Đọc truyện Người xa lạ – Chương 5
Raymond gọi điện thoại đến văn phòng. Y bảo tôi là một người bạn thân của y (do y đã nói chuyện tôi với bạn y) mời tôi chủ nhật này đến nghỉ ngơi ở nhà tạm trú nhỏ bé của hắn ở gần Alger. Tôi trả lời là tôi muốn lắm nhưng đã trót hẹn với một người bạn gái. Raymond tuyên bố ngay là y mời cả người bạn gái ấy nữa. Vợ bạn y sẽ rất hài lòng vì không cảm thấy mình cô đơn giữa bọn đàn ông.
Tôi muốn móc ngay ống điện thoại lên vì tôi biết rằng ông chủ không thích người ta từ ngoài thành phố gọi dày nói cho chúng tôi. Nhưng Raymond xin tôi chờ và nói rằng chiều nay y sẽ chuyển lời mời tôi nhưng y muốn báo trước cho tôi biết chuyện khác. Suốt cả ngày y đã bị một bọn Ả-rập theo dõi, trong số có em trai ả nhân tình cũ của y. “Nếu chiều nay về, anh thấy nó lãng vãng gần nha, xin báo cho tôi biết”. Tôi nói là đồng ý.
Một lát sau, chủ nhân cho gọi tôi và ngay lúc đó tôi thấy phiền toái vì tôi nghĩ rằng ông sẽ bảo tôi nên gọi điện thoại nít hơn là làm việc nhiều hơn. Không phải thế. Ông tuyên bố là ông sẽ nói chuyện với tôi về một dự định hãy còn mơ hồ. Tuy nhiên, ông muốn biết ý kiến tôi về vấn đền này. Ông có ý định thiết lập một văn ph ong ở Ba Lê để giải quyết công việc tại chỗ và giao thiệp trực tiếp với những công ty lớn và ông muốn biết tôi có sẵn sàng đến đây không. Điều đó sẽ cho phép tôi sống ở Ba Lê và cũng được đi du lịch một phần lớn trong năm. “Ông còn trẻ và hình như đấy là một cuộc sống có thể làm cho ông thích thú”. Tôi trả lời phải, nhưng kỳ thực sự đó tôi không quan tâm mấy. Rồi ông hỏi tôi có thấy thích thay đổi đời sống không. Tôi trả lời không bao giời người ta thay đổi đời sống, dù sao tất cả mọi đời sống đều giá trị ngang nhau và tôi không hề ghét đời sống của tôi ở đây. Ông tỏ vẻ không bằng lòng, bảo là tôi chỉ trả lời loanh quanh, là tôi không có tham vọng và như thế rất tai hại cho công việc. Rồi tôi trở về làm việc.
Đáng lẽ tôi không nên làm mất lòng ông chủ, nhưng tôi không thấy lý do gì để thay đổi đời sống.
Suy nghĩ k , tôi thấy không đến nỗi khổ sở. Khi còn là sinh viên, tôi đã có nhiều tham vọng tương tự. Nhưng khi phải bỏ học, tôi bèn hiểu rằng tất cả mọi sự đó không có chi quan hệ thực sự.
Buổi chiều Marie đến tìm tôi và hỏi tôi có muốn lấy nàng không? Tôi nói điều đó không can hệ mấy đối với tôi và chúng tôi có thề lấy nhau nếu nàng muốn. Rồi nàng muốn biết tôi có yêu nàng không ? Tôi trả lời như tôi đã trả lời một lần rồi : là điều đó không có nghĩa lý chi nhưng cố-nhiên là tôi không yêu nàng. Nàng hỏi: “Thế tại sao anh còn lấy em?”. Tôi cắt nghĩa cho nàng là điều đó không can hệ chút nào cả và nếu nàng thích thời chúng tôi có thể lấy nhau.
Vả lại chính nàng đã hỏi điều ấy và tôi chỉ trả lời phải. Nàng nhận xét rằng hôn-phối là một việc nghiêm-trọng. Tôi trả lời: “Không”. Nàng nín thinh một lát và yên lặng nhìn tôi. Rồi nàng lại nói. Nàng chỉ muốn biết nếu đề-nghị ấy là của một người đàn bà khác mà tôi cũng có mối liên hệ tương tự thời tôi có chấp-thuận không? Tôi nói: “Lẽ dĩ nhiên”. Nàng lại tự hỏi phải chăng nàng có yêu tôi còn về phần tôi thời tôi không hiểu biết chi về điểm này. Lại sau một lúc yên lặng nữa, nàng thì thầm rằng tôi rất kỳ cục. Chắc chắn là nàng yêu tôi vì thế, nhưng có lẽ một ngày kia nàng sẽ chán ngấy tôi cũng tại vì những lý do ấy. Vì tôi nín thinh, nàng không còn chi nói thêm nữa, nên nàng mỉm cười, nắm lấy cánh tay tôi và tuyên bố là muốn lấy tôi. Tôi trả lời là chúng tôi sẽ lấy nhau khi nàng muốn. Tôi nói với nàng về đề nghị của ông chủ và Marie bảo là nàng sẽ thích thú được biết Ba-lê. Tôi bảo cho nàng biết là tôi đã sống ở đây một thời gian và nàng hỏi Ba-lê thế nào? Tôi nói: “Bẩn! Có chim bồ câu và những khoảng đất đen kịt. Da thịt mọi người đều trắng”.
Rồi chúng tôi đi ngang qua thành phố do các đường lớn. Các phụ nữ xinh đẹp và tôi hỏi Marie xem nàng có nhận thấy thế không? Nàng nói có và nàng hiểu tôi lắm! Trong giây lát, chúng tôi không nói chi nữa. Tuy nhiên tôi muốn nàng ở lại với tôi và tôi bảo nàng là chúng tôi có thể cùng ăn tối ở tiệm Céleste. Nàng muốn thế lắm nhưng nàng bận việc. Tôi chào tự giã nàng khi chúng tôi đi gần tới nhà tôi. Nàng nhìn tôi: “Anh không muốn biết em bận gì ư?” Tôi muốn biết lắm nhưng tôi không nghĩ đến và nàng có vẻ trách móc tôi vì thế. Thế là trước vẻ lúng túng của tôi nàng lại cười và nàng có một đồng tác hướng cả thân hình về phía tôi để chìa mội ra chờ đón một cái hôn…! Tôi ăn tối ở tiệm Céleste. Tôi đã bắt đâu ăn thời có một người đàn bà kỳ quặc, nhỏ thó bước vào và y hỏi tôi là mụ có thể ngồi ăn cùng một bàn được không? Lẽ dĩ nhiên là có thể được! Mụ có những động tác lụp chụp và đôi mắt sáng người trong gương mặt nhỏ bé như trái táo. Mụ cởi bỏ áo khoác ngoài, ngồi xuống nghiên cứu thực đơn một cách nóng nảy. Mụ gọi Céleste đến, đặt ngay tất cả các món ăn với một giọng vừa vội vàng vừa vội vã. Trong khi chờ đợi các món bày ra bàn, mụ lấy trong xắc ra một mẩu giấy vuông và chiếc bút chì, tính trước số tiền ăn, rồi lấy ra ở trong một chiếc túi nhỏ, vừa đúng số tiền ăn cộng thêm số tiền thưởng cho bồi và để riêng trước mặt. Lúc đó, người ta đưa các món phụ tới, mụ ăn nghiến ngấu rất nhanh.
Trong khi chờ đợi món sau, mụ lấy ở trong xắc ra một cây bút chì xanh và một tờ tạp chí có nhiều hình vẽ với chương trình phát thanh hàng tuần. Hết sức thận trọng, mụ lần lượt đánh dấu gần hết cả chương tình. Vì tạp chí có độ trang, mụ tiếp tục làm công việc tỉ mỉ ấy suốt cả bữa ăn. Tôi ăn xong rồi mà mụ còn đánh dấu một cách chăm chú. Rồi mụ đứng lên, mặc lại chiếc áo ngoài với những cử chỉ vẫn chính xác như người máy và ra đi. Vì tôi không có việc chi làm, tôi cũng ra và theo mụ giây lát. Mụ đi trên vỉa hè, với sự mau lẹ và vững chắc khó thể tưởng tượng, mụ tiếp tục đi không chệch hướng và không quay lại. Tôi nghĩ là mụ rất kỳ quặc nhưng rồi tôi lại quên mụ khá mau lẹ.
Trên ngưỡng của, tôi đã thấy lão già Salamano. Tôi mời lão vào và lão bảo là con chó mất rồi vì không thấy nó ở nhà phú-de. Các nhân viên bảo là có lẽ nó bị xe chẹt. Lão hỏi là có thể biết tin tức ấy ở các quận cảnh sát không. Họ trả lời rằng không ai giữ những dấu vết về chó chẹt xe vì các chuyện ấy xẩy ra hàng ngày. Tôi bảo lão Salamano có thể mua một con chó khác nhưng lão đã có lý khi lưu ý tôi rằng lão đã quen với con chó ấy.
Tôi ngồi xổm ở trên giường và Salamano ngồi ở chiếc ghế trước bàn. Lão ngồi đối diện với tôi và hai tay để trên đầu gối. Lão vẫn đội chiếc mũ nỉ cũ. Lão ấp úng nói từng câu dưới bộ ria vàng khè. Tuy lão làm tôi hơi chán ngán nhưng tôi không có việc gì làm và tôi cũng không buồn ngủ. Để có chuyện nói, tôi hỏi lão về con chó. Lão nói là có con chó sau khi vợ chết. Lão lấy vợ hơi muộn. Trong thời niên thiếu, lão thích làm tài tử sân khấu: ở trại lính, lão diễn xuất những màn kịch hài hước của nhà binh. Nhưng sau cùng, lão vào sở Hỏa-xa và lão không hối hận chi cả vì bây giờ lão có một số tiền hưu trí nhỏ. Tuy lão không được sung sướng với bà vợ nhưng đại để thì lão cũng quen sống với bà. Khi bà ta chết, lão cảm thấy cô đơn quá! Thế là lão hỏi xin ở xưởng một con chó và lão có con chó này ngay từ lúc nó còn bé. Lão phải nuôi nó bằng bầu sữa cho con bú nhưng vì chó không sống dai bằng người nên cả hai cũng già bằng nhau.
Salamano bảo tôi: “Nó khó tính lắm. Thỉnh thoảng hai bên lại đụng độ nhưng dù sao, nó vẫn là một con chó tốt”. Tôi nói nó là một con chó nòi thời Salamano có vẻ hài lòng. Lão nói thêm: “Vả lại, ông chưa biết nó trước khi nó mắc bệnh. Chính bộ lông nó mới là cái đẹp nhất!”. Kể từ khi chó mắc bệnh ngoài da, chiều và sáng nào, Salamano cũng bôi thuốc cho nó, nhưng theo lão, chính căn bệnh của nó là sự già nua và sự già nua không chữa được.
Ngay lúc đó tôi ngáp dài và lão báo cho tôi biết rằng lão đi về. Tôi bảo lão có thể ở lại và tôi rất buồn rầu về câu chuyện xảy ra cho con chó của lão: lão cảm ơn tôi. Lão nói là má tôi rất yêu con chó của lão. Nói đến má tôi, lão gọi má tôi là “bà mẹ tội nghiệp của ông”. Lão đặt giả thuyết là từ khi má tôi chết, chắc tôi khổ sở lắm và tôi không trả lời. Rồi lão bảo tôi, rất nhanh và có vẻ ngượng nghịu, rằng lão biết ở tỏng khu phố họ hiểu lầm tôi về việc tôi đã để má tôi ở viện dưỡng laxom nhưng lão hiểu tôi và lão biết rõ là tôi yêu má tôi lắm. Tôi trả lời là không biết tại sao cho đến nay tôi không biết người ta đã hiểu lầm tôi về điềm đó, nhưng đối với tôi, viện dưỡng lão là một việc tự nhiên vì tôi không đủ tiền để thuê người trông nom má tôi. Tôi nói thêm: “Vả lại, đã lâu này, má tôi không có chuyện gì nói với tôi nữa và cụ buồn nản khi ở một mình”. Lão nói: “Phải, ít nhất ở viện dưỡng lão người ta còn có bè bạn”. Rồi lão xin kiếu. Lão muốn về ngủ. Đời lão thay đổi từ bây giờ và lão không biết sẽ làm gì. Kể từ khi tôi quen biết lão, đây là lần thứ nhất với một cử chỉ lén lút, lão chìa tay ra bắt tay tôi và tôi cảm thấy những vảy trên da lão. Trước khi đi, lão hơi mỉm cười và bảo tôi: “Tôi hy vọng là đêm nay các con chó sẽ không sủa nữa. Luôn luôn tôi cứ tưởng rằng đấy là chó của tôi!”