽ tỉnh táo hơn.
Tôi xốc nách, dìu cô gái đứng lên, đưa cô vào nhà, đặt cô ngồi trong phòng ăn. Rồi tôi chạy nhanh ra ngoài.
– Đồn cảnh sát Crowdean đây! – đầu dây bên kia một giọng nói thản nhiên.
– Tôi xin gặp ông thanh tra Hardcastle. Tôi là Colin Lamb.
Lát sau đích thân Hardcastle cầm máy.
– Colin đấy à? Cậu đang ở đâu đấy?
– Trong thị trấn Crowdean của cậu, phố Wilbraham Crescent. Có một người bị giết trong ngôi nhà số 19. Mình đoán là bị đâm. Nạn nhân chết được chừng nửa giờ rồi.
– Ai phát hiện thấy? Cậu à?
– Không. Mình chỉ tình cờ đi ngang qua, đột nhiên một cô gái trẻ lao từ trong nhà ra như tên bắn, đâm sầm vào làm mình suýt ngã. Cô ta bảo trong nhà có một người chết, và một bà mù suýt giẫm phải cái xác.
– Colin, cậu không đùa mình đấy chứ?
Giọng Hardcastle có vẻ nghi ngờ.
– Chuyện nghe quái lạ, đúng thế, nhưng thực sự là như vậy. Bà mù đó là chủ nhân ngôi nhà, bà Pebmarsh.
– Và bà ấy giẫm lên xác chết?
– Cậu hiểu sai câu mình nói rồi. Bà ta mù, nên không nhìn thấy.
– Thôi được, mình sẽ tiến hành ngay những việc cần thiết. Cậu làm gì cô gái ấy rồi?
– Bà Pebmarsh đang cho cô ấy uống trà.
– Chà, chuyện nghe có vẻ ly kỳ đấy, – thanh tra Hardcastle nói.