Đọc truyện Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang – Chương 8(Phần 1)
Cho đến lúc bấy giờ Đan Thanh cũng đã giữ lại một vài kỷ niệm về người mẹ mình, nhưng chỉ theo lời thuật lại của những người khác; hình ảnh bà không còn sống động trong chàng và chàng chỉ tâm sự với Huyền Minh một phần rất nhỏ của những gì ít ỏi mà chàng tưởng biết về bà. Mẹ chàng, ấy là một đề tài mà người ta không có quyền nói đến. Người ta hổ thẹn về bà. Đấy là một vũ nữ, một người đàn bà diễm lệ sống rất tự nhiên, dòng dõi cao quý, nhưng bà không trong sạch và vô thần. Cha của Đan Thanh – ông kể – đã đem bà ra khỏi khốn khổ và tủi nhục. Vì ông không biết bà vô thần, ông đã cho bà rửa tội và giáo dục bà theo tôn giáo. Ông đã cưới bà làm một người vợ đàng hoàng và cho bà ta một địa vị quan trọng. Nhưng sau một vài năm sống đời hiền thục và bình thường bà đã lại ngựa theo đường cũ, gây tiếng xấu, đi quyến rũ đàn ông, bỏ gia đình nhiều ngày nhiều tuần, nổi tiếng là một người làm mê hoặc, và cuối cùng, sau nhiều lần chồng bà tìm và dẫn bà về, bà đi biệt. Một thời gian sau kỷ niệm về bà vẫn còn sống dưới hình thức một tiếng xấu lan tràn mãnh liệt như một chiếc đuôi sao chổi rồi tắt ngấm. Chồng bà dần dần hồi phục, sau những lo âu, kinh hãi, hổ thẹn, ngạc nhiên không ngừng mà bà dành cho ông; thay vì người đàn bà không ra gì ấy, ông săn sóc người con trai nhỏ, có hình vóc và khuôn mặt giống mẹ, ông giáo dục chàng. Trở nên khó tính và sùng đạo, ông phát triển nơi Đan Thanh niềm tin rằng chàng phải hiến đời mình cho Chúa để chuộc những lỗi lầm của mẹ.
Đấy gần như là những gì người cha của Đan Thanh thường kể về người đàn bà ông đã mất, mặc dù ông không thích nói về chuyện ấy, và chính đấy là những điều ông nói thoáng qua cho vị tu viện trưởng khi đến ký thác con ông cho người. Tất cả điều ấy cũng đã đến với trí hiểu biết của Đan Thanh như một thần thoại khiếp đảm, nhưng chàng đã tập xua đuổi được những kỷ niệm ấy và gần như quên chúng. Còn bộ mặt đích thực của mẹ, chàng đã hoàn toàn quên hẳn bộ mặt ấy. Nó đã tan biến, hình ảnh hoàn toàn khác biệt vốn không phải là sản phẩm của những lời kể của cha hay của những người trong nhà, hay của những người kể chuyện vô danh về một đời sống lăng loàn. Những kỷ niệm về mẹ, như chính chàng đã thực sống, đều đã biến mất. Và giờ đây hình ảnh ấy, ngôi sao của tuổi thơ dại, lại bừng lên trong chàng. Đan Thanh nói với bạn:
– Em không hiểu làm sao em đã có thể quên được. Chưa bao giờ, trong đời em, em đã yêu một người nào như mẹ em, nồng nhiệt và tuyệt đối như thế. Chưa bao giờ em kính trọng và ngưỡng mộ ai như thế, bà là mặt trời mặt trăng đối với em. Chỉ có trời biết được làm sao người ta đã có thể làm tắt ngấm trong hồn em hình bóng rực rỡ ấy và dần dần làm nó trở thành mụ phù thủy hung dữ, phi thực và bông lơn đối với cha em và em từ bao năm nay.
Cách đấy không lâu, Huyền Minh vừa chấm dứt giai đoạn tân tòng và đã thụ giới. Thái độ chàng đối với Đan Thanh đã biến đổi lạ lùng. Đan Thanh, người trước kia thường phản kháng những ý kiến và khích lệ của chàng, chỉ xem như một thứ tự phụ khó chịu và một nhiệt tình không phải lúc, bây giờ, từ khi biến cố quan trọng xảy ra, lại đầy thán phục và ngạc nhiên trước sự minh triết của bạn. Biết bao nhiêu lời của Huyền Minh đã tỏ ra đúng thật như những lời tiên tri! Cái nhìn của bạn đã nhìn sâu biết bao vào tâm hồn chàng, cái nhìn của con người mà người ta phải rùng mình khi đối diện. Huyền Minh đã đoán đúng biết bao về bí mật của đời chàng, vết thương sâu kín, và đã khéo léo chữa lành nó làm sao!
Và người thanh niên ấy dường như đã khỏi bệnh. Chẳng những sự ngất xỉu của chàng đã không có một hiệu quả đáng buồn nào, mà cái điều có tính trẻ con, cụ non, giả tạo ở trong bản chất của chàng tâm lý tu sĩ hơi sớm sủa, niềm tin vào một tiếng gọi đặc biệt để phụng sự Chúa – cũng đã tan biến. Người thanh niên ấy dường như đồng thời đã trở thành trẻ hơn và già hơn từ khi cậu đã tìm ra con đường của mình, tất cả điều ấy chàng đều nhờ Huyền Minh.
Nhưng từ mới đây Huyền Minh đối với bạn rất dè dặt, có một thái độ vô cùng khiêm tốn trước mặt bạn, không còn tỏ ra hơn bạn nữa, và tránh mọi giọng điệu thông thái khi đối thoại. Huyền Minh có cảm tưởng rằng Đan Thanh đã hút sức mạnh từ những nguồn bí mật mà chính chàng cũng không biết đến. Chàng có thể khơi động nguồn mạch nhưng tuyệt đối không dự phần nào trong đó. Chàng vui mừng thấy bạn giải thoát khỏi sự dắt dìu của mình, nhưng thỉnh thoảng cũng buồn vì thế. Chàng có cảm giác mình chỉ còn như một bực cấp đã được bước qua, một cái vỏ của trái cây người ta đã vứt đi. Chàng thấy tình bằng hữu gần đến chỗ chấm dứt, mối tình đã có giá trị xiết bao đối với chàng. Chàng luôn luôn hiểu nhiều về bạn hơn là Đan Thanh tự hiểu mình, vì nếu Đan Thanh đã tìm lại được linh hồn mình và sẵn sàng chạy theo tiếng gọi của nó, thì trái lại tuyệt nhiên Đan Thanh không biết tiếng gọi ấy sẽ dẫn dắt mình đến xứ nào. Huyền Minh trái lại mường tượng điều ấy, nhưng trí thức của chàng vô dụng! Những con đường của cậu bé yêu dấu kia dẫn đến những xứ sở mà chàng sẽ không bao giờ đặt chân đến. Thị hiếu của Đan Thanh đối với học thuật đã giảm nhiều. Trong những cuộc nói chuyện với bạn, chàng không còn thích thú bàn cãi; chàng nhớ lại với sự khinh bỉ về bao nhiêu cuộc đàm luận của họ trước kia. Rất gần đây, do ảnh hưởng của giai đoạn tập sự mà chàng đã hoàn thành hay tiếp theo sự biến cải mà chàng đã gây cho Đan Thanh, Huyền Minh bỗng dưng cảm thấy một nhu cầu ẩn dật, khổ hạnh, cảm thấy cần những luyện tập tâm linh, cảm thấy một khuynh hướng chay lòng, cầu nguyện rất lâu, xưng tội thường xuyên, tự buộc cho mình những hình phạt tẩy tội. Đan Thanh hiểu nhu cầu ấy và lại còn chia xẻ nhu cầu ấy nữa.
Từ khi tinh thần lành mạnh lại, bản năng chàng có nhiều sức mạnh hơn. Mặc dù, tuyệt nhiên chưa biết gì về những mục đích định cho đời mình, chàng vẫn cảm thấy rất rõ rệt và thường thường kèm với sự lo âu rằng định mệnh của mình đang được chuẩn bị; một giai đoạn hồn nhiên thanh bình, của chờ đợi và cẩn trọng bây giờ đã chấm dứt; mọi năng lực khóa kín trong chàng từ nay trở nên căng thẳng và sẵn sàng. Thường thường cảm tưởng mơ hồ ấy lại làm Đan Thanh thích thú, khiến chàng tỉnh thức hết phân nửa ban đêm như một giấc mơ tình êm dịu; nhưng cũng rất nhiều khi nó thật u ám và khắc khoải nặng nề. Chàng đã tìm lại người mẹ đã mất quá lâu; điều ấy là hạnh phúc tối thượng, nhưng tiếng gọi của bà sẽ dấn chàng đi đâu? Vào trong những xao xuyến rối ren của cuộc đời, vào khổ đau và có thể vào cái chết. Dĩ nhiên nó không dẫn vào trong sự thanh bình, êm dịu, an ổn trong một nhà tu kín, trong tập đoàn trọn đời của tu viện: tiếng gọi ấy không có gì ăn nhập với những mệnh lệnh của cha mà từ lâu Đan Thanh đã lẫn lộn với những ước nguyện riêng tư của mình.
Chính trong cái cảm xúc thường mạnh mẽ, xao xuyến và nồng cháy như một cảm giác vật lý mãnh liệt ấy, sự sùng kính của Đan Thanh đã đâm sâu gốc rễ. Chàng để lòng yêu thương tuôn chảy vào trong những lời cầu nguyện lặp lại rất lâu với thánh mẫu Đồng Trinh, lòng yêu thương tràn trề đã kéo chàng về phía mẹ. Nhưng thường những lời cầu nguyện ấy hoàn thành trong những giấc mộng kỳ lạ và tráng lệ mà bấy giờ chàng rất thường chiêm bao, những mộng ban ngày, các giác quan nửa tỉnh nửa mê, những giấc mộng về bà, những giấc mộng mà toàn thân Đan Thanh đều dự phần vào. Khi ấy thế giới mẹ bao phủ chàng với hương thơm của nó, phóng trên mình chàng những tia nhìn u buồn và huyền bí, trĩu nặng tình yêu, dạt dào trong những chiều sâu thẳm của nó như bể cả và thiên đường, lắp bắp những âm thanh mơn trớn không có nghĩa gì hay đúng hơn tràn đầy ý nghĩa, đem lại cho miệng mồm chàng mùi vị của đường và muối, để những làn tóc óng ả lướt trên mắt, trên làn môi khát cháy của chàng. Và cái mà chàng tìm thấy trong người mẹ, không phải chỉ là tất cả những kiều diễm của trần gian: màu xanh của tia nhìn dịu dàng đầy yêu thương, nụ cười duyên dáng của bà, sự hứa hẹn hạnh phúc, niềm an ủi tuôn trào từ những lời âu yếm; song còn có ở đâu đây trong bà, ẩn dưới vẻ kiều diễm kia, tất cả nỗi kinh hoàng, tất cả bóng tối, tất cả những dục vọng tham lam, tất cả khắc khoải, tội lỗi, buồn sầu, tất cả những ngang trái của đường sinh tử.
Chàng thanh niên chìm sâu vào trong những giấc mộng ấy, trong mớ bòng bong phức tạp về ý nghĩa và biểu tượng của chúng. Đây không phải chỉ là những hoan lạc quá khứ đã hiện về trong ánh sáng, với bùa lực duyên dáng của chúng: tuổi thơ và tình mẹ, buổi bình minh vàng son và rạng rỡ của cuộc đời, mà trong đó còn ngân lên tương lai với những đe dọa và những hứa hẹn của nó, những nét quyến rũ và những nét hiểm nguy. Những giấc mộng kia trong đó mẹ chàng, Thánh Mẫu Đồng Trinh và tình nhân chỉ là một, đôi khi hiện đến với chàng trong một chuỗi tội lỗi ghê sợ và những tội phạm thánh, những tội đáng chết mà không bao giờ chàng có thể chuộc được; những khi khác chàng lại thấy trong những giấc mộng ấy sư giải thoát hoàn toàn tuyệt vời hòa điệu. Cuộc đời huyền bí đang ở đấy nhìn chòng chọc vào Đan Thanh một thế giới đầy bóng tối không thể đi sâu vào, một khu rừng lởm chởm những bụi gai, đầy những hiểm nguy kỳ quặc, nhưng huyền bí ấy là huyền bí của người mẹ: nó do nơi bà, nó đưa đến bà, nó là vòng tối nhỏ đầy những đe dọa ở thẳm cùng đôi mắt sáng của bà.
Nhiều sự kiện đã bị lãng quên của tuổi thơ lại xuất hiện trong những giấc mơ ấy. Từ những chiều sâu khôn dò, từ những miền không đến được nhiều chiếc hoa nhỏ của kỷ niệm tuôn nở trong tia sáng ngời của một cái nhìn, thoát ra một mùi hương nặng trĩu những tiên tri mơ hồ: những kỷ niệm về những tình cảm trẻ thơ có lẽ thuộc về những thực tại có thật mà cũng có lẽ thuộc về những giấc mơ. Đôi khi chàng chiêm bao về những con cá đen và vàng đang lội về hướng mình, xuyên qua mình, những sứ giả của một thế giới đẹp hơn, những người mang đến những tin hạnh phúc đầy hoan lạc, rồi bỏ đi vừa vùng vẫy và biến mất như những chiếc bóng, chỉ để lại những bí mật chứ không một thông điệp nào. Thường thường trong những giấc mộng chàng thấy những con cá lội, những con chim bay, và mỗi con cá mỗi con chim đều là tạo vật của chàng phục tùng ý chí chàng, ngoan ngoãn theo sự chỉ dẫn của chàng, như hơi thở của chàng chiếu ra từ chàng như một tia nhìn, một ý tưởng của chàng, trở lại trong chàng. Thường chàng mơ về một khu vườn, một khu vườn thần tiên, trồng cây như những cây trong thần thoại với những bông hoa bao la, những động màu xanh nhạt và sâu thẳm, trong cỏ sáng lên những đôi mắt long lanh của những con vật xa lạ; trên cành những con rắn óng ả và nóng nảy đang lướt đi, trên những cây nho và trong bụi rậm những trái nạc to lớn, ẩm và sáng đang treo lơ lửng. Khi chàng đưa tay hái, chúng liền phồng lên trong bàn tay chàng, và chảy ra một thứ nước giống như máu, hoặc bỗng có những đôi mắt và di chuyển với cử động ẻo lả và giảo quyệt; bàn tay nó sờ soạng tìm một cành để tựa vào thân cây, chàng thấy và ngửi giữa thân cây và cành cây một mớ tóc rối dày. Một lần, chàng mơ thấy chính mình hay thấy vị thánh bảo hộ của chàng, mồm ngài bằng vàng, và từ chiếc mồm ấy tuôn ra những lời và
những lời ấy là một đám chim nhỏ đang xấp xới bay đi.
Một lần, Đan Thanh mơ thấy mình lớn và đã trưởng thành, nhưng lại ngồi trên đất như một đứa trẻ, có đất sét trước mặt và đang nặn đất như một chú oắt con nặn những hình tượng: một con ngựa nhỏ, một con bò mộng, một người đàn ông nhỏ, một người đàn bà nhỏ, chàng thích thú với trò chơi ấy và làm cho những con vật và người kia có những trò chơi tình dục thô lậu một cách lố bịch; điều ấy dường như rất buồn cười đối với chàng trong chiêm bao. Đoạn, chán trò chơi ấy, Đan Thanh tiếp tục con đường mình, và khi ấy, chàng có cảm tưởng có một vật gì sống sau lưng đang lặng lẽ tiến gần đến và khi quay lại, chàng thấy với một sự kinh ngạc sâu xa và khủng khiếp tột độ tuy nhiên không phải là không vui – những hình tượng bằng đất sét kia trở nên cao lớn và sống động. To lớn, khổng lồ, chúng diễn hành trước mặt chàng trong im lặng và vẫn tiếp tục lớn thêm, chúng đi khắp thế gian, lặng lẽ và bao la, cao như những cái tháp.
Đan Thanh sống trong thế giới những giấc mơ ấy nhiều hơn trong thực tại. thế giới thực: phòng học, sân tu viện, viện sách, phòng ngủ, nhà nguyện vẫn ở bề mặt, vẫn là một lớp da mong manh run rẩy trên thế giới siêu thực của những hình ảnh, thế giới mộng mị. Một chuyện không đâu cũng đủ để đâm thủng lớp vỏ mảnh mai ấy, một cái gì do âm thanh một tiếng Hy Lạp gợi lên giữa một bài học tầm thường, một làn hương từ chiếc ví đựng cây thuốc của cha An, một tia nhìn phóng lên một cành lá bằng đá đang rủ xuống từ trụ cao chống đỡ vòm một chiếc cửa sổ – những động lực nhỏ như thế cũng đủ để đâm thủng lớp vỏ thực tại và tháo tung những vực thẳm ẩn sau thực tại thanh
bình khô héo những vực thẳm, những thác nguồn và những dòng ngân hà của thế giới những hình ảnh tâm hồn. Một chữ đầu của một tiếng La Tinh biến thành khuôn mặt ngát hương của mẹ chàng, một âm kéo dài của tiếng “Ave” biến thành cánh cửa thiên đường, một chữ Hy Lạp biến thành một con ngựa đang phi nước đại, thành một con rắn đứng dựng trên chiếc đuôi đang kéo lê trong im lặng bao la giữa những cành hoa rồi bỏ đi – và thay vì đó chỉ còn lại trang sách khắc khổ của văn phạm.
ít khi Đan Thanh nói về những chuyện ấy; chỉ có một hay hai lần chàng nói thoáng qua – trong khi đàm thoại với Huyền Minh về thế giới mộng mị ấy của chàng. Đan Thanh nói:
Em nghĩ rằng một cánh hoa hay một con sâu nhỏ trên đường chứa đựng và khải thị nhiều điều hơn tất cả những cuốn sách của toàn thư viện. Người ta không thể nói gì bằng những chữ và danh từ. Đôi khi em viết một chữ Hy Lạp nào đó, một chữ thêta hay omêga, em chỉ cần xoay ngòi bút một tí là chữ ấy có một cái đuôi và biến thành một con cá, và trong một giây nó gợi lên tất cả những dòng suối, những con sông của trái đất, tất cả tính tươi mát và ẩm ướt của nó, đại dương của Homère mà thánh Pierre đã bước đi trong ấy, hoặc chữ ấy biến thành một con chim nhỏ dựng đuôi, chửng lông, phình ra, cười và bay đi. Này anh Huyền Minh, có lẽ anh không để ý gì lắm về những chữ ấy? Nhưng em nói cho anh rõ, chính với những chữ ấy Thượng Đế đã viết nên trần gian này.
– Tôi để ý lắm, trái lại – Huyền Minh buồn rầu nói.