Như Lai Thần Chưởng

Chương 12: Đêm dài vô tận


Đọc truyện Như Lai Thần Chưởng – Chương 12: Đêm dài vô tận

Chúc Cửu Sơn giật mình quay phắt đầu lại, thì người nói chuyện chính là gã thanh niên họ Chúc, ban nãy bị bọn Vũ Chương vây đánh tơi bời.

Đôi mắt của Thúc Cửu Sơn thình lình phát ra những tia mắt giận dữ, hằn học nói :

– Tốt lắm! Ngươi chưa trốn. Hành vi này đủ chứng tỏ ngươi là một thanh niên can đảm. Lão phu rất thích những người có hào khí như vậy!

Thanh niên họ Chúc được dịp ngơi nghỉ nãy giờ đã lấy lại công lực đôi phần. Mặc dù những kẻ thù địch của mình là bọn Vũ Chương đều bị chết một cách thê thảm, nhưng mà cũng không lấy đó làm vui nên mới buông lời can gián.

Người thanh niên này tên là Chúc Thạch, nghe giọng nói của Thúc Cửu Sơn hằn học, nên vội vàng thối lui mấy bước, nhưng Thúc Cửu Sơn đã nói tiếp :

– Ngươi ăn nói sỗ sàng, hãy coi chừng ta!

Chúc Thạch vội vàng dịu giọng :

– Nếu lão tiền bối không có điều chi chỉ bảo thì tại hạ xin cáo từ!

Thúc Cửu Sơn đột nhiên nổi lên một chuỗi cười kinh rợn, nói :

– Ngươi đừng tưởng sự việc dễ dàng như vậy!

Chúc Thạch nghe nói, mặt mày biến sắc, nhưng chàng tacũng cố ý cứng giọng :

– Vậy tiền bối có điều chi chỉ bảo?

– Hà hà… không có điều chi chỉ bảo, chỉ muốn dùng ngươi để thử cặp Long Hổ song mao của ta coi có bén nhọn hay không?

Chúc Thạch thật không ngờ Thúc Cửu Sơn có ý định tàn bạo như vậy. Chúc Thạch cố ý cao giọng nói :

– Nếu tiền bối đã quyết thì tại hạ cũng xin liều mạng để thử chơi vài chiêu!

Thúc Cửu Sơn thình lình lộ vẻ hung bạo phi thường, bước nhanh về phía trước nói :

– Thằng nhỏ này quả thật gan dạ!

Nói rồi từ từ cất binh khí lên sửa soạn tấn công.

Chính vào lúc đó, trong khoảng không tối đen dày đặc có một giọng nói nổi lên :

– Thúc lão quỷ! Đêm nay ngươi gặp phải tay ta thì đừng hòng tránh thoát.

Câu nói chưa dứt, Thúc Cửu Sơn đã vội vàng thủ thế, nhảy dựng lên, nhưng mà lão không thể phát giác được vị trí của người nói chuyện, thành ra lão to tiếng khoát nạt :

– Con chuột nhắt nào, hãy chường mặt ra đây!

Câu nói vừa dứt, bên kia đã có người trả lời :

– Lão già khốn kiếp kia đừng mong chạy trốn!

Tức thì trong một tàng cây rậm rạp đã bay vù ra một bóng người, điệu bộ thật là tao nhã. Thúc Cửu Sơn chưa kịp định thần thì người ấy đã đứng sừng sững trước mặt, trên khóe miệng nở một nụ cười khó hiểu. Thúc Cửu Sơn trợn mắt, nhìn người hiệp sĩ áo xanh mà quát hỏi :

– Ngươi là ai?

Gã thiếu niên vừa xuất hiện này không phải ai xa lạ mà chính là Giang Thanh.

Giang Thanh mỉm cười thong thả bước tới nói :

– Tại hạ là Giang Thanh! Người thiếu niên họ Chúc này vốn không quen biết với tại hạ, nhưng tình thế bắt tại hạ phải ra tay can thiệp.

Thúc Cửu Sơn hơi giận cành hông, nhưng cũng cố gắng dằn xuống. Hiển nhiên, Giang Thanh vừa trổ ra một ngọn khinh công để dằn mặt nên lão ta phải chùn lòng.

Lão nghiêm trang nói :

– Ngươi là Giang Thanh, đệ tử của ai, mau nói ra đây! Nhược bằng chỗ quen thuộc thì ta có thể niệm tình mà dung thứ cho!

Giang Thanh mắng thầm trong bụng, lắc đầu trả lời :

– Gia sư chắc chắn không có dính líu gì với ông. Vả lại ông đây cũng không đủ tư cách mà hỏi việc đó!

Lần này, thì Thúc Cửu Sơn không dằn được cơn giận nữa. Lão quát :

– Vậy thì ta thử chơi vài hiệp!

Câu nói vừa dứt, dợm muốn trổ nghề, thì Chúc Thạch đã hốt hoảng nói :

– Khoan, khoan! Xin huynh đài nhường cho tiểu đệ liều chết với lão một phen!

Giang Thanh cười trả lời :

– Bất tất! Chúc huynh hãy đứng một bên để xem tại hạ cho lão ta một bài học!


Thúc Cửu Sơn giận đến tái xanh sắc mặt, thét lên một tiếng rợn người rồi đại cử tấn công.

Giang Thanh cười nhạt, đột nhiên nhanh nhẹn đảo mình trong chớp mắt đã liên tiếp tuông ra hai mươi mốt chưởng sấm sét.

Thúc Cửu Sơn thật không ngờ công lực của chàng trai trẻ này lại thâm hậu đến mức đó, vội vàng tung ra ba chưởng liên hoàn, mạnh bạo như chớp giăng sấm nổ.

Trong chớp mắt, hai bóng người đã quấn chặt vào nhau, bất thần Giang Thanh vọt ngược trở về, chân vừa chấm đất liền quay cuồng lên như một chiếc chong chóng, hai bàn tay của chàng liên tiếp tung ra những chiêu tấn công vào những chỗ mà đối phương không bao giờ dứt được.

Trong lớp lớp chưởng phong cuồng loạn đã liên tiếp phá vỡ ba thế võ cay độc của Thúc Cửu Sơn, và làm cho ông ta khựng lại. Lợi dụng giây phút dừng tay của đối thủ, Giang Thanh trờ tới bày tay hữu tung ra một đòn Tái Khởi Hốt Lạc, tay tả cử một thế Huyền Ba Vi Trụ làm cho Thúc Cửu Sơn thấy trước mắt có trăm ngàn bàn tay đang bay nhảy, kết thành một màng lưới kín đáo bao bọc lão ta vào giữa.

Thúc Cửu Sơn giật mình kinh hãi, không dám tham công mà cấp tiến nữa, thu chặp Song Mao về giữ lấy thế thủ. Thúc Cửu Sơn quả thật không hổ là một nhân vật số một số hai trong Hắc Đạo, nên lúc công thì mạnh bạo, mà lúc thủ thì vững vàng.

Giang Thanh thấy chân thân của ông ta đâm ra tua tủa biết bao nhiêu là mũi giáo làm cho chàng nhất thời cũng không thể hạ sát thủ được.

Vừa chống trả, trong lòng Thúc Cửu Sơn vừa lần lần bắt đầu kinh sợ, vì ông ta cảm thấy đối thủ của mình đây dường như đang sử dụng một môn võ công lẫy lừng trong giang hồ của Trường Ly Nhất Điểu.

Ông ta thầm nghĩ :

“Thằng nhỏ này thật là lạ, khinh công của nó tuyệt diệu phi phàm, mà hai bàn tay lại cực kỳ tinh xảo. Xem như thế này thì nó là học trò của Vệ Tây, nếu như vậy thì thật là khổ cho ta.”

Trong chớp mắt, hai người đã trao đổi với nhau trên trăm hiệp. Giang Thanh mượn dịp này mà thao dợt Thất Hoàn Trảm một cách lâm ly hào tráng, vì vậy mà Thúc Cửu Sơn lần lần núng thế.

Tuy vậy, ông ta cũng có lúc thủ lúc công. Cặp Long Hổ song mao vẫn vẩy vùng như rồng đoan phụng lộn.

Chúc Thạch đứng một bên mục kích trận đánh kinh hồn này mà thần hồn điên đảo, chàng ta không ngờ người trai trẻ đẹp kia lại có một võ công thượng thặng như vậy.

Còn đang bàng hoàng ngơ ngẩn, thì sau lưng bỗng nổi lên tiếng động khe khẽ. Chúc Thạch không phải là người võ nghệ tầm thường, mặc dù để hết tinh thần vào cuộc chiến nhưng cũng phát giác tiếng động lạ đó.

Chàng ta để ý dường như có tiếng người đang tiến tới sau lưng mình.

Chúc Thạch cắn răng nín thở, chờ cho họ đến gần mình, liền bất ngờ xoay lưng lại, đánh ngược về phía sau một roi dữ dội. Chiêu thế tuôn ra nửa chừng, Chúc Thạch nhìn thấy đó là hai người thiếu nữa, một người đẹp tựa tiên nga giáng thế, một người lại xấu như ma lem, nên vội vàng thu roi trở về.

Dưới bóng trăng mờ, người đẹp kia nhẹ nhàng lã lướt như xuất trầm thu thủy, như huyền diệu lăng ba. Ngọn roi của Chúc Thạch vừa thu trở về, thì người đàn bà xấu xí kia hỏi gay gắt :

– Chủ của ta đang đánh đuổi kẻ thù của mi, mi không tiếp tay mà còn muốn trở lại đánh ta à?

Chúc Thạch nghe nói, hổ thẹn sắc mặt đỏ bừng. Thì ra đó là Hạ Huệ và Tiền Tố. Hai người nãy giờ trốn sau cây cổ thụ, bấy giờ thấy Giang Thanh đang đấu chiến dữ dội với Thúc Cửu Sơn, Hạ Huệ nóng lòng muốn nhảy ra tiếp ứng, nhưng Tiền Tố đã ngăn lại.

Nhưng Hạ Huệ nằn nằn quyết một đòi ra, vì vậy mà hai người khẽ lén bước tới gần sát vòng chiến để chờ cơ hội.

Nào ngờ vừa bước tới sau lưng của Chúc Thạch liền bị người nay bất thần tấn công. Tiền Tố vốn có mặc cảm nên nổi nóng bắt lỗi, làm cho Chúc Thạch rất lấy làm khó chịu.

Chúc Thạch biết rằng võ công của mình không phải tầm thường, nhưng trong lúc hai tay cao thủ đang đánh với nhau dữ dội như thế mình thật không tài nào xáp vào trợ chiến cho được. Tánh tình của Chúc Thạch lại trung hậu, nên bị quở mà nói chẳng ra lời.

Tiền Tố lại hà họng thét :

– May mà chủ ta võ công cái thế, nếu không thì cũng trốn chạy như mi.

Chúc Thanh giận dữ nói :

– Mi thật là quái gở, ta chẳng làm gì đắc tội, cớ sao cứ theo trêu chọc mãi?

Tiền Tố vừa muốn sừng sộ thì trước mũi mình đã thoáng ngửi thấy một mùi thơm thoang thoảng, Hạ Huệ đã bay mình trờ tới nói :

– Nhị vị chớ nên cãi cọ làm chi!

Tiền Tố nghe nói, mới xoay mặt nhìn Giang Thanh và Thúc Cửu Sơn.

Lúc đó, lão Long Hổ Truy Hồn Thúc Cửu Sơn râu tóc thảy đều dựng đứng, đôi mắt trợn trừng như hai chiếc lục lạc, bộ tịch hầm hừ như con hổ điên tấn công Giang Thanh dữ dội. Còn sắc mặt của Giang Thanh thì thật an nhàn thư thả, nhưng không nhường nhịn một chưởng nào.

Thân hình của chàng quay cuồng long lóc, chiêu thế kỳ lạ tuôn ra liên miên bất tận, làm cho những đợt tấn công hùng hổ của Thúc Cửu Sơn thảy đều vô hiệu.

Tiền Tố nhăn răng cả cười nói với Hạ Huệ :

– Cô nương hãy yên tâm, lão họ Thúc kia mặc dù bản lĩnh cao cường, nhưng không phải là đối thủ của công tử đâu!

Hạ Huệ cũng khoan khoái liếc nhìn Giang Thanh, rồi nói với Chúc Thạch :

– Thôi, chúng ta hãy xem cuộc chiến ra sao đã!

Chúc Thạch thầm nghĩ :

“Tiếng nói của người này sao mà thanh tao trong trẻo, nghe còn êm tai hơn Mẫn muội nhiều lắm.”

Tiền Tố bỗng hốt hoảng kêu lên :

– Ủa, tên Vũ Chương đâu rồi?

Hai người nghe nói vội vàng quay đầu nhìn lại, thì quả thật Vũ Chương không cánh mà bay. Té ra Vũ Chương mặc dù thọ trọng thương, nhưng chưa ngất hẳn, hắn thừa lúc Giang Thanh và Thúc Cửu Sơn đang đánh nhau dữ dội, liền thu hết tàn lực bò ra lẩn trốn.


Mặc dầu hắn ta cẩn thận lắm, nhưng hành vi lén lút này không sao tránh khỏi cặp mắt tinh đời của Thúc Cửu Sơn và Giang Thanh.

Giang Thanh vì không thù không oán với Linh Xà giáo nên giả bộ làm ngơ, song Thúc Cửu Sơn thì nghĩ khác :

“Tên Vũ Chương mà trốn đi, ắt trở về tìm Châu Huân mà thanh toán. Như vậy, ta có lẽ để cho chúng nó tàn sát lẫn nhau.”

Trong lúc hai người đang đấu chiến với nhau trên hai trăm hiệp, mà cuộc chiến còn dai dẳng, cả hai bắt đầu nóng giận, chiêu thức tuôn ra từ từ hung ác.

Thình lình, Thúc Cửu Sơn hú dài một tiếng. Tiếng hú thê thảm như ma trơi, rồi toàn thân ông ta chuyển sang màu tím thẫm. Thân hìn đột nhiên bay bổng lên không trung như một con chim đại bàng vỗ cánh, vung cặp Long Hổ song mao ra đánh sả vào bốn mặt của Giang Thanh.

Đó là tuyệt chiêu tinh hoa hùng hậu nhứt của Long Hổ Mao Pháp :

Thanh Minh Ngân Sơn, mặt lộ ra một nét đắc ý vô cùng. Lúc đó, Hạ Huệ mặt mày tái mét rú lên một tiếng kinh hoàng.

Thúc Cửu Sơn dùng hết sức bình sinh giở thế võ mà ông cho là thần kỳ bí hiểm đó, nhìn thấy chung quanh mình gió dậy rạt rào, một làn hơi xanh tỏa khắp châu thân, bao trùm Giang Thanh vào giữa.

Giữa lúc tiếng rú của Hạ Huệ chưa dứt, thì Giang Thanh đã nạt lên một tiếng, chắp hai tay vào giữa ngực, như một vị lão tăng đang nhập định tham thiền, rồi bất chợt tung hai bàn tay ra.

Hai bàn tay đó vừa phát ra thì Thúc Cửu Sơn cảm thấy có một luồng kình phong từ phía dưới trào lên, thế tợ biển gầm sóng thét. Đó là chiêu thứ ba trong Như Lai thần chưởng: Phật Vấn Ca La.

Kể từ khi Giang Thanh cất bước giang hồ, đây là lần đầu tiên chàng sử dụng chiêu Phật Vấn Ca La.

Thúc Cửu Sơn cảm thấy mình vô phương đối địch để ngăn chận làn kình phong này. Một thứ cảm giác bị cô lập dâng lên trong cõi lòng của lão. Ông ta cảm thấy thân hình của mình như một chiếc lá giữa dòng, đang quay cuồn cuộn trong phong ba bão tố.

Giang Thanh vừa trổ Phật Vấn Ca La, liền cảm thấy đối phương thật hãi hùng kinh dị, bất giác trong lòng chàng dâng lên một nỗi niềm thương tiếc, thình lình nạt lên một tiếng, rút bàn tay trở về, vì thế mà chưởng này chỉ phát ra có bảy phần công lực.

Tuy vậy, mà tấm thân hộ pháp của Thúc Cửu Sơn cũng trúng chưởng phong bay ra ngoài một trượng.

Tuyệt thế chuyển bại thành thắng của Giang Thanh vừa biểu diễn, thì ba người đứng ngoài xem trận dường như nghẹt thở, bốn bề phẳng lặng như tờ.

Giang Thanh ung dung hòa hưỡn bước tới nhìn Thúc Cửu Sơn lúc này đang đứng im như trời trồng, mặc cho đối phương muốn xử lý ra sao tùy ý.

Giang Thanh biết rằng đó là một cử chỉ bó tay chịu trói. Chàng bất giác đối với Thúc Cửu Sơn có một niềm hảo cảm, nghĩ thầm :

“Lão Thúc Cửu Sơn này mặc dù độc ác bạo tàn, nhưng biết giữ phép giang hồ, thật đáng phục.”

Chàng nghĩ đến đây, thì Thúc Cửu Sơn đã nói :

– Tên họ Giang kia, mặc dù lão phu có mối cựu thù chưa báo, không nỡ chết ngay, nhưng hôm nay đã thua mi rồi thì mi hãy định đoạt!

Ông ngừng lại một chút, đoạn nói tiếp :

– Sau này, mi có lưu lạc giang hồ, mới biết Thúc Cửu Sơn này mới là một tay hảo hán.

Nói đến đây vụt nổi lên một chuỗi cười đầy hào khí.

Giang Thanh cau mày thầm nghĩ :

“Nhược bằng lão Thúc Cửu sơn này mà bản tính không cùng hung cùng ác thì thật là một tay giang hồ quái kiệt, đáng làm bạn của ta. Tiếc vì…”

Lúc ấy, Hạ Huệ khe khẽ bước tới gần Giang Thanh hỏi nhỏ rằng :

– Giang thiếu hiệp, định xử trí ra sao?

Giang Thanh nhìn Hạ Huệ trả lời :

– Cô nghĩ sao? Lão Thúc Cửu Sơn này thật là bản lãnh cao cường, so với bọn Linh Xà giáo thật là một trời một vực.

Hạ Huệ chưa kịp trả lời, thì Thúc Cửu Sơn đã gào lên ầm ĩ :

– Tên họ Giang kia, ta thua mi chớ không phải thua con bé ấy. Mi đừng có hỏi nó, ta không cho một người đàn bà nào dự vào việc của ta cả.

Giang Thanh thét :

– Câm mồm lại!

Nhưng Thúc Cửu Sơn đã giận dữ nói :

– Mi đừng hòng mượn tay đàn bà mà hành hạ ta!

Giang Thanh hậm hực, bước tới nói :

– Thúc Cửu Sơn, lão muốn gì?

Thúc Cửu Sơn trợn trừng con mắt dợm vươn hai bàn tay ra, nhưng rồi ủ rũ buông xuống, vì ông ta biết rõ rằng tái chiến một lần nữa, chỉ là một việc làm vô ích.


Giang Thanh cúi đầu suy nghĩ, đôi mắt lóng lánh hào quang, nói một cách quyết liệt :

– Thúc Cửu Sơn, ta với lão không thù không oán, thôi thì chúng ta hãy chia tay!

Thúc Cửu Sơn nghe nói thét lớn :

– Đêm nay, mi tha cho ta khỏi chết một lần thì ngày sau ta cũng tha cho mi một lần. Ha ha…! Sau khi ơn đền nghĩa trả rồi, ta gặp mi tại đâu thì thanh toán ngay tại đó!

Giang Thanh nghe nói trong lòng cả giận nhưng không biết phải xử trí ra sao. Lúc đó, Tiền Tố bỗng nhiên quắc mắt bước trờ tới, chống nạnh hai quai, lớn tiếng rủa sả :

– Thúc lão quỷ! Lão bị công tử của ta thưởng cho một chưởng chổng bốn vó, tại sao không cảm ơn công tử ta đã nới tay mà tha cho tội chết, lại còn sinh sự, lão thật không phải là một con người.

Thúc Cửu Sơn ngang dọc trong chốn giang hồ trong mấy chục năm chưa từng bị ai rủa sả thậm tệ như vậy, nhứt là đàn bà, ông ta quay sang Tiền Tố gào lên :

– Mi là ai? Sao can thiệp đến việc của ta? Nếu như ngày thường thì mi đã đi đời, đồ Trư Bát Giới!

Tiền Tố mặc dù là đàn bà, nhưng tánh tình cương liệt, cô ta trợn mắt nói :

– Ta là Trư Bát Giới, còn lão mới thật là người đẹp.

Lão hãy về soi kiếng mà xem thử!

Bình sanh của Thúc Cửu Sơn rất kỵ người ta chê bai diện mạo của mình. Ông ta gào to :

– Tốt lắm! Tốt lắm! Nếu đêm nay mà ta không chết, thì ngày sau gặp trở lại mì thì đừng hòng bảo toàn tánh mạng.

Tiền Tố còn muốn gây sự, nhưng Giang Thanh đã quắc mắt nạt lui và nói với Thúc Cửu Sơn :

– Ông đây là một bực võ lâm tiền bối, có điều chi uất ức, xin hãy nói thẳng với tôi, hà tất phải đấu khẩu với một người đàn bà, thôi ông cứ đi!

Thúc Cửu Sơn cười cuồn loạn nói :

– Tên họ Giang, ngày sau ta với mi ắt có ngày trùng phùng hội ngộ, chừng ấy sẽ thanh toán cũng không muộn.

Nói rồi, thân hình ông ta bay vù lên, trong chớp mắt đã đi xa trên mười trượng.

Trong cơn gió lộng của đêm trường, vẳng lên tiếng nói khàn khàn của Thúc Cửu Sơn :

– Tên họ Giang kia, miệng hãy nhớ…!

Giang Thanh thẫn thờ suy nghĩ, chàng không biết tại sao giữa người và người lại luôn xảy ra những mối ân oán khôn lường. Trong lúc đó thì một cánh tay dịu dàng mềm mại choàng lấy vai chàng và một giọng nói thanh tao trìu mến của Hạ Huệ vang lên :

– Giang thiếu hiệp! Lão đã đi rồi, thiếu hiệp còn nghĩ ngợi gì nữa?

Giang Thanh giật mình quay lại, chàng nắm lấy cánh tay mềm dịu đó, khẽ cười nói :

– Hạ cô nương…

Hạ Huệ trả lời cho chàng bằng một nụ cười tươi như một đóa hoa bách hợp.

Giang Thanh cõi lòng rạo rực, nếu không có người khác ở đó thì chắc chàng đã ôm lấy người đẹp vào lòng.

Nhưng thình lình, Tiền Tố cất giọng nói :

– Công tử! Những đứa vô danh tiểu tốt đây đều chạy cả rồi, chúng ta còn lưu lại nơi đây làm chi?

Giang Thanh giật mình sực tỉnh, chàng khẽ liếc nhìn thấy Chúc Thạch đang im lìm đứng đó, chàng vội chắp tay xá chào và nói :

– Chúc huynh có điều chi dạy bảo?

Chúc Thạch nghe hỏi, vội vàng trả lễ, chân thành nói:

– Đêm nay tại hạ được toàn sinh đều nhờ Giang huynh đây ra tay giúp sức. Ơn này xin nguyện ghi nhớ suốt đời…

Giang Thanh tươi cười trả lời :

– Chúc huynh hà tất phải khách sáo, giữa đường thấy chuyện bất bình phải can thiệp đó là bản sắc của kẻ giang hồ.

Nói đến đây, chàng ngửa mặt nhìn trời, đoạn tiếp :

– Trời đã sắp sáng, vậy chúng ta hãy vầy đoàn với nhau đi một đoạn đường, tìm một chỗ ngơi nghỉ.

Chúc Thạch đáp :

– Nếu vậy thì có gì tốt bằng.

Đoạn bốn người vây đoàn nhau đi.

Chúc Thạch vì thọ thương quá nặng, cơ thể rã rời, nên gắn gượng mà đi. Giang Thanh nhìn bộ điệu tập tễnh của chàng ta đã hiểu rõ, nên cố ý hỏi :

– Võ công của Chúc huynh thật là cao siêu, nếu cố gắng luyện tập thêm vào năm nữa, ắt đạt đến mức thượng thừa…

Vừa nói Giang Thanh vừa bước sát vào mình Chúc Thạch. Chúc Thạch gượng cười đau đớn trả lời :

– Giang huynh quá khen. Thật ra so với Giang huynh còn kém xa một trời một vực!

Trong lúc Chúc Thạch nói chuyện phân tâm thì Giang Thanh đã nhanh như chớp, dùng hai tay xỏ vào giữa đùi của Chúc Thạch, đoạn đùng một thế võ thật là khéo léo cõng chàng ta lên lưng mình.

Hành động đột ngột của Giang Thanh làm cho ba kẻ đồng hành thảy đều giật mình kinh hãi, không biết ý của chàng muốn gì?

Chúc Thạch phủ phục trên lưng của Giang Thanh, kêu lên rối rít :

– Giang huynh, Giang huynh làm gì vậy?


Giang Thanh vừa đi vừa cười khà khà :

– Ban nãy tại hạ thấy Chúc huynh đi đứng không vững, nên muốn cõng Chúc huynh đi một đoạn đường.

Chúc Thạch nghe nói lấy làm cảm kích.

Giang Thanh đưa mắt nhìn về phía chân trời đang rạng ánh hồng, nói rằng :

– Thật ra muốn tìm được một bạn tri kỷ, thì không phải là việc dễ, hà tất phải để ý đến những hành vi nhỏ nhặt làm gì.

Chúc Thạch cảm động trả lời :

– Sau này, nếu Giang huynh mà có biểu tại hạ nhảy vào dầu sôi lửa bỏng, tan xương nát thịt, thật cũng chẳng dám từ nan.

Giang Thanh cả cười :

– Vậy thì chúng ta kết nhau làm bằng hữu vậy!

Lúc đó đoàn người đã đi được một khoảng đường trên mấy dặm. Tiền Tố ngứa miệng gợi chuyện :

– Chúc tướng công, cớ sao lại xảy ra xích mích với Linh Xà giáo. Dường như bọn họ thù hằn tướng công lắm vậy?

Chúc Thạch mới vầy đoàn ba người này không lâu, nhưng đã biết rõ tánh tình của Tiền Tố, mặc dù ngoài miệng có vẻ độc ác, nhưng trong lòng rất tốt, vì vậy nên không giấu diếm nói thẳng :

– Tại hạ vốn không có thù oán chi với Linh Xà giáo, chỉ vì… chỉ vì tại hạ và người con gái cưng của Giáo chủ tình cảm rất đậm đà.

Giang Thanh mặc dù không xía vào câu chuyện, nhưng vẫn lắng tai nghe ngóng, lúc ấy chàng thở dài nghĩ thầm :

“Lại một câu chuyện tình bi đát!”

Còn Tiền Tố thì ha hả cả cười :

– Thật là cái số đào hoa nó hại cho tướng công phải…

Chúc Thạch hổ thẹn, sắc mặt đỏ bừng, đoạn ngậm ngùi nói :

– Thiên kim tiểu thư của Giáo chủ Linh Xà giáo là con một, Chúc Thạch này một hôm đi du sơn, vô tình mà gặp gỡ…

Tiền Tố vọt miệng cắt ngang :

– Thế rồi hai người yêu nhau?

Chúc Thạch gật đầu, trong lòng thầm nghĩ :

“Con nhỏ xấu như ma lem này, trong lòng thật đáo để.”

Đoạn nói tiếp :

– Chúc Thạch này biết mình tài ba kém sút, diện mạo lại chẳng bằng ai, không dám nghĩ ngợi xa xôi, nào ngờ Mẫn cô nương thật tình yêu dấu…

Tiền Tố lại cắt ngang :

– Mẫn cô nương, Mẫn cô nương là ai?

Chúc Thạch “à” lên một tiếng, gật gù :

– Mẫn cô nương tức là con gái của Giáo chủ Linh Xà giáo, tên là Bùi Mẫn. Không ngờ, Bùi giáo chủ khi hay biết Mẫn cô nương có qua lại với tại hạ, liền nổi trận lôi đình, một mặt giam lõng con gái mình, một mặt lại ra lệnh bảo tại hạ nội trong ba ngày phải rời khỏi Tổng đàn của Linh Xà giáo ngoài nghìn dặm và mãi mãi không được trở về…

Tiền Tố hỏi gấp rút :

– Thế là tướng công không tuân lệnh, và vẫn còn đeo đuổi theo Mẫn cô nương?

Chúc Thạch lại đỏ bừng sắc mặt, miễn cưỡng trả lời :

– Đúng thế! Khi tại hạ lò mò trở về Tổng đàn của Linh Xà giáo thì bị đệ tử của chúng phát giác rượt tại hạ đến đây… Nhược bằng đêm nay một không gặp quý vị đây thì tại hạ đã không còn sống sót trên đời.

Giang Thanh đưa mắt trông về phía xa, thấy trong màn đêm mờ mịt nổi lên một ánh sáng lập loè, đó là một ánh của ngọn đèn chợt ẩn chợt hiện. Giang Thanh nói :

– Trước kia có ánh đèn, ắt có người cư ngụ, vậy chúng ta tới đó để tìm chỗ nghỉ chân!

Nói đoạn, chàng giở thuật khinh công đi nhanh về phía trước. Hạ Huệ và Tiền Tố lẽo đẽo theo sau. Không bao lâu bọn bốn người họ đã đi đến chỗ có ánh đèn chiếu ra. Đó là một tòa nhà xây toàn bằng đá.

Tòa nhà này kiến trúc thật là kiên cố, nằm trước khu rừng. Tòa nhà chỉ có độc một cánh cửa sổ mà thôi. Nhìn xuyên qua cánh cửa sổ đó, thấy có một ngọn đèn con đang đặt trên một chiếc bàn nho nhỏ.

Lúc bấy giờ, bốn bên tĩnh mịch, chỉ có từng đợt gió đêm rì rào qua kẽ lá.

Giang Thanh dừng chân lại, đảo mắt nhìn xem bốn phía, cánh cửa lớn của ngôi nhà bằng đá này đang đóng chặt. Không biết tại sao Giang Thanh có cảm nghĩ rằng nơi đây dường như có điều chi khác lạ. Sự im lặng tạm thời này báo hiệu cho một cơn giông tố phũ phàng sẽ xảy ra.

Nhìn ngôi nhà đá đầy vẻ âm u bí mật, Giang Thanh lẩm bẩm :

– Cảnh tượng nơi đây thật là lạ, quý vị có cảm giác đó không?

Tiền Tố bước gần sát tới Giang Thanh, trả lời nho nhỏ :

– Đúng thế, tiểu tỳ cũng có cảm giác đó, ngôi nhà này có vẻ lạ!

Trầm ngâm giây lát, Giang Thanh khẽ đặt Chúc Thạch xuống đất. Chàng ra dấu bảo ba người đứng yên, rồi ngửa mặt lên trời hít một hơi dài, đoạn khẽ rùn mình, thân hình của chàng nhẹ nhàng bay bổng lên dán chặt vào bên không cửa sổ.

Khẽ nhóng cổ nhìn vào bên trong, Giang Thanh suýt nữa rút lên một tiếng kinh khiếp.

Xem tiếp hồi 13 Thập Tự tam tuyệt


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.