Đọc truyện Nhớ Ai Đó Đến Kiệt Quệ – Chương 47
-“Tui bỏ bả cậu hồi nào?”
Mợ gân cổ lên cãi, oan ức chết mất ý, ừ thì mợ thương cậu thật nhiều, ừ thì mợ mong cậu cũng thương lại mợ, nhưng mợ không như bu mà bỏ bùa bỏ bả cậu đâu. Mợ còn lo cho sức khoẻ cậu nữa chứ, chẳng nhẽ cậu không hiểu lòng mợ? Mợ giải thích một thôi một hồi mà cậu chả tin gì sất, cậu mặc kệ mợ lèo nhèo, cậu nhoài người tiếp tục xúc lúa, mợ thôi đôi co, trườn xuống xúc cùng cậu cho nhanh.
Phía xa xa bà cả đứng nép sau gốc chanh đào, con Bưởi đang cầm ô che cho bà. Nó thương cậu mợ ghê, nhất là cậu ý, bà cả mắt đỏ hoe, bà xoa đầu nó cảm thán, rằng sau này Bưởi cưới được người thương Bưởi như cậu hai thương mợ hai thì bà an tâm rồi. Bưởi cười hềnh hệch, bà sai nó chạy ra kêu cậu mợ về đi, đoạn bà lệnh con Thương lôi bà hai lên gặp bà.
-“Còn sáu sân lúa, chị bốc hết thì từ mai khỏi ở chuồng lợn.”
Bà cả lãnh đạm ra điều kiện, bà hai ngậm đắng nuốt cay vâng vâng dạ dạ. Có một lũ rỗi hơi đứng giám sát nên bà đâu dám ăn gian, bốc đúng, bốc đủ mới thôi. Bốc xong thì trời cũng rạng sáng, người bà đau, xương bà nhức, đã thế gọi mãi chẳng thấy cậu mợ lên hầu, bà muốn phát rồ đi mà.
-“Cậu Lâm mợ Trâm ở đâu thế hử? Cái quân bất hiếu, mau đi đun nước cho bu ngâm chân không bu lại đuổi ra đường cả lũ bây giờ.”
Bà vừa lật đật xuống phòng dưới tìm cậu mợ vừa gào thét ầm ĩ. Ôi chao ôi có con cái nhà ai mà mất nết như thế này không hả? Bu mệt bu ốm mà chúng nó ôm nhau mặc kệ. Bà ức điên, bà bẻ cành hồng xiêm bà quất vùn vụt, quất tới rã rời tay chân mợ mới thèm hé mắt, nom thấy bu mợ hoảng quá, mợ vội bắt luôn cái đầu roi, ngăn không cho bu đánh cậu.
-“Xin bu, là lỗi của con, là tối qua về nhọc nên con lịm mất, là con không nghe thấy bu gọi, con đi đun nước ngay bây giờ đây, cậu sốt cao lắm, xin bu tha cho cậu.”
Mợ ngoan ngoãn biết điều thế khiến bu cũng hạ hoả phần nào. Bữa đó mợ chạy như con thoi, hết lên hầu bu lại xuống nom cậu, người mợ tưởng như lả luôn, nhưng nhà neo người, bu với cậu ốm hết thì mợ đâu có quyền ốm. Con Trang sang thăm chị thấy xót hết cả ruột, nó kêu Trâm đi nghỉ, để nồi cháo nó trông cho. Nhưng Trâm lâu ngày không gặp em gái nên cố ý ngồi dưới bếp hàn huyên.
-“Mi cho nhà tao lắm gạo nếp với đậu xanh thế, không sợ thằng Toàn mắng hử?”
-“Ôi chao, lo gì, cái thằng đó nó chỉ quan tâm tới chó thôi, em có hốt cả kho thóc khéo nó cũng chả hay, để đấy mà gói bánh chưng.”
-“Ừ, thôn bên đó sướng, có vẻ năm nay lại được mùa.”
-“Vâng, đất đai tơi xốp chứ không cằn cỗi như bên mình, cũng để ra được ít vốn rồi, ra giêng em đi hỏi vợ hai cho nó.”
Cái Trang thản nhiên tâm sự, bác Trâm sốc khỏi nói, bác níu tay áo nó ra sức khuyên nhủ.
-“Đừng, mi điên à? Nó rước thì mặc nó, nó rước mình chịu chớ mình tội gì mà rước cho nó. Rồi có vợ mới về nó không thương mi nữa thì sao?”
Cái Trang thở dài, cháo trong nồi bắt đầu sôi liu riu, nó gạt nốt mấy nhành củi thừa xung quanh vào, ủ cho lửa cháy âm ỉ rồi quay sang thong thả tâm tình.
-“Nó đã bao giờ thương em đâu. Ngày xưa nó thương con Phụng cuối thôn ý, thương nhiều lắm, chẳng hiểu cớ làm sao ba năm trước con đó chạy theo trai huyện bỏ nó, xong đợt ấy nó bị điên mà, suốt ngày nằm ổ rơm ôm chó rồi khóc rưng rức gọi Phụng ơi về với tui đi Phụng. Con chó đó trước bị ghẻ, chủ cũ nó bỏ trong rừng, đợt hai đứa này vào đấy mần nhau xong lượm về cưu mang. Sau này nó đặt chó tên Phụng luôn, chắc nó hận ý, còn hận nghĩa là còn thương nhiều.”
-“Ừ, rồi sao?”
-“Con Phụng mới bị trai huyện đá rồi, em nghe tin nó về thôn hồi đầu tháng chạp, giờ nó khổ lắm, thầy không thương bu chẳng xót, em tính hỏi nó cho cha thằng Thóc, vẹn toàn cho chúng nó.”
-“Mi không ghen à? Không sợ bị nó có mới nới cũ, nó ruồng bỏ mi hử?”
-“Không, nhà thêm người làm em đỡ nhọc bác ạ. Với cả em có thằng Thóc mà. Thằng cháu đích tôn đàng hoàng, thách cả lò nhà thằng Toàn cũng chẳng dám đuổi.”
Ừ, ít ra cái Trang còn có cu Thóc. Trâm còn chưa có gì đây này, cậu hai rước bà hai là việc sớm muộn thôi, Trâm lo quá đi cơ. Nhưng biết làm sao? Phải đợi cậu thi xong mới tính được tiếp, tháng sáu cậu mới thi, vậy là còn nửa năm lận!
Trâm thở dài thườn thượt, cu Trí nghe bu bảo Trang về chơi cũng hí hửng chạy sang nhà Trâm, nó mách tháng giêng quan lớn đi thu lệ phí thi đợt đầu, nếu nộp được hết trong lần này thì được giảm hai chục quan. Lệ phí năm chục quan, giảm vậy nghĩa là còn ba chục thôi, mợ Trâm phấn khởi vô cùng, đợi Trang Trí về rồi, tối đó mợ hí hửng bò vào gầm giường lôi ra cái hộp cũ kĩ, mợ hồi hộp mở, nín thở đếm từng đồng một.
Tổng cộng dành dụm được bảy quan, bốn tiền và hai mươi ba đồng, tiền gửi bu giữ suốt từ ngày mợ về làm dâu ít cũng phải được dăm bảy chục quan rồi, kiểu này nếu nộp sớm thì lúc cậu xuống phố huyện thi sẽ vẫn dư dả kha khá cho cậu được ở nhà trọ tốt, ăn uống đầy đủ. Mợ nghĩ mà lòng mợ mát rười rượi, mợ hạnh phúc ghê gớm lắm, mợ nhảy chân sáo lên gặp bu, hồ hởi thưa chuyện.
-“Bu à, bu nghe tin tháng giêng quan lớn về thôn chưa bu?”
-“Nghe rồi, biết hết rồi, chị khỏi dạy khôn tôi.”
-“Vâng, thế thì tốt quá ạ. Ở đây con có hơn bảy quan nhưng bu cứ đưa con ba chục quan được không? Tại ngoài nộp lệ phí thi cho cậu thì mấy hôm nữa con muốn lo cái Tết chu toàn, giao thừa cúng mâm cơm thịnh soạn mong ơn trên phù hộ độ trì cho cậu đi đường thượng lộ bình an.”
-“Ba chục quan mà chị nói như ba chục đồng ấy nhỉ? Tiền đâu mà đưa?”
-“Ơ, tiền cậu gửi bu, bu kêu bu giữ hộ mà.”
-“Tui kêu hồi nào?”
Bu tỉnh bơ hỏi lại, bu nằm vắt vẻo trên cái võng mây, miệng nhai trầu bỏm bẻm, mặc mợ kể lể gợi nhớ bu vẫn cứ ngơ ngác làm như không biết gì. Mợ ức nghẹn, người mợ hoả khí bốc ngùn ngụt, mợ kệ bu giả ngu, mợ liều mình xông tới giường bu, nhanh nhẹn thó lấy chiếc gối cũ kỹ, bu thường giấu tiền trong này, mợ thừa biết.
Chỉ là, mợ không biết, tiền bu đem đi mua hương cấm hết rồi, toàn bộ tài sản bu có hiện giờ, chỉ vỏn vẹn hai quan rưỡi. Mợ thất thần ngồi thụp xuống, lòng mợ khi ấy nẫu nề lắm, nước mắt chỉ trực rớt ra. Bu nhếch mép cười khẩy, nhân lúc mợ không để ý, bu lấy lại tiền của bu, cuỗm luôn hơn bảy quan của mợ. Tốt quá, gần chục quan lận, Tết này ít nhiều bu cũng cắt được chiếc áo mới cho cậu Hưng rồi.
-“Bu! Trả con!”
Mợ gào lên, bu nghe giọng mợ chướng tai quá, bu nhổ đánh phẹt cái bã trầu đang nhai dở vào mặt mợ, đoạn bu đút tiền vào túi vải, dắt ở ngang hông. Mợ cũng chẳng vừa, mợ xông tới giật, mợ hại bu ngã dúi dụi. Bu giận tím mặt tím mày, bu quay lại túm tóc mợ, rồi bu nghiến răng nghiến lợi bu vả, mợ hộc máu mồm rồi bu vẫn chưa tha, phải tới khi nom thấy bóng cậu đứng sừng sững ở cửa bu mới tạm dừng.
-“Cái loại con dâu ác ôn chứ, nó đẩy bu đập đầu vào cạnh bàn sưng vếu lên đây này. Suýt chút nữa thì bu được ăn xôi chuối rồi, con với cái, càng ngày càng khốn nạn, cậu vào cậu dạy nó thay bu.”
Bu rệu rạo đứng dậy, mợ ho sù sụ, cậu tập tễnh tiến tới phía mợ, cẩn thận lau mặt cho mợ. Đợi mãi không thấy cậu đánh mợ nên bu điên lắm, bu giục cậu, rồi bu nhiếc mợ, dùng những từ ngữ bẩn thỉu nhất để lăng mạ mợ. Bu bức cậu phát điên, cậu ngoảnh lại trừng mắt nhìn bu, lần đầu tiên cậu trừng bu dữ tợn như vậy, lần đầu tiên cậu dám lớn tiếng với bu như thế.
-“Bu thích thì bu cầm roi mà quật tui. Còn vợ tui, tui cảnh cáo bu, một sợi lông của vợ tui, từ giờ bu cũng đừng hòng mà động nữa.”
Bu choáng, chân bu mềm nhũn tưởng chừng không đứng vững. Mợ tủi thân khóc nấc, gần chục quan tiền mợ vẫn giữ khư khư trong tay, ban nãy bu hành mợ khốn khổ nhưng mợ cũng chưa từng nơi lỏng, là tiền mồ hôi công sức của cậu, tiền đi thi của cậu, mợ có chết cũng giữ cho cậu. Cậu ôm mợ, mợ ôm cậu, cậu mợ dặt dẹo tựa vào nhau, cùng lê về phòng. Trán cậu nóng rẫy, mợ lo lắm, mợ vỗ nhẹ vai cậu đề nghị.
-“Sốt vậy cứ ăn cháo không sợ không khỏi được đâu, lại sắp Tết nhất tới nơi rồi chứ, đầu năm mới mà ốm là cả năm dông đó. Để tui sang thôn bên tìm thầy lang nghen, rùi tui cắt thuốc về cho.”
Mợ xót cậu nên mợ khuyên nhủ đủ điều, cậu nhức đầu, cậu bấu eo mợ quả quyết.
-“Không cần, có thuốc rồi mà.”
-“Thuốc nào? Đâu có đâu? Lấy đâu ra?”
-“Mợ đó, thuốc đặc biệt.”
Cậu trêu, mợ biết thừa đi ấy, nhưng tim mợ vẫn rung rinh. Tay cậu mân mê đều đều xương quai xanh của mợ, rồi cậu cúi xuống, ngậm chiếc dây yếm đào mỏng manh, mợ cảm nhận được cánh môi cậu vô tình chạm vào da thịt mợ, mợ run ghê lắm, một chút xao xuyến, một chút rạo rực, lại có chút đê mê, mợ không diễn tả nổi nữa.
-“Hay cậu cho tui cu tí luôn đi, tháng sáu cậu thi, tháng bảy có kết quả, cậu đỗ rồi tháng chín thằng nhóc ra đời là vừa.”
Mợ thỏ thẻ mở lời, là mợ nghe cái Trang mách nước đó, nó kêu đợi lúc bọn đàn ông tình củm một chút thì xin xỏ cái gì cũng dễ hơn. Khổ nỗi, chỉ đúng với thằng Toàn thôi, còn cậu của mợ, kiên định khó lay chuyển lắm.
Mợ chỉ còn nước thở dài, bỗng dưng bao nhiêu nỗi lo chất chứa trong lòng, lo cậu thi rớt thì chẳng biết tới bao giờ mới có cu tí? Lo cậu thi đậu cậu làm quan to chỉ sợ không những rước bà hai mà còn bà ba, bà tư, bà năm. Nhưng lo gì thì cũng không bằng nỗi lo hiện tại, lo tới tháng sáu không biết kiếm sao cho đủ năm mươi quan tiền?
Mấy ngày giáp Tết người ta nghỉ chuẩn bị trang trí nhà cửa hết, còn mợ chạy đôn đáo khắp chốn, đêm mợ thức dệt vải, sáng ra mợ lại vào rừng cùng cậu, cậu chặt đào thì mợ cũng cắt lá dong đem về chợ bán. Nhà mợ năm nay chẳng mua gì cả, bánh chưng thì có gạo đậu của cái Trang, cân thịt ba chỉ của bu Trinh, chắc cũng gói được chục chiếc.
Chiều ba mươi, mợ đang ngồi ngoài giếng rửa lá dong thì cô Hoàng Anh ghé qua, đem cho hai bó giò bò, mợ chưa kịp từ chối thì bu Phúc đã tươi cười cảm ơn cô rồi mang vào buồng rồi. Bên ngoài chỉ có cô và mợ, cô ngồi xuống, nhỏ lời thủ thỉ.
-“Mợ Trâm…có chuyện này…tui thức trắng ba đêm mới dám quyết…có gì mợ thông cảm cho tui nhé!”
-“Ừ, cô nói đi.”
-“Thì…thì…ra giêng ý…mợ sang hỏi tui về làm bà hai được không? Là thế này, bu tui thương tui lắm, bu kêu nếu cậu mợ sang hỏi thì bu tui sẽ có cách thuyết phục được thầy tui, bu dành cho tui hai thửa ruộng, mỗi thửa năm mẫu, nếu mợ rước tui về thì hai thửa đó của nhà mình, tui biết luật quan không cho phép cậu hai có ruộng ý, nhưng giờ cứ lén cày bừa lấy thóc ăn. Sau này cậu đỗ đạt rồi thì sang tên hẳn cho cậu.”
Đàn ông đàn ang, hiếm ai cả đời chỉ có một vợ, mợ hiểu rõ lắm chứ, nhưng nếu cậu lấy bà hai thì mợ mong cậu lấy con nào vừa xấu vừa thúi hoắc ý, chứ xinh đẹp dịu dàng như cô Hoàng Anh chỉ sợ về được dăm bữa nửa tháng mợ bị ngó lơ mất thôi. Nhưng mà đất trời ơi, hai thửa, vị chi là mười mẫu ruộng. Là mười mẫu đó, chăm chỉ làm ăn thì mấy mà giàu đâu? Mợ đã đang băn khoăn rồi thì chớ, cô lại bồi thêm một đống lời đường mật.
-“Tui thề khi về tui sẽ răm rắp nghe lời mợ, hàng tháng mợ cho thì tui xin cậu một đêm, còn không thì chẳng có đêm nào cũng được. Tui chỉ cần ngày ngày nhìn thấy cậu là tui mãn nguyện rồi. Với cả ở đây tui còn có một trăm quan, tui nghe đồn mợ chưa tích đủ tiền lệ phí thi phải không? Ra giêng mợ chịu rước tui thì chỗ này là của mợ.”