Đọc truyện Nhạc Phi Diễn Nghĩa – Chương 21: Hồi thứ hai mươi mốt
Chẳng biết vì sao đêm hôm ấy quan huyện Từ Châu Phong là Đô Khoan vùng
thức dậy trong lúc canh ba, mở cửa ra công đường. Bọn nha dịch vội vã
đốt đèn lên và chạy lăng xăng gọi nhau:
– Lão gia thăng đường!
Một tên thư lại lấy làm lạ bước đến bẩm:
– Giữa đêm khuya thế này mà lão gia thăng đường, chẳng biết có việc cần kíp lắm sao?
Đô Khoan đáp:
– Ta vừa chiêm bao thấy một vị thần xưng là Thôi Phủ Quân đến mách với ta rằng: nay có chân chúa ở tại miếu Thôi Phủ quân nằm ở bờ sông Hiệp
Giang và báo ta phải mau mau đến đó tiếp giá. Ngươi có biết miếu Thôi
Phủ quân ở đâu không?
Ngẫm nghĩ giây lâu, tên thư lại đáp:
–
Chỉ vì lão gia quá tâm niệm đến hoàng thượng nên mới sinh ra chiêm bao
như vậy, chứ ở đây con chưa hề nghe nói đến cái miếu ấy bao giờ?
Đô Khoan lại hỏi hết bọn nha dịch cũng không ai biết được nên rơi nước mắt nói:
– Nước mà không có vua thì bá tính đảo điên, biết liệu làm sao đây?
Rồi Đô Khoan gọi tên Môn Tử lên bảo:
– Hãy đem trà cho ta uống.
Môn Tử vâng dạ chạy xuống phòng trà thì đã thấy Thái Mậu đang cặm cụi đun nước pha trà, Môn Tử bảo:
– Kìa lão Thái, hãy pha trà nhanh lên cho lão gia uống.
Thái Mậu đáp:
– Có đây, nước đã gần sôi rồi. Ồ, sao hôm nay quan huyện lại thăng đường trong đem khuya thế này?
Môn Tử nói:
– Thật buồn cười, chỉ vì có một điềm chiêm bao mà tất cả đều mất ngủ.
Thái Mậu tò mò:
– Chiêm bao gì, ngươi có rõ không?
Môn tử vừa cười vừa nói:
– Ngài thấy cái ông Thôi Phủ Quân nào đó đến bảo ngài đi tiếp giá, nên
ngài đang hỏi thăm cái miếu Thôi Phủ Quân, nhưng cái miếu lạ lùng ấy ai
mà biết được? Bây giờ ngài khóc tức tưởi trên ấy mới lạ chứ.
Thái Mậu đáp:
– Miếu Thôi Phủ Quân thì ta biết nhưng xa giá ở đâu đó mà tiếp? Đó chỉ là chiêm bao mộng mị thôi.
Thái Mậu pha trà xong trao cho Môn Tử bưng lên và dặn:
– Ngươi lên trên ấy đừng bảo ta có biết miếu Thôi Phủ Quân mà mất công,
cứ việc làm thinh đem trà cho ngài uống để ngài ngủ phứt đi cho chúng ta nhờ.
Môn Tử bưng trà vừa đi vừa cười thầm. Lên đến công đường quan huyện thấy hắn cười chúm chím liền nạt lớn:
– Có việc gì mà cười hả? ngươi cười ta sao?
Môn Tử sợ hãi bẩm:
– Dạ con đâu dám cười ngài, chỉ vì lão Thái Mậu pha trà ấy biết cái miếu
ông Thôi Phủ Quân mà lại dặn con đừng nói với lão gia nên con thấy buốn
cười.
Đô Khoan xoe tròn đôi mắt:
– Mi bảo sao? Có phải mi bảo tên Thái Mậu biết cái miếu Thôi Phủ Quân không? Hãy gọi hắn lên đây mau.
Môn Tử chạy thẳng xuống bếp trách móc:
– Cũng tại ngươi làm cho ta tức cười mà sinh chuyện, tí nữa là bị đánh
đòn rồi. Bây giờ lão gia đòi ngươi lên bảo gì trên ấy, ngươi phải lên
nagy đi.
Thái Mậu nghe nói, trống ngực đập thình thịch vội ra công đường quỳ mọp. Đô Khoan quát:
– Tên khốn kia, ngươi đã biết miếu Thôi Phủ Quân sao ngươi lại dặn Môn Tử đừng nói cho ta biết?
Thái Mậu lễ phép đáp:
– Thưa lão gia, chẳng phải tôi không muốn nói song vì cái miếu ấy lâu đời hư hỏng cả rồi nên tôi không dám nói.
Đô Khoan cau mày:
– Ngươi lẩn thẩn quá. Ta muốn tìm cái miếu ấy thôi chứ có hỏi cái miếu tốt hay xấu đâu nào.
Thái Mậu lại nói:
– Quê quán tổ phụ tôi ở gần sông Hiệp Giang nên biết rõ cách Hiệp Giang
chừng năm dặm có một cái miếu Thôi Phủ Quân nhưng đã lâu đời hư nát, tôi chỉ sợ trong thành này có cái miếu Thôi Phủ Quân nào khác nên tôi không dám nói. Sáng mai lão gia tra hỏi khắp nơi thì rõ.
Đô Khoan nói:
– Thần minh mách bảo với ta rằng: chân chúa dưới sông lánh nạn lên, nên y phục còn ướt, nay cái miếu mi nói lại gần sông thì chắc là đúng đấy.
Hãy bảo thắng ngựa đốt đèn lên và dẫn ta đến đó ngay lập tức.
Quan
huyện lại sai Môn Tử lấy ra một bộ y phục cùng giày mũ đem theo rồi cùng Thái Mậu ra khỏi thành nhắm hướng Hiệp Giang thẳng tới.
Đi được hồi lâu, Thái Mậu chỉ vào đám rừng nói:
– Miếu Thôi Phủ Quân gần mé rừng này đây.
Đếnnơi, quan huyện Đô Khoan bảo kẻ tuỳ tùng ở ngoài ngồi chờ và phải im lặng,
đoạn dắt Môn Tử bước vào, tìm khắp miếu mà chẳng thấy một ai. Đô Khoan
lại bảo Môn Tử vén màn lên để xem tấm thần vị.
Môn Tử vừa vén màn chợt thấy hai cái lông trĩ, hắn hoảng hốt chạy lui ra la lớn:
– Lão gia, lão gia. Trong kia có yêu quái chớ nên vào.
Khương Vương đang ngủ, nghe tiếng kêu giật mình ngồi phắt dậy rút dao cầm nơi tay hét lớn:
– Ai dám đến đây, muốn làm gì ta?
Đô Khoan vội quỳ xuống nói:
– Xin chúa công chớ nghi oan, quả thật chúng thần tìm đến đây để tiếp giá.
Khương Vương hỏi:
– Ngươi là ai mà lại bảo đến đây tiếp giá?
Đô Khoan nói:
– Thần là tri huyện Từ Châu Phong tên Đô Khoan, nhờ ơn thần linh mách bảo cho thần đến đây tiếp giá.
Khương Vương mừng rỡ nói:
– Tuy thần thánh mách bảo song khanh cũng có lòng trung nghĩa lặn lội đến đây, ta rất lấy làm cảm kích.
Đô Khoan vội gọi kẻ tùy tùng mang y phục vào cho Khương Vương thay. Đoạn
hai người dắt nhau ra khỏi cửa miếu. Đô Khoan mời Khương Vương lên ngựa, còn mình và kẻ tùy tùng đều đi bộ theo sau phò tá.
Về đến huyện
đường, Đô Khoan mời Khương Vương lên ngồi và làm đại lễ. Sau đó một mặt
lo dâng cơm rượu, một mặt lo tổ chức binh mã chu đáo để giữ thành.
Khương Vương hỏi:
– Tại đây binh mã được bao nhiêu?
Đô Khoan tâu:
– Ở đây chỉ có độ ba trăm kỵ binh và ba trăm lính bộ mà thôi.
Khương Vương nói:
– Nếu như quân Phiên kéo đến thì sao?
Đô Khoan nói:
– Xin chúa công hãy phát lệnh chỉ, ra lệnh cho các nẻo, đồng thời treo
bảng chiêu mộ hào kiệt bốn phương. Vì lòng người vẫn còn nhớ đến nhà
Tống, thấy thế thì ắt đến.
Còn đang bàn bạc, bỗng nghe quân vào báo:
– Có Vương nguyên soái dẫn ba nghìn quân đến bảo giá nhưng chưa có thánh chỉ nên chưa dám vào.
Khương Vương nghe nói vội truyền cho vào ngay.
Nguyên soái Vương Uyên vào đến huyện đường, chúa tôi thấy nhau cùng khóc rống
lên một hồi, Khương Vương cho phép Vương Uyên ngồi và hỏi:
– Tại sao khanh biết có ta ở đây?
Vương Uyên nói:
– Cách đây mấy hôm, thần có nằm chiêm bao thấy một vị thần xưng là Đông
Hớn Thôi Tử mách bảo cho đến đây hộ giá thánh thượng, ngờ đâu quả thật
có chúa công tại đây.
Còn đang chuyện vãn, bỗng có quân vào bẩm:
– Có Kim Lăng Trương nguyên soái dẫn năm nghìn quân đến bảo giá còn đang ở ngoài thành đợi chỉ. Khương Vương cho gọi vào.
Trương nguyên soái phục lạy Khương Vương rồi đứng dậy ra mắt Vương Uyên và Đô
Khoan. Khương Vương cho ngồi rồi ngắm nghía thấy Vương Uyên tướng mạo
khác phàm còn Trương Sở tuổi đã bảy mươi mà tướng mạo vẫn còn oai phong
lẫm lẫm thì mừng lắm, bèn nói:
– Huyện này rất hẹp thành này lại nhỏ bé, nếu như quân Phiên kéo đến đây biết liệu làm sao?
Vương Uyên tâu:
– Nhị đế còn bị quân Phiên giam cầm ở đất Bắc, không nên bỏ nước một ngày không vua, chúng thần muốn phò chúa công về Biện Kinh lên ngôi rồi
triệu tập hết binh mã bốn phương lo khôi phục giang sơn nhà Tống.
Trương Sở nói:
– Biện Kinh đã bị quân Phiên phá nát. Huống chi lại có gian thần Trương
Bang Xương lòng dạ sâu hiểm ở đó, chúng ta không nên đem chúa công về
đấy.
Ngừng một lát, Trương Sở nói tiếp:
– Tôi thiết tưởng Kim Lăng là chỗ tổ tông thọ mệnh mà lại ở chính giữa thiên hạ tiện đường giao thông, nên đóng đô ở đó.
Khương Vương cho là phải, y theo lời, chọn ngày lành tháng tốt kéo tất cả binh mã đến Kim Lăng. Đi đến đâu, dân chúng đều đem lương thực dâng lên.
Những cựu thần nhà Tống được tin cũng vội vã đến bảo giá rất đông.
Về đến Kim Lăng, Khương Vương ở tạm cung Hồng Khách, các quan đều vào
triều kiến. Qua ngày mồng một tháng năm Triệu Cấu lên ngôi tại Kim Lăng, lấy hiệu là Cao Tông hoàng đế cải Nguyên là Kiến Viêm, đại xá thiên hạ
rồi phát chiếu ra bố cáo trong ngoài, chiêu tập binh mã cần vương bốn
phương.
Chỉ trong mấy ngày đã có Triệu Đảnh, Điền Tư Trung, Lý Can
và Tông Trạch cùng Tiết Đạt Sứ và Tổng Binh các chỗ đều đem quân đến hộ
giá.
Những người này đã sai quan đi khắp các chỗ thôi thúc lương
thảo. Cho nên sau đó các nơi lục tục mang lương thực đến rất nhiều.
Trong đám này có một viên quan rất thanh liêm, vẫn là tri huyện Thang Âm tên
là Từ Nhân. Lúc nghe tân vương lên ngôi lại nhằm năm mất mùa, lúa gạo
đắt như châu ngọc nên bản thân phải đi khắp các làng tìm mấy nhà phú hộ
góp được ngàn tạ thóc. Ngài đích thân đem đến Kim Lăng, tìm đến viên
môn, cậy quan Trung Quân thưa dùm với Vương nguyên soái.
Quan Trung Quân nói:
– Lúc này nguyên soái mắc việc, chưa đi bẩm được.
Từ Nhân nói:
– Đây là việc đại sự, xin bẩm hộ cho.
Quan Trung Quân đáp:
– Việc của tôi đây cũng chẳng phải nhỏ.
Từ Nhân nghe nói hiểu ý, liền lấy ra sáu phân bạc gói lại tử tế mang đến trước Trung Quân vừa cười vừa nói:
– Chút đỉnh lễ mọn, xin ngài vui lòng làm ơn vào báo dùm cho tôi.
Trung Quân tiếp lấy nhưng thấy gói bạc nhẹ quá biết chẳng có bao nhiêu nên đổi sắc mặt, ném ngay xuống đất nói:
– Mười phần chưa được một.
Chỉ nói bấy nhiêu rồi quay ngoắt đi vào, chẳng thèm đếm xỉa đến Từ Nhân nữa.
Quan huyện Từ Nhân cúi lượm gói bạc lên và nói:
– Hèn chi triều đình bị khổ sở cũng phải. Chẳng nói chi những đứa gian
thần, quan lớn, đến như một đứa Trung Quân mà còn như vậy thì quả là vô
cùng thối nát đáng giận vô cùng. Nhất định việc này ta không thể làm
thinh, ta sẽ không cần mi mà cũng có thể gặp được nguyên soái cho mà
xem.
Nói rồi liền lấy roi ngựa bước đến gióng trống lên vang dậy.
Vương nguyên soái ở trong nghe trống đánh liên hồi, không biết việc gì
liền ra ngồi giữa công đường, sai quan kỳ bài ra xem ai đánh trống hoặc
có điều gì khiếu nại?
Quan kỳ bài vâng lệnh ra đòi Từ Nhân. Từ Nhân không một chút sợ hãi cứ việc mạnh dạn theo kỳ bài quan vào đến công
đường quỳ xuống bẩm:
– Tôi là tri huyện Thang Âm tên Từ Nhân, đem lễ một ngàn tạ thóc đến dâng chúa công.
Vừa nói vừa lấy bổn chương dâng lên. Vương nguyên soái xem qua cả mừng nhưng lại nói:
– Quý huyện giải lương đến đây tuy là việc cả song phải nói với Trung
Quân bẩm lại với bản chức chứ không thể tự tiện đánh trống như vậy được. May bản chức biết rõ ngài là một vị thanh quan chứ như người khác thì
phải tội rồi.
Từ Nhân thưa:
– Vì Trung Quân thấy hạ quan đi lễ có sáu chỉ bạc nên mới chê ít ném bạc xuống đất, không chịu bẩm giùm.
Hạ quan đợi lâu quá sợ trễ việc nên mới cả gan đánh trống như vậy, xin
nguyên soái thứ tội.
Vương nguyên soái nghe nói cả giận bèn sai gọi tên quan Trung Quân bảo dẫn đem đi chém.
Từ Nhân thấy thế quỳ bẩm:
– Nếu giết hắn ta thì ắt hạ quan phải mang lấy oan cừu, vậy mong nguyên soái ra ơn tha hắn một phen.
Nguêyn soái nói:
– Ngài hãy đứng dậy. Nay ngài đã xin tôi cũng nể lòng dung tội chết cho hắn.
Tuy tha chết cho viên Trung Quân nhưng nguyên soái cũng truyền quân bắt
đánh mấy chục roi rồi đuổi ra ngay. Nguyên soái lại lấy ra năm chục
lượng bạc cho quan huyện để làmlộ phí đi đường.
Từ Nhân tạ ơn và cao biệt nguyên soái, đi ra khỏi Viên môn tung mình lên ngựa thẳng về Thang Âm.
Khi Từ Nhân đi rồi, Vương nguyên soái liền nhớ lại một việc vội gọi kỳ bài quan căn dặn:
– Ngươi hãy đuổi theo mời Từ tri huyện lại đây cho ta nói chuyện.
Ngờ đâu tên kỳ bài quan này có hơi lãng tai nên nghe lầm, tưởng lại chạy
theo bắt lại cho mau. Hắn mừng rỡ vô cùng vì có dịp để hắn trả thù cho
Trung Quân.
Tên kỳ bài hầm hầm mặt giận lên ngựa chạy tuốt ra khỏi viên môn gọi lớn:
– Từ tri huyện khoan đi đã, nguyên soái dạy theo bắt ngài.
Vừa nói, kỳ bài quan vừa nắm áo kéo lại. Ngờ đâu chiếc áo Từ Nhân đã cũ thành thử rách toác làm đôi.
Từ Nhân giận quá quay ngựa lại, chạy riết đến cửa Viên môn chẳng thèm đợi
lệnh, đi thẳng vào đại đường, lột mũ xuống ném trước mặt Vương nguyên
soái:
Vương nguyên soái thấy thế thất kinh hỏi:
– Tại sao ngài có thái độ dị kỳ vậy?
Từ Nhân đáp:
– Tôi dầm sưong giãi nắng giải lương đến đây cực khổ biết dường nào? Mong ơn ngài đã cho bấy nhiêu tiền lộ phí, tại sao ngài lại sai kỳ bài quan
đuổi theo bắt tôi? Làm cho cái áo tôi rách toang xấu hổ thế này. Thế thì cái mũ còn để làm gì không ném luôn?
Nguyên soái nghe nói cả giận bèn gọi tên kỳ bài quan vào quở mắng:
– Ta sai ngươi đi mời Từ tri huyện trở lại đây để có việc cần, sao ngươi lại kéo cho rách áo người như vậy?
Kỳ bài quan cúi đầu vâng dạ đáp:
– Thưa nguyên soái tội tôi đáng chết ngàn lần, vì tôi có tật lãng tai
nghe không rõ nên tưởng lão gia bảo đi bắt, phần thì quan huyện đang
cưỡi ngựa chạy nhanh, nên tôi mới nắm áo chưa giật đã rách, xin nguyên
soái thứ tội.
Nguyên soái nổi giận quát:
– Việc nhỏ mọn chẳng nói chi, nếu như gặp lúc sai đi việc đại sự mà nghe lầm như vậy thì tai hại biết bao nhiêu?
Liền sai tả hữu đem chém quách cho rồi.
Lúc ấy Từ Nhân cảm thương nghĩ thầm:
– Thế thì tên này vì điếc lác nên nghe lầm, chẳng lẽ ta để cho hắn chết sao?
Nghĩ đoạn, bước tới lấy mũ đội lên đầu rồi quỳ xuống nói:
– Bây giờ hạ quan mới biết tại hắn nghe không rõ chứ không hắn cố ý làm
điều vô lễ như vậy, hơn nữa mạng người tối trọng, mong nguyên soái nghĩ
lại dung tha cho hắn một phen.
Nguyên soái đáp:
– Nếu quý huyện có lòng từ tâm thương hại xin cho nó thì phúc đức cho nó lắm đấy.
Nói rồi truyền quân tha chém nhưng sai đánh bốn chục roi và đuổi đi tức khắc.
Nguyên soái mời quan huyện lại ôn tồn bảo:
– Tôi mời huyện gia trở lại đây chỉ vì có một việc muốn hỏi thăm. Tôi có
nghe tại quý huyện có một người hiền sĩ tên là Nhạc Phi, chẳng hay hiện
nay người ấy thế nào?
Từ Nhân bẩm:
– Nhạc Phi đã đâm chết Tiểu Lương Vương tại võ trường, công danh không toại chí. Sau đó lại giúp
Tông Lưu Thú dẹp lũ cường đạo tại Thái Hành sơn, chúa thượng lại phong
cho chàng chức Thừa Tin Lang, chàng không bằng lòng nên mới trở về quê
cũ làm ruộng nuôi mẹ.
Nguyên soái bảo:
– Nếu vậy xin ngài tạm ở lại nơi quán dịch nán lại một đêm chờ đến sáng mai vào triều với tôi
kiến giá hoàng thượng để bảo cử Nhạc Phi, rồi đón chàng đến đây mà phò
mã xã tắc.
Từ Nhân nói:
– Nếu được nguyên soái bảo cử thì mới là không uổng cái tài văn võ song toàn của Nhạc Phi
Nguyên soái sai người đưa Từ tri huyện ra nơi quán dịch và sai người cho dọn
cơm rượu tiếp đãi, lại cho một cái mũ, một cặp áo mới và một đôi giày để mai vào triều.
Từ Nhân mừng rỡ lãnh áo mũ và cảm tạ nguyên soái.
Hôm sau, nguyên soái dắt quan huyện Từ Nhân vào triều.
Đi đến cửa Ngọ môn nguyên soái để Từ Nhân đứng lại, một mình vào trước thềm quỳ tâu:
– Nay có Từ Nhân, tri huyện Thang Âm giải lương đến đây, thần có hỏi thăm Nhạc Phi thì y bảo vẫn còn đang ở tại Thang Âm, Nhạc Phi chính là người văn võ song toàn thật xứng đáng là bề tôi trụ cột của triều đình. Cúi
xin bệ hạ triệu thỉnh ông ta về đây khuôn phò xã tắc. Vì vậy thần có dắt Từ Nhân vào triều kiến, hiện còn ở tại Ngọ môn hầu chỉ.
Vua Cao Tông nghe tâu vội hỏi:
– Nhạc Phi năm xưa đâm chết Tiểu Lương Vương, sau lại hiệp với ông Tông
Lưu Thú trừ được bọn cường đạo Vương Thiện quả có đại công, ngặt vì phụ
vương ta nghe lời Trương Bang Xương để cho anh hùng bị mai một. Việc ấy
trẫm biết đã lâu, vậy hãy cho triệu tri huyện Từ Nhân vào đây cho ta
hỏi.
Từ Nhân nghe có triệu chỉ, vội vã vào triều bái yết.
Vua Cao Tông phán:
– Trẫm biết Nhạc hiền sĩ là người văn võ song tài, cũng bởi bọn gian thần đố kỵ nên chẳng được trọng dụng. Nay trẫm muốn gọi về phò tá quốc gia,
ngặt vì trẫm mới lên ngôi báu chẳng lẽ đi xa nên khanh hãy thay mặt cho
trẫm đến đó triệu mời Nhạc Phi vào triều.
Nói rồi truyền chỉ giao
bức chiếu thư và lễ vật cho Từ Nhân để đón Nhạc Phi, lại ban cho Từ Nhân ba chén ngự tửu. Từ Nhân uống xong từ giã lui ra, lên ngựa thẳng về
Thang Âm huyện.
Lại nói đến chuyện Nhạc Phi, từ lúc chàng gặp bọn
Thi Toàn trở về nhà mải lo việc tập tành võ nghệ, chuyên đọc binh thư.
Ngờ đâu năm ấy bệnh dịch hoành hành, vợ chồng Vương Viên ngoại bạc phước đều qua đời. Vợ chồng Thang Viên ngoại phải sang lo chôn cất lại rủi bị truyền nhiễm ít lâu sau cũng đã mất.
Lúc ấy lại gặp phải mất mùa
thóc cao gạo kém, anh em túng bấn thường đi làm quấy để kiếm ăn, nhất là Ngưu Cao thường hay đến các nhà phú hộ cướp của, bà mẹ quở mắng mãi
chẳng được lâm bệnh mà chết.
Riêng có vợ chồng Nhạc Phi dầu đói
khát cũng cam tâm chịu cảnh thanh bần. Hôm đó Nhạc Phi đang ngồi trong
thư phòng xem sách, khi chàng lật xem đến một trang chỉ về phần xem
tướng chàng mới biết mình đến năm hai mươi ba tuổi bắt đầu đại phát.
Nhạc Phi nghĩ thầm:
– “Trong quẻ này sách tướng đoán ta đến hai mươi ba tuổi thì vận phát
lắm, nhưng nay ta đúng hai mươi ba tuổi rồi mà chẳng thấy ứng nghiệm chi cả, ấy chẳng qua là một phương pháp làm tiền của bọn xem tướng đó
thôi”.
Còn đang than thở, bỗng thấy Lý Thị, vợ của Nhạc Phi bưng trà vào và hỏi:
– Tướng công ôi! thiếp nghe nói người quân tử lúc nào cũng an phận thủ thường, cớ sao hôm nay xem tướng công buồn bã như vậy?
Nhạc Phi nói:
– Chỉ vì ta vừa xem một trang sách dạy về phần tướng số bảo rằng số ta
năm nay phát đạt lắm, thế mà túng thiếu vẫn hoàn túng thiếu cho nên ta
thắc mắc đó thôi.
Lý thị khuyên:
– Thời vận chưa đến thì đành phải đợi vậy, thiếp nghĩ rằng rồng cũng phải có lúc gặp mây chứ.
Nhạc Phi cười khẩy:
– Phải đợi đến bao giờ mới gặp mây?
Vợ chồng đang chuyện vãn, bỗng thấy bà An Nhân bước vào, vợ chồng vội đứng dậy nghênh tiếp. Bà nhìn Nhạc Phi bảo:
– Thời vận chưa đến phải sao chịu vậy, sao con lại trách vợ con?
Nhạc Phi quỳ thưa:
– Chỉ vì con thấy trong sách đoán số dạy không đúng nên con trách là trách thầy tướng chớ nào con có trách vợ con đâu?
Vừa nói đến đây bỗng thấy Nhạc Vân (con Nhạc Phi) đi học vừa về, bước vào
phòng thấy cha mình đang quỳ cũng vội để sách vở bước lại quỳ một bên.
Quả là hiếu thuận lại sinh con hiếu thuận, hễ cha có hiếu thì sinh con
cũng vậy thôi.
Bà An Nhân thấy cháu mới lên bảy tuổi mà quỳ dưới đất nên vội xua tay bảo:
– Cháu hãy đứng dậy.
Nhạc Vân nói:
– Cha cháu đứng dậy thì cháu mới dám đứng dậy.
Khi bà An Nhân dắt dâu và cháu đi rồi, Nhạc Phi ngồi một mình suy nghĩ:
– “Xưa ân sư ta thường căn dặn không nên bỏ trễ việc luyện tập võ nghệ,
vậy hôm nay rảnh rang, ta đem thương ngựa ra phía sau tập luyện cho
khuây lãng”.
Nghĩ rồi lấy thương, thắng ngựa ra khoảng đất trống
phía sau nhà nhưng chưa kịp thao diễn, chợt thấy mấy người em kết nghĩa
nai nịt hẳn hoi dắt ngựa tới, nói nói cười cười ra vẻ hân hoan lắm.
Nhạc Phi thấy vậy than thầm:
– Đã bao phen ta khuyên chư đệ không nên làm càn, của phi nghĩa chẳng nên dùng, chẳng biết họ có nghe lời ta không mà hôm nay chúng lại kéo nhau
đi đâu vậy?
Nhạc Phi lên tiếng hỏi:
– Mấy chư đệ đi đâu đó?
Cả bọn nín thinh, giây lâu Ngưu Cao mới đáp:
– Thưa đại huynh, túng khổ đói khát quá anh em tôi chịu đã hết nổi nên phải đi kiếm ăn.
Nhạc Phi nghe vậy lấy làm đau đớn trong lòng, bèn khuyên nhủ:
– Ngày xưa ông Khương Tiết Thiện tiên sinh có dạy: hễ người chánh trực
không bao giờ có lòng tà, thì coi như luôn luôn được dư giả!
Vương Quới nghe vậy vội ngắt lời nói:
– Đại huynh dạy vậy thật là phải nhưng anh em chúng tôi mấy ngày rầy cơm
không có đủ ăn, áo không có đủ mặc. Nếu cứ nghe lời vàng ngọc ấy mãi thì chắc chắn không thể sống nổi.
Nhạc Phi lại nói:
– Nếu các
hiền đệ chẳng chịu nghe lời ta đi làm điều bất chính thì chuyến này dù
được giàu có xin đừng ngó đến Nhạc Phi này làm gì, bằng có bị bắt cũng
đừng ngó đến tên Nhạc Phi này mà khổ lây nhé.
Nói đến đây chàng cắm cây thương trên tay xuống đất rạch một đường đất sâu và nói:
– Mấy hiền đệ không nghe ta thì từ nay xin cắt đất để dứt tình huynh đệ vậy, rồi ai lo phần nấy chớ nên nhìn nhau nữa.
Cả bọn vẫn không hề nao lòng, càng nói:
– Ồ, hơi đâu mà nghe lời bậc thánh hiền ấy, bây giờ chúng ta lo chuyện cần kíp để no cái bụng đã rồi nói chuyện sau.
Nói rồi, nhảy phóc lên ngựa chạy đi mất hút.
Nhạc Phi thấy mấy người em kết nghĩa không nghe lời mình, buồn bã vô cùng,
hai hàng nước mắt tự nhiên tuôn trào không ngớt, không còn lòng nào ở đó luyện tập được nữa.
Nhạc Phi dắt ngựa trở về vào thư phòng nằm khóc tức tưởi, bà An Nhân thấy vậy mắng:
– Mi quả là đứa con bất hiếu. Lúc nãy ta có mấy lời khuyên nhủ mi chẳng
lẽ mi đem lòng oán trách ta sao? Nếu không, tại sao mi khóc tức tưởi như vậy?
Nhạc Phi quỳ lạy thưa:
– Thưa mẹ, con đâu dám oán trách
mẹ? chẳng qua mấy đứa em kết nghĩa của con chẳng chịu nghe lời con cứ
việc đi làm điều không phải mà con khuyên nhủ không được nên buộc lòng
rạch đất dứt nghĩa kim bằng, nhưng lòng con không nỡ nên buồn lòng khóc
đó thôi.
Bà An Nhân lại khuyên:
– Mỗi người đều có một chí
hướng riêng, con lấy tình bạn khuyên nhủ nếu anh em không nghe thì thôi, việc gì phải khóc lóc làm gì cho mệt.
Bà An Nhân đang dạy con,
bỗng nghe có tiếng gõ cửa, Nhạc Phi thưa với mẹ tạm lui vào nhà trong
còn mình bước ra mở cửa ngõ. Ngoài cổng có một người từ từ bước vào để
gói xuống thở hổn hển.
Nhạc Phi nhìn kỹ thì người ấy trạc độ đôi mươi, mặc áo, đội mũ thường, đi giày da. Có lẽ chàng chưa gặp người này bao giờ.