Nhảy, nhảy, nhảy

Chương 7


Bạn đang đọc Nhảy, nhảy, nhảy: Chương 7

Chương 7
Tôi chẳng có gì để làm cả. Chẳng có gì tôi nên làm, và chẳng điều gì tôi muốn làm. Tôi đã đi cả chặng đường dài tới khách sạn Cá Heo, nhưng cái khách sạn Cá Heo mà tôi muốn đến đã biến mất khỏi bề mặt trái đất này rồi. Phải làm gì bây giờ?
Tôi xuống đại sảnh, buông mình vào một trong những chiếc sofa lộng lẫy, cố nghĩ ra kế hoạch cho cả ngày. Đi dạo phố? Nhưng đi đâu? Hay là đi xem phim? Không, tôi chẳng muốn xem cái gì cả. Mà tại sao lại tốn công đến Sapporo chỉ để xem phim? Vậy thì làm gì bây giờ?
Chẳng có gì mà làm cả.
Được rồi, tới tiệm cắt tóc, tôi tự nhủ. Tôi không ra tiệm cắt tóc cả tháng nay, đã đến lúc phải sửa tóc rồi. Giờ đó là một cách hay để sử dụng thời gian rảnh rỗi. Nếu không có gì hay hơn để làm, hãy đi cắt tóc.
Vậy nên tôi tới tiệm cắt tóc của khách sạn, hy vọng rằng ở đó sẽ thật đông và tôi sẽ phải ngồi chờ tới lượt mình. Nhưng tất nhiên là ở đó chẳng có ai, và tôi được cắt tóc ngay lập tức. Trên những bức tường xanh xám là một bức tranh theo trường phải trừu tượng, những chiếc loa ẩn vang lên giai điệu nhẹ nhàng êm dịu của Jacques Rouchet chơiPlay Bach. Nơi này không giống bất kỳ tiệm cắt tóc nào tôi từng tới – thực khó có thể gọi nó là tiệm cắt tóc. Rồi xem, không chừng họ còn bật cả thánh ca Gregory trong nhà tắm, nhạc của Ryuichi Sakamoto trong phòng đợi của văn phòng thuế vụ. Anh chàng cắt tóc cho tôi khá trẻ, chỉ trạc hai mươi. Khi tôi đề cập tới chuyện ở đây đã từng có một khách sạn nhỏ trùng tên với khách sạn này, anh ta đáp, “Vậy ư?” Anh ta cũng không biết nhiều về Sapporo này. Chàng trai khá sành điệu. Anh ta mặc một chiếc áo sơ mi hiệu Mens Bigi. Dẫu sao thì anh ta cũng biết cắt tóc, vậy nên tôi bước ra đó với cảm giác rất hài lòng.
Làm gì tiếp bây giờ?
Chẳng còn lựa chọn nào khác, tôi quay lại cái ghế sofa lúc nãy trong sảnh khách sạn và nhìn quanh. Cô lễ tân đeo kính hôm qua đang đứng sau quầy lễ tân. Trông cô hơi căng thẳng. Hay là sự có mặt của tôi kích thích cái gì đó trong cô? Không giống vậy lắm. Đồng hồ nhanh chóng chỉ mười một giờ. Giờ ăn trưa. Tôi ra ngoài đi loanh quanh, cố nghĩ xem mình đang muốn gì. Nhưng tôi không đói, và chẳng quán nào làm tôi thấy hứng thú. Không biết làm gì, tôi ghé bừa vào một quán gọi mì spaghetti với xa lát. Rồi một cốc bia. Bên ngoài, trời vẫn rập rình muốn đổ tuyết, nhưng chẳng thấy bông tuyết nào xuất hiện. Bầu trời như đông cứng, bất động. Trông giống thể hòn đảo bay Lapura trong truyện Gulliver(10), nặng nề treo lơ lửng trên thành phố. Mọi thứ cứ như bị phủ màu xám. Thậm chí, nghĩ lại thì cả bữa ăn của tôi cũng mang một màu xám xịt. Không phải là một ngày cho những suy ngẫm có ích.
Cuối cùng, tôi bắt taxi tới một cửa hàng bách hóa ở trung tâm thành phố. Tôi mua giày, đồ lót, pin dự trữ, bàn chải đánh răng du lịch và bấm móng tay. Mua một cái sandwich để ăn vặt ban đêm và một chai brandy nhỏ. Tôi chẳng cần thứ nào trong đống này, chẳng qua tôi chỉ mua sắm, giết thời gian. Tôi đã giết được hai tiếng đồng hồ.
Rồi tôi đi bộ dọc những đại lộ chính, nhìn vào các cửa kính, trong đầu không sẵn điểm đến nào, rồi khi chán những việc đó, tôi ghé vào một quán cà phê, vừa nhấm nháp cà phê vừa đọc một đoạn Jack London. Một lát sau, trời cũng bắt đầu xâm xẩm tối. Gợi cảm giác buồn chán. Giết thời gian không phải là một việc dễ dàng gì.
Trở về khách sạn, khi đi qua bàn lễ tân, tôi nghe có ai đó gọi tên mình. Là cô tiếp tân đeo kính. Cô ra hiệu cho tôi tới một đầu quầy thu ngần, thực ra là chỗ để đăng ký thuê xe, ở đó có một giá để các tập tờ rơi quảng cáo. Hiện không ai trực ở đây cả.
Cô quay quay chiếc bút trong vài giây, nhìn tôi với vẻ mặt kiểutôi – có – chuyện – cần – nói – với – anh – nhưng – không – biết – nói – thế – nào. Rõ ràng cô không quen làm những việc thế này.
“Xin thứ lỗi cho tôi,” cô bắt đầu, “nhưng chúng ta phải làm bộ như đang nói chuyện về việc thuê xe.” Đôi mắt cô liếc thật nhanh qua phía bàn lễ tân. “Quản lý ở đây rất chặt. Chúng tôi không được phép nói chuyện riêng với khách hàng.”
“Được rồi” tôi nói, “Tôi sẽ hỏi cô về giá thuê xe, còn cô muốn trả lời thế nào cũng được. Vậy là không có riêng tư rồi nhé.”
Cô thoáng đỏ mặt. “Thứ lỗi cho tôi,” cô lại nói. “Ở đây họ rất khắt khe với các quy định.”
Tôi mỉm cười. “Còn nữa, cô đeo kính trông hợp lắm.”
“Dạ?”
“Cô đeo kính này trông đáng yêu lắm. Rất đáng yêu,” tôi nói.
Cô chạm khẽ vào gọng kính, khẽ hắng giọng. Típ người hay lo lắng. “Tôi muốn hỏi anh một chút,” cô lấy lại sự bình tĩnh. “Đây là chuyện riêng.”
Nếu có thể, tôi sẽ vuốt nhẹ đầu cô để giúp cô thoải mái hơn, nhưng thay vì thế, tôi im lặng và nhìn vào mắt cô.
“Đó là chuyện chúng ta đã nói tối qua, anh biết đấy, chuyện ở đây từng có một khách sạn ấy,” cô nhẹ nhàng nói, “có tên trùng với khách sạn này. Cái khách sạn đó thế nào? Ý tôi là, nó có phải là một cái khách sạnbình thườngkhông?”
Tôi lấy một tập sách giới thiệu dịch vụ thuê xe và giả vờ như đang nghiên cứu nó, “Điều đó còn tùy xem cô có ý gì khi dùng từ bình thường.”
Cô mân mê cổ áo rồi lại hắng giọng. “Chuyện này… thực khó mà nói rõ được, cái khách sạn đó có gì lạ không? Tôi không sao gạt nó ra khỏi đầu được.”
Đôi mắt cô trông đáng yêu và có vẻ tha thiết. Đúng như ấn tượng ban đầu của tôi. Cô lại đỏ mặt lần nữa.
“E là tôi không hiểu cô đang nói gì, nhưng tôi chắc chúng ta sẽ mất chút thời gian để nói về nó và làm việc đó ở đây thì không được tiện lắm. Có vẻ như cô đang rất bận.”
Cô liếc mắt về phía những nhân viên lễ tân khác đang đứng ở bàn, rồi khẽ cắn môi dưới. Sau một phút lưỡng lự, cô lên tiếng: “Được, anh có thể gặp tôi sau giờ làm không?”
“Mấy giờ?”
“Tám giờ là tôi xong việc. Nhưng chúng ta không thể gặp nhau ở gần đây. Quy định của khách sạn. Đến chỗ nào xa xa một chút ấy.”
“Cô quyết định địa điểm đi. Tôi không ngại xa. Tôi sẽ tới đó.”
Cô gái nghĩ thêm một chút, rồi nguệch ngoạc viết tên địa điểm và vẽ đường. “Tôi sẽ đến đó lúc tám rưỡi.”
Tôi nhét mảnh giấy vào túi.
Giờ thì đến lượt cô nhìn tôi. “Tôi mong anh không nghĩ là tôi quái dị. Đấy là lần đầu tiên tôi làm chuyện thế này. Tôi chưa bao giờ vi phạm quy định. Nhưng lần này tôi không biết phải làm sao. Tôi sẽ giải thích cho anh sau.”
“Không, tôi không nghĩ cô quái dị. Đừng lo,” tôi nói. “Tôi không phải là kẻ xấu. Có thể tôi không phải là người đáng yêu nhất thế giới, nhưng tôi có không định làm khó ai.”
Cô lại xoay xoay bút, dường như vẫn chưa hoàn toàn hiểu ý tôi. Rồi mỉm cười lơ đãng và đẩy gọng kính lên. “Vậy, ta gặp sau nhé.” cô nói, và cúi đầu kiểu lịch sự chào tôi trước khi trở về chỗ của cô ở bàn tiếp tân. Quyến rũ, dù hơi mỏng manh.
Tôi lên phòng, lấy bia trong tủ lạnh ra để nuốt trôi cái bánh sandwich bò nướng mua ở cửa hàng bách hóa. Được rồi, ít nhất cũng có một kế hoạch để thực hiện. Có thể cài số hơi chậm, nhưng chúng ta đang lăn bánh, Nhưng đi đâu đây?
Tôi rửa mặt, cạo râu và đánh răng. Điềm tĩnh, lặng lẽ, không hát ngân nga. Rồi lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi soi mình thật kỹ trong gương. Không phát hiện ra điều gì đáng kể. Tôi không thấy có chút gì là anh tuấn cả. Vẫn cái khuôn mặt đó, luôn như vậy.
Tôi rời phòng lúc bảy rưỡi và bắt một cái taxi. Người lái xe săm soi tờ giấy chỉ đường tôi đưa, rồi gật đầu không nói gì, và chúng tôi lên đường. Một đoạn đường tốn khoảng đâu vài nghìn yên, một quán bar nhỏ trong tầng hầm của tòa nhà năm tầng. Ngay từ cửa, tôi nghe thấy âm thanh ấm áp từ một đĩa nhạc cũ của Gerry Mulligan.

Tôi ngồi xuống một ghế ở quầy bar, nghe bản độc tấu bên ly J&B-and-water êm và dễ uống. Tám giờ bốn mươi lăm, cô gái vẫn chưa đến. Tôi không để tâm lắm. Quán bar rất thoải mái, và đến giờ có lẽ tôi đã trở thành chuyên gia giết thời gian. Tôi nhấp rượu, hết sạch, tôi gọi ly khác. Tôi đăm đăm nhìn cái gạt tàn.
Chín giờ năm phút cô xuất hiện.
“Tôi xin lỗi,” cô áy náy nói. “Sắp về thì lại có một đống việc, mà người thay ca cho tôi lại đến muộn.”
“Đừng ngại. Ở đây tôi ổn mà,” Tôi nói. “Đằng nào tôi cũng phải làm gì đó cho thời gian trôi mau.”
Theo gợi ý của cô, chúng tôi chuyển đến một bàn phía sau. Khi đã yên vị, cô tháo găng tay, khăn quàng và áo khoác. Bên trong, cô mặc váy len xanh thẫm và áo len mỏng màu vàng làm lộ ra bộ ngực đầy đặn khiến tôi ngạc nhiên vì trước đó chưa từng chú ý đến. Đôi hoa tai bằng vàng của cô cũng rất thanh tú.
Cô gọi một ly Bloody Mary. Khi rượu được mang ra, cô liền nhấp thử một ngụm. Tôi làm tiếp một ngụm whiskey và cô cũng nhấp một ngụm nhỏ Bloody Mary. Tôi nhấm nháp mấy quả hạch.
Cuối cùng, cô hắt ra một tiếng thở dài. Cô có vẻ lo rằng mình đã gây ra tiếng hơi lớn, liền ngẩng đầu lên nhìn tôi với ánh mắt căng thẳng.
“Công việc mệt mỏi à?” tôi hỏi.
“Ừm,” cô trả lời. “Khá vất vả, tôi vẫn chưa quen được. Khách sạn mới mở nên ban giám đốc lúc nào cũng thúc bách chuyện gì đó.”
Cô khép tay lại rồi đặt lên bàn. Cô đeo một chiếc nhẫn trên ngón út. Một chiếc nhẫn bạc không phô trương, thậm chí là khá tầm thường.
“Về khách sạn Cá Heo cũ…,” cô bắt đầu. “À khoan đã, hình như tôi nghe nói anh viết cho một tạp chí hay gì đó thì phải?”
“Tạp chí?” tôi giật mình. “Sao lại thế?”
“Tôi chỉ nghe nói như vậy thôi,” cô trả lời.
Tôi im lặng. Cô gái cắn môi và đăm đăm nhìn một điểm trên tường.
“Từng xảy ra vài chuyện lộn xộn,” cô bắt đầu trở lại, “do đó ban giám đốc rất lo lắng về cánh truyền thông. Anh biết đấy, chuyện thu mua đất đai và các thứ khác nữa. Nếu quá nhiều điều tiếng về chuyện này lọt ra dư luận, khách sạn sẽ bị ảnh hưởng. Một hình tượng xấu có thể làm hỏng cả việc kinh doanh.”
“Thế đã có chuyện được đưa lên báo à?”
“Một lần, trên tuần san không lâu trước đây. Họ nói xa gần về những vụ làm ăn bẩn thỉu, về chuyện quan hệ với Yakuza(11)hay đám côn đồ cánh tả để gây áp lực lên những người kiên quyết chống đối. Chuyện kiểu như vậy.”
“Và tôi có thể hiểu rằng khách sạn Cá Heo cũ có liên quan đến những chuyện này?”
Cô nhún vai rồi nhấp một ngụm rượu khác. “Tôi không ngạc nhiên nếu đúng là vậy. Nếu không, có lẽ giám đốc sẽ không tỏ ra căng thẳng đến vậy khi nói chuyện với anh về khách sạn cũ. Ý tôi là, như thể anh vừa gióng lên một tiếng chuông báo động vậy. Tôi không biết cụ thể lắm, nhưng đã có lần tôi nghe được rằng cái tên Cá Heo có liên quan đến một khách sạn cũ. Từ một ai đó.”
“Ai đó ư?”
“Một trong những người áo đen.”
“Những người áo đen?”
“Anh biết đấy, những người mặc đồng phục đen ấy.”
“Ra vậy,” tôi nói. “Thế ngoài ra, cô không nghe được gì khác về khách sạn Cá Heo cũ à?”
Cô lắc đầu và nghịch chiếc nhẫn trên tay. “Tôi sợ,” cô thầm thì, “Tôi rất sợ… tôi không biết phải làm gì nữa.”
“Sợ ư? Sợ tôi và mấy tờ tạp chí à?”
Cô lắc đầu, rồi ấn môi trên thành ly rượu. “Không, không phải thế. Tạp chí chẳng liên quan gì cả. Dù người ta có đăng cái gì chăng nữa, tôi cũng chẳng quan tâm. Có lẽ ban giám đốc sẽ cuống lên vì chuyện đó, nhưng đó không phải chuyện tôi muốn nhắc đến. Mà là cả cái nơi ấy. Cả cái khách sạn cơ, ý tôi là… nó có gì đó hơi kỳ lạ. Có cái gì đó khang khác… cái gì đó… không ổn.”
Cô dừng lại và im lặng. Tôi đã uống cạn ly whiskey, vậy nên tôi gọi thêm đồ uống cho cả hai.
“Cô nói không ổn nghĩa là sao?” tôi giục cô trả lời. “Ý cô là có cái gì đó đặc biệt à?”
“Tất nhiên rồi,” cô mau mắn trả lời. “Có chuyện đã xảy ra, nhưng rất khó mô tả bằng lời. Vì vậy, tôi không nói với ai hết. Ý tôi là, nó rất thật, cảm giác của tôi ấy, nhưng nếu tôi cố giải thích bằng lời, nó dường như biến đi đâu hết vậy.
“Vậy là nó giống như một giấc mơ rất thật?”
“Nhưng đâykhông phảimột giấc mơ. Những giấc mơ rồi cũng sẽ phai nhạt phải không nào? Nhưng không phải thứ này. Không đời nào. Lúc nào nó cũng như vậy. Nó luôn luôn hiện hữu, ngay ở đó, trước mắt tôi.”
Tôi không biết phải nói gì nữa.
“Được rồi, chuyện là thế này,” cô nói, nhấp một ngụm Bloody Mary rối lấy giấy ăn chấm miệng. “Đó là hồi tháng Một. Đầu tháng Một, ngay sau tết. Tôi làm ca muộn, vốn tôi không thích làm ca muộn, nhưng hôm ấy tới lượt tôi. Tóm lại là, đến khoảng nửa đêm tôi mới xong việc. Những hôm làm muộn như thế, khách sạn thường gọi taxi cho chúng tôi về vì không còn tàu nữa. Sau khi thay quần áo, tôi phát hiện mình để quên cuốn sách ở phòng nghỉ của nhân viên. Tôi nghĩ hôm sau lấy cũng được, nhưng cái cô đi chung taxi với tôi vẫn chưa xong nên tôi quyết định đi lấy luôn. Tôi vào thang máy dành cho nhân viên và nhấn nút lên tầng mười sáu, phòng nghỉ của nhân viên và các tiện nghi khác dành cho nhân viên đều ở đấy – chúng tôi rất hay lên đó nghỉ ngơi và uống cà phê.”
“Tôi đứng chờ trong thang máy, cửa mở, tôi bước ra ngoài như mọi khi. Tôi chẳng để ý gì cả, ai lại phải để ý gì cơ chứ? Đó là việc ngày nào tôi cũng làm mà. Tôi bước ra khỏi thang máy như một hành động tự nhiên nhất trên đời. Tôi đoán là lúc đó tôi đang nghĩ ngợi, không nhớ là việc gì. Tôi nhớ là mình đang đứng ở hành lang, hai tay đút trong túi thì nhận ra xung quanh tối om. Tối như mực ấy. Tôi quay lại thấy cửa thang máy vừa mới đóng.
N.g.u.ồ.n. .t.ừ. .s.i.t.e. .T.r.u.y.e.n.G.i.C.u.n.g.C.o…c.o.m. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là, ôi trời, mất điện rồi. Nhưng không thể thế được. Khách sạn có máy phát điện dùng khi khẩn cấp, vì vậy nếu bị mất điện, máy phát sẽ lập tức tự động bật lên. Chúng tôi đã diễn tập tình huống này trong đợt huấn luyện, nên tôi biết rõ. Vì vậy, về nguyên tắc, không thể có chuyện mất điện. Mà cho dù có chuyện vô cùng hãn hữu gì đó xảy ra với máy phát điện thì đèn báo động trên hành lang sẽ được bật lên. Vậy nên, tôi muốn nói là, không thể nào có chuyện tối om như thế. Đáng lẽ lúc ấy tôi phải nhìn thấy những ngọn đèn xanh dọc hành lang.”

“Nhưng cả tầng tối đen như mực. Tất cả những gì tôi thấy được là mấy cái nút gọi trên thang máy và màn hình LED màu đỏ hiển thị nó đang ở tầng nào. Do vậy, điều đầu tiên tôi làm là nhấn nút gọi thang máy, nhưng nó cứ đi thẳng xuống. Tôi không biết phải làm gì. Thế rồi, không rõ vì sao, tôi quyết định đi loanh quanh xem xét. Thực sự tôi rất sợ, nhưng cũng thấy bực mình nữa.”
“Lúc đó tôi nghĩ chắc có trục trặc gì đó với hệ thống điện của khách sạn. Máy móc hay kết cấu hay thứ gì đó có vấn đề. Vậy nghĩa là sẽ lại thêm rắc rối từ phía ban giám đốc, không ngày nghỉ rồi đủ thứ phiền phức khác. Càng nghĩ về những chuyện đó, tôi càng thấy bực mình. Sự bực bội dần lớn hơn cả nỗi sợ. Và thế là tôi quyết định, chỉ là đi xung quanh xem xét một chút. Tôi bước hai hay ba bước gì đó và – ừm, có gì đó rất lạ. Ý tôi là, tôi không thể nghe được tiếng bước chân của mình. Chẳng có lấy một tiếng động nào cả. Mặt sàn cho cảm giác rất lạ, không giống như tấm thảm thường ngày. Nó rất cứng. Thật đấy. Và cả không khí nữa, cảm giác cũng rất khác. Nó… có mùi ẩm mốc. Hoàn toàn không giống không khí của khách sạn. Khách sạn chúng tôi đòi hỏi không khí được điều tiết hoàn toàn và ban giám đốc rất cầu kỳ trong chuyện này, bởi vì bầu không khí nơi đây không được giống như tạo bởi điều hòa không khí bình thường, mà phải là một bầu không khíchất lượng, không phải cái loại không khí bị hút hết hơi ẩm chỉ tổ làm khô mũi khách hàng như ở các khách sạn khác. Ở chỗ chúng tôi, không khí phải như là không khí tự nhiên vậy. Vì vậy, bầu không khí hôi hám, mốc meo đó làm tôi rất choáng. Nó có mùi gì đó… rất cũ kỹ – giống như khi anh về quê thăm ông bà và anh mở cửa nhà kho cũ của gia đình ra – như vậy đấy. Tù đọng mốc meo.”
“Tôi quay lại thì thấy cả nút gọi thang máy cũng biến mất. Tôi không nhìn thấy gì cả. Mọi thứ biến mất, hoàn toàn, thật sự rất khủng khiếp. Tôi hoàn toàn đơn độc trong bóng tối, xung quanh im lặng tuyệt đối. Tuyệt đối. Không có bất kỳ một tiếng động nào. Rất kỳ lạ. Thường thì trong trường hợp có sự cố điện như vậy ít nhất cũng phải có ai đó lên tiếng chứ. Mà lúc đó khách sạn đang gần như kín phòng. Bao nhiêu người như vậy hẳn phải ồn ào lắm chứ. Thế nhưng lần đó không hề như vậy.”
Đồ uống đã được mang đến, chúng tôi nhấp rượu. Rồi cô đặt ly của mình xuống bàn và chỉnh lại cặp kính.
“Anh hiểu những điều tôi nói chứ?”
“Kha khá,” tôi trả lời, “Cô ra khỏi thang máy ở tầng mười sáu. Ở đó tối đen như mực. Mùi cũng rất lạ. Quá yên ắng. Chuyện gì đó kỳ quặc đang diễn ra.”
Cô thở dài. “Không biết là tốt hay xấu, nhưng chắc chắn tôi không phải loại nhút nhát. Ít nhất tôi nghĩ mình cũng khá can đảm. Tôi không phải loại con gái hét ầm ĩ lên khi thấy đèn vụt tắt. Tôi có sợ, nhưng không đến nỗi hồn xiêu phách lạc. Tôi tự nhủ mình phải đi kiểm tra xem có chuyện gì đang xảy ra. Vậy nên tôi bắt đầu lần mò đi đọc theo hành lang.”
“Cô đi về hướng nào?”
“Bên phải,” cô trả lời, giơ tay phải lên. “Tôi lần mò đi dọc theo tường, rất chậm, và lát sau hành lang quành phải một lần nữa. Thế rồi, ở phía trước, tôi nhìn thấy có ánh sáng yếu ớt. Nó rất yếu, chỉ như ánh nến le lói từ tận xa xa đâu đó. Thoạt tiên tôi nghĩ là đã có ai tìm thấy nến dự trữ và thắp lên. Tôi tiếp tục đi, nhưng khi đến gần hơn, tôi mới nhận ra ánh sáng ấy hắt ra từ một căn phòng có cánh cửa khép hờ. Cánh cửa ấy cũng rất lạ. Tôi chưa từng thấy cánh cửa nào cũ kỹ như vậy trong khách sạn cả. Tôi đứng im trước cửa, không biết nên làm gì tiếp theo. Nếu có ai đó bên trong thì sao? Lỡ có một kẻ quái đản xổ ra thì sao? Mà trước tiên, sao lại có cánh cửa này ở đây chứ?”
“Tôi gõ khẽ lên cánh cửa, rất khẽ. Khó mà gọi đó là gõ cửa được, nhưng tiếng động vang lên lại khá lớn – có lẽ tại hành lang im ắng quá. Dù sao thì cũng không có tiếng đáp lại. Tôi chờ khoảng mười giây, và trong chừng ấy thời gian, tôi như bị đóng băng. Trong đầu tôi không có lấy một ý nghĩ nào, dù là nhỏ nhất, rằng mình phải làm gì. Rồi tôi nghe thấy tiếng sột soạt ấy. Tôi không rõ nữa, nghe như tiếng một người mặc rất nhiều quần áo đang đứng lên vậy, và sau đó là tiếng bước chân. Thật chậmkịch… kịch… kịch…, có vẻ như người ấy đang đi dép lê hay thứ gì đó. Tiếng bước chân mỗi lúc một gần cánh cửa hơn.”
Cô nhìn chằm chằm vào khoảng không và lắc đầu.
“Đólà lúc tôi bắt đầu thấy hoảng lên. Như thể tiếng bước chân đó không phải của con người. Tôi không hiểu sao mình lại đi đến kết luận đó. Tôi chỉ cảm thấy sởn tóc gáy, bởi vì bước chân của con người không giống như vậy. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi, nói nghiêm túc đấy. Tôi chạy. Thậm chí còn không nhìn xem mình đang chạy đi đâu. Có lẽ tôi vấp ngã một hai lần gì đó, vì đôi tất tôi mang đã rách toạc ra. Tới đây tôi không nhớ rõ lắm. Điều duy nhất tôi nhớ được là tôi đã chạy. Tôi kinh hoảng. Làm sao đây nếu thang máy bị hỏng? Ơn trời, cuối cùng tôi cũng trở lại được chỗ ấy, khi đó cái đèn đỏ chỉ số tầng và cả nút gọi thang máy đều sáng trở lại. Thang máy đang ở tầng trệt. Tôi nhấn liên tục vào nút gọi và thang máy bắt đầu trở lên. Nhưng chậm hơn nhiều so với bình thường. Thật đấy, chậm như con sên.Tầng hai… tầng ba… tầng bốn, tôi cầu nguyện,nào, nhanh lên nào, nhưng không có ích gì. Nó cứ ì ra. Giống như có ai đó làm kẹt bộ điều khiển vậy.”
Cô gái thở ra một hơi dài và lại nhấp một ngụm rượu. Rồi cô xoay xoay chiếc nhẫn đeo tay một lúc.
Tôi chờ cô tiếp tục. Nhạc đã tắt, ai đó đang cười.
“Tôi vẫn nghe thấy tiếng bước chân đókịch… kịch… kịchmỗi lúc một gần hơn. Không dừng lại…kịch… kịch… kịch…, dọc theo hành lang, tiến về phía tôi. Tôi vô cùng hoảng sợ! Trong đời chưa bao giờ tôi thấy sợ đến thế. Dạ dày tưởng như bị ép chặt lên tới tận cổ họng. Tôi vã mồ hôi khắp người, nhưng lại thấy lạnh toát. Tôi rùng mình. Thang máy thì mãi không lên tới.Tầng bảy… tầng tám… tầng chín…Tiếng bước chân vẫn tiếp tục tiến lại gần.” Cô dùng lại khoảng hai mươi ha mươi giây. Và một lần nữa, cô xoay xoay chiếc nhẫn trên tay, như thể đang chỉnh radio. Một cô gái ở quầy bar nói gì đó làm bạn cô ta lại cười phá lên. Giá họ làm mọi thứ nhanh hơn và bật nhạc lên. “Tôi không diễn tả được cảm giác của mình lúc đó. Anh phải trải qua thì mới biết được,” cô nói khô khan.
“Rồi chuyện gì đã xảy ra?”
“Điều tiếp theo mà tôi nhận ra là, thang máy đã ở đó,” cô nói và nhún vai. “Cửa mở và tôi lại thấy thứ ánh sáng đẹp đẽ và quen thuộc. Tôi rơi vào trong đó, theo đúng nghĩa đen. Tôi run lên bần bật, nhưng vẫn cố bấm nút xuống đại sảnh. Khi xuống tới nơi, hẳn tôi đã làm mọi người bở vía một phen. Mặt tôi tái xanh, người run rẩy, không nói được một lời. Viên quản lý tiến tới, lắc người tôi và hỏi: Có chuyện gì vậy? Vậy là tôi có kể cho ông ta về những thứ kỳ lạ trên tầng mười sáu, nhưng vẫn thở hổn hển. Người quản lý ngắt lời tôi giữa chừng, gọi một người trong số đám nhân viên nam rồi cả ba chúng tôi cùng quay trở lại tầng mười sáu. Chỉ để kiểm tra lại mọi thứ. Nhưng trên đó tất cả đều hoàn toàn bình thường. Tất cả bóng đèn đều sáng, cũng không có mùi cũ nát, mọi thứ vẫn giống như mọi khi, như nó cần phải thế. Chúng tôi tới phòng nhân viên hỏi một anh chàng ngồi đó xem anh ta có để ý tới chuyện vừa rồi không, nhưng anh thề lên thề xuống rằng anh ta thức suốt và không có chuyện mất điện. Rồi để cho chắc chắn, chúng tôi đi kiểm tra hết tầng mười sáu, từ đầu tầng tới cuối tầng. Không có gì bất thường cả. Cứ như thể tôi đã bị bỏ bùa mê hay cái gì tương tư vậy.”
“Chúng tôi trở xuống, sau đó người quản lý dẫn tôi vào văn phòng của ông. Tôi đã đinh ninh quản lý sẽ hét vào mặt tôi, nhưng thậm chí ông ấy còn không hề nổi giận. Ông yêu cầu tôi kể chi tiết hơn những điều đã xảy ra. Tôi giải thích theo cách rõ ràng nhất có thể, từ đầu cho tới cả tiếng bước chân theo sau lưng tôi nữa. Tôi có cảm giác mình là một con ngốc hết thuốc chữa. Tôi chắc mẩm thế nào ông cũng cười nhạo tôi và nói tôi đã mơ ra toàn bộ câu chuyện này.”
“Nhưng ông ấy không cười hay gì đó. Thay vì thế, ông lại tỏ ra cực kỳ nghiêm túc. Rồi ông nói: Cô không được kể chuyện này cho bất cứ ai. Ông ấy nói rất dịu dàng. Có chuyện gì đó không ổn, nhưng chúng ta không nên làm các nhân viên khác hoảng sợ, vì vậy hãy giữ kín chuyện này. Phải nói thêm với anh rằng người quản lý này không phải mẫu người nói năng nhẹ nhàng. Ông ấy luôn sẵn sàng nổi xung bất cứ lúc nào. Vì vậy lúc đó tôi thoáng nghĩ – có lẽ tôi không phải là người đầu tiên gặp phải chuyện này.”
Rồi cô ngồi im.
“Và cô chưa từng nghe ai đó nói gì về những chuyện như thế phải không? Trải nghiệm quái dị, những chuyện lạ kỳ hay bất kỳ thứ gì huyền bí? Thế còn những tin đồn?”
Cô trầm ngâm suy nghĩ rồi lắc đầu. “Không, không có, theo tôi thì không. Nhưng thực sự có gì đó rất lạ ở nơi này. Cách người quản lý phản ứng khi tôi kể cho ông ta chuyện gì đã xảy ra và cả những câu chuyện rầm rì trong suốt một thời gian dài. Tôi không thể giải thích rõ hơn, nhưng đúng là có gì đó không ổn. Khách sạn này hoàn toàn không giống như khách sạn trước đây tôi đã làm việc. Tất nhiên, đó không phải là một khách sạn lớn thế này, nên mọi chuyện cũng có hơi khác, nhưng ở đây thìquákhác biệt. Khách sạn đó có những câu chuyện ma của riêng nó – có lẽ là khách sạn nào cũng có một câu chuyện như vậy cả – nhưng nhân viên chúng tôi chỉ thấy buồn cười thôi. Còn ở đây, hoàn toàn không như vậy. Chẳng ai cười cả. Vì vậy nó càng đáng sợ hơn. Giả dụ nếu như người quản lý coi nó như trò đùa, hoặc thậm chí ông ta quát vào mặt tôi thì chắc đã không lạ đến thế. Nếu thế chắc tôi đã nghĩ có lẽ chỉ có chút trục trặc hoặc gì đó tương tự thôi.”
Cô nheo mắt nhìn chiếc cốc đang cầm trên tay.
“Sau đó cô có trở lại tầng mười sáu không?” tôi hỏi.
“Nhiều lần rồi,” cô điềm đạm trả lời. “Trên ấy vẫn thuộc phạm vi phục vụ của tôi, vì vậy dù muốn hay không, tôi cũng phải lên đó khi cần thiết. Nhưng tôi chỉ lên vào ban ngày thôi. Tôi không bao giờ lên đó lúc đêm khuya cả, dẫu có chuyện gì cũng vậy. Tôi không bao giờ muốn trải quachuyện đómột lần nào nữa. Đó là lý do tại sao tôi không làm ca đêm. Thậm chí tôi còn nói thẳng với sếp như vậy.”
“Và cô chưa từng kể chuyện này với ai ư?”
Cô nhanh chóng lắc đầu. “Tôi đã nói rồi, đây là lần đầu tiên. Dù gì thì cũng chẳng ai tin tôi đâu. Tôi kể chuyện này với anh vì tôi nghĩ có thể anh có manh mối nào về chuyện đã xảy ra trên tầng mười sáu.”
“Tôi ư?”
Cô lơ đãng nhìn tôi. “À thì, thứ nhất, anh biết về khách sạn Cá Heo cũ và muốn biết chuyện gì đã xảy ra với nó. Tôi không thể kìm được hy vọng rằng anh biết gì đó về những việc tôi đã trải qua.”
“Không, tôi e là không,” tôi nói sau một thoáng suy nghĩ. “Tôi không phải là chuyên gia về khách sạn. Khách sạn Cá Heo cũ nhỏ và không nổi tiếng lắm. Đó chỉ là một khách sạn bình thường thôi.”
Tất nhiên là tôi chưa bao giờ nghĩ khách sạn Cá Heo cũ chỉ là một khách sạn bình thường, nhưng tôi không muốn chọc vào cái tổ ong rối rắm này nữa.
“Nhưng chiều nay, khi tôi hỏi anh về khách sạn Cá Heo, anh nói đó là cả một câu chuyện dài. Anh nói vậy là có ý gì?”
“Đó là chuyện riêng của tôi thôi,” tôi nói. “Nếu kể chuyện đó ra thì phức tạp lắm. Dù sao chăng nữa, tôi không nghĩ là nó liên quan gì đến chuyện cô vừa kể.”
Cô có vẻ thất vọng. Khẽ cắn môi, cô nhìn chăm chú xuống bàn tay.
“Xin lỗi, tôi không thể giúp gì được hơn,” tôi nói, “đặc biệt là sau tất cả những rắc rối cô gặp phải khi kể cho tôi chuyện này.”

“Ồ, anh đừng lo, đó không phải lỗi của anh. Tôi vẫn thấy vui vì nói được với anh về chuyện đó. Những chuyện kiểu thế này, cứ giữ ở trong lòng thì dần sẽ sinh bực bội.”
“Phải, hãy xả nó ra đi. Nếu cô không làm vậy, nó sẽ càng lớn dần trong đầu cô.” Tôi vòng tay tạo thành một quả bóng căng quá cỡ.
Cô lặng lẽ gật đầu trong khi nghịch ngợm chiếc nhẫn, tháo nó ra khỏi ngón tay rồi lại đeo vào.
“Nói cho tôi biết đi, anh có tin câu chuyện của tôi không? Về tầng mười sáu và về mọi thứ?” cô thì thầm, mắt không rời khỏi những ngón tay.
“Tất nhiên là tôi tin cô,” tôi trả lời.
“Thật không? Nhưng nó có vẻ thậtquái đản, anh không nghĩ vậy à?”
“Có thể, nhưng những chuyện quái đản vẫn xảy ra mà. Tôi biết vậy mà. Đó là lý do tại sao tôi tin cô. Mọi chuyện đều có liên kết với nhau tại một điểm nào đó, tôi nghĩ vậy.”
Cô suy nghĩ trong giây lát. “Nghĩa là anh cũng từng trải qua một chuyện tương tự?”
“Phải. Ít nhất thì tôi nghĩ thế.”
“Có đáng sợ không?” cô hỏi.
“Không, nó không giống chuyện của cô,” tôi đáp. “Không, ý tôi là, mọi chuyện tương quan theo nhiều cách khác nhau. Với tôi…” Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, những lời nói mắc nghẹn trong cổ họng tôi. Như thể bị ai đó rút dây điện thoại ra vậy. Tôi nhấp một ngụm whiskey và cố gắng lần nữa. “Xin lỗi. Tôi không biết phải diễn đạt thế nào. Nhưng chắc chắn là tôi đã nhìn thấy những chuyện quái dị xảy ra với mình. Do đó tôi luôn sẵn sàng tin những điều cô nói. Tôi không nghĩ là cô đã bịa ra câu chuyện đó.”
Cô ngước mắt lên và mỉm cười. Một nụ cười thật đặc biệt, tôi nghĩ vậy, không phải nụ cười chuyên nghiệp xã giao thường thấy. Rồi cô thả lỏng người. “Tôi không biết tại sao,” cô nói, “nhưng nói chuyện với anh tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Bình thường tôi khá nhút nhát. Tôi thấy rất khó khăn khi nói chuyện với người lạ, nhưng với anh thì khác.”
“Có thể chúng ta có điểm chung nào đó,” tôi cười.
Cô không biết phản ứng ra sao với lời nhận xét ấy, rốt cuộc cô chẳng nói lời nào. Thay vào đó, cô thở dài rồi hỏi, “Anh muốn ăn gì không? Tự nhiên tôi thấy đói quá.”
Tôi mời cô đến đâu đó để ăn một bữa, nhưng cô nói ăn nhanh luôn ở đây cũng được.
Chúng tôi gọi một cái pizza. Và vừa ăn vừa tiếp tục nói chuyện. Về công việc tại khách sạn, về cuộc sống ở Sapporo. Về bản thân cô. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, cô theo học tại một trường quản lý khách sạn trong hai năm, rồi làm việc tại một khách sạn ở Tokyo chừng hai năm, sau đó cô trả lời thông báo tuyển dụng của khách sạn Cá Heo mới. Năm nay cô hai mươi ba tuổi. Chuyển tới thành phố Sapporo là một việc tốt với cô; bố mẹ cô có một quán trọ gần Asahikawa, cách chỗ này khoảng trăm hai mươi cây số.
“Đó là một quán trọ khá nổi tiếng. Bố mẹ tôi mở từ khá lâu rồi,” cô nói.
“Sau khi nghỉ việc ở đây, cô sẽ tiếp quản việc kinh doanh của gia đình chứ?” tôi hỏi.
“Không nhất thiết,” cô trả lời rồi nâng lại gọng kính.” Tôi không nghĩ xa như thế. Tôi chỉ thích công việc ở khách sạn. Mọi người đến, nghỉ lại và ra đi, cứ thế. Ở giữa tất cả những điều đó, tôi có cảm giác thoải mái. Nó khiến tôi thấy dễ chịu. Dù sao thì đó là môi trường nơi tôi đã lớn lên mà.”
“Vậy đó là lý do,” tôi hỏi.
“Lý do gì cơ?”
“Tại sao khi đứng trước bàn lễ tân, cô trông giống như một nàng tiên khách sạn vậy.”
“Nàng tiên của khách sạn?” cô bật cười.” Anh nói hay thật! Giá mà tôi có thể được như vậy.”
“Tôi chắc là cô làm được, nếu đó là điều cô muốn,” tôi mỉm cười đáp.
Cô nghĩ về điều đó một lúc, rồi yêu cầu tôi kể chuyện của mình.
“Không thú vị lắm đâu,” tôi tỏ ý từ chối, nhưng cô vẫn muốn nghe. Vậy nên tôi đành kể vắn tắt đại khái vài câu: ba tư tuổi, đã ly dị, làm nghề viết lách tạp nham, lái một chiếc Subaru cũ. Không có gì đặc sắc.
Nhưng cô vẫn tò mò về công việc của tôi. Vì vậy, tôi kể cho cô nghe về những cuộc phỏng vấn của mình với các ngôi sao mới sắp nổi danh, về bài của tôi về những nhà hàng tại Hakodate.
“Nghe thú vị đấy chứ,” cô nói, tươi tỉnh hẳn lên.
“Thú vị không phải từ đúng. Bản thân viết lách không phải là việc gì to tát. Ý tôi là, tôi thích viết. Thậm chí viết còn khiến tôi thấy thư giãn nữa. Nhưng nội dung tôi viết ra thì hoàn toàn là con số không. Thực sự vô nghĩa.”
“Ý anh là sao?”
“Ý tôi là, ví dụ cô đi một vòng mười lăm nhà hàng trong một ngày, ăn mỗi món một miếng và để thừa tất cả chỗ còn lại. Cô thấy nó có ý nghĩa gì không?”
“Nhưng anh không thể ăn hết được tất cả phải không?”
“Tất nhiên là không. Nếu làm vậy chỉ trong vòng ba ngày, tôi sẽ chết bất đắc kỳ tử. Và mọi người sẽ nghĩ tôi là một thằng ngốc. Tôi sẽ chẳng được ai thương tiếc cả.”
“Vậy anh lựa chọn cách nào?” cô hỏi.
“Tôi không biết, với tôi, việc ấy giống như xúc dọn tuyết vậy. Ta làm vì phải có ai đó làm, chứ không phải vì nó thú vị.
“Xúc dọn tuyết ư?” cô trầm ngâm.
“Ừm, cô biết đấy, tuyết văn hóa,” tôi nói.
Chúng tôi uống khá nhiều. Tôi không nhớ là bao nhiêu, nhưng khi cô nhìn đồng hồ và nói mình phải đi làm vào sáng sớm thì đã hơn mười một giờ. Tôi thanh toán rồi cùng cô bước ra ngoài trong cơn mưa tuyết. Tôi đề nghị được đưa cô về bằng taxi, chỉ cách khoảng mười phút chạy xe. Tuyết không dày, nhưng đường đã đóng băng trơn tuột. Cô nắm chặt cánh tay tôi trên đoạn đường đi tới chỗ chờ taxi. Tôi nghĩ cô đã khá say.
“Bài báo đã vạch trần vụ xây dựng của khách sạn ấy,” tôi nói khi chúng tôi cẩn thận bước đi trên đường,” Cô còn nhớ tên tờ tạp chí đó chứ? Bài đăng vào khoảng thời gian nào vậy?
Cô trả lời ngay tức thì. “Tôi chắc là vào mùa thu năm ngoái. Tôi không đọc, nên thực tình không thể nói với anh nó viết cái gì được.”
Chúng tôi đứng chờ taxi khoảng năm phút trong màn hoa tuyết bay bay. Cô bám chặt lấy cánh tay tôi.
“Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác thư giãn thế này,” cô nói. Ý nghĩ ấy cũng hiện lên trong đầu tôi. Có lẽ chúng tôi thực sự có một điểm chung nào đó, hai chúng tôi.

Ngồi trong taxi, chúng tôi không nói chuyện gì đặc biệt, về tuyết và cái lạnh, thời gian làm việc của cô, mọi chuyện ở Tokyo. Vì thế khiến tôi băn khoăn không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chỉ cần một bước nhỏ nữa là tôi có thể qua đêm với cô. Tôi cảm nhận được điều đó. Thực ra thì tôi không biết cô có muốn qua đêm với mình hay không. Nhưng tôi hiểu cô sẽ không ngần ngại ngủ với tôi. Tôi có thể đọc được điều ấy trong ánh mắt của cô, cách cô thở, kiểu mà cô nói chuyện và thậm chí từ cả những chuyển động của bàn tay cô. Và tất nhiên, tôi biết mình cũng không thấy ngại gì khi qua đêm với cô. Dường như chẳng có gì phức tạp cả. Đơn giản là tôi ghé qua, rồi ngủ lại. Giống như chính cô đã nói. Nhưng, bằng cách nào đó, ý chí của tôi đã thắng. Ý niệm về sự công bằng cứ phảng phất đâu đó trong đầu tôi. Cô trẻ hơn tôi mười tuổi, tâm trạng không được ổn định lắm, và cô đã uống nhiều đến mức không đi thẳng nổi. Chuyện này giống như đánh cược khi biết trước kết quả vậy. Không công bằng.
Nhưng công bằng trong quan hệ tình dục thì có ý nghĩa gì chứ? Nếu thứ ta muốn là sự công bằng, cuộc sống tình dục của ta sẽ chỉ thú vị như tảo mọc trong bể cá mà thôi.
Giọng của lẽ phải.
Cuộc đấu tranh nội tâm vẫn hết sức ác liệt khi chiếc xe taxi chở chúng tôi tới khu nhà bê tông cốt thép giản dị và rồi cô nhanh chóng quét bay mâu thuẫn trong tôi. “Tôi sống cùng em gái,” cô nói.
Không còn ý nghĩ nào về chuyện cần hay là muốn nữa. Tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút.
Nhưng khi ra khỏi xe, cô hỏi tôi liệu có đưa cô đến cửa nhà được không. Đại khái cũng chẳng có lý do gì, cô giải thích, nhưng thỉnh thoảng về khuya, có một người đàn ông lạ trong hành lang. Tôi dặn người lái xe đợi vài phút, rồi đi cùng cô, tay trong tay, dọc dãy hành lang lạnh giá. Chúng tôi lên hai lượt cầu thang, tới căn phòng đánh số 306 của cô. Cô mở ví lục tìm chìa khóa. Rồi cô ngượng nghịu mỉm cười, nói cảm ơn, bảo rằng hôm nay cô rất vui.
Như mọi khi, tôi bảo cô đừng khách sáo.
Cô mở khóa rồi nhét chìa khóa vào ví. Tiếng kéo khóa ví khô khốc vang tận xuổng cả hành lang. Rồi cô nhìn thẳng vào tôi. Tựa như đang nhìn vào một đề bài môn hình học. Cô đang do dự, không thể quyết định xem mình nên nói lời tạm biệt thế nào. Tôi có thể nhận ra điều đó.
Chống tay lên tường, tôi chờ cô đưa ra quyết định gì đó, nhưng dường như không có tiến triển.
“Chúc ngủ ngon,” tôi nói, “Cho tôi gửi lời hỏi thăm em gái cô.”
Cô mím chặt môi trong, khoảng bốn hay năm giây. “Chuyện sống cùng em gái,” cô gần như thầm thì, “Chuyện đó không phải là sự thực. Thực ra, tôi sống một mình.”
“Tôi biết,” tôi đáp.
Mặt cô dần ửng hồng. “Làm sao anh biết?”
“Không biết nói sao, tôi chỉ biết thôi,” tôi đáp.
“Anh thật là quá quắt, anh biết không?”
Khi tôi quay lại, người lái xe đang đọc một tờ báo thể thao. Anh ta có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi lên xe và bảo đưa tôi về khách sạn Cá Heo.
“Anh thật sự muốn quay lại chứ?” anh ta cười gượng gạo hỏi. “Theo lẽ thường, tôi đoán là anh sẽ trả tiền và bảo tôi đi. Thông thường đều là vậy.”
“Tôi cá là vậy.”
“Khi làm công việc này lâu như tôi, trực giác của anh sẽ gần như không bao giờ sai cả.”
“Khi làm một công việc lâu như vậy, chắc chắn anh sẽ đoán trượt vài lần. Quy luật trung bình mà.”
“Có lẽ vậy,” người lái xe trả lời, có vẻ hơi bối rối. “Nhưng dù gì thì vẫn rất lạ, anh bạn ạ.”
“Có thể,” tôi đáp, “cũng có thể như vậy.”
Trở về phòng, Tôi rửa mặt qua loa trước khi lên giường. Đó là lúc tôi bắt đầu thấy hối tiếc về những việc mình đã làm – hay đã không làm – nhưng rồi tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Sự nuối tiếc của tôi thường không kéo dài quá lâu.
Việc đầu tiên tôi làm vào buổi sáng là gọi cho quầy lễ tân và gia hạn thời gian ở lại khách sạn thêm ba ngày nữa. Đang là mùa vắng khách nên họ rất vui vẻ đồng ý.
Tiếp đó tôi mua báo, tới một cửa hàng Dunkin Donuts gần đó ăn hai chiếc bánh xốp nướng cùng hai tách cà phê lớn. Bữa sáng trong khách sạn chỉ ăn một hôm là chán ngấy. Cửa tiệm Dunkin Donuts là cứu tinh. Giá rẻ và còn có thể xin thêm cà phê.
Rồi tôi lên một chiếc taxi và bảo người lái xe đưa tới thư viện lớn nhất ở Sapporo. Tôi kiếm mấy số cũ của tờ tạp chí mà bài viết về khách sạn Cá Heo có vẻ từng xuất hiện và tìm thấy nó trong số ra ngày 20 tháng Mười. Tôi sao lại rồi mang nó tới quán cà phê gần đó để đọc.
Đó là một bài báo khá khó hiểu. Tôi phải đọc vài lần mới nắm được chuyện gì đã xảy ra. Tay phóng viên đã cố hết sức để viết một câu chuyện dễ hiểu, nhưng dường như mọi nỗ lực của anh ta vẫn không hiệu quả trước một mớ thông tin hỗn tạp. Rất lằng nhằng thông tin. Phải ngồi xuống nghiền ngẫm thì mới nắm được mạch câu chuyện. Tiêu đề bài báo là: “Thị trường bất động sản ở Sapporo: Những bàn tay đen phía sau công tác quy hoạch thành phố.” Và in dọc ngay bên cạnh là một tấm ảnh nhìn từ trên cao của khách sạn Cá Heo lúc gần hoàn thành.
Đầu đuôi câu chuyện là thế này: Có vài công ty nào đó đã mua một khu đất lớn trong một khu vực của thành phố Sapporo. Trong hai năm, tên các chủ đất mới thay đổi liên tục, rất mập mờ và thật khác thường. Giá đất tăng cao mà chẳng có lý do gì rõ rệt. Chỉ với chừng đó thông tin, tay phóng viên viết bài này đã bắt đầu tiến hành điều tra. Kết quả là: Đất đã được bán cho rất nhiều công ty, phần lớn chỉ tồn tại trên giấy tờ. Những công ty đó đều đăng ký đầy đủ, họ đóng thuế, nhưng không hề có văn phòng và nhân viên. Những công ty ma này lại có quan hệ chặt chẽ với những công ty ma khác. Cho dù họ là ai thì trò tung hứng với quyền sở hữu đất này cũng thật cao tay. Một lô đất mua giá hai mươi triệu yên được bán, lại với giá sáu mười triệu yên, rồi tiếp sau đó được bán lại với giá hai trăm triệu yên. Nếu kiên trì lần theo dấu vết kẻ đứng sau mỗi công ty ma thông qua mê cung có vô số liên kết này, ta sẽ phát hiện ra rằng tất cả đều kết thúc tại một điểm: đó là công ty B Industries, một tay chơi có tiếng trong làng bất động sản. B Industries hiện là một công ty thật với trụ sở chính hoành tráng ngụ tại khu Akasaka ở Tokyo. Một điều khác mà không phải ai cũng biết, B Industries dường như có liên kết với A Enterprises, một tập đoàn khổng lồ bao gồm các công ty đường sắt, một chuỗi khách sạn, một công ty sản xuất phim, dịch vụ thực phẩm, cửa hàng bách hóa, các tờ tạp chí… tất cả mọi thứ, bao gồm cả tín dụng ngân hàng và công ty bảo hiểm. A Enterprises có quan hệ trực tiếp với giới chính trị, chính điều này đã thôi thúc tay phóng viên kia đi sâu điều tra vụ này. Nhờ đó anh ta đã phát hiện ra nhiều điều thú vị hơn nữa. Khu đất ở Sapporo mà B Indtrustries đã nhanh tay mua gọn nằm trong vùng quy hoạch tái phát triển của thành phố. Những kế hoạch xây dựng tuyến tàu điện ngầm cũng như di chuyển các cơ quan chính phủ rời khu vực đó đã được xúc tiến. Phần lớn chi phí cho các dự án cơ sở hạ tầng đều là của nhà nước. Dường như chính phủ và chính quyền cấp tỉnh, thành phố đã cùng nhau lập kế hoạch, thống nhất một chương trình quy hoạch toàn diện, cả phạm vi cũng như dự thảo ngân sách. Nhưng khi lật tấm “màn che” này lên, rõ ràng là mỗi mét vuông đất quy hoạch đã được mua một cách có hệ thống từ vài năm trước. Đã có ai đó tiết lộ thông tin cho A Enterprises, hơn nữa, những thông tin bị này bị rò rỉ từ trước khi kế hoạch tái phát triển được hoàn thành. Điều này cũng có nghĩa là, nói theo kiểu chính trị, những kế hoạch cuối cùng đều là “việc đã rồi” ngay từ ban đầu.
Tới đây khách sạn Cá Heo được nhắc đến. Nó là mũi nhọn của vụ lũng đoạn thị trường bất động sản này. Trước hết, khách sạn Cá Heo chiếm khu đất tốt nhất. Do vậy, A Enterprises có thể thiết lập văn phòng trong công trình kiến trúc bằng kim loại và đá cẩm thạch mới này, coi nó như đại bản doanh địa phương. Nó vừa là đèn hiệu hướng dẫn vừa là tháp canh, một biểu tượng rõ ràng của sự thay đổi cũng như một trung tâm chỉ huy có thể định hướng lại dòng người trong khu vực. Mọi thứ đang được tiến hành theo những kế hoạch cực kỳ phức tạp.
Đó chính là chủ nghĩa tư bản bậc cao: người chơi bỏ ra khoản vốn đầu tư lớn nhất nhận được những thông tin giá trị nhất nhằm gặt hái được lợi nhuận cao nhất như mong muốn với hiệu suất đầu tư lớn nhất – và không ai buồn để mắt đến điều đó. Nó chỉ là một phần của việc đầu tư ngày nay. Ta đòi hỏi lợi nhuận nhiều nhất cho số vốn đã bỏ ra. Một người mua xe cũ sẽ đá vào lốp xe, kiểm tra dưới nắp xe, còn một tập đoàn bỏ ra một trăm tỉ yên vốn đầu tư sẽ rà soát từng điểm nhỏ nhất tại nơi mà họ rót vốn vào, đôi lúc còn làm một số chuyện mờ ám nữa. Công bằng không có chỗ đứng ở đây. Với nhiều tiền như thế trong tay, ai lại ngồi suy ngẫm về những thứ trừu tượng như thế chứ?
Đôi lúc, thậm chí họ làm rất mạnh tay.
Giả dụ có ai đó không muốn bán đất. Một cửa hàng giày lâu năm chẳng hạn. Đó là lúc những gã thô bạo không biết từ đâu đột nhiên xuất hiện. Các công ty lớn có những mối liên kết riêng, và dám cá rằng trong bè cánh của họ có mọi đối tượng, từ các chính khách, tiểu thuyết gia, các ngôi sao nhạc rock đến những tênyazukachính hiệu. Vì vậy, họ chỉ cần ới đám trai tráng với thanh kiếm samurai của chúng là xong. Cảnh sát chẳng bao giờ thiết tha với các vụ như thế này, đặc biệt là khi những sắp xếp đều đã được quyết định từ bên trên. Thậm chí đó còn không phải là tham nhũng. Đó là cách cả hệ thống vận hành. Đó là đầu tư tư bản. Phải công nhận rằng, những chuyện như vậy không còn mới trong xã hội hiện đại này nữa rồi. Nhưng mọi thứ trong quá khứ chẳng là gì so với sự chính xác, quyền lực tuyệt đối và sự vững chắc của mạng lưới tư bản ngày nay. Chính những cỗ máy tính khổng lồ, với khả năng phi thường có thể quy nạp mọi sự vật và hiện tượng trên trái đất này vào mạng lưới tính toán của chúng, đã khiến tất cả những điều đó thành có thể. Chủ nghĩa tư bản bậc cao đã vượt qua chính nó. Không hề phóng đại, các giao dịch tài chính trên thực tế gần như đã trở thành hoạt động tôn giáo. Một chủ nghĩa thần bí mới. Người ta sùng bái tư bản, ngưỡng mộ tinh hoa của nó, quỳ gối trước những chiếc Porsche và giá đất ở Tokyo. Tôn thờ mọi thứ mà chiếc Porsche sáng loáng của họ biểu tượng. Đó là điều thần bí duy nhất còn tồn tại trên thế giới này.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại. Dù thích hay không, nó cũng là xã hội mà chúng ta đang sống. Thậm chí chuẩn mực đúng sai cũng bị phân hóa và làm cho trở nên phức tạp. Trong cái tốt, có cái tốt hợp thời và cái tốt không hợp thời, cũng tương tự như vậy cho cái xấu. Trong cái tốt hợp thời, lại có loại trang trọng, có loại bình thường; có loại tân thời, có loai sành điệu, có loại đúng mốt, có loại trưởng giả học làm sang. Nhào trộn chúng nhiều lần thành một mớ bùng nhùng. Giống như mặc một chiếc áo len hiệu Missoni với quần mác Trussardi và giày hãng Pollini vậy, giờ đây ta có thể thưởng thức sự lai tạp giữa nhiều kiểu đạo đức khác nhau. Đó là cách thức của thế giới – triết học ngày càng trở nên giống với quản trị kinh doanh.
Mặc dù lúc đó tôi không nghĩ vậy nhưng mọi thứ đều đơn giản hơn nhiều vào năm 1969. Điều duy nhất phải làm để chứng tỏ cái tôi là ném đá vào đám cảnh sát chống bạo loạn. Nhưng trong thời buổi phức tạp hiện nay, ai sẽ là người ném đá? Ai sẽ dũng cảm xông lên giữa làn hơi cay? Thôi, thực tại là thế. Mọi thứ đều được che đậy, được liên kết trong mạng lưới tư bản khổng lồ ấy, và đằng sau mạng lưới đó còn có mạng lưới khác. Không ai thoát được. Ta ném đi một hòn đá và nó sẽ bật ngược trở lại ta ngay tức khắc.
Tay phóng viên đã tốn rất nhiều công sức lần theo dấu vết để lại trên giấy tờ. Dẫu vậy, bất chấp anh ta có lớn tiếng thế nào – hay có lẽ chính vì anh ta quá lớn tiếng – bài báo thiếu sức thuyết phục đến quái lạ. Một khẩu hiệu ảnh hưởng rộng khắp ư, không phải. Dường như anh chàng này không nhận thức được: Chẳng có gì trong chuyện này là đáng ngờ hết. Đó là việchiển nhiêntrong chuyện làm ăn. Rất thông thường, như thứ tự ngày tháng vậy, ai cũng biết. Những thứ vốn chẳng ai quan tâm. Nếu các nhà đại tư bản lấy được thông tin một cách bất hợp pháp và mua vét đất đai, hay là thao túng vài quyết định chính trị, rồi giải quyết vụ việc bằng cách thuê bọnyakuzađe dọa một hiệu giày nhỏ ở đây, có thể đập cho ông chủ khách sạn hạng bét nào một trận, thì sao nào? Đời là vậy. Những hạt cát thời gian vẫn đang trượt dưới chân ta. Nơi chúng ta đang đứng không còn là nơi chúng ta đã đứng nữa.
Tay phóng viên đã làm hết sức mình. Bài báo này đã được nghiên cứu rất nghiêm túc trước khi viết ra, chất chứa nỗi căm phẫn muốn bảo vệ lẽ phải và quan điểm lạc hậu vô vọng.
Tôi gấp tờ giấy lại, cất vào túi và uống một ly cà phê khác.
Tôi nghĩ về tay chủ khách sạn Cá Heo cũ. Ngài Bất Hạnh, từ khi sinh ra đã bị cái bóng của thất bại che phủ. Không có lý nào anh ta có thể làm nên chuyện trong cái thời đại này.
“Lạc hậu!” tôi nói lớn tiếng.
Cô bồi bàn nhìn tôi với vẻ khó chịu.
Tôi gọi một chiếc taxi về khách sạn.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.