Nhớ Ai Đó Đến Kiệt Quệ

Chương 67


Đọc truyện Nhớ Ai Đó Đến Kiệt Quệ – Chương 67

Khoảnh khắc gặp lại cậu, tình huống như thế nào, đối diện ra sao, nói với nhau những câu gì, đêm đêm mợ đều nghĩ đến. Cậu đi một lèo mấy năm liền, mặc cho mợ bao biện thi thoảng cậu ghé qua nhà lúc tối muộn, dân làng vẫn đồn đại đủ thứ, có người bảo hôm bữa đi công chuyện dọc đường thấy vụ chết đuối, nom giống cậu hai lắm, có kẻ lại khẳng định cậu lấy vợ mới, trốn quê định cư luôn huyện bên đó.

Dẫu biết toàn tin gà tin vịt, nhưng tâm trạng người ở nhà đợi người đi xa nó bồn chồn, nó sốt sắng ghê lắm, mỗi lần nghe lại một lần thót tim. Lo chứ, lo cậu ở nơi mới lạ nước lạ cái không quen, lo cậu ốm, lo cậu bị thầy phạt, ép luyện tập cực khổ, lo trăm lo vạn thứ, lo nhất là cậu quên mất mợ.

Nhỡ mợ già quá, cậu nhận không ra thì sao? Hoặc nếu có nhận ra, sợ cậu chê gái quê một cục, không xứng với cậu nữa. Mợ tính trời tính đất cũng chưa bao giờ tính tới việc sẽ bị kéo vào đám đông như hồi chiều, rồi ngay lúc này đây, người ta còn đang nằm lim dim trên người mợ. Nhớ mợ đến kiệt quệ…chỉ vài từ thôi cũng đủ xoa dịu những cô đơn, tủi nhục của mợ mấy năm qua. Kiệt quệ? Thực ra mợ cũng sắp kiệt quệ rồi, chìm trong hũ mật, ngọt đến kiệt quệ!

Mợ xót chồng cả ngày vất vả nên cố nằm ngoan không cực quậy. Một canh giờ trôi qua, mợ nghe giọng thằng Húng thì thụt vọng vào.

-“Mợ hai…mợ hai…cậu hai có trong đó không…mợ mau gọi cậu dậy đi, theo lệ thì sáng nay phải đi phát quà cho mấy hộ nghèo, phú ông đang đợi cậu ở nhà lớn rồi, trưởng thôn cũng sắp sang đó.”

-“Không có, ơ hay cậu đi đâu được nhỉ? Mi chạy loanh quanh tìm xem!”

Mợ muốn cậu được chợp mắt thêm lát nữa lấy lại sức nên tỉnh bơ đáp, thằng nhỏ tin liền, cun cút vâng lệnh. Mợ nào có biết cậu cũng chỉ nằm chứ không ngủ, mợ vừa dứt lời thì vành tai đã bị nhá nhá, cậu kêu phạt mợ tội gian dối. Là phạt á? Phạt kiểu gì không phạt, phạt kiểu này thì…chết mợ mất thôi!


-“Tui còn nói xạo nhiều chuyện lắm ý.”

Mợ bạo gan khiêu khích, cậu bấu eo mợ đau điếng, mợ còn chưa kịp la thì cánh môi đã bị bao phủ. Là cậu chủ động hôn mợ, hơi thở nồng ấm còn thoảng chút vị rượu hoa quế khiến mợ dường như cũng chao đảo theo men say, mợ ngây ngô đáp lại, đầu lưỡi nhỏ tinh nghịch chạm vào đầu lưỡi cậu. Ghẹo cậu chút thôi mà bị trả đũa dồn dập, mãnh liệt đến mức đầu óc mợ chuếnh choáng, có những lúc mợ tưởng như mình không thể thở nổi, cả người ngột ngạt tê dại.

Cậu vội nằm sang bên cạnh, ban nãy thấy mợ cậu chẳng nghĩ được nhiều, chỉ khát khao muốn gần mợ, chạm vào mợ, quên mất rằng mợ rất nhỏ, còn cậu, đâu hề nhẹ. Bị đè lâu như vậy, chắc đau lắm, nhưng lại cứ lặng thinh, cậu đi lâu là thế, ở nhà bươn chải nhất định rất cực, vậy mà vẫn lo cho bu cậu, vẫn một lòng đợi cậu, ngốc quá!

Mợ nghiêng người quay sang ôm cậu cười cười, gò má tròn đầy phúc hậu ghê lắm. Một hồi quấn quít khiến dây yếm của mợ hơi lỏng, mảnh vải đỏ tươi quây hờ hững quanh cổ áo tứ thân vô tình để lộ thanh xuân rực rỡ, những ngón tay ram ráp chạm tới nụ hồng e ấp, khẽ mân mê cọ cọ. Má mợ ửng hồng, lòng bàn tay rộng lớn chậm rãi bao bọc nơi ấy, nhè nhẹ vỗ về như xoa dịu trái tim đang run rẩy của mợ.

Cậu nhìn mợ rất lâu, rất chăm chú, ánh mắt cậu, có chút gì đó trìu mến, chút gì đó ấm áp, ngọt ngào không sao diễn tả nổi.

-“Mợ hai, con tìm khắp nơi không thấy cậu đâu cả, con biết thừa mợ nói điêu rồi nhá, thôi có gì để tối làm tiếp, nhanh nhanh mợ ơi kêu cậu ra kẻo phú ông tẩn con nhừ đòn giờ!”


Tiếng đập cửa rầm rầm, tiếng kêu than oai oái hại mợ ngại chín người, vội vàng chỉnh lại váy yếm, búi tóc tai gọn gàng chạy ra mở cửa. Thằng Húng cười hề hề, bên cạnh nó là ba đứa người làm đang đứng trực, đứa cầm khăn đứa bê chậu nước đứa đem áo quần mới chuẩn bị phục vụ cậu. Gớm em nào cũng váy áo xúng xính, son phấn rõ dày, thôi đi ạ, chồng mợ, mợ hầu, khỏi mượn ai.

Mợ đuổi hết, một mình khệ nệ bê đồ vào trong, cậu nom cái dáng lúi húi của mợ, chợt tủm tỉm cười. Mợ được cái tháo vát, làm đâu gọn đấy, mỗi tội so với đàn bà cùng thôn thì tính hơi ích kỷ thôi, máu ghen cũng kinh lắm, vừa giúp cậu cài khuy áo vừa truyền tin vịt.

-“Nghe đồn mấy đứa đó năm ngoái bị ghẻ đó, cậu đừng để nó động vào người, cẩn thận không lây thì toi.”

-“Thì chọn đứa nào không ghẻ.”

Cậu trêu, mợ nhanh nhảu báo cáo.

-“Ôi dào, dịch ấy mà, đứa nào cũng bị hết, cả cái thôn này mỗi tui là không dính thôi, tại tui đi gặt thuê ở xa mà.”


Eo chồng mợ gật gù liền kìa, mang tiếng Võ Trạng Nguyên mà trẻ người non dạ ghê. Mợ sương sướng, tung tăng theo cậu lên nhà lớn, bà cả mặt còn xanh xao nhưng đã dậy sớm ngồi vào mâm rồi, từ giờ trở đi cậu mợ cùng bà hai cũng có tư cách dùng bữa cùng.

Đã là ngày cỗ thứ hai nhưng khách khứa vẫn đông lắm, sân trên sân dưới toàn người là người, nom thấy cậu Lâm bà Yến uất nghẹn họng, bà thề nếu có thể bóp chết cậu bà cũng bóp rồi ấy chứ. Bỏ độc vào thức ăn, sai người dìm xuống giếng, đập đá vỡ đầu, cách nào bà cũng từng nghĩ qua. Cơ mà nghĩ chơi chơi vậy thôi, chứ muốn thực hiện, e rằng hơi khó. Thời thế thay đổi, cậu đâu còn là thằng trẻ ranh nghèo kiết xác thân phận hèn mọn như trước để mà muốn làm gì cũng được?

Sắp làm quan lớn, tương lai chức vị kiểu gì cũng bỏ xa cha bà, nhất cử nhất động đều có bao nhiêu con mắt nhòm vào, sai một li chắc đi ngàn dặm, không khéo cậu cả phải ăn cơm tù cùng bà, bà nào dám manh động.

Nhưng cũng chẳng thể để bà hai làm càn. Bà đã ra mặt, thì tất nhiên người sánh bước lên phú ông là bà. Bà hai phận làm lẽ, tốt nhất yên ổn đi hàng sau. Bà Phúc ức khỏi nói, vừa nhai đùi gà vừa vắt óc nghĩ cách, suy tới tính lui cuối cùng cũng có kế, ấy chính là lát nữa trước khi ra khỏi cửa, bà sẽ ngáng chân, cho bà cả ngã sấp mặt đi.

Chỉ có điều, chẳng ngờ được tiểu thư bữa nay bớt điệu. Không những không ngúng nguẩy như mọi khi, ngược lại còn chậm rãi từng bước, nghiến răng nghiến lợi chọt cái gót giày gỗ nhọn hoắt lên chân bà. Bà đau tới ứa nước mắt, rốt cuộc đành phải ở nhà chén thêm cái đùi gà nữa.

Cậu hai xa nhà nhiều năm, phong thái đĩnh đạc hơn hẳn. Mợ Chi nghe cậu thưa chuyện với mấy người cao tuổi, thấy hay hay liền ngoảnh sang bắt cậu cả từ nay thôi đừng cứ “tui tui” kiểu trẻ con với nhau nữa, xưng “tôi” bắt chước cậu hai kìa, giống thầy bu với trưởng thôn nữa, người lớn dần đi là vừa. Mợ Trâm phì cười, nhưng mợ cũng ghi nhớ luôn.

Cả nhà đi phát quà được nửa thôn thì thằng Húng tươi hơn hớn lao tới tìm cậu hai, nó kêu tiểu thư gửi thư cho cậu. Mặt cậu rạng rỡ lắm, đọc thư xong còn cẩn trọng nhét vào ống tay áo, tâm trạng vui vẻ hơn hẳn. Sống lưng mợ bất giác lạnh buốt, chân đi theo mọi người nhưng tâm trí thì ở nơi nào mất rồi, mợ cứ bần thần mãi, đến khi một đám đông chạy qua làm ầm ĩ mới ngớ người.

-“Mợ Trâm, hôm qua mợ kêu tháng chạp không hợp bát tự với cậu phải không?”


Bà bán nước mắm hỏi, dường như chỉ đợi cái gật đầu của mợ, bà bán xôi ngay lập tức chen vào.

-“Ừ, con Mai cháu họ tôi, sinh tháng giêng, mợ cũng bảo không hợp bát tự.”

-“Dạ vâng, thực sự không hợp thím ạ.”

-“Thế mấy người xóm trên, con nhà bà Song sinh tháng hai, con bà Ca tháng ba, con bà Vy tháng tư, con bà Giang tháng năm, con ông Tiệp tháng sáu, mợ đều kêu không hợp bát tự. Rồi chưa kể xóm dưới, từ tháng bảy qua tháng mười một, tháng nào cũng khắc. Vậy rốt cuộc tháng nào mới được hử mợ? Rốt cuộc mợ sinh tháng nào? Bữa nay mợ nói rõ ràng ra đi xem nào!”

Ôi chao ôi, cả đám các bà sồn sồn lên như cái chợ vỡ, mợ cảm giác mấy mụ sắp xé xác mợ đến nơi không bằng. Mợ cuống quá hoá rối, tính sao đây? Tự mợ mua dây buộc mình mà, cậu lại sắp tới nữa chứ, cậu mà biết mợ lén từ chối một đống bà hai tương lai chắc cậu giận mợ lắm.

Mợ biết mà, mặt cậu lừ lừ kia kìa, đến khổ. Mợ đứng trân trân một chỗ, biết tội nên cúi gằm mặt chẳng dám nhìn thẳng vào mắt cậu. Thế rồi tự dưng mợ nghe giọng cậu trầm trầm.

-“Tháng mười ba. Mợ sinh tháng mười ba, tháng mười ba cũng hợp bát tự tôi.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.