Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 8: Hồi thứ tám


Đọc truyện Nhạc Phi Diễn Nghĩa – Chương 8: Hồi thứ tám

Nghe quan huyện Lý Xuân nói vậy, Nhạc Phi không khỏi bối rối trong lòng. Chàng thưa:

– Tiểu tế nhà nghèo, mọi thứ chưa sắm sẵn, sợ việc nghênh hôn quá gấp,
không kịp ngày; xin nhạc phục cho hoãn lại để con xuống kinh kỳ hội thí
rồi trở về nghênh hôn được không ạ?

Ông huyện Lý Xuân nói:

– Ta nay tuổi đã già, không con nối nghiệp, còn hiền tế thì đi xa. Nếu
may ra thi đậu làm quan bổ đi nơi khác lại càng trở nên bất tiện hơn
nữa. Chi bằng sẵn dịp trở về quê cũ nên nghênh hôn luôn thể là phải.
Lòng ta đã định, hiền tế chớ nên từ chối, phải về sắm sửa, đến ngày ấy
ta đưa con ta đến.

Nhạc Phi từ tà ra về đến làng Kỳ Lân trông thấy các viên ngoại đang bàn luận chuyện dời qua Thang Âm. Mấy ông vừa thấy
Nhạc Phi vào vội hỏi:

– Bàng Cử đã từ tạ nhạc phụ rồi sao?

– Vâng, người hay tin cháu sắp trở về cố hương nên tính đưa tiểu thư cùng về cho tiện.

– Thếthì hay lắm đấy.

Nhạc Phi thở dài:

– Chư vị thúc bá nghĩ xem, nhà cháu thì nghèo, mà việc nghênh hôn gấp rút như vậy làm sao cháu biện liệu chu đáo được.

– Ồ, việc gì chớ việc ấy cháu khỏi lo, chúng ta sẽ mỗi người góp một tay
lo liệu chu tất. Cháu hãy về thưa lại với lệnh đường nên dọn đến đây để
bố trí tân phòng rộng rãi hơn.

Nhạc Phi tạ ơn ra về thưa lại cho mẹ hay, bà An Nhân lấy làm vừa ý vội sắp sửa dọn sang nhà Vương viên ngoại ngay.

Vương viên ngoại có tiếng là người mau tay, nhanh miệng, nên vội vã thúc gia
đinh quét dọn trong ngoài, treo hoành, phủ trướng, treo kèn kết hoa,
trang hoàng rực rỡ. Thiếp mời gửi đi khắp nơi, khách xa gần đến chúc
mừng chật ních cả trong ngoài, đúng là lễ nghênh hôn của con nhà quyền
quí.

Hôm ấy quan huyện Lý Xuân bệ vệ trong chiếc áo rộng thùng
thình, theo sau là kẻ khiêng, người xách đưa dâu đến nhà Vương viên
ngoại.

Họ nhà tra ra tiếp đón trọng thể, pháo nổ liên hồi, hai cô
phù dâu đỡ tiểu thư đi thẳng vào tân phòng cùng Nhạc Phi làm lễ bái tại
trời đất và lễ động phòng hoa chúc.

Sau khi chàng rể bái tạ nhạc phụ, chư viên ngoại cùng hai họ vào bàn tiệc.

Rượu được vài tuần, quan huyện Lý Xuân đứng dậy nói:

– Hiền tế hãy còn trẻ tuổi, nếu có việc chi sơ suất mong chư vị vui lòng
dạy bảo. Nay sắp về quê, đáng lẽ tôi tiễn nó vài dặm đường mới phải,
song công việc nha huyện hiện nay bề bộn bỏ đi chẳng tiện, nên sẵn đây
tôi gửi gắm con rễ tôi cho chư viên ngoại và xin cáo từ luôn thể.

Chư viên ngoại biết có giữ lại cũng không được, nên phải đưa tiễn ông trở
về huyện đường. Hôm sau Nhạc Phi đi với mấy anh em xuống huyện tạ ơn
ngài.

Ông huyện sai bày tiệc thiết đãi, mấy anh em đồng môn ăn uống vui vẻ. Tiệc xong ông ta căn dặn:

– Hiền tế cùng các cháu có xuống kinh thành thi hội, kết quả ra sao sẽ cho ta biết sớm kẻo ở nhà ta trông tin đấy!

Mấy anh em cùng vâng dạ rồi từ tạ ra về.

Về đến làng Kỳ Lân, trông thấy nhà Vương viên ngoại tấp nập kẻ trong người ngoài lo dọn gia tài của ba viên ngoại chất lên xe lừa và xe tay đầy
ắp, tính có hơn trăm xe vẫn chưa hết.

Khi sắp đặt đâu đó an bài,
năm nhà vừa gái vừa tra hơn trăm người cùng khởi hành một lượt. Xe chở
đồ đạc đi trước, người thủng thỉnh đi sau, rầm rộ nhắm Thang Âm thẳng
đến. Trong đó có kẻ được về quê, có người lại phải cách xa quê nhà nhưng cuộc chia tay thật là vui vẻ, không đượm một chút u buồn.

Cứ ngày đi, đêm lại tìm chỗ nghỉ ngơi, qua ngày thứ ba, mặt trời đã lặn mà đoàn người vẫn còn lững thững chốn hoang vu, xung quanh không thấy nhà cửa
chi hết. Nhạc Phi bèn thúc ngựa đến gọi mấy anh em bảo:

– Chúng ta mải lo việc đi cho mau đến, nên quên lo liệu chốn nghỉ ngơi. Ta còn
phải đi đến bốn mươi dặm đường nữa mới có xóm nhà mà xe cộ ta bề bộn như vậy, trời lại sắp tối, không thể nào đến đó kịp. Còn nơi đây hoang dã,
chỗ đâu cho mấy bà cùng thúc bá nghỉ lưng? Vậy anh em hãy phân nhau đi
tìm kiếm quanh đây xem có chỗ nào tạm trú được qua đêm nay không?

Thang Hoài và Trương Hiển thúc ngựa chạy đi tìm kiếm hồi lâu mới trở lại thưa:


– Nơi đây quả là chống hoang dã, bọn đệ đã đi xa hàng mười dặm vẫn không
thấy nhà cửa chi hết, chỉ có phía Tây cách đây ba dặm có một cái miếu
sơn thần thổ địa, tuy đã hư hại song vẫn còn một đôi chỗ nghỉ ngơi được. Ngặt nỗi là trống trải lắm và không có chỗ nấu cơm ăn.

Vương Quới nói:

– Chẳng hề chi, ta có đem theo đủ thực phẩm, gạo thóc lại sẵn có chảo
nồi, cứ việc đến đó rồi sai người đi kiếm củi về nấu cơm ăn đỡ một đêm
cũng được.

Ngưu Cao lại xen vào:

– Hay lắm, hay lắm. Cứ việc đến đó nấu cơm lẹ đi chớ tôi đói bụng lắm rồi.

Nhạc Phi bảo Thang Hoài đi trước dẫn đường, còn chàng lo đốc thúc gia đinh đẩy xe, dắt lừa đến miếu thổ địa.

Đến nơi, chàng bảo đẩy những xe chở đồ đạc sắp hàng hai bên. Các bà An
Nhân, Viện Quân cùng Lý tiểu thư và bọn a hoàn xúm xít nhau nghỉ trước
điện.

Phía sau điện lại có vài ba căn nhà trống trải, bên trong có mấy chiếc quan tài hư mục rã rời mỗi nơi một mảnh, gần bên đó có dấu
vết một căn nhà bếp nhưng bếp lò đã bể nát, cỏ bìm mọc phủ lên gần lấp
mất.

Vương Quới và Ngưu Cao bụng đã đói như cào nên đốc thúc gia
đinh dọn dẹp sạch sẽ, đứa thì lượm gạch chất làm ông táo, đứa thì xách
nước, nổi lửa nấu cơm. Khi cơm dọn thì trời vừa chạng vạng.

Chư
viên ngoại cùng gia quyến ngồi vào mâm. Bữa cơm ngoài trời tuy đạm bạc
nhưng đầy thân mật và ngon đáo để, ai nấy đều ăn xong cả mà Ngưu Cao vẫn còn ngồi uống rượu tì tì.

Nhạc Phi đến bảo:

– Ngưu đệ không nên uống rượu thái quá vậy. Nơi đây là chốn đồng hoang cỏ dại lại trống trải lạnh lẽo, rủi đêm khuya gió máy thì biết tính sao? Hãy ráng đến
Thang Âm yên ổn rồi muốn uống bao nhiêu cũng được.

Ngưu Cao vâng lời không dám uống rượu nữa, chỉ ăn cơm mà thôi.

Sau khi dọn dẹp tươm tất, chư viên ngoại và mấy bà đều an nghỉ hết, Nhạc Phi bèn kêu mấy anh em ra ngoài căn dặn:

– Bây giờ Thang và Trương hiền đệ phải nai nịt sẵn sàng ra phía sau miếu
canh phòng, còn Vương hiền đệ canh phòng phía tả, Ngưu hiền đệ phía hữu. Chúng ta chớ nên sơ suất nhé.

Ngưu Cao tỏ vẻ bất bình, càu nhàu:

– Đi miết cả ngày mệt nhọc, trông cho đến chỗ nghỉ ngơi cho khỏe để mai
còn đi nữa. Ở đây là chỗ không người trước sau vắng vẻ, đại ca sợ nỗi gì mà bắt chúng tôi canh phòng cho mệt xác? Các hiền huynh cứ đi nghỉ hết
đi, có điều gì Ngưu Cao này chịu cho.

Nhạc Phi mỉm cười vỗ vai Ngưu Cao bảo:

– Vẫn biết vậy, nhưng ở đời việc gì cũng nên đề phòng trước là hay hơn.
Nghèo khó thì chẳng lo chi chứ vàng bạc của chư viên ngoại hằng mấy xe
thế này không lo sao được? Vả lại trên đường đi nếu có điều gì sơ suất,
có phải người ta chê cười chúng mình là không đáng mặt anh hùng không?
Vì vậy anh em phải nghe lời tôi, canh phòng cho nghiêm ngặt. Riêng tôi
giữ phía trước, nếu có thiên binh vạn mã đến ta cũng chẳng nao núng. Tôi mong cho đi đến nơi về đến chốn, bình yên mới an dạ.

Ngưu Cao nói:

– Thôi được rồi, cứ để phía hữu đấy cho đệ canh giữ cho.

Chàng nói vậy sợ mếch lòng Nhạc Phi chứ trong bụng lại thầm nghĩ:

– Trong lúc thái bình như vầy, trộm cướp đâu mà đại huynh khéo lo xa cho vất vả!

Rồi Ngưu Cao dắt ngựa qua phía hữu buộc vào cây cột, đoạn dựa lưng vào vách ngủ ngon lành.

Khi bốn anh em đi rồi, Nhạc Phi đóng cửa và bưng cái lư hương bằng đá chặn
lại cho chặt chẽ, tay cầm Lịch Tuyền thương đi rảo ra phía trước.

Đêm hôm ấy là đem hăm ba, không có trăng, bầu trời tối đen như mực, ngửa bàn tay không thấy.

Vừa bước qua đầu canh hai, bỗng nghe có tiếng người lao xao và tiếng ngựa
hí rộn ràng, rồi phía trước có tiếng quát to như sấm:

– Hãy bao vậy đừng để cho Nhạc Phi thoát khỏi.

Nhạc Phi nghĩ thầm:


– “Ta có gây thù kết hận với ai đâu, sao có người gọi đích danh ta và quyết tính hãm hại như vậy?”.

Chàng trố mắt nhìn xem, đoàn người ngựa mỗi lúc một đến gần, đèn đuốc sáng
choang, chàng mới rõ đây là bộ hạ của Hồng Tiên làm quan Trung Quân. Vốn tên này xuất thân là tướng cướp, ông Lưu Thế Quang thấy nó có sức khỏe
hơn người lại có đôi chút võ nghệ nên cho làm đến chức Trung Quân. Nhưng tính tham lam hay ăn hối lộ và ghen ghét kẻ hiền tài nên vừa rồi tỉ võ
với Nhạc Phi bị cách chức đuổi về, hắn vô cùng căm tức liền thu thập bọn lâu la cũ cùng bới hai con là Hồng Văn, Hồng Võ theo dõi Nhạc Phi để
báo thù.

Nhạc Phi nghĩ thầm:

– “Ta nên thủ thế là hơn. Ta cố giữ chặt cửa lớn, còn các phía kia đã có mấy anh em, chắc chúng nó
không thể phá được. Đánh một hồi không thắng được thì chúng phải bỏ đi
thôi”.

Nghĩ đoạn, chàng gò ngựa cầm thương mắt đăm đăm nhìn ra phía trước để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra.

Phía bên trái Ngưu Cao đang mê man trong giấc ngủ bỗng nhiên nghe tiếng động giật mình thức dậy. Chàng mở choàng mắt nhìn thẳng ra ngoài trông thấy
đèn đuốc sáng lòa, vội đưa tay lên dụi mắt, miệng lẩm bẩm:

– “Đại
huynh ta quả là người cao kiến, có bọn cướp đến rồi, nhưng chúng nó biết đâu bọn ta đã chuẩn bị đến kinh đô để giựt chức trạng võ đây, chúng bay vuốt râu cọp mà toi mạng đấy. Thôi để ta ra thử sức với bọn này một
trận cho chúng biết tay”.

Nghĩ đoạn Ngưu Cao tung mình lên lưng ngựa, ta cầm song giản xông ra quát lớn:

– Quân đạo tặc lại dám cả gan đến chốn này? Quả thật chúng bay tới số rồi!

Vừa hét, Ngưu Cao vừa múa cây giản vun vút, xông vào đám đông như đến chỗ
không người. Bọn lâu la Hồng Tiên đứa thì vỡ đầu, đứa thì gãy tay chết
nằm la liệt, máu chảy lênh láng.

Vương Quới đứng canh giữ phía bên trái trông thấy quân cướp đến, chàng còn đang suy tính. Chợt thấy Ngưu
Cao xông ra chém giết vô số nên thầm nghĩ:

– “Ta cũng nên ra tay gấp kẻo để Ngưu Cao nó giết hết thì uổng lắm”.

Nghĩ vậy, chàng vung cây Kim bối đao giục ngựa xông ra chém lia chém lịa,
đầu quân cướp rụng như sung. Chợt nghe phía sau có tiếng hét lanh lảnh
rồi một người cưỡi ngựa ô tay cầm Tam Thất Thiên Ngại xông ra, người này không ai khác chính là Hồng Tiên, một ông quan vừa bị giáng chức, lột
áo đuổi về.

Hồng Tiên đối địch với Ngưu Cao, còn hai con hắn Hồng Văn và Hồng Võ thì chống cự với Vương Quới.

Ngưu Cao chỉ vào mặt Hồng Tiên mắng:

– Tên cướp kia, đã được đại huynh ta tha cho một phen rồi, nay còn đến đây nạp mạng nữa sao?

Vừa mắng chàng vừa xáp tới đánh túi bụi, bên kia Vương Quới cũng thét:

– Hôm nay ta để một trong hai đứa bay sống sót thì không phải là anh hùng.

Nhạc Phi đứng bên trong nghe vậy biết ngay các hiền đệ đã xông ra rồi, nên
vội xô đổ chiếc lư đá, thúc ngựa xông ra. Thang Hoài và Trương Hiển thì
vội vã quay vào miếu phi báo:

– Bọn cướp đã đến ngoài kia, nhưng xin cả nhà hãy yên tâm, chúng không làm gì nổi chúng con đâu.

Dứt lời, cả hai giục ngựa xông ra, một người cầm Câu liêm thương, một người cầm Lang ngân thương đánh bài “tẩu thạch phi sa”. Không một tên cướp
nào thoát khỏi.

Hồng Võ đang đánh với Vương Quới liếc thấy cha
mình không cự nổi Ngưu Cao bèn nhảy qua trợ chiến, để lại một mình Hồng
Văn chống cự với Vương Quới nên chỉ qua lại vài hiệp đã bị Vương Quới
chém một đao ngã nhào xuống ngựa. Bên kia Ngưu Cao cũng đánh trúng Hồng
Võ một giản nát óc.

Hồng Tiên thấy hai đứa con mình đều chết hết
trong lòng nóng như lửa đốt, đem hết sức bình sinh ra liều tử chiến với
Ngưu Cao. Hai người đang giao chiến thì thấy Nhạc Phi đến hét lớn:

– Tên Hồng Tiên kia, ngươi còn nhớ Nhạc Phi này không?

Hồng Tiên trong lúc bối rối lại thấy có Nhạc Phi đến, trong lòng kinh hãi
toan tẩu thoát để bảo toàn tính mạng, chẳng ngờ Trương Hiển vừa đến đâm
một giáo ngã nhào xuống ngựa. Thang Hoài bồi thêm một đao nữa, toàn thân lão ta bất động.

Bọn lâu la thấy chủ trại mình chết rồi, liền bỏ
chạy tán loạn. Ngưu Cao và Vương Quới đuổi theo mặc sức chém giết. Nhạc
Phi thấy thế lớn tiếng gọi:


– Thôi, chư đệ hãy dừng tay. Hãy tha cho bọn chúng, chớ nên chém giết nữa!

Hai người đang hăng máu nên không nghe, cứ đuổi theo chém giết không biết bao nhiêu mà kể. Nhạc Phi phải dùng kế gọi lớn:

– Còn một tốp ăn cướp đến nữa kia kìa, chư hiền đệ hãy trở lại cho mau.

Hai người nghe vậy lật đật quay ngựa trở về. Vừa trông thấy mặt, Nhạc Phi đã trách mắng:

– Sao chưa đệ không chịu nghe lời tôi như vậy? Tội lỗi là ở tên cầm đầu
chứ chúng là lâu la đã sợ chạy thì giết làm gì tội nghiệp! Hơn nữa chúng ta giết nhiều như vậy án mạng để lại cho người địa phương này khổ cực
biết bao.

Sau đó mấy anh em trở về miếu, trong thấy bọ gia nhân
chạy nấp mỗi đứa một nơi, mặt mày dáo dác, còn mấy ông viên ngoại cùng
Lý tiểu thư đều tán đởm kinh hồn, toàn thân run lẩy bẩy.

Vừa thấy bọn Nhạc Phi về, ai nấy đều vui mừng xúm lại hỏi:

– Bọn ăn cướp đâu rồi?

– Thưa, chúng đã sợ hãi chạy cả rồi.

Các ông, các bà nghe nói mới hoàn hồn, lẩm bẩm vái tạ Trời Phật đã phù hộ cho tai qua, nạn khỏi.

Nhạc Phi ngước mắt nhìn trời rồi bảo:

– Trời gần sáng rồi mà ta giết người, thây bỏ đầy đường biết tính sao
đây? Nếu người ta biết mình giết bọn cướp thì không sao, nhưng dù sao
chuyện này đến quan quyền thì khó tránh được sự lôi thôi lắm.

Vương Quới nói:

– Chúng ta cứ việc bỏ đi quách, thân nhân chúng có muốn thưa kiện cũng chả biết ai mà thưa.

Nhạc Phi vẫn lo ngại:

– Xác chết thì nhiều quá, e rằng quan địa phương này tra xét thì nguy tai.

Ngưu Cao nói:

– Chư huynh đừng lo, việc này dễ ợt. Chúng ta cứ việc gom những thây chết ấy vào miếu rồi chất củi đốt hết, thần quỉ tìm cũng chẳng được huống
chi là người.

Thang Hoài và Trương Hiển cùng vỗ tay khen:

– Ngưu Cao tính kế ấy hay lắm.

Nhạc Phi phì cười:

– Ngưu đệ khi trước ở tại Loạn Thảo Cang chặn đường giết người rồi đốt thây quen rồi chứ gì?

Mọi người đều cười xòa rồi mấy anh em cùng bọn gia đinh chia ra mạnh ái nấy vác thây chết đem về chất trong miếu.

Sau khi chất củi sẵn sàng, cho một mồi lửa cháy cất lên cao ngất trời rồi
mới bỏ đi. Chỉ trong giây lát, nơi đây thành một đống tro tàn không còn
trông thấy dấu vết gì cả.

Khi mọi người đến Thang Âm huyện, mấy anh em vào trình báo danh tính cho môn lại biết và xin ra mắt quan huyện.

Môn lại vào bẩm, quan huyện lập tức cho mời vào. Trà nước xong xuôi, Nhạc
Phi kể lại việc ông Lý Xuân gả con gái cho mình, và hiện nay chàng trở
về quê cũ có cả các ông viên ngoại theo mình.

Ông huyện Từ Nhân nói:

– Thế thì hay lắm, nhưng các vị đây quá bất ngờ, huyện đường không chuẩn bị đủ phòng the, e sẽ thất lễ chăng?

Năm anh em cùng thưa:

– Dạ chẳng dám làm phiền ngài, để mấy anh em tôi cất thêm ít căn nhà nữa để ở cũng xong.

Ông huyện Từ Nhân nói:

– Bây giờ điều cần nhất là phải lo sắp đặt chỗ ở cho mấy viên ngoại nghỉ ngơi.

Nói rồi, ông huyện từ lập tức lên ngựa thẳng đến lành Vĩnh Hòa, xóm Hiếu
Đễ. Ông giơ tay chỉ một ngôi nhà mới cất nói với Nhạc Phi:

– Sau
khi xét qua bản đồ tôi được biết miếng đất này là của họ Nhạc khi trước, nên có bẩm cùng ông Lưu Đô Viện rõ. Ông ta đã xuất bạc chuộc lại và sai thợ cất nhà, vậy nay hiền khiết hãy dọn về đây mà ở.

Nhạc Phi cảm kích vô cùng, ông huyện Từ còn dặn dò thêm mọi việc rồi mới trở về nhà.

Chỉ trong ngày hôm ấy, Nhạc Phi sai gia đinh dọn đồ đạc đến và mời gia quyến cùng đến đó ở.

Bà An Nhân về đến quê hương rồi, trong lòng xúc động, nước mắt nhỏ ròng ròng nói:

– Xưa kia sự nghiệp giàu có, cửa nhà khang trang, nay về thấy nhà cửa
chật hẹp, và chẳng thấy mặt chồng đâu cả thì còn gì đau đớn cho bằng.

Bà Viện Quân khuyên giải mãi bà vẫn không nguôi, Nhạc Phi thưa:

– Xin mẹ bớt cơn phiền muộn, tuy nhà cửa chật hẹp, nhưng con sẽ lo cất thêm rộng lớn, việc ấy chẳng khó gì, xin mẹ an tâm.


Rồi bày tiệc ăn mừng, khánh thành nhà mới.

Ngày hôm sau Nhạc Phi cùng chư huynh đệ đến tạ ơn quan huyện Từ Nhân rồi dắt nhau ra tỉnh thành xin vào bái kiến ông Đô Viện.

Bọn Nhạc Phi quỳ lạy lễ tạ ơn ông Lưu Công, quan huyện Từ Nhân bẩm lại việc mấy anh em Nhạc Phi đã có chỗ ở yên ổn rồi.

Lưu Công nói:

– Mấy anh em không nỡ lìa nhau nên dời đến ở một chỗ, thật là tình bằng
hữu quá đậm đà, trên đời này ít kẻ bì kịp. Thôi quan huyện hãy trở về
nha môn đi, để bọn hiền khiết ở lại đây, ta còn có việc dặn bảo.

Quan huyện Từ Nhân ra về rồi, Lưu Công cho gọi Nhạc Phi vào đóng cửa lại, hỏi:

– Chừng nào hiền khiết xuống kinh kỳ ứng thí?

Nhạc Phi đáp:

– Thưa, ngày mai này, tiểu sinh sắm sửa khởi hành.

Lưu Công ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói nhỏ:

– Hôm trước ta có gửi thư cho ông Lưu Thú Tông Trạch nhờ ông ta giúp đỡ
ngươi trong việc thi cử, nhưng ta sợ ông ta mắc nhiều việc có thể bỏ
qua, nên nay ta muốn đưa ngươi một lá thư nữa đem đến trao tận tay ông
ta trong ngày ấy mới được.

Nói rồi ông lấy bút mực ra viết thư trao cho Nhạc Phi và nhét vào tay chàng năm mươi lượng bạc, bảo:

– Hiền khiết hãy mang số bạc này làm lộ phí.

Nhạc Phi lãnh bạc và thư, lạy tạ rồi trở về huyện ngay. Quan huyện Từ Nhân nắm tay chàng bảo:

– Ta chẳng có chi tặng cháu, vậy ta hứa trong lúc cháu vắng mặt, ta sẽ
giúp đỡ, đùm bọc cho gia quyến cháu. Cháu hãy ra đi chớ lo chi đến việc ở nhà.

Nhạc Phi cùng chư huynh đệ bái tạ ra về thưa cùng các viên ngoại:

– Anh em chúng con đi về kinh thi hội kỳ này không muốn đem kẻ tùy tùng
theo làm gì cho phiền phức, nên anh em định cùng đi cho thong thả.

Rồi lo sắm sửa đồ hành lý, sáng sớm hôm sau anh em vào từ biệt các viên
ngoại. Nhạc Phi còn dặn dò Lý tiểu thư và lạy mẹ rồi cùng nhau đi thẳng
đến Trường An. Ngày đi đêm nghỉ, đi mãi hai ngày sau mới đến nơi.

Nhạc Phi gọi mấy anh em căn dặn:

– Đây là chốn kinh thành, không phải như trong làng xóm mình đâu, nên mọi việc cần phải thận trọng lắm và tránh mọi cử chỉ vô lễ kẻo mang vạ vào
thân đấy.

Ngưu Cao cau mày nói:

– Nếu vậy con người ở chốn kinh thành hung dữ, hay ăn thịt người ta lắm sao?

– Không phải vậy đâu. Tôi nói thế có nghĩa là chốn này không thiếu chi
hạng vương tôn công tử, nếu ta có cử chỉ lỗ mãng, sinh chuyện lôi thôi
thì khó bề giải cứu.

Vương Quới nói:

– Không hề chi đâu,
huynh trưởng hay lo xa vậy, chớ anh em mình vào thành rồi chẳng thèm hơn thua với ai hết thì việc gì mà sợ?

Thang Hoài xen vào:

– Nhưng đại huynh đề phòng trước là phải lắm, phàm việc gì chúng mình cũng phải khiêm nhường là hay hơn hết.

Năm người giục ngựa buông cương, kẻ trước người sau, chẳng mấy chốc đã đến
trước cửa thành. Bỗng từ phía sau, có người ra sức chạy bộ tiến đến nắm
lấy vạt áo Nhạc Phi vừa thở vừa nói:

– Ối, ông Nhạc Phi ôi, ông hại tôi nhiều lắm rồi, chẳng lẽ bây giờ ông lại không ngó ngàng gì đến tôi sao?

Nhạc Phi quay lại nhìn kỹ người này chính là Giang Chấn Tử, chủ tiệm ở tại Tương Châu.

Nhạc Phi hỏi:

– Lý do gì mà ông bảo chúng tôi báo hại mình?

Chấn Tử nói:

– Chẳng giấu chi ông, khi trước tại tỉnh Tương Châu, ông có ghé vào tiệm
tôi nghỉ ngơi mấy ngày. Khi ông đi rồi, có Hồng Tiên dẫn một số lâu la
đến tiệm tôi tìm ông không thấy, hắn hằn học bảo rằng vì ông mà hắn bị
cách chức quan nên mang mối hận thù.

Thế là nó ra lệnh cho lâu la đập phá cửa tiệm tôi tan tành, còn đánh tôi một trận nhừ tử.

Nhạc Phi nói:

– Vậy ông định bắt đền chúng tôi vì chuyện đó hay sao?

Giang Chấn Tử phân trần:

– Sau vụ đó, vợ chồng tôi phải dắt díu nhau lên đây làm ăn. Gặp các ông đây, tôi muốn mời mấy ông vào quán tôi nghỉ ngơi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.