Nhật Nguyệt Đương Không

Chương 38: Tăng vương Pháp Minh (thượng)


Đọc truyện Nhật Nguyệt Đương Không – Chương 38: Tăng vương Pháp Minh (thượng)


Sau khi trở về thành, Vạn Nhận Vũ dẫn Long Ưng đến Trinh Quan tiền trang (tiền trang: tương tự ngân hàng bây giờ – BTV) nơi thành Nam, lấy một lượng vàng đổi hơn sáu trăm Khai Nguyên Thông Bảo.
Mỗi Thông Bảo nặng một tiền, mười tiền là một lượng, bởi vậy một xâu mười Thông Bảo chính là một lượng bạc, sáu trăm Thông Bảo là sáu mươi lượng, cũng được coi là một món của cải nho nhỏ.
Từ khi Đường cao tổ Võ Đức ban hành Khai Nguyên Thông Bảo, kết thúc cục diện Hán Vũ đế dùng tiền Ngũ Thù thống nhất thiên hạ (tiền Ngũ Thù là một loại tiền tệ được sử dụng lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc – BTV), Thông Bảo dần dần đã thay thế được chuyện lấy lụa trắng cùng ngũ cốc làm tiền trao đổi trong dân gian. Lại thêm chuyện mua bán thương phẩm cũng phát triển, luật lưỡng thuế được thi hành, cho nên trong những thành thị buôn bán phát đạt, tiền được lưu thông một cách toàn diện. Những nơi tiếp nhận việc gửi, nhận các khoản tiền của cá nhân, hiệu buôn như Trinh Quan tiền trang, mà dân gian thường gọi là nghề “phi tiền” (trao đổi, mua bán tiền tệ), cũng đúng thời mà sinh ra.
Hầu bao của Long Ưng căng phồng lên, khí phách cũng trở nên phấn chấn hẳn. Hắn kiên trì làm chủ, dẫn Vạn Nhận Vũ tùy tiện tìm một nhà bán mì rồi kêu mỗi người một bát mì, hai người xì xụp ăn.
Vạn Nhận Vũ nói:
– Nếu Tỉnh Trung Nguyệt không phát ánh vàng trên tay ta, thì Long huynh sẽ làm thế nào?
Long Ưng vừa ăn mì, vừa ú ớ trả lời:
– Rất đơn giản, lập tức huơ đao chém liên tục, chém đến khi Vạn huynh quỳ xuống đất xin tha, sau đó lấy lại bảo đao.
Hai người nhìn nhau một cái, rồi bỗng cười to lên, khiến người chung quanh phải ngoái nhìn.
Vạn Nhận Vũ thổi phù phù, nói:
– Đã rất lâu rồi chưa từng được vui như thế này, không những nhận được đao, mà còn kết giao được với tên kỳ nhân ngươi nữa. Bà nội nó! Trước kia nếu có người bảo ta rằng trong thiên hạ có người tiện tay tặng Tỉnh Trung Nguyệt cho người khác, thì Vạn mỗ đây chính là người đầu tiên không tin đấy.
Long Ưng hỏi:
– Ăn xong mì thì Vạn huynh định đến nơi nào?
Vạn Nhận Vũ bưng bát mì lên, húp không chừa một giọt nước, rồi bỏ bát xuống, lấy ống tay áo quệt miệng:
– Đi đánh cờ!
Long Ưng ngạc nhiên:
– Chẳng phải ngày hôm qua huynh vừa mới đánh sao? Chắc là thua đến máu gà xông lên mặt, cho nên hôm nay đến để rửa nhục?

Vạn Nhận Vũ cười:
– Hôm nay đi để đánh tiếp ván ngày hôm qua. Vì ngày hôm qua mới đánh được nửa trận thì chuông báo giờ đã kêu coong coong, phu nhân người ta về nhà ngủ. Ván này rất có khả năng chính là ván mà ta thua ít nhất, sao có thể bỏ dở giữa chừng được. Hà, dù sao cũng đã trả mười lượng bạc rồi, chi bằng ngươi đánh cờ thay cho ta đi, thế nào?
Long Ưng nghĩ tới Bàn công công, bèn lắc đầu:
– Tiểu đệ vẫn còn bận rộn chút chuyện.
Vạn Nhận Vũ chợt hỏi:
– Ngươi nói xem, Tiểu Ma Nữ có đẹp không?
Long Ưng trả lời:
– Chỉ cần không phải là người mù thì đều sẽ bảo nàng là giai nhân tuyệt sắc, nhưng mà nàng lại là người hay bịp bợm, cứ nghĩ đến nàng là ta lại đau đầu. Nhưng nàng có liên quan gì đến chuyện đánh cờ?
Vạn Nhận Vũ vui vẻ nói:
– Đương nhiên là có quan hệ rất nhiều. Tiểu Ma Nữ là người đẹp nổi danh nhất Lạc Dương, mà Mộng Điệp phu nhân lại là người đẹp nổi danh thiên hạ. Ngươi nghĩ lại xem, lẽ nào ngươi không muốn tận mắt nhìn thấy sự khác biệt giữa hai người?
Long Ưng mắng:
– Khá lắm! Dám lấy sắc đẹp để dụ dỗ ta à?
Nhưng mà trong lòng vẫn ngứa ngáy, bèn nói một cách khó khăn:
– Ngày mai được không?
Vạn Nhận Vũ bảo:
– Đương nhiên là được. Hội cờ sẽ cử hành liên tục trong ba ngày mà. Chỉ cần hôm nay ta không đụng vào bàn cờ, thì ngày mai vẫn có thể đánh tiếp.
Long Ưng hỏi:

– Nếu thắng thì sao?
Lần này đến phiên Vạn Nhận Vũ cười mắng hắn:
– Thắng thì có thể lấy lại được mười lạng bạc, chứ ngươi còn muốn như thế nào nữa? Lẽ nào định dùng mười lượng bạc mà đi cược một đêm triền miên với đại mỹ nhân sao?
Long Ưng giơ tay đầu hàng. Hai người ước định địa điểm cùng thời gian ngày mai gặp nhau xong thì mỗi người một ngả.
Long Ưng đã thông minh hơn, sau khi vào thành thì trước tiên đi hỏi lính giữ cửa, đúng như hắn đoán, Bàn công công đã tới cung Thượng Dương chuẩn bị cử hành quốc yến đêm nay ở điện Quan Phong.
Long Ưng quay về cung Thượng Dương, khung cảnh đập vào mắt khiến cho hắn giật nẩy mình. Trên Phong Nghiễm tràng đã đậu mấy trăm chiếc xe do la kéo, hàng ngàn tên thái giám với cung nữ không ngừng ra vào cung điện, ai nấy bận rộn không ngơi, hắn tìm người hỏi mới biết Bàn công công vừa mới rời đi, nhưng không biết đi về phía nào.
Trong lòng Long Ưng chợt động, hắn vội vã chạy về Cam Thang viện, quả nhiên thấy Bàn công công đang ở trong đại sảnh chờ hắn.
Trước tiên, hắn kể lại chuyện hai ngày nay, khi hắn nói đến chuyện Nhân Nhã rất có khả năng bị Võ Chiếu nhận định là đứa con gái lúc xưa của bà nay đã tái sinh, và Võ Chiếu đã nhìn ra được mối quan hệ giữa bọn họ thì Bàn công công vẫn giữ nguyên thần sắc bình thản như từ đầu. Nhưng lúc hắn nói đến chuyện Dương Thiệt Lãnh thanh lý môn hộ, ông ta đột nhiên biến sắc, khiến cho hắn nghi hoặc vô cùng, bèn hỏi:
– Việc này có quan hệ trọng đại đến thế sao?
Bàn công công nói:
– Tiếp tục nói xong đi đã.
Long Ưng liền kể lại tường tận đầu đuôi căn nguyên mà Trương Giản Chi thẩm tra chuyện có liên quan đến Yến Phi, xong nói:
– Giả sử truyền kỳ Biên Hoang kia có thật, thì Hướng Vũ Điền ít nhất cũng đã sống gần hai trăm năm, rõ ràng không thể.
Bàn công công thở dài một hơi, nói:
– Hiện giờ tình huống phức tạp vượt quá sự tưởng tượng của ngươi rồi. Giang sơn của Võ Chiếu cũng không phải vững chãi như chúng ta nghĩ đâu, mà bên trong nó đã tràn ngập những dòng nước xiết. Nước có thể nâng thuyền, cũng có thể lật thuyền, khiến người ta không thể ngờ nổi.
Long Ưng rất ngạc nhiên, hỏi lại:
– Há cớ gì công công lại nói thế?

Bàn công công trả lời:
– Chuyện Dương Thiệt Lãnh xử lý Tiểu Phật Gia, ngươi không coi trọng, là bởi vì ngươi không biết Tăng vương Pháp Minh, cũng không biết quan hệ giữa hắn với Võ Chiếu.
Long Ưng dốc hết tinh thần lắng nghe, càng rõ ràng tình huống thì càng biết tình cảnh hiện thời của mình hơn.
Bàn công công nói tiếp:
– Chuyện Pháp Minh thành danh cũng chính là một truyền kỳ. Hắn tự động quy y làm tăng ở Tịnh Niệm thiền viện. Hắn có thiên phú hơn người, hai mươi tuổi đã đứng đầu thiền viện về trình độ phật pháp, hai mươi lăm tuổi thiện công đại thành, gần sánh với trụ trì khi đó là Độ Giới đại sư. Đến khi Độ Giới viên tịch, Pháp Minh lên làm trụ trì Tịnh Niệm thiền viện, lúc đó hắn ba mươi ba tuổi, trở thành trụ trì trẻ nhất trong lịch sử của thiền viện, bước lên địa vị đứng đầu tăng lữ trong thiên hạ.
Long Ưng kinh ngạc:
– Địa vị của Tịnh Niệm thiền viện lớn đến thế sao?
Bàn công công nói:
– Tịnh Niệm thiền viện với Từ Hàng tĩnh trai vẫn luôn được xưng là hai đại thắng cảnh Phật môn của thiên hạ. Trận chiến năm đó của “Tán chân nhân” Ninh Đạo Kỳ với “Thiên đao” Tống Khuyết cũng được cử hành nơi thiền viện đấy. Cuộc chiến này đã trở thành cái khung cho những biến đổi triều chính sau này của Đường sơ. Từ xưa đến nay phật gia luôn tổ chức rời rạc, tuy địa vị của Tịnh Niệm thiền viện có cao, nhưng cũng chỉ có ý nghĩa tượng trưng chứ không có ảnh hưởng thực chất. Những người trong phật môn không hỏi đến thế sự, nên mặc dù lực ảnh hưởng của phật môn trải rộng khắp thiên hạ, nhưng từ xưa tới nay không hề can thiệp vào chuyện triều chính. Có điều tình huống này đã hoàn toàn chuyển biến kể từ khi Pháp Minh và Võ Chiếu hợp tác với nhau.
Bàn công công bỗng nhiên hỏi:
– Ngươi có liên tưởng gì không?
Long Ưng hít vào một luồng hơi lạnh, nói:
– Lẽ nào… Lẽ nào Pháp Minh cũng là người trong ma môn?
Bàn công công cười khổ:
– Ta không biết, nhưng khả năng này lớn lắm, ta vẫn luôn nghi ngờ trong lòng nhưng không dám khẳng định, đến khi Pháp Minh hạ lệnh cho Dương Thiệt Lãnh xử tử Tiểu Phật Gia thì ta mới như vừa tỉnh giấc mộng, hiểu ra quan hệ giữa Pháp Minh với Võ Chiếu cũng chính là quan hệ giữa ta với Võ Chiếu.
Long Ưng nói:
– Ta vẫn chưa hiểu lắm.
Bàn công công bảo:
– Bởi vì ngươi chưa biết tác dụng của Pháp Minh trong chuyện Võ Chiếu đăng cơ. Sau khi Pháp Minh trở thành trụ trì Tịnh Niệm thiền viện thì trong ngày Phật đản, hắn đã đến Ngụy Quốc tự phía Đông Lạc Dương thuyết pháp. Khi đó, các trọng thần đại tướng trong triều cùng với đường thất hoàng tộc, có cả Võ Chiếu đều đến ngồi nghe vị danh tăng đại đức này cử hành lần thuyết pháp đầu tiên của hắn.
Long Ưng vỗ án tán dương:

– Hiểu rồi! Đây chính là hành động gõ chiêng dẹp đường cho Võ Chiếu.
Bàn công công hiển nhiên cũng là một người ngồi nghe pháp khi đó, nên trên mặt hiện lên vẻ nhớ lại, ông ta từ từ kể:
– Lúc đó Pháp Minh thuyết pháp về một đoạn trong Đại Phương Đẳng Vô Tưởng Đại Vân kinh: Trong chúng nhân, có một thiên nữ, tên gọi Tịnh Quang. Phật nói với thiên nữ: “Ngươi từng nghe ‘Đại Niết Bàn kinh’ ở chỗ Phật. Vì có mối nhân duyên này, giờ ngươi đã có được cơ thể thần tiên, lại gặp phải lúc ta tới nhân gian, nên đã lĩnh hội được thâm ý của ‘Đại Niết Bàn kinh’. Ngươi từ bỏ thân hình thần tiên của mình, hóa làm nữ thân, trở thành đế vương một nước. Quốc thổ của ngươi là ¼ quốc thổ của Chuyển Luân Vương. Thực ra lúc đó ngươi đã là Bồ Tát rồi, để hóa độ chúng sinh nên hóa thành nữ thể.” Lúc đó tất cả mọi đại thần đều coi nữ tử này là người kế vị. Sau này nữ tử đăng cơ xưng đế, quần thần trong thiên hạ phục sự uy nghiêm của nàng. Mọi quốc gia trong Diêm Phù Đề đều đến cung phụng và kính trọng. Không có ai chống đối hay phản kháng lại. Kiếp sau của nữ tử này sẽ trở thành Phật.
Long Ưng nhớ tới vụ án oan của Lý Quân Tiện, tức khắc da đầu run lên, hỏi:
– Trong kinh thực sự có ghi như vậy sao?
Bàn công công nói:
– Đương nhiên là có. Vì Võ Chiếu và Pháp Minh trước giờ vẫn không lui tới, nên lần thuyết pháp này tựa như một tảng đá ngàn cân ném vào mặt nước yên tĩnh, khiến cả Thần Đô đều chấn động. Lúc này Võ Chiếu đã tập trung quyền lực trên thân, tự mình làm chính sự, còn hoàng đế trên danh nghĩa là Lý Đán thì đã bị lơ là ở trong cung không được đoái hoài đến. Pháp Minh sai người dâng bốn quyển Đại Vân kinh cho Võ Chiếu, Võ Chiếu bèn thừa thế sắc phong Pháp Minh làm Tăng Vương, thống lĩnh chúng tăng trong thiên hạ, lại ban lệnh bắt hai kinh cùng với các châu mỗi nơi phải xây một tòa Đại Vân tự để cất Đại Vân kinh, cũng lệnh cho cao tăng giảng giải kinh này, tạo thế đăng cơ trong tương lai cho bà.
Long Ưng thở dài:
– Chiêu này thật tuyệt, đối nghịch với Ma môn, dùng ba bên Nho, Phật, Đạo làm chủ lực, bây giờ trong ba nhà đã được một rồi, lại dùng Đãng Ma hịch để thu võ lâm chính đạo về dưới trướng, hiện nay thiên hạ nào còn thế lực nào có thể sánh ngang?
Bàn công công nói:
– Từ khi Phật giáo Đông Hán truyền vào thì theo đà phát triển của Nam Bắc triều Ngụy Tấn, Phật giáo ngày càng hưng thịnh hơn, càng thâm nhập sâu vào lòng dân, trong mỗi giai tầng đầu có một lượng lớn tín đồ, cho nên sự ủng hộ của Pháp Minh có tác dụng rất quan trọng đối với chuyện đăng cơ của Võ Chiều. Mà dưới ý chỉ của Võ Chiếu, vị Tăng vương mới được phong này tiến hành việc thuyết pháp lưu động trên khắp quốc gia, càng khiến cho lực ảnh hưởng của hắn tăng thêm mỗi ngày, đến nỗi khiến cho năm lão hòa thượng được xưng là thánh tăng của Phật môn đã cùng nhau tìm đến. Pháp Minh vội vã bỏ đi phong hào Tăng vương, quay về Tịnh Niệm thiền viện chuẩn bị, đó chính là một cuộc quyết chiến ở tầng thứ cao nhất của phật môn. Quá trình quyết chiến không ai biết, chỉ biết rằng sau khi năm đại thánh tăng trở lại chùa của họ thì trong vòng trăm ngày sau đều viên tịch, nên mới biết người thắng là Pháp Minh. Việc này cũng đưa hắn lên ngôi đệ nhất cao thủ của Phật môn, từ đó trong Phật môn không còn ai dám ra mặt phản đối hắn nữa.
Lại nói tiếp:
– Từ đó, sự ủng hộ của Pháp Minh đối với Võ Chiếu chuyển từ tối sang sáng, không những phái bốn đệ tử pháp giá gia nhập Đãng Ma đoàn, mà còn dâng biểu tâu rằng thái hậu Võ Chiếu này chính là phật Di Lặc giáng sinh, rằng Đại Đường chính là chủ của Diêm Phù Đề, cũng có nghĩa Phật môn mời bà đăng cơ làm hoàng đế. Ôi! Loan Loan thật quá giỏi, chỉ có trí tuệ cùng khí phách của bà mới có thể soạn ra kế hoạch to lớn, lại hoàn mỹ khiến người người tán dương nhường này.
Long Ưng thất thanh:
– Sư phụ của Võ Chiếu chính là Loan Loan!
Loan Loan là nhân vật thần thoại của Ma môn, năm đó bà đấu tới đấu lui với Khấu Trọng và Từ Tử Lăng nhưng chưa bao giờ ở thế hạ phong, cuối cùng tuy sắp thành lại bại, nhưng nhờ bà, Ma môn vẫn bảo tồn được nguyên khí, không đến nỗi bị diệt toàn quân, có thể nói là thua cũng không nhục.
Bàn công công nói:
– Ta là con cờ mà Loan Loan bố trí trong cung, còn Pháp Minh là con cờ bà bố trí ở Phật môn. Võ Chiếu muốn giết ta chỉ cần đưa tay là được, mà muốn giết Pháp Minh thì tuyệt không dễ dàng, hơn nữa Pháp Minh thân kiêm sở trường hai nhà Ma – Phật, dù Võ Chiếu có hơn hắn một nước nhưng muốn giết hắn vẫn khó khăn, mà dưới sự tính toán của Pháp Minh, thủ hạ của hắn có rất nhiều người tài, Võ Chiếu lại không thể xua quân tấn công Tịnh Niệm thiền viện được, cho nên tuy hai người âm thầm đấu đá, nhưng mặt ngoài vẫn phải hòa thuận vui vẻ, ủng hộ lẫn nhau.
** Đãng ma = trừ ma.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.