Đọc truyện Nhớ Ai Đó Đến Kiệt Quệ – Chương 15
Phải kẻ khác rơi vào cảnh này chắc bị đánh cho nhừ tử rồi, nhưng bà cả, khúc xương khúc thịt của phú ông, mọi việc đâu có êm xuôi như vậy. Phú ông cố nén giận, chậm rãi hỏi lại một lần nữa, cho bà cơ hội giải thích.
Bà cũng muốn thanh minh lắm, tiếc rằng liếc qua thấy con trai cưng đang run cầm cập lại không đành lòng. Bà thở dài, gật đầu thừa nhận.
Là bà.
Chính bà lấy chín trăm quan tiền đó. Chính bà làm hình nộm hại bu cậu Lâm.
Người hầu kẻ hạ được một phen bàn tán xôn xao, thằng Quất ấp úng hỏi ông có phải mang roi lên theo gia pháp không? Roi mây, cứng nhưng dẻo lắm, vụt một phát nghe tiếng vut vút, tội của bà cả phải chịu năm chục roi là ít, chịu xong chẳng biết thành người hay thành ngợm đây?
Mặt cậu Hưng tái xanh tái tím, cậu toan mở miệng thú tội mà bị bu cậu ngăn lại. Bu thương cậu còn nhỏ, bu sợ lộ chuyện nên bu một mực bảo do bu ngứa mắt với bà hai thành ra một phút bốc đồng. Thầy cậu thấy bu cậu khóc lóc tự dưng ruột gan quặn thắt, bà hai sợ xôi hỏng bỏng không nên cũng nức nức nở nở.
-“Thầy nó ạ, thầy nó có thể phạt bất cứ ai trên đời này, nhưng xin thầy nó đừng ra tay với tiểu thư. Tiểu thư là lá ngọc cành vàng, chỉ sợ không chịu nổi, thôi thì em xin nhận roi thay cho tiểu thư.”
Một câu phát biểu của bà hai, nếu như phú ông không phạt bà cả thì khác nào tự nhận mình thiên vị, ngày mai mặt mũi đâu mà ra đường?
Một câu phát biểu của bà hai, cũng khiến già trẻ gái trai đều tấm tắc khen ngợi. Phải người bình thường chắc xông lên cào cấu cắn xé bà cả rồi ấy chứ, đằng này tấm lòng của bà hai lại từ bi đến như vậy, thật đáng để người ta ngưỡng mộ.
Chỉ có bà cả không nghĩ thế.
Cách đây mấy chục năm, có khi bà cũng ngây thơ như vậy. Nhưng bà của ngày hôm nay, thà để tụi nó đánh chết còn hơn ngậm ngùi cúi đầu xin lỗi cái loại chó phản chủ đó. Bà cả ngang bướng hại phú ông phát điên, tuy nhiên ông cũng chẳng nỡ dùng roi quất bà, suy cho cùng đành bực bội sai người làm giam lỏng bà trong từ đường, phạt quỳ ba canh giờ.
Cả nhà giải tán dần, đứa ghét bà thì hả hê sung sướng, người thương bà thật lòng tính ra cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, gan dạ nhất chắc là con Bưởi. Chỉ có nó mới dám bò qua giậu mùng tơi chui vào với bà. Thời khắc nhìn thấy nó, bà ứa cả nước mắt.
-“Bà ăn bánh không bà? Con mang bánh rán vào cho bà nè!”
Bà chán nản lắc đầu. Con Bưởi buồn thiu cất bánh vào túi, cặm cụi lôi ra chiếc gối bông mềm mại đặt xuống đất rồi ngọt giọng dỗ dành bà quỳ lên đó cho đỡ đau chân. Bà chẳng hề nhúc nhích, bà sụt sịt hỏi nó.
-“Ông…ông xuống chỗ bà hai rồi à?”
-“Không ạ, nhưng đêm nay bà hai ở trên nhà lớn hầu ông.”
Bưởi thành thật trả lời, thực ra cả bánh lẫn gối đều là ông xui nó mang vào cho bà đó. Nó muốn kể bà nghe lắm, nhưng nó sợ bị ông đuổi đi nên không dám hé răng, dù sao cái nhà này ông cũng là to nhất mà. Nó quan sát thái độ bà cả một hồi rồi lại lật đật chui ra chạy qua chỗ phú ông báo cáo tình hình.
Bà hai đang xoa bóp chân cho chồng đột nhiên bị đuổi ra ngoài như người lạ. Bên trong Bưởi với phú ông thì thà thì thụt, Bưởi trình bày tới đâu, phú ông não nề rầu rĩ tới đấy. Cái người đâu mà dỗi dai, sắp làm mẹ chồng rồi, cứ thế này mai sau con dâu nó cười cho thối mặt. Yến ơi là Yến, phải chăng lỗi là do xưa nay Kim cưng Yến quá nhiều?
Thôi thì rèn giũa một chút cũng tốt, cho cái tính nó mềm đi. Phú ông thở dài, lần này ông quyết không đi thăm bà cả mà chỉ tìm lọ cao đưa cho con Bưởi, bảo nó giữ cẩn thận nhỡ đêm bà bị đau chân thì xoa bóp cho bà.
Con Bưởi vâng vâng dạ dạ chào ông, lúc nó ra ngoài bà hai có giữ lại hỏi chuyện nhưng con bé nhất định không khai nửa lời. Nó khiến bà hai tức lộn ruột, cái con thiểu năng này chứ, còn ở cái nhà này ngày nào bà thấy chướng tai gai mắt ngày ấy, cứ đợi đấy, sau này có cơ hội bà cho ra đê ở hết cả lũ.
Đợt ấy phú ông triệu bà hầu chín ngày liên tiếp, phía bà cả cũng không có động tĩnh xuống nước trước nên mâu thuẫn giữa phú ông với bà cả ngày một lớn. Phú ông hàng đêm nghe bà hai ngọt nhạt tâm tình cũng thương bu con bà hơn, đỉnh điểm là phú ông quyết định đích thân ra mặt hỏi vợ cho cậu hai.
Đám hỏi đã có phú ông thì tất nhiên nó phải long trọng rồi. Cậu hai cưỡi ngựa đằng trước, kiệu đỏ rước phú ông bà hai theo sau, vàng bạc châu báu tuy thua xa hôm cậu cả xuống phố huyện nhưng so với phong tục trong thôn cũng là hoành tráng lắm rồi. Già trẻ gái trai nô nức ùa ra hai bên đường vừa ngó nghiêng vừa vỗ tay chung vui, riêng bu Trâm ruột gan cứ phải gọi là mát rười rượi.
Trâm thì sướng khỏi nói rồi. Nhất là cái lúc trà nước xong xuôi cậu hai níu áo Trâm rủ ra ngoài bụi chuối, tim Trâm tưởng nhảy ra ngoài lồng ngực ấy chứ.
Đêm hôm kia vừa nghe cái Dung ba hoa cậu hai mới kiếm được viên đá quý trên núi thuộc loại hiếm lắm, màu đỏ rực rỡ rất đẹp. Dung phấn khởi ti toe rằng cậu mà bán đi thì được ối tiền, rồi cậu sẽ mua bánh đa kê cho nó. Trâm cũng phấn khởi theo, hi vọng cậu mua bánh đa kê thừa tiền cậu sẽ mua lễ vật trao cho Trâm.
Đúng như Trâm dự đoán, cậu hai thực sự giữ lời hứa. Bữa trước cậu khất, bữa nay cậu đền thật. Chỉ là không ngờ được, thứ cậu đền, lại mỹ miều ngoài sức tưởng tượng của Trâm. Cầm trên tay chiếc vòng lấp lánh ánh đỏ được mài giũa cẩn thận, hai má Trâm ửng hồng, làm được thứ đồ tuyệt mỹ như này chắc mất công lắm đấy, thảo nào tay cậu hai bị trầy mấy chỗ liền.
Nhưng quan trọng không phải thế, quan trọng là vật quý giá như vậy, nếu đem xuống phố huyện bán nhất định kiếm được năm sáu trăm quan là ít, vậy mà cậu lại tặng Trâm. Vật quý giá như vậy, đến con gái trưởng thôn còn chẳng có, thế mà Trâm lại có. Trâm run lắm, giọng cũng lạc hẳn đi.
-“Cậu hai…cậu…đeo…đeo…cho tui với…”
Cậu ngại hay sao ấy, tai cậu đỏ rực, cậu ấp úng bảo chị tự đeo đi, thích tay nào đeo tay đó. Trâm bĩu môi nhưng chẳng thèm chấp cậu luôn, Trâm tự đeo vào cổ tay phải của mình. Đeo xong lâu rồi mà cứ ngẩn ngơ ngắm mãi, đẹp quá là đẹp luôn.
Cậu cũng cười, cậu nói màu đỏ rất hợp với Trâm, Trâm đáp thực ra tui thích màu đỏ nhất đấy, đoạn thẹn thùng chạy xuống bếp khoe khoang với các em. Trang Dung được một phen ghen tỵ nổ đom đóm mắt, cu Trí có vẻ không hài lòng, ba chân bốn cẳng chạy lên nhà tìm cậu hai hỏi thăm chỗ khai thác đá.
Cậu cả trốn sau bụi rơm suốt từ sáng tới trưa, thấy cậu hai và Trâm cứ chốc chốc lại lấm lét liếc nhau lòng đau như cắt từng khúc ruột.
Cậu khóc.
Từ khi sinh ra chưa bao giờ cậu khổ sở đến như thế. Cậu chạy về nhà ôm bu Yến nức na nức nở.
-“Bu ơi bu ơi là bu…tình hình này tháng sau Trâm của cậu thực sự là của người ta rồi. Nó được ôm Trâm của cậu đó bu, làm thế nào bây giờ? Phải làm sao bây giờ? Bu giúp cậu với bu ơi, cậu không chịu đâu, cậu chết mất đó bu. Trâm không là của cậu thì cũng không được là của ai hết. Hay bu nghĩ cách đuổi bu con thằng hai đi biệt xứ đi bu…bu cũng không thích bu thằng hai mà…đi bu…van bu đó…”