Đọc truyện Nhạc Phi Diễn Nghĩa – Chương 58: Hồi thứ năm mươi tám
Trong lúc hai bên còn đang bày thế trận chờ ngày giao phong có tên tiểu Phiên chạy vào báo với Ngột Truật:
– Bẩm Chúa công, hiện trước dinh có một người đại Hán tự xưng là Vân Nam
Hoa ngoại Đại vương, tên Lý Thuật Phủ, có dắt một người cháu ngoại tên
Hắc Man Long muốn xin vào ra mắt.
Ngột Truật hỏi Hấp Mê Xi:
Người ấy là ai, đến xin ra mắt ta có việc chi vậy?
Hấp Mê Xi đáp:
– Lâu nay tôi thường nghe danh Lý Thuật Phủ là người thống lãnh một cõi
phương Nam, tài cán ít ai bì, hôm nay y đến đây chắc có ý giúp ta đó,
vậy chúa công hãy mời y vào xem sao.
Ngột Truật liền sai tiểu Phiên ra mời Lý Đại vương vào tiểu Phiên vâng lệnh ra bảo:
– Chúa công cho đòi Đại Vương vào trướng ra mắt.
Lý Thuật Phủ tức giận nghĩ thầm:
“Ngột Truật bất quá là một Hoàng tử bên Kim quốc còn ta đây là vương một cõi
Vân Nam, sao hắn chẳng ra đây tiếp ta lại coi thường ta như vậy?”
Nghĩ rồi quay lại nói với Hắc Man Long:
– Cháu hãy đứng ngoài này chở để cậu vào đó xem Ngột Truật bản lĩnh như
thế nào cho biết, nếu hắn không lấy vương lễ đối xử với ta thì tội gì ta lại giúp đỡ hắn.
Hắc Man Long vâng lệnh đứng trước dinh chờ đợi, còn Lý Thuật Phủ vào trước trướng chấp tay vái chào và nói:
– Tôi xin ra mắt Hoàng tử.
Ngột Truật ngước mặt nhìn thấy Lý Thuật Phủ mình cao hơn trượng mặt xanh như chàm, tóc đỏ như son, tướng mạo vô cùng kỳ dị, liền bước xuống xích lại gần có ý đáp lễ và đo xem Lý Thuật Phủ cao hơn mình bao nhiêu cho biết. Chẳng dè Lý Thuật Phủ thấy Ngột Truật lườm lườm ngó mình lại thấy đối
phương xáp sát tới ngỡ Ngột Truật muốn bắt mình liền giơ tay thoi Ngột
Truật một quả ngã ngửa rồi chạy đại ra ngoài dinh, lên ngựa vung thương
chạy tuốt.
Bọn Bình chương thấy vậy giục ngựa đuổi theo. Hắc Man
Long quay ngựa lại hét lên như sấm nổ rồi vung chùy đánh chết một lượt
năm sáu tên, số còn lại thất kinh chạy về không dám đuổi theo nữa.
Lý Thuật Phủ nói với Hắc Man Long:
– Thằng mọi Phiên ấy không phải là bậc hảo hán, ta đã có ý đến giúp nó,
nó lại muốn bắt ta, ta phải đấm nó một thoi ngã ngửa mới tẩu thoát được.
Hắc Man Long nói:
– Cậu cháu ta đã lỡ đến đây rồi nếu thấy
Kim Phiên không tốt thì sẵn đây ta xem thử thái độ của tướng Tống ra sao cho biết. Cháu nghe nói Nhạc Phi có một người con tên Nhạc Vân võ nghệ
cao cường và cũng biết chuyện lắm, vậy để cháu ra tỷ thí với hắn, nếu
quả hắn tài hơn cháu thì cậu cháu mình cũng nên đầu Tống cho xong.
Lý Thuật Phủ gật đầu đáp:
– Cháu nói có lý lắm.
Rồi cậu cháu Lý Thuật Phủ dẫn một đội Miêu binh đến trước dinh Tống la ó om sòm. Hắc Man Long giục ngựa đến trước kêu lớn:
– Hỡi binh Tống, ta đây là Miêu đại Vương Hắc Man Long nghe đồn bên Tống
có tên Nhạc Vân võ nghệ cao cường, hãy gọi hắn ra đây tỷ thí với ta,
bằng không ta sẽ đánh thốc vào bắt hắn lập tức.
– Quân sĩ chạy vào báo:
– Nay có Miêu vương đến trước dinh ta khiêu chiến, nó lại gọi đích danh công tử Nhạc Vân bảo phải ra tỷ thí với hắn.
Nhạc Nguyên soái nghe báo vội gọi công tử Nhạc Vân vào bảo:
– Nay Miêu Vương đến khiêu chiến chắc có duyên cớ chi đây, vậy con hãy ra đó đối địch song phải tùy cơ ứng biến, nếu cần cũng nên thuyết phục đối phương, để thêm bạn bớt thù.
Công tử Nhạc Vân tuân lệnh lên ngựa
vung chùy xông ra trước trận, trông thấy Miêu vương đầu tròn, mặt lớn,
da đen, miệng rộng, mắt tròn đầu đội liên tử kim khôi, mình mang Ô kim
giải giáp, cưỡi con ngựa đen, tay cầm hai trái thiết chùy to tướng, tuổi độ mười sáu, mười bảy, nhưng mình cao hơn trượng, hình dung cổ quái
tướng mạo dị kỳ.
Nhạc Vân còn đang ngắm nghía, bỗng nghe Hắc Man Long hét lên như sấm:
– Ngươi tên chi, đã đốn đây sao không nói cho ta biết?
Nhạc Vân nhún vai đáp:
– Ta là đại công tử Nhạc Vân con của đại Nguyên soái Nhạc Phi đây, còn
ngươi vì duyên cớ gì đến đây và tên họ chi hãy nói cho ta rõ.
Hắc Man Long nói:
– Tiểu vương gia đây chính là cháu của Vân Nam Tổng lãnh Đại vương tên
Hắc Man Long, chỉ vì đã lâu không thấy Tống Triều phong vương nên quyết
đến giúp quân Kim Phiên để đoạt thiên hạ, ngờ đâu tên Ngột Truật không
biết chiêu sĩ đãi hiền, nên định trở về, nhưng lại nghe bên Tống có
ngươi võ nghệ cũng khá nên thuận đường ghé lại đây tỷ thí với ngươi vài
hiệp cho biết tài cao thấp.
Nói rồi vung chùy giục ngựa lướt tới
đánh Nhạc Vân, Nhạc Vân cũng múa song chùy đối địch. Hai tướng đánh nhau thật là xứng đôi vừa sức; bốn quả chùy nặng trăm cân chạm nhau vang lên nghe đinh tai nhức óc.
Cuộc giao phong tiếp diễn ngoài trăm hiệp vẫn chưa phân thắng bại, cả hai đều phục thầm tài sức nhau.
Nhạc Vân nghĩ thầm:
– “Thằng tiểu vương Miêu này giỏi thiệt, để ta dụ nó đến chỗ vắng vẻ hỏi
cho biết nguyên do rồi tìm cách dụ hàng là hay hơn hết”.
Nhạc Vân nghĩ rồi quay ngựa bỏ chạy kêu lớn:
– Miêu Man tử, ngươi dám theo ta lãnh ngón hồi mã chùy của ta không?
Hắc Man Long cười khẩy đáp:
– Ta lại sợ chi ngươi?
Vừa nói vừa giục ngựa rượt theo thẳng đến núi Phượng Hoàng, đến chỗ cây cối rậm rạp, Nhạc Công tử liền quay ngựa lại kêu:
– Hỡi tiểu Man vương, hãy dừng tay lại, ta có chuyện muốn tỏ cùng ngươi.
Hắc Man Long nói:
Nếu ngươi xét thấy mình không đủ sức thì chịu thua cho rồi còn muốn nói gì nữa?
Nhạc Vân mỉm cười nói:
– Ta đánh với ngươi đã quá nửa ngày, cũng thừa biết tài nghệ của nhau
rồi, lẽ nào ta lại sợ ngươi? Hơn nữa nơi trướng hạ của gia gia ta thiếu
chi hùng binh mãnh tướng, thậm chí Kim Phiên hơn sáu mươi vạn còn phải
thua liểng xiểng huống hồ một mình ngươi thống lãnh một cõi Vân Nam lẽ
ra phải đem quân đến giúp Triều đình mới phải, sao lại vô cớ đánh nhau
với ta, dẫu ngươi có giết được ta đi nữa cũng không chiếm được Trung
Nguyên, trái lại ta giết ngươi thì cái chết của ngươi thật là đáng tiếc, nói tóm lại cuộc giao phong giữa ta và ngươi không có lợi tý nào cả. Vì thế ta dụ ngươi vào nơi vắng vẻ này lấy tình nghĩa hơn thiệt nói cho
ngươi nghe, chớ nên gây thù kết hận làm gì cho nhọc sức.
Hắc Man Long nói:
– Triều đình đã biết cậu ta là Tổng Lãnh Vân Nam sao mấy năm nay không đến phong vương cho cậu ta?
Nhạc Vân đáp:
– Chỉ vì ngươi không rõ đó thôi, trải mấy năm qua quốc sự gian nan, Nhị
Đế bị giam cầm nơi Phiên quốc, nay Chúa thượng được ngựa đất đưa qua
sông nhưng lại bị Ngột Truất đem quân xâm lấn Trung Nguyên gây nạn binh
đao mấy năm trời có rảnh đâu được để phong vương cho cậu ngươi? Còn
ngươi quả là một người hào kiệt trong thế gian, ta nghe danh đã lâu, nay đặng gặp mặt nhau đây thật là vạn hạnh cho ta, ý ta muốn kết làm anh
em, chờ lúc nào khôi phục lại Trung Nguyên gia gia ta sẽ tâu với Thánh
thượng phong vương cho cậu ngươi, quyết không nuốt lời, chẳng hay tiểu
Miêu vương nghĩ sao?
Hắc Man Long nói:
– Tôi cung nghe danh
tiểu vương quân đã lâu, nay thấy rõ thật tiếng đồn chẳng sai, may thay
hôm nay biết được lòng nhau thật là ba sinh hữu hạnh, song tôi e thấp
cao khó sánh thôi.
Công tử nói:
– Đại trượng phu gặp được người ý hợp tâm đầu chớ nên nói lời ấy.
Sau đó hai người xuống ngựa bốc đất làm hương thề thốt với nhau kết làm anh em. Nhạc Vân lớn tuổi hơn làm anh, Hắc Man Long làm em.
Hắc Man Long nói với Nhạc Vân.
– Xin đại ca hãy về dinh trước đi để tiểu đệ trở về nói với Miêu Vương rồi sẽ đến thăm Nhạc nguyên soái.
Nói rồi hai người lên ngựa trở lại, Nhạc Vân thu quân về dinh đem hết việc
kết giao với Hắc Man Long bẩm lại cho cha nghe. Nhạc Nguyên soái mừng rỡ liền truyền chư tướng sắm sửa nghênh tiếp Lý Thuật Phủ.
Khi Lý Thuật Phủ thấy cháu mình cùng Nhạc Vân cưỡi ngựa đi bên nhau về đến giữa trận rồi giã biệt, nên lấy làm lạ hỏi:
– Cháu cùng Nhạc Vân tỷ võ như thế nào?
Hắc Man Long liền xuống ngựa đem sự việc nói rõ cho cậu mình nghe. Lý Thuật Phủ mừng rỡ, cùng với Hắc Man Long đến trước dinh Tống.
Quân sĩ chạy vào báo:
– Nay có Vân Nam Đại vương Lý Thuật Phủ cùng tiểu vương gia đến trước dinh xin vào ra mắt.
Nhạc Nguyên soái nghe báo vội truyền lệnh mở rộng cửa, dẫn hết chư tướng ra nghênh tiếp cậu cháu Lý Thuật Phủ vào dinh.
Sau khi làm lễ ra mắt nhau, phân ngôi chủ khách mời ngồi.Nhạc Vân bước tới
làm lễ ra mắt đại vương Lý Thuật Phủ. Hắc Man Long cùng làm lễ ra mắt
Nhạc Phi và các vị Nguyên soái: Trương, Hàn, Lưu. Bốn vị Nguyên soái đều đồng thanh nói:
– Chúng tôi nghe danh đại vương đã lâu, hôm nay mới gặp mặt, thật là ba sinh hữu hạnh.
Lý Thuật Phủ nói: .
– Tôi cũng nghe tiếng bốn vị Nguyên soái hết lòng khôi phục giang sơn
cho nhà Tống thật là kình khiên ngọc trụ, giá hải kim tương, đáng khen
đáng phục!
Nhạc Nguyên soái liền truyền lệnh dọn yến thết đãi một
mặt truyền lệnh khao thưởng tướng sĩ Vân Nam. Trong lúc ăn uống, Nhạc
Nguyên soái nói với Lý Thuật Phủ:
– Xin đại vương hãy tạm lui về
nước, vì nay Ngột Truật xâm phạm Trung Nguyên chưa tiễu trừ được sợ
chúng thừa cơ dấy loạn tại Miêu quốc thì bất tiện lắm, đại vương phải
chú tâm đề phòng mới được. Chờ cho bổn soái bình được Kim bang, rước Nhị Đế về triều rồi, bổn soái sẽ tâu với Thánh thượng thân hành đến Vân Nam phong Vương vị cho đại vương.
Lý Thuật Phủ mừng rỡ nói:
– Tôi kính vâng theo lời Nguyên soái dạy bảo.
Khi mãn tiệc rồi, hai bên từ biệt nhau, Nhạc Vân lưu giữ Hắc Man Long ở lại chuyện vãn một đêm cho thỏa tình ái mộ.
Sáng hôm sau, Lý Thuật Phủ vào từ giã Nhạc Nguyên soái trở về. Nhạc Nguyên
soái sai quân sắm sửa lương thảo, tặng vật đưa theo. Nhạc Vân cùng Hắc
Man Long hai đàng bịn rịn nhau chẳng nỡ chia tay.
Hắc Man Long dặn Nhạc Vân:
– Lúc nào Nguyên soái xuống Vân Nam, hiền huynh hãy theo ra đó chơi.
Nhạc Vân gật đầu đáp:
– Vâng thế nào tôi cũng ra đó thăm hiền đệ.
Nói rồi hai người gạt lệ chia tay, Lý Thuật Phủ cùng Hắc Man Long dẫn Miêu binh trở về Vân Nam.
Nhạc Nguyên soái chờ đợi mười hôm nữa vẫn không thấy bên dinh Phiên động tĩnh gì cả, Nguyên soái nghĩ thầm:
– Không biết Kim Phiên nó bày trận gì mà lâu đến thế? Thôi để đêm nay ta đi xem cho biết.
Nghĩ rồi, Nguyên soái chờ cho tối trời dắt Trương Bảo lén ra khỏi dinh thẳng đến núi Phượng Hoàng, leo lên trên cây đứng xem tình hình bên dinh
Phiên thì thấy độ trên trăm binh mã lập thành trận thế theo lưỡng điều
trường và đầu đuôi cân đối và giáp với nhau, vì vậy gọi là “Kim Long
giao vĩ trận.
Nhạc Nguyên soái còn đang đứng xem xét, bỗng nghe
bên tại có tên bay qua vun vút. Nguyên soái thất kinh vừa quay đầu lại
đã bị một mũi tên găm sâu vào bả vai.
Nhạc Nguyên soái rú lên một
tiếng thất thanh, trong bóng tối, tên thích khách kia tưởng Nguyên soái
chết rồi, hắn mừng rỡ rón rén trở về dinh.
Trương Bảo nghe Nhạc
Nguyên soái la lên, bèn phi thân lên cây bế Nguyên soái xuống, nhổ mũi
tên ra, cắt áo chiến bào băng lại rồi kề lưng cõng Nhạc Nguyên soái.
Nhạc Nguyên soái vẫn bình tĩnh kề tai nói nhỏ với
Trương Bảo:
– Vết thương của ta cũng chưa đến nỗi nào, người hãy đỡ ta lên ngựa.
Trương Bảo đỡ Nguyên soái lên ngựa rồi hai người chầm chậm dắt nhau trở về dinh.
Sau khi Nhạc Nguyên soái được Trương Bảo dìu vào trướng, Nguyên soái lấy
viên thuốc của Ngưu Cao cho ngày trước ra uống ngay, chỉ trong giây phút bình phục như xưa, xem như không có việc gì xảy ra cả.
Nhạc
Nguyên soái sai Trương Bảo ra đòi Thích Phương vào. Thích Phương nghe
đòi thất kinh hồn vía song chẳng dám cưỡng lại, liền theo chân Trương
Bảo vào trước trướng làm lễ ra mắt rồi run giọng hỏi:
– Chẳng hay Nguyên soái đòi tiểu tướng vào đây có việc chi sai khiến?
Nhạc Nguyên soái trầm giọng bảo:
– Thích Phương, ta thiết tưởng ngươi cũng là người có một bộ óc như ai
chứ đâu phải vật vô tri, vô giác? Sao lại chẳng chút lương tâm? Lúc. ra đi đánh Động Đình hồ, bởi ngươi phạm quân lệnh nên mới phạt mấy chục
côn, đó chỉ là thái độ công minh của người cầm quân, cớ sao ngươi cố
chuốc oán quyết hại ta. Lần thứ nhất nếu không nhờ Ngưu Cao cứu thoát,
tất nhiên tính mạng ta không còn, thế mà ta vẫn lấy đức đối xử với ngươi chỉ mong ngươi biết hồi tâm phục thiện, ngờ đâu hôm nay ngươi lại lén
ám hại ta lần thứ hai.
Thường ngày ta đối với ai cũng chỉ dùng đức cảm hóa mọi người, còn việc trừng phạt chỉ là bất đắc dĩ thôi, nếu
không vậy sao Vương Tá chịu chặt tay vào trại địch đem lại thắng lợi cho ta. Huống chi ta là chúa soái dẫu có đánh phạt ngươi bấy nhiêu cũng
chưa phải là mối thù lớn, sao ngươi lại nuôi dưỡng trong người tấm lòng
nham hiểm vậy? Tuy thế, hôm nay ta gọi ngươi vào đây cũng không phải là
muốn sát hại ngươi mà để cho ngươi một phong thư, nội trong đêm nay
ngươi phải lập tức đi đầu hậu quân đô đốc Vương Tuấn, vì ta nhắm chỉ có
người ấy mới hợp lý tưởng của ngươi. Hãy đi cho mau, nếu để đến sáng
mai, chư tướng hay ắt mạng ngươi không còn.
Thích Phương nghe Nhạc Nguyên soái nói một hồi
không biết dùng lời lẽ chi đáp lại, cứ việc cúi đầu lặng
lẽ rồi tiếp lấy phong thư tạ ơn lui ra.
Thích Phương về dinh gom góp tiền bạc rồi lên ngựa thoát ra khỏi dinh, chẳng may gặp phải Ngưu Cao đón lại trợn mắt hỏi:
– Đêm hôm tăm tối ngươi lại lén đi đâu?
Thích Phương nói:
– Tôi vâng lệnh Nguyên soái đi phục dịch quan hậu quân Đô đốc Vương lão
gia, nếu tướng quân không tin hãy xem thư của Nguyên soái đây thì rõ.
Ngưu Cao cau mày nghĩ thầm: “Ta vừa thấy hắn đi ra ngoài dinh rồi một lát
hắn lại trở về trông ra vẻ lén lút. Chẳng bao lâu lại thấy Nguyên soái
nằm trên lưng ngựa do Trương Bảo đưa về. Xét sự việc này chắc hắn có
hành động bất lương gì đây chớ chẳng không. Bây giờ nếu để nó đi đầu tên gian thần ấy thì bất tiện thêm nữa”.
Nghĩ đoạn, Ngưu Cao nạt lớn:
– Nếu quả ngươi vâng lời Nhạc Nguyên soái thì việc gì phải lén lút đi
trong ban đêm thế này. Nhất định hành động của ngươi bề nào cũng có gian dối chi đây, vậy thì ngươi phải theo ta trở lại để ta hỏi Nhạc Nguyên
soái cho rõ đã rồi ta mới cho đi.
Thích Phương nói:
– Nguyên soái đã bảo tiểu tướng phải đi nội trong đêm nay, sao Ngưu Đô thống lại cản?
Ngưu Cao hét:
– Thôi đừng xảo ngôn nữa.
Vừa hét vừa múa giản lướt tới đập liền, Thích Phương không kịp đề phòng bị
Ngưu Cao đánh một giản bể óc nhào xuống ngựa chết tươi. Ngưu Cao lục
trong mình Thích Phương lấy hết vàng bạc và phong thư đồng thời cắt lấy
thủ cấp xách vào ra mắt, Nhạc Nguyên soái.
Nhạc Nguyên soái trông thấy nói:
– Thật ta quên lửng, không dè đêm nay nhằm phiên Ngưu đệ đi tuần nên hắn bị đánh chết, ấy quả là Thích Phương đã tới số rồi!
Ngưu Cao hỏi:
– Tại sao đại ca lại bảo hắn ra đi trong đêm tối vậy?
Nhạc Nguyên soái bèn đem việc Thích Phương bắn lén mình kể lại cho Ngưu Cao. Ngưu Cao cười gằn nói:
– Thế thì đệ đánh chết nó có oan ức gì đâu?
Nói rồi từ biệt Nhạc Nguyên soái lui ra đi tuần như cũ.
Sáng hôm sau Nhạc Nguyên soái thăng trướng đem việc Thích Phương kể lại cho
chư tướng nghe, ai nấy đều thất kinh, kế nghe quân sĩ chạy vào báo:
– La Cang và Hích Tiên đã trấn đi mất rồi.
Nhạc Nguyên soái nói:
– Chúng thấy Thích Phương chết rồi dù có ở lại cũng không hại được ai nên mới trốn đi, thôi để chúng đi đâu thì đi đừng tìm kiếm làm chi?
Nói rồi sai đem thủ cấp của Thích Phương bêu lên làm lệnh trong một ngày rồi mới hiệp với cái thây chôn cất.
Bên dinh quân Phiên, Hấp Mê Xi lập trận đã xong vội vào bẩm cho Ngột Truật
hay, Ngột Truật liền sai người đi hạ chiến thư. Nhạc Nguyên soái chấp
thuận ngay và quyết định ngày mai ra phá trận.
Sau đó Nhạc Nguyên
soái mời hết các Nguyên soái đến Trung quân thương nghị. Lúc bấy giờ
binh mã của bốn vị Nguyên soái cộng hết được sáu mươi vạn. Nhạc Nguyên
soái dự định cùng Trương Nguyên soái đánh phía bên phải, còn Hàn Nguyên
soái và Lưu Nguyên soái thì đánh Phía bên trái; lại sai bọn Nhạc Vân,
Nghiêm Thành phương, Dư Hóa Long, Hà Nguyên Khánh, La Diên Khánh, Ngũ
Thượng Chí, Lục Văn Long, Trịnh Hoài, Trương Khuê, Trương Hiến, Trương
Lập và Trương Dụng kết thành một đoàn nhắm ngay giữa trận đánh vào.
Nhạc Nguyên soái dự định đâu đó sẵn sàng, sáng hôm sau phát ba tiếng pháo
rầm rộ kéo quân đi; đến trước trận, phân binh đánh thốc vào, không một
chút do dự.
Đạo quân chính giữa gồm sáu trái chùy, sáu ngọn thương một mũi kích, ba cây thiết đồng côn lướt xông vào trận địa đánh phá
tung hoành, khiến quân Phiên lòi ruột, nát óc, rú lên những tiếng thê
thảm.
Trên trướng đài Kim Phiên vừa nổ vang lên một tiếng súng là
tả hữu xông trận đều ào đến bủa vây. Nhạc Nguyên soái từ bên phải đánh
vào vung cây lịch tuyền thương đụng ai đâm nấy. Mã Tiền Trương Bảo vung
cây hỗn thiết côn, Mã Hậu Vương Hoành vung cây thục đồng côn như thiên
thần xuất thế. Phía sau còn có Ngưu Cao, Thi Toàn, Trương Hiển và Vương
Quới, bọn anh hùng này sắp hàng ngang đánh vào một lượt.
Phía bên
trái trận có Hắc Nguyên soái tay cầm trường thương hai bên có đại Công
tử và nhị Công tử yểm hộ, phía sau có Tổ Thắng, Tổ Đức cùng chư tướng
đều như mình hổ đánh vào.
Người ta thấy bốn phương tám hướng đều
có quân Kim bao vây dày đặc, vì trận này là trận Kim Long, phối hợp với
hai trận trường xà lập thành nên đầu đuôi đều chiếu ứng trông như hai
ngọn đao bao vây dày mấy lớp, hễ đánh bạt lớp này thì lớp kia tràn tới;
bốn phía đều là quân Phiên, chính giữa bốn vị Nguyên soái cùng chư tướng tả xông hữu đột, quả là một trận ác chiến chưa từng thấy.
Xin
nhắc qua việc Kim Môn trấn Tiên Hành quan là Địch Lôi, từ ngày gặp Nhạc
Nguyên soái hằng mong sao nhập được vào trướng hạ Nhạc Nguyên soái để
lập chút công danh, ngặt không có người tiến dẫn, nay nghe Ngột Truật
xâm phạm Trung Nguyên đang đánh với Nhạc Nguyên soái tại Châu Tiên trấn. Địch Lôi nghĩ thầm:
“Lúc này mà không đi lập công còn đợi lúc nào nữa?”
Nghĩ rồi nai nịt chỉnh tề xách song chùy nhảy lên ngựa thanh tòng nhắm Châu Tiên trấn thẳng tiến.
Khi đến nơi hỏi ra mới hay Nhạc Nguyên soái đi phá trận Kim Phiên đã hơn một ngày một đêm mà chưa thoát ra được.
Địch Lôi vừa muốn vung chùy đánh thẳng vào trận bỗng thấy từ phía Nam có một vị thiếu niên anh hùng cưỡi ngựa phóng như bay đến.
Địch Lôi bước tới hỏi:
– Chẳng hay tướng quân tên họ chi đến đây có việc gì?
Thiếu niên đáp:
– Tôi là Phàn Thành, em vợ của Mạnh Bang Kiệt làm quan Đô Thống nơi
trướng hạ; nay nghe quân Kim đang giao chiến với Nhạc Nguyên soái tại
đây, nên muốn đến giúp sức với người, còn tướng quân tên họ là chi, có
việc gì lại hỏi tôi?
Địch Lôi đáp:
– Tôi là Kim Môn trấn
Tiên Hành quan họ Địch tên Lôi, chỉ vì lúc trước Nhạc Nguyên soái đuổi
theo quân Kim tôi nhìn lầm mà xâm phạm đến người nên sợ hãi trốn đi, nay nghe Ngột Truật lại xâm phạm Trung Nguyên lần nữa, nên muốn đến đây lập công chuộc tội.
Phàn Thành nói:
– Nếu vậy thì hai ta xông đại vào trận trợ chiến đi.
Địch Lôi nói:
– Cũng được, song quân Phiên trùng trùng điệp điệp không biết Nhạc Nguyên soái ở chỗ nào mà đến.
Hai người còn đang thương nghị bỗng thấy phía trước có một vị tướng quân
cưỡi ngựa chạy bay đến. Người này nét mặt hồng hào, mắt phượng mi thanh
cưỡi con huỳnh biểu mã, tay cầm cây thanh long yểm nguyệt đao, tuổi chưa đầy hai mươi. Hai tướng Phàn, Địch liền giục ngựa lướt tới hỏi:
– Chẳng hay tướng quân muốn đi đâu. Phía trước đây có quân Kim đón đường, xin tướng quân hãy dừng lại đã.
Người ấy đáp:
– Tôi họ Quan tên Linh xưa đã kết bạn với Nhạc Công tử, nay nghe Ngột
Truật và Nhạc Nguyên soái giao chiến tại đây nên phải đến giúp sức,
chẳng hay nhị là ai vậy?
Phàn Thành và Địch Lôi đều xưng tên và nói rõ ý định của mình. Quan Linh nói:
– Thế thì tốt lắm, chúng ta hãy hợp lực đánh thốc vào trận đi.
Phàn Thành nói:
– Hai anh em tôi cũng tính như vậy, song quân Phiên đông như kiến, lại
không biết trận thế ấy là trận gì, cần phải xông vào phía nào cho tiện
nên hãy còn do dự.
Quan Linh nói:
– Đã là đại trượng phu thì cứ việc đường đường chính chính nhằm vào giữa trận đánh vào, hà tất phải biết là trận gì?
Hai người kia đều đồng ý, nói:
Nói vậy thật là chí lý.
Rồi cả ba hò nhau một lượt nhắm ngay giữa trận đánh vào chùy đánh, thương
đâm, đao chém, quân Phiên ngăn đỡ không nổi bị giết rất nhiều vội chạy
lên trướng đài bảo với Ngột Truật:
Hiện có thêm ba đứa tiểu Nam
man đánh vào giữa trận mười phần lợi hại, các vị Bình chương chống ngăn
không nổi bị giết rất nhiều, bây giờ ba đứa đã vào đến giữa trung dinh
rồi.
Lúc ấy Ngột Truật đang ngồi trên trướng đài xem quân sư bài
binh bố trận, nghe qua nổi giận giao cây cờ hiệu cho Hấp Mê Xi, xách búa xuống đài lên ngựa xông ra vừa gặp bọn Quan Linh liền nạt lớn:
– Ba đứa tiểu Nam man kia, chúng bay có mấy đầu mấy tay mà xông vào trận của ta?
Quan Linh trợn mắt quát:
– Tên Phiên nô kia ngươi không biết ta là ai ư? Ta chính là Đại Công tử
Quan Linh con của Đại Đạo Quan Thắng ở Lương Sơn Bạc đây, còn ngươi là
ai hãy nói tên ra rồi chịu chết.
Ngột Truật thấy Quan Linh tuổi còn nhỏ mà tướng mạo đường đường trong lòng mười phần kính phục vội kêu nói:
– Này tên Nam man, ta đây chính là Đại Kim Quốc tứ Hoàng tử tên Ngột
Truật đây, ta trông thấy ngươi tuổi còn nhỏ, tội gì bỏ thây giữa chiến
trường, hãy đầu hàng để được ta phong vương, hưởng giàu sang phú quí
chẳng hơn sao?
Quan Linh cười mỉa mai nói:
– Té ra ngươi là
Ngột Truật đó sao? Thế thì thời vận ta tốt lắm nên mới vào trận đã gặp
miếng mồi ngon nhất trần gian, hãy đem đầu lại đây dâng nạp cho mau để
ta dùng nó làm lễ tấn kiến. Nhạc Nguyên soái.
Ngột Truật cả giận hét:
– Loài súc sinh, đừng có khoác lác hãy coi búa ta đây này.
Vừa hét vừa vung búa chém tới, Quan Linh đưa cây thanh long yểm nguyệt đao
đánh hất ra rồi đánh với Ngột Truật ước chừng mười hiệp thì Địch Lôi và
Phàn Thành cũng xáp vô trợ chiến.
Than ôi? một mình Ngột Truật
đánh sao cho lại ba con cọp trên rừng mới xuống? Hai tay Ngột Truật đã
rã rời, mồ hôi toát ra ướt cả áo, nhắm thế không xong liền quay ngựa
chạy dài.
Trong cơn túng thế, Ngột Truất hoảng kinh không biết
chạy đường nào, cứ chạy vòng trong trận, phía sau Quan Linh rượt theo
bén gót.
Chỉ vì Ngột Truật chạy trước nên quân tướng Phiên chẳng
dám cản đường thành thử ba người chạy quần rượt theo chém giết mãi làm
cho trận thế tan hoang.
Bốn vị Nguyên soái bên trong trông thấy
trận thế bỗng dưng tán loạn, liền thôi thúc chư tướng bốn phía phá tan
thế trận địch, Quan Linh đang hứng chí cũng chém giết ác hệt, bỗng thấy
Nhạc Vân vừa đến, mừng rỡ kêu lớn:
– Nhạc Vân đại ca, có Quan đệ đây này.
Nhạc Vân trông thấy Quan Linh lòng mừng khôn xiết nói lớn:
– Hiền đệ đến đây thật là đúng lúc, hãy ra sức giúp ta giết cho hết lũ
Phiên nô này rồi ta sẽ dắt em đến ra mắt Nhạc nguyên soái.
Còn
Phàn Thành sử dụng cây Tạm Kim Thương cũng vô cùng lợi hại, hễ mỗi
thương thì mỗi đứa, trong lúc đang hứng chí, lại gặp Mạnh Bang Kiệt liền kêu lớn:
– Anh ơi, có em là Phan Thành đến đây này.
Mạnh Bang Kiệt trông thấy mừng rỡ nói:
– Em đến trong dịp này thì may biết bao nhiêu, vậy thì hãy ráng mà lập công để ra mắt Nhạc Nguyên soái.
Còn Địch Lôi khi đánh vào giữa dinh Phiên gặp Nhạc Nguyên soái bèn kêu lớn:
– Nhạc Nguyên soái ôi, tiểu tướng đây chính là Địch Lôi ở Kim Môn trấn vì lỗi lầm nên phạm đến hổ oai, nay đến đây quyết giúp Nguyên soái để lập
công chuộc tội.
Nhạc Nguyên soái ôn tồn đáp:
– Tướng quân hãy ra sức giết sạch bọn Kim Phiên để lập công với triều đình, đặng hưởng tước lộc.
Địch Lôi vâng lệnh nỗ lực bình sinh đánh phá quân Phiên làm chúng thất kinh hồn vía, lúc ấy Lưu Kỳ nói với Nhạc Nguyên soái:
– Tôi xin kiếu từ Nhạc Nguyên soái đây.
Nói rồi xua quân đánh thẳng ra trận đi mất, không ai biết đi đâu và chính Nhạc Nguyên soái cũng không biết duyên cớ chi.
Lại nhắc đến Nhạc Vân, Nghiêm Thành Phương, Hà Nguyên Khánh cùng Địch Lôi,
tám trái chùy nặng ngàn cân giơ lên giáng xuống như trời giáng hạ, tóe
ra nhiều tia lửa như sấm chớp bủa giăng, giết quân Phiên thây nằm như
núi, máu chảy thành sông. Một trận này làm cho Ngột Truật thua to không
còn đủ sức chống ngăn phải bỏ dinh trại mà chạy.
Chạy riết được
hai mươi dặm, trông thấy quân Tống đuổi theo đã xa dần, nhưng lại thấy
đội quân phía trước bỗng dưng la hét vang lên. Té ra Nguyên soái Lưu Kỳ
kéo binh đi đường tắt đến đó đốn cây bỏ ngổn ngang đầy đường làm cho
quân Phiên vượt qua rất khó khăn.
Lúc ấy hai bên đường đều có quân mai phục, thình lình tiếng pháo nổ vang, phục binh hai bên dấy lên một
lượt bắn tên ra như mưa, đội quân chạy trước của Kim Phiên chết gục như
rạ. Ngột Truật thất kinh truyền lệnh chạy tạt sang phía phải.
Chạy riết độ vài mươi dặm nữa bỗng nghe đạo binh chạy trước ré lên. Ngột Truật hỏi duyên cớ, tiểu Phiên đáp:
– Phía trước đây là Kim Ngưu Lãnh cao ngất, vách đá dựng đứng, binh mã đông đảo như thế này không thể vượt qua được.
Ngột Truật biến sắc mặt, xuống ngựa bước đến quan sát thì quả nhiên vô cùng nguy hiểm.
Ngột Truật vừa muốn tìm đường khác tẩu thoát, bỗng nghe phía sau có tiếng la hét vang lừng, quân Tống đuổi theo đã gần đến. Than ôi? Quả là hoàn
cảnh tiến thoái lưỡng nan, Ngột Truật than thầm:
– Ta thống lãnh
đại binh hơn sáu mươi vạn qua đây tính thâu đoạt Trung Nguyên, ngờ đâu
hôm nay binh chết tướng mất, ta còn mặt mũi nào về đến nước Phiên?
Nghĩ rồi sa nước mắt ngửa mặt lên trời hỏi:
– Thế thì trời đã muốn dứt ta rồi!
Vừa nói vừa nghiêng mình lấy đà đập đầu vào vách đá tự vẫn, nhưng lạ thay,
trong lúc trời mây quang đãng lại nghe thấy một tiếng sấm nổ chát tai,
vách đá bỗng dưng đổ nhào, Ngột Truật vẫn ngồi yên vô sự, trước mắt lại
thấy mở ra một con đường rộng thênh thang.