Nhất Phẩm Ngỗ Tác (Nữ Ngỗ Tác)

Chương 1: Nữ ngỗ tác duy nhất


Đọc truyện Nhất Phẩm Ngỗ Tác (Nữ Ngỗ Tác) – Chương 1: Nữ ngỗ tác duy nhất

Đại Hưng Nguyên Long năm thứ mười tám, mùng hai tháng sáu.

Huyện Cổ Thủy, thôn Triệu gia.

Sáng tinh mơ, trời vừa tạnh mưa, đường trong thôn lầy lội khó đi, cửa nhà Triệu Đại Bảo lại bị thôn dân vây kín tầng trong tầng ngoài. Bên
trong, thôn trưởng, bảo trưởng đều có mặt, ngay cả tộc công cũng bị kinh động đến đây. Bên ngoài, già trẻ gái trai ngó dáo dác, không bao lâu
sau, thấy trong phòng áp ra một người.

Người bị áp chính là Triệu Đại Bảo.

Triệu Đại Bảo bị trói gô, hai thanh niên trai tráng trong thôn áp
giải, một đường thúc đẩy, một đường kêu oan, “Tộc công! Ta oan uổng!”

“Ngươi oan uổng? Triệu Đại Bảo, đêm qua, láng giềng xung quanh đều
nghe thấy ngươi cùng bà di* nhà ngươi cãi nhau, bà di nhà ngươi la hét
ầm ĩ, ngươi còn quát mắng nói muốn đánh giết nàng. Sau nửa đêm nàng liền treo cổ trên xà nhà, chuyện này cũng thật trùng hợp.”

*Bà di: cách gọi thê tử của người nông dân, có thể xem thêm ở đây.

“Ta, chỉ là nhất thời xúc động nên nói thế, làm sao biết nàng lại nghĩ quẩn trong lòng, nửa đêm treo cổ!”

“Hừ! Có lẽ là ngươi nhẫn tâm giết bà di nhà ngươi, nhưng lại sợ bị tố tụng, cho nên dùng dây thừng treo nàng lên xà nhà, làm giả thành treo
cổ tự sát mới đúng?” Trong phòng có người hừ lạnh một tiếng, người nọ đi ra từ phía sau đám người tộc công, thôn trưởng, mặc một chiếc áo choàng thô, mặt mũi bóng loáng.

“Triệu Đồ Tử, ta cùng với ngươi không thù không oán, vì sao ngươi vu cáo hãm hại ta?” Triệu Đại Bảo nóng nảy đỏ mắt.

Triệu Đồ Tử lại hừ một tiếng, quét mắt nhìn thôn dân vây quanh trong
ngoài phòng, giả bộ chắp tay với mọi người, nói: “Các vị già trẻ, chúng
ta đều đã nghe chuyện xưa của lão bối mà lớn lên, chắc hẳn mọi người đều biết đến chuyện quỷ treo cổ? Người treo cổ chết, đầu lưỡi đều dài, có
khi đến ba tấc! Bà di của Triệu Đại Bảo treo cổ tự sát ở trên xà nhà,
nhưng đầu lưỡi một chút cũng không vươn ra ngoài miệng, chẳng phải kỳ
quái hay sao? Vừa rồi, ta cùng với tộc công vào nhà thu xác người từ
trên xà nhà xuống, các ngươi đoán xem, kết quả thế nào?”

Ngoài phòng không một tiếng động, trên dưới một trăm nhân khẩu đều
nhìn chằm chằm vào Triệu Đồ Tử, lòng hiếu kỳ bị đẩy lên thật cao, chờ
hắn nói câu tiếp theo.

Triệu Đồ Tử rất có mặt mũi ho một tiếng, xong mới cao giọng nói: “Dây thừng trên cổ của phụ nhân Triệu gia thắt rất chặt, cởi thế nào cũng
không được! Nếu là tự nàng treo cổ, trước tiên phải thắt nút dây thừng
sau đó mới chui đầu vào. Nhưng bà di của Triệu Đại Bảo dây thừng buộc
chặt ở cổ, cởi thế nào cũng không ra! Thử hỏi, khi đã chết rồi còn không tháo ra được, thế khi còn sống nàng chui vào bằng cách nào? Đây rõ ràng là bị người giết trước, xong sau đó đem treo lên trên xà nhà!”

Ngoài phòng vẫn không một tiếng động, dường như sau một lúc lâu mới có người nghĩ thông suốt, ồn ào như bừng tỉnh đại ngộ.

“Triệu Đại Bảo, lúc này sao ngươi không nói lời bao biện nào?” Triệu
Đồ Tử phá án vinh quang, ôm quyền quay sang ba vị lão giả, “Tộc công,
thôn trưởng, bảo trưởng, dẫn hắn đi gặp quan phủ thôi!”

Hai thanh niên áp Triệu Đại Bảo lại bắt đầu thúc giục, Triệu Đại Bảo

hết đường chối cãi, gấp đến nỗi mặt đỏ bừng lên, cố gắng giãy dụa, “Tộc
công! Ta thật sự oan uổng! Ngài nhìn ta lớn lên từ nhỏ, ta có phải là
loại người ngoan độc giết thê tử như thế hay không ngài biết rõ hơn ai
hết? Bà di nhà ta vốn hung hãn, cãi nhau, đánh nhau một hồi, người chịu
thiệt không phải ta sao? Tối hôm qua ta khó thở, đúng là có la hét sớm
hay muộn cũng phải đánh giết nàng, nhưng đó chỉ là khi tức giận, ta nào
dám thực sự làm chuyện này! Tộc công, bà di nhà ta đã chết, trong nhà
vẫn còn một đôi trai gái, nếu ta cũng hàm oan mà chết, bọn chúng phải
sống như thế nào? Cầu ngài thương tình hai đứa nhỏ nhà ta, đừng nghe lời nói của Triệu Đồ Tử!”

Người đứng đầu là một lão nhân râu tóc hoa râm, thân hình lọm khọm,
nghe Triệu Bảo Đại nói thế, quay đầu nhìn một đôi hài tử đang khóc trong phòng, trên mặt lộ ra một chút không đành lòng, thở dài nói với hai gã
tráng niên: “Thôi, đi vào huyện một chuyến, mời Mộ cô nương đến đây.”

Người trong ngoài phòng nghe lời nói ấy, đều yên lặng.

Hai gã tráng niên đành phải buông Triệu Đại Bảo, đi ra sân. Bên ngoài sân, thôn dân tự động dạt ra thành một lối đi, nhìn hai gã tráng niên
đi về xa xa.

Ánh mắt còn chưa thu lại, trong đám người đã truyền đến giọng nói non nớt của một đứa nhỏ, “Mộ cô nương là ai?”

Một vị lão nhân nhìn về phía cháu trai nhỏ của mình, cười cười sờ đầu của hắn, “Mộ cô nương là nữ nhi của Mộ lão – ngỗ tác của huyện nha. Ba
tuổi đã đi theo Mộ lão ra vào nghĩa trang nha môn trong thành, luyện
được khả năng nghiệm thi vô cùng tài giỏi, có thể nói trò giỏi hơn thầy, năng lực hoàn toàn không thua kém Mộ lão.”

Ánh mắt của đứa bé trừng thật to, “Nữ tử?”

Hắn mặc dù tuổi nhỏ, nhưng cũng hiểu chuyện, công sai uy phong lẫm liệt trong huyện nha đều là nam tử.

“Đúng là… nữ tử.” Lão nhân cười cười, thở dài: “Cũng sợ là nữ ngỗ tác duy nhất của Đại Hưng ta.”

“Nữ quan sai?” Đứa bé ngạc nhiên hỏi.

“Cũng không phải là quan sai. Nữ tử dù sao cũng không thể làm quan,
Mộ cô nương chưa từng được ban chức ở huyện nha, chỉ là khả năng nghiệm
thi cao minh, tri huyện đại nhân cho phép nàng theo cha ra vào nghĩa
trang của công nha, khi Mộ lão không có ở trong thành, nếu như xảy ra án mạng, thi thể sẽ do nàng khám nghiệm.”

“Thật là lợi hại!” Đứa bé nháy mắt, ở trong mắt hắn, tất cả những
người có thể phá án giống như quan sai đều là nhân vật lợi hại.

“Lợi hại sao…ôi!” Lão nhân thở dài, nụ cười nhạt dần, “Đúng là lợi hại, nhưng chung quy vẫn là một nữ tử đáng thương.”

“Đáng thương?”

“Đúng là đáng thương! Sinh ra ở Mộ gia, chính là mệnh khổ của nàng.”
Lão nhân quay đầu, nhìn về phía thị trấn xa xa, giọng điệu trầm xuống,
giống như đang kể một câu chuyện xưa, “Triều đình ta, ngỗ tác chỉ là
tiện dịch (tiện dịch: công việc phụ dịch cho triều đình được cho là hà tiện, thấp kém nhất). Tiếp xúc với người chết, cả ngày xem nghiệm xương khô thịt nát, trên

người dính âm khí của người chết, đi ở trên đường chó ngửi thấy cũng
phải kêu hai tiếng. Nhóm quý nhân tất nhiên càng cảm thấy xúi quẩy. Từ
xưa đến nay, làm nghề ngỗ tác này đều là do tiện dân đảm đương. Mộ lão
tuy là ngỗ tác của huyện nha, trong người có chức quan nhưng dù sao cũng chỉ là tiện tịch*. Mộ cô nương sinh ra ở Mộ gia, tất nhiên cũng là tiện tịch. Cái đó cũng đành thôi, mà mẹ nàng lại còn là một quan nô.”

*Tiện tịch: Tiện tịch chính là “dân đen” không thuộc
loại sĩ nông công thương, đời đời truyền lại, không được cải biến. Bọn
họ không thể đi học thi cử, cũng không thể có chức tước. Chủ yếu có dân
không nghề nghiệp

“Quan nô?”

“Đúng vậy. Bộ tộc của mẹ nàng nghe nói trước kia rất có chỗ đứng, ở
Thịnh kinh chính là thế gia vọng tộc. Đáng tiếc trong triều tranh đấu,
mười tám năm trước bị hoạch tội, nam tử trong tộc đều bị giết chết, nữ
tử trở thành quan nô. Mẹ nàng bị chuyển đến huyện Cổ Thủy, vừa vặn bị
tri huyện đại nhân nhìn trúng, có ý định nạp thành thiếp, nhưng đại phu
nhân trong phủ không đồng ý, mẹ nàng cũng không nguyện, cho nên cầu xin
gả cho Mộ lão. Đường đường là thiên kim của quan gia, cuối cùng lại gả
cho một ngỗ tác, ai! Đúng là người đáng thương. Đáng tiếc trời xanh
không chiếu cố, nàng vừa lập gia đình chưa đến hai năm, đến khi sinh Mộ
cô nương lại vì khó sinh mà qua đời.”

Lão nhân thở dài, “Mộ cô nương vừa ra đời, mẹ nàng liền tắt thở, thầy bói phán nàng số khắc mọi người, bà vú trong trấn đều sợ bị nàng khắc,
cho nên không ai chịu nuôi nấng. Mộ lão không mời được bà vú, lại không
đành lòng nhìn nữ nhi đói chết, cho nên đến thôn chúng ta mua hai con dê sữa, vừa làm cha vừa làm mẹ mà nuôi nàng lớn. Bởi vì thầy bói nói sát
khí trên người nàng quá nặng, chỉ có thể thường xuyên tiếp xúc với người chết mới có thể sống sót, cho nên Mộ lão cầu xin tri huyện đại nhân
mang nàng theo bên người ra vào nghĩa trang nha huyện, cũng đem toàn bộ
bản lĩnh nghiệm thi truyền cho nàng. Nói đến cũng lạ, từ khi Mộ lão dẫn
theo con gái đến nghĩa trang xử án, phàm là án mạng trong huyện chúng
ta, không có vụ nào không phá được! Án mạng phá được nhiều, danh tiếng
của tri huyện đại nhân tự nhiên cũng cao lên, những năm gần đây huyện
nha chúng ta liên tục được thăng quan ban thưởng! Mọi người trong trấn
đều nói, vị Mộ cô nương này sát khí quá nặng, có lẽ là phán quan âm ty
chuyển thế, mặc dù e ngại nàng, nhưng cũng thực sự là kính trọng. Ngay
cả tri huyện đại nhân cũng cho phép nàng tự do ra vào công nha, nghiễm
nhiên coi nàng là nữ ngỗ tác của nha môn.”

Đứa bé nghe kể đến mê say, cảm thấy chuyện này so với chuyện xưa mẹ kể trước lúc đi ngủ còn hay hơn.

Ngữ khí của lão nhân bên cạnh vừa cao lên lại trầm xuống, thở dài
nói: “Than ôi! Dù vậy, Mộ cô nương vẫn chỉ là nữ tử. Nàng xuất thân như
thế, lời đồn như thế, chỉ sợ sau này khó có thể gả cho người tốt. Đáng
thương nàng có dung mạo xinh đẹp, nhưng chỉ sợ mệnh khổ giống như mẹ
mình.”

“Bộ dạng xinh đẹp? Xinh đẹp thế nào? Có thể so với A Tú tỷ tỷ ở trong thôn hay không?” Đứa bé tò mò hỏi.


Lão nhân cười cười, sờ sờ đầu cháu trai, “Bọn họ sắp đến rồi, gặp sẽ biết.”

***

Giang Nam Tháng sáu, đúng là mùa mưa.

Đêm qua vừa mưa, sáng sớm trời trong chưa được bao lâu, lại có mưa xuống.

Giang Nam mưa bụi, che kín con đường khúc khuỷu trước thôn, trong mưa bụi mênh mông, mơ hồ trông thấy có bóng người đi lại.

Mọi người đều ngoái đầu trông về phía cửa thôn, đứa bé bung dù, hưng
phấn chui lên phía trước, ngoái cổ trông về phía cuối đường.

Cuối đường, bóng người càng ngày càng rõ, gió khẽ nổi, sương mù luẩn
quẩn, góc váy trắng thuần. Một chiếc ô dầu, che nửa khuôn mặt, đoạn cổ
tay nắm ô ngưng sương trắng hơn tuyết, nước mưa rơi xuống tán ô tí tách.

Đất trời yên tĩnh, chỉ có tiếng mưa rơi. Người tới đi đến trước
phòng, thôn nhân nhớ tới nàng có danh hào phán quan âm ty, vội vàng chia nhau tản ra, trong ánh mắt quả nhiên là có e ngại có kính sợ, nhìn nàng thu ô lại, trông vào phòng trong.

Ô dầu vừa thu lại, đứa bé đột nhiên trừng lớn mắt.

Chỉ thấy cô gái đứng yên trong mưa, đúng tuổi niên hoa, tóc đen vấn
nhẹ, gió khẽ thổi qua, sống lưng thẳng như ngọc trúc, phong tư thanh
trác. Dung nhan, một bút khó tả nổi, cảm thấy chỉ có dung nhan như vậy
mới xứng với phong tư thanh trác thế kia. Quả nhiên là “trong mưa người
tựa trúc, tay trắng như tuyết sương”*. Phong tư thanh trác tuyệt, giai
nhân thế vô song.

*Trong mưa người tựa trúc, tay trắng như tuyết sương: Hai câu thơ trong bài thơ Bồ Tát man kỳ 3, tả cảnh đẹp, người đẹp của Giang Nam.

Nhân gian chỉ nói quân tử như trúc, không ngờ, thế gian lại có nữ tử có phong tư bậc này.

Người trong thôn thuần phác, không đọc nhiều sách, cũng không biết
nói lời hoa mỹ, nhưng ngay cả đứa bé cũng có thể nhìn ra được, dung nhan của A Tú trong thôn so với cô gái trước mặt chẳng qua chỉ là son phấn
tầm thường.

Gió như ngừng thổi, đám người yên tĩnh lạ thường. Dưới mái hiên ba vị tộc lão đã đứng dậy, đang muốn ra nghênh đón, cô gái lại trước nhanh
một bước đến hành lễ trước: “Ba vị tộc lão!”

Giọng nói của nàng mặc dù lãnh đạm, nhưng trong mưa lại có một phen
tư vị khác. Tam vị tộc lão thấy cấp bậc lễ nghĩa của nàng chu toàn, cũng không dám tùy tiện, vội vàng nói: “Đa tạ Mộ cô nương không quản ngày
mưa tới đây, chuyện nhà của Triệu Đại Bảo, chắc trên đường cô nương đã
nghe nói. Người đang được đặt trong phòng, cô nương mau vào nhìn xem.”

Mộ Thanh gật đầu, nhấc chân đi vào, người vào trong phòng, ngoài sân
chỉ còn lưu lại hương dược thoang thoảng. Đứa nhỏ ngửi được hương dược
trong gió, ngẩng đầu nhìn ông nội, trong đôi mắt ngây thơ chất phác có
chút khó hiểu, không phải nói trên người ngỗ tác đều là mùi hôi thối của xương khô thịt nát ư? Sao trên người Mộ cô nương này lại không ngửi
thấy?

Hơn nữa hương dược kia còn pha lẫn tinh thần tươi mát, rất dễ ngửi!

Bên ngoài, mọi người sốt ruột chờ đợi.

Trong sân, Triệu Đại Bảo bị trói gô ngồi ở trên mặt đất lầy lội, cả

người ướt đẫm, nhưng đôi mắt lại dán chặt vào cửa lớn nhà mình, trong
hai mắt chứa đựng vẻ mong đợi.

Qua thời gian uống một chén trà nhỏ, cửa mở.

Mộ Thanh đi ra, trên dưới một trăm con mắt của người dân trong thôn đồng loạt nhìn về phía nàng.

“Tự tử.” Tính tình nàng lãnh đạm, nói năng cũng ngắn gọn, nhưng đối
với Triệu Đại Bảo mà nói, cũng là hai chữ nặng nhất cuộc đời này của
hắn.

Hai chữ, giũ sạch oan khuất, cứu sống tính mạng hắn.

Mọi người vây xem bắt đầu xôn xao, nghị luận sôi nổi, mới vừa rồi
Triệu Đồ Tử nói vô cùng rõ ràng có đạo lý, gia phụ của Triệu Đại Bảo là
bị người khác giết sau đó mới tròng cổ vào giây thừng, nhưng chưa đến
một canh giờ sau, lại biến thành tự tử?

Nhưng lời nói của Mộ Thanh, không có người nào không tin. Vụ án qua tay nàng, vốn chưa bao giờ có sai lầm!

Chỉ là mọi người không rõ —— vì sao?

“Không thể nào!” Trong sân bỗng nhiên truyền đến một tiếng hô to, có người xô ra, vẻ mặt không phục.

Đúng là Triệu Đồ Tử.

—— Nói ngoài lề ——

Chào các chị em, từ biệt đã bảy tháng.

Đã nói trước, ngày 1 tháng 11, ta sẽ trở lại.

Mọi người không nhìn lầm đâu, văn mới là cổ ngôn.

Vì sao lại là cổ ngôn?

Thật ra cổ đại hay hiện đại đều không có vấn đề gì, chỉ là ta muốn
viết chuyện xưa về một nữ pháp y kiêm nhà phân tích biểu tình, mà chuyện xưa kiểu này đặt ở cổ đại chắc chắn sẽ phấn khích hơn ở hiện đại, chỉ
đơn giản như vậy thôi!

Vẫn là nữ cường.

Vẫn là văn phong thoải mái.

Vẫn là phong cách văn có sử dụng tư liệu.

Vẫn là một chuyện xưa để ta tự do thao thao bất tuyệt.

Chuyện xưa ở cổ đại, ta còn có thể thấy các chị em thường lui tới ở hiện đại không?

Đến đây đi, cùng ta xuyên về cổ đại! Để cho ta xem có bao nhiêu gương mặt quen thuộc, thật sự rất nhớ các ngươi.

Không cầu hoa tươi, không cầu đi sâu phân tích, không cầu khen
thưởng. Chỉ cầu các ngươi nguyện ý ủng hộ đến cùng, đem câu chuyện xưa
ta bảy tháng khổ công suy nghĩ đóng gói, bỏ vào giá sách của các ngươi!

Chiến trường mới, chuyện xưa mới, phấn khích mới, các ngươi có thể ủng hộ hay không?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.