Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 70: Hồi thứ bảy mươi


Đọc truyện Nhạc Phi Diễn Nghĩa – Chương 70: Hồi thứ bảy mươi

Chùa Linh Ân hôm ấy nhộn nhịp tổ chức buổi lễ trọng, chúng tăng ra tận
ngoài cổng chờ nghênh tiếp vợ chồng Thái sư. Vị hòa thượng trụ trì dẫn
vợ chồng Tần Cối bước vào đại điện, lạy Phật rồi bảo chúng tăng ra ngoài hết. Vợ chồng Tần Cối đốt ba cây hương, lâm râm vái:

– “Hãy phù
hộ cho vợ chồng chúng tôi được hưởng vinh hoa phú quí đời đời và ăn ở
với nhau được bách niên giai lão. Hãy phù hộ cho linh hồn cha con Nhạc
Phi sớm được siêu sinh tịnh độ và những việc oan gia thảy đều tiệt
diệt!”.

Vái rồi, Tần Cối bảo hòa thượng trụ trì dẫn đi dạo chơi
khắp chùa. Vừa ra sau phương trượng, bỗng thấy trân vách phấn đề một bài thơ, dấu mực còn rành rành chưa khô.

Tần Cối lẩm bẩm đọc:

Phước hổ dung dị túng hổ nan.

Vô ngôn chung nhật ỷ lan can.

Nam nhi lưỡng điểm hoàng thê lụy.

Lưu nhập hung câm thẩu đởm hàng.

Đọc xong, Tần Cối thất kinh, mồ hôi toát ra ướt cả áo, nghĩ thầm:

“Câu thứ nhất này là câu “Bắt hổ thì dễ, thả hổ mới khó” vợ chồng ta ngồi
bên lò sưởi bút đàm, vợ ta viết trong tro câu này, chỉ một mình ta xem
thôi, ai mà biết được tại sao có người nào lại viết đúng từng câu từng
chữ lạ vậy?

Nghĩ rồi, quay lại hỏi hòa thượng trụ trì:

– Ai viết bài thơ trên vách phấn này đây?

Hòa thượng trụ trì lấy làm lạ đáp:

– Phàm ở chùa này, ngoài quí khách hay hòa thượng từ nơi khác đến thì
chẳng ai được vào trong này cả, huống hồ nay đã có Thái sư đến đây lạy
Phật ai mà đám vào viết bài thơ ấy? Hay là bài thơ ấy viết đã lâu rồi
chăng?

Tần Cối nói:

– Nét mực chưa khô, sao bảo rằng viết đã lâu?

Hòa thượng trụ trì cố moi óc suy nghĩ hồi lâu rồi nói:

– Phải rồi, cách đây mấy hôm có một tên mới đến xin được ở chùa, đang
giúp việc nhà bếp, tên này tính hay vẽ vời thơ phú, chắc bài thơ này do
hắn viết đây.

Tần Cối bảo:

– Thế thì ngươi hãy gọi hắn vào đây cho ta hỏi.

Hòa thượng trụ trì ra vẻ lo ngại:

– Tên này điên điên, khùng khùng sợ gọi hắn ra đây hắn nói xàng bậy bần tăng có tội với Thừa tướng.

Tần Cối khỏa tay:

– Không hề gì đâu, cứ gọi hắn ra đây, dù hắn có điên khùng ai lại chấp nhặt làm gì?

Hòa thượng trụ trì vâng lệnh ra sau phương trượng chạy xuống nhà bếp nói:

– Diệp Thủ Nhất, nhà ngươi bạ đâu viết đó, nay Tần Thừa tướng ngó thấy, truyền đòi ngươi đến cho Ngài hạch hỏi đấy.

Thủ Nhất thản nhiên nói:

– Tôi đã có ý muốn gặp hắn nói chuyện chơi, nếu hắn gọi thì may mắn biết bao nhiêu.

Hòa thượng trụ trì nhìn thẳng vào mặt Thủ Nhất lườm một cái và dọa:

– Ngươi coi chừng, hỗn láo với Tần Thái sư bị đứt đầu đấy chứ không phải chơi đâu?

Thủ Nhất chẳng nói thêm nửa lời, cứ đàng hoàng bước đi, Hòa thượng trụ trì phải bước nhanh lên trước để giới thiệu:

– Bẩm Thái sư, tôi đã gọi hắn lên đó.

Tần Cối nhìn từ đầu đến chân Thủ Nhất thấy đầu tóc hắn bờm xơm, áo quần vá
víu trăm miếng, tay chân lở lói trông gớm ghiếc làm sao. Tần Cối che
miệng cười khúc khích nói:

– Mặt mũi mi lấm lem, tóc râu mi chẳng
cạo, trông bộ tịch dơ dáy gớm ghiếc lại chẳng học kinh kệ gì cả, cứ điên điên khùng khùng như vậy biết chừng nào tu cho thành?

Bằng giọng khinh khỉnh, Thủ Nhất đáp:

– Tuy diện mạo ta xấu, nhưng trong lòng ta lương thiện, chứ không phải như ai miệng vái Phật, lòng chứa gươm đao đâu.

Tần Cối hỏi:

– Vậy chớ bài thơ trên vách kia có phải ngươi viết không?

– Ngươi đã làm được, há ta lại không viết được sao?

Tần Cối lại hỏi:


– Sao chữ “điểm” người lại viết nhỏ như vậy?

– Điểm nhỏ thì đi tu, điểm lởn ngày sau ắt sinh sự.

Tần Cối cau mày nhìn hắn hồi lâu rồi hỏi tiếp:

– Thế mi cầm cây chổi trong tay để làm gì vậy?

– Để quét cho sạch lũ gian tà.

– Còn tay kia mi cầm cái gì đó?

– Cái ống thổi lửa này đây!

Bằng giọng khiển trách, Tần Cối nói:

– Ống thổi lửa thì bỏ dưới bếp, chứ đi đâu cũng cầm theo làm gì?

– Ống thổi lửa này nguy hiểm lắm, hễ thổi lên thì khói lan dậy tứ phía
không sao dập tắt được nên phải giữ bên mình để kiềm chế chứ không thể
bỏ rời nó được.

Tần Cối tái mặt, cố gượng làm ra vẻ thản nhiên:

– Khéo nói chuyện khùng, mi mang bệnh này đã bao lâu rồi?

Thủ Nhất đáp không nghĩ:

– Ta mang bệnh này từ lúc ta gặp thằng cha bán thuốc bao sáp tại Tây Hồ cho đến nay.

Vương thị đứng sau giật nẩy người, nhưng giả vờ mỉm cười xen vào hỏi:

– Sao chẳng đón thầy, uống thuốc?

Thủ Nhất đáp:

– Ta chẳng giấu chi phu nhân, nếu chỉ mang bệnh tại Tây Hồ thì cũng có
thể chữa khỏi, song rồi sau ta lại cảm thêm thương hàn tại đông song bên lò sưởi ấy nữa, thì thuốc gì trị cho được?

Vương thị nghe nói trúng tim đen của mình, mặt mày biến sắc, cảm thấy xốn xang vô .cùng liền nói với Tần Cối:

– Tên này mắc phải chứng phong điên, nên nói xằng bậy đừng hỏi nó nữa làm chi, hãy đuổi nó đi cho rồi.

Thủ Nhất lại cười ha hả nói:

– Người đã đuổi cả ba người đi âm phủ rồi, chớ đâu phải hôm nay mới đuổi một mình ta?

Tần Cối muốn đuổi ra, nhưng không hiểu nghĩ sao lại hỏi:

– Mi có pháp danh không?

– Có chớ, ta tên Diệp Thủ Nhất, trọn ngày nấu bếp. Chẳng sợ lộ thiên cơ, phải trái đều nói hết.

Vợ chồng Tần Cối nghe nói trong lòng thất kinh nghi ngờ Thủ Nhất là bậc phi phàm, nhưng Tần Cối lại cố tìm lời mạt sát:

– Ta xem tướng mạo mi làm thơ sao được. Tin chắc bài thơ trên vách này là của một người khác làm rồi bảo ngươi viết lên phải không? Mi hãy nói
thật ra rồi ta ban cấp độ điệp cho ở đây tu hành.

Diệp Thủ Nhất cười gằn:

– Trên đời này chỉ có một mình ngươi làm thơ thôi sao?

Tần Cối nói:

– Mi có giỏi hãy làm một bài trước mặt ta xem?

– Được lắm, có khó chi? Song chẳng biết lấy chi làm đề.

Tần Cối nói:

– Thì cứ lấy ta làm đề cũng được.

Nói rồi Tần Cối sai hòa thượng trụ trì lấy giấy mực ra cho Thủ Nhất làm thơ, nhưng Thủ Nhất khỏa tay nói:

– Không cần, ta đã có sẵn trong túi đây rồi.

Vừa nói vừa lấy giấy mực, bút nghiên ra bày dưới đất.

– Giấy tờ gì mà bèo nhèo quá vậy làm sao viết được?

Thủ Nhất cãi lại:

– Vậy chứ cái thư trong viên thuốc bao sáp lúc ở Tây Hồ không bèo nhèo hơn sao?

Vừa nói vừa hí hoáy mài mực, lấy bút viết ra một bài thơ thất ngôn bát cú không cần phải nghĩ ngợi gì cả.

Viết xong đem lại cho Tần Cối xem. Tần Cối lẩm bẩm đọc:

“Cửu vấn Thừa tướng hữu lương qui,

Chiếm đoạt triều can nhân chúa nguy.

Đô duyên trương thiệt tư Kim lỗ,

Đường tiền ái tử vinh nan qui.

Bế hộ đàng mưu khuynh Tống thất,


Tắc đoạn trung ngôn quốc tọa khôi

Hiền oan thiên tải phùng công luận,

Lộ thượng hành nhân khẩu tự…”.

Tần Cối xem tình tiết trong thơ đều nói trúng tim đen của mình, lòng giận
lắm song chẳng dám nói ra vì còn nghi ngờ một chữ nên vội hỏi:

– Thế sao còn câu chót mi không viết nốt một chữ nữa cho toàn bài thơ?

Thủ Nhất nói:

– Nhan kiến Thi Toàn diện,

Gian thần mạng dĩ nguy.

Nghĩa là: nếu thấy mặt Thi Toàn thì gian thần mạng vong. Tần Cối nghe nói kinh hãi quay lại, bảo kẻ tả hữu:

– Từ nay về sau chúng bay gặp người nào tên Thi Toàn không kể phải trái, cứ việc bắt đem về cho ta.

Vương thị nói:

– Thằng điên nó làm thơ vớ vẩn có nghĩa gì đâu, tướng công tin hắn làm chi cho mệt óc.

Diệp Thủ Nhất nhìn Vương thị nói:

– Trình độ của phu nhân chưa hiểu được bài thơ này đâu, chẳng những đọc xuôi thôi, hãy đọc ngang coi thử.

Tần Cối quay ngang tờ giấy đọc:

– “Cừu chiến đô đường bế tắc hiền lộ.

Tẩn Cối ném bài thơ xuống đất, đứng phắt dậy sắc mặt hầm hầm quát:

– Tên khốn kiếp này, sao dám cả gan diễu cợt đại thần? Kẻ tả hữu đâu, hãy kéo nó ra ngoài đánh chết cho ta.

Kẻ tả hữu vâng lệnh áp tới bắt Diệp Thủ Nhất, lão liền với nắm chân ghế níu lại, la to lên:

– Ta diễu cợt Thừa tướng bất quá là vô lễ mà thôi, chứ ta chưa hề mưu hại đại công thần, sao lại giết ta là làm sao?

Lúc ấy chúng tăng trong chùa ai nấy đều sợ hãi run lẩy bẩy, còn kẻ tả hữu ra sức kéo hoài mà y vẫn không nhúc nhích.

Vương thị thấy thế nói nhỏ với Tần Cối:

– Quyền hành của Tướng công, trong triều, ngoài quận đều nghiêng ngửa, có sá chi một tên Thủ Nhất này? Dù nó có bay lên trời cũng không trốn
khỏi, thôi để mai sai người đi bắt nó đem về giết cũng chẳng muộn chi,
tội gì phải giận hờn cho mệt.

Tần Cối liền quay lại bảo kẻ tả hữu thả nó ra và hăm dọa:

– Từ nay về sau, chớ có nói xàm nữa!

Nói rồi, sai hòa thượng trụ trì lấy ra hai cái bánh bao cho Thủ Nhất ăn để
chứng tỏ rằng Thừa tướng biết thương hại kẻ điên khùng, bệnh tật.

Thủ Nhất tiếp lấy bẻ đôi rồi cạy nhân vất vung vãi dưới đất. Tần Cối trợn mắt hỏi:

– Ngươi không ăn thì thôi, sao lại bẻ nhân bỏ đi?

Thủ Nhất cười gằn:

– Chữ “nhân có nghĩa là “hãm”, ngươi có thể cho người khác ăn chứ đời nào ta chịu ăn nhân của ngươi?

Tần Cối thấy Thủ Nhất nói câu nào cũng đâm hông, mỉa mai mình nên giận căm
gan, nhưng chẳng dám nói ra, Vương thị bước tới nói:

– Thôi, ngươi hãy xuống dưới bếp ăn cơm chay đi chớ đứng trước mặt Thừa tướng nói điên nói khùng hoài không nên.

Diệp Thủ Nhất ngước nhìn vợ chồng Tần Cối bằng cái nhìn đầy chế nhạo nhưng
chưa chịu đi. Bọn chúng tăng trong chùa thấy thế sợ hãi vội áp đến nắm
tay Thủ Nhất kéo xuống bếp. Hắn vừa đi vừa nhìn lại cười mủm mỉm khiến
vợ chồng Tần Cối giận muốn bể ngực.

Sau một hồi bị châm biếm, mỉa mai, Tần Cối liền sai tả hữu sắm sửa trở về. Chúng tăng quỳ đưa ra khỏi chùa rồi bàn với nhau:

– Tần Thừa tướng là người sâu hiểm đệ nhất, chúng ta có lạ lùng gì đâu?
Chắc chắn việc này người không thể bỏ qua. Vậy chúng ta phải giữ lão Thủ Nhất kẻo lão trốn đi mất thì chúng ta mang khổ chẳng phải chơi đâu.

Nói về Thi Toàn ở tại núi Thái Hành đêm ngày nuôi chí căm hờn, quyết báo
thù cho được, để rồi xuống tuyền đài theo Nhạc Phi mới thỏa dạ.

Một buổi sáng, Thi Toàn từ biệt Ngưu Cao nói dối rằng mình đi dò nghe tin
tức. Nhưng rồi dời khỏi Thái Hành sơn đi thẳng đến Lâm An tìm đến mộ
Nhạc Phi khóc lóc một hồi, rồi đi thám thính biết rõ Tần Cối đã lên chùa Linh ân tu trai bái sám, chàng tin chắc thế nào khi đi về hắn cũng đi
ngang cầu Chúng An, nên lập tức đến nấp dưới cầu mà chờ.

Tần Cối ở chùa về vừa đi vừa nghĩ thầm:

– Nhưng việc ta cùng phu nhân làm thì có ai biết được? Sao tên Thủ Nhất ấy lại biết hết, thật lạ lùng.


Tần Cối còn đang suy nghĩ thì đã qua khỏi cửa Tiền Đường gần đến cầu Chúng
An, đột nhiên con ngựa vừng giật mình nhảy dựng lên. Tần Cối gò cương
lại thối lui hơn mấy bước.

Thi Toàn đứng dưới cầu thấy Tần Cối,
vội rút đao nhảy bổ ra chém, chẳng dè hai tay bủn rủn giơ đao lên không
nổi. Hai tên gia tướng phò Tần Cối vội rút dao chém Thi Toàn ngã xuống
đất rồi áp tới trói Thi Toàn giải về trướng phủ.

Thi Toàn vốn là
một dũng tướng đã bao phen xông pha vào chốn nghìn vạn tinh binh còn
thắng nổi, huống hồ nay đứng trước hai tên thủ hạ vô danh của Tần Cối
sao lại bị hại? ấy chỉ vì trung hồn của Nhạc Nguyên soái không cho ra
tay, sợ hư danh trung nghĩa của người, nên mới nắm tay Thi Toàn lại cho
gia tướng Tần Cối bắt được để trọn danh nghĩa Thi Toàn.

Tuy bắt
được Thi Toàn mà Tần Cối thất kinh, mặt mày biến sắc, về đến trướng phủ
rồi vẫn còn bơ phờ thở chẳng ra hơi. Tần Cối sai kẻ tả hữu dẫn Thi Toàn
vào, nạt lớn:

– Ngươi là ai? Sao dám to gan hành thích đại thần? Hãy khai mau?

Thi Toàn nổi giận hét:

– Mi là đứa gian thần dối vua hại nước, hãm hại trung lương, trong thiên
hạ ai mà không biết, ai mà chẳng muốn ăn thịt moi gan ngươi cho hả giận, há một mình ta sao? Ta đây đường đường là đấng trượng phu đời nào thèm
giấu tên, cải họ làm gì. Ta chính là Thi Toàn, thủ hạ của Nhạc Nguyên
soái đây. Hôm nay ta quyết đến bắt mi phân muôn đoạn để báo thù cho Nhạc Nguyên soái chẳng dè số mạng mi chưa tuyệt, ta cũng chờ một ngày nào
mệnh mi hết rồi, xem mi trốn đâu cho khỏi.

Tần Cối bị Thi Toàn
mắng một hồi không biết lấy lời gì cãi lại cho xuôi, liền sai quân đem
giam nơi ngục Đại Lý Tự, rồi hôm sau đưa ra chợ Vân Dương xử trảm.

Đầu Thi Toàn rơi, dân chúng đứng xem đổ không biết bao nhiêu giọt nước mắt, họ cảm thương cho đấng anh hùng một đời đem thân gánh vác giang sơn,
đến nay vì nghĩa phải chịu mạng vong.

Tại Thái Hành sơn, từ khi
Thi Toàn đi rồi, Ngưu Cao trong lòng bứt rứt chẳng yên, liền sai lâu la
đi dò nghe tin tức. ít hôm sau, lâu la hay tin Thi Toàn chết chạy về phi báo. Ngưu Cao nổi giận đùng đùng hét lên như sấm, muốn dấy binh lập tức đánh thẳng xuống Lâm An để báo thù cho Thi Toàn.

Vương Quới tỏ lời can ngăn:

– Không được đâu, lúc Nhạc đại ca mới chết, linh hồn người còn chẳng cho
bọn ta hưng binh, đến nay chỉ vì Thi đại ca cưỡng lại, nên mới đem thân
quăng vào lưới.

Nói đến đây hai anh em khóc rống lên, rồi sắm đồ
lễ vật tế điện Thi Toàn. Từ đó Vương Quới và Trương Hiển hai người quá
đỗi bi thương nên mang bệnh mà chết. Ngưu Cao khóc than thê thảm hơn
nữa. Bây giờ Ngưu Cao còn một mình trơ trọi sống với bọn lâu la nên rất
buồn.

Khi Tần Cối giết chết Thi Toàn rồi lui vào tư nha tâm hồn
hoảng hốt, bệnh cũ trở lại, Vương thị chạy tới chạy lui lo lắng không
yên.

Ngày kia Vương thị nói với Tần Cối:

– Hôm trước chúng
ta lên chùa Linh ân gặp tên Thủ Nhất, y làm thơ câu nào cũng châm biếm,
nhưng hắn lại nói: nếu gặp Thi Toàn thì mạng tướng công ắt nguy, thế thì chắc chắn tên Thi Toàn là đồng bọn với tên Thủ Nhất ấy, nên hắn sai đi
hành thích.

Tần Cối chợt nhớ lại, nói:

– Lời phu nhân nói rất chí lý.

Nói rồi sai Hà Lập dẫn mười tên gia tướng lên chùa Linh Ân bắt Diệp Thủ Nhất.

Hà Lập vâng lệnh dẫn bọn gia tướng đi thẳng lên chùa Linh Ân xông vào
thấy Thủ Nhất đang đứng dưới nhà bếp. Hà Lập nhảy tới nắm tay quát:

– Thừa tướng sai ta đến đây bắt ngươi, hãy theo ta cho mau.

Diệp Thủ Nhất không một chút sợ sệt, mỉm cười đáp:

– Ngươi chớ nên nóng nảy, hãy xem con người của ta đây, mình cao không
đầy bốn thước, tay chân lở lói bệnh hoạn, trói gà không chặt chạy đi đâu cho khỏi mà phải bắt bớ làm gì? Ta thừa hiểu hôm trước ta nói xúc phạm
đến Thừa tướng, định tắm rửa cho sạch sẽ, thay đổi áo quần đến dinh Thừa tướng chịu chết. Hãy buông ta ra rồi đứng giữ cửa phòng này để ta vào
thay áo quần rồi sẽ đi theo.

Hà Lập buông Thủ Nhất ra và nói:

– Được rồi, đối với ngươi ta cũng không sợ ngươi trấn vì có trốn cũng không thể trốn được. Thôi hãy vào thay đồ cho mau lên.

Diệp Thủ Nhất bước vào phòng hồi lâu không thấy ra. Hà Lập đâm nghi liền dắt gia tướng vào trong tìm kiếm khắp phồng vẫn không thấy bóng dáng y đâu
cả, lại thấy trên ghế có để một chiếc hộp nhỏ trên nắp có đề một hàng
cho “Hạp trung chi vật phó giữ Tần Cối thâu chiết” nghĩa là đồ trong hộp này giao cho Tần Cối mở xem.

Hà Lập không biết tính sao đành phải thu chiếc hộp, dắt gia tướng trở về dâng cho Tần Cối và đem hết việc ấy bẩm lại một hồi.

Tần Cối mở hộp ra xem, thấy trong ấy có bốn câu thơ:

“Ngẫu lai trần thế tác phong điên,

Thuyết phá gian tà phàn cổ viên,

Nhược nhiên vấn ngã gia hà xứ,

Khước tại Đông Nan đệ nhất sơn”.

Tần Cối xem xong nổi giận lôi đình mắng Hà Lập:

– Quân khốn kiếp, lúc trước sai ngươi đi bắt Đạo Duyệt hòa thượng ngươi
đã thả hắn đi, hôm nay ngươi lại thả tên Thủ Nhất này rồi lại đem cái
hộp về dối ta.

Nói rồi khiến kẻ tả hữu bắt mẹ và vợ Hà Lập đem giam vào ngục rồi bảo Hà Lập:

– Ngươi phải lên Đông Nam đệ nhất sơn bắt cho được hắn, nếu bắt không được thì ngươi và cả nhà ngươi bị xử trảm.


Hà Lập cúi đầu lui ra lấy bản đồ xem xét kỹ thì thấy về phía Đông tại
Chiêu Quân thành có một hòn núi tên Đông Nam Đệ Nhất Sơn, nhưng núi này
là chỗ thần tiên cư trú, người phàm khó đến được; Hà Lập không biết làm
sao, đành vào ngục than khóc từ biệt mẹ và vợ con, rồi lên ngựa ra đi,
nhàm Chiêu Quân thành thẳng tới.

Từ ngày Tần Cối chém Thi Toàn rồi cả ngày tâm thần hoảng loạn, phía sau lưng đau nhức khó chịu lắm rồi
mấy hôm sau bỗng dưng tại chỗ đau phát lên một cái nhọt mười phần trầm
trọng. Ngày đêm Tần Cối không ăn ngủ gì được cứ rên la mãi xem chừng đau đớn vô cùng. Vua Cao Tông đến thăm và truyền cho thái y hết lòng chạy
chữa.

Việc này xin gác lại, bây giờ xin nói qua việc bọn Nhạc Đình và bọn Ngũ Liên gồm tám người, từ ngày đánh phá lôi đài và tế mộ Nhạc
Phi rồi dắt nhau ra phía sau núi đi thẳng qua Vân Nam.

Đến nơi, Nhạc Đình vào thông báo trước rồi mới ra mời bảy vị anh hùng vào ra mắt Sài Vương và giới thiệu từng người.

Nhạc Đình lại đi thẳng vào trong ra mắt Nhạc thái thái, Nhạc phu nhân và Sài lão nương nương. Bảy vị anh hùng đều nói:

– Bá mẫu tôi được bình yên ở đây là nhờ có lão nương nương Thiên tuế ra ơn chiếu cố, thật chúng tôi cảm kích vô cùng.

Sài nương nương nói:

– Chúng tôi đây đều xem như một nhà cả, liệt vị chớ nói như vậy. Liệt vị
công tử đều là bậc hiếu nghĩa đáng khen, ý tôi muốn cùng con tôi kết
nghĩa đệ huynh, có được cùng không?

Mấy anh em đều đứng dậy, đáp:

– Lão nương nương thương chúng cháu nói vậy chúng cháu đâu dám.

Sài nương nương ra vẻ bất bình:

– Sao liệt vị lại nói vậy?

Nói rồi đứng phắt dậy, sai quân đặt bàn hương án cùng mấy vị tiểu anh hùng
vái trời kết nghĩa anh em. Sài Vương lớn tuổi hơn đứng trước, kế đến Hàn Khởi Long, Hàn Khởi Phụng, Gia Cát Cẩm, Tông Lương, Âu Dương Tùng Vương Anh, Kiết Thành Lượng, Dư Lôi, Ngũ Liên, Hà Phụng, Trịnh Thế Bửu, Nhạc
Lôi, Nhạc Đình, Nhạc Lâm và Nhạc Chấn cộng tất cả hai mươi vị tiểu anh
hùng thề cùng sống cùng chết với nhau.

Bắt đầu từ đó đoàn anh hùng này sống chung với nhau, một hạt muối cũng chia đôi và xem nhau như
ruột thịt Hằng ngày cùng nhau trao đổi nghề văn, nghiệp võ, thấm thoắt
đã đến Tết Trung thu, Sài Vương nói:

– Này, đã đến tết Trung thu
rồi, ngày mai chúng ta lên núi săn bắn chơi, hễ ai bắt hổ báo thì được
công đầu, còn bắt được hươu nai thì công thứ nhì, còn ai bắt được giếng
thịt nhỏ thì công chót, phải phạt rượu ba bát.

Hàn Khởi Long nói:

– Đại ca có ý như vậy hay lắm, ngày mai chúng đệ sẽ ra sức tranh đoạt công đầu.

Đêm ấy anh em ăn uống vui chơi cho đến khuya mới đi nghỉ. Hôm sau bình minh vừa ]ó, bọn anh hùng cầm binh khí lên ngựa dẫn binh mã leo lên núi đóng trại, phân nhau đi tìm thịt thú rừng.

Tứ công tử Nhạc Lâm quyết
đi tìm thú lớn liền giục ngựa vung roi vượt qua khỏi hai hòn núi, bỗng
thấy trước mặt có một con hổ mình có đốm trắng, đốm đen trông rất kỳ dị.

Nhạc Lâm dương cung, lắp tên bắn một mũi nhằm trúng giữa lưng,
con hổ nhào lăn dưới đất. Chàng nhảy tới bồi một thương nữa, con hổ nằm
im không nhúc nhích.

Quân sĩ đi theo Nhạc Lâm mừng rỡ, toan áp tới bắt khiêng về dâng công, trông thấy một tên Miêu tướng dắt theo mười
đứa Miêu binh lướt tới, nạt lớn:

– Không đứa nào được động đến con hổ ấy, vì ta đã khổ công rượt nó đến đây.

Nhạc Lâm nói:

– Đừng nói bậy, ta tìm kiếm nửa ngày mới gặp con hổ vừa ý, ta bắn trúng
một mũi lại đâm bồi một thương mới bắt được, sau ngươi lại đến giành
giật?

Bằng giọng khinh khỉnh, Miêu tướng nói:

– Dẫu cho ai bàn được cũng vậy, ta đã muốn bắt không ai có thể làm gì ta được.

Nhạc Lâm cười gằn, đáp:

– Nếu ngươi muốn bắt con hổ này cũng không khó, nghĩa là ngươi phải chịu
nổi cây đao trên tay ta đây, bằng không cây đao này nó sẽ vô tình chấm
dứt mạng sống của ngươi. Lúc ấy ngươi nên trách cho số mạng ngươi quá
ngắn ngủi, chớ nên trách ta nhé.

Miêu tướng nghe nói nổi giận nạt lớn:

– Thằng con nít chưa sạch máu đầu lại dám vô lễ đến thế ư? hãy nếm thử mũi đao của ta đây này.

Vừa nói vừa lao mình tới vung đao chém mạnh, Nhạc Lâm tránh sang một bên,
giơ đao dỡ văng đao của đối phương ra, đoạn đánh với nhau hơn mười hiệp. Nhạc Lâm áp dụng thế hồi mã thương, vít Miêu tướng ngã nhào xuống ngựa, đâm bồi một thương: Miêu tưởng chết không kịp ngáp.

Bọn Miêu binh hoảng sợ chạy về phi báo, còn Nhạc Lâm thì sai binh sĩ khiêng con hổ thong thả về dinh.

Nhạc Lâm đi chưa đầy vài mươi bước, bỗng nghe phía sau có tiếng gọi lớn:

– Loài cẩu đầu, chớ chạy đi đâu cả, ta quyết đến đây giết mi cho kỳ được mới nghe.

Tiếng hét vang dậy cả núi rừng, Nhạc Lâm quay dầu ngó lại, trông thấy tướng
ấy hình dung cổ quái, trong lòng hơi ngán, quay ngựa lại hỏi:

– Tôi có lỗi chi với đại vương đâu? Sao lại ra vẻ giận dữ thế ấy?

Miêu Vương lại hét:

– Quân khốn kiếp, ngươi vừa giết chết tướng tiên phong của ta là Xích Lợi còn giả vờ nữa ư?

Vừa nói, vừa vung giản đánh tới, Nhạc Lâm cũng đưa đao ngăn đỡ. Nhạc Lâm
cảm thấy đối phương sức mạnh vô song, đánh chưa đầy bơn hiệp, cây đao
Nhạc Lâm bị cây giản của Miêu Vương đánh văng ra xa lắc, Nhạc Lâm toan
quay ngựa chạy thì đã bị Miêu Vương với tay bắt sống trên yên ngựa, ném
xuống đất sai Miêu binh trói lại rồi giải về động.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.