Đọc truyện Người xa lạ – Chương 10
Phiên tòa bế mạc. Khi rời khỏi pháp đình để lên xe, tôi thoáng nhận thấy trong giây lát mùi hương và màu sắc của chiều hè. Trong bóng mờ của nhà pha lưu động, tôi thấy lại từng thứ một, như ở tận sâu thẳm của mệt mỏi, tất cả những tiếng ồn ào quen thuộc của một thành phố mà tôi hằng yêu mến và trong một giờ nào đó, tôi cảm thấy hài lòng. Tiếng kêu của những người bán báo trong không khí đã bớt căng thẳng, những con chim cuối cùng ở công viên, tiếng gọi của các người bán bánh sandwich, tiếng rên rỉ do tàu điện chạy trên những khúc quẹo cao của thành phố và tiếng xôn xao của bầu trời trước khi đêm tối đua đưa trên hải cảng, tất cả mọi cái đó sắp xếp đưa lại cho tôi một lộ trình của người lòa mà tôi biết rõ trước khi vào lao xá. Phải đó là thời khắc mà cách đây đã lâu tôi đã cảm thấy hài lòng. Lúc đó, vẫn là một giấc ngủ nhẹ nhàng và không mộng mị luôn luôn chờ đợi tôi… Tuy nhiên, một sự chi đã thay đổi vì trong sự chờ đợi ngày mai đến, tôi lại gặp lại căn xà lim của mình.
Như thế là những con đường quen thuộc vạch trên bầu trời mùa hè có thể dẫn đến các lao xá cũng như dẫn đến những giấc ngủ hồn nhiên, vô tội.
Dù ở trên ghế bị cáo, người ta vẫn thấy thích thù khi nghe đến tên mình. Trong các cuộc tranh biện của biện lý và luật sư, tôi có thể nói là họ nói đến tôi rất nhiều và có lẽ về tôi nhiều hơn là về tội trạng của tôi. Vả lại, những cuộc tranh biện ấy có sự khác biệt nhau không nhỉ? Luật sư giơ tay lên và biện hộ cho tội trạng nhưng lại có lời xin tha. Ông biện lý chìa tay ra tố cáo tội trạng nhưng không xin tha. Tuy nhiên có điều làm tôi cảm thấy mơ hồ, bứt rứt. Mặc dù bận trí, đôi khi tôi cũng muốn can thiệp và luật sư phải bảo tôi: “Ông im đi, như thế có ích lợi cho việc của ông hơn”. Có thể nói là họ có vẻ bàn luận về vụ này như không có mặt tôi. Số phận của tôi được định đoạt mà người ta không cần đến ý kiến của tôi. Thỉnh thoảng, tôi có ý muốn ngắt lời mọi người và nói: “Nhưng dù sao ai là người bị tố cáo đây? Bị cáo là quan trọng lắm và tôi có một đôi lời muốn nói”. Nhưng sau khi suy nghĩ, tôi không có điều chi nói cả. Vả lại, tôi phải công nhận rằng cái thú vị làm cho người khác chú ý không kéo dài được lâu. Ví dụ như cuộc tranh biện của ông biện lý làm tôi chán ngán rất mau lẹ.
Chỉ có những đoạn ngắn, những cử chỉ hay những tràng dài nguyên vẹn nhưng tách rời khỏi toàn bộ, là làm tôi ngạc nhiên hay gợi sự thích thú của tôi mà thôi! Theo sự suy đoán của ông, nếu tôi không hiểu lầm, thời tôi đã dự mưu phạm trọng tội. Hay ít ra, ông đã cố gắng chứng minh như vậy, như chính ông đã nói điều ấy: “Thưa quý vị, tôi sẽ đưa ra chứng cớ và sẽ đưa ra gấp đôi. Trước hết là dưới ánh sáng chói lòa của các sự kiện và sau cùng là trong ánh sáng lờ mờ do tâm lý của cái tâm hồn sát nhân này cung cấp cho tôi. Ông tóm tắt những sự kiện từ khi má tôi chết. Ông nhắc lại thái độ vô cảm của tôi về tuổi tác má tôi, cuộc tắm biển với một người đàn bà ngay sau hôm đám tang, cuộc xem xi-nê Fernandel và sau hầu hết là cùng về nhà với Marie. Lúc đó, tôi không kịp hiểu ngay vì ông ta nói “tình nhân của y” còn đối với tôi thì nàng là Marie. Sau cùng, ông nói đến chuyện Raymond. Tôi thấy cách thức ông ta nhìn các biến cố không thiếu sự sáng suốt. Điều ông nói có thể chấp nhận được. Với sự đồng ý của Raymond, tôi đã viết thư để dụ nhân tình y đến và xô đẩy nàng vào sự đối xử tàn tệ của một người đàn ông có “hạnh kiểm khả nghi”. Tôi khiêu khích những kẻ thù của Raymond trên bãi biển. Raymond bị thương. Tôi hỏi y lấy khẩu súng lục. Tôi trở lại một mình để sử dụng khí giới ấy. Tôi hạ tên Ả Rập như tôi đã dự định. Tôi đã chờ đợi và “để cho chắc chắn là công việc đã thực hiện tốt đẹp”, tôi còn bắn liền bốn phát, ung dung, chính xác, có thể nói là một cách thận trọng.
Ông phó chưởng lý nói: “Thưa quý vị, tôi vừa kể lại trước quý vị mối dây mạch lạc những biến cố đã dẫn dắt người này đến việc sát nhân với sự hiểu biết hoàn toàn. Tôi xin nhấn mạnh về điểm này. Vì đây không phải là một vụ ám sát tầm thường, một hành động không suy nghĩ mà quý vị có thể coi như là có những trường hợp giảm kinh. Người này, thưa quý vị, người này thông minh. Quý vị đã nghe y khai phải không ? Y biết cách trả lời. Y biết rõ giá trị các danh từ. Và người ta không thể nói là y hành động mà không biết việc y làm.
Về phần tôi, tôi để ý nghe và thấy người ta cho tôi là thông minh, nhưng tôi không hiểu rõ tại sao những đức tính tốt của người thường lại có thể trở nên những chứng cớ nặng nề cho một người phạm tội. Ít nhất, đó là điều làm tôi không nghe ông biện lý nữa cho đến khi tôi lại nghe thấy tiếng ông nói: “Có bao giờ y tỏ ra hối hận chưa? Thưa quý vị, chưa bao giờ cả! Không một lần nào trong thời kỳ dự thẩm, người này lại tỏ vẻ cảm động về trọng tội ghê gớm của mình”. Lúc đó, ông quay lại về phía tôi, vừa lấy ngón tay trỏ tôi vừa tiếp tục hành hạ tôi mà thực ra tôi không hiểu rõ tại sao. Dĩ nhiên, tôi không thể nào không công nhận rằng ông ta có lý. Tôi không hối tiếc lắm về hành động của tôi, nhưng sự hăng say quá mức như thế làm tôi ngạc nhiên. Có lẽ tôi muốn thử cắt nghĩa cho ông nghe một cách thực tình, gần như là tôi không hề bao giờ có thể thực sự hối tiếc một việc gì. Tôi vẫn luôn luôn bị lôi cuốn bởi việc sắp xảy ra, bởi hôm nay hay bởi ngày mai. Nhưng lẽ tất nhiên trong tình trạng hiện tại của tôi, tôi không thể nào nói với ai cái giọng điệu đó được. Tôi không có quyền tỏ vẻ thân ái, tỏ thiện chí. Và tôi lại thử cố nghe nữa vì ông biện lý đã bắt đầu về tâm hồn tôi.
Ông nói là ông đã cúi xuống tâm hồn ấy và ông không tìm thấy chi cả, thư quý vị bồi thẩm. Ông nói thực ra, tôi không hề có tâm hồn, không hề có tình nhân ái và không có một nguyên tắc đạo lý nào, vẫn giữ gìn lương tâm loài người lại có thể thấm nhuần vào tôi được.
Ông nói thêm: “Chắc chắn là chúng ta sẽ không trách cứ y về điểm ấy. Điều mà y không có, chúng ta không thể phàn nàn là y thiếu. Nhưng khi thuộc về phiên tòa này, cái đức tính hoàn toàn tiêu cực của sự khoan hồng cần phải biến đổi ra đức tin, dễ dãi hơn nhưng lại là cao thượng hơn, của sự công bằng. Nhất là khi mà sự trống rỗng của tâm hồn như người ta đã khá phá ở nơi người này, thành ra một cái vực thẳm mà xã hội có thể sa ngã”. Thế rồi ông nói đến thái độ của tôi đối với má tôi. Ông nhắc lại điều đó trong cuộc tranh biện, nhưng ông nói dài hơn cả khi ông nói về trọng tội của tôi nhiều, dài quá đến nỗi sau cùng, tôi chỉ còn cảm thấy sự nóng bức của buổi sáng hôm ấy. Hay ít ra cho đếnkhi ông biện lý ngừng lại và, sau giây lát yên lặng, ông lại tiếp tục với một giọng rất thấp và đầy tin tưởng: “Thưa quý tòa, tòa án này mai đây sẽ xử một trọng tội ghê gớm nhất: vụ giết cha”. Theo ý ông, trí tưởng tượng lùi lại trước vụ mưu sát tàn nhẫn này. Ông dám hi vọng rằng công lý của loài người sẽ trừng phạt không nhu nhược. Nhưng ông không sợ mà nói lên rằng, sự khủng khiếp do tôi giết cha gợi lên cho ông gần như phải nhượng bộ trước sự khủng khiếp do ông cảm thấy trước trạng thái vô cảm xúc của tôi. Vẫn theo ý ông, một người đã giết mẹ mình về tinh thần cũng tự loại mình ra khỏi xã hội loài người, y như một người chính tay ám sát người đẻ ra mình. Trong tất cả mọi trường hợp, người thứ nhất sửa soạn hành động của người thứ hai, có thể nói là y đã báo trước và chính đáng hóa những hành động ấy. Ông cao giọng nói thêm: “Thư quý vị, tôi tin chắc rằng quý vị sẽ không thấy tư tưởng của tôi qus tàn bạo nếu tôi nói là người đang ngồi trên ghế dài kia cũng can tội sát nhân mà tòa sẽ xử vào ngày mai. Do đó, y phải bị trừng phạt”. Tới đây, ông biện lý lau khuôn mặt bóng nhẩy mồ hôi. Sau cùng ông nói nhiệm vụ của ông rất đau khổ nhưng ông sẽ cương quyết làm đầy đủ. Ông tuyên bố là tôi không còn chi dính dáng đến một xã hội mà tôi đã phủ nhận những luật lệ chính yếu nhất và tôi không thể nào kêu gọi trái tim con người mà tôi đã không biết đền những phản ứng sơ đẳng! Ông nói tiếp:
– Tôi xin quý vị cái đầu người này và xin quý vị điều ấy với một tâm hồn than thản.
Vì trong suốt cả cuộc đời chức nghiệp đã dài của tôi, nếu có khi tôi đòi hỏi những chánh án tử hình thời không bao giờ được như hôm nay tôi cảm thấy nhiệm vụ đau khổ này được đền bù, cân xứng, soi sáng do cái ý thức về một mệnh lệnh khẩn yếu và thiêng liêng do sự ghê tởm của tôi cảm thấy trước một khuôn mặt mà tôi chỉ đọc thấy toàn những quái đản! Có sự yên lặng khá lâu sau khi ông biện lý ngồi xuống. Về phần tôi, tôi bị choáng váng vì nóng bức và kinh ngạc. Ông chánh án ho chút xíu và bằng một giọng rất nhỏ. Ông hỏi tôi có điều chi nói thêm không ? Tôi bèn đứng lên vì tôi muốn nói, nên tôi nói có hơi bừa bãi là tôi không có ý định giết tên Ả Rập. Ông chánh án trả lời đấy là một sự xác nhận, là cho đến nay ông chưa nhận thức được phương sách bào chữa của tôi và ông sẽ rất sung sướng, trước khi nghe lời biện hộ của luật sư tôi, bảo tôi xác định lại các động lực đã gây nên hành động của tôi. Tôi nói nhanh chóng, vừa trộn lẫn các danh từ, vừa nhận thấy sự lố lăng của tôi, rằng đó là tại trời nắng. Có tiếng cười trong phòng. Luật sư tôi nhún vai và liền sau đó, người ta nhường lời cho ông nhưng ông tuyên bố là đã muộn rồi, ông cần phải nói nhiều giờ và xin hoãn lại đến chiều. Tòa chấp thuận.
Buổi chiều, các quạt máy lớn vẫn xáo động không khí đặc sệt ở trong phòng và các quạt nhỏ, màu sặc sỡ của các ông bồi thẩm, đều phe phẩy theo một hướng. Tôi tưởng chừng lời biện hộ của luật sư tôi không bao giờ chấm dứt. Tuy nhiên, có một lúc tôi đã nghe tiếng ông vì thấy ông nói: “Đúng sự thực là tôi đã giết người”. Rồi cung một giọng điệu, ông dùng chữ “tôi” mỗi khi ông nói về tôi. Tôi rất ngạc nhiên. Tôi cúi xuống một người hiến binh và hỏi rằng tại sao thế? Y bảo tôi hãy yên lặng và sau một lát, y nói thêm: “Tất cả luật sư đều làm thế”. Về phần tôi, tôi đã nghĩ là như thế càng tách rời tôi ra khỏi nội vụ, biến tôi thành con số không và nói theo một nghĩa nào đó, thay thế hẳn tôi. Nhưng tôi ngờ là tôi đã ở rất xa phòng xử án này. Vả lại, luật sư hình như có vẻ lố bịch. Rất mau lẹ, ông biện hộ cho sự gay cần, rồi chính ông lại nói đến tâm hồn tôi. Nhưng đối với tôi, hình như ông ém tài bà hơn ông biện lý.
Ông nói: “Chính tôi cũng đã cúi xuống tâm hôn này nhưng, trái với vị đại diện cao cả của công tố viên, tôi đã thấy một vài sự kiện và có thể nói là tôi đã đọc thấy như ở trong cuốn sách mở sẵn”. Ông đã đọc thấy tôi là một người lương thiện, một người làm việc đều đặn, không mệt mỏi, thủy chung với hãng đã dùng mình, được mọi người yêu mến và động lòng trắc ẩn trước cảnh khổ sở của người khác. Đối với ông, tôi là một người con gương mẫu đã nâng đỡ mẹ mãi cho đến khi hết sức mình. Sau cùng, tôi hi vọng là một nhà dưỡng lão sẽ đem lại cho bà cụ đầy đủ những tiện nghi mà các phương tiện của tôi không cho phép tôi cung cấp nổi cho bà cụ. Ông nói thêm:
– Thưa quý vị, tôi ngạc nhiên thấy người ta làm rùm beng chung quanh viện dưỡng lão này. Sau cùng, nếu cần có phải có một chứng cớ về sự ích lợi cao cả của những cơ sở này, cần phải nói rõ là chính Quốc Gia đã trợ cấp cho các viện ấy.
Tuy nhiên, ông không nói đến đám tang và tôi cảm thấy điều đó thiếu sót trong bản biện hộ của ông. Nhưng vì tất cả những câu nói dài dòng ấy, tất cả những ngày giờ vô tận trong đó người ta đã nói đến tâm hồn tôi, nên tôi có cảm tưởng là mọi sự trở thành một thứ nước không màu sắc làm cho tôi thấy choáng váng.
Sau cùng, tôi nhớ là trong khi luật sư tiếp tục nói, tiếng kèn của người bán nước đá, từ ngoài phố lọt ra khắp khoảng trống của các gian buồng và phòng xử án, vang dội đến tai tôi.
Những k niệm của một đời sống không còn thuộc về tôi nữa, nhưng là một đời sống mà tôi tìm thấy những niềm vui nghèo nàn nhất và lâu bền nhất dồn dập hiện về trí óc tôi: những mùi hương mùa hè, khu phố mà tôi yêu mến, một bầu trời nhỏ bé nào đó về buổi chiều, tiếng cười và những chiếc áo dài của Marie. Tất cả mọi sự tôi đã làm vô ích ở đây đều ứ lên cổ tôi và tôi chỉ còn mỗi một sự vội vàng, là mong cho người ta kết liễu ngay vụ này để tôi chỉ hơi loáng thoáng nghe thấy luật sư gào lên, đê kết thúc, là các vị bồi thẩm sẽ không muốn xử tử hình một công dân lương thiện bị tiêu tan vì một phút lạc hướng và xin hưởng trường hợp giảm khinh cho một trọng tội do tôi đã chịu sự trừng phạt chắc chắn nhất bằng cách kéo lê sự sám hối vĩnh cửu. Tòa ngừng phiên xét xử vs luật sư ngồi xuống với vẻ mệt mỏi, nhưng các đồng nghiệp đi về phía ông để bắt tay ông. Tôi nghe thấy: “Tuyệt cú nhé!”. Một người trong bọn lại còn nêu cả tôi ra làm chứng và nói với tôi: “Phải không ?”. Tôi đồng ý nhưng lời khen ngợi của tôi không thực tình, vì tôi quá mệt mỏi! Tuy nhiên, trời đã xế ở bên ngoài và cái nóng đã bơtd gay gắt. Do một vài tiếng ồn ào của phố xá mà tôi nghe thấy, tôi phỏng đoán sự êm dịu của buổi chiều. Tất cả chúng tôi đều ở đấy để chờ đợi điều mà chúng tôi cùng chờ đợi chỉ liên quan đến tôi. Tôi lại nhìn phòng xử án. Tất cả vẫn y nguyên như buổi ban đầu. Tôi bắt gặp cái nhìn của kí giả mặc áo vét xám và mụ đàn bà như người máy. Điều đó làm cho tôi nghĩ là trong suốt cả vụ xử án, tôi không để mắt tìm Marie. Tôi không quên nàng nhưng tôi còn bận nhiều quá. Tôi trông thấy nàng giữa Céleste và Raymond. Nàng ngầm ra hiệu cho tôi như muốn nói: “Xong rồi!” và tôi thấy khuôn mặt nàng hơi lo lắng mỉm cười với tôi, nhưng tôi cảm thấy tim tôi đã khép kín và tôi cũng không thể trả lời nụ cười của nàng.
Tòa tái nhóm. Người ta đọc rất nhanh cho các bồi thẩm một dãy câu hỏi. Tôi đã nghe thấy: “Can tội sát nhân”… “có dự mưu”… “trường hợp giảm khinh”. Các vị bồi thẩm đi ra và người ta dắt tôi sang căn buồng nhỏ, trước kia tôi đã đợi ở đấy. Luật sư đến gặp tôi: ông rất lưu loát nói chuyện với nhiều tin tưởng và thân mật hơn hẳn từ trước đến nay. Ông nghĩ rằng mọi thứ sẽ êm đẹp và tôi sẽ thoát nguy với và năm tù hay lưu đày. Tôi hỏi ông nếu gặp trường hợp án xử bất lợi thì có hy vọng xin phá án không ? Ông nói không. Mánh lới của ông là không trình bày kết luận để khỏi phiền toái cho bồi thẩm đoàn. Ông cắt nghĩa cho tôi hiểu người ta không phá một bản án như thế vì lý do không chính đáng. Điều đó tôi thấy có vẻ hiển nhiên và tôi công nhận ông nói là phải. Xét đoán sự việc một cách lạnh lùng, như thế là hoàn toàn tự nhiên. Trong trường hợp trái lại, sẽ thêm nhiều giấy tờ vô ích. Luật sư bảo tôi:
“Dù sao đi chăng nữa, vẫn cố chống án, nhưng tôi tin tưởng rằng chung cục sẽ thuận lợi”.
Chúng tôi đợi lâu quá, tôi tưởng đến ba khắc đồng hồ. Cuối cùng có tiếng chuông reo.
Luật sư từ giã tôi và nói: “Chủ tịch bồi thẩm đoàn sẽ đọc các câu trả lời. Người ta chỉ dẫn ông vào khi tuyên án”. Cửa đóng sập lại. Có ngươi chạy trên cầu thang mà tôi không biết ở gần hay ở xa. Rồi tôi nghe thấy một giọng ồm ồm đọc cái chi ở trong phòng. Khi chuông reo lần nữa, cửa buồng mở ra, thời sự yên lặng và cái cảm giác kỳ dị mà tôi đã có khi tôi nhận thấy người ký giả trẻ tuổi quay nhìn đi chỗ khác… Tôi không nhìn về phía Marie. Tôi không kịp thì giờ nhìn nữa vì ông chánh án đã bảo tôi bằng một thể thức kì cục là nhân danh dân tộc Pháp, tôi sẽ bị chém đầu tại một công trường! Lúc ấy hình như tôi nhận thức được cảm giác do tôi đọc thấy trên mọi gương mặt. Tôi nghĩ rằng đó là sự quý mến. Các hiến binh rất dịu dàng với tôi. Luật sư đặt tay lên cổ tay tôi. Tôi không còn nghĩ đến sự chi cả. Nhưng ông chánh án đã hỏi tôi có điều gì nói thêm không? Tôi đã suy nghĩ và tôi nói “Không”. Thế là người ta dẫn tôi đi.