Đọc truyện Nhà Tuck Bất Tử – Chương 10
Winnie từ nhỏ đã lớn lên trong trật tự và ngăn nắp. Cô bé đã quen sống như vậy rồi. Trước những nỗ lực không thương tiếc của bà và mẹ gộp lại, ngôi nhà nơi cô sống đành miễn cưỡng chào thua để bị quét dọn, lau chùi, chà rửa luôn luôn đến khi sạch bóng mới thôi. Nơi ấy không có chỗ cho tính bất cẩn hay bê tha trì hoãn công việc. Phụ nữ gia đình Foster đã dựng nên cả một pháo đài từ những bổn phận. Sống trong đó, họ trở nên bất khả chiến bại. Và Winnie cũng được huấn luyện để trở nên như vậy.
Thế nên cô chưa từng được chuẩn bị để sống trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ bên bờ hồ ấy, chưa hề sẵn sàng đối mặt với bụi bặm theo gió thổi tốc lên từng cơn nhè nhẹ, với mạng nhện trắng xóa giăng đầy nhà, với chú chuột – được chào đón! – cư ngụ trong ngăn kéo bàn. Nhà chỉ có ba phòng. Đầu tiên là bếp, với chiếc tủ chén mở toang nơi chén dĩa chất đầy thành những ngọn tháp ngất nghểu bất chấp kích cỡ lớn bé lộn xộn của chúng. Có cả một bếp lò to đùng đen sì, một bồn rửa bằng kim loại, và trên mọi mặt phẳng, mọi bức tường đều chất chồng hay vương vãi hay lủng lẳng treo đủ mọi thứ trên đời mà bạn có thể tưởng tượng ra, từ củ hành tây đến lồng đèn, từ muỗng gỗ đến chậu giăt đồ. Và kia bị bỏ trong xó bếp là khẩu súng ngắn ngày nào của ông Tuck.
Kế đến là phòng khách, nơi bàn ghế, lung lay và xiêu vẹo vì năm tháng, bày biện tán loạn vô trật tự. Chiếc sofa cỗ lỗ màu xanh nhung bơ vơ lẻ loi ở giữa phòng, trông giống một cành cây rụng rêu phong nữa, đối diện với cái lò sưởi bám đầy bồ hóng vẫn còn ngập ngụa trong đống tro từ mùa đông năm ngoái. Chiếc bàn có cái ngăn kéo nơi trú ngụ của chú chuột bị kéo ra, cũng nằm chơ vơ ở tuốt một góc xa, còn ba cái ghế bành và chiếc xích đu già cỗi thì thơ thẩn mỗi cái một góc, như những kẻ xa lạ trong một buổi tiệc, chẳng thèm ngó ngàng gì đến nhau.
Qua phòng khách là đến phòng ngủ, ở đó chiếc giường lớn bằng đồng hơi liêu xiêu độc chiếm phần lớn không gian, nhưng vẫn chừa chỗ bên cạnh cho chiếc giá rửa mặt cùng cái gương cô đơn, đối diện là tủ quần áo bằng gỗ sồi lớn thoang thoảng mùi long não. Phía trên những bậc thang hẹp và dốc là cái gác xép đầy bụi bặm – “Đó là chỗ mấy thằng nhỏ ngủ lúc tụi nó ở nhà,” bà Mae giải thích – và tất cả chỉ có vậy.
Mà không, không hẳn chỉ có vậy. Vì chỗ nào trong nhà cũng đầy những dấu ấn về những hoạt động thường ngày của bà Mae và ông Tuck. Đồ may vá của bà: miếng vá và vải vụn sáng màu; chăn bông và thảm tết mới hoàn thành được một nửa; một túi bông đang thả những làn bông trắng như tuyết trôi vào các vết nứt và góc nhà; chiếc ghế sofa chăng đầy kim chỉ và ghim đầy kim nguy hiểm. Đồ chạm gỗ của ông: vỏ bào quăn tít chất nghẽn cả sàn nhà; đây đó những đống nhỏ những mảnh vụn và dằm gỗ; mùn cưa phủ mờ trên mọi thứ; rải rác tay chân chưa lắp vào của mấy con búp bê và lính gỗ; mô hình một chiếc tàu đang nằm chờ khô keo dán dựng trên cái bàn có chú chuột; và cả một chồng chén gỗ được bào nhẵn thín, trong chiếc chén trên cùng là đống muỗng nĩa bự bằng cũng bằng gỗ như những khúc xương khô đã ngả màu.
“Hai bác làm đồ để bán,” bà Mae vừa nói vừa nhìn quanh đống lộn xộn trước mặt vẻ hài lòng.
Thế cũng vẫn chưa hết. Vì, trên trần nhà cũ kỹ của phòng khách, còn có những vệt nắng đang ngụp lặn, nhảy múa và lả lướt như một ảo ảnh rực rỡ, phản chiếu mặt hồ tràn ngập ánh nắng qua cửa sổ. Những chậu cúc được đặt ở khắp nơi, màu trắng sáng và vàng. Và bao trùm lên tất cả là hương thơm ngọt ngào, trong lành của hồ nước và cỏ dại, tiếng quang quác chói tai của chim bói cá bổ xuống săn mồi, tiếng vang rền ríu rít của hàng chục loài chim, và đôi khi chen vào một nốt trầm đột ngột của chú ếch điềm nhiên đang thư thả đâu đó dọc bờ hồ lầy lội.
Cô bé Winnie lạc giữa cảnh ấy, mắt mở to đấy kinh ngạc. Chuyện người ta có thể sống trong mớ hỗn độn như thế này là điều hoàn toàn mới lạ nhưng cũng thật thú vị đối với cô. Mọi thứ thật là dễ chịu. Vừa theo bà Mae leo lên gác xép cô vừa nghĩ thầm: “Có lẽ vì họ sẽ còn cả thời gian vĩnh cửu phía trước để dọn dẹp nhà cửa.” Và liền sau đó là một ý nghĩ mới, tiến bộ hơn nhiều: “Hay có lẽ là họ chẳng thèm quan tâm!”
“Mấy thằng nhỏ không mấy khi ở nhà,” bà Mae nói khi họ đã ở trên căn gác tôi tối ấy. “Nhưng mỗi khi về nhà là tụi nó ngủ ở đây. Còn nhiều chỗ lắm.” Căn gác xép cũng chất đầy đồ đạc lặt vặt, nhưng còn có thêm hai tấm nệm đã trải sẵn trên sàn, trên mỗi cái là mền và ga trải giường sạch sẽ gấp khá ngay ngắn, chờ được giở ra.
“Rời khỏi nhà mấy anh đi đâu vậy hả bác?” Winnie hỏi. “Mấy ảnh làm gì vậy?”
“À,” bà Mae nói, “tụi nó đi nhiều nơi lắm, làm nhiều việc nữa. Việc nào tìm được thì tụi nó làm, ráng kiếm ít tiền mang về nhà. Thằng Miles nó biết nghề mộc, nghề rèn nó làm cũng khá lắm. Còn thằng Jesse thì đến giờ cũng chưa ổn định nữa. Cũng phải thôi, nó còn trẻ mà.” Nói đến đây bà dừng lại và mỉm cười. “Nghe hơi kỳ cục phải không? Nhưng mà vẫn đúng. Cho nên hiện thằng Jesse nó làm những việc mà nó thích như là làm đồng hay là phục vụ trong quán bar, những việc đại loại như vậy đó, bất cứ việc gì nó gặp. Nhưng mà con biết đó, tụi nó không thể ở lâu hoài một chỗ được. Cả nhà bác đều như vậy. Ở lâu hàng xóm láng giềng lại thắc mắc.” Bà thở dài. “Nhà bác ở trong căn nhà này đến chừng nào hết dám nữa thì thôi, cũng được hai mươi năm rồi. Ở đây cũng dễ chịu lắm. Ông Tuck ổng thực sự gắn bó với nơi này. Mà nó cũng thuận tiện nữa, trong hồ có nhiều cá, lại không xa làng mạc chung quanh. Mỗi khi cần mua đồ thì mình lúc đi chỗ này lúc đi chỗ khác, nên người ta cũng không để ý lắm. Và chỗ nào được thì hai bác cũng bán đồ nữa. Nhưng mà nhà bác chắc là sẽ dọn đi nữa, một ngày nào đó gần đây thôi. Cũng gần đến lúc rồi đó.”
Với Winnie, chuyện không bao giờ được gắn bó với bất kỳ nơi nào nghe buồn làm sao. “Tệ quá ha bác,” cô nói, rụt rè liếc nhìn bà Mae. “Lúc nào cũng phải đi lang thang và chẳng bao giờ có bạn bè hay là gì cả.”
Nhưng bà Mae gạt phăng lời bình luận này. “Bác trai và bác có nhau,” bà nói. “Vậy là nhiều rồi. Còn mấy thằng con trai thì giờ tụi nó đã có con đường riêng. Hai đứa nó hơi khác tính nhau nên cũng không được hòa thuận cho lắm. Nhưng khi nào thích là tụi nó về nhà, và cứ mười năm một lần, vào tuần đầu tiên của tháng Tám, tụi nó hẹn nhau ở con suối đó rồi cùng nhau về nhà đoàn tụ gia đình trong một thời gian ngắn. Vì vậy mà sáng nay chúng ta mới ở đó. Dù gì thì đến giờ vẫn tốt.” Bà khoanh tay lại rồi tự gật đầu, với chính mình hơn là với Winnie. “Đời là phải sống thôi dù dài hay là ngắn,” bà bình thản nói. “Phải đón nhận những điều sẽ đến. Nhà bác cũng sống như mọi người vậy thôi, qua ngày nào biết ngày đó. Cũng lạ thật – nhà bác chẳng thấy mình có gi khác biệt. Ít nhất thì riêng bác thấy thế. Có lúc bác quên luôn những việc xảy ra với nhà mình, quên hết luôn. Rồi lại có lúc những chuyện đó chợt tràn về và lại tự hỏi sao nó lại xảy đến với nhà bác. Cả nhà bác ai cũng bình thường thôi, nên chắc không xứng đáng được ân trên ban phước – nếu coi đó là ân phước. Mà bác cũng không thấy mình đáng bị nguyền rủa – nếu đó là bất hạnh. Nhưng cũng chẳng tích sự gì khi cố tìm hiểu tại sao sự việc lại như vậy. Việc xảy ra thì cũng xảy ra rồi, có làm ầm lên cũng chả thay đổi được gì. Còn bác trai giờ đã suy nghĩ khác, nhưng bác mong là ổng sẽ kể cho con nghe. Kìa! Mấy thằng ở dưới hồ lên rồi.”
Lúc này Winnie nghe thấy tiếng nói ầm ĩ dưới cầu thang và loáng một cái Miles và Jesse đã sắp sửa leo lên đến gác.
“Nè, con,” bà Mae vội nói. “Nhắm mắt lại đi. Còn hai thằng bây? Tụi bây có phải người đàng hoàng không vậy? Tụi bây mặc đồ gì để bơi? Winnie ở trên này nè, hai đứa có nghe mẹ nói không?”
“Vì Chúa, mẹ à,” Jesse nói, thò đầu lên khỏi cầu thang. “Bộ mẹ nghĩ có Winnie trong nhà thì tụi con lại không mặc đồ đi diễu vòng vòng hả?”
Và Miles, đằng sau lưng Jesse, nói, “Tụi con mặc nguyên đồ nhảy xuống hồ luôn mà. Nóng và mệt quá hết lột nổi đồ luôn.”
Đúng là vậy thật. Hai người họ đứng cạnh nhau, quần áo ướt nhem dán chặt vào người, nước đọng lại thành vũng nhỏ dưới chân.
“Thế chứ!” bà Mae nói, thở phào nhẹ nhõm. “Được rồi, kiếm đồ khô mặc vào đi. Ba tụi bây làm bữa tối xong rồi kìa.” Nói rồi bà giục Winnie mau bước xuống những bậc cầu thang hẹp ấy.