Nhu Phong

Chương 16


Đọc truyện Nhu Phong – Chương 16

Trương Thúy Nga tìm được ngựa ô của mình trong chuồng ngựa.

Đoán chừng là thấy nó cao lớn, khỏe khoắn nên tên chăn ngựa muốn chiếm làm của riêng. Lúc nàng bắt gặp thì tên đó vẫn đang cầm bánh đậu nành cho nó ăn.

Trương Thúy Nga đi tới dẫn ngựa, tên đó la oai oái ngăn lại: “Ăn mày thúi đâu ra đây! Dám trộm ngựa của tướng quân hả!”

Trương Thúy Nga quát: “Xéo!Ngựa này của ta!”

Nàng bắn qua ánh mắt sắc lẻm, tức thì dọa tên đó sững người.

Trương Thúy Nga kéo giật ngựa ô đi, nó vẫn cố nghiêng đầu, hả miệng đớp luôn miếng bánh đậu sót lại trên tay tên chăn ngựa.

Ra khỏi phủ của Dương Đăng, Trương Thúy Nga mặc cho ngựa ô phi nước đại, mình thìđập bồm bộp vào đầu nó: “Ăn ăn ăn!” BỐP “Chỉ biết ăn thôi!” BỐP “Chê tao nghèo hả?” BỐP “Thấy ở nhà Dương Đăng sướng lắm đúng không?” BỐP “Cứ chờ ra trận đi xem mày có bị bắn thành nhím ô không!” BỐP!

Ngựa ô bị đánh mà ủ rũ ngoẹo đầu, rồi lại nghe cái giọng đều đều ráo hoảnh kia cất lên mấy lời cổ xưa kỳ quái:

“Chu Công nhả bữa, y không nhả

Đất tạp người ăn, bắp để gà.

Vạn thọ rùa thần, mi thọ đoản

Người cho chó gặm, đậu ngựa tha.

Rượu nồng ca xướng âm giai lạc

Huynh đệ cùng tông đấu miệt mài.

Kiệt Thạch non cao trông thương hải


Gió xuân mười dặm ngập thi hài.” [*]

[*] Vế đầu trong các câu 1, 3, 5, 7 lấy ý từ bài Đoản ca hành kỳ 2, Bộ xuất Hạ Môn hành kỳ 2 và 5 của Tào Tháo. Vế sau và các câu 2, 4, 6, 8 là tình tiết trong truyện.

Chu Công nhả bữa: Theo Sử ký, mỗi bữa cơm Chu Công đang ăn đều phải tạm ngưng, nhả ra tận 3 lần để tiếp đãi khách tới thăm, vì sợ lỡ mất người hiền. Câu này thể hiện thái độ trọng dụng hiền tài (trái ngược với vế sau nói về Dương Đăng).

Tưởng cười đấy mà không phải cười, tưởng khóc đấy mà không phải khóc, như hát đấy mà không phải hát, như ngâm đấy mà không phải ngâm, cũng chẳng biết phải chăng đã điên mất rồi.

Lý Nhu Phong cứu Dương Đăng, mệnh số của Dương Đăng được sửa lại. Cùng lúc đó, vận mệnh của Lý Nhu Phong cũng vì thế mà dạt qua một phương hướng khác.

Người cõi âm tựa như một bàn tay vô hình, dễ dàng xô lệch mệnh số kẻ khác. Mà đã làm mệnh kẻ khác thay đổi, thì mệnh của chính mình cũng bị quấy lên rối bời.

Hiện tại Trương Thúy Nga mới hiểu, vì sao mệnh số của Lý Nhu Phong lại nhiễu loạn như mớ bòng bong thế kia. Thật giống những câu chữ khắc trên vách đá cheo leo, có là tuyệt tác mỹ lệ vô song đến đâu, thì trải bao năm tháng gió sương mài mòn, cuối cùng cũng chỉ còn một mảng đá nhập nhòa dăm nét vạch vô nghĩa.

Một bên đê sóng gợn thủy triều dâng, tà dương đỏ ối như khối vàng nung chảy, rót xuống trần từng dòng chói chang, lại bị khí đen từ mặt nước bốc lên nuốt sạch.

Mé đê còn lại xếp san sát vô số lều tranh và nhà đất đắp bằng bùn trộn rơm. Tất cả đều lụp xụp, cũ nát, trông như vừa bị cuồng phong thổi mà ngả nghiêng.

Khi giọt nắng cuối cùng rơi xuống triền đê, trong ngôi làng ấy, bà mẹ sốt ruột phải xách tai cậu con trai ham chơi lôi về lều tranh, nhóm ngư dân cùng hô vang đuổi hết bầy chim cốc ra khỏi rào chắn. Mọi nhà đều cửa đóng then cài, cứ như sắp gặp phải đại địch.

Trương Thúy Nga rón rén rút thanh rựa bên hông ra, thọc mũi rựa qua khe cửa, chầm chậm gẩy then cài lên, mở cửa sân, dắt ngựa ô vào.

Giữa sân nhà phơi khá nhiều đạo bào to rộng, có chiếc đỏ thẫm thêu họa tiết màu mè sặc sỡ, có chiếc xanh biển nhăn nhúm, tả tơi, cùng hàng tá bộ đồ mặc trong sờn rách thủng lỗ chỗ, đã cũ đến mức không nhận ra màu gì. Trên mặt đất chất đống bừa bộn các loại pháp khí: Cờ lệnh, tràng phan[1] vò rối nùi, hốt, Thiên Bồng xích, dây phép xổ tung và quấn nút chết.

Đây là nơi ở của đạo sĩ Pháp Tuân.

Dùng năm đồng tiền mua Lý Nhu Phong vắn số từ tay gia đinh của phủ Dương, chính là đạo sĩ tên Pháp Tuân.

Trương Thúy Nga biết kẻ này. Lão từng là đệ tử của Thông Minh tiên sinh, cũng xem như là sư đệ của Gia Cát Phùng Sinh. Bởi vì liên tục tìm tòi bàng môn tà đạo, lão bị Thông Minh tiên sinh trục xuất khỏi phái Dương Ẩn, sau thì chuyển qua tập thuật pháp Nam Thiên Sư [2], tự phong là “Thiên sư Thần công Thái Thượng Linh Bảo”.


Pháp Tuân từng có thời gian nuôi chí làm vương sư cho Tiêu Yên, trợ giúp Tiêu Yên ruổi ngựa chiếm Trung Nguyên, nhất thống thiên hạ. Khốn nỗi, Tiêu Yên gai mắt thứ tà thuật bất chính của lão, bèn lôi ra trách mắng một phen rồi trục xuất khỏi Giang Đông.

Chẳng ngờ Pháp Tuân mai danh ẩn tích nhiều năm, nay lại xuất hiện ở Kiến Khang.

Trương Thúy Nga nâng rựa, nhích dần về phía căn nhà đất, chỉ thấy nơi này vừa ẩm thấp vừa hôi thối. Nàng chọc giấy dán cửa sổ quan sát bên trong. Cả gian phòng âm u, nếu không kể đống pháp khí và bùa chú còn bừa bộn hơn ởngoài sân, thì chỉ có một người treo trên xà nhà, hai tay bị trói sau lưng, mặc y phục lam thẫm, tóc đen lòa xòa che khuất khuôn mặt.

Sợi thừng kia đã yểm phép “trói quỷ“. Hai đầu dây có đầu rắn đuôi rắn đúc dạng móc sắt, xuyên thủng xương vai và cạnh sườn, rồi quấn qua tay vòng lên trên, thít chặt vào thịt. Ở mỗi khấc dây chồng lên nhau còn bập tới tận xương.

Đã dùng phép trói này thì thần quỷ đều khó thoát. Đổi qua người sống, có là đàn ông vạm vỡ, cường tráng đến đâu cũng phải chết ngất vì quá đau.

Đầu người kia gục xuống, bất động, như nhập sâu vào khoảng không tĩnh mịch giữa bóng đêm. Trương Thúy Nga nhìn mười ngón tay đã ra xương trắng, khô khốc gọi: “Lý Nhu Phong”

Người kia chẳng động đậy, cũng chẳng đáp lời.

Ban nãy trở về ngôi phù đồ lấy rựa, Trương Thúy Nga không gặp nhóc Đinh Bảo. Nàng kiểm tra hết lượt, phát hiện tay nải đựng y phục và lương khô được giấu kín trong khe đá khuất mắt, màn thầu đã giảm đi hai cái.

Trương Thúy Nga biết là nhóc Đinh Bảo làm. Nàng không lo lắng về nhóc Đinh Bảo. Cậu bé này thông minh, biết phải làm sao để tự bảo vệ mình.

Nàng cố chịu cơn đau để đổi qua một bộ đồ lành lặn, Lý Nhu Phong mới khiến nàng bận tâm hơn. Nàng đã đánh giá quá thấp sự cổ hủ của người này. Chàng giết người, tất sẽ chẳng chịu để nàng gánh tội thay.

Tuy có y phục che kín không nhìn thấy gì, nhưng tính tới giờ này thì đã là trọn một buổi sáng, e rằng cả hai tay hai chân chàng đều phế mất rồi.

Trương Thúy Nga đang định vung rựa phá cửa xông vào, chợt cảm giác phía sau bừng sáng ánh lửa. Vừa quay đầu đã gặp ngay một lão đạo sĩ bẩn thỉu cầm dây thừng, dắt một gã đàn ông trung niên có vẻ giống quan lại đi tới. Gã trung niên này để ria vểnh cong và râu dê dài, mặc áo liệm tơ vàng, toàn thân trương sình, tái nhợt, mặt mũi nổi đầy đốm xác. Gã đang thất tha thất thểu bị lão đạo sĩ kéo đi.

Trương Thúy Nga sa sầm mặt, lại một người cõi âm.


“Ăn trộm ở đâu ra!” Lão đạo huơ kiếm chỉ qua, “Long viên ngoại, mau giết nó, bổn thiên sư sẽ cho ngươi trường sinh bất lão!”

Long viên ngoại xua hai tay, âu sầu than: “Ông thiên sư ơi, chớ nói là giết người, cả đời tôi còn chưa từng giết một con gà nào đâu!”

Trương Thúy Nga thẳng tay vung rựa, chém đứt đôi khóa đồng trên cửa.

“Một con nhãi tong teo như que củi mà ngươi cũng không đánh nổi?” Lão đạo tức giận vểnh râu, lượm ngay một đoạn gậy đồng dưới đất dúi vào tay Long viên ngoại.

Long viên ngoại vừa định thoái thác, lão đạo đã hung hãn dọa: “Không giết nó, ta sẽ giết ngươi trước, xong thì giết sạch con cháu nhà ngươi!”

Long viên ngoại vác gậy đồng, run rẩy chạy về phía Trương Thúy Nga. Trương Thúy Nga nhướng mi, nghiêng đầu liếc gã. Long viên ngoại chợt sững người, gậy đồng rơi loảng xoảng xuống đất.

“Lửa! Lửa ấm quá!” Gã dang rộng hai tay, hóa rồ hóa dại chạy vụt tới, chỉ muốn ôm chặt quầng lửa rừng rực trước mắt kia.

Nhìn tơ lụa vàng óng trên người gã, Trương Thúy Nga chỉ thấy gai mắt. Nhiều năm trước, cha của nhóc Đinh Bảo đã chết dưới vó ngựa của gã Long viên ngoại này.

Gã còn dám nói cả đời chưa từng giết con gà nào.

Nàng đá một cước vào ngực Long viên ngoại, Long viên ngoại lại ôm ghì lấy chân nàng.

“Ấm áp lắm nhỉ?”

Long viên ngoại gật đầu lia lịa.

“Dễ chịu lắm nhỉ?”

Long viên ngoại gật như bổ củi.

“Vậy hãy hạ gục đạo sĩ thối kia đi!”

Long viên ngoại nhặt gậy đồng lên, cầm bằng hai tay, giơ cao quá đầu, hét vang một tiếng quái đản rồi phóng tới chỗ Pháp Tuân.

Dương bạt đối với người cõi âm giống hệt như nước đối với cá, là vô cùng thiết yếu. Bản năng của người cõi âm là lao vào lửa của dương bạt. Trương Thúy Nga trốn tránh người cõi âm bấy lâu, đến nay gặp lại tư thái hèn mọn mất sạch tôn nghiêm tối thiểu của một con người này, nàng mới biết, Lý Nhu Phong rơi vào chốn trần ai nhơ nhuốc mà vẫn giữ cho mình được giới hạn thanh sạch dù chỉ nhỏ nhoi kia, là đáng quý nhường nào.


“DƯƠNG BẠT?!” Pháp Tuân hét thất thanh, trên mặt không nhận rõ là cả kinh hay cả mừng. Nhưng lão đã chẳng kịp ngẫm ngợi kỹ, tay trái giơ cao kiếm gỗ đào, tay phải khép ba ngón giữa dựng thẳng, kết “ấn tỉnh thi” thức tỉnh thây ma. Từ miệng lão tuôn ra một luồng chú thuật, bay thẳng tới giữa mi Long viên ngoại.

Miệng Pháp Tuân niệm chân ngôn cửu tự[3] của phái Nam Thiên Sư: “Lâm – Binh – Đấu – Giả, Giai – Trận – Liệt – Tiền – Hành!” Đoạn hét vang,“SÁT!”

Tức thì, đã thấy hai mắt Long viên ngoại trợn trừng, con ngươi co vụt còn nhỏ chừng lỗ kim. Lớp da toàn thân gã thoắt biến trắng toát, răng mọc bén ngót, tóc bạc tuôn dài hơn trượng.

Trương Thúy Nga chém đứt cổ tay cầm gậy đồng của Long viên ngoại, cổ tay đó lập tức mọc trở lại. Nàng vừa bổ mạnh thêm một nhát vừa mắng to: “Yêu đạo Pháp Tuân, lão vừa xài bùa chú thối tha gì hả? Ngay lần đầu biến thây ma đã lợi hại thế!”

Pháp Tuân cười ha hả: “Bổn thiên sư nghiên cứu người cõi âm hơn chục năm nay, sao lại không thủ sẵn được ít tuyệt chiêu?”

Bỗng một luồng âm phong úp tới, thổi tan tác đống tàn hương và pháp khí bừa bãi dưới đất. Trương Thúy Nga chợt phát hiện trong gian phòng này, khắp nơi đều là hài cốt đã hóa của người cõi âm. Âm khí u mịch khóc than, đột ngột bùng lên ngùn ngụt.

Hai tay Trương Thúy Nga nắm chắc chuôi rựa, bửa mạnh chênh chếch chặt bay đầu Long viên ngoại. Chiếc đầu rơi bộp xuống, hàm răng nhọn tứa máu vẫn đang đớp đớp. Từ phần cổ cụt của gã đã bắt đầu mọc ra xương thịt. Lòng bàn tay Trương Thúy Nga rướm mồ hôi, lại dồn sức chém mạnh.

“Hôm nay không ôm gà, hèn gì ta chẳng nhận ra mi được.” Pháp Tuân đủng đỉnh châm tam muội chân hỏa ở bốn góc nhà, “Hóa ra mi là dương bạt. Ta cứ nói sư huynh Gia Cát kia của ta, sao tự nhiên lại thu nhận con nhóc hạ tiện như mi bên người, té ra là có tư tâm!”

Lão tức giận bất bình: “Lúc trước ta chỉ mới bắt vài người cõi âm mà đã bị ngụy quân tử Thông Minh trục xuất khỏi phái Dương Ẩn. Còn tưởng phái Dương Ẩn toàn là chính nhân quân tử, biết đâu ai ai cũng lén lút tính toán việc này!”

Trương Thúy Nga chẳng còn hơi sức đôi co với lão. Gã Long viên ngoại vốn chẳng được bao nhiêu sức lực, vừa biến thây ma đã cực khó đối phó. Người cõi âm biến thây ma lần sau sẽ lâu hơn lần trước, còn điên cuồng hơn lần trước, đến cuối cùng triệt để biến thành thây ma thì hoàn toàn mất sạch lý trí.

Chẳng biết Pháp Tuân dùng chú thuật gì với Long viên ngoại, khiến gã ngay lần biến đổi đầu tiên đã tương đương trạng huống của người cõi âm biến trên chục lần.

Cộng thêm có nàng là dương bạt bên cạnh, tốc độ phục hồi sau khi biến thây ma của Long viên ngoại tăng vọt gấp mười mấy lần Lý Nhu Phong. Trương Thúy Nga đành phải chặt hết nhát này tới nhát khác. Ngặt nỗi bản thân là một cô gái gầy yếu, trên người còn bị thương nặng, nàng mới chém được mấy chục lần đã sức cùng lực kiệt.

Khắp mặt đất xếp đống bao nhiêu là đầu, cổ, tay, chân. Vừa thấy rốt cuộc đã chém nát thân thể, Trương Thúy Nga mừng rỡ đá văng khối thịt đang ngọ nguậy mọc lại kia bay qua tường cao. Đương lúc thở phào nhẹ nhõm, cổ nàng thình lình thít chặt, Pháp Tuân đã siết mạnh dây phép.

– ————–

[1] Tràng phan: 2 loại cờ trong Đạo giáo, Phật giáo, dùng để trang nghiêm đạo tràng và cúng dường.

[2] Phái Nam Thiên Sư: Một nhánh trong Thiên Sư Đạo (Ngũ Đấu Mễ Đạo, đạo Năm Đấu Gạo – dùng 5 đấu gạo để nhập môn), tức giáo phái ra đời vào thời Đông Hán, cũng là giai đoạn đầu của Đạo giáo. Đến thời Nam Bắc triều thì chia ra Nam Thiên Sư Đạo và Bắc Thiên Sư Đạo.

[3] Chân ngôn cửu tự: 9 chữ chân ngôn phổ biến của Đạo gia và binh gia, do nhà luyện đan Cát Hồng (Cát thiên sư, Cát tiên ông) ghi lại, dùng để trừ tà ma khi lên núi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.