Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang

Chương 32(Phần 1)


Đọc truyện Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang – Chương 32(Phần 1)


“Kính lạy Chúa tôi!” linh mục nói và đặt cây nến xuống bàn. Đan Thanh khẽ nhắc lại câu khấn, mắt nhìn thẳng xuống đất.
Linh mục đứng yên. Ông ta im lặng chờ đợi cho đến khi Đan Thanh nóng ruột đưa mắt nhìn vào người đối diện. Chàng bắt đầu bối rối khi nhận ra vị linh mục mặc áo dòng Thánh n và có cả huy hiệu tu viện trưởng. Chàng nhìn tận mặt tu viện trưởng. Một gương mặt gầy gò, cương nghị, trong sáng, đôi môi thật mỏng. Một gương mặt mà chàng đã từng quen biết. Như bị một bùa lực cuốn hút, chàng nhìn vào gương mặt hình như hoàn toàn do tâm linh và ý chí tạo nèn. Chàng với tay cầm ngọn nến, run rẩy đưa lên gần người khách lạ để nhìn rõ vào đôi mắt ông ta. Chàng đã nhận rõ và cây nến run lẩy bẩy trong tay khi chàng đặt xuống bàn.
– “Huyền Minh.” Chàng thì thầm gần như không ra tiếng. Đất với trời như ngả nghiêng quay cuồng.
– Phải, Đan Thanh, tôi đã từng là Huyền Minh. Nhưng từ lâu tôi không mang tên ấy nữa; có lẽ anh đã quên. Từ ngày tôi thụ phong linh mục và phát thệ chính thức, tôi là Gioan.
Đan Thanh xúc động đến tận cùng. Cả thế giới như đảo lộn. Chàng bỗng cảm thấy như ngạt thở, choáng váng, toàn thân run rẩy, đầu óc trống rỗng, bao tử co thắt. Đáy mắt cay sè nóng bỏng. Chàng khao khát được chìm sâu vào tận tâm hồn mình, tan loãng vào những giọt lệ để tất cả cùng nhạt nhòa.
Sự có mặt của Huyền Minh đã làm vang lên từ vực sâu ký ức của tuổi hoa niên một lời nhắn nhủ: khi xưa còn bé, một lần chàng đã khóc, đã để lòng mình buông thả trước khuôn mặt đẹp đẽ và nghiêm nghị ấy, trước đôi mắt sa sầm và thông thái kia. Chàng không thể nào buông thả như trước. Và trong giây phút thập tử nhất sinh này, Huyền Minh xuất hiện như một bóng ma, có lẽ là để cứu mạng chàng. Nhưng rồi người chàng gần như vở tung ra vì những giọt nước mắt một lần nữa lại nhạt nhòa trước mặt người thân cũ. Không, không, chàng phải tự kiềm chế, phải đè nén nguồn cảm xúc, phải đuổi cơn choáng váng ra khỏi đầu. Chàng không thể bộc lộ một yếu ớt nào.
Cố gắng bình tĩnh trong giọng nói chàng bảo bạn:
– Anh phải cho phép tôi được tiếp tục gọi anh là Huyền Minh.
– Hãy gọi thế, bạn thân. Và anh không muốn bắt tay tôi sao?
Một lần nữa, Đan Thanh cố chế ngự mình. Với giọng điệu trẻ con bướng bỉnh, hơi mỉa mai như thuở còn cắp sách, chàng trả lời:
– Tha lỗi cho tôi, Huyền Minh, chàng nói lạnh lùng, chán nản. Tôi biết là anh đã trở thành linh mục tu viện trưởng. Còn tôi vẫn là một gã lang thang. Nhưng tôi hằng mong ước, chúng ta lại được nói chuyện với nhau nhưng bất hạnh thay! Chẳng được bao lâu. Bởi vì Huyền Minh, tôi sẽ bị xử tử trong một giờ nữa hoặc sớm hơn. Người ta sắp treo cổ tôi. Tôi nói để anh biết rõ tình trạng của tôi.
Huyền Minh vẫn thản nhiên. Chàng thích thú và cảm động vì thái độ trẻ con của bạn chàng. Nhưng rồi chàng hiểu và ngầm khen vì lòng tự kiêu đã giữ Đan Thanh không sa vào lòng anh mà khóc. Tuy chàng đã tưởng tượng sẽ gặp Đan Thanh trong một tình cảnh khác hẳn nhưng chàng vẫn thích màn kịch nhỏ này. Đan Thanh chưa thể trở lại yêu mến anh ngay được.
Thật đúng vậy, Huyền Minh đáp, giả cách tự nhiên. Nhưng anh hãy yên tâm về vụ xử treo. Anh được ân xá. Tôi có sứ mạng đến báo tin cho anh và đón anh đi tức khắc. Vì anh không được phép ở lại thành phố này. Chúng ta sẽ có thì giờ dư giả để chuyện vãn với nhau. Bây giờ anh bắt tay tôi chứ?
Hai người bắt tay nhau, nắm chặt giây lát. Lòng xao xuyến nhưng lời lẽ của họ vẫn còn khách sáo.

– Tốt lắm, Huyền Minh hãy rời khỏi nơi trú ngụ không có gì vinh dự này, tôi sẽ đi theo phái đoàn của anh. Anh có về Thánh n không? Có à. Thật tuyệt. Sao? Đi ngựa? Càng tuyệt. Chỉ cần tìm cho tôi một con ngựa.
– Chúng tôi sẽ có ngựa cho anh, và trong hai giờ nữa, ta sẽ lên đường. Nhưng tay anh sao thế? Chúa ơi! Sưng húp và lại rướm máu! Đan Thanh, họ ngược đãi anh đến thế ư?
– Không sao, Huyền Minh. Tự tôi làm đấy. Họ đã trói tôi và tôi tự tháo dây ra. Không phải dễ gì. Còn anh, anh thật can đảm dám vào đây không có lính hộ vệ.
– Sao lại can đảm? Có gì nguy hiểm đâu?
– Chỉ hơi nguy hiểm thôi vì sắp bị tôi giết chết. Đó là mưu kế mà tôi định thực hiện. Họ bảo tôi là một linh mục sắp đến. Tôi định giết chết ông ấy và trốn thoát dưới lớp áo dòng. Kế ấy cũng không đến nỗi tệ.
– Anh không muốn chết phải không? Anh muốn chống cự?
– Đúng vậy. Nhưng tôi lại không ngờ vị linh mục ấy là anh.
Huyền Minh ngập ngừng nói:
– Mưu kế ấy ác độc thật. Anh có thể thực sự dám giết linh mục đến rửa tội cho anh sao?
– Dĩ nhiên không phải là anh, Huyền Minh. Và có lẽ tôi cũng không thể giết một linh mục nào khoác áo dòng của tu viện Thánh n. Nhưng nếu một người nào khác, chắc tôi sẽ hạ thủ.
Bỗng nhiên giọng nói Đan Thanh trở nên buồn bã:
– Không phải đây là lần đầu tiên tôi giết người.
Họ im lặng, lòng se thắt.
– Thôi, ta sẽ bàn lại vấn đề này vào lúc khác, Huyền Minh nói giọng lạnh lùng. Anh có thể xưng tội với tôi một ngày nào đó, nếu anh muốn. Hoặc kể cho tôi nghe về đoạn đời của anh. Và tôi cũng có nhiều chuyện để nói với anh. Thôi, ta đi chứ?

– Khoan đã, Huyền Minh! Tôi vừa nhớ ra một điều: tôi đã gọi anh là Gioan một lần trước đây.
– Tôi chưa hiểu.
– Không, dĩ nhiên là anh không hiểu. Làm sao anh hiểu được? Việc ấy xảy ra cách đây vài năm. Tôi đã đặt tên anh là Gioan và anh sẽ mãi mãi mang tên ấy. Đó là thời gian tôi tạc tượng và tôi nghĩ rằng tôi muốn sống với cái nghề cũ ấy. Pho tượng đầu tiên mà tôi đã tạc những ngày xa xưa ấy bằng gỗ, kích thước bằng người thật với khuôn mặt của anh, nhưng không mang tên là Huyền Minh, mà lại là Gioan, Thánh Gioan dưới thập tự giá.
Đan Thanh đứng dậy và bước đến cửa.
– Vậy là anh còn nghĩ đến tôi? Huyền Minh hỏi nhỏ.
Đan Thanh cũng khẽ đáp lại:
– Vâng, Huyền Minh, tôi đã nghĩ đến anh. Luôn luôn tôi nghĩ đến anh.
Đan Thanh đẩy mạnh cánh cửa nặng nề và ban mai ùa vào. Họ không nói nữa. Huyền Minh dẫn chàng về phòng riêng. Một thầy tu trẻ ở chung đang soạn hành lý. Đan Thanh dùng bữa xong tắm rửa và băng bó vết thương trên tay. Bầy ngựa được mang đến ngay.
Đan Thanh nói khi lên yên:
– Tôi chỉ còn xin một điều, chúng ta hãy đi qua khu chợ cá, tôi có việc cần ở đấy.
Họ phóng ngựa và Đan Thanh nhìn khắp mọi khung cửa sổ trong tòa lâu đài để tìm bóng dáng Ái Liên. Chàng đã không thấy nàng. Họ phi ngựa đến khu chợ cá. Mai đã lo lắng không yên vì chàng. Chàng gửi lời chào từ biệt đến nàng và cha mẹ nàng, cám ơn họ muôn ngàn lần, hứa hẹn sẽ trở lại một ngày. Mai đứng nhìn theo cho đến khi bóng họ mất hút rồi khập khễnh bước vào nhà.
Cả bốn người đều chạy ngang hàng: Huyền Minh, Đan Thanh, thầy tu trẻ và tên giữ ngựa có võ trang.
– Anh có còn nhớ con ngựa nhỏ Mây Mây của tôi trong tàu ngựa nơi tu viện? Đan Thanh hỏi.
– Nhớ chứ, nhưng anh không thể gặp lại nó nữa.

Chúng tôi đã cho giết nó bảy, tám năm nay.
-Anh cũng còn nhớ nó sao?
-Vâng, tôi còn nhớ.
Đan Thanh không buồn vì cái chết của Mây Mây. Chàng vui vì Huyền Minh tuy chẳng bao giờ để ý đến loài vật, lại biết nhiều về Mây Mây và có lẽ không còn một con ngựa nào khác trong tu viện khiến Huyền Minh nhớ đến tên. Điều này đã làm chàng sung sướng.
So với những người trong tu viện, chàng tiếp tục nói, chắc anh cười tôi vì đã hỏi thăm trước tiên một con ngựa đáng thương. Kể ra cũng hơi không phải. Bây giờ tôi muốn hỏi thăm tất cả mọi người, cha tu viện trưởng Từ Vân của chúng ta. Nhưng tôi đoán có lẽ cha đã qua đời, và anh đang kế vị. Trong lúc này, tôi không thích nói đến cái chết vì đêm kinh khủng vừa qua, và cũng vì bệnh dịch, tôi đã thấy cái chết quá nhiều. Tuy nhiên, anh hãy kể cho tôi nghe tu viện trưởng Từ Vân đã từ trần ra sao? Tôi rất tôn kính cha. Còn cha An, cha Lương, có còn sống chăng? Có lẽ tôi sẽ nhận được một tin buồn. Nhưng tôi vui mừng vì bệnh dịch đã buông tha anh. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng là chúng ta sẽ gặp lại nhau. Nhưng tin tưởng có thể biến thành thất vọng. Kinh nghiệm về thầy Không Lộ, một nhà điêu khắc đã dạy tôi về điềm bất hạnh này. Tôi không bao giờ nghĩ rằng thầy lại qua đời, tôi đã định gặp lại và làm việc với thầy. Nhưng thầy không còn nữa khi tôi đến đây.
-Tôi sẽ kể cho anh nghe một cách vắn tắt, Huyền Minh nói. Tu viện trưởng Từ Vân đã mất từ tám năm nay, không đau ốm gì cả. Tôi không phải là người kế vị cha; tôi mới thụ phong tu viện trưởng một năm nay. Người kế vị là cha Lương, trước kia là giám học của chúng ta. Cha đã mất năm ngoái, tuổi cũng gần bảy mươi. Rồi cha An cũng không ở lâu với chúng tôi. Cha rất mến anh, thường nhắc đến anh. Suốt những năm cuối cùng cha đã không thể đi đứng được, chỉ nằm liệt trên giường và cha đã chết vì bệnh phúc thống. Vâng, cả bệnh dịch cũng đến với chúng tôi, nhiều người bị chết. Thôi ta không nên nhắc lại. Anh có còn muốn hỏi gì khác?
-Chắc phải còn nhiều, nhưng quan trọng hơn hết là tại sao anh lại đến thành phố này và vào lâu đài của Bá tước để làm gì?
-Câu chuyện rất dài và chắc anh sẽ mệt, vì đó là một chuyện chính trị. Bá tước được Hoàng đế sủng ái và có nhiều uy quyền. Trong lúc này nhiều vấn đề khó khăn xảy ra giữa Hoàng đế và Giáo hội. Tôi là một đại biểu trong phái đoàn của Giáo hội đến thương thuyết với Bá tước. Chúng tôi không thành công bao nhiêu.
Huyền Minh lại im lặng và Đan Thanh cũng không hỏi gì thêm. Chàng cũng không cần biết trong đêm qua, khi Huyền Minh xin ân xá cho chàng phải chăng đã đánh đổi với một số nhượng bộ trước tính khắc nghiệt của viên Bá tước.
Họ tiếp tục phi ngựa; chẳng bao lâu Đan Thanh thấm mệt, cố ngồi trên yên một cách khó nhọc.
Sau một hồi lâu, Huyền Minh hỏi:
– Nhưng có phải thực sự là anh bị bắt về tội trộm? Bá tước nói anh đã lẻn vào đánh cắp tận trong tư thất lâu đài.
Đan Thanh bật cười:
– Quả tôi trông giống một kẻ trộm thật. Thật ra tôi đã hò hẹn với tình nhân của ông ta và chắc ông ấy cũng đoán biết. Tôi lấy làm lạ khi ông ta lại thả tôi ra.
– Phải rồi ông ta cũng chẳng đến nỗi vô lương tâm.
Họ không thể đi nốt đoạn đường đã dự tính cho hôm nay. Đan Thanh đã hết sức lực; tay chàng không thể nào cầm cương lâu hơn nữa. Họ lấy phòng trọ trong một ngôi làng để qua đêm. Đan Thanh chui vào giường với cơn sốt nhẹ, và họ đã để chàng nằm nghỉ cho đến ngày hôm sau. Chàng khỏe lại, đủ sức để lên yên. Tay chàng chóng lành, và chàng lại thích thú được phóng ngựa. Đã từ lâu chàng không cưỡi ngựa. Chàng đã trở lại với đời sống trẻ trung và sinh động hơn. Chàng chạy thi nhiều vòng đua với tên nài và đã nói chuyện hằng giờ cùng Huyền Minh, bao vây bạn với trăm câu hỏi nồng nhiệt. Huyền Minh bình thản và vui vẻ trả lời. Nét duyên dáng của Đan Thanh đã chinh phục chàng. Chàng yêu mến những câu hỏi thẳng thắn và trẻ con của bạn.
– Này, Huyền Minh, anh có từng thiêu bọn Do Thái?

– Hỏa thiêu người Do Thái? Tại sao chúng tôi phải làm như vậy? Nơi chúng tôi ở không có người Do Thái nào.
– Nhưng anh cho tôi biết: anh có thể nào đốt họ được không? Anh có tưởng tượng được là điều này đã xảy ra?
– Không, mà tại sao lại là tôi chứ? Anh cho tôi là một kẻ cuồng tín à?
– Huyền Minh, xin anh hiểu tôi. Tôi muốn nói rằng trong một vài hoàn cảnh nào đó, anh có thể ban lệnh giết người Do Thái hoặc đồng ý cho người ta giết họ. Đã có nhiều công tước, thị trưởng, giám mục và giới chức chánh phủ ban truyền lệnh ấy.
– Tôi không đồng ý ban hành lệnh ấy. Có thể có trường hợp là tôi băt buộc phải chứng kiến và chịu đựng tội ác ấy.
-Anh chịu đựng được sao?
-Tôi chịu đựng được, nếu tôi không có quyền để ngăn chặn; có lẽ anh đã trông thấy vài người Do Thái lên dàn hỏa, phải vậy không Đan Thanh?
– Tôi có thấy.
– Rồi anh có ngăn chặn không? Anh không ngăn chặn được? Anh chỉ nhìn?
Rồi Đan Thanh kể lại chuyện nàng Hương Vân đầy đủ chi tiết. Chàng nói say sưa và nổi tức theo câu chuyện và kết luận:
– Như thế đó, anh nghĩ sao? Ta đang sống trong một thế gian như vậy sao? Phải chăng đây là địa ngục? Luôn luôn biến động và nhờm gớm?
– Đúng thế, thế gian là như vậy.
– A, Đan Thanh kêu lên phẫn uất, nhưng tại sao ngày trước anh đã thường bênh vực thế gian này là thiêng liêng, có Thượng đế ngự trên ngôi báu và là một sự hòa điệu cao vĩ của những điều thiện. Anh đã bảo là Aristote và Thánh Thomas đã nói như thế. Tôi nóng lòng nghe anh giải thích điểm mâu thuẫn này.
Huyền Minh bật cười:
– Trí nhớ của anh rất tốt thật, nhưng anh lại quá tin vào nó. Tôi luôn luôn yêu kính đấng Tạo Hóa của chúng ta, bậc Toàn Năng, nhưng tôi không nói sinh vật do Ngài tạo dựng là Toàn Thiện. Tôi không bao giờ chối bỏ tội ác trong thế gian này. Không có một nhà tư duy chín chắn nào lại xáo nhận đời sống trên thế gian này là hòa điệu và công chính, là con người đều có thiện tánh; người bạn yêu quý của tôi ơi! Ngược lại, Thánh kinh có ghi lại rằng mơ ước và khát vọng của con người là ác xấu, chúng ta có thể tìm thấy chứng cớ mỗi ngày.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.