Đọc truyện Nhu Phong – Chương 7
Ngón tay Lý Nhu Phong lần lần theo dây vải tới nút buộc áo. Chàng nhẹ nhàng kéo bung, liền nghe tiếng vải mỏng trượt khỏi thân.
Giữa mùi máu tươi mới, chàng loáng thoáng nhận ra một hơi thở bình hòa, dịu êm, thoang thoảng hương sữa nhẹ.
Dân ở chợ quỷ thường đồn rằng, Bão Kê nương nương từng gả cho ai đó đoản mệnh tại Trừng Châu, rồi tái giá với lão thái giám Phùng Thời, bởi vậy chàng mới nhận định Bão Kê nương nương hẳn đã hơn ba mươi tuổi. Về sau chàng chạm vào tay Bão Kê nương nương, cảm giác vừa sần thô vừa vững vàng, lại nghe giọng nàng đều đều, ngang ngang, lào khào đơn điệu, thì càng củng cố phỏng đoán của mình.
Nhưng bây giờ giúp Bão Kê nương nương rửa sạch vết thương trên lưng, đôi khi lỡ tay chạm vào phần da thịt lành lặn, chàng phát hiện nơi đó vẫn còn mịn màng, nõn nà, hiển nhiên là thân thể của một thiếu nữ. Chàng thấy thật kỳ quái, nhưng không dám hỏi rõ.
“Tôi đắp thuốc nhé, phu nhân. Nếu đau thì ngài hãy nói ngay cho tôi hay.”
Người này trước đó vẫn sai chàng chạy ra chạy vào như chó, giờ đây lại ngậm chặt miệng, không thốt một lời.
Lý Nhu Phong chẳng đoán được ý nàng, bất đắc dĩ đành đặt tay song song, mò mẫm từng chút từ sau gáy nàng xuống. Chàng không dám lơ là một tấc da thịt nào, sợ sẽ còn đâu đó bỏ sót. Chạm đến nơi bắt đầu ram ráp thì biết là vết thương, bèn dùng ngón tay trái cố định vị trí, ngón trỏ tay phải quẹt thuốc cao, nhẹ nhàng thoa lên. Thoa hết một lượt lại thoa thêm lượt hai, rồi dùng vải xô băng kín lại.
“Hồi ở chợ quỷ tôi có nghe kể, phu nhân là người Trừng Châu phải không?”
“Không, chỉ tạm dừng ở Trừng Châu vài năm thôi.”
Bão Kê nương nương đáp bằng ngữ điệu phẳng lặng, như chẳng mấy hứng thú, nhưng Lý Nhu Phong lại mở cờ trong bụng. Chỉ cần bằng lòng trò chuyện cùng chàng là đủ rồi.
“Tôi cũng là người Trừng Châu đây. Vậy là phu nhân gặp tôi ở Trừng Châu sao?”
Bão Kê nương nương chợt cười nhạo: “Đừng tưởng ta từng sống ở Trừng Châu thì cũng là người của Trừng vương các ngươi. Hãy sớm dẹp ngay cái ý nghĩ nhờ ta hỗ trợ đó, may ra đời ngươi sau này sẽ bớt thảm hơn.”
Lý Nhu Phong nhất thời á khẩu chẳng thốt nên lời. Rốt cuộc là chàng còn đánh giá quá thấp vị Bão Kê nương nương này.
Xưa nay chàng vẫn hay xem thường lớp người hạ đẳng, luôn cảm thấy họ là phường thất học, ngu muội, vô tri, làm người mà chỉ sống như loài thú, cả ngày hấp ta hấp tấp, ngoài sinh đẻ bệnh chết ra thì cứ ngô nghê như mất trí.
Nhưng vị Bão Kê nương nương này, một thiếu phụ “trông” giống hệt con cá khô mắc cạn, lại cứ lẳng lặng mà giương mắt sói sáng rực, quét nhìn thấu triệt hết thảy xung quanh.
Hôm nay bị Phùng công công tra tấn, đến tột cùng là nàng có khả năng tránh khỏi hay không? Lý Nhu Phong chẳng biết. Nhưng hiện tại chàng mơ hồ ý thức được, Bão Kê nương nương đúng là cố ý tự tạo thảm trạng cho mình.
Sau khi bị đánh, nàng không xử lý vết thương, không rửa sạch vệt máu trên mặt mà chỉ ngồi đờ đẫn dưới đất cả canh giờ. Mãi tận khi Dương Đăng đến mới thôi.
Nàng đang đợi cho Dương Đăng thấy.
Bởi nàng chẳng muốn đoán mệnh cho Dương Đăng. Dù sao thì, với một kẻ chỉ còn sống vỏn vẹn bảy ngày, nếu lừa hắn và phá hủy danh tiếng của mình, nói thẳng ra, nàng thân là hạng thấp hèn, chắc chắn sẽ không nhận được kết cục tốt gì.
Lý Nhu Phong nghiền ngẫm rõ mọi sự, chợt lo sợ Bão Kê nương nương phát hiện ra đôi phần tâm tư chàng giấu kín sâu tận đáy lòng, là tín niệm nhỏ nhoi đã vực chàng gượng qua bao đòn roi ngược đãi của gã dương bạt liệt, nhẫn nại đến hôm nay. Chàng sẽ giọng giải thích: “Lần trước phu nhân bảo là biết tôi, tôi chỉ tò mò làm sao phu nhân biết thôi. Nhà họ Lý chúng tôi, tuy hai huynh trưởng của tôi thanh danh vang xa, nhưng bên ngoài rất hiếm người nghe được về tôi.”
Bão Kê nương nương cười nhạt: “Ngươi năm nay hai mươi bốn tuổi, sinh vào tết hoa mùng hai tháng hai, đúng chứ?”
Lý Nhu Phong rất kinh ngạc. Ngày sinh của chàng chỉ có cha mẹ, huynh trưởng và Tiêu Yên nắm rõ, sao nàng cũng rành rẽ điều này? Bèn lập tức đáp: “Thưa đúng vậy, từ đâu mà phu nhân biết thế?”
Bão Kê nương nương lại chẳng nói nữa.
Lý Nhu Phong hoang mang không thôi, nhưng cũng hết dám thăm dò thêm. May mắn là từ bé chàng nghiên cứu kim thạch học ①, thường lăn mực dập bia [1], chỉnh lý văn tự cổ, nên đã luyện được tính nhẫn nại cực cao. Chàng tiếp tục đắp thuốc cho Bão Kê nương nương, hai người trầm lặng không nói gì. Qua hơn nửa canh giờ, Bão Kê nương nương nằm trên giường trúc đã ngủ mê man. Khi quấn quanh một lớp vải xô cuối cùng, cần luồn vòng qua bụng, chàng cảm nhận được eo nàng thật nhỏ nhắn, mềm mại, chỉ một cánh tay đã đủ ôm trọn.
***
Cả đêm này, Phùng Thời không trở về.
Lý Nhu Phong trăn trở thao thức trên giường. Từ khi thành người cõi âm thì chàng đã không cần ngủ nữa. Giữa đêm đen, chàng phảng phất xuyên thân vào một tầng thế giới khác, thế giới của trăm quỷ dạo đêm, thất thanh kêu gào, inh ỏi quấy chàng chẳng cách nào yên giấc.
Bão Kê nương nương kia ngủ một mạch không tỉnh giữa chừng, chàng thì quên mất đã ăn gì, càng về nửa đêm càng đói, bụng sôi như nổi trống. Ráng chịu đựng đến canh tư (1h), rốt cuộc đành nhỏm dậy, lọ mọ vào bếp. Chàng thấy được quỷ hồn, nhưng chẳng nhìn ra những thứ không mang sự sống như thức ăn. Thế là cứ phải hít trái ngửi phải, mất rõ lâu mới mò được một chiếc màn thầu nguội cứng trong xửng hấp.
Khi bước ra sân ăn màn thầu, Lý Nhu Phong phát hiện có quỷ hồn của bốn đứa bé đang chơi trong sân, là bọn trẻ từng sống ở đây và đã chết đi.
Đám nhóc ấy xếp dọc từ cao xuống thấp, mỗi đứa chiếm một chỗ ngồi giữa không trung.
Lý Nhu Phong qua đó sờ thử, hóa ra chúng đang ngồi vắt vẻo trên thang gỗ. Sau chiếc thang là một cội long não già. Gió đêm xao động, hương lá thơm mát nhẹ nhàng tỏa lan.
Bé con thứ nhất tuyên bố: “Giờ nha, em muốn trèo tít lên ngọn kia.”
Bé con thứ hai hùa theo: “Em cũng trèo nữa, em muốn tìm xem ba mẹ đâu rồi.”
Bé con thứ ba nhắc: “Ngố quá, mấy đứa biết bay mà.”
Bé con thứ tư ngây ngô: “Ờ ha, em cũng toàn quên mình biết bay.”
Lý Nhu Phong khẽ cắn môi, xuyên qua thân bọn trẻ, sờ soạng bước lên thang. Hồn phách của hai đứa bé lơ lửng dừng giữa không trung, hai đứa còn lại đang nghiêm túc leo cây. Chàng không nhìn thấy gốc long nhãn nên phải theo đuôi nhóm bám trên cây kia, leo thẳng đến ngọn cao.
Tại nơi cao nhất, trông thấy toàn bộ Kiến Khang, tim chàng bỗng thắt lại.
Tòa thành chàng từng chiêm ngưỡng này, thành Thạch Đầu phồn hoa tráng lệ, thuở xa xưa được gọi là ấp Kim Lăng, nay đã biến thành miền đất quỷ. Ở đằng xa ấy là sương mù đen đặc, trôi nổi trên chi chít đốm ma trơi đang chập chờn phiêu tán ra muôn hướng. Quan sát kỹ, lại là vô số âm hồn chen chúc vờn quanh.
Hóa ra hồn linh nơi đấy đã nhiều đến vậy, chàng biết phải bắt đầu tìm từ đâu?
Suốt mấy tháng qua chàng cam tâm tình nguyện cõng gã dương bạt liệt tới Kiến Khang, nấn ná trong chợ quỷ, chẳng qua là vẫn ôm hi vọng tìm thấy người nọ. Người nọ bị Tiêu Tử An giết ở Kiến Khang, hồn phách không cam lòng, hẳn là còn lưu lại Kiến Khang chứ? Và nếu chàng tìm ra người nọ, phải chăng rồi sẽ giao được cả thể xác thuần âm này cho y? Tương truyền thế gian có một loại bí thuật, hồn phách kẻ chết muốn chiếm thân thể người sống để hồi sinh là khó như lên trời, song, đổi qua dùng thể xác của người cõi âm thì lại tương đối đơn giản. Huống hồ, y lợi hại hơn chàng rất nhiều. Người trên đời đều chỉ là quân cờ cho y sử dụng, dương bạt nhỏ nhoi thế, há có thể làm gì được y?
Qua chốc lát, Lý Nhu Phong đã ăn xong màn thầu, bèn chầm chậm trèo từ ngọn cây xuống. Chàng hồi tưởng, lần trước sau khi gã dương bạt kia chết, chờ hết một đêm, đến thời khắc dương khí tiêu tan sạch thì chàng mới bắt đầu hư thối. Từ đầu ngón tay lan dần lên, rồi biến thành bộ dáng rữa nát ở lần đầu gặp Bão Kê nương nương. Tính ra là tròn hai ngày một đêm. Nếu thế chàng chỉ cần rời đi vào buổi tối, tranh thủ trở về trước khi Đại lang quân cất tiếng gáy lần ba, thì chắc là sẽ không phải chịu cơn đau bục cơ thấu tủy.
Chàng bẻ một cành long não vừa tay, tuốt hết lá rồi vịn tường đi ra ngoài. Có cành cây làm gậy dò đường phía trước nên chàng đã vững dạ rất nhiều. Hơn nữa, còn là lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, chấp chới hân hoan.
Xưa kia mỗi khi buồn phiền, Tiêu Yên muốn bày vẽ để chàng vui lên thì luôn cần phí bao công sức. Hoặc phải mời đào kép giỏi nhất về múa hát cho chàng xem, hoặc phải sai người chạy xa vạn dặm đến đất Tam Tần lùng gạch Tần ngói Hán về tặng [2].
Chàng nào biết rằng, vui vẻ của hôm nay, lại đạt được dễ dàng nhường này.
Khi ngón tay chàng chạm lên then cửa, trong lòng thậm chí bắt đầu dâng lên một loại hưng phấn trước cuộc trốn chạy. Dẫu chàng hiểu rõ cuộc trốn chạy này là ngắn ngủi, thì tự do ngắn ngủi, lẽ nào lại chẳng phải tự do? Tình cảnh hiện nay của chàng đã khá hơn trước rất nhiều, vào buổi tối đã không còn bị gã dương bạt liệt dùng xích trói chặt bên người.
Đáng tiếc, then cửa vừa được nhấc lên nửa chừng, đằng sau chợt vang lại một giọng nói như quỷ mị, lạnh băng không sức sống:
“Muốn đi đâu?”
– ————
Lời tác giả:
① Kim thạch học xuất hiện sớm nhất vào thời Hán, hình thành trong thời Bắc Tống, chủ yếu nghiên cứu đồ đồng cổ và bia đá khắc chữ. Thiết lập bối cảnh truyện này hơi mô phỏng Nam Triều, nhưng thực chất vẫn là giả tưởng, bởi vậy xin đừng lăn tăn quá nhiều về việc bám sát tư liệu lịch sử, cũng xin miễn đối chiếu. Với cả khi đó còn chẳng có danh xưng “thái giám” thế này.
[1] Lăn mực dập bia: Cách lấy mẫu chữ, mẫu hoa văn trên bia đá, hay những dạng đồ cổ khác như chuông, trống, gạch…
[2] Tam Tần: Từ dùng chỉ 3 vương quốc thuộc khu vực trung tâm của đế chế Tần sau khi đế chế gồm 18 nước này sụp đổ.