Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang

Chương 30(Phần 1)


Đọc truyện Nhà Khổ Hạnh và Gã Lang Thang – Chương 30(Phần 1)


Đan Thanh đã qua một ngày trên đồi sung sướng trong sự chờ đợi. Nếu chàng có riêng một con ngựa, chàng sẽ phóng đến tu viện nơi an vị pho tượng Đức Mẹ ấy. Đến đêm chàng đã nằm mơ thấy thầy Không Lộ. Thế nào chàng cũng phải ngắm lại pho tượng. Dù hạnh phúc do Ái Liên mang đến quá mỏng manh, có thể dẫn đến tai ương, nhưng hôm nay lòng chàng bừng nở, chàng không muốn bỏ lỡ một chút gì, chàng không muốn gặp ai cả, không muốn giải trí, chàng chỉ muốn sống trọn một ngày mùa thu mật ngọt giữa khung trời với cỏ cây mây gió. Chàng bảo Mai là chàng sẽ đi dạo miền quê, có thể trở về khuya, và xin nàng một ổ bánh mì đi đường và dặn không nên chờ chàng. Nàng không nói gì, chỉ nhét bánh mì và táo đầy túi, chải sơ chiếc áo dạ cũ cho chàng, chiếc áo mà nàng đã khâu vá ngày chàng mới về, và để chàng ra đi.
Chàng băng qua con sông leo lên những đoạn dốc, thơ thẩn ngang cánh đồng nho hoang vắng, lạc hướng khi vào đến rừng. Chàng chỉ ngừng khi leo đến vùng cao nguyên cao nhất. Nơi đó mặt trời chói chang như muốn thiêu đốt những cụm cây trụi lá. Đàn chim sáo bay nhanh sau mỗi bước chân chàng, chúng nhút nhát chui rúc vào bụi rậm, lén nhìn chàng với cặp mắt đen nhánh. Phía dưới thật xa, con sông uốn khúc một màu xanh biếc. Phố thị giống như một món đồ chơi trẻ con. Không một âm thanh nào vọng đến trừ tiếng chuông cầu nguyện vang hồi. Trên kia nổi lên nhiều ụ đất, ngày xưa có thể là mồ mả.   Chàng ngồi lên một mô đất, mùa thu cỏ khô cọ nhau nghe xào xạc. Chàng có thể trông ra toàn thể thung lũng bao la, đồi và núi bên kia sông từng dãy trùng trùng điệp điệp bao hết đường chân trời nơi mà trời và núi cùng hòa lẫn vào nhau trong một màu xanh mông lung khó tách biệt. Bước chân chàng đã in hết vùng đất đang trải dài thật xa, xa hơn tầm mắt. Nguyên cả vùng đất quen thuộc ấy giờ đây trông thật xa xăm và chỉ còn là kỷ niệm. Hàng trăm lần chàng đã vùi giữa những cánh rừng này, đã nhai những trái nhỏ, bị đói lạnh, chàng đã băng ngang nhiều chóp núi và truông đất hoang. Chàng đã vui hoặc buồn, tươi tỉnh hoặc mệt mỏi. Một nơi ở khoảng này xa hơn tầm mắt, là những mảnh xương cháy đen của Lan. Một chỗ khác, Lỗ Bình, người bạn đồng hành với chàng, có lẽ còn lang thang nếu bệnh dịch chưa chụp lên hắn. Ở chốn kia Viên đã nằm chết; và một nơi xa hẳn nơi quyển rũ này là tu viện của thời hoa niên, và còn nữa tòa lâu dài của nhà quý tộc có hai cô con gái đẹp, và nàng Hương Vân nghèo khổ, đáng thương đang bị săn đuổi, nàng sẽ tiếp tục trôi dạt nếu chưa gục ngã. Biết bao nơi chốn đã tán loạn, bãi đất hoang và rừng rậm, phố thị và làng mạc, lâu đài và tu viện, và những người còn sống hay đã chết vẫn hiện diện trong ký ức chàng với tình thương, tiếc nuối và khát khao. Và nếu một mai khi cái chết đến với chàng, tất cả đều rơi rụng và sẽ tan biến, cả tập giấy vẽ chân dung những người tình của những ngày hạ đêm đông. Ôi đã đến lúc chàng phải thành tựu một việc gì, sáng tạo một cái gì để lưu lại và tồn tại.
Từ lúc vào đời cho đến nay, qua những tháng ngày phiêu lãng, tác phẩm của chàng quá ít, không ngoài những bức tượng đã tạc trong xưởng điêu khắc, nhất là tượng Thánh Gioan, và tập giấy này, một thế giới hình ảnh không thực, tuyệt đẹp và đớn đau tận cùng ký ức. Chàng có thành công chăng khi giải tỏa thế giới nội tâm ấy, để vẽ khắc thành đường nét cho người đời chiêm ngưỡng? Hoặc chàng lại tiếp tục con đường cũ: đi đến những đô thị mới, những phong cảnh mới, đàn bà mới, cưu mang thêm những kinh nghiệm đã không mang lại cho chàng điều gì khác hơn là niềm khắc khoải dâng tràn con tim.
Thật đáng hổ thẹn nếu cứ sống trôi lăn, để cuộc đời lừa lọc, thay khóc đổi cười. Nếu ta chỉ biết sống với khoái cảm trong nguồn sinh lực tuôn chảy từ bầu sữa mẹ nguyên sơ, tuy hưởng được mộng đời bất tuyệt, nhưng cũng không thoát khỏi vô thường sinh tử; giống như cây nấm mọc giữa rừng hoang, tươi màu hôm nay để rồi mục nát ngày mai. Hoặc giả ta sống chế ngự bằng cách tự giam mình trong công việc, cố tạo dựng cuộc đời phù du này thành một tòa lâu đài để rồi quên sống cho chính mình, như vậy không khác gì một công cụ, dù có sáng tạo một cái gì trường cửu chăng nữa nhưng cuộc đời rồi cũng cằn cỗi mất hết tự do, nhựa sống khô cạn, không còn gì sinh thú; đó là trường hợp thầy Không Lộ.
Cuộc đời chỉ có ý nghĩa nếu ta biết dung hợp hai lối sống. Trong sáng tác vẫn không hy sinh cuộc sống riêng của mình. Sống thật với lòng mình mà không từ bỏ nghệ thuật cao đẹp. Phải chăng đó là điều không thể đạt được?

Có thể có một số người nào đó biết cách dung hợp. Có những người chồng, người cha tuy sống chân tình với vợ con mà vẫn không mất lạc thú. Có người tình cảm vẫn không khô cạn, dù sống một đời định cư, thiếu mất tự do, không phiêu lưu với hiểm nguy. Có thể có trường hợp như vậy, nhưng chàng chưa hề gặp.
Có lẽ căn để của đời sống mang thể tính nhị nguyên, và đều có sự tương phản. Dù là đàn ông hoặc đàn bà sống lang thang hoặc cố định, là nhà tư duy hoặc người mê cảm, không ai có thể thở ra và hít vào cùng một lúc đủ nam lẫn nữ tính, có thể sống phóng khoáng tự do trong một kỷ luật bó buộc, hoặc vừa sống buông thả theo bản năng vừa lắng lòng hướng về nội tâm. Ta phải chịu mất một cá tính này để được một đặc thù khác, và cả hai đều hệ trọng và cùng có một hấp lực ngang nhau. Trên bình diện này, người phụ nữ được Ưu đãi hơn. Tạo hóa đã dựng nên họ sao cho hạnh phúc yêu đương kết quả cụ thể: một đứa trẻ được sinh ra. Đối với nam giới, lòng khao khát liên tục chính là hình thái của năng lực sinh sản. Có phải Thượng đế đã tạo dựng muôn loài với tâm ác độc và thù hận thế sao? Và còn cười cợt mỉa mai trên các sinh vật do Ngài tác tạo? Không, Thượng đế đã tạo ra nai, hươu, chim, cá, núi rừng, cỏ hoa và tiết mùa biến chuyển thì không thể nào ác độc được. Nhưng trên công trình sáng tạo của Ngài đã xuất hiện vết nứt rạn. Có lẽ đó là một công trình không còn chân chính, không còn toàn hảo, hoặc chính Thượng đế chủ ý vào sự bất toàn hảo và tham vọng của con người để xây dựng nhân tính? Có thể đó là mầm mống của hận thù, của tội tổ tông? Nhưng tại sao tham vọng và sự bất toàn hảo của con người lại là tội lỗi? Không phải tất cả điều này là tốt đẹp và thánh thiện sao? Và không phải chính từ đó mà loài người sáng tác nghệ thuật để tôn kính và tri ân Thượng đế?
Chàng bị dằn vặt bởi chính tư tưởng của mình. Chàng nhìn về hướng thành phố khu chợ cá, những nhịp cầu, nhà thờ, tòa thị sảnh. Và cả tòa lâu đài của vị giám mục cao ngạo, nơi Bá tước Huân Lịch đang chiếm ngự với nàng Ái Liên dưới mái tháp cao, người tình vương các diễm kiều, kiêu sa và hoàn toàn buông thả trong cuộc tình. Chàng sung sướng nghĩ đến nàng và biết ơn đêm vừa qua, đêm ấy không bao giờ chàng quên được. Để đạt đến hạnh phúc và làm thỏa mãn người đàn bà tuyệt vời ấy, chàng phải đánh đổi cả cuộc đời chàng, hứng chịu bao đau khổ, lang thang trong sương tuyết cả đêm, tập thân mật với muông thú, yêu mến cỏ hoa, sông nước và bướm ong, chim cá. Chẳng cần đến cảm quan bén nhạy với say ngất, hiểm nguy, chịu nhịn lạc thú gia đình, cần cả một thế giới nội tâm chất chứa nhiều hình ảnh từ mấy năm qua. Tất cả điều ấy chỉ vì Ái Liên. Khi nào cuộc đời chàng còn là khu vườn để những nụ hoa diễm ảo như Ái Liên nở rộ thì không có lý do gì để chàng than vãn.
Chàng đã tận hưởng một ngày trọn trên đỉnh đồi vào thu. Chàng đi dạo nghỉ ngơi, ăn bánh, nhớ đến Ái Liên và buổi tối sắp đến.
Màn đêm xuống dần, chàng quay gót về thành phố, hướng đến tòa lâu đài. Trời trở lạnh, những mái nhà rọi sáng từ cửa sổ mắt mèo đỏ rực và thầm lặng chàng gặp một toán trẻ con ca hát nghêu ngao, tay cầm những cây gậy gắn củ cải khoét rỗng ruột và chạm trổ hình với ngọn nến bên trong. Hoạt cảnh câm nhỏ bé ấy đã gợi lại dư hương mùa đông. Đan Thanh nhìn theo chúng tươi cười. Chàng đã lượn quanh tòa lâu đài khá lâu. Đoàn chức sắc tòa thánh vẫn còn ở đấy, bóng các vị linh mục thấp thoáng nơi khung cửa sổ. Cuối cùng chàng lẻn được vào bên trong và tìm được chị bồi phòng. Chị ta lại giấu chàng trong căn phòng chứa đồ cho đến khi Ái Liên xuất hiện và im lặng dẫn chàng vào phòng nàng. Nàng dịu dàng đón chàng với gương mặt kiều diễm, nhưng không vui vẻ, nàng đang buôn và lo lắng. Chàng đã cố làm nàng vui lên một cách khó khãn. Những lời nói yêu đương và những chiếc hôn từ từ làm nàng yên tâm.
– Anh thật ngọt ngào, nàng nói giọng biết ơn, những lời anh vọng lên thật êm ái, líu lo như chim hót. Hỡi con chim vàng ngọc của em, Đan Thanh, em yêu anh vô hạn. Nếu đôi ta được xa hẳn nơi đây! Em không còn muốn ở đây thêm một giây phút nào. Sớm muộn gì cũng phải chấm dứt. Bá tước sẽ bị triệu hồi và tên giám mục hèn nhát sẽ trở về. Các vị linh mục đã làm Bá tước cau có. Đừng để ông ta thấy mặt anh, anh sẽ không thể sống thêm một giờ nào. Em lo sợ cho anh.

Ký ức chàng lại vang lên những âm thanh mà chàng tưởng đã tắt hẳn. Có phải dư âm của ngày xa xưa? Đó là những lời Liên Đài thố lộ với chàng, tình tứ và âu lo, êm ái pha lẫn u buồn. Đêm ấy Liên Đài đã sang phòng chàng, rộn rã vì yêu đương và bàng hoàng với bao lo sợ, bao ảo tưởng khủng khiếp. Chàng thích nghe bản tình ca khắc khoải ấy. tình yêu có còn nguyên hương vị chăng nếu không thầm lén, không hiểm nguy?
Chàng kéo nhẹ Ái Liên lại, mơn trớn nàng, nâng bàn tay nàng và thỏ thẻ những lời âu yếm, hôn lên rèm mi.
Chàng xao xuyến và thích thú khi biết nàng sợ hãi và lo lắng vì chàng. Nàng khoan khoái đón nhận mơn trớn, ôm lấy chàng nhưng không lộ vẻ gì sôi bòng.
Bỗng nhiên nàng buông chàng ra và khi tiếng đập cửa vang lên cùng với tiếng chân chạy đến. “Chúaơi! Bá tước.” Nàng hét lên tuyệt vọng. “Nhanh lên, anh có thể trốn thoát qua phòng chứa đồ. Gấp lên! Đừng tiết lộ em!”
Nàng đẩy chàng vào trong phòng chứa đồ. Chàng đứng một mình, ngập ngừng sờ soạng trong bóng tối. Từ sau cánh cửa, chàng nghe Bá tước la to với Ái Liên. Chàng tìm đường qua cửa bên kia xuyên qua dãy áo, chàng đi từng bước một, không gây tiếng động. Chàng đi đến cánh cửa trổ ra hành lang, và cố mở. Và đến lúc này, khi chàng nhận ra là đã khóa từ bên ngoài, lo sợ ào đến, tim chàng đập lung tung, đau đớn. Thật là một ngẫu nhiên bất hạnh vì có ai đã khóa cửa sau khi chàng bước vào nhưng chàng đã không tin như thế. Chàng đã bị gài bẫy, đã có người trông thấy chàng, chàng đứng trong bóng tối, run rẩy và tức khắc nghĩ đến tiếng nói cuối cùng của Ái Liên: “Đừng tiết lộ em!” Không, chàng sẽ không tiết lộ nàng. Tim chàng đập dồn dập, nhưng một quyết định đã đến làm chàng tự tin. Chàng giận dữ cắn chặt hàm răng thách thức.
Và mọi việc đã đến sau đó vài giây, cửa mở và Bá tước từ phòng riêng của Ái Liên bước vào, tay trái cầm ngọn nến và thanh gươm rút khỏi bao trên bàn tay mặt. Ngay lúc ấy, không suy nghĩ Đan Thanh giựt vài chiếc áo đang treo chung quanh và máng trên cánh tay. Hãy để họ tưởng chàng là kẻ trộm, có thể đó là lối thoát cho chàng.

Bá tước thấy chàng ngay lúc đầu. Từ từ ông ta bước tới gần.
Mi là ai? Mi làm gì ở đây? Trả lời, hoặc ta cho một nhát kiếm qua thân mi.
Xin tha tội cho tôi, Đan Thanh thì thào, tôi nghèo đói và ông quá giàu. Tôi xin trả lời, bẩm ngài, những gì tôi đã lấy. Đây này, ngài hãy xem!
Và chàng liệng chiếc áo xuống sàn nhà.
À ra, một tên trộm, mi quả không khôn ngoan, liều mạng sống vì vài chiếc áo. Mi có phải là dân ở thành phố này không?
Thưa không, bẩm ngài, tôi không nhà cửa, tôi nghèo đói, xin ngài đoái thương…
– Im đi! Ta muốn biết không chừng mi đã vô liêm sỉ quấy rầy phu nhân. Nhưng thế nào rồi mi cũng bị treo cổ, tội trộm cũng đủ.

Ông ta đập mạnh lên cánh cửa đã khóa và gọi:
– Ai đó không? Mở cửa!
Cửa mở từ bên ngoài, và ba tên lính hầu đã đứng sẵn sàng gươn tuốt khỏi vỏ.
– Trói hắn chặt! Bá tước truyền lệnh, giọng ồ ồ, kiêu hãnh và mai mỉa. Nó là một tên lêu lổng đã vào đây ăn cắp. Nhốt nó vô ngục tối dưới hầm và sáng mai treo cổ nó lên.
Tay Đan Thanh bị trói chặt, chàng đã không kháng cự. Chàng bị dẫn đi, qua dãy hành lang dài, xuống các bậc thang băng ngang khoảng sân phía trong, một tên gia nhân dưới hầm cầm bó đuốc hướng dẫn họ. Họ dừng bước trước một xà lim cửa sắt, gấu ó nhau vì chìa khóa không có trong ổ. Một lính hầu cầm lấy bó đuốc để tên gia nhân dưới hầm chạy đi tìm chìa khóa. Và họ đứng đó, ba tên lính có võ trang và một kẻ bị trói, chờ bên ngoài cửa. Tên cầm đuốc tò mò soi sát mặt Đan Thanh. Ngay lúc ấy, hai trong các tu sĩ thượng khách của Bá tước đi đến từ nhà nguyện của lâu đài. Họ dừng chân trước mặt đám đông, cả hai đều chăm chú nhìn quang cảnh ba tên lính hầu và một kẻ bị trói và cung cách họ đứng đây chờ đợi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.