Đọc truyện Người xa lạ – Chương 2
Khi thức giấc, tôi mới hiểu tại sao chủ tôi lại có vẻ không bằng lòng lúc tôi xin phép ông nghỉ hai ngày: hôm nay là thứ bảy. Có thể nói là tôi quên bẵng rồi, nhưng khi thức dậy, ý kiến ấy lại đến với tôi. Lẽ dĩ nhiên, chủ tôi đã nghĩ rằng rôi sẽ được nghỉ bốn ngày kể cả ngày chủ nhật và điều đó không thể nào làm ông hài lòng. Nhưng phần vì không phải lỗi tại tôi nếu người ta chôn má tôi ngày hôm qua thay vì ngày hôm nay; phần khác, dù sao tôi vẫn được nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật. Dĩ nhiên, điều đó cũng không ngăn cản tôi thấu hiểu chủ tôi.
Tôi dậy một cách khó nhọc vì đã mệt mỏi suốt cả ngày hôm qua. Trong khi cạo mặt, tôi tự hỏi sẽ làm gì và tôi quyết định đi tắm. Tôi đi tàu điện đến nhà tắm ở hải cảng. Tới nơi, tôi nhảy xuống eo biến. Ở đây đã có rất nhiều người trẻ tuổi. Xuống nước, tôi gặp lại Marie Cardona, nguyên nữ thư ký đánh máy ở văn phòng tôi mà hồi đó tôi rất thèm muốn nàng. Nàng cũng thế, tôi đoán vậy. Nhưng sau đó ít lâu nàng bỏ đivà chúng tôi không kịp có thì giờ. Tôi giúp nàng trèo lên một cái phao và trong động tác ấy, tôi đã chạm lượt qua vú nàng. Tôi còn đang ở dưới nước thì nàng đã nằm sấp trên phao. Nàng quay lại phía tôi. Tóc nàng che lấp mắt và nàng cười. Tôi leo lên chiếc phao bên cạnh nàng. Cảm thấy rất dễ chịu, tôi vừa đùa giỡn vừa ngửa cổ ra đằng sau , để đầu lên chốc bụng nàng. Nàng không nói gì và tôi cứ nằm nguyên như vậy. Tôi có tất cả bầu trời ở trong tầm mắt và bầu trời màu xanh lam, vàng óng. Dưới gáy, tôi cảm thấy bụng Marie đập nhẹ nhàng. Chúng tôi ở trên phao rất lâu, thiu thiu ngủ. Khi mặt trời nắng gắt quá, nàng lặn xuống nước và tôi cũng lặn theo. Tôi chộp được nàng, quàng tay qua mình nàng và chúng tôi cùng bơi. Nàng vẫn cười. Trong khi chúng tôi đứng trên bờ cho khô người, nàng bảo tôi: “Nước da em nâu hơn anh”. Tôi hỏi nàng chiều nay có muốn đi coi xi-nê không? Nàng lại cười và trả lời là muốn coi một phim của tài tử Fernandel. Khi chúng tôi mặc quần áo, nàng tỏ vẻ rất ngạc nhiên thấy tôi đeo ca vát đen và hỏi tôi có phải tôi để tang không? Tôi trả lời nàng là má tôi chết. Vì nàng muốn biết chết từ bao giờ, tôi trả lời: “Từ hôm qua”. Nàng hơi lùi lại nhưng không nhận xét chi cả. Tôi muốn bảo cho nàng biết rằng không phải lỗi tại tôi, nhưng tôi ngừng lại vì tôi nhớ là đã nói với chủ tôi như thế. Điều đó không có nghĩa lý chi cả. Dù sao, luôn luôn người ta cũng hơi lầm lỗi.
Buổi chiều, Marie quên hết mọi sự. Cuốn phim cũng có đoạn buồn cười nhưng thật sự rất ngớ ngẩn. Chân nàng kế sát vào chân tôi. Tôi mơn trớn vú nàng. Tới đoạn phim, tôi hôn nàng nhưng hơi vụng về. Ra khỏi rạp xi-nê, nàng đến nhà tôi… Khi tôi thức dậy, Marie đã đi khỏi. Nàng bảo với tôi là nàng phải đến nhà bà thím. Tôi nhớ hôm này là chủ nhật và điều đó làm tôi buồn nản: Tôi không thích ngày chủ nhật. Thế là tôi quay vào giường, tìm trên gối mùi nước muối ở tóc Marie để lại và tôi ngủ đến mười giờ. Rồi tôi vừa nằm vừa hút thuốc lá cho đến trưa. Tôi không muốn ăn ở tiệm Céleste như thường lệ vì chắc chắn họ sẽ hỏi han tôi và tôi không thích như thế. Tôi luộc trứng và ăn vã, không có bánh mì vì nhà hết bánh rồi và tôi không muốn xuống mua.
Ăn xong, tôi hơi buồn ngủ và đi vơ vẩn trong phòng. Khi má tôi còn ở đây, căn nhà này rất tiện. Bây giờ nhà rộng quá đối với tôi và tôi phải mang vào buồng ngủ chiếc bàn ở phòng ăn.
Tôi chỉ còn ở trong buồng này những chiếc ghế rơm đã hơi trũng, chiếc tủ áo, gương đã ngả màu vàng, chiếc bàn trang điểm và chiếc giường đồng. Còn lại thì bỏ không. Một lát sau, muốn có việc chi làm, tôi cầm một tờ báo cũ và đọc. Tôi cắt bài quảng cáo về các thứ muối Kruschen và dán vào một tập vở cũ dành riêng cho những mục báo nào tôi thích thú. Tôi rửa tay và sau cùng, tôi ra đứng ở bao lơn.
Buồng tôi nhìn ra phố chính ở ngọai ô. Buổi chiều đẹp trời. Tuy nhiên, mặt đường nhầy nhụa, các người đi lại còn ít ỏi và vội vàng. Trước hết là những gia đình đi dạo, hai đứa bé trai mặc đồ lính thủy, quần dưới đầu gối, hơi vướng víu với bộ quần áo cứng ngắt; một đứa bé gái với cái nơ to tướng màu hồng và đôi giày vẹc-ni đen. Đằng sau chúng, người mẹ đồ sộ, áo lụa màu hạt dẻ và người cha, một người nhỏ thó, hơi mảnh khảnh mà tôi biết mặt. Y đội một chiếc mũ rơm, thắt nơ con bướm và cầm can. Thấy y cùng đi với vợ, tôi hiểu tại sao trong khu này người ta bảo y là một người bặt thiệp. Một lát sau, các thanh niên ở ngoại ô đi qua, tóc bóng loáng như sơn, ca-vát đỏ, áo vét-tông bỏ chẽn với một khăn nhỏ thêu ở túi trên và đôi giày mũi vuông. Tôi đoán là họ đi xi-nê ở khu trung tâm thành phố. Vì vậy họ đi quá sớm, vừa vội vàng ra bến tầu vừa cười rất lớn.
Sau khi họ đi khỏi, phố xá dần dần trở nên vắng vẻ. Tôi đoán là ở khắp mọi nơi những cuộc vui công cộng đã bắt đầu. Ở phố chỉ còn lại các ông chủ tiệm và những con mèo. Bầu trời tinh khiết nhưng không chói sáng trên những cây và ở hai bên đường phố. Trên vỉa hè trước mặt, người bán thuốc lá đem một chiếc ghế dựa để ra ngoài cửa và ngồi lối cưỡi ngựa, dựa mạnh hai tay vào lưng ghế. Xe điện mới đây đầy nhóc bậy giờ gần như vắng teo. Trong tiệm cà phê Perrot, thằng nhỏ đang quét mạt cưa trong căn phòng trống rỗng. Đúng là ngày chủ nhật.
Tôi quay ghế lại và để theo kiểu của người bán thuốc lá, vì tôi thấy như thế tiện hơn, tôi hút hai điếu thuốc lá, vào lấy một miếng xúc-cù-là rồi trở ra ăn ở cửa số. Một lát sau, trời tối sầm và tôi tưởng là sắp có một cơn dông mùa hè. Tuy nhiên trời quang đãng dần dần, nhưng mây đi qua để lại ngoài phố như một hứa hẹn sắp mưa làm cho phố xá thêm mờ mịt. Tôi đứng nhìn bầu trời hồi lâu.
Tới năm giờ, xe điện ầm ầm chạy về. Xe điện chở từ sân vận động ngoại ô về hàng chùm khán giả đứng cả ở trên bậc lên xuống và thành xe. Các chuyến xe điện sau chở các cầu thủ mà tôi nhận được nhờ những chiếc va-ly nhỏ của họ. Họ gào thét, ca hát thực lớn là hội của họ sẽ không bị tiêu diệt. Nhiều người trong bọn ra hiệu cho tôi. Cá cả một người kêu tôi: “Thắng bọn nó rồi!”. Và tôi vừa lắc đầu vừa nói: “Vâng”. Từ lúc đó, các xe hơi bắt đầu ùa về.
Ngày còn quay cuồng chút ít. Trên các mái nhà, bầu trời trở thành đỏ nhạt và, với buổi chiều tà, phố xá thêm nhộn nhịp. Các người đi dạo về dần dần. Tôi nhận thấy cái ông bặt thiệp giữa đám người khác. Các con của ông đang khác hay bị lôi đi. Liền sau đó, các rạp xi-nê ở khu nhả ra ngoài phố một đợt sóng khán giả. Trong bọn, các thanh niên có những cử chỉ quả quyết hơn thường lệ nên tôi ngờ rằng họ vừa xem một phim phiêu lưu. Các khán giả của những rạp xi- nê ở thành phố về chậm hơn.Họ có vẻ ngầm ngầm, trang trọng. Tuy họ còn cười nhưng thỉnh thoảng có vẻ mệt nhọc và mơ màng. Họ đứng ở ngoài phố, đi đi lại lại trên vỉa hè trước mặt. Các thiếu nữ ở khu phố, xõa tóc, nắm tay nhau. Các thanh niên dụng ý đi thế nào cho gặp các thiếu nữ và nói những câu bông đùa làm cho các thiếu nữ vừa cười vừa ngoảnh mặt đi. Trong bọn, có nhiều thiếu nữ tôi quen đã ra hiệu cho tôi… Đèn ngoài phố thình lình bật lên và làm tái nhợt những ngôi sao đầu tiên mọc trong đêm tối. Tôi nhìn mãi các vỉa hè với lũ người và ánh sáng như thế, cảm thấy mỏi mắt. Đèn điện chiếu sáng mặt đường ướt át và các xe điện, từng chặng đều đặn, chiếu ánh sáng trên các mái tóc bóng loáng, trên một nụ cười hay trên một chiếc vòng bạc. Một lát sau, với những xe điện hiếm hơn trước và đêm tối dầy đặc trên các ngọn cây và bóng đèn, phố xá dần dần không một bóng người cho đến khi con mèo thứ nhất thong thả bước qua, đường phố vắng vẻ lại. Tôi hơi đau cổ vì dựa lâu vào lưng ghế. Tôi muốn hút một điếu thuốc ở cửa sổ nhưng không khí đã mát và tôi thấy hơi lành lạnh. Tôi đóng cửa sổ và khi trở vào, tôi nhìn thấy ở trong gương một góc bàn, trên có để chiếc đèn cồn bên cạnh những mẩu bánh mì. Tôi nghĩ rằng thế vẫn là một ngày chủ nhật đã qua, rằng bây giờ má tôi đã được chôn rồi, rằng tôi sẽ tiếp tục việc làm và dù sao, cũng không có chi thay đổi.
?