Đọc truyện Người xa lạ – Chương 12- End
Đến lúc đó, chỉ lúc đó thôi, có thể nói là tôi đã có quyền, tôi tự cho phép đề cập đến giả thuyết thứ hai: tôi đực ân xá. Điều bực mình là phải hãm bớt cái đà bồng bột của khí huyết và thân thể nó là cho mắt tôi cay xè nỗi vui mừng vô lý. Tôi cần phải cố làm giảm bớt cái tiếng reo ấy, cố suy luận về nó. Tôi cần phải tự niên cả ở trong giả thuyết này để cho sự nhẫn nhục của tôi trong giả thuyết thứ nhất có thể thừa nhận được. Khi đạt được kết quả, tôi được một giờ bình thản. Dù sao sự đó cũng là đáng xem trọng.
Chính là ở trong một thời kì tương tự mà tôi đã từ chối thêm một lần nữa không tiếp vị linh mục tuyên úy. Tôi đang nằm dài và phỏng đoán buổi chiều mùa hè sắp tới, do ở màu vàng hoe của bầu trời. Tôi vừa bác bỏ đơn chống án của tôi và có thể cảm thấy các làn sóng của máu tôi lưu thông đều đặn trong người. Tôi không cần phải gặp linh mục. Từ lâu lắm, đây là lần đầu tiên tôi nghĩ đến Marie. Đã nhiều ngày lắm, nàng không viết thư cho tôi nữa.
Chiều nay tôi đã suy nghĩ và tôi tự nhủ rằng có lẽ nàng đã chán làm tình nhân của một người bị kết án tử hình. Tôi cũng có ý nghĩ là có lẽ nàng bị đau hay chết rồi. Đó là theo lẽ tự nhiên.
Làm thế nào mà tôi biết rõ điều ấy vì ngoài hai thể xác của chúng tôi hiện nay đã xa cách, không còn chi ràng buộc chúng tôi và nhắc nhở chúng tôi, người nọ đến với người kia nữa.
Vả lại kể từ lúc đó, k niệm của Marie đối với tôi đã dửng dưng. Chết rồi, nàng không còn làm tôi chú ý nữa. Tôi thấy điều đó thường tình cũng như tôi hiểu quá rõ ràng là mọi người sẽ lãng quên tôi sau khi chết. Họ không còn chi dính dáng đến tôi nữa. Mà chính ra tôi cũng không thể nói được là suy nghĩ đến điều ấy sẽ có gì đau khổ.
Đúng ngay lúc linh mục bước vào. Khi trông thấy ông, tôi hơi run run. Ông nhận thấy thế và bảo tôi đừng sợ. Tôi bảo là theo thường lệ, ông hãy đến thăm tôi vào lúc khác. Ông trả lời đây là một cuộc viếng thăm thân ái, không hề dính líu đến sự chống án của tôi mà ông không biết gì cả. Ông ngồi lên giường và mời tôi lại gần ngồi gần ông. Tôi từ chối. Thực ra, tôi thấy vẻ mặt ông rất dịu hiền.
Ông ngồi xuống một lát, hai cánh tay đặt trên đầu gối, đầu cúi xuống, nhìn các bàn tay.
Bàn tay ông mảnh dẻ, rắn chắc, làm tôi liên tưởng đến hai con vật nhanh nhẹn. Ông thong thả, xoa tay nọ vào tay kia. Rồi ông ngồi như thế rất lâu, đầu vẫn cúi xuống, đến nỗi tôi có thể cảm tưởng, trong giây lát, là tôi đã quên khuấy ông.
Nhưng ông ngửng phắt đầu lên, nhìn thẳng vào mặt tôi và nói: “Tại sao ông lại từ chối những cuộc viếng thăm của tôi?”. Tôi trả lời là tôi không tin ở Chúa. Ông muốn biết là tôi có chắc chắn như thế không và tôi nói là tôi không cần tự hỏi điều ấy, đối với tôi, hình như đấy là một vấn đề không quan trọng. Lúc ấy, ông ngả người về đằng sau và dựa lưng vào tường, bàn tay để áp vào đùi. Gần như không có vẻ nói chuyện với tôi, ông nhận xét là đôi khi người ta tưởng là chắc chắn nhưng thực ra, người ta không chắc chắn đâu. Tôi không nói chi. Ông nhìn tôi và hỏi: “Ông nghĩ thế nào?” Tôi trả lời là có thể như vậy. Dù sao chăng nữa có thể là tôi không chắc chắn về sự gì liên hệ thực sự đến tôi, và chính thị điều ông vừa nói không liên hệ chi đến tôi cả.
Mắt nìn đi chỗ khác, vẫn không thay đổi dáng ngồi, ông hỏi có phải tôi nói như thế vì tuyệt vọng không ? Tôi cắt nghĩa cho ông hiểu là tôi không tuyệt vọng. Tôi chỉ thấy sợ thôi, đấy là lẽ tất nhiên. Ông nhận xét: “Rồi CHÚA sẽ giúp ông. Tất cả những người tôi đã biết ở trong trường hợp của ông đều quay về với CHÚA”. Tôi công nhận đấy là quyền của họ. Đấy cũng có thể chứng tỏ là họ còn có đủ thì giờ suy nghĩ về điểm đó. Về phần tôi, tôi không muốn ai giúp đỡ tôi và nói cho đúng ra, tôi không có đủ thì giờ để chú ý đến việc gì không liên hệ đến tôi.
Lúc đó, hai bàn tay ông tỏ một cử chỉ cáu kỉnh nhưng ông đứng lên và sửa lại tất cả các nếp áo dòng. Xong rồi ông lại nói với tôi và gọi tôi là “bạn”: sở dĩ ông nói với tôi như thế không phải vì tôi bị kết án tử hình; theo ý ông, tất cả chúng ta đều bị kết án tử hình. Nhưng tôi ngắt lời ông và bảo ông rằng đấy không phải cùng một sự việc, vả lại đấy không thể, bất cứ trong trường hợp nào, là một sự an ủi. Ông xác nhận: “Đúng thế! Nhưng rồi bạn sẽ chết sau này nếu bạn không chết ngay bây giờ. Thế là cùng một vấn đề ấu sẽ được đặt ra. Bạn sẽ đề cập đến sự thử thách ghê rợn này như thế nào? “Tôi trả lời rằng tôi sẽ đề cập đến sự thử thách ấy đúng hệt như tôi đang đề cập đến lúc này.
Tôi vừa dứt lời, ông đứng ngay lên và nhìn thẳng vào mắt tôi. Đấy là một mánh lới mà tôi biết quá rõ. Tôi thường sử dụng mánh lới ấy với Emmanuel hay Cesleste và thường thường họ đều quay mắt đi chỗ khác. Linh mục cũng biết rõ mánh lới ấy, tôi hiểu ngay: ánh mắt nhìn của ông không run rẩy nữa khi ông bảo tôi: “Có phải ông không còn hy vọng gì nữa và ông sống với ý nghĩa là ông sẽ chết hoàn toàn? Tôi trả lời: “Phải!” Thế là ông lại cúi đầu và ngồi xuống. Ông nói là ông phàn nàn thay cho tôi. Ông tưởng như sự đó không thể nào chịu đựng nổi đối với một người. Về phần tôi, tôi chỉ có cảm tưởng là bắt đầu làm tôi chán ngấy. Đến lượt tôi quay mặt đi và ra đứng dưới cửa sổ. Tôi tựa vai vào tường. Tuy không theo dõi ông, tôi lại nghe thấy ông bắt đầu hỏi tôi. Ông nói bằng mộ giọng bối rối và vội vàng. Tôi hiểu là ông đang cảm động và tôi chú ý nghe ông hơn.
Ông bảo là ông chắc chắn đơn chống án của tôi sẽ được chấp thuận, nhưng tôi đang mang cái gánh nặng của một tội lỗi cần phải loại bỏ đi. Theo ông thì công lý của loài người không có nghĩa lý và công lý của CHÚA là tất cả. Tôi nhận xét rằng chính cái công lý thứ nhất nói trên đã kết án tôi. Ông trả lời không phải như thế là nó đã rửa sạch được tội lỗi tôi. Tôi bảo không biết thế nào là một tội lỗi. Người ta chỉ bảo là tôi có tội. Tôi có tội thì tôi đền tội, người ta không thể hỏi gì tôi hơn nữa. Lúc đó, ông lại đứng lên và tôi nghĩ là ở trong xà lim chật hẹp này, nếu ông muốn cựa quậy, ông cũng không lựa chọn được: hoặc là phải ngồi xuống hay đứng lên.
Mắt tôi chăm chú nhìn xuống đất. Ông bước một bước về phía tôi và ngừng lại, hình như không dám tiến lên nữa. Ông nhìn bầu trời qua các chấn song cửa. Ông nói với tôi: “Con ơi, con đã lầm rồi, người ta có thể đòi hỏi ở con nhiều hơn nữa. Có thể người ta sẽ đòi hỏi con đấy. – Đòi hỏi cái chi? – Người ta sẽ đòi hỏi con hãy trông thấy. – Trông thấy cái chi?
Linh mục nhìn xung quanh ông và tôi thấy ông trả lời bằng một giọng đột nhiên rất mệt mỏi: “Tất cả những hòn đá này đều đổ mồ hôi đau thương, tôi biết như thế. Chưa bao giờ trông thấy chúng mà tôi không lo âu. Nhưng trong thâm tâm tôi, tôi biết là những kẻ khốn nạn nhất trong các con đều thấy hiện ra trong sự tối tăm của họ một gương mặt thiêng liêng.
Chính gương mặt ấy, người ta đòi hỏi con hãy trông thấy”.
Tôi thấy hơi kích thích. Tôi nói là tôi đã nhìn các bức tường này nhiều tháng nay. Ở trên đời này không có sự chi, không có người nào mà tôi biết rõ hơn. Có thể đã lâu nay, tôi vẫn tìm ở đấy một gương mặt, nhưng gương mặt ấy đã có màu sắc của mặt trời và ngọn lửa nồng nàn của thèm muốn: đấy là gương mặt của Marie. Tôi đã tìm gương mặt ấy hoài mà không thấy. Bây giờ thì hết rồi. Và trong mọi trường hợp, tôi chẳng hề thấy chi hiện ra khỏi lớp mồ hôi đá này.
Linh mục nhìn tôi với vẻ buồn rầu. Bây giờ tôi hoàn toàn dựa lưng vào tường và ánh nắng ban ngày chảy chan hòa trên trán tôi. Ông nói một vài lời mà tôi nghe không rõ và ông hỏi rất nhanh là tôi cho phép ông hôn tôi không. Tôi trả lời: “Không”. Ông quay lại và đi về phía bức tường, thong thả lướt bàn tay trên tường và thì thầm: “Vậy con yêu thích thế gian này đến thế ư?” Tôi không trả lời.
Ông quay mặt đi khá lâu. Sự hiện diện của ông đè nặng lên người tôi và làm tôi bực bội.
Tôi sắp sửa bảo ông hãy đi khỏi cho tôi yên thân, thời bỗng nhiên ông vừa la hét om sòm vừa quay lại phía tôi: “Không! Tôi không tin ông được. Tôi chắc chắn là có khi ông đã ao ước một đời sống khác”. Tôi trả lời đấy là lẽ tự nhiên, nhưng sự ấy không có chi quan trọng hơn là ao ước được giàu có, được bơi rất nhanh hay có một cái miệng xinh đẹp hơn. Cũng như nhau vậy thôi! Nhưng ông đã ngưng tôi lại và muốn biết tôi hiểu thế nào về đời sống khác biệt ấy? Thế là tôi kêu lên: “Một đời sống mà tôi có thể hồi tưởng lại đời sống này” và tôi bảo ngay cho ông biết là tôi chán ngấy rồi…! Ông lại còn muốn nói với tôi về Chúa nhưng tôi đã tiến lại phía ông và cố gắng cắt nghĩa cho ông nghe một lần cuối cùng là tôi còn rất ít thì giờ. Tôi không muốn đanh mất chút ít thì giờ ấy với Chúa. Ông đã thử thay đổi đầu đề câu chuyện và hỏi tôi rằng sao tôi lại gọi ông là “ông”chứ không phải là “Cha”? Sự đó làm tôi bực bội và tôi trả lời rằng ông không phải là cha tôi: ông là cha của những người khác.
Ông vừa nói vừa để tay lên vai tôi: “Không con ơi! Ta ở với con, nhưng con không thể biết điều ấy vì con còn có một con tim mù quáng. Ta sẽ nguyện cầu cho con”.
Thế là, tôi không hiểu tại sao, có sự tan vỡ trong người tôi. Tôi kêu rống lên, chửi rủa ông và bảo ông đừng cầu nguyện nữa… Tôi nắm lấy cổ áo dòng của ông. Tôi trút hết lên ông tất cả đáy lòng với những xúc động lẫn lộn cả vui mừng và hờn giận. Ông có vẻ chắc chắn, phải không ? Tuy nhiên, trong các sự chắc chắn của ông không có cái nào đáng giá một sợi tóc đàn bà! Chính ra ông cũng chưa chắc là đáng sống vì ông đã sống như một người chết! Về phần tôi, tôi có vẻ như chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng tôi tin chắc ở tôi, chắc hết mọi sự, chắc chắn hơn ông, chắc về đời sống của tôi và cái chết sắp tới. Phải! Tôi chỉ còn cái ấy thôi, nhưng ít ra, tôi vẫn giữ chặt lấy cái sự thực ấy cũng như nó đã giữ chặt lấy tôi. Tôi đã có lý, tôi còn có lý, luôn luôn tôi vẫn có lý. Tôi đã sống theo cách nào đó và có thể tôi đã sống theo cách khác. Tôi đã làm điều này và tôi đã không làm điều kia. Tôi đã không làm điều này trong khi tôi lại làm điều kia. Rồi sao? Như thế là tôi chờ đợi suốt bấy lâu cái giây phút này, cái lúc mà tôi sẽ được chứng minh là có lý. Không, không có sự chi là can hệ và tôi biết rõ tại sao. Ông ấy cũng biết tại sao. Từ chỗ sâu thẳm của tương lai tôi trong suốt cả cuộc đời phi lý mà tôi đã sống, một hơi thở mờ mịt dâng lên rồi qua những năm tháng chưa từng đến và cái hơi thở ấy lướt qua đến đâu là san bằng đến đó tất cả những gì mà người ta đã đề nghị với tôi trong những năm mà tôi đã sống, những năm cũng không có gì thực hơn. Có can hệ chi đến tôi cái chết của những người khác, tình yêu của một người mẹ; có can hệ chi đến tôi đấng Chúa của ông ta, các cuộc đời mà người ta đã lựa chọn, các số mệnh mà người ta tuyển định, vì chỉ có một số mệnh duy nhất là có thể tuyển định được chính tôi và cùng với tôi, hàng ngàn triệu người được ân huệ, ưu ái mà họ, cũng như ông ta, đều tự xưng là anh em của tôi.
Ông có hiểu không, liệu ông có hiểu vậy không? Tất cả mọi người đều được hưởng ân huệ. Chỉ còn có những người được hưởng ân huệ. Những người khác cũng vậy, một ngày kia người ta sẽ kết tội họ. Ông ấy cũng thế, người ta sẽ kết tội ông. Có can hệ chi, nếu can tội sát nhân, ông bị hành hình vì đã không khóc lóc trong ngày an táng mẹ ông? Con chó của Salamano giá trị cũng ngang hàng với vợ lão. Con mụ nhỏ thó như người máy cũng có tội như người đàn bà gốc Ba Lê mà Masson đã lấy, hay như Marie đã ao ước tôi lấy nàng. Có can hệ chi nếu Raymond là bồ tèo của tôi cũng như Céleste lại xứng đáng hơn y? Có can hệ chi nếu ngày nay Marie lại đưa miệng mình cho một anh chàng Meursault khác hôn? Liệu y có hiểu vậy không tên tội nhân ấy, và từ chỗ sâu thẳm của tương lai tôi…Tôi bị nghẹt thở trong khi kêu gào tất cả những điều này. Người ta đã lôi linh mục ra khỏi tay tôi và các người lính gác dọa nạt tôi. Tuy nhiên, ông ta trấn tĩnh họ và đã yên lặng nhìn tôi trong giây lát. Mặt ông đầy nước mắt. Ông quay lại và biến mất.
Tôi lấy lại sự bình thản sau khi ông đi khỏi. Tôi bị kiệt sức và gieo mình xuống giường.
Tôi ngờ là tôi ngủ thiếp đi vì tôi thức dậy thì đã có các ngôi sao trên mặt. Nhưng tiếng ồn ào của đồng quê dâng lên tận chỗ tôi. Các mùi hương của ban đêm, của đất, của muối làm tươi mát hai thái dương tôi. Sự yên tĩnh và kỳ diệu của mùa hè say ngủ này tràn ngập cả người tôi như nước thủy triều. Ngay lúc đó và ở ranh giới của ban đêm, các tiếng còi hú vang. Chúng báo hiệu cuộc ra đi tới một thế giới bây giờ đối với tôi đã vĩnh viễn thờ ơ. Đây là lần thứ nhất, kể từ lâu nay, tôi nghĩ đến má tôi. Hình như tôi hiểu tại sao, khi đến cuối cùng của cuộc đời bà lại kiếm một “vị hôn phu”, tại sao bà giả đùa bắt đầu lại. Ở đấy, ở đấy cũng vậy, chung quanh viện dưỡng lão, nơi những cuộc sống tàn rụi ấy, buổi chiều cũng như một cuộc ngưng trệ u buồn. Gần cái chết đến thế, ở đấy má tôi hẳn đã cả thấy được giải thoát, và sẵn sàng để sống lại tất cả. Không ai, không ai có quyền được khóc bà. Và tôi cũng thế, tôi cảm thấy sẵn sàng để sống lại tất cả…! Hình như cơn giận dữ lớn lao này đã tẩy sạch xấu xa, vết hy vọng của tôi, trước cái đêm tối đầy những dấu hiệu và ánh sao này, lần đầu tiên tôi cởi mở tâm hồn trước cái dịu hiền của thế gian. Thấy nó giống tôi đến thế và sau cùng thân ái với tôi đến thế, tôi cảm thấy là tôi đã rất sung sướng và tôi vẫn còn sung sướng. Để cho tất cả được hoàn tất, để cho tôi cảm thấy ít cô đơn hơn, tôi chỉ còn ao ước đến ngày hành quyết tôi sẽ có rất nhiều khán giả và họ sẽ tiếp đón tôi với những tiếng hò hét căm hờn.
?
HẾT