Đọc truyện Nhất Kiếm Động Giang Hồ – Chương 67: Người với người
Tư Mã Thường giải thích :
– Tại Trung Nguyên không giống như ở A Nhĩ Kim Sơn. Trung Nguyên theo nhiều nghi thức lễ giáo, cần phải gìn giữ lễ nghĩa…
Xà Nữ liền cãi lại :
– Nhưng hai ta đâu phải là người Trung Nguyên.
Tư Mã Thường nói :
– Đành vậy, song “nhập gia tùy tục”, cô nương hiểu chứ?
Xà Nữ từ từ buông Tư Mã Thường ra, càu nhàu :
– Nếu vậy, xem ra ở Trung Nguyên không có cái gì hay, bây giờ tiểu muội đã tìm gặp đại ca rồi, thôi thì hai ta đi A Nhĩ Kim Sơn vậy.
Nàng nắm tay Tư Mã Thường kéo đi.
Tư Mã Thường lại mau mau nói :
– Không được! Hiện tại đang hữu sự, tại hạ chưa theo cô nương về A Nhĩ Kim Sơn được đâu.
Xà Nữ chớp lia đôi mắt, hỏi :
– Hiện tại chưa được? Tại sao? Hữu sự ư? Sự gì?
Tư Mã Thường toan giải thích, bỗng Nam Cung Thu Lãnh lên tiếng :
– Tư Mã Thường, nếu đợi cho hai người mà nói cho hết thì đến sáng mất! Tốt hơn, ngươi hãy mời vị tân nương của ngươi giải tán hết cái đám độc xà kia giùm, để Hạnh lão thái thái còn vào trong nghỉ ngơi nữa chứ!
Tư Mã Thường tự cốc lên đầu một cái, quay nhìn lại sau, nói :
– Bậy thật! Tại sao tại hạ lú lẫn, quên khuấy đi như thế này, thật đáng tội với chư vị.
Y liền xoay qua Xà Nữ, bảo :
– Mau mau giải tán hết đàn rắn đi, để chư vị đây còn vào nghỉ ngơi. Mau đi!
Xà Nữ thò tay vào túi kéo ra một con rắn, đúng là con phi xà mà nàng gọi tên Tiểu Hoa đã bị Tư Mã Thường bắt ban nãy. Nàng vuốt nhẹ lên đầu con Tiểu Hoa và môi nàng mấp máy, thốt lên mất tiếng khe khẽ rất lạ tai, đoạn thả nó xuống đất.
Tiểu Hoa liền dẫn đầu bò đi. Cả đàn rắn lớn nhỏ cũng rào rào bò theo ngay, chỉ khoảnh khắc đều biến mất dạng phía sau khu cây cỏ rậm ở bên miếu.
Nam Cung Thu Lãnh khẽ vỗ vai Tư Mã Thường, nói :
– Bây giờ, ngươi dẫn tân nương đi tìm một nơi nào vừa ý, ở quanh đâu đây mà tha hồ đàm đạo. Còn bọn này thì vào miếu ngủ.
Tư Mã Thường nhoẻn miệng cười và dắt Xà Nữ đi ngay.
Nam Cung Thu Lãnh quay lại, ân cần :
– Xin mời Hạnh lão phu nhân, Hạnh cô nương tiến vào.
Ba vị cô nương cùng đỡ Hạnh mẫu bước qua cửa, vào đại điện.
Hạnh Bội Thi lên tiếng :
– Chuyện thiên hạ quả nhiên không thiếu chi quái lạ dị thường!
Hậu Đắt Kỷ vẫn còn đầy vẻ sợ sệt, hỏi :
– Rắn… bầy rắn còn trở lại không?
Nam Cung Thu Lãnh trấn an :
– An tâm! Không có lệnh của phu nhân Tư Mã Thường thì chúng nhất định không tái hiện đâu.
Văn Nhân Tuấn nói :
– Bá Đao, phiền các hạ giúp các vị cô nương lo liệu nơi nghỉ ngơi cho lão phu nhân, để tại hạ ra ngoài cho ngựa uống nước, ăn cỏ nhé.
Nam Cung Thu Lãnh sốt sắng nhận lời và mau chóng hướng dẫn mọi người tiến vô đại điện.
Văn Nhân Tuấn ra mở dây thắng cho song mã rời khỏi xe và dẫn chúng đến một chỗ nhiều cỏ dưới chòm cây phía ngoài.
Chàng vừa buộc ngựa xong, định quay vào miếu, thình lình từ trong đám cỏ rậm cách hơn một trượng trước mặt vang lên tiếng khua động khác thường. Thần quang lấp loáng, chàng đề khí khinh thân, toan bay vèo đến đó xem, đột nhiên chàng hiểu ra, hơi nhíu mày, êm êm, lẹ làng trở ra.
Chàng trở vào đến phía trong đại điện thì Nam Cung Thu Lãnh đã lo liệu, sắp xếp xong chỗ ngủ cho Hạnh mẫu và ba vị cô nương rồi, với cả một lớp cỏ khô khá dày lót trên nền và chẳng xa lại đốt lên một đống lửa thật ấm cúng.
Văn Nhân Tuấn và Nam Cung Thu Lãnh dẫn nhau ra, người tựa vào một gốc cây, vừa ngủ vừa canh gác cho đến sáng.
Mọi chuyện đều êm đẹp đến sáng, không ai thấy Tư Mã Thường và Xà Nữ đâu cả.
Vừa mới rạng đông thì mọi người đều đã thức dậy. Và đến bây giờ, ai nấy mới thấy Tư Mã Thường và Xà Nữ cùng nhau tiến vào. Tư Mã Thường rạng rỡ nét mặt yêu đời hơn bao giờ hết và Xà Nữ thì diện mục ửng hồng như vừa qua cơn ngủ nồng.
Hôm qua trời tốt nhìn không được rõ, nhưng bây giờ thì mọi người đều thấy :
Xà Nữ tuy nước da không trắng, nhưng đậm đà dễ nhìn và nhất là đầy nét chất phát, dễ mến.
Tư Mã Thường mở lời ngay :
– Văn Nhân Tuấn, Nam Cung Bá Đao, ý Xà Nữ muốn tháp tùng chúng ta, cũng cùng đi chống ngăn bọn A Tu La viện Tây Thiên Trúc, chẳng hay nhị vị thấy sao?
Nam Cung Thu Lãnh ứng đáp liền :
– Hay lắm! Được thế thì chúng ta lại có dịp cho bọn Tây Thiên Trúc nếm mùi độc xà chơi!
Văn Nhân Tuấn gật đầu :
– Đúng. Rắn là thứ khó đề phòng, nếu có cả thêm đàn độc xà trợ lực thì càng tốt.
Tư Mã Thường hoan hỉ :
– Thế là ổn quá! Chúng ta lại có thêm một tay.
Thình lình nghe một loạt tiếng vó ngựa từ bên ngoài vang vọng đến.
Mọi người giựt mình, đồng đứng phắt dậy.
Nam Cung Thu Lãnh nói :
– Trời còn sớm thế này mà đã có người…
Văn Nhân Tuấn lên tiếng :
– Đại Hoàng Phong ở đây, còn Nam Cung Thu Lãnh với tại hạ ra ngoài coi thử.
Chàng cùng Nam Cung Thu Lãnh lẹ làng phi thân ra đường lộ, liền nhìn thấy ngay từ phía xa xa có một xe song mã đang lao tới.
Xe chạy cực nhanh, loáng mắt đã lao tới gần trước cổng cổ miếu. Trước càng xe, hiên ngang ngồi một trang nam nhân anh tuấn, oan phong, đúng là phong lưu kiếm khách Ngọc Phan An Hoàng Phủ Ngọc!
Văn Nhân Tuấn ngạc nhiên.
Hoàng Phủ Ngọc tuy ngồi trên xe lao nhanh, nhưng mục quang cực kỳ bén nhạy, tinh tế, đã nhận thấy ngay Văn Nhân Tuấn, cũng lộ vẻ ngạc nhiền, vừa mừng rỡ kêu to :
– Hay quá! Ráng đuổi theo, không dám ngừng nghỉ, bây giờ thì gặp được rồi đây! Văn huynh, hạnh ngộ!
Vừa nói, chàng vừa gò cương, dừng xe lại và nhảy xuống.
Rèm xe liền cuốn lên, La Ỷ Hương với Tiểu Thanh cũng từ trong mui xe đều hạ xa, vừa nhìn về phía Văn Nhân Tuấn lộ vẻ hoan hỷ đặc biệt.
La Ỷ Hương cũng như Hoàng Phủ Ngọc đều khom lưng vái chào :
– May mắn được gặp Văn đại hiệp tại đây.
Tiểu Thanh cũng cung kính hành lễ ra mắt.
Vừa đáp lễ ba người Văn Nhân Tuấn vừa chỉ tay sang Nam Cung Thu Lãnh cho đôi bên chào hỏi nhau, đoạn hỏi :
– Hiền khang lệ đi đâu thế này?
Hoàng Phủ Ngọc đáp :
– Nghe tin bọn A Tu La viện Tây Thiên Trúc xua đại quân xâm phạm võ lâm Trung Nguyên và Văn huynh đang đích thân thống lãnh lực lượng chánh nghĩa đi đón ngăn ngoại tặc nên bọn phu thê tiểu đệ tìm theo gấp để được đóng góp phần vào nghĩa vụ này.
Văn Nhân Tuấn ôm quyền,nói :
– Hiền khang lệ khiến người ta phải bội phục. Tại hạ xin phép thay mặt đồng đạo võ lâm Trung Nguyên có lời cảm tạ.
Hoàng Phủ Ngọc cười đáp :
– Văn huynh nói vậy là không khác nào mỉa mai phu thê tiểu đệ rồi! Đây là một nghĩa vụ chung mà phàm đã là một phần tử trong võ lâm Trung Nguyên, dù ai cũng phải tự nguyện đóng góp, gánh phần gánh vác, để trước hết tự bảo vệ lấy mình, bởi một khi ngoại tặc tràn đến, thao túng rồi thì còn gì nữa, chẳng những toàn thể võ lâm chúng ta điêu đúng mà từng cá nhân cũng chẳng được yên ổn. Chừng đó, liệu phu thê tiểu đệ có còn được an dưỡng những chuỗi ngày thần tiên ở Phiêu Hương tiểu trúc nữa hay không?
Nam Cung Thu Lãnh xúc động :
– Lời chân thành và rất đúng! Phải chi tất cả đều ý thức như vậy. Đáng tiếc vẫn còn chẳng ít kẻ không chịu hiểu điều hiển nhiên ấy.
Hoàng Phủ Ngọc và La Ỷ Hương không khỏi dồn ánh mắt về phía Nam Cung Thu Lãnh.
Văn Nhân Tuấn nhân đây bèn nói rõ thêm :
– Hiền khang lệ vừa rồi chẳng nói ra nhưng chắc lấy làm lạ tại sao có Nam Cung Thu Lãnh đồng hành với tại hạ phải không? Thật ra, chính lời mà Bá Đao vừa thốt đó đã đủ giải thích quá rồi vậy.
Hoàng Phủ Ngọc ôm quyền, thân thiết :
– Nam Cung Bá Đao cho phép phu thê tiểu đệ thành khẩn kính phục.
Nam Cung Thu Lãnh vội đáp lễ :
– Chính cử chỉ của hiền khang lệ mới càng làm tại hạ phải thấm thía thêm mà bội phục vô cùng.
Đôi bên đang trò chuyện đến đây thì từ trong miếu đã tiến ra Hạnh Bội Thi, Hạnh mẫu, Tiếu Bao Tự, Hậu Đắt Kỷ và Tư Mã Thường, Xà Nữ.
Bỗng nghe Tư Mã Thường cất giọng oang oang :
– Tưởng là ai, hóa ra là nhị vị phu thê chủ nhân Phiêu Hương tiểu trúc! Này, Văn Nhân Tuấn, có phải phen này các vị lại định tái diễn vở tuồng cho mọi kẻ tham lam phải hố to, như lúc ở trước tòa đại diện nọ?
Y chấm dứt lời bằng chuỗi cười hô hố.
Hoàng Phủ Ngọc cũng cười hỏi :
– Thế này, hóa ra Đại Hoàng Phong cũng…
Nam Cung Thu Lãnh đón lời :
– Đại Hoàng Phong coi kỹ cũng quả là một bằng hữu rất giao kết đấy.
Hoàng Phủ Ngọc liền ôm quyền chào Tư Mã Thường :
– Tư Mã Thường, kể từ hôm nay chúng ta là bằng hữu nhé!
Tư Mã Thường tươi cười, cảm kích :
– Xem ra, hễ làm người tốt thì không sợ cô độc nhỉ?
Hạnh mẫu cùng các vị cô nương đã đến gần. Văn Nhân Tuấn liền đứng ra giới thiệu cho song phương quen biết nhau. Phu thê Hoàng Phủ Ngọc tự dưng đặc biệt chú ý đến Tiếu Bao Tự và Hạnh Bội Thi, như ngầm có một điều nghĩ ngợi gì đó.
Bỗng nghe Nam Cung Thu Lãnh đề nghị :
– Hiền khang lệ có cần nghỉ ngơi một lúc không? Nếu không thì tất cả chúng ta nên lên đường vậy.
Hoàng Phủ Ngọc đáp :
– Sớm được chừng nào hay chừng ấy. Tưởng khỏi cần nghỉ ngơi mà chi, nên đăng trình cho được việc.
Văn Nhân Tuấn lo đem song mã lại, thắng vào xe.
Đoạn hai cỗ song mã xa nối đuôi nhau, nhằm hướng Tây thẳng tiến.
Cứ như thế, hai cỗ xe liên tục trực chỉ hướng Tây suốt một ngày…
Bữa trưa một ngày nọ, xe đến trước một khe núi, gọi là Đại Liệp cốc, một con đường nằm giữa hai vách núi sừng sững cao vạn trượng.
Hạnh Bội Thi nói :
– Văn đại hiệp, đúng là nơi đây rồi, chúng ta cứ dừng lại đây chờ đợi…
Văn Nhân Tuấn liền cho xe ngừng bánh. Mọi người lần lượt hạ xa.
Tất cả đều phóng mắt quan sát khắp chung quanh và nhận thấy trong Đại Liệp cốc um tùm những cỏ cao ngang đầu người, trong cỏ lại đầy dẫy những đá tảng gồ ghề, sắc nhọn tợ đao. Tuy nhiên, ở giữ có một lối mòn không một cọng cỏ mọc, lối mòn này ngoằn ngoèo hun hút sâu vào trong khe núi.
Văn Nhân Tuấn hỏi :
– Hạnh cô nương, có phải đây là con đường xâm nhập Trung Nguyên mà nhất thiết người Tây Thiên Trúc phải đi qua?
Hạnh Bội Thi đáp :
– Đúng! Nhứt là những người thuộc A Tu La viện cần vào Trung Nguyên để thi hành mưu đồ bất chánh lại càng phải đi lối này, vì nó rất bí mật, ít ai ngờ.
Nam Cung Thu Lãnh gật đầu, nói :
– Nơi này quả nhiên hoang vắng, không một bóng người lai vảng. Đúng là con đường xâm nhập lý tưởng cho bọn người A Tu La viện.
Tư Mã Thường hỏi :
– Vậy là chúng ta ở đây chờ bọn chúng?
Hạnh Bội Thi đáp :
– Không hẳn như vậy, mà cũng gần đúng như vậy. Nói rõ hơn là không phải chúng ta cứ phải đứng giữa đường đây mà đợi, vì chúng ta chưa biết chắc ngày nào họ sẽ đến. Chúng ta phải sắp xếp kế hoạch kiểm soát, canh chừng cả khu vực Đại Liệp cốc lâu dài, năm bảy hôm hay mươi bữa không chừng, hễ chúng đến thì đối phó.
Tư Mã Thường kêu lên :
– Ái chà! Thế thì vấn đề ăn uống làm sao giải quyết? Chúng ta lại không mang lương khô theo, nếu ở đây lâu, lấy gì để ăn cho số người đông đảo ngần này?
Nam Cung Thu Lãnh nói :
– Ở đây thiếu chi phi cầm tẩu thú, lo gì không có thức ăn.
Hạnh Bội Thi gật đầu :
– Vâng, đúng vậy, chúng ta tạm dùng hai cỗ xe làm lều để thanh phiên vào đó mà nghỉ ngơi, đồng thời, cứ tạm săn bắt dã thú làm lương thực. Chịu khó đợi bọn họ tiến nhập Đại Liệp cốc chúng ta sẽ ùa ra giải quyết chiến trường…
Văn Nhân Tuấn hỏi :
– Tức là chúng ta bố trí sẵn người tại Đại Liệp cốc?
Hạnh Bội Thi đáp :
– Không sai! Chúng ta nên chia là hai toán, mai phục ở hai đầu khe núi, cứ án binh bất động, chờ bọn họ lọt vào giữa cốc sẽ từ hai đầu đánh ập lại.
Văn Nhân Tuấn tán thành :
– Vậy thì ngay bây giờ chúng ta phân chia toán đi.
Hạnh Bội Thi nói :
– Xin đề nghị thế này, Văn đại hiệp với Hoàng Phủ đại hiệp và Nam Cung Bá Đao, Đại Hoàng Phong hợp thành một toán qua đầu bên kia khe núi mà mai phục, còn Hạnh Bội Thi xin lo phần canh giữ ở đầu này với các vị cô nương.
Nam Cung Thu Lãnh đồng ý ngay :
– Thế là ổn lắm. Cứ như thế mà phân tán, bố trí ngay đi thôi.
Tư Mã Thường góp thêm ý :
– Xin cho Xà Nữ bố trí độc xà rải rác dọc hai bên đường mòn trong cốc, chư vị thấy sao?
Văn Nhân Tuấn nói :
– Ý kiến rất hay!
Nam Cung Thu Lãnh hỏi :
– Nhưng số độc xà có đem theo đây không?
Tư Mã Thường đáp :
– Số độc xà đêm nọ ở cổ miếu thì vẫn còn tạm để lại đó, không có đem theo đây. Tuy nhiên, xem địa thế hoang vu ở Đại Liệp cốc, nhứt định trong hang hóc, trong cỏ rậm thiếu gì rắn dữ, bây giờ cứ sử dụng ngay chúng nó là xong.
Chợt nghe Xà Nữ chúm môi huýt lên một hồi dài, tựa như tiếng rắn rất quái dị… Tức thì, từ trên vách núi, trong các đám cỏ bỗng phát lên những tiếng lào xào và hàng loạt mấy chục con rắn to nhỏ đủ loại, cất cao cổ, đua nhau lướt lại trước mặt Xà Nữ như chầu hầu. Nàng lại huýt thêm một hồi dài nữa, đàn rắn liền ngoan ngoãn phân tán, chui ngay vào cỏ rậm dọc theo hai bên con đường mòn trong cốc.
Mọi người mục kích rõ rệt sự kiện không khỏi lấy làm kính phục.
Nam Cung Thu Lãnh luôn luôn sốt sắng, lại giục :
– Thế là hay quá rồi! Bây giờ chúng ta đi bố trí ngay thôi.
Hạnh Bội Thi nhìn Văn Nhân Tuấn dặn :
– Xin các vị nhớ rõ cho, chỉ khi nào trông thấy Bội Thi trên đỉnh vách núi phất cờ thì hãy động thủ, còn chưa thấy thì cứ án binh bất động.
Văn Nhân Tuấn vui vẻ, hơi nghiêng mình trước Hạnh Bội Thi nói đùa :
– Mạt tướng xin tuân lịnh Nguyên Soái.
Mọi người đồng bật cười.
Văn Nhân Tuấn liền cùng với Hoàng Phủ Ngọc, Nam Cung Thu Lãnh và Tư Mã Thường lấy một cỗ xe đi ngay.
Hạnh mẫu nói :
– Vị Văn đại hiệp ấy thật là người vui tính.
La Ỷ Hương lên tiếng :
– Lão thái thái, có thể nói, trăm năm, ngàn năm trở lại cũng khó kiếm được một nhân vật nào khả dĩ sánh bằng người kỳ tài ấy.
Hạnh Bội Thi hỏi :
– Còn có một vị nữa, là Lý Tam Lang đấy!
La Ỷ Hương nở một nụ cười bí ẩn hỏi :
– Cô nương với Lý Tam Lang chẳng hay có mối quan hệ ra sao?
Hạnh Bội Thi bỗng ửng hồng đôi má, trông nàng càng xinh đẹp duyên dáng bội phần, khẽ lắc đầu, đáp :
– Lý đại hiệp vốn là ân nhân của Hạnh gia. Chẳng giấu gì chư vị, sở dĩ tiểu muội đáp ứng lời yêu cầu của Văn đại hiệp mà đi đối phó với người A Tu La chuyến này chính là vì Lý Tam Lang vậy.
La Ỷ Hương ngạc nhiên, hỏi lại :
– Hạnh cô nương, cô nương vừa nói sao?
Hạnh Bội Thi giải thích :
– Nguyên Lý Tam Lang đang bị Đông Môn lão nhân gia, sư phụ của Văn đại hiệp bắt giữ, nên tiểu muội có ra điều kiện, nếu một khi tiểu muội đẩy lui những nhân vật A Tu La thì Đông Môn lão nhân gia phải phóng thích Lý Tam Lang.
La Ỷ Hương kêu “ủa” một tiếng, nói :
– Nguyên lai là như thế! Tiểu muội tin chắc là đến chừng đó Đông Môn lão nhân gia sẽ trả tự do cho Lý Tam Lang ngay.
Hạnh Bội Thi thành thật cho biết :
– Văn đại hiệp có hứa với tiểu muội, nếu Đông Môn lão nhân gia vì lẽ gì mà không phóng thích Lý Tam Lang thì tiểu muội có quyền bắt giữ Văn đại hiệp với Diệp cô nương để làm “món hàng” trao đổi.
La Ỷ Hương càng thêm ngạc nhiên, nhưng dùng nụ cười che lấp đi, nói :
– Nếu thế thì quá bảo đảm!
Hạnh Bội Thi vẫn một mực thành khẩn :
– Đó là chuyện vạn bất đắc dĩ mà thôi. Tiểu muội hy vọng sẽ khỏi phải làm như thế vẫn đẹp hơn.
La Ỷ Hương ca ngợi :
– Cô nương quả là người minh bạch, dứt khoát :
đã mang ân tất phải đền, đó là đạo lý tự nhiên.
Hạnh Bội Thi thỏ thẻ :
– Đa tạ sự thông cảm của La cô nương… À, xin nhờ Tiểu Thanh cô nương đem hộ cỗ xe ra phía ngoài kia, đậu dưới bóng cây, để chúng ta ra đó nghỉ ngơi.
Tiểu Thanh “dạ” một tiếng, nhanh nhẹn dẫn cỗ song mã xa ra đầu rừng bên trái cửa cốc, đậu vào một chỗ thật kín đáo, người ngoài nhìn vào chẳng thể thấy được.
Mọi người cùng kêu nhau đến đó, Hạnh mẫu được đỡ lên mui xe.
Nhân lúc không có ai bên cạnh, Tiếu Bao Tự thấp giọng hỏi :
– Chừng như Văn Nhân Tuấn đã là người mai mối cho cuộc hôn nhân của cô nương với Hoàng Phủ đại hiệp?