Nhắm mắt thấy Paris

Chương 8


Bạn đang đọc Nhắm mắt thấy Paris – Chương 8

Chương 8: Nước mắt để làm gì?
Bà Christine nghe tiếng bước châng rón rén trên sàn nhà gỗ, tiếng đóng cửa phòng vệ sinh và dĩ nhiên là cả tiếng giựt nước dội. Chiếc đồng hồ nhỏ trên bàn ngủ chỉ bốn giờ sáng. Bà cố chợp mắt thêm chút nữa. TUổi già, thật ra chẳng ngủ được bao nhiêu nhưng xương cốt lại muốn nằm. Đầu thu rồi, trời ngày càng lạnh thêm. Bà ghét thời tiết giá lạnh, ghét phải hồi hộp chờ mùa Đông đến, ghét Paris như thể bà chưa từng sống hơn bốn mươi năm tại vùng đất lắm thị phi này. Lại có tiếng sột soạt, ánh đèn ngoài phòng khách sáng lên. Cô bé Việt Nam đó loay hoy soạn đồ lịch kịch dù đã cố gắng giữ tối đa tĩnh lặng. Chiếc đồng hồ chỉ bốn giờ rưỡi, bà Christine xoay người đổi tư thế. Một tiếng nấc nhè nhẹ, cố nén vang lên mơ hồ. Rồi một tiếng động gì đó là lạ, như gió thổi, lại như ai đang đàn dương cầm xa xa vọng lại. Bà già lóng tai nghe. Lạy Chúa! Tiếng khóc, khóc mà như đang tâm sự nhỏ to với ai, nghe rúc rích, chụt chịt, ngộ không thể tả. 
– Ê, khóc hả nhỏ? – Không cần rào trước đón sau, bà Christine xăm xăm lao vào phòng khách – Bật đèn sáng lên! Khóc cho to vào. Khóc mà cố nén còn ức chế hơn! 
– Cháu làm bà thức giấc? – Cô bé ngồi thu lu trên giường, mắt đẫm nước giật mình – Cháu xin lỗi! Cháu nhớ nhà quá! 
– Nhớ nhà? Ngay đêm đầu tiên đến Paris? – Bà già đưa hộp khăn giấy ra – Không bình thường! 
Cô bé không cãi lại, cúi mặt khóc tiếp ngon lành. Khi nhận được email của Lan báo tin sẽ có một đồng nghiệp trẻ sang Paris làm việc, bà Christine hình dung hẳn phải là một cô gái Việt Nam rất hiện đại, đôi mắt sắc sảo, thông minh, mái tóc cắt cao thời trang, nhuộm vàng rực rỡ. Vậy mà … 
– Nè, sao khóc? – Bà Christine ngồi xuống giường khẽ khàng hỏi – Sự thật tôi không hiểu! Có gì mà khóc!? 
– Không phải nhớ nhà! – cô bé thút thít cố lý giải với chính bản thân mình – Đây không phải lần đầu cháu đi ra nước ngoài. 
– Tốt! – Bà Christine kiên nhẫn. 
– Không phải cháu nhớ người yêu! – cô bé lau nước mắt ngó xa xăm – Bởi đơn giản cháu chưa có người yêu! 
– Càng tốt! – Bà Christine lắng nghe. 

– Tại … tự nhiên muốn khóc! – cô bé đột nhiên lại nấc lên như bị ai đối xử rất oan uổng – Thấy ghét Paris! Người Paris lạnh lùng! Sao tự nhiên cháu phải chui qua Paris để bị đối xử tệ chứ! 
Tối hôm qua lúc bà Christine đã dọn dẹp mọi thứ, chuẩn bị chui vào ghế bành nằm xem chương trình “Ai muốn làm triệu phú?” thì một cú điện thoại reo lên. Một giọng nước ngoài gấp gáp báo tin mình là Mai, đồng nghiệp của Lan ở Việt Nam, đang gặp sự cố. “Tôi lấy taxi đến thẳng nhà bà nhé!”. Bà Christine đã từ chối vì taxi không thể tìm ra địa chỉ nhà bà. Bà phải đích thân đến nơi hộ tống Mai. Cô bé đứng co ro trong làn gió thu Paris, chờ bà tím tái mặt mày. May là bà đã ba chân bốn cẳng lao ngay ra đường, nhảy xuống hầm métro, chạy một mạch đến tòa nhà LAurore nằm ở quận mười ba, trên một đại lộ hoang vắng vì toàn các văn phòng công ty. Trong suôt bốn mươi lăm phút đứng hcờ một mình trước cửa LAurore, hẳn cô bé bị mấy anh chàng lang thang đi ngang chọc ghẹo hoặc vì “yếu bóng vía”, người ta chẳng làm gì vẫn sợ cũng nên. Vừa nghe xưng tên “Tôi là Christine, bạn của Lan đây!” là Mai đã suýt bật khóc vì tủi thân: “Sao bà đến trễ vậy! Nãy giờ tôi sắp bị tụi nó làm thịt!”. Hai bác cháu rê mấy cái vali to của Mai xuống métro vì gọi taxi quá khó. “Thật khó tin! Ở Paris, ngay trung tâm mà không có taxi!” – Mai lầm bầm – “Tệ còn hơn Sài Gòn. Mà tòa nhà LAurore to choáng ngợp thế này cũng không có bảo vệ ngồi trước cửa. Tối thui như nhà ma. Kỳ quái!”. Bà Christine đã từng sang Việt Nam vài lần nên bà hiểu Mai nói gì. Ở Sài Gòn lúc nào cũng tiện nghi hơn Paris, ngoài đường đầy taxi, phố xá ồn ào tận nửa đêm, trước mỗi tòa nhà lớn đèn đuốc sáng choang, bảo vệ ngồi đầy trước cửa. Paris không thế, tất cả đều tự động. Muốn taxi phải gọi điện, tổng đài là một cái máy tự động trả lời, người nước ngoài không rành đường đố mà diễn tả cho đúng. Ở trong các tòa nhà cũng thế, hết giờ làm việc thì cài chống trộm tự động, khỏi cần thuê bảo vệ làm gì cho phiền phức. 
Sau khi “rê” Mai cùng mớ hành lý nặng nề về căn hộ của mình. Bà Christine nhanh chóng làm món mì ống nhưng cô nuốt không trôi. Mai kể: “Ông tài xế taxi đó nhìn gian gian mà cuối cùng thấy cháu tội nghiệp, ượn điện thoại di động để gọi cho bác. May mà bác có nhà nên ra LAurore rước. Nếu không, đêm nay chắc cháu … chết quá!”. Cô vẫn chưa hoàn hồn, mặt thần ra ngớ ngẩn. Thế mà chưa năm giờ sáng hai người đã ngồi đây trò chuyện. 
– Sao xui quá! Mới đặt chân đến Paris đã gặp sự cố! – Mai thở dài – Chưa gì đã khóc! Chắc tương lai còn khóc dài dài quá. Anh ta nói đúng … 
– Để dành nước mắt đi! – Bà Christine khuyên chân thành – Rồi cháu sẽ còn gặp nhiều chuyện không như ý. Bác ở Paris gần bốn mươi năm nay, nhiều lúc cười ra nước mắt. Nào là métro hư, xe lửa đình công, kẹt xe, biểu tình, đốt xe ở khu ngoại ô … Đủ thứ chuyện. Thay vì khóc, hãy chửi thề! Nước mắt chỉ dành để khóc các cuộc tình! 
– Chửi thề! – Mai bật cười trước vẻ hài hước của bà già – Cháu không quen! 
– Thì tập! – Christine gật đầu mạnh mẽ – Cái gì cũng phải tập! Chửi thề là cách hữu hiệu để chống stress ở Paris. Nào! Hét to lên “Merde! Merde!” 1 
– Merde! Merde! – Mai cười hét lên – Merde! Merde! 
Đó là bài học đầu tiên của bà Christine dành cho Mai. Sau này cô còn được bà chỉ giáo nhiều bài học “quái quỉ” khác để sống ở Paris mà không bị “nỗi buồn mùa Đông giết chết”. không bị “sự cô đơn vào lúc nửa đêm dày vò”, không bị “sự thèm muốn shopping bóp nghẹt tim”… 
– Thôi quay vào giường ngủ thêm chút nữa, nếu không mai cháu sẽ mệt lắm – Bà Christine đề nghị – Cũng may cháu có hai ngày cuối tuần để nghỉ ngơi trước khi vào làm việc ở LAurore Paris. Thủng thẳng bác dắt cháu đi dạo vài nơi và chỉ cách đi métro. Mai cháu cũng nên gọi lại cho cô thư kí Sophie, phải ổn định chỗ ở rồi mới tính tiếp được. 
– Cháu muốn ở gần bác! – Mai vội vã – Có gì được bác giúp đỡ. 

– Ở khu này chắc giá hơi cao. Bác có chế độ lương hưu lâu năm nên được trợ giá – Bà Christine giải thích – Cháu nên ở gần công ty trong quận mười ba. Ở Paris vấn đề đi lại phiền lắm. Càng ít di chuyển càng tốt. Cuối tuần cháu đến nhà bác chơi rồi ngủ lại cũng được. 
– Cháu ghét quận mười ba! – Mai rụt vai – Cháu ác cảm với cái đại lộ hoang vắng của tòa nhà L Aurore! 
– Nhưng ở quận mười ba còn nhiều con đường khác tấp nập, nhiều nhà hàng Việt Nam, siêu thị châu Á … – Bà Christine thuyết phục – Ở đó vui lắm, rồi cháu sẽ thấy! Paris muôn màu! 
Mai quay vào giường nằm. Bà Christine tắt đèn. Căn hộ nhỏ lại chìm vào im lặng. Giờ này ở Việt Nam đang mười giờ sáng. LAurore Việt Nam vẫn diễn ra những hoạt động thương mại của mình. Hẳn chị Lan đang ngồi buồn. Trưa nay chị ăn cơm với ai? Louis De Le Champs có nhớ đến Mai hay đang đùa giỡn với Pink Lady? Ông tổng giám đốc Jean Paul Lafatoine đang có những mưu đồ gì? Mọi người vẫn đang làm việc và chẳng buồn quan tâm đến đồng nghiệp Quỳnh Mai đã sang Paris. Chắc chắn người ta còn ganh tị, dèm pha, nói cô đâu xứng đáng. Nhất là Pink Lady sẽ đi rêu rao toàn những tin bất lợi cho Mai. Ồ không, hôm nay là thứ bảy, văn phòng đóng cửa, chỉ những ai có việc gì mới phải vào công ty. Sáng thứ bảy ở Sài Gòn, khoản thời gian quí báu … 
– Mai ơi! Thức dậy đi! – Tiếng bà Christine gọi to – Dậy ăn sáng rồi tụi mình đi chợ trời. Chín giờ sáng rồi! 
– Chợ trời có gì vui? – Mai ngái ngủ hỏi. 
– Chẳng có gì cui nhưng đó là một phần của Paris. Rồi mình đi métro, bác sẽ chỉ cách cho cháu đi không bị lạc. À cháu thích đi mua sắm giá bèo không? 
– Thích! – Mai ngồi bật dậy – Ở đâu? 
Bà Christine không trả lời, vẻ bí mật. Lúc Mai từ nhà tắm đi ra, bà đã kéo cửa sổ lên cho nắng vàng ùa vào. Nắng tháng chín chỉ vàng nhạt, yếu ớt, chực tối xám lại. Thời tiết không đẹp lắm nhưng vẫn chưa phải là một ngày quá lạnh để shopping. Mùi bánh mì bicoche nướng thơm lừng bay lên. Mai phụ bà Christine bê bình trà nóng lên bàn. Hai người ăn bánh mì phết bơ và mứt trái cây. Đột nhiên Mai thấy thèm một tô phở nóng trong tiết trời lành lạnh thế này. “Trưa nay mình ghé ăn phở trong quận mười ba” – Bà Christine hứa – “Tôi cũng thèm phở. Chu choa! Phở gà nhé! Trời, thơm ơi là thơm!”. Mai bật cười trước vẻ thèm thuồng thái quá của bà già. Tối qua Mai lưỡng lự, cô nửa muốn phone ẹ của Louis, nửa muốn gọi cho Christine. Cuối cùng, Mai quyết định không làm phiền đến mẹ Louis, một sự e ngại kì lạ làm cô không muốn liên hệ đến. 
– Đáng lý ra cháu nên liên hệ với bác trước khi đến Paris – Bà Christine nhiệt tình – Bác có thể ra phi trường đón cháu, rước cháu về nhà chơi bài ngày trước khi cháu đi làm. Bác về hưu rồi, nên rảnh rỗi lắm! 

– Cháu ngại, đâu dám phiền – Mai tiếc nuối – Nếu biết trước bác dễ thương thế này, cháu đã không rơi vào cảnh bơ vơ đêm qua. 
– Cháu chưa lường được hết những rắc rối khi đi xa – Bà Christine thông cảm – Những chuyến bay dài như từ Sài Gònsang Paris rất thường xuyên bị trễ giờ do những lý do đa dạng khác nhau. Người đi rước bắt buộc phải dự phòng thời giờ cho việc chờ đợi. Bị bơ vơ tại phi trường Charles De Gaulles là một kinh nghiệm không thú vị gì, lại còn đứng chờ trong đêm tối giữa một khu hoang vắng nữa. Tội nghiệp! 
– Thôi xong rồi – Mai xua tay – Dù sao có thêm kinh nghiệm cũng hay … – Ồ, không nên – Bà Christine nghiêm mặt – Cuộc đời là cả những ngày rắc rối, nếu biết hoạch định tốt, cháu sẽ không phải đối mặt với những rắc rối không cần thiết, những kinh nghiệm vô bổ. Đâu phải kinh nghiệm nào cũng đáng trải qua! 
– Bác có lí – Mai gật đầu thú nhận – Giá cháu được bác khuyên bảo trước chuyến đi. 
Bà Christine nhắc Mai gọi cho Sophie. Cô thư kÝ mừng rỡ nói rất áy náy vì không ở lại phi trường chờ Mai được. “Tôi phải đi đón con từ nhà chồng cũ ở tỉnh. Tôi không thể để đứa bé năm tuổi chờ một mình ngoài ga nên … Tôi hy vọng cô biết cách gọi taxi đến một khách sạn nào đó. Cô nói được tiếng Pháp trôi chảy mà. Tôi tin cô xoay sở được. Dù sao, tôi cũng xin lỗi nhiều”. Mai cười xòa, đêm qua cô đã trách móc Sophie thật gay gắt. Nhưng giờ nghe xin lỗi tới tấp, mọi phiền muộn trôi đi hết. 
Bà Christine hấp tấp quàng khăn, hối Mai khẩn trương ra phố. Hai bác cháu đi bộ một quãng thì đến khu chợ trời ngày cuối tuần. Chợ trời là nơi người ta chỉ bán đồ đã dùng qua, giá rẻ như cho và có thể tìm những món hàng độc nhất vô nhị. Người ta bán đồ cũ rích từ thời vua Louis mười sáu, thời chiến tranh thế giới và cả đồ mới toanh từ mùa hè vừa qua. 
– Cháu xem kìa, một chiếc đồng hồ “made in China” giá hai euros – bà Christine cầm lên một món hàng, mắt sáng rỡ – Cháu mua không? 
– Cháu không cần đồng hồ – Mai rụt vai từ chối – Đồng hồ cháu mua cả tá hồi đi công tác ở mấy nước châu Á. 
– Cháu không có dáng vẻ một nữ doanh nhân – Bà Christine sực nhớ Mai sẽ làm việc trong LAurore lừng lẫy – Cái vẻ rụt rè cả thẹn này không thích hợp trong những công ty lớn, lại chuyên ngành mỹ phẩm sang trọng. Phải thay đổi phong cách ngay! 
– Thay đổi cái gì? – Mai phật Ý – Ba năm nay cháy đã làm mananager ở LAurore Việt Nam! Cháu đã có phong cách manager … 
– Ao quần của cháu … – Bà Christine chắc lưỡi – Xin lỗi nói thật lòng, giống … nùi giẻ quá! – Sao? – Mai há hốc
° ° °

Email bà Christine gởi Lan 
Subject: Tin từ Paris 
Cô bé Mai mà cháu giới thiệu đã xuất hiện. Bác nghĩ chắc nó đã email tường trình cái đoạn phải ngồi chờ bác ngoài trời đêm trước cửa công ty LAuore. Thấy nó tội nghiệp lắm! Nó còn khóc nữa, con nít dễ sợ. Vậy mà bác cứ hình dung một cô gái rất “dữ dằn”. Thật ra bác thích con bé mít ướt này, nó làm bản năng làm mẹ trong bác trỗi dậy sau bao nhiêu năm con cái chẳng còn cần đến mình nữa. Bác sẽ giúp nó thành một quí cô Parisienne chính hiệu. Cô bé hơi ngộ nghĩnh. May mà nó gặp bác, bác sẽ dày công giúp nó lột xác. Ngày trẻ bác cũng hợp thời trang lắm. Ăn mặc rất có khiếu thẩm mỹ. Bác làm thư kí trong công ty dược nên rất lịch thiệp. Chắc cháu đang cười vì từ lúc quen bác đến nay, cháu chỉ toàn thấy bác ăn mặc lùi xùi. Về hưu rồi, đâu có giao thiệp gì mà diện đẹp. Nhưng hãy tin ở bác, bác sẽ không làm cháu thất vọng vì giới thiệu Mai cho bác. 
Email Mai gởi Louis 
Subject: Anh nói đúng 
Chào anh, Rất xấu hổ phải thú nhận là anh nói đúng. Ngay hôm đầu tiên đến Paris em đã khóc! Lạy Chúa, chưa có ai làm gì em cả, thậm chí em chưa bước chân vào công ty LAurore nữa! Chỉ vì bị Sophie, cô thư kí em chưa biết mặt không ở lại phi trường rước em. Máy bay đến trễ hai tiếng. Em đã định phone ẹ anh nhưng ngại quá! Anh từng khoe nhà anh quí tộc, ai dám làm phiền bà bá tước, hay tử tước, hay công tước gì đó (xin lỗi em không rành hệ thống quí tộc của Pháp). Nhưng anh đừng lo, em quen với bà Christine, một quí bà Parisienne bình dân rất thú vị. Em hợp với bà lắm! À, em đã tìm thấy hai cái khăn tay thêu hình con cá sấu Lacoste. Cảm ơn anh về món quà quá rẻ tiền ột dịp quan trọng như vậy. Đáng lí ra tiễn em phải là một món quà gì đặc biệt, hoành tráng hơn chứ! Thôi được, em biết anh chú trọng về mặt tinh thần. Em sẽ để dành hỉ mũi khi khóc. Nhưng bà Christine dặn nước mắt chỉ để khóc những cuộc tình, em sẽ chỉ dùng đến hai cái khăn tay anh tặng khi nào em mất anh (vào tay Pink Lady, còn vào tay người nào khác xinh đẹp, sexy hay thú vị hơn em thì em mừng cho anh). Anh cẩn thận giữ mình nhé! 
Email Louis gởi Tuyết Hường 
Subject: See you soon 
Thật bất ngờ khi nhận được email của em gởi vào địa chỉ cá nhân trong yahoo của anh. Sao em biết địa chỉ này? Em đúng là nhân viên phòng Nhân sự, lúc nào cũng chỉ thích tìm tòi những yếu tố cá nhân của người khác, mà lại tìm đúng mới hay! Nhưng giỡn thôi, đừng giận! Mà chắc em không bao giờ giận, anh ở công ty Việt Nam hai tháng nay chưa thấy em giận. Lúc nào em cũng tươi cười, nhã nhặn, rất self – control! Chắc là có những lúc em muốn nhảy chồm chồm lên, hoặc hét vang trời, hoặc xỉa xói vào mặt ai đó! Nhưng anh rất phục khả năng làm chủ tình thế của em. Nói thật, bản tính đó rất ấn tượng. Không phải cô gái trẻ nào cũng làm được điều đó! Đó là đức tính của người lãnh đạo. Anh tin em sẽ làm rất lớn trong nay mai. Chắc anh nên cảnh cáo ông giám đốc Jean Paul Lafatoine, coi chừng bị em soán ghế! 
Cảm ơn lời mời cùng đi ăn tối vào chủ nhật của em. Anh rất vui lòng nhận lời. Hy vọng hai ta sẽ có một buổi tối đặc biệt! Hẹn gặp lại ở nhà hàng La Fourchette như em đề nghị.
——————————– 1 Merde: cứt.
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.