Người Tù Khổ Sai

Chương 45: Tự do


Đọc truyện Người Tù Khổ Sai – Chương 45: Tự do

Điều lạ thường, người dân Venezuela có sức lôi cuốn và hấp dẫn tôi đến mức tôi quyết định tin tưởng họ. Tôi không vượt ngục nữa. Là tù nhân, tôi chấp nhận hoàn cảnh bất thường này, hy vọng có ngày tôi sẽ được là một phần tử trong dân tộc họ. Nói ra có vẻ ngược đời. Tuy cách họ đối xử với tù nhân man rợ như vậy không khuyến khích tôi sống chung với họ được nhưng tôi hiểu rằng họ coi các hình phạt đối với thể xác là bình thường với tù nhân cũng như với lính. Lính phạm lỗi cũng bị quất roi gân bò. Rồi vài ngày sau, vẫn người lính đó lại nói chuyện với viên giám thị, cai đội hay sĩ quan đã đánh mình bình thường như không có chuyện gì xảy ra.
Chế độ tàn bạo ấy là do tên độc tại Gomez thống trị nhiều năm trường đã để lại cho họ. Tập quán này còn tồn tại đến mức một người đứng đầu một đơn vị dân sự cũng phạt dân chúng trong phạm vi của mình bằng cách cho vài roi gân bò. Nhờ một cuộc cách mạng mà tôi đã đến gần với tự do hơn. Một cuộc đảo chính nửa dân sự, nửa quân sự đã làm tổng thống nước Cộng hòa, tướng Angarita Medina, một trong những người theo chủ nghĩa tự do lớn nhất của Venezuela, phải rút khỏi vị trí của mình. Ông ta quá tốt và quá dân chủ, đến nỗi không biết cách hay không nỡ chống lại cuộc đảo chính. Hình như ông dứt khoát không chịu để xảy ra một cuộc đổ máu giữa những người Venezuela với nhau chỉ để ông duy trì được chức vị của mình. Chắc chắn là người quân nhân dân chủ lớn này không hay biết những gì diễn ra ở El Dorado. Dù sao thì một tháng sau ngày Cách mạng, tất cả các sĩ quan đều được thay đổi. Một cuộc điều tra về cái chết “của tội nhân” do thuốc xổ được tiến hành.
Ông giám đốc cùng người em rể của ông biến mất, và một nhà cựu luật sư kiêm nhà ngoại giao đến thay thế.
– Được rồi, Papillon, ngày mai tôi sẽ trả tự do cho anh, nhưng tôi muốn anh đem cậu Picolino khốn khổ ấy theo anh vì anh vẫn lo cho cậu ấy. Cậu ta không có giấy căn cước, tôi sẽ cấp. Còn giấy căn cước (cédula) của anh đây là hợp lệ, với tên thật của anh. Điều kiện như sau: anh phải sống một năm ở một làng nhỏ rồi mới được đến ở một thành phố lớn. Đây không phải là quản thúc mà là để người ta có thể xem anh sống ra sao và xem cách anh chống chọi với đời như thế nào. Nếu trong vòng một năm, người chủ sự hành chính ở vùng đó cấp cho anh giấy chứng nhận về hạnh kiểm tốt thế là ông ta đã chấm dứt tình trạng cư trú bắt buộc (confinamiente) của anh. Tôi cho rằng Caracas sẽ là một thành phố lý tưởng đối với anh. Dù sao anh cũng được phép cư trú hợp pháp ở nước này. Chúng tôi không cần biết quá khứ của anh. Chỉ cần anh chứng minh với mọi người là anh xứng đáng được trở thành một người đáng kính nể. Tôi hy vọng trong năm năm nữa, anh sẽ là đồng bào của tôi do anh xin nhập tịch để có một tổ quốc mới. Cầu Chúa sẽ ở bên anh! Cảm ơn anh đã cáng dáng cái thân tàn ma đại của Picolino. Tôi chỉ có thể trả tự do cho nó nếu có ai ký nhận sẽ đảm nhận nó. Mong rằng nếu được nằm bệnh viện nó sẽ khỏi được.
Thế là bây giờ ngày mai, Picolino và tôi được trả tự do thật sự. Tim tôi nóng ran lên, tôi đã vĩnh viễn chiến thắng “Con đường của sự thối nát”, lúc đó là tháng 8 năm 1944. Tôi chờ đợi ngày này từ mười ba năm. Tôi lui về căn nhà nhỏ ở khu vườn. Tôi xin lỗi các bạn tôi, tôi muốn được ngồi lại một mình. Cảm xúc của tôi quá mãnh liệt, quá đẹp đẽ nên tôi không thể bộc lộ trước mặt người khác được. Tôi xem đi xem lại tấm căn cước mà ông giám đốc trao cho tôi: hình của tôi ở góc trái, trên là số 1728629, cấp ngày 3 tháng 4 năm 1944. Đứng giữa là tôi, phía dưới là tên tục. Phía sau là ngày sinh: 10 tháng 11 năm 1096. Giấy căn cước hoàn toàn hợp lệ, còn được giám đốc Sở Căn cước ký tên và đóng dấu đàng hoàng. Tình trạng: là “cư dân”. Từ “cư dân” thật là tuyệt vời, thế có nghĩa là tôi được cư trú ở Venezuela.
Tim tôi đập mạnh. Tôi muốn quỳ xuống tạ ơn trời. Tôi không biết cầu nguyện, cũng chưa được rửa tội. Tôi cầu trời nào chứ? Vì tôi có theo đạo nào đâu? Chúa lòng lành của những người theo đạo Cơ đốc ư? Hay đạo Tin lành? Hay đạo của người Do Thái? Của người Hồi? Tôi sẽ chọn ông Trời nào để hiến dâng lời cầu nguyện mà tôi phải hoàn toàn tự đặt ra vì tôi không biết trọn vẹn một bài kinh nào? Nhưng tại sao hôm nay tôi lại phải hỏi xem nên cầu ông Trời nào nhỉ? Trong đời tôi đã chẳng luôn luôn cầu nguyện (cũng có lúc nguyền rủa nữa) Đức Chúa Hài đồng Giêsu nằm trong cái giỏ cạnh bốn con lừa và con bò? Có phải trong tiềm thức, tôi còn thù oán các xơ bà tốt bụng ở Colombia chăng? Vậy thì sao không chỉ nghĩ đến Đức giám mục cao cả có một không hai ở Curacao, Đức Cha Irenée de Bruyne, hay xa hơn nữa, vị linh mục nhân hậu ở nhà tù Conciergerie?
Ngày mai tôi sẽ được tự do, hoàn toàn tự do. Năm năm nữa, tôi sẽ nhập quốc tịch Venezuela vì chắc chắn là tôi sẽ không phạm một lỗi nào trên đất nước đã cho tôi nơi ẩn náu và đã tin tôi. Trong đời, tôi phải lương thiện gấp đôi tất cả mọi người. Quả thật sở dĩ tôi không phạm tội giết người mà vẫn có một ngài chưởng lý, mấy tên cảnh sát và mười hai viên bồi thẩm bị thịt tống tôi đi tù, chẳng qua vì tôi là một kẻ du đãng. Vì tôi thật sự là một kẻ giang hồ nên người ta mới dễ dàng thêu dệt quanh nhân cách của tôi một mớ hổ lốn những điều bịa đặt. Mở két bạc của người khác không phải là một nghề đáng tin cậy, và xã hội có quyền cũng như có bổn phận phải tự bảo vệ. Sở dĩ tôi đã có thể ném vào con đường của sự thối nát, – tôi phải thành thật thú nhận như vậy – là vì tôi sống như một kẻ thường xuyên có khả năng rơi vào đấy. Cách trừng phạt tôi như vậy không xứng đáng với một dân tộc như dân tộc Pháp, xã hội có quyền tự vệ chứ không có quyền trả thù một cách hèn hạ như vậy, tất cả những việc đó lại là chuyện khác. Không thể xóa sạch quá khứ của tôi bằng cách lấy một mảnh giẻ lau đi, tôi phải tự khôi phục danh dự của mình đối với bản thân mình trước đã, rồi sau đó, đối với mọi người xung quanh. Vậy thì hỡi Papi, hãy cảm ơn Chúa lòng lành của những người Cơ đốc đi, hãy hứa với Người một điều gì cực kỳ quan trọng.
Lạy Chúa, xin người tha tội cho con nếu con không biết cầu nguyện nhưng Người hãy trông vào con, Người sẽ thấy là con không đủ chữ nghĩa để bày tỏ lòng biết ơn của con đối với Người đã đưa con đến chốn này. Cuộc đấu tranh thật là khó khăn, vượt qua nỗi đắng cay mà người ta đã bắt con phải chịu không phải dễ dàng, nếu con vượt qua được tất cả mọi trở ngại và sống khỏe mạnh cho đến ngày lành hôm nay, chắc chắn là có bàn tay Người đã phù hộ cho con. Con biết làm gì đây để chứng tỏ con thành thật biết ơn Người? “- Từ bỏ việc trả thù.” Tôi đã nghe thấy hay tưởng chừng nghe thấy câu trả lời này? Tôi không rõ, nhưng nó đã tát mạnh vào mặt tôi khiến tôi phải công nhận là hình như tôi có nghe trả lời như vậy thật.

– Không! Điều ấy thì không! Người đừng bắt con làm như vậy. Những kẻ đó đã làm con đau khổ quá nhiều. Làm sao con có thể tha thứ cho bọn cảnh sát gian xảo, cho tên làm chứng điêu ngoa Polein? Thôi không cắt lưỡi lão chưởng lý vô nhân đạo? Không thể được. Không, không và không! Con rất ân hận đã làm trái ý người nhưng bằng bất kỳ giá nào, con sẽ trả thù.
Tôi đi ra ngoài, tôi sợ yếu lòng, tôi không muốn thoái chí. Tôi đi vài bước trong vườn. Toto sửa sang cho thân cây đậu cuốn quanh mấy cái sào. Toto, dân thủ đô Paris chứa chan hy vọng đối với hạ lưu ở đường Lappe, Antartaghia, tên móc túi, sinh ra ở đảo Carse nhưng trong nhiều năm đã nẫng túi tiền của dân Paris, và Deplanque, tên sát nhân người Dijon đã giết một thằng cũng làm ma-cô như nó, cả ba người đến gần tôi Họ ngắm tôi, mặt mày họ rạng rỡ vì thấy tôi cuối cùng đã giành được tự do. Chẳng bao lâu nữa cũng sẽ đến lượt họ.
– Cậu không mang về chai rượu vang hay rượu rum nào để ăn mừng việc cậu đi à?
– Xin lỗi, tớ bị xúc động quá nên quên. Các cậu tha thứ cho tớ nghe.
– Không, Papi ơi, không có gì phải tha thứ cả, tôi sẽ pha cà phê nóng cho tất cả đây?
– Anh Papi, anh bằng lòng rồi nhé, bây giờ anh đã được hoàn toàn tự do sau bao nhiêu năm đấu tranh. Chúng tôi đều mừng cho anh.
– Tôi hy vọng rồi cũng đến lượt các cậu.

– Chắc chắn là như vậy rồi, – Toto nói. – Đại úy nói với tôi rằng cứ mười lăm ngày, ông lại trả tự do cho một người trong bọn ta.
– Được tự do rồi, anh định làm gì đây? Tôi do dự một hai giây, rồi tuy sợ bị những kẻ cùng cảnh tù đày kia thấy mình lố bịch, tôi cũng can đảm đáp:
– Tớ sẽ làm gì à? Cũng chẳng có gì phức tạp lắm: tớ bắt đầu lao động và sẽ luôn luôn làm ăn lương thiện. Đất nước này đã tin cậy tớ, tớ mà phạm tội gì thì xấu hổ lắm.
Tường sẽ nhận được một lời mỉa mai, ai dè cả ba người đều cùng thú thật:.
– Tôi cũng vậy, tôi quyết định sẽ sống cho đúng đắn. Papillon ạ, anh nói đúng, sẽ khó đấy, nhưng phải làm như vậy và dân Venezuela cũng xứng đáng được chúng mình kính nể.
Tôi không tin ở tai tôi nữa. Toto, tên lưu manh hạ lưu ở khu Bastille cũng có những ý nghĩ như thế ư? Thật là bất ngờ, Antartaglia suốt đời chỉ đi móc túi người khác cũng phản ứng như vậy sao? Thật tuyệt vời. Và Deplanque ma cô chuyên nghiệp lại không dự định tìm một người phụ nữ nào để lợi dụng khai thác họ ư? Cái đó còn lạ hơn. Tất cả chúng tôi cùng phá lên cười.

– Chà! Lại có chuyện như vậy nữa sao. Thật là đáng giá ngàn vàng, nếu nay mai cậu trở về khu Montmartre, ra Quảng trường Trắng mà kể lại chuyện này thì chẳng ai tin đâu.
– Những tay anh chị trong giới chúng ta sẽ tin đấy. Họ hiểu mà. Chỉ có bọn trưởng giả mới không chịu tin. Đại đa số dân Pháp không chịu thừa nhận rằng một người có quá khứ như chúng ta có thể trở thành người tốt về mọi mặt. Đấy là điều khác nhau giữa dân Venezuela và dân chúng ta. Tớ đã kể cho các cậu nghe luận điểm của một ngư dân nghèo ở Irapa: bác ta đã giải thích cho khu trưởng rằng không có người nào là đồ bỏ cả và phải tạo cơ hội cho người ta trở thành lương thiện.
Những ngư dân hầu hết là mù chữ ở vịnh Paria, bên lề thế giới, lọt thỏm vào giữa cái cửa sông Orénoque mênh mông, có một triết lý nhân văn mà nhiều đồng bào của chúng ta không có nổi. Qúa nhiều tiến bộ về máy móc, một cuộc sống bon chen, một xã hội chỉ theo đuổi một lý tưởng duy nhất là làm sao có được nhiều phát minh về máy móc, tiến tới một cuộc sống ngày càng dễ dãi hơn, tiện nghi hơn. Thường thức các phát minh về máy móc cũng giống như mút kem, chỉ lôi cuốn người ta thèm khát nhiều tiện nghi hơn nữa và đấu tranh liên tục để đạt tới cái đích đó. Những cái đó giết chết tâm hồn, lòng trắc ẩn, sự thông cảm, và sự cao thượng. Người ta không còn thì giờ để quan tâm đến người khác, lại càng ít thì giờ hơn để quan tâm đến những kẻ phạm tội. Ngay các nhà cầm quyền ở chốn này cũng khác ở nước ta, vì họ chịu cả trách nhiệm vê sự yên tĩnh công cộng. Dù họ có thể bị gặp nhiều điều phiền phức lớn lao nhưng họ cũng nghĩ rằng cứ phải làm liều một chút để cứu lấy một con người. Và như thế thật tuyệt vời.
Tôi có một bộ đồ xanh nước biển do học trò của tôi bây giờ là đại tá, tặng: Anh ta đã vào trường sĩ quan được một tháng, sau khi lọt vào số ba người đỗ dầu trong cuộc thi tuyển. Tôi sung sướng thấy mình cũng góp phần vào thành công của anh bằng các bài tôi đã giảng cho anh. Trước khi đi, anh đã tặng tôi mấy bộ quần áo còn mới của anh, vừa khít với tôi. Tôi ra đi, ăn vận chững chạc nhờ Francisco Bolagno, hạ sĩ của quân cảnh vệ quốc gia, nay đã là chủ gia đình và đã là bố. Viên sĩ quan này, ngày nay đã là đại tá, trong hai mươi sáu năm liền đã dành cho tôi một tình bạn chân thành và không bao giờ phai nhạt. Ông là biểu trưng chân chính của tính cương trực, cao thượng, và của những tình cảm cao cả nhất mà một con người có thể có được. Tuy ở một địa vị cao trong thứ bậc quân sự, ông luôn luôn biểu lộ tình bạn trung thành của ông đối với tôi và sẵn sàng giúp tôi bất cứ việc gì. Tôi đã chịu ơn đại tá Francisco Bolagno Utrera rất nhiều.
Phải, tôi sẽ làm hết cách để trở thành người lương thiện và giữ sao cho mình mãi lương thiện. Chỉ có một điều phiền phức là tôi chưa làm việc bao giờ, tôi không biết làm gì cả. Tôi phải làm bất cứ việc gì để kiếm sống. Cũng không dễ, nhưng chắc chắn là tôi sẽ làm được. Ngày mai tôi sẽ trở thành một người như những người khác. Công tố viên! Ngươi đã thua ta rồi: ta đã thoát hẳn ra khỏi con đường của sự thối nát. Tôi trăn trở hồi lâu trên võng, thao thức trong đêm cuối cùng của cuộc đời tù tội long đong. Tôi ngồi dậy, đi ra thăm cái vườn mà tôi đã bỏ biết bao nhiêu công sức để săn sóc trong những tháng qua. Trăng sáng như ban ngày. Nước sông lặng lẽ chảy ra biển. Không có tiếng chim: chúng đang ngủ. Trời đầy sao, nhưng trăng sáng quá, phải đứng quay lưng lại phía trăng mới thấy được sao. Trước mặt tôi là bóng tối của rừng, chỉ có một điểm sáng mờ mờ là làng El Dorado.
Cảnh tĩnh mịch sâu lắng của thiên nhiên làm cho tôi thư thái. Nỗi bồn chồn đã lắng dịu dần và đêm thanh vắng đã đem lại cho tôi sự thanh thản mà tôi đang cần. Tôi tưởng tượng thấy rất rõ nơi mà ngày mai tôi từ xà-lan đặt chân lên mảnh đất của Simon Bolivar, người đã giải phóng nước này khỏi sự thống trị của Tây Ban Nha và đã để lại cho các thế hệ sau những tình cảm nhân đạo và sự thông cảm đã làm cho tôi có thể bắt đầu được sống lại. Tôi đã ba mươi bảy tuổi, tôi còn trẻ. Thể trạng của tôi hoàn hảo. Tôi chưa bao giờ ốm nặng, thần kinh tôi hoàn toàn bình thường. Tôi dám nói vậy. Con đường thối nát mà không để lại trong tôi những dấu vết sa đọa. Tôi cho đó chủ yếu là do tôi không bao giờ thực sự thuộc về nó cả. Trong những tuần tự do đầu tiên, tôi không những phải tìm cách kiếm sống cho mình, mà còn phải săn sóc và nuôi sống Picohno. Đối với tôi, trách nhiệm ấy thật nặng nề. Tuy cậu ta là gánh nặng đối với tôi, tôi sẽ giữ lời hứa với giám đốc trại giam, cho đến khi nào đưa được Picolino vào bệnh viện, nơi có những người chuyên môn giỏi chữa bệnh cho cậu, mới thôi.
Tôi có nên báo tin cho bố tôi biết là tôi đã được tự do không? Đã nhiều năm, ông cụ không biết gì về tôi. Không biết bây giờ ông cụ ở đâu? Những tin tức duy nhất mà ông cụ có được về tôi là do cảnh sát đến hỏi mỗi lần tôi vượt ngục. Không, tôi không được hấp tấp. Tôi không có quyền làm vết thương có lẽ đã thành sẹo sau bao nhiêu năm nay, lại rớm máu. Tôi sẽ viết thư cho ông cụ khi nào tôi đã ổn định, đã có một vị trí nhỏ vững vàng, không có vấn đề gì rắc rối, khi tôi đã có thể nói với ông cụ: “Thưa ba, con của ba đã được tự do, đã trở thành một người tốt và lương thiện. Con đã sống như thế này, bằng cách này. Ba không phải cúi đầu khi nghĩ về con nữa, và cũng vì thế cho nên con mới viết thư này để nói với ba là con luôn luôn yêu thương và tôn kính ba”. Đang có chiến tranh, không biết quân Đức có chiếm đóng làng chúng tôi không? Ardèche không phải là một vùng có chút gì quan trọng về chiến lược của nước Pháp. Chắc chúng cũng chẳng chiếm đóng hết cả tỉnh này. Ở đấy phỏng chúng kiếm được cái gì ngoài hạt dẻ ra. Phải, chỉ khi nào tôi tự thấy mình đã xứng đáng tôi mới viết thư, hay nói cho đáng tôi mới viết thư, hay nói cho đúng hơn mới tìm cách viết thư về nhà.
Tôi sẽ đi đâu bây giờ? Tôi sẽ định cư ở một làng gần mỏ vàng tên gọi là Le Callao. Tôi sẽ sống ở đó một năm – thời gian người ta đòi hỏi tôi phải sống trong một cộng đồng nhó. Rồi tôi sẽ làm gì? Ai mà biết được: Mi đừng đặt trước những vấn đề như vậy. Dù phải cuốc đất để kiếm miếng ăn, mi cũng phải làm, có thế thôi. Tôi phải tập sống tự do, việc này sẽ không dễ đâu. Mười ba năm rồi, không kể mấy tháng ở Georgetown, tôi không phải lo đến chuyện kiếm ăn. Dù sao hồi ở Georgetown, tôi cũng đã xoay xở được. Cuộc phiêu lưu vẫn tiếp tục, tôi phải nghĩ ra phương kế để mà sống, dĩ nhiên là không làm hại đến ai. Rồi sẽ tính sau! Nào, cứ đến Le Callao đã.

Bảy giờ sáng. Ánh nắng đẹp vùng nhiệt đới, bầu trời xanh không gợn một bóng mây, chim hót líu lo sáng ngời niềm vui sống. Các bạn tôi đã về tựu ở cổng vườn. Picolino mặc quần áo thường, cạo râu sạch sẽ. Tất cả mọi thứ: cảnh thiên nhiên, vật và người đều toát lên niềm vui và đều mừng cho tôi được tự do. Có một thiếu úy cùng đến với nhóm bạn bè tôi:
– anh ta sẽ cùng đi với chúng tôi đến làng El Dorado.
– Chúng ta hãy hôn nhau, rồi anh đi đi, – Toto nói. Như vậy sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người.
– Từ biệt các bạn thân mến, nếu có dịp đi qua Le Callao các bạn đến tìm tôi nhé. Nếu tôi có nhà riêng thì đó cũng là nhà của các bạn.
– Từ biệt Papi, chúc anh gặp may mắn nhé!
Chúng tôi đi nhanh xuống bến và lên xà-lan. Picolino đi khá vững vàng. Cậu ta chỉ bị liệt từ hông trở lên, chứ chân thì không sao. Mười lăm phút sau, chúng tôi đã qua sông.
– Giấy tờ của Picolino đây. Anh bạn Pháp, chúc anh may mắn nhé. Từ giờ phút này anh được tự do Adios!
Rứt bỏ những xiềng xích đeo đẳng mình đã mười ba năm cũng chẳng khó khăn gì. “Anh được tự do từ giờ phút này”. Người ta đã quay mặt đi, không giám sát anh nữa. Chỉ có thế thôi. Chúng tôi leo nhanh con đường đá cuội từ bờ sông đi lên. Chúng tôi chỉ có một gói nhó, ở trong có ba cái áo sơ-mi và một cái quần dài để thay đổi. Tôi mặc bộ com-lê màu xanh hàng hải, sơ-mi trắng, thắt ca-vát xanh cùng màu với áo ngoài. Nhưng dĩ nhiên làm lại cuộc đời không phải như khâu lại chiếc khuy áo. Và nếu giờ đây, hai mươi lăm năm sau, tôi đã có vợ, có một con gái, đã sống sung sướng ở Caracas, đã là công dân Venezuela, thì đó là do trải qua biết bao nhiêu chuyện khác, bao nhiêu thành công và đổ vỡ, nhưng là của một người tự do và một công dân đứng đắn. Sau này có lẽ tôi sẽ có dịp kể những chuyện đó, và còn nhiều chuyện ly kỳ nữa không thể kể ở đây.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.