Đọc truyện Những Chàng Trai Xấu Tính – Chương 1
Hồ bơi hình chữ L, chiều dài nhất chừng hai mươi lăm mét. So với các hồ bơi nổi tiếng trong thành phố thì đây là hồ bơi thuộc loại nhỏ nhưng bù lại nó có vẻ xinh xắn, sạch sẽ.
Quanh hồ là một khoảng đất rộng bày rải rác những băng đá để khách đi bơi vừa nghỉ chân vừa có thể nhấm nháp một thứ gì đó được phục vụ từ căng-tin tại chỗ.
Vừa bước qua khỏi cổng, Biền đã buột miệng khen:
– Ðẹp quá!
Tôi gật gù tán đồng:
– Ừ, cái hồ này trông xinh thật!
Tôi tưởng nghe tôi a dua, Biền sẽ khoái chí tử. Nào ngờ nó lắc đầu:
– Tao không nói cái hồ.
Tôi chưng hửng:
– Chứ mày bảo cái gì đẹp?
Biền chỉ tay về phía cuối hồ:
– Mày nhìn cái chỗ cái dù xanh kia kìa!
Tôi nhìn teo tay chỉ của nó, miệng há hốc:
– Cái dù đẹp?
Biền hừ mũi:
– Cái dù xấu hoắc chứ đẹp gì! Dưới cái dù mới đẹp!
– Ý mày nói cái… cán dù?
Biền có vẻ ngán ngẫm trước sự ngốc nghếch của tôi. Nhìn mặt nó, tôi đoán chắc nó đang hối hận vì đã lỡ kết bạn với tôi. Tôi nghe nó thở dài thườn thượt:
– Tao chưa thấy ai ngu như mày! Mày có thấy ai ngồi dưới cái dù xanh kia không?
Bị chửi nặng, tôi bắt đầu mới vỡ lẽ:
– À, té ra mày nói con nhỏ đó!
Biền nhếch mép:
– Chứ chẳng lẽ tao nói thằng cha La Kim Bụng kia!
Tôi lại trố mắt:
– La Kim Bụng nào? La Kim Phụng chứ?
Biền tặc lưỡi:
– La Kim Phụng là người mẫu thời trang! Còn ở đây là La Kim… Bụng! Chả kia kìa!
Bây giờ tôi mới nhìn thấy người đàn ông Biền nói. Ông ta mặc quần tắm, bụng to như thùng nước lèo, đang đứng khởi động trên bờ hồ. Ông ta nhún nhẩy, vặn vẹo thân hình trông thật buồn cười. Một số người đang bơi dưới hồ cũng ngước mắt nhìn lên chỗ ông và hào hứng chỉ trỏ. Nhưng người đàn ông vẫn tiếp tục đong đưa cái thùng nước lèo của mình. Thật là một kẻ phớt đời đáng phục!
Trong khi tôi đang ngẩn người ra nhìn người đàn ông nọ thì Biền kéo tay tôi:
– Thôi, đi! Thằng cha “người mẫu” này uốn éo hoài cũng chừng đó kiểu, có gì đâu mà coi!
Tôi ngoan ngoãn đi theo Biền. Nhưng nó không dẫn tôi tới chỗ phòng thay quần áo mà tiến thẳng tới cái dù xanh. Phát hiện ra điều đó, tôi rụt tay lại:
-Ði đâu đây?
Biền cười cười: – Ði… làm quen.
– Thôi đi! – Tôi nhăn nhó – Lạ hoắc lạ huơ mà làm quen cái gì!
– Thì lạ hoắc tao mới làm quen, nếu đã biết nhau rồi thì làm quen chi nữa!
Lý lẽ của Biền khiến tôi cứng họng, mặt mày cứ đực ra. Biền giật tay tôi:
– Thôi đừng có trơ mắt ếch ra nữa! Theo tao lẹ lên!
Tôi liếm môi:
– Thế còn chuyện… đi bơi?
– Ối dào! Bơi thì lúc nào bơi chả được! – Biền vò đầu – Có ai dời cái hồ đi cỗ khác đâu mà sợ!
Cãi không lại nó, cuối cùng tôi đành phải gật đầu:
– Ừ thì đi!
Tôi tưởng Biền sẽ tươi hơn hớn. Nào ngờ nó lại thở dài:
– Bây giờ thì muộn rồi thằng ngốc ạ!
– Sao kia? – Tôi không hiểu.
– Sao lại với trăng! – Biền bực dọc – Ðợi cho mày “duyệt” xong cái khoản làm quen hay không, con nhỏ đó đã biến mất từ tám hoánh rồi!
Tôi giật mình liếc lại chỗ cái dù xanh. Quả nhiên con nhỏ đó đã bỏ đi đằng nào. Ngồi chễm chệ dưới cái dù bây giờ là một thằng cha to như hộ pháp, râu ria xồm xoàm. Lớ ngớ lại “làm quen” với chả, chả gõ cho bẹp đầu!
Tôi nhìn xuốn hồ:
– Hay nó xuống nước rồi! – Có thể! – Biền chép miệng.
– Vậy mình xuống nước mình… làm quen! – Tôi nói giọng chuộc lỗi.
Biền không thèm để ý đến sáng kiến của tôi. Nó bĩu môi:
– Tao không thích làm quen kiểu đó! Xáp lại dưới nước, không khéo bảo vệ hồ sẽ tóm cổ! Họ tưởng tao là… Trư Bát Giới!
Tôi nheo mắt:
– Mày là Trư Bát Giới chính hiệu chứ gì nữa!
Biền không nói gì, chỉ nhe răng cười hì hì. Khi cười, mắt nó híp lại, nom giống hệt Lão Trư.
Nói cho đúng, Biền không phải là thằng mắt lé. Con nhỏ mà nó chấm xinh đáo để. Theo tôi thì con nhỏ đó có một khuôn mặt hình trái xoan, mặc dù tôi chưa thấy trái xoan lần nào. Tôi không rõ trái xoan có ăn được hay không, chứ mặt con nhỏ đó mà “cắn” một miếng thì “đã” phải biết! Mũi thẳng, cao, mắt to như hai mắt nai, môi hồng nhưng chả thấy cười bao giờ, vì vậy tôi không biết nó có bị sún răng hay không. Nếu hàm răng nó đều đặn như răng… tôi thì nó đúng là một người đẹp toàn diện.
Tóc nó đen, dày, xõa ngang lưng. Biền ngắm mái tóc nó, mơ màng:
– Hèn gì người ta bảo là “suối tóc”!
Tôi khịt mũi:
– Mày làm thơ đấy hả?
Biền thở dài:
– Tao cóc khoái làm thơ. Tao chỉ muốn làm… quen thôi.
Tôi làm bộ ngờ nghệch:
– Nhưng mà đã ba ngày rồi, mày vẫn chưa có cách nào làm quen được?
– Ừ, chưa được! – Biền thật thà cảm thán.
– Có nghĩa là mày muốn làm quen với nó nhưng nó lại không thèm làm quen với mày?
Bị tôi “khều nhẹ”, Biền đỏ mặt:
– Ðừng đụng chạm tự ái anh em, mày! Không phải là nó không thèm! Vấn đề là tao chưa “tiếp cận” nó được! – Liếc bộ mặt đần độn của tôi, Biền tặc lưỡi giải thích – Làm quen dưới nước thì tao không muốn, làm quen trên bờ thì bị “cản địa“. Tóm lại là chưa gặp thời cơ…
Lối ăn nói của Biền khiến tôi phì cười:
– Nghe mày nói cứ tưởng như bàn chuyện làm ăn! Tán gái mà cũng bày đặt thời cơ!
– Mày ngu bỏ xừ! – Biền sầm mặt -Bữa nào cái băng ghế nó ngồi cũng không còn một chỗ trống. Hai ba thằng cứ bu quanh, tao chen vô quái thế nào được?
– Mấy thằng đó chắc cũng thuộc dòng họ Trư giống mày!
Biết tôi cà khịa, Biền ngó lơ, buông thõng:
– Ai biết!
Tự dưng tôi thấy tội nó bèn hiến kế:
– Vậy thì chiều mai mình đi sớm, vô chiếm chỗ trước! Hệt như bữa đi xem đá bóng vậy!
Tôi nói dứt câu, Biền đã quay phắt lại, mắt sáng rỡ:
– Hay, hay! Không ngờ cái đầu óc bã đậu của mày lâu lâu cũng nghĩ ra được một “độc chiêu”!
Tôi không biết Biền khen thật hay khen “xỏ“. Nhưng tôi giả tảng, bụng rủa thầm “Nếu óc tao là bã đậu thì mày là bã… mía! Muốn làm quen với “em” mà cũng chẳng biết cách, cứ loay hoay như gà mắc tóc! Chỉ giỏi tài bóc phét!”
Tất nhiên Biền không biết tôi chửi thầm nó. Nó cười toe toét luôn miệng. Chắc nó khoái chí nghĩ đến chuyện giành chỗ do tôi vừa bày cho nó.
Chiều hôm sau, y kế hoạch, chúng tôi đến hồ bơi sớm hơn mọi lần khoảng hai mươi phút.
Biền mừng rơn khi thấy cái băng ghế dưới chiếc dù xanh trong tình trạng… vắng chủ. Nó cầm tay tôi kéo chạy vùn vụt, làm như chỉ cần tới trễ nửa bước cái băng ghế sẽ chật nức người vậy.
Tới nơi, hai đứa buông phịch người xuống ghế, thở hổn hển. Tôi vừa vuốt ngực vừa trách:
– Mày làm gì như thể xung phong vào đồn giặc vậy!
Biền cười hì hì:
– Ðây không phải là đồn giặc. Ðây là hang cọp. Người xưa có câu: không vào hang cọp sao bắt được cọp con!
– Con nhỏ đó là cọp cái chứ không phải cọp con đâu!
Biền tự tin:
– Cọp cái hay cọp con gì tao cũng bắt tuốt! Hễ cọp là tao bắt!
Chúng tôi ngồi tán gẫu chừng mười phút thì “con cọp” lò dò tới. Biền “đánh hơi” ra trước. Nó bấm khẽ tay tôi:
– Con “nha đầu” tới rồi! Chuẩn bị!
Thích người ta mà dám gọi là “nha đầu”, cái thằng “tiểu tử” này! Tôi bất mãn nhủ bụng và liếc ra cổng. Bữa nay con nhỏ “chơi” chiếc quần gin bụi, áo thung technicolor, tay đung đưa túi xách thể thao, trông cứ xinh như minh tinh Hollywood. Tôi không nén được tiếng xuýt xoa:
– Bữa nay con cọp đẹp quá hả mày!
Biền không buồn để ý đến lời khen thừa của tôi. Mắt nó cứ nhìn trừng ra phía trước hệt như ra đa đang bám theo tên lửa di động của đối phương, miệng thì thào:
– Mày xích ra ngoài rìa đi chừa chỗ trống ở giữ cho nó!
Mắt vẫn không rời con cọp, tôi lê cặp mông ra sát mép ghế, suýt nữa té lật gọng xuống đất. Giọng Biền vẫn liên tục bên tay tôi, căng thẳng, dứt khoát, hệt như khẩu lệnh chiến đấu:
– Còn mười lăm bước! Còn mười bước! Tất cả sẵn sàng! Tươi mặt lên! Cười lên, cười!
Tôi phá lên cười sằng sặc.
Biền rít lên giận dữ:
– Mím môi lại, đừng có nôn thốc nôn tháo ra như thế, thằng ngu!
Nhưng tôi không tài nào nhịn cười được. Khi nó hô “cười lên, cười”, tự dưng tôi liên tưởng đến mấy ông thợ chụp hình, thế là tôi ôm bụng cười sặc sụa. Tôi cười đến chảy cả nước mắt nước mũi.
Tràng cười khủng khiếp của tôi làm kinh động đến con cọp của Biền. Ðang lững thững tiến đến chỗ tụi tôi, bỗng nó cau mặt lại và rẽ sang hướng khác.
Nụ cười vừa vẽ ra trên môi Biền lập tức tắt ngấm. Nó hậm hực quay sang tôi, mắt long lên:
– Mày làm cái trò gì vậy, đồ phá bĩnh?
Tôi chùi nước mắt, nhăn nhó:
– Tại tao tức cười quá, không cách chi kềm được!
– Tức cười cái đầu mày! – Biền gầm gừ – Thiếu gì lúc không cười, nhè ngay lúc ván sắp đóng thuyền lại nổi lên cười như phát rồ! Mày cố tình “hại” tao hả?
– Ðừng nghĩ xấu anh em, mày! Tao mà cố tình hại mày, lát nữa xuống bơi, hà bá rút cẳng tao liền!
Thấy tôi thề độc, Biền không thèm hoạnh họe nữa. nó chỉ “hừ” một tiếng rồi lặng lẽ nhìn xuống hồ.
Mặt mày nó buồn xo khiến tôi áy náy dễ sợ. Tôi xích lại gần nó, rụt rè hỏi:
– Con cọp đâu rồi?
Biền cộc lốc:
– Bên tay trái.
Tôi ngoảnh mặt sang bên trái, trên chiếc ghế cách chỗ tôi và Biền mười thước, nữ minh tinh Hollwood đang tréo giò ngồi “kênh kiệu” dưới chiếc dù ba màu. Không hiểu do mặt nó kênh kênh hay tại vừa bị Biền “rủa xả”, tự dưng tôi thấy con nhỏ đó hôm nay trông ngứa con mắt quá chừng. Tôi không buồn trách Biền về lối ăn nói “du côn” khi nãy nữa. Biền nói đúng. Nó là cái thá gì mà khiến hai đứa tôi giận lẫy với nhau chứ, cái con “nha đầu” này.
Nhưng tụi tôi chưa kịp lên tiếng thì con nha đầu đã lên tiếng trước. Quả là chuyện bất ngờ.
Chả là hôm đó Biền dạy tôi bơi ngửa và bơi ếch. Biền bảo:
– Theo sách vở thì bơi trườn sấp là kiểu bơi phát triển toàn diện nhất. Mày biết bơi toàn diện không?
Tôi bảo không. Biền nhún vai:
– Thế là mày chết nửa đời người.
Tôi không muốn chết nửa đời người, liền năn nỉ Biền dạy. Biền là đứa khoái làm thầy thiên hạ. Nó quảng cáo kiểu bơi trườn sấp chỉ cốt để tôi bái nó làm sư phụ. Vì vậy nghe tôi cầu cạnh, mặt nó tươi rói:
– Ðược thôi! Nhưng phải có một chầu ra mắt!
Tôi liếm môi:
– Mày học thói hối lộ của ai vậy?
Biền cười hề hề:
– Ðây không phải hối lộ mà là lễ bái sư.
Bộ mặt trâng tráo của Biền trông giống hệt sư… hổ mang. Tôn nó làm thầy chắc đời tôi nát bét. Nhưng vì ham phát triển cơ bắp toàn diện, tôi đành phải bấm bụng vâng theo:
– Thôi được, bái sư thì bái sư! Bây giờ mày dạy tao bơi trước đi! Lát nữa lên bờ tao “chung độ” sau!
– Nè, nè, đừng có dùng cái từ chung độ bôi bác kia nghen mày! Tao đâu phải dân cá cược!
Thấy Biền cười giận dỗi, sợ nó không thèm dạy tôi nữa, tôi bèn cười giả lả:
– Thôi, cho tao xin lỗi! Tao lỡ lời!
Biền có vẻ khoái trá trước sự hạ mình của tôi. Nó nheo nheo mắt:
– Lát nữa mày định bái sư bằng một chầu gì vậy?
Tôi gãi mũi:
– Chầu… trà đá!
– Dẹp mày đi! Trà đá thì chỉ có học môn bơi chó!
Tôi khịt mũi:
– Vậy thì đá chanh!
Biền bổ sung trắng trợn:
– Bánh mì ốp-la nữa!
Cái thằng, chưa dạy được miếng nào đã giở trò bóc lột! Tôi đành phải bấm bụng gật đầu:
– Ừ, thì ốp-la!
Giải quyết xong cái khoản thực đơn, Biền bắt đầu dạy tôi bơi. Bơi sải cũng chẳng có gì khó, nhất là đối với một người đã có “căn bản” như tôi. Tập chừng nửa tiếng, tôi đã bơi thuần thục. Chỉ khổ là nước xộc vô lỗ mũi cay xè.
– Ðược rồi! – Biền nhận xét – Nói chung mày cũng không dốt lắm!
Học thêm được một kiểu bơi, tôi đâm ra dễ tính. Không thèm để ý kiểu khen trịch thượng của nó. Tôi vuốt nước trên mặt, hỏi:
– Còn kiểu bơi nào nữa không?
– Hết rồi.
– Chỉ có ba kiểu thôi hả?
– Ừ.
– Như vậy là tao đã bơi được tất?
-Chứ sao! Mày là đệ tử chân truyền của tao mà!
Tôi chưa kịp hỏi tiếp thì bỗng có một người bơi ngang chỗ tôi và Biền đứng. Gần nửa người của anh ta nhô lên hụp xuống, hai tay dang rộng, đập nước nghe ầm ầm. Tôi ngạc nhiên ngó Biền:
– Hắn bơi kiểu gì vậy?
Biền ấp úng:
– À, à… đây là kiểu bơi bướm.
– Bơi bướm?
– Ừ.
– Sao khi nãy mày bảo chỉ có ba kiểu bơi?
Biền liếm môi:
– Khi nãy tao… quên.
Thái độ lúng túng của Biền khiến tôi đâm ra ngờ vực. Tôi dòm nó lom lom:
– Mày biết bơi bướm không?
Bị tôi hỏi gặng một hồi, Biền đâm ra cáu. Nó xẳng giọng:
– Bơi bướm có quái gì mà không biết! Hồi nhỏ tao bơi hoài!
Tôi vẫn chưa tin hẳn:
– Vậy thì mày bơi thử đi!
– Coi nè!
Biền hét lên tức tối. Và dang hai tay như cánh bướm, nó chúi đầu xuống làn nước xanh. Nhưng Biền chỉ giống bướm được lúc đầu. Nhô lên hụp xuống vài cái, Biền hóa thành con… chuồn chuồn. Nó bơi chẳng giống anh chàng khi nãy tí ti nào. Người ta nhô nửa cả người lên mặt nước, nó gắng lắm mới cũng chỉ ló được có cái đầu. Người ta đập tay đập chân trông khí thế, nước văng ầm ầm. Ðằng này tay chân nó đuối đơ, lặn hụp cứ như người chết đuối. Trước vẻ mặt hoang mang của tôi, Biền quay lại cười hách dịch:
– Thấy tao bơi bướm chưa?
Tôi đớ lưỡi chẳng biết nói sao. Chê thì không dám, mà khen thì áy náy với lương tâm. Tôi nghĩ là Biền không nhìn thấy nó bơi. Nếu nó có tài phân thân như Tôn Ngộ Không, tách người ra để ngắm mình “bơi bướm”, chắc nó không dám tuyên bố hách xì xằng như vậy.
Thấy tôi trơ mắt ếch ra dòm, không chịu “ca tụng” nó, Biền nổi đóa:
– Làm gì mà đực ra như phỗng vậy! Mày thấy “sư phụ” mày bơi bướm có ăn đứt thằng cha hồi nãy không?
Tôi ấp úng chưa kịp đáp thì trên bờ bỗng vang lên một chuỗi cười khúc khích. Hai đứa giật mình ngó lên. Nữ minh tinh Hollywood ngồi trên băng ghế sát bờ hồ, mắt hờ hững nhìn ra trước mặt, miệng nửa cười nửa nghiêm. Tôi và Biền liếc nhau. Mặc dù không nói ra nhưng hai đứa đều tự hỏi không biết có phải con nhỏ đó vừa cười “lạnh lẽo” hay không. Liếc con nhỏ đó một cái nữa, vẫn không có dấu hiệu gì khả nghi, Biền quay sang tôi và nôn nóng trở lại đề tài cũ. Lần này nó giở giọng “dụ khị”:
– Mày đãi tao thêm một chầu nữa, tao sẽ dạy mày bơi bướm!
– Cái đó là bơi ễnh ương chứ đâu phải bơi bướm!
Lần này, rõ ràng một giọng nữ ở trên bờ vọt trả lời thay tôi. Mặt Biền lập tức đỏ bừng, không hiểu vì ngượng hay vì giận. Nó lia mắt lên bờ, hệt như người ta lia tiểu liên. Tôi cứ tưởng con nhỏ đó sẽ trúng “đạn” ngã lăn quay. Nhưng không, may quá, nó vẫn ngồi tỉnh rụi, mặt kênh kênh.
Biền nghiến răng:
– Này cô kia! Cô vừa nói cái gì đó?
Nữ minh tinh liền hừ mũi:
– Anh nói chuyện với ai vậy?
Biền gầm lên như sư tử:
– Với cô chứ với ai!
Nữ minh tinh bĩu môi:
– Nhưng tôi lại không thích nói chuyện với anh!
Suýt chút xíu nữa Biền ói máu loang cả mặt hồ. Nó cố nuốt cục giận vào bụng một cách khó khăn, hệt như đang nuốt trái bưởi Biên Hòa còn cả vỏ lẫn cuống. Nuốt xong, nó nói, biết gặp phải kình địch nên giọng đã nhũn nhặn hơn:
– Cô bảo cô không thích nói chuyện với tôi, sao khi nãy cô lại mở miệng “chọc quê” tôi?
Nữ minh tinh nhún vai:
– Tôi đâu có chọc quê anh. Tôi chỉ chọc quê con ễnh ương.
Thi đấu chưa hết hiệp thứ nhất, Biền đã bị “nốc ao“. Miệng lưỡi con nhỏ đó có sức tàn phá không thua gì một cú đấm móc của Mohames Ali. Biền nghiến răng nghe rõ tiếng “ken két”:
– Hãy đợi đấy!
– Tội nghiệp Biền! – Tôi tặc lưỡi. Tưởng sao, nó đem phim hoạt hình Liên Xô ra hù đối thủ của mình. Trong khi choáng váng đầu óc, nó quên rằng khi con sói trong phim bảo “Hãy đợi đấy” có nghĩa là nó sắp gặp phải một thất bại mới, còn thê thảm hơn thất bại cũ gấp một trăm lần.