Đọc truyện Nguyễn Trần Ân Tĩnh FULL – Chương 12: Ngoại Truyện Nhật Ký Nguyễn Kỳ Thâm
Dịch: Duẩn Duẩn
*Nhật ký 1*
Vào cái đêm mà Thâm Tử đến với thế giới này, Nguyễn Đông Đình bị chặn ngoài cánh cửa phòng sinh.
Lão phu nhân luôn mang trong mình một quan niệm cố hữu, đó là vào lúc phụ nữ lâm bồn thì người chồng tuyệt đối không được đứng bên cạnh.
Vì vậy anh chỉ có thể bồn chồn, sốt ruột chầu chực ở bên ngoài cánh cửa, lắng nghe tiếng Ân Tĩnh rền rĩ, đang gò sức “chiến đấu” hết mức kịch liệt ở bên trong.
Ba tiếng, năm tiếng, rồi cả đêm trôi qua…!Khi sắc trời ở đằng Đông mới tờ mờ hửng sảng, một tiếng khóc cuối cùng cũng ré lên vang vọng khắp tầng lầu.
Nguyễn Đông Đình nghe thế thì vô cùng căng thẳng, anh chẳng còn kiên nhẫn để ý đến những gì mà bác sĩ đang trao đổi với mẹ của mình nữa, bèn trực tiếp đẩy cửa phòng xông vào rồi xoắn xuýt gọi lớn: “Ân Tĩnh!”
Bấy giờ vợ anh đang nằm mệt lả ở trên giường, nom tái nhợt tựa thể đã vắt kiệt sức lực.Nguyễn Đông Đình có cảm giác bản thân như vừa mới bước một chân qua “quỷ Môn quan” vậy.
Khi sải bước đến bên giường ôm cô, anh tựa hồ không thể khống chế được lực tay của mình.
Rằng anh nên dịu dàng một chút, cẩn thận một chút, hay cứ buông thả theo con tim nhức nhối để ghì chặt lấy cô? Phải nỗi, giờ phút này vợ anh trông vẫn còn rất yếu, cô dường như không thể chịu được bất kỳ sự đụng chạm mạnh mẽ nào.
Thành thử, anh chỉ có thể bao bọc cô trong vòng tay của mình rồi cẩn thận vuốt ve cô: “Vất vả rồi, Ân Tĩnh.
Em vất vả rồi.”
Anh nói từng câu, từng chữ rất nặng nề.
Quen biết cô đã hơn hai mươi năm, Nguyễn Đông Đình chưa bao giờ là kẻ biết nói lời ngon ngọt.
Mặc dù đã kết hôn hai lần, và đối tượng kết hôn vẫn chỉ là một người, mà người này lại không dễ gì anh mới lừa về được, nhưng anh cũng rất hiếm khi buông những lời ngọt ngào hay phù phiếm.
Hôm đó, cả nhà họ chỉ mong có thể vây quanh Thâm tử vừa chào đời hai bốn giờ đồng hồ, đương nhiên bao gồm cả Ân Tĩnh.
Nhưng Nguyễn Đông Đình lại không muốn để cô ôm thằng bé quá lâu: “Bây giờ em cần phải nghỉ ngơi, con trai mình có nhiều người trông rồi.
Khi nào em khỏe lại, em muốn ôm lúc nào cũng được.”
Vì vậy cậu con trai được nhiều người trông nom, còn vợ anh thì tự anh chăm sóc.
Hai người nằm cùng nhau trong căn phòng yên tĩnh.
Nguyễn Đông Đình khe khẽ vỗ về cô: “Ngủ một giấc đi, anh nằm với em.”
Giấc ngủ ấy kéo dài đến mười tiếng đồng hồ.
Trong mười tiếng ấy, anh bỗng thấy mình khi còn trẻ, đứng bên bờ biển Hạ Môn đầy sương mù năm nào, mở lời với một người con gái mảnh mai mà xa lạ: “Trần tiểu thư, tôi có một thỉnh cầu khiếm nhã, chẳng hay cô có thể lấy tôi hay không?”
Khi ấy, anh biết rằng cuộc đời mình sau này rồi sẽ buộc chung một chỗ với người ấy.
Nhưng anh không ngờ rằng nó lại buộc chặt đến như thế.
Bản thân Nguyễn Đông Đình thường được nhắc đến trên các tờ báo lá cải và tạp chí tin đồn, rằng: Mười mấy tuổi anh xuất ngoại du học, tha hương nơi đất khách quê người, trong cuộc đời anh khi ấy đã từng xuất hiện một bóng hồng.
Sau này người phụ nữ ấy lại bỏ anh ra đi, kết hôn với người khác.
Có quá nhiều tin đồn lộn xộn, thậm chí có cả những đồn đoán và đặt điều thái quá, nói rằng anh từng là kẻ thứ ba xen vào mối quan hệ của bạn gái cũ và chồng của cô ấy vài năm, cuối cùng còn khiến chồng cô ấy tức chết.
Quá đáng hơn là, sau khi người chồng chết, nhà họ Nguyễn lại chê mối tình đầu đã qua một đời chồng.
Còn loại đàn ông ấy lại quá dễ đổi thay.
Không lâu sau, Nguyễn Đông Đình thay lòng đổi dạ yêu người khác, vứt bỏ mối tình đầu, kết hôn với người tình kém tuổi.
Mà người tình kém tuổi ấy chính là vợ của anh bây giờ.
Báo lá cải viết có đầu có cuối, có suy luận và logic rõ ràng, nhưng tiếc là toàn bộ câu chuyện đều chỉ là nói láo.
Trong giấc mơ, Ân Tĩnh cũng đọc bài báo ngày hôm đó.
Khi ấy, hai người vừa mới ly hôn chưa bao lâu, Nguyễn Đông Đình đang “theo đuổi” vợ hăng say, sợ nhất là kiểu đổ dầu vào lửa mang tính sát thương cực lớn này.
Tuy vậy chưa đợi anh hành động, Ân Tĩnh đã kiện tòa soạn này lên tòa án cùng với một lá thư của luật sư.
Vào thời điểm đó, Internet vẫn còn chưa phát triển, những câu chuyện phiếm được truyền tải hoàn toàn bằng giấy báo.
Nhiều tòa soạn báo tranh nhau để phỏng vấn Ân Tĩnh, cuối cùng Ân Tĩnh chọn đối thủ của tờ báo mà cô đã kiện, địa điểm phỏng vấn là căn hộ của cô.
Cô quán triệt với phóng viên rằng: “Người kiêu hãnh như Nguyễn tiên sinh không có khả năng hủy hoại hôn nhân của người khác.
Kể từ khi Hà tiểu thư và Trần tiên sinh kết hôn, anh ấy đã cắt đứt mọi liên lạc với cô ấy.
Mãi sau này khi nghe tin Hà tiểu thư mắc bệnh, niệm tình xưa, anh ấy mới tìm bác sĩ cho cô ấy.
Từ đó hai người mới bắt đầu tiếp xúc lại.”
“Còn cô thì sao, Trần tiểu thư? Năm ấy sau khi kết hôn, Hà tiểu thư có can thiệp vào cuộc hôn nhân của cô không?” Phóng viên hỏi cô.
Thời điểm đó, tất cả mọi người ở Hồng Kông đều biết Nguyễn tiên sinh đang ra sức theo đuổi “ngọn cỏ cũ”.
Tuy nhiên vì đang là “theo đuổi” nên Ân Tĩnh vẫn là “Trần tiểu thư”, việc cuối cùng cô ấy có trở thành “phu nhân” hay không phụ thuộc hoàn toàn vào mong muốn của cô ấy.
Trần tiểu thư hỏi: “Ý cô là can thiệp kiểu gì?
Phóng viên khéo léo nói: “Nghe bảo hồi đó mỗi lần Hà tiểu thư đến Hồng Kông chữa bệnh đều được Nguyễn tiên sinh hỗ trợ việc sắp xếp bệnh viện.”
Trần tiểu thư cười nhạt: “Anh ấy có bạn bè của của anh ấy.
Hà tiểu thư là bạn cũ, bạn cũ không may mắc bệnh, anh ấy hỗ trợ tìm bác sĩ, đấy là cái tình cái nghĩa.”
“Nhưng nhiều người vẫn đồn thổi rằng sau khi cưới cô, Nguyễn tiên sinh vẫn qua lại với Hà tiểu thư…!là kiểu qua lại nam nữ.”
Ân Tĩnh vẫn chỉ cười.
Cô châm trà cho phóng viên, sau đó không nói gì.
Chất lỏng chảy trong cốc phát ra tiếng vang rất vui tai, cả căn hộ yên tĩnh chỉ vọng lại mỗi một âm thanh này.
Hồi lâu sau, cô mới ôn tồn nói: “Thật ra tôi nghĩ là có.
Nói cách khác thì không phải tôi nghĩ là có, mà tôi nghĩ là…!bọn họ có thể có.”
Dẫu sao thì chẳng phải hai người ban đầu chỉ ràng buộc nhau bởi một điều kiện hay sao – “Trần tiểu thư, tôi có một thỉnh cầu khiếm nhã, chẳng hay cô có thể lấy tôi hay không?” Cuộc hôn nhân của họ ngay từ lúc đầu vốn chỉ là một lời thỉnh cầu khiếm nhã.
“Sau đó thì sao?”
“Sau đó có một lần, anh ấy từng vô tình nói không.”
“Ngài ấy nói thế là cô tin thế ư?” Phóng viên thấy khó hiểu: “Không điều tra ư?”
Những mánh khóe, thủ đoạn, ân oán trong hào môn thế gia, cô phóng viên này rõ hơn ai hết.
Sau khi đã chứng kiến quá nhiều cặp vợ chồng tàn sát lẫn nhau trong gia đình quyền quý, cùng là phái nữ, cô ta cũng không phản đối việc những bà vợ giàu có mắt nhắm tai ngơ để chồng mình hôm nay cô này, mai lại cô kia.
Dẫu gì với kiểu đàn ông ấy, không có tiền gần như đã hỏng, huống chi là có tiền?
Ấy thế mà vị đã từng là phu nhân nhà quyền quý này chỉ cười bảo: “Lúc tôi mới kết hôn, trong lòng đã dự tính được những chuyện xấu nhất.
Anh ấy chưa từng cho tôi một lời hứa hẹn nào, vậy nên khi anh ấy nói không, tôi tin là không có.”
Cô phóng viên tỏ vẻ bất lực: “Cô không hiểu đàn ông rồi.”
“Không, là do mọi người không hiểu anh ấy.” Ân Tĩnh lắc đầu, châm thêm trà cho mình: “Tính tình Nguyễn tiên sinh không tốt lắm, nhưng anh ấy vốn không phải tiểu nhân, và cũng khinh thường mấy chuyện như lừa dối phụ nữ.”
Cô phóng viên hơi kinh ngạc: sau khi phỏng vấn rất nhiều cặp đôi đã chia tay, cô ta từng nghĩ rằng điều mình không chịu nổi nhất chính là chứng kiến cảnh đôi lứa ly hôn.
Khi ấy, những bộ mặt xấu xí của đôi bên đều phơi trần hết thảy, suy hơn quản thiệt, chi li đong đếm, anh như thế này, cô như thế kia.
Giây phút ấy, ngay cả một câu “chúng tôi từng yêu nhau” cũng chẳng ai màng tới, hoặc thể chẳng còn can đảm để nhắc lại.
Vậy mà người phụ nữ trước mặt cô ta, đã từng là một người vợ, sau khi ly dị lại nói trước ống kính của phóng viên rằng “Anh ấy vốn không phải tiểu nhân, và cũng khinh thường mấy chuyện như lừa dối phụ nữ.”
“Chắc hẳn cô rất yêu người ấy?”
Im lặng trong chốc lát, cuối cùng Ân Tĩnh mỉm cười thừa nhận: “Xem như đã yêu cả một đời.”
“Người ấy thì sao?”
“Ai biết được?”
Có lẽ, xem chừng…!cũng yêu đi.
Nếu không, sau khi ly hôn cần gì phải trăm phương ngàn kế dây dưa đến cùng như vậy? Rõ ràng trên đời này còn rất nhiều cô nàng trẻ đẹp ưu tú hơn kia mà.
Khốn nỗi, ai biết được người sẽ yêu bao nhiêu và sẽ yêu bao lâu?
Cô phóng viên đánh lại câu nói sau cùng của cô trong bài báo, chỉ để làm rõ sự việc gây phẫn nộ về việc “Nguyễn Đông Đình đã từng tham gia vào hôn nhân của người khác”, nhân tiện viết thêm một câu kết tốt đẹp ở cuối bài, chúc Nguyễn tiên sinh theo đuổi vợ thành công.
Lúc đó, Nguyễn Đông Đình đang xử lý chuyện khách sạn mới mở ở Đại lục, đọc được bài báo này thì đã một tuần sau.
Thật ra anh cũng chẳng có cảm giác gì nhiều, chỉ mừng khi Ân Tĩnh không bị ảnh hưởng bởi những lời đồn ác ý đó.
Hiềm nỗi vào lúc này trong giấc mơ, khi anh nhìn thấy người phụ nữ trong căn hộ đang cười se sẽ với cô phóng viên, với góc độ của người ngoài cuộc, trong lòng anh đột nhiên có chút nghi hoặc: Khi ấy Ân Tĩnh đã trả lời những câu hỏi của phóng viên với tâm trạng thế nào?
Một giấc mơ cứ liên tục rồi đứt quãng suốt mấy tiếng đồng hồ, lúc tỉnh lại đã là chạng vạng tối.
Họ đã ngủ cả ngày, còn Thâm Tử ở sát vách cũng đã ngủ yên dưới sự chăm sóc của bà nội và bảo mẫu.
Ân Tĩnh ngủ rất say, có lẽ là vì quá mệt mỏi, đến cả tư thế nằm cũng không sai lệch chút nào, từ đầu đến cuối cô vẫn luôn nằm gọn trong lòng anh.
Cho đến khi cảm nhận được ai đó đang dịu dàng hôn lên mí mắt mình, Ân Tĩnh mới mơ mơ màng màng mở mắt ra.
Phát hiện bản thân đang gối trên cánh tay của Nguyễn Đông Đình, còn đôi môi của chồng cô thì rê chầm chậm từ mí mắt đến bên lỗ tai cô, nhẹ nhàng nói: “Hình như đến giờ anh vẫn chưa nói thương em? Nguyễn phu nhân à, anh thương em, không biết bắt đầu từ khi nào.”
*Nhật ký 2*.
||||| Truyện đề cử: Cô Vợ Hợp Đồng Bỏ Trốn Của Tổng Giám Đốc |||||
Tiểu Thâm Tử bắt đầu học nói khi mới lên một tuổi.
Nguyễn Đông Đình cũng không rõ thế là sớm hay muộn, chẳng là anh chàng Cave thường trêu chọc Thâm Tử, rồi cứ ganh tị nói: “Nếu trong bụng cô Marvy mà có một bé thông minh như Thâm Tử, chú chắc chắc nằm mơ cũng cười há cả mồm.”
Thực ra hai nhà họ cũng xem như thuộc hàng ngũ sinh muộn, chỉ là khi Đông Đình và Ân Tĩnh kết hôn lần thứ hai, Tiểu Thâm tử đã lặng lẽ cuộn tròn trong bụng mẹ.
Vậy nên không lâu sau khi hai người lấy nhau, nhà họ Nguyễn lại có thêm chuyện vui.
Nói tới vấn đề này, anh chàng Cave, người không có kế hoạch sinh con sau khi nhận nuôi Angela khỏi cần phải nói đã ghen tị thế nào – ai bảo không muốn có con chứ? Em bé nhỏ nhắn, mềm mại lại đáng yêu như vậy, ai không muốn cơ chứ? Hơn nữa, Angela cũng hoàn toàn có khả năng làm một người chị tốt!
May thay, ông trời đúng không phụ lòng người, hâm mộ rồi hâm mộ cuối cùng cũng có ngày thành quả.
Một ngày nọ, Marvy đột nhiên nói với anh ta rằng, nên chúc mừng anh ta vì sắp được làm cha.
Cave: “Thật…!thật…!thật á?”
Marvy: “Ờ.”
Cave: “Em có?”
Marvy: “Ờ.”
Cave: “Của anh?”
Marvy: “Liên Giai Phu! Anh muốn chết không hả?!”
“A ha ha, ha ha ha — cái miệng, cái miệng.
Cái miệng hư! Anh xin lỗi, tại anh vui quá.
Ôi vợ anh, vợ anh thật tuyệt vời!”
Kể từ đó, câu cửa miệng của Cave mỗi khi thấy Nguyễn Đông Đình liền biến thành “Nếu trong bụng Marvy”.
Vì lý do này mà không biết anh ta đã bị vợ mình ghét bỏ bao nhiều lần.
Nói xa quá rồi, đành trở lại chuyện chính….!
Nếu Nguyễn Đông Đình nhớ không lầm thì từ đầu tiên mà Tiểu Thâm tử nói là “Mẹ”.
Mặc dù Nguyễn tiên sinh có vẻ ngoài lạnh lùng và không thích trẻ con, nhưng trên thực tế, sau khi sinh em bé xong, thời gian anh chăm con còn nhiều hơn Ân Tĩnh.
Dù rằng anh bận rộn với công việc, và việc kinh doanh khách sạn lại đang mở rộng khắp toàn cầu, nhưng còn có điều gì quan trọng hơn Tiểu Thâm tử nhà mình nữa chứ? Mỗi ngày sau khi tan làm xong, Nguyễn Đông Đình đều lao về nhà ôm ấp cậu con trai, vừa ôm con vừa chỉ vợ dạy con: “Thâm Tử, gọi mẹ đi con.”
“Mẹ”, “Mẹ”, “Mẹ”…!Và thế là khi Thâm tử mở miệng nói chuyện, từ rõ ràng hoàn chỉnh nhất của bé cũng chính là từ mẹ.
Sau đó Nguyễn Đông Đình lại dạy cu cậu một câu: “Mẹ yêu Thâm tử.”
Ân Tĩnh ngồi bên cạnh mỉm cười, cô vừa cười vừa thơm lên khuôn mặt nhỏ nhắn thơm sữa của cậu bé: “Cha cũng yêu Thâm tử.”
Nguyễn Đông Đình bèn nghiêng đầu hôn một cái lên má cô.
Nguyễn Tuấn Vũ ngồi ở phía đối diện chụp lại tấm ảnh gia đình này.
Vóc người của cậu thiếu niên đã tăng lên nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, nom cậu vô cùng điển trai và tuấn tú.
Giống hệt với anh trai của cậu khi còn học trong nước.
Ở trường cũng có vài bạn nữ len lén đặt thư tình vào ngăn bàn của cậu, nhưng Tuấn tử lại bảo: “Con gái chẳng ai xinh bằng Tiểu Thâm tử nhà mình.
Chú không thích con gái, chú chỉ thích mỗi Thâm tử mà thôi.”
Mỗi lần nghe thấy thế, Tú Ngọc lại cười nắc nẻ như được mùa: “Tiên sư nhà anh! Nếu anh mà không thích con gái, mẹ sẽ buồn chết mất.”
Xét cho cùng thì so với tính khí “khó ở” của cậu anh nhà mình, Nguyễn Tuấn Vũ có thể được xem là dạng hiền lành, nhã nhặn.
Không biết có phải do sự giáo dục của gia đình hay không mà Nguyễn Tuấn Vũ trưởng thành sớm hơn so với đám bạn đồng trang lứa.
Cậu chín chắn, chững chạc, tính tình lại ôn hòa, mấy cô bé trong trường cứ gọi là chết mê chết mệt cậu.
À mà không, đâu chỉ mấy cô bé? Trước đây Tú Ngọc đã từng nói: “Tuấn tử nhà mình ấy, lớn lên chắc chắn sẽ được khối cô theo.”
Nói đến đây, bất tri bất giác, Tú Ngọc lại quay sang chủ đề cậu cháu trai của mình: “Còn Thâm Tử của bà này, bà mong con sẽ giống tính tình của mẹ con một tí.
Nếu như không giống mẹ, thì ít ra cũng học theo chú con, tuyệt đối đừng theo lối cha con.”
Tiếc thay Nguyễn Kỳ Thâm của hai mươi năm sau phải nói với bà mình.
“Xin lỗi bà, con đã phụ sự mong đợi của bà.”
Còn Nguyễn Đông Đình của hai mươi năm sau cũng đắc ý nói với mẹ của mình.
“Xin lỗi mẹ, dù sao Thâm Tử cũng là con của con.”
*Nhật ký 3*
Người ta hay bảo “tam tuế khán đại, thất tuế khán lão”(*), thời điểm Tiểu Thâm Tử lên ba, cậu bé thực sự rất có tố chất của một “bản sao Nguyễn Đông Đình”: lạnh lùng, kiệm lời, vừa cool ngầu lại vừa đẹp giai, cặp mắt bồ câu đen lay láy ngự trị trên khuôn mặt nhỏ nhắn mà trắng trẻo, khỏi phải nói đáng yêu đến dường nào.
Mỗi khi gặp người hay chuyện không như ý, đôi lông mày xinh đẹp của cậu sẽ nhíu lại như có thể kẹp chết một con ruồi, cậu phê bình như bố bằng cái giọng còn oi mùi sữa đó: “Quá quắt!”
(*) Nguyên văn 三岁看大,七岁看老: ý rằng nhìn trẻ lúc lên 3 có thể biết tâm tính của nó khi trưởng thành, nhìn trẻ lúc lên 7 sẽ biết cả đời của nó.
Trong tiếng Anh cũng có một câu như vậy “The child is father of the man”
Ân Tĩnh luôn bị hai chữ “giòn tan” này làm cho đứng hình mất mấy giây, cô bật cười rầy trách Nguyễn tiên sinh: “Anh nhìn xem, nhìn xem kìa.
Thâm Tử học theo tính xấu của anh rồi đó.”
Thực ra cô cũng rất tò mò, rõ ràng cô yêu Thâm Tử chẳng kém cạnh gì ai, thế mà người bạn nhỏ này chỉ khăng khăng phỏng theo phong cách của Nguyễn tiên sinh, nom chẳng ra dáng con trai cô chút nào.
Năm ấy Nguyễn Đông Đình ở lại Đại lục một thời gian khá dài.
Sau khi Hồng Kông trở về với đất mẹ, Nguyễn thị đã chuyển trọng tâm sang hẳn thị trường rộng lớn này.
Thời thơ ấu của Thâm Tử, mỗi lần bố trở về từ Đại lục, ông sẽ kể cho cậu nghe những gì ông đã nhìn thấy ở vùng đất ấy, nơi thu hút sự khát khao vô tận của bọn trẻ.
Vì vậy đến khi Thâm Tử đủ lớn để đi học lớp lá, cậu bé đã nói được bán thông thạo tiếng Phổ thông và thậm chí bập bẹ (ngắc ngứ) được cả Anh ngữ đơn giản, thế là cha bèn đưa cậu đến Đại lục nghỉ hè.
Thật không may, lần đó, Thâm Tử đã bị người ta lừa đi mất khi đang chơi với con của khách hàng.
Đó không phải bắt cóc, cũng không phải tống tiền, mà đó là một nhóm buôn người chuyên nghiệp đã lừa cậu đi bán.
*Nhật ký 4*
Bảo vệ mẹ là điều bố đang làm.
Và bảo vệ mẹ cũng là tôn chỉ cả đời của Thâm Tử.
Nguyễn Kỳ Thâm học tiểu học và hai năm cấp 2 ở Hồng Kông, bởi vì cha quanh năm ở Đại lục nên sau đó cậu cũng lon ton theo cha đến Đại lục để tiếp tục việc học.
Kinh nghiệm trưởng thành từ thuở nhỏ đã nói cho Kỳ Thâm biết, cha mẹ cậu không giống với cha mẹ của những bạn học khác: Cha mẹ người khác tên tuổi là gì, làm công việc chi, đó là quyền riêng tư và bất khả xâm phạm, trừ người trong nhà thì không ai có tư cách được biết.
Nhưng cha mẹ cậu thì không giống vậy, tên tuổi, làm công việc gì, thậm chí…!cả lịch sử quan hệ từ trước tới nay cũng đều được in rõ ràng trên mặt báo, ai nấy đều có thể dòm ngó và bàn tán.
Một ngày nọ của năm mười bốn buổi, Nguyễn Kỳ Thâm về nhà với khuôn mặt bầm dập.
Cậu bị đánh.
Song cậu cũng chẳng vừa, người bị cậu đánh còn thê thảm hơn nhiều.
Nam sinh cấp 3 cao ráo, ham thể thao, chơi bóng rổ giỏi nhất, thế nên ra tay đánh người cũng vô cùng quả quyết, hệt như ném bóng ba điểm vào rổ của đối phương.
Kết quả, vừa mới về đến nhà, cậu đã bị cha bắt thóp ngay tại trận: “Mặt con làm sao vậy?”
Đúng lúc ấy, Ân Tĩnh còn đang ở Hồng Kông, mẹ đi theo bà nội để chọn đối tượng hẹn hò cho chú Vũ.
Sau khi hết giờ làm việc và nấu nướng, người làm trong nhà cũng lục tục ra về, vì vậy lúc Nguyễn Kỳ Thâm về tới nhà, trong biệt thự chẳng có ai ngoại trừ Nguyễn Đông Đình.
Cậu vừa mới ngồi vào bàn ăn, Nguyễn Đông Đình đã phát hiện mặt con trai mình bầm tím hết quá nửa.
Nguyễn Kỳ Thâm đang ở tuổi mới lớn, gàn bướng và lạnh lùng còn hơn cả cha mình.
Thành thử khi nghe thấy câu hỏi mang tính khiển trách này, cậu chỉ khịt mũi hừ một tiếng, như thể đang chờ cha mình nói đến vấn đề này, cậu bèn nhân cơ hội móc ra một tờ báo trong cặp sách rồi liệng một phát lên bàn ăn.
“Cơm tối con ăn ở trường rồi, bố ăn một mình đi.”
Tấm lưng của Nguyễn Đông Đình được in trên trang nhất của tờ báo.
Một người đàn ông và một người phụ nữ cao gầy đang nói chuyện bên ngoài một khách sạn của Nguyễn thị.
Khoảng cách giữa hai người thật tình rất đúng mực, cử chỉ cũng không mập mờ gì, điều mờ ám duy nhất là tên của nhân vật nữ chính – Hà Thu Sương.
Tờ báo dày đặc gần mười ngàn chữ này chỉ chăm chăm kể lại những yêu hận tình thù trong suốt hai thập kỷ giữa vợ chồng họ Nguyễn và đương kim chủ tịch của khách sạn Hà Thành.
Thậm chí dựa vào tình bạn của hai người Nguyễn – Hà, trên đó còn mạnh dạn dự đoán Nguyễn Đông Đình, người thường xuyên không có vợ ở bên cạnh, rất có khả năng sẽ nối lại tình xưa với Hà Thu Sương.
Hôm nay lúc ở trường, nghe thấy thằng bạn học giễu cợt: “Thâm à, bố mày ngoại tình đấy!” Nguyễn Kỳ Thâm liền nóng máu tung một đấm vào mặt thằng khốn đó, tăng thêm chút màu sắc cho khuôn mặt của nó.
Khuôn mặt của cậu thiếu niên cũng bầm tím không kém, nhưng nhốt mình trong phòng chỉ làm cậu cảm thấy bực mình và cực kì bất bình.
Cậu cố tập trung làm bài tập, không thèm dán băng cá nhân vào vết thương đã rướm máu.
Khi Nguyễn Đông Đình cầm dung dịch chống viêm đi vào thì thấy Thâm Tử đang ngồi trước bàn làm bài tập.
“Con thà đánh nhau với bạn cùng lớp chỉ vì một tờ báo, còn hơn hỏi bố xem tin đồn đó là đúng hay sai ư?” Trong quan niệm giáo dục của Nguyễn Đông Đình, vĩnh viễn không có chuyện ba phải, giảng hòa vô nguyên tắc, cái gì mà “trẻ con còn nhỏ nên chúng không hiểu chuyện”, chỉ toàn mấy lời nhảm nhỉ, vô tích sự! Trẻ con không hiểu chuyện là vì người lớn không dạy nó! Vả lại, trẻ con thời nay nào có ngớ ngẩn và đần độn bao giờ?
Quả nhiên, Nguyễn Kỳ Thâm ném phăng cây bút đi, cậu không giữ nổi vẻ lạnh lùng ngang bướng nữa, bèn thẳng thắn hỏi anh: “Báo chí nói bố mập mờ với người phụ nữ đó, có đúng không?”
Nguyễn Đông Đình không thèm nhíu mày, bình tĩnh trả lời: “Không.”
“Nhưng mẹ thường không ở bên bố.”
“Thì sao? Không có mẹ thì bố có thể tư tình với những người phụ nữ khác?”
“Nhưng họ nói xung quanh bố có rất nhiều cám dỗ!”
Thâm Tử mười bốn tuổi đã biết thế nào là cám dỗ, khuôn mặt ngày càng giống cha cậu in đậm một hàng chữ “Con biết tất cả”.
Dòm bộ dạng ngu ngốc, ngỗ ngược, rồi lại tự cho mình là thông minh của cậu, Nguyễn Đông Đình suýt chút nữa đổ hết lọ thuốc lên mặt cậu.
Tuy vậy, người cha chủ tịch hống hách này có thể tàn nhẫn nói với nhân viên rằng “Việc nhỏ nhặt thế này các người cũng sai được thì sau này khỏi cần làm nữa đi”, song đối mặt với con trai của mình thì…!có thể làm gì đây?
Dạy nó!
“Thứ nhất, thực sự là có rất nhiều chị hoặc cô xung quanh bố, nhưng họ đều là nhân viên hoặc đối tác của bố, nên họ và bố không hề có chút tư tình nào.
Thứ hai, chẳng phải bố đã dạy con, nam tử hán đại trượng phu thì phải sống sòng phẳng và có nguyên tắc ư? Nếu một người đàn ông không thể cưỡng lại cái gọi là cám dỗ thì làm sao anh ta có thể là một người đàn ông sòng phẳng và có nguyên tắc?” Đường đường chính chính nói xong một hơi, Nguyễn Đông Đình vẫn không giữ được chút bình tĩnh và lý trí của người cha, liền vỗ vào đầu con trai mình một cái “bốp” thật kêu: “Thứ ba, con có biết hồi đó bố vất vả thế nào mới giành được mẹ không? Lấy vợ đã khó, giờ tuổi tác cũng hẳn một bó rồi, con nghĩ bố dám làm trò dại dột đấy à?”
Nghe vậy, Thâm Tử rốt cuộc không kiềm được bật cười.
Từ khi cậu bắt đầu có trí nhớ thì sự nghiệp “truy thê” của bố đã được cả gia đình – từ bà nội cho đến Thâm Tử – xem như một món ăn vặt trong nhiều năm, xen lẫn với đủ thể loại trêu chọc, giễu cợt và cảm thán “Cuối cùng bố cũng có ngày này”.
Nhưng ngay sau đó, nụ cười ngắn tũn của cậu liền đanh lại.
Nguyễn Thâm như nhớ ra điều gì, trong lúc bất chợt cậu nói với một giọng vô cảm: “Ồ, vậy con hiểu rồi.
Nói thế, người trên báo hôm nay là người yêu cũ của bố à?”
Nguyễn Đông Đình: “…”
Nguyễn Đông Đình ở tuổi trung niên đã rạng rỡ một đời, cho tới tận hôm nay mới lĩnh ngộ sâu sắc thế nào là “vợ con là của nợ”.
Thâm Tử nói: “Bố, con làm xong bài tập rồi.”
“Nên?”
“Nên bây giờ con rảnh, và bố cũng rảnh.
Ngoài kia có bao nhiêu lời đồn đãi như vậy, chẳng bằng bố kể cho con nghe sự thật đi? Nhân tiện trong tủ lạnh có bia, chúng ta ra vườn vừa uống vừa nói chuyện.”
Nguyễn Đông Đình: “…”
Một câu chuyện dài, Nguyễn Đông Đình kể lại rất chậm rãi, Nguyễn Kỳ Thâm cũng yên lặng lắng nghe, thỉnh thoảng có ngắt lời và trao đổi với cha mình vài câu.
Thâm Tử cảm thấy cảm giác này thật sự không tệ lắm, tuy rằng chủ đề ấy bắt nguồn từ một cơn tức giận, nhưng vào lúc này đây, khi cậu và cha di chuyển từ phòng ngủ ra ngoài phòng khách, lấy vài lon bia trong tủ lạnh, rồi lại cước bộ ra ngoài vườn, vừa uống bia, vừa thảo luận quan điểm về tình yêu.
Nguyễn Kỳ Thâm ở độ tuổi mười bốn cảm thấy cảm giác này thật sự rất tốt.
Giống như cha con, anh em và cũng như bạn bè.
Nguyễn Đông Đình cũng kể sự thật về quá khứ của mình: từ lần đầu tiên khi anh gặp Hà Thu Sương ở Cambridge cho đến khi hai người mến nhau, sau đó Hà Thu Sương lao vào vòng tay của A Trần, rồi mấy năm sau đó, A Trần qua đời, anh biết được nỗi khổ của Thu Sương, tiếp đó Ân Tĩnh xuất hiện trong thế giới của anh.
Từ đấy, chuyện tình cảm của ba người rơi vào phức tạp và cứ hỗn loạn trong suốt nhiều năm liền.
“Con có biết tại sao năm đó bố lại cảm thấy có lỗi với dì Thu Sương không? Thứ nhất, lúc còn ở Cambridge bố cứ tưởng rằng dì ấy phản bội bố, nhưng thực tế, đến mãi sau này bố mới biết dì ấy cũng có nỗi khổ riêng.
Thứ hai, trước khi chú Trần qua đời, bố đã đồng ý với chú ấy sẽ chăm sóc dì Thu Sương cả đời, nhưng cuối cùng bố lại không làm được.”
“Nhưng bố à,” Thâm Tử nhấp một ngụm bia và nhận xét một cách đầy khách quan: “Lúc đấy bố đồng ý với lời thỉnh cầu của chú Trần, rằng sẽ chăm sóc dì Thu Sương cả đời là vì còn một nguyên do nữa: Lúc đó, mọi người đều nghĩ rằng dì ấy sẽ không sống được lâu nữa, đúng không?”
Nguyễn Đông Đình cười: “Nói là vậy, nhưng bố không phải là thần thánh.
Liệu nghĩ rằng lúc đó có thật sự chính xác?”
“Nhưng mà…”
“Thâm Tử, bố đã hứa điều này với chú và dì nhưng lại không chắc chắn 100%, để rồi cuối cùng lại không thực hiện được, đấy là thất tín.” Nguyễn Đông đình bá vai con trai mình, trước mặt cậu thiếu niên mười bốn tuổi, anh ôn hòa nhã nhặn giống như một người bạn thân đã bị bỏ quên ở năm nào: “Thế nên Thâm à, con phải lấy bố làm bài học, tuyệt đối đừng tùy tiện hứa hẹn.
Bởi con sẽ không biết cuộc đời của bao người sẽ thay đổi thế nào chỉ vì lời hứa hẹn của con.”
Thâm Tử: “Thế nên nếu không thể chắc chắn 100% mình có thể làm được thì không nên hứa hẹn, phải không bố?”
Cha: “Phải.”
“Con biết rồi.”
Tiểu Nguyễn phu nhân của rất nhiều năm sau…!
“À ha, thì ra cái tính bướng bỉnh của tiểu Nguyễn tiên sinh là di truyền từ cha anh.
Hóa ra cái thói không chịu thất hứa ấy là do cha chồng dạy.
Đúng là cha chồng bất phàm, vô địch thiên hạ! Con thật sự muốn đập cốc trà sữa vào mặt cha!!!”
Tiểu Nguyễn tiên sinh của rất nhiều năm sau…!
“Im lặng là vàng, bố nói đúng.”
Tiểu nguyễn phu nhân: “Cút mau, anh không còn vợ nữa!”
Đêm hôm ấy, hai người ngồi trong sân trò chuyện đến là lâu.
Nếu Thâm Tử nhớ không nhầm thì trong ấn tượng của cậu, đó là lần đầu tiên bố thẳng thắn trao đổi những sai lầm trong chuyện tình cảm của mình với cậu, bố còn không quên đúc kết lại kinh nghiệm cho cậu, “Thâm à, con nên lấy bố làm bài học.”
“Thật ra còn một vấn đề nữa bố đã từng nghĩ chưa?” Sau một phen lắng nghe, Thâm Tử dùng quan điểm tình cảm của giới trẻ để phân tích với bố: “Bố nói năm đó bố không cưới những người mà bà nội giới thiệu, là vì mẹ có đủ khoan dung để bố dành thời gian chăm sóc dì Thu Sương sau khi đã kết hôn.”
Phải không? Anh không biết trong đầu mình lúc đó đã nghĩ gì.
Trong linh đường của A Trần, anh nhìn thấy một cô gái hát Nanyin: dịu dàng, mỏng manh, đôi mắt hãy còn trong veo, trầm lặng như không rành thế sự.
Vì vậy anh đã đánh bạo mở lời: “Trần tiểu thư, tôi có một thỉnh cầu khiếm nhã, chẳng hay cô có thể lấy tôi hay không?”
Thời điểm đó, anh vẫn chưa thương cô, cũng giống như không thương cô A, cô B, cô C trong những bức ảnh xem mắt mà mẹ anh đưa cho.
Nhưng nếu những cô A, cô B, cô C đó thực sự kết hôn với anh, thì ai trong số họ sẽ cho phép anh dành thời gian để chăm sóc một người bạn cũ bệnh tật khi anh đã có gia đình? Huống chi người bạn cũ ấy còn là một người phụ nữ, và đã từng có quan hệ với anh?
Thế nên anh tìm thấy Ân Tĩnh như cái gì đó hiển nhiên…!tựa hồ anh đã nhìn thấy được cái gì đó sẵn sàng cho đi trong lặng lẽ như cái tên của cô(*).
(*) 恩静: Ân trong ân nghĩa, giúp đỡ.
Tĩnh trong tĩnh lặng, không rình rang, không mang tiếng động
“Nếu như em cần, số tiền ấy không phải là vấn đề.”
“Tôi cũng sẽ thu xếp ổn thỏa cho gia đình của em.”
Anh cứ ngỡ rằng bằng cách nói rõ ngày từ đầu, cuộc hôn nhân này có thể sòng phẳng như tiền trao cháo múc: Ân Tĩnh có được thứ cô cần, và anh cũng có thể giải quyết được nhu cầu cấp thiết của cuộc hôn nhân trong khi chăm sóc cho Hà Thu Sương.
Nhưng người đàn ông trẻ tuổi và kiêu ngạo khi ấy vẫn chưa hiểu được rằng hôn nhân không phải là hàng hóa mà tiền trao cháo múc.
Nhiều năm sau, chính con trai của anh đã nói với anh rằng: “Nhưng bố à, bố có bao giờ nghĩ đến không, rằng bố còn một lựa chọn khác, đó là trực tiếp kết hôn với dì Thu Sương?”
Nguyễn Đông Đình cười nói: “Bà nội con sẽ đánh gãy chân bố.”
“Thật ư?” Thâm Tử mười bốn tuổi lại không thèm quan tâm đến lý do mà trước giờ chưa từng có ai nghi ngờ ấy: “Con bảo thật, lúc ấy toàn bộ Nguyễn thị đã nằm trong tay bố, bà nội lại thương bố như vậy.
Nói không phải, chứ nếu bố nhất quyết muốn lấy dì ấy làm vợ thì ai cản được bố.
Bố không phải là không thể, mà là không muốn.”
Suy nghĩ của cậu bé rất đặc biệt, Nguyễn Đông Đình nhấp một ngụm bia, đáy mắt rạng lên một nụ cười.
“Bố, con nói đúng chứ?”
Cha cậu không trả lời ngay mà im lặng một lúc, sau đó ông lại ông nói gà bà nói vịt khuyên dạy cậu: “Thâm à, nếu sau này con có thích một ai đó thì cho dù có chuyện gì xảy ra, cũng đừng buông tay người ấy vì cái cớ muốn tốt cho người ấy.
Bởi vì con không biết được rằng, người ấy sẽ đau khổ thế nào vào cái khoảnh khắc con buông tay.
Con cũng không biết rằng, con không chỉ phủ nhận những gì người ấy sẵn sàng trả giá vì con, mà còn phủ nhận tất cả những cảm xúc mà hai người từng có.”
Thâm Tử: “Vậy nên dù sau này bố đã biết được nỗi khổ của dì…!thì cũng không cách nào thích dì như lúc trước được nữa?”
“Không phải vấn đề thích hay không thích…!mà là rất nhiều chuyện đã không thể quay lại được nữa.”
“Không, bố chỉ không thích thôi! Quay lại với không quay lại gì, không thích thì dĩ nhiên không quay lại được rồi!”
Tuổi trẻ yêu ghét rõ ràng, đây không phải điều xấu.
Nhưng khi Nguyễn Kỳ Thâm thấy cha mình cười dung túng nhìn mình, với nét mặt “Nhóc con, lớn lên con sẽ hiểu”, cậu chàng vừa giận vừa cố chấp phân tích: “Bố bảo năm đó dì Sương gả cho chú Trần là vì không muốn lỡ tiền đồ của bố, bố cảm thấy áy náy…!Bố, bố áy náy, chứ không phải thừa nhận.
Bởi vì bố tự tin vào bản thân: Nếu như hồi đó bố biết được sự thật, bố tuyệt đối sẽ không buông tay dì, mà sẽ theo dì đi chữa bệnh.
Nếu không chữa được, bố cũng sẽ ở bên dì.”
“Nhóc con, vậy thì chẳng có chuyện của mẹ con nữa rồi.” Nguyễn Đông Đình cười khẽ: “Con hiếu thảo chút đi! Mẹ thương con như vậy mà.”
“Ý con là sau này khi biết rõ chân tướng, bố vẫn chẳng ở bên dì ấy.
Vì vậy con kết luận: thực ra hồi đó bố không thích dì ấy.”
“Ừ hữ.”
“Phải không, bố?”
“Ai biết được?” Chuyện đã qua lâu rồi, bây giờ còn đem ra tranh luận thì có ý nghĩa gì.
Những chuyện ấy nếu như không bị báo lá cải viết lại rồi để Thâm Tử nhìn thấy được, anh thực sự đã không nhớ nổi nữa.
Thâm tử: “Có điều cũng không ảnh hưởng gì cả, dù sao hồi đó bố cũng đã cưới mẹ.”
Nguyễn Đông Đình thở dài: “Đấy lại là một sai lầm khác của bố.”
Thâm Tử: “Cái gì?”
Thâm Tử: “Không sai! Không thể nào sai được! Nếu bố không lấy mẹ, làm gì mà có con!”
Nguyễn Đông Đình cười: “Ý bố là đã lấy mẹ trong hoàn cảnh như vậy, cuối cùng lại để mẹ chờ lâu và tủi thân như vậy.”
Anh uống một hớp bia, nhớ đến Ân Tĩnh hồi còn trẻ, hay cười, ít nói, chỉ dám gọi anh là “Nguyễn tiên sinh” mặc cho hai người đã kết hôn từ lâu.
Một khoảng thời gian dài như thế, vậy mà anh chưa từng để mắt đến cô.
“Thâm à, hôn nhân rất thiêng liêng.
Là đàn ông, tương lai nếu có quyết định lấy một người phụ nữ, ít nhất cũng phải đảm bảo có thể cho cô ấy hạnh phúc.
Mọi người đều nói mẹ con gả cho bố là chim sẻ biến thành phượng hoàng, nhưng đâu ai biết được mẹ đã chịu bao nhiêu khổ sở vì bố?”
“Bởi vì bố có tình cảm với mẹ quá muộn, thế nên những gì bố bỏ ra cũng sẽ ít hơn mẹ.
Điều này khiến mẹ con đau khổ rất nhiều.” Anh bá vai con trai, tựa như một người bạn: “Con đấy, sau này đừng có học theo bố.
Trước khi kết hôn nhất định phải suy nghĩ cho kỹ: Con có thật sự yêu người ấy hay không? Có thể mang lại hạnh phúc cho người ấy hay không? Thâm Tử, hôn nhân phải cẩn thận.”
Vì thế Nguyễn phu nhân của nhiều năm sau…!
“Thì ra đến giờ Thâm Tử còn chưa đem con dâu về là tại anh đấy à? Nguyễn Đông Đình, anh! Tuần này anh ngủ trên sô pha cho em!”
Tiểu Nguyễn phu nhân của nhiều năm sau…!
“Ôi trời.”
Kiểu bố chồng này…!không cần có được không.
*Nhật ký 5*
Nhiều năm sau, Nguyễn Kỳ Thâm lớn lên với khuôn mặt điển trai và thân hình cao lớn, cậu được trời phú cho gia thế độc tôn và khả năng cực giỏi giống với cha của mình.
Cậu chăm chỉ, chính trực, lịch lãm và sống có nguyên tắc.
Ở khoản này cậu giống với cha mình, bên ngoài lạnh lùng, bên trong dịu dàng.
Cậu có giá trị quan cực kỳ ngay thẳng, sẽ suy nghĩ kĩ càng trước khi đưa ra một lời hứa, và không có bất kì mối quan hệ nam nữ hỗn tạp nào.
Cậu tin vào sự thiêng liêng của hôn nhân, cũng như sự quý giá của tình yêu mà những người phàm tục như ta vốn không xứng.
Vì vậy cậu không có bạn gái.
Cậu không tìm được bạn gái.
Nguyễn phu nhân: “Thâm à, mẹ thấy Triều Tịch nhà bác Cố cũng được lắm, xem như là thanh mai trúc mã với con, chẳng bằng…”
Nguyễn Kỳ Thâm: “Mẹ à, đến giờ con phải đi làm rồi.”
Nguyễn phu nhân: “Ơ, cái anh này?”
~~~
P/s: Ngoại truyện nằm trong sách tái bản kỷ niệm của “Nguyễn Trần Ân Tĩnh”
Không biết bác Đình làm thế là tốt hay hại cho con giai của bác nữa hơ hơ.