Đọc truyện Nhạc Phi Diễn Nghĩa – Chương 51: Hồi thứ năm mươi mốt
Điền Tư Trung lãnh rượu và lương thảo chở đầy mấy xe, chọn mấy tên phu
xe lực lưỡng sai đẩy thẳng ra Đàn Châu yên trí rằng đã được thượng thư
Tần Cối niêm phòng kỹ lưỡng.
Quân vào phi báo, Nhạc Nguyên soái
liền sai người ra nơi Thủy Khấu mời Hàn Nguyên soái vào thành cùng ra
tiếp Thánh chỉ rồi truyền đem ngự tửu để tại giáo trường.
Nhạc
Nguyên soái thấy quân sĩ quá đông mà chỉ có ba trăm hũ ngự tửu không
thấm vào đâu, nên sai người đi mua thêm rượu thường về pha thêm vào. Còn Ngưu Cao ở trong dinh nghe nói có ngự tửu đem đến vui mừng khôn xiết.
Nghĩ thầm: “Nghe nói ngự tửu ngon lắm, để ta đến xem cho biết.
Nghĩ rồi đi một mình ra đến giáo trường. Khi tiến đến gần mấy xe rượu, mùi rượu xông ra nức mũi, chàng chép miệng lẩm bẩm:
– Ồ rượu thơm quá nhỉ! Thôi, để ta khui thử một vò ngự tửu ra xem sao.
Nói rồi cạy chỗ niêm phong bật nắp ra, hơi rượu từ trong thoát ra xông vào
mũi, Ngưu Cao cảm thấy xây xẩm nhức đầu, chàng nói một mình:
– Rượu sao khác thường quá vậy?
Vừa quay đầu lại chợt thấy một tên phu xe đứng phía sau lưng, Ngưu Cao nói:
– Mi muốn uống rượu không?
Tên phu xe cũng là tay bợm rượu đang thèm nhỏ dãi nghe nói, hắn khoái chí đáp:
– Nếu lão gia cho uống, tôi cám ơn lắm!
Ngưu Cao nói:
– Không có chén bát chi hết làm sao múc ra?
Tên xa phu vừa thò tay vào lưng vừa nói:
Tôi có cái bầu sẵn đây.
Ngưu Cao lấy bầu thò vào hũ múc đầy một bầu trao cho hắn và nói:
– Ngươi hãy uống đi rồi ta cho thêm một bầu nữa.
Tên phu xe cúi đầu:
– Dạ, cám ơn lão gia.
Rồi tiếp lấy hai tay kê miệng vào bầu rượu, hắn uống một hơi hết sạch, ngờ
đâu rượu vừa vào khỏi cổ, hắn xây xẩm mặt mày ngã nhào xuống đất giãy
đành đạch, máu từ trong cửu khiếu trào ra rồi tắt thở.
Ngưu Cao thấy thế vừa thất kinh vừa giận dữ, chàng hằn học:
– Chúng ta đây vào ra sinh tử, lập công như vậy mà lão hôn quân lại đem thuốc độc quyết hãm hại là nghĩa lý gì.
Ngưu Cao vừa nói vừa rút song giản đập vỡ tan tành ba trăm hũ ngự tửu. Quân
sĩ vội vàng chạy vào phi báo cho Nhạc Nguyên soái hay. Nhạc Nguyên soái
bèn truyền đòi Ngưu Cao vào.
Ngưu Cao chạy vào nghiến răng nói:
– Xin Nguyên soái hãy bắt khâm sai chém quách đi, rồi về kinh hỏi lão hôn quân thử tại sao lão lại đem thuốc độc đến đây sát hại chúng ta?
Nhạc Nguyên soái ngạc nhiên hỏi:
– Thuốc độc ở đâu?
– Ba trăm hũ ngự tửu chính là ba trăm hũ thuốc độc đấy.
– Tại sao Ngưu đệ biết ngư tửu có thuốc độc?
Ngưu Cao nói:
– Tôi múc cho tên phu xe một bầu, hắn vừa uống vào khỏi cổ là trào máu chết tươi nên tôi giận đập bể nát hết rồi.
Nhạc Nguyên soái lại hỏi:
– Ngưu đệ có để lại hũ nào làm tang chứng không?
Ngưu Cao lắc đầu:
– Không còn hũ nào cả!
Nhạc Nguyên soái giận quá hét kẻ tả hữu đem Ngưu Cao ra chém. Hàn Nguyên soái vội can:
– Nếu Ngưu tướng quân không đập vỡ mấy trăm hũ rượu ấy thì bọn ta đây bị chết hết rồi.
Điền Tư Trung cũng nói:
– Chẳng những Nguyên soái bị hại mà thôi, luôn cả tôi cũng không còn, vì
thế Ngưu tướng quân đã không có tội mà lại còn có công nữa, xin Nguyên
soái thứ dung.
Nhạc Nguyên soái nói:
– Có nhị vị khuyên can, tôi phải vị tình tha hắn, nhưng nhất định tôi không thể dùng hắn được nữa.
Nói rồi sai quân mở trói cho Ngưu Cao và đuổi đi lập tức
Ngưu Cao nói:
– Tôi chỉ muốn theo Nguyên soái thôi, chứ không muốn đi đâu hết.
Nhạc Nguyên soái nói:
– Không thể được, ta đã bảo là ta không dùng ngươi nữa, hãy đi cho khuất mắt ta lập tức.
Ngưu Cao nài nỉ mãi, Nhạc Nguyên soái vẫn một mực xua đuổi, cực chẳng đã Ngưu Cao phải lên ngựa ra đi.
Khi Ngưu Cao đi rồi, Nhạc Nguyên soái hỏi Điền Tư Trung:
– Rượu ấy gốc ở nha môn nào vậy?
Điền Tư Trung đáp:
– Rượu ấy gốc tại Công Bộ, song phải giải đến cho Lễ Bộ niêm phong, chẳng dè bừa ấy Tần đại nhân mắc việc không có ở nhà, phải để rượu tại đó một đêm, qua bữa sau Tần đại nhân niêm phong tử tế giao cho tôi giải ra đây Dọc đường giữ gìn cẩn thận không dám sơ xuất.
Nhạc Nguyên soái nói:
– Thế thì xin Khâm sai đại nhân hãy về trước đợi chỉ, để Bổn soái bình
định xong bọn thảo khấu Động Đình hồ rồi sẽ về tra cho ra đứa gian thần
trị tội, sau đó sẽ đi tảo Bắc.
Khâm sai từ biệt ra về, Nhạc Nguyên soái đưa ra khỏi thành mới trở lại.
Khâm sai về rồi, Nhạc Nguyên soái bùi ngùi thương nhớ Ngưu Cao, vội sai
người theo gọi lại, nhưng quân sĩ đi tìm kiếm khắp nơi vẫn không ra tông tích phải trở về bẩm lại. Nguyên soái buồn bực bứt rứt không an, nhưng
phải nén lòng ráng chịu.
Còn Ngưu Cao khi bị Nhạc Nguyên soái đuổi
đi thì một người một ngựa lặng lẽ ra đi ước chừng vài mươi dặm, trong
bụng đói như cào. Vừa đến một khu rừng kia chợt trông thấy một tên đạo
đồng, chàng kêu hỏi:
– Chú em, trên núi này có chùa miếu chi không?
Tên đạo đồng đáp:
Núi Bạch Vân này không có miếu chùa chi hết, chỉ có một cái am nho nhỏ,
thầy tôi ở đó tu luyện lâu nay, đạo pháp đã tinh thông, biết điều khiển
âm binh, hô phong hoán vũ.
Ngưu Cao lại hỏi:
– Thầy em gọi là gì?
– Thầy tôi họ Bảo tên Phương, nên người ta thường gọi là Bảo Phương Lão
tổ. Hồi sớm mai này người có dặn tôi rằng: Hôm nay có một vị tướng công
đi ngang qua đây tên là Ngưu Cao, nếu có gặp người ấy phải mời thẳng lên núi, vậy tướng công có phải Ngưu Cao không?
Ngưu Cao nghe qua thất kinh nói:
– Quả thật ta là Ngưu Cao đây, ngươi hãy dẫn ta lên núi ra mắt thầy ngươi.
Đạo đồng gật đầu nói:
– Vậy thì tướng công hãy theo tôi.
Ngưu Cao theo chân tên đạo đồng lên thẳng trên đỉnh núi bước vào động ra mắt Lão tổ và nói:
– Tôi đói bụng quá, lão tổ có rượu thịt chi cho tôi ăn ít miếng cho đỡ đói.
Lão tổ sai đạo đồng dọn cơm chay ra cho Ngưu Cao ăn và hỏi:
– Tướng quân đến chỗ rừng núi này có việc gì không?
Ngưu Cao đem hết việc đập bể mấy trăm hũ ngư tửu và bị Nhạc Nguyên soái đuổi đi, kể lại đầu đuôi cho Lão tổ nghe. Lão tổ hỏi lại:
– Vậy bây giờ tướng quân định đi đâu?
Ngưu Cao lắc đầu ra vẻ chán nản:
– Tôi không biết đi đâu và cũng không biết ở đâu bây giờ.
Lão tổ nói:
– Thế sao không theo bần đạo tu hành cho thanh nhàn vui vẻ.
Ngưu Cao nghĩ thầm: “Ta theo Nguyên soái lập biết bao nhiêu công trạng mà
lão hôn quân còn đem thuốc độc toan sát hại thì mong công danh phú quí
làm gì nữa? Chi bằng ở đây tu hành khỏi ai câu thúc, chắc là sung sướng
hơn”.
Nghĩ rồi quì xuống, nói:
– Đệ tử tình nguyện theo sư phụ tu hành.
Lão tổ nói:
– Ngươi muốn theo ta tu hành thì không được ăn mặn, không uống rượu và chừa tình dục. Bỏ được ba điều ấy mới có thể tu được.
Ngưu Cao nói:
– Bất kỳ thứ gì đệ tử cũng chừa được hết, duy có rượu xin cho uống chơi chút đỉnh.
Lão tổ lắc đầu:
– Nếu ngươi muốn uống rượu thì phải đi chỗ khác cho mau!
Ngưu Cao vội nói:
Thôi thôi, đệ tử không uống, không uống, chuyện gì đệ tử cũng tuân hết.
Lão tổ nói:
– Nếu ngươi bằng lòng, hãy theo ta ra đây.
Ngưu Cao đứng dậy theo Lão tổ ra ngoài. Lão tổ bảo Ngưu Cao mở hết yên ngựa
ra rồi hét lên một tiếng, con ngựa vùng chạy lên trên đỉnh núi mất dạng. Lão lại dắt chàng đến bên miệng giếng rồi bảo cởi hết khôi giáp ra ném
trọn xuống giếng rồi mới dắt chàng trở về động thu làm đồ đệ, cải tên là Ngộ Tính, lại lấy áo cà sa cho mặc vào.
Ngưu Cao ngắm nghía một hồi rồi cười ngất, nói:
– Bây giờ đệ tử giống hệt như hòa thượng rồi.
Từ đó Ngưu Cao ở tại Bạch Vân sơn, sớm khuya kinh kệ, việc này xin gác lại, nói qua việc Dương Ma ở Động Đình hồ.
Một hôm Dương Ma cho đòi quân sư Khuất Nguyên Công vào thương nghị. Khuất Nguyên Công tâu:
– Tôi có một kế, cần phải sai Vương Tá đến mời Nhạc Phi một lần nữa, lừa
hắn đến xem địa thế rồi nổi lửa đốt luôn cả hai. Vương Tá có sống cũng
không ích lợi gì cho ta mấy, song Nhạc Phi chết rồi, ta không còn sợ ai
nữa cả Nếu Vương Tá không chịu đi thì bắt hết gia quyến y nhốt lại bắt
buộc hắn phải đi.
Dương Ma mừng rỡ, vội cho đòi Vương Tá ngay.
Vương Tá vâng lệnh vào quì trước Kim giai; Dương Ma lấy lời hơn thiệt khuyên Vương Tá đi chiêu dụ Nhạc Phi.
Vương Tá tâu:
– Hôm trước Nhạc Phi đến dự yến đã suýt bỏ mạng vì âm mưu của ta, nay đến nói nữa, sợ y không chịu đến đâu.
Dương Ma nghiêm sắc mặt buộc tội:
– Thiệt rõ ràng ngươi đã giao hảo với Nhạc Phi nên ngươi mới chối từ.
Dứt lời, Dương Ma hô tả hữu bắt hết cả nhà Vương Tá nhốt lại, Vương Tá thấy vậy buộc lòng phải vâng lệnh ra đi.
Qua đến Đàn Châu, Vương Tá kêu quân giữ cửa thành xin vào. Quân sĩ chạy vào phi báo, Nhạc Nguyên soái bước ra nghênh tiếp rồi dắt vào trướng làm lễ ra mắt. Vương Tá nói: –
Sự việc xảy ra hôm trước là do âm mưu của Khuất Nguyên Công bày đặt, tiểu đệ không hay biết gì hết.
– Hôm nay tiểu đệ đến đây một là nhận tội trước đại ca, hai là cho đại ca hay một việc.
Vừa nói vừa lấy bản đồ Động Đình hồ ra chỉ cho Nhạc Nguyên soái xem và nói:
– Đêm nay đại ca hãy đi với đệ đến Mao Sơn xem địa thế, vì ở đó có con
đường tắt đi thẳng vào cung điện, người ngoài không thể nào biết được.
Hễ đại ca xem biết con đường bí mật ấy rồi thì đại ca phá tan sào huyệt
của Dương Ma không mấy chốc.
Nhạc Nguyên soái gật đầu, Vương Tá từ tạ ra về.
Đợi cho Vương Tá về rồi, chư tướng được gọi đến bàn việc Nhạc Nguyên soái kể lại chuyện Vương Tá đến gặp. Chư tướng can:
– Vương Tá đến mời Nguyên soái đi Mao Sơn lần này chắc chắn có quỉ kế, xin Nguyên soái chớ khinh thường.
Nhạc Nguyên soái nói:
– Ta đã hứa rồi đời nào lại chịu thất tín?
Nói rồi liền viết thư gửi cho Hàn Nguyên soái xin đến cứu ứng rồi dắt
Trương Bảo, Trương Hiến, Nhạc Vân và Dương Hổ lên ngựa thẳng qua Đông
Nhĩ Mộc trại.
Vương Tá chờ sẵn đón rước rồi dẫn đi thẳng đến Mao Sơn. Khi đi đến cầu Thất Lý, Nhạc Nguyên soái quay lại nói với Dương Hổ:
– Dương đệ phải ở đây gìn giữ cái cầu này kẻo bọn giặc đến cướp mất đấy.
Dương Hổ lấy làm lạ, nghĩ thầm:
– “Cái cầu to lớn thế này ai lại có thể cướp được?”
Nghĩ rồi ra sau tấm bia nấp, chỉ mấy phút sau quả nhiên có phó Nguyên soái
Cao Lão Hổ bơi thuyền đến, bước lên bờ rồi dốc suất quân sĩ phá chiếc
cầu.
Dương Hổ nói thầm:
– “Thì ra ăn cướp cầu là như vậy”.
Dương Hổ rón rén bước ra đứng sau lưng Cao Lão Hổ giáng xuống một roi, Cao
Lão Hổ chết không kịp ngáp. Bao nhiêu lâu la thấy chủ tướng mình mạng
vong liền kéo nhau xuống thuyền chạy đi hết.
Vương Tá dẫn Nhạc
Nguyên soái, theo sau có ba tướng. Lên đến Mao sơn còn đang ngắm nghía,
bỗng thấy bốn phía hỏa tiễn bắn ra đỏ rực. Khắp núi Mao sơn đều có dự bị cỏ khô, nên khi hỏa tiễn xẹt ra, ngọn lửa bốc cháy rần rần. Nhạc Nguyên soái, Vương Tá cùng bốn tướng phải liều mình vùi tro đạp lửa chạy thẳng xuống núi.
Đang lúc khói lửa mịt mù, Nhạc Vân gặp Vương Tá tưởng
cha nên kề vai cõng chạy như bay; còn chư tướng bị lửa táp cháy da phỏng trán, chạy nhào xuống vừa gặp Dương Hổ đón lại bảo:
– Phía trước đây không chạy được đâu, vì chiếc cầu đã bị chúng nó phá rồi.
Trong cơn nguy cấp, may thay có Hàn Ngạn Trực đi thuyền đến tiếp ứng đưa tất
cả qua bên kia sông dắt nhau chạy đến cửa trại của Vương Tá.
Nhạc Nguyên soái gọi Nhạc Vân bảo:
– Con ơi, hãy để chú con xuống.
Lúc ấy Nhạc Vân mới hay mình đã cõng Vương Tá, liền để xuống đất, Nhạc Nguyên soái lại nói với Vương Tá:
– Hiền đệ hãy vào trại nghỉ ngơi, để cho ta về.
Vương Tá về trại nghĩ giận Dương Ma, nói một mình:
“Quả Nhạc Phi là người tốt, đã hai phen ta cố ý hại người mà người không
chút giận dữ, trái lại Dương Ma lại muốn giết ta quả là quân tàn nhẫn
bất nhân”.
Thế là từ đó Vương Tá đem lòng oán hận Dương Ma.
Nhạc Nguyên soái về thành rồi sai ai về dinh nấy, lo thuốc thang điều trị, còn Vương Tá thì đến ra mắt Dương Ma tâu:
– Lửa đốt Mao sơn như vậy mà Nhạc Phi vẫn chạy khỏi, tiểu tướng không biết liệu sao cả.
Dương Ma an ủi:
– Tuy kế không thành, song ta cũng ghi công cho ngươi, ngươi hãy đến đón gia quyến về.
Vương Tá tạ ơn rồi đón gia quyến đem về trại. Còn Dương Ma thấy kế bất thành
trong lòng đang buồn bực, bỗng thấy lâu la chạy vào báo:
– Nay có Đức Châu Vương là Thôi Khánh, phụng chỉ đem quân về rồi.
Dương Ma nghe Thôi Khánh đã đến vội sai Ngũ Thượng Chí đi đánh Đàn Châu. Ngũ
Thượng Chí vâng lệnh dẫn lâu la đến bên thành Đàn Châu khiêu chiến.
Quân sĩ vào phi báo, Nhạc Nguyên soái liền dẫn hết chư tướng ra thành, trông thấy Ngũ Thượng Chí oai phong lẫm lẫm, tướng mạo phi phàm, tay cầm cây
Phương liên họa kích, cưỡi ngựa ngân tông cao lớn, hắn xoe tròn đôi mắt
hét to:
– Ngươi có phải là Nhạc Phi đó không?
Nhạc Nguyên soái đáp:
– Đúng đấy, còn ngươi là ai?
Ngũ Thượng Chí nói:
– Ta chính là đại Nguyên soái Ngũ Thượng Chí đây.
Nhạc Nguyên soái ôn tồn bảo:
– Ta xem ngươi tướng mạo đường đường quả là tay hảo hán sao lại cam tâm
làm tay sai cho loài cuồng khấu không chịu cải tà qui chánh lập chữ công danh, để đến thế cùng không ăn năn kịp thì uổng lắm.
Ngũ Thượng Chí cười ngạo nghễ:
– Nhạc Phi, ngươi chớ buông lời cao ngạo, hãy xem võ nghệ của ta đây.
vừa nói vừa vung kích đâm liền, Nhạc Nguyên soái cũng vung Lịch tuyền
thương ngăn đánh. Hai người giao phong hơn trăm hiệp vẫn không phân
thắng bại, đến lúc trời tối, hai bên đều thu quân.
Ngũ Thượng Chí về núi ra mắt Dương Ma, tâu:
– Nhạc Phi võ nghệ siêu quần, ta không thể dùng sức mà đối phó với y
được, ta cần phải dụng kế mới hại y nổi. Tôi có một kế là dùng ba trăm
trâu, cột dao sắc trên hai sừng và đuôi thì cột cây đuốc, khi ra trận
phải đốt đuốc lên, trâu bị nóng ắt xông tới húc loạn xạ, lúc ấy nếu Nhạc Phị võ nghệ có cao cường đến đâu cũng khó mà thoát khỏi.
Dương Ma nghe tâu gật đầu khen hay rồi lập tức truyền chọn cho đủ số ba trăm trâu mộng, giao cho Thượng Chí.
Ngũ Thượng Chí lĩnh trâu về trang bị sẵn sàng, sáng hôm sau kéo quân ra
trận, giấu bầy trâu ở phía sau rồi giục ngựa thẳng đến bên thành khiêu
chiến. Nhạc Nguyên soái dẫn chư tướng ra thành. Hai bên chưa kịp giao
phong, Ngũ Thượng Chí đã truyền quân đốt đít trâu thả xông ra một lượt.
Đoàn trâu bị nóng quá hoảng hốt đâm sầm qua bên dinh Tống. Nhạc
Nguyên soái ngó thấy biến sắc mặt, vội hô quân tướng phải rút lui cho
mau, còn bầy trâu cứ việc xáp tới gặp ai cũng húc, thế mạnh như núi lở,
biển tràn.
Binh Tống hoảng hốt chạy vào thành đóng cửa lại, kiểm
điểm lại trận này binh Tống bị trâu húc chết không biết bao nhiêu mà
kể. Nhạc Nguyên soái buồn bã vô cùng, còn Ngũ Thượng Chí thì vui mừng
gióng chiêng thu binh về khao thưởng. Sáng sớm hôm sau Ngũ Thượng Chí
lại đến khiêu chiến nữa.
Nhạc Nguyên soái vô kế khả thi phải treo miễn chiến bài để lo nghĩ cách đối phó.
Ngũ Thượng Chí đứng dưới thành buông một chuỗi cười ngạo nghễ và nói:
– Nhạc Phi quả một tên vô dụng, mới bị thua một trận mà đã khiếp nhược chẳng dám ra thì làm Nguyên soái với ai?
Nói rồi hối quân nhổ trại thu binh về núi ra mắt Dương Ma, tâu lại đầu đuôi mọi việc. Dương Ma mừng rỡ nói:
– Nguyên soái đã chịu nhọc nhằn nhiều rồi, thôi hãy về dinh nghỉ ngơi, ta sẽ liệu kế khác phá thành. Nay ta có một vị công chúa nên muốn dùng
khanh làm Phò mã. Vậy đêm nay nhằm ngày tốt, hãy sắm sửa làm lễ động
phòng hoa chúc.
Ngũ Thượng Chí cúi đầu tạ ơn Dương Ma Vương. Đêm
hôm ấy trong dinh đèn treo, hoa kết rực rỡ trong ngoài; Dương Ma Vương
truyền cho cung nữ phò công chúa ra trước điện lạy tạ mình rồi cùng lạy
đôi với Ngũ Thượng Chí.
Làm lễ xong, đưa vợ chồng vào cung làm lễ
hợp cẩn. Dương Ma lại truyền dọn bày yến tiệc đãi các quan trong triều,
ăn uống no say mới giải tán.
Đêm ấy là ngày vui nhất đời của một cô gái đang xuân, thế mà công chúa mặt hoa ủ dột, hai hàng nước mắt chảy
ròng ròng. Ngũ Thượng Chí không biết rõ tâm trạng của nàng, tưởng nàng
xấu hổ, bèn đuổi hết cung nữ ra, rồi bước lại gần kiếm lời an ủi.
Ngữ Thượng Chí nói:
– Đêm đã khuya lắm rồi, công chúa nên nghỉ đi kẻo mệt.
Thượng Chí vừa nói đến đây Công chúa vùng đứng phắt dậy, rút dao cầm tay nghiến răng nói:
– Ngươi chớ vô lễ, ta chẳng phải là con Dương Ma vương đâu. Nếu muốn
thành thân với ta phải đợi đại ca ta đứng làm chủ hôn, nếu không ta
quyết liều sống chết với ngươi thôi.
Ngũ Thượng Chí nghe nói thất kinh, bước lùi một bước, nói:
– Sự thật tôi có biết lệnh huynh là ai đâu? Nhưng dù sao nay tôi và Công
chúa cũng đã là vợ chồng, xin Công chúa hãy bỏ dao xuống và nói rõ ràng
cho tôi biết.
Công chúa khóc nức nở nói:
– Thiếp đây là con
của nhà họ Diêu, Dương Ma đến cướp đoạt gia tài, bắt hết cả nhà thiếp
giết sạch. Lúc ấy thiếp mới lên năm tuổi, Dương Ma đem về nuôi làm con,
hiện thiếp còn một người anh con bà cô tên Nhạc Phi, đang làm Nguyên
soái triều Tống, tướng quân phải tìm gặp anh thiếp chung sức báo thù thì thiếp mới bằng lòng kết nghĩa trăm năm, bằng không thì thà thiếp chịu
chết chứ không khi nào chịu làm vợ kẻ thất phu theo phò quân phản
nghịch.
Ngũ Thượng Chí bấm trán suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
–
Lời Công chúa nói quả thiệt chẳng sai, tôi xem Dương Ma là kẻ nham hiểm, độc ác tiểu nhân, ngặt vì lệnh huynh là người bên địch quốc, làm sao có thể gặp người? Nay Công chúa đã nói vậy thì tôi đâu dám động tới song
cũng phải giả tiếng vợ chồng để cho Dương Ma khỏi nghi ngờ rồi thủng
thẳng tôi sẽ thừa dịp làm vừa lòng Công chúa.
Công chúa nghe nói cúi đầu tạ ơn rồi bước qua phòng riêng mà ngủ.
Hôm sau Dương Ma nhóm hết văn võ bá quan để bàn kế hoạch đánh Đàn Châu, Ngũ Thượng Chí tâu:
– Nay Nhạc Phi cố kiên thủ thành trì, không chịu ra giao phong, chúng ta
cũng khó mà đánh, chi bằng sai người qua đó nghị hòa, chờ dịp khác sẽ
thanh toán.
Dương Ma chưa kịp nói, Dư Thượng Văn đã bước ra tâu:
– Tôi có cách phá được Đàn Châu.
Dương Ma mừng rỡ hỏi vội:
– Cách gì khanh hay nói mau xem thử nào?
– Xin đại vương hãy truyền chỉ sai người lên Thất Tinh sơn lập một cái
đài thật cao để tôi lên đó làm phép ngũ lôi khiến thiên tướng vào thành
lấy cho được thủ cấp Nhạc Phi đem về. Nhạc Phi mà chết thì các tướng
khác không đánh cũng tự nhiên tan rã.
Dương Ma y lời, liền truyền lâu la xây đài trên núi Thất Tinh để cho Dư Thượng Văn lên làm phép.
Lại nhắc đến chuyện Ngưu Cao từ ngày đến tại Bích Vân sơn sớm tối kinh kệ
theo việc tu hành vô cùng quạnh hiu, buồn chán không sao chịu nổi, phần
thì thèm rượu, ngày kia chàng lén xuống chân núi chơi bỗng thấy một con
trâu ở đâu chạy tới trên sừng có buộc dao, đuôi có buộc thuốc (Trâu này
là của Ngũ Thượng Chí chạy lạc lên đó) Ngưu Cao nhảy tới chộp bắt được
và nghĩ thầm: Ta ở đây ngày nào cũng ăn chay xót ruột quá hôm nay quả là trời cho ta trâu này, nếu không sao lại buộc sẵn dao trên sừng thế này? Thôi để ta ăn mặn một bữa cho đã thèm?”.
Nghĩ rồi vật con trâu
xuống dùng dao xẻ thịt lấy củi khô đốt lửa lên nướng ăn một bụng no
căng. ăn vừa xong, bỗng thấy tên tiểu đồng chạy xuống gọi:
– Thầy bảo tôi xuống kêu sư huynh về cho mau.
Ngưu Cao trở về động ra mắt lão tổ, lão tổ nói:
– Ngươi đã theo ta tu hành sao còn lén xuống núi sát sinh như vậy? Thôi
ta không thể dùng ngươi được nữa. Hãy trở về chốn cũ giúp Nhạc Phi đặng
bắt Dương Ma lập công.
Ngưu Cao nói:
– Tôi không đi đâu.
Lão tổ hỏi:
– Tại sao?
Ngưu Cao gãi đầu bứt tóc nói:
– Khôi giáp, yên lạc và đồ binh khí của tôi, thầy quăng hết xuống giếng,
còn con ngựa của tôi thầy cũng thả chạy đâu mất, thì làm sao tôi ra trận cho được?
Lão tổ bảo:
– Vậy ngươi hãy theo ta đây.
Ngưu Cao liền theo gót lão tổ ra chỗ giếng hôm trước. Lão tổ nhìn xuống giếng lớn tiếng nói:
– Hãy đem binh khí và đồ vật của Ngưu Cao ra đây cho mau.
Nói vừa dứt lời, bỗng thấy từ dưới giếng nhảy lên một con quái vật dị kỳ
đem hết yên giáp cùng song giản dâng cho Lão tổ. Lão tổ nhận lấy trao
cho Ngưu Cao, con quái ấy nhảy ùm xuống giếng.
Ngưu Cao thấy vậy nói:
– Té ra con quái này là của thầy nuôi để giữ đồ vật sao?
Lão tổ gật đầu rồi giơ tay chỉ lên đỉnh núi hô lên một tiếng và ngoắc tay
mấy cái, tự nhiên con ngựa của Ngưu Cao ở đâu không biết hí vang lên rồi chạy bay xuống.
Ngưu Cao vội bắt ngựa tra yên cương vào rồi mặc khôi giáp quì trước mặt Lão tổ thưa:
– Thầy giỏi quá, vậy nay đệ tử ra trận xin thầy cho đệ tử một vài món bảo bối cho đáng cái công đệ tử ở đây tu luyện bấy nay.
Lão tổ liền thò tay vào túi lấy ra một mũi tên nho nhỏ trao cho Ngưu Cao, Ngưu Cao đưa hai tay tiếp lấy và nói:
– Một mũi tên nhỏ xíu thế này thì dùng để làm gì?
Lão tổ cười đáp:
– Tuy nó nhỏ nhoi nhưng công dụng của nó rất thần tình. Khi nào ngươi
thấy kẻ nào đi trên mây, cứ việc ném mũi tên ấy ra thì người ấy chết
ngay vì mui tên này gọi là xuyên vân tiễn.
Ngưu Cao lại nài nỉ:
– Một món ấy cũng chưa thấm vào đâu, xin thầy cho đệ tử thêm vài món nữa.
Lão tổ lại thò tay vào túi lấy ra một đôi giày rơm trao cho Ngưu Cao.
Ngưu Cao cầm đôi giày rơm cười ngất nói:
– Đệ tử đâu phải là đàn bà ở cữ đâu mà dùng thứ này?
Lão tổ nghiêm sắc mặt bảo:
– Ngươi chớ vội khinh thường, giày này gọi là Phá Lãng Lý đó, hễ mang nó
vào thì chạy trên mặt nước cũng như chạy trên đất bằng vậy. Sở dĩ ta cho ngươi đôi giày ấy là vì Dương Ma nguyên là con thủy thú ở trên trời hạ
giáng, nếu không có đôi giày này không tài nào bắt được.
Ngưu Cao gật đầu đáp:- Nếu vậy thì quả là món bảo bối vô cùng quí giá, thầy còn món gì nữa xin cho thêm vài món.
Lão tổ nói:
– Ta chẳng còn món gì nữa, chỉ còn có hai viên thuốc linh đơn, ta sẽ cho
ngươi nốt để ngươi dùng một viên cứu Nhạc Phi, còn một viên hãy cất kỹ,
ngày sau sẽ có việc dùng.
Nói rồi thò tay vào túi áo lấy ra một cái hồ lô nhỏ trút lấy hai viên thuốc trao cho Ngưu Cao, Ngưu Cao tiếp lấy và nói:
– Nay đệ tử không biết đường về, xin thầy cho đạo đồng theo chỉ đường cho.
Lão tổ nói:
– Không cần, ngươi cứ việc lên ngựa rồi nhắm mắt lại tự nhiên sẽ đến.
Ngưu Cao vâng lời tung mình nhảy lên ngựa rồi nhắm nghiền đôi mắt lại, bỗng nghe lão tổ hét to:
– Lên?
Con ngựa vùng bay bổng lên không trung, Ngưu Cao cứ nhắm mắt, lắng nghe hai bên tai gió thổi ù ù. Độ nửa canh giờ sau con ngựa bay chậm dần. Ngưu
Cao lại nghe có tiếng người đọc thần chú:
– “Trị Nhựt công tào Đinh giáp thần tướng, hãy giáng hạ cho mau nghe ta truyền pháp lệnh”.
Lại nghe tiếng bắt ấn bồm bộp, Ngưu Cao mở mắt ra thì con ngựa cũng vừa hạ
xuống một đỉnh núi. Chàng trông thấy một lão đạo sĩ đứng trên đài đang
làm phép, liền nhảy xuống ngựa phi thân lên đài.
Lúc ấy Dư Thượng
Van đang tay bắt ấn miệng niệm phù chú, bỗng thấy một tướng quân mặt mày đen đũi, ngỡ là Hắc Hổ, Triệu Huyền Đàn giáng hạ nên gõ tấm lệnh bài hô to:
– Thần tướng hãy tức tốc xuống Đàn Châu lấy thủ cấp Nhạc Phi đem về đây cho ta, không được trái lệnh.
Ngưu Cao đã không vâng pháp chỉ mà đánh cho một giản khiến Thượng Văn chết
tươi, rồi cắt lấy thủ cấp xuống đài, đoạn nhảy lên ngựa nhắm Đàn Châu
chạy về.
Nghe trên đài có tiếng động bọn lâu la liền chạy lên xem
thì thấy Dư Thượng Văn chỉ còn cái xác không đầu chúng liền chia nhau đi tìm mà không thấy vội chạy về phi báo cho Dương Ma hay, Dương Ma giận
quá, truyền đem thây chôn cất và điều tra cho ra kẻ gian tế nào đã lén
đến giết Dư Thượng Văn.