Người trộm bóng

Chương 11: Phần 2 - Chương 04


Bạn đang đọc Người trộm bóng – Chương 11: Phần 2 – Chương 04

Tôi nhận được bức thư đầu tiên của mẹ mười ngày sau khi tôi quay về. Như trong mỗi bức thư gửi cho tôi, mẹ lại hỏi thăm tin tức của tôi, hi vọng sớm nhận được hồi âm. Song thường vài tuần sẽ trôi qua trước khi tôi tìm được sức lực cần thiết khi quay về nhà để ẹ được hưởng niềm vui đó. Sự thiếu nhiệt tình của những đứa con với cha mẹ chúng khi lớn lên có thể nói gọn lại là thói ích kỉ không hơn không kém. Tôi càng cảm thấy mình có lỗi hơn khi giữ tất cả thư từ mẹ gửi trong một chiếc hộp đặt trên giá sách, giống như một sự hiện diện đầy trìu mến.
Sophie và tôi gần như không gặp lại nhau kể từ sau cuộc trốn chạy tạm thời khỏi bệnh viện, thậm chí chúng tôi còn không trải qua lấy một đêm cùng nhau. Trong kì nghỉ ngắn ngủi tại ngôi nhà thời thơ ấu của tôi, giữa hai chúng tôi đã hình thành nên một đường ranh giới mà cả tôi lẫn cô đều chưa thể vượt qua thành công. Khi tôi cầm lấy bút để viết ẹ, những từ cuối cùng tôi viết là Sophie ôm hôn bà. Ngày hôm sau khi viết ra điều không đúng sự thật ấy, tôi tới khoa tìm cô để thú nhận rằng tôi nhớ cô. Đến hôm sau, cô đồng ý để tôi đưa cô đi xem phim, nhưng khi bộ phim kết thúc, cô lại muốn quay về nhà mình.
Từ một tháng nay Sophie cho phép một anh chàng nội trú ở khoa Nhi tán tỉnh cô, tự quyết định đặt dấu chấm hết cho sự không chắc chắn của chúng tôi. Có lẽ trước hết là của tôi. Biết rằng một gã đàn ông khác có nguy cơ sẽ giành mất thứ mà tôi không quyết định nổi có muốn thuộc về mình hay không khiến tôi phát điên. Tôi làm tất cả để chinh phục lại cô, và hai tuần sau đó, cơ thể của cả hai chúng tôi lại kề bên nhau trên giường tôi. Tôi đã tống khứ được kẻ quấy rối, cuộc sống tiếp tục dòng chảy của nó, và nụ cười trở lại trên khuôn mặt tôi.
Tới đầu tháng Chín, khi trở về nhà sau một ca trực dài dằng dặc, tôi bắt gặp một điều ngạc nhiên đầy thú vị chờ đợi mình. Luc đang ngồi trên một chiếc va li nhỏ, dáng vẻ nhớn nhác song khuôn mặt lại tươi hơn hớn.
– Cậu bắt tớ đợi lâu quá, đồ mắc dịch! cậu vừa nói vừa đứng dậy. Tớ hi vọng cậu còn thứ gì bỏ bụng, vì tớ sắp chết đói rồi đây.
– Cậu làm quái gì ở đây thế? tôi vừa hỏi Luc vừa mở cửa căn phòng tôi đang ở.
– Bố tớ đuổi việc tớ rồi!
Luc đã cởi phăng chiếc áo vest đang mặc ra rồi gieo mình ngồi phịch xuống chiếc ghế bành duy nhất trong phòng. Trong lúc tôi mở cho cậu ta một hộp cá ngừ và trải khăn lên trên chiếc rương được dùng luôn làm bàn ăn, Luc hối hả kể lại câu chuyện của cậu ta.
– Tớ chẳng hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với ông cụ nữa. Cậu biết đấy, buổi tối sau hôm cậu đi, sau khi ủ bột, tớ rất ngạc nhiên khi không thấy ông cụ quay trở vào lò bánh. Tớ nghĩ cụ ngủ quên chưa dậy, thậm chí còn thấy hơi lo là đằng khác. Tớ mở cánh cửa dẫn ra con hẻm và thấy bố tớ ngồi trên ghế, cụ đang khóc. Tớ hỏi bố liệu có chuyện gì không ổn hay không, song cụ không muốn trả lời tớ. Cụ chỉ lẩm bẩm là cảm thấy hơi mệt, rồi buộc tớ phải hứa sẽ quên việc từng bắt gặp cụ trong tình trạng đó, đồng thời không được nói gì với mẹ tớ. Tớ hứa liền. Nhưng kể từ tối hôm đó, bố tớ không còn như trước nữa. Thông thường, cụ tương đối nghiêm khắc với tớ trong công việc, tớ biết đó là cách bố dạy tớ nghề làm bánh, vì thế tớ không thể giận cụ được. Nhưng thế đấy, mỗi ngày tớ thấy cụ dần trở nên nhẹ nhàng hơn, gần như có thể gọi là dịu dàng. Khi tớ làm hỏng bước tạo hình cho những chiếc bánh mì, thay vì quạt cho tớ một trận nên thân, bố tớ lại bên cạnh chỉ dẫn cách làm cho tớ một lần nữa, và cứ mỗi lần như thế cụ lại nói với tớ rằng không có gì nghiêm trọng, rằng ngay cả cụ cũng có lúc phạm sai lầm. Tớ xin thề với cậu là tớ không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra nữa. Có một tối, thậm chí ông cụ còn ôm lấy tớ trong vòng tay. Lúc đó thậm chí tớ còn nghĩ có khi cụ bị mất trí. Mà kết luận của tớ không khéo cũng chẳng sai là mấy, vì vừa hôm kia ông cụ đã sa thải tớ như một anh chàng học việc thông thường. Vào lúc 6 giờ sáng, bố tớ nhìn thẳng vào mắt tớ và nói với tớ rằng nếu tớ vụng về đến thế, thì có nghĩa là nghề làm bánh không phải dành cho tớ, và thay vì làm mất thời gian của mình, đồng thời làm mất thời gian của ông, tốt nhất tớ nên biến ra thành phố thử vận may. Tớ chỉ còn việc tự chọn lấy con đường đi ình, vì ngày nay đó là cách khiến người ta cảm thấy hạnh phúc. Bố tớ đã thực sự nổi giận khi nói với tớ như thế. Đến giờ ăn trưa, ông thông báo với mẹ tớ rằng tớ sẽ rời khỏi nhà, còn ông sẽ đóng cửa tiệm bánh trong quãng thời gian còn lại của ngày hôm đó. Tối ấy, không ai nói gì bên bàn ăn, còn mẹ tớ đã khóc. Có nghĩa là, khi ở bên bàn ăn bà rưng rưng nước mắt, nhưng mỗi lần tớ đi vào bếp, bà lại đi theo ôm chầm lấy tớ trong vòng tay bà rồi thì thầm với tớ rằng đã lâu lắm rồi bà không cảm thấy hạnh phúc đến thế. Mẹ tớ mừng quýnh lên vì bố tớ tống khứ tớ ra khỏi cửa… Tớ xin thề với cậu, bố mẹ tớ đúng là đã mất trí cả lượt! Tớ thậm chí đã ngó qua lịch đến ba lần để đoan chắc rằng hôm đó không phải là ngày Cá tháng Tư.
Đến sáng, bố tớ tới tận phòng tìm tớ, ông cụ ra lệnh cho tớ đóng đủ lệ bộ vào. Hai bố con lên xe của ông cụ, và đi liền một mạch tám giờ trên đường, tám giờ liền không nói với nhau lấy một lời. Trừ lúc giữa trưa ông cụ hỏi tớ đã đói chưa. Hai bố con tớ đến đây lúc sẩm tối, ông cụ thả tớ xuống trước tòa nhà này rồi cho tớ biết cậu sống ở đây. Làm sao bố tớ biết được điều đó? Thậm chí tớ còn không biết! Ông cụ xuống xe, lấy túi của tớ ra khỏi cốp để xuống dưới chân tớ. Rồi bố tớ đưa cho tớ một chiếc phong bì và nói với tớ chỗ đó cũng không nhiều nhặn gì, nhưng đó là tất cả những gì ông cụ có thể thu xếp được, với món tiền đó tớ có thể cầm cự được ít lâu. Rồi cụ lên xe đi luôn.
– Mà không nói gì thêm với cậu sao? tôi hỏi.
– Có chứ. Trước khi nổ máy, cụ tuyên bố với tớ: “Nếu rồi đây mày nhận ra mày cũng là một bác sĩ tệ hại chẳng kém gì khi là thợ làm bánh, hãy quay về nhà, và lần này bố sẽ dạy dỗ mày đến nơi đến chốn.” Cậu có hiểu thế có nghĩa là gì không?
Tôi bật nút chai rượu vang duy nhất của tôi, một món quà của Sophie mà chúng tôi chưa kịp uống vào buổi tối cô tặng nó cho tôi. Tôi rót cho hai đứa chúng tôi hai cốc to, và vừa chạm cốc, tôi vừa trả lời Luc rằng không, tôi chẳng hiểu gì hết.
*
Tôi giúp cậu bạn học cũ hoàn tất mọi giấy tờ cần thiết để đăng kí vào năm thứ nhất trường Y, tôi tháp tùng cậu tới tận phòng tiếp nhận hồ sơ, tại đó cậu ta đã phải hi sinh phần lớn ruột chiếc phong bì bố cậu đưa cho.
Các khóa học sẽ bắt đầu trở lại vào tháng Mười. Chúng tôi sẽ lại học cùng nhau. Tôi và Luc sẽ không còn ngồi cạnh nhau trong cùng một lớp, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi có thể gặp nhau trong khoảnh vườn nhỏ ở bệnh viện. Dù tại đây không hề có cây dẻ hay cột bóng rổ nào, chúng tôi nhanh chóng biến nơi đây thành sân chơi mới của mình.
Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau tại đó, chính tôi là người đã thầm cảm ơn cái bóng của cậu.
*
Luc ở cố định trong căn phòng của tôi. Cuộc sống chung giữa hai chúng tôi không thể đơn giản hơn, hai người ông sống theo hai thời gian biểu lệch hẳn nhau. Cậu thừa hưởng cái giường của tôi trong lúc tôi trực đêm, và rời nhà đi học khi tôi quay về nhà. Những dịp hiếm hoi hai chúng tôi buộc phải cùng chia sẻ căn phòng, cậu trải một tấm nệm xuống dưới cửa sổ, cuộn tròn tấm ga trải thành gối rồi nằm ngủ ngon lành.
Đến tháng Mười một, cậu thú nhận với tôi đang hẹn hò với một cô bạn sinh viên mà cậu vẫn thường học cùng. Annabelle kém cậu năm tuổi, nhưng cậu bạn tôi thề rằng cô bé là một phụ nữ trưởng thành hơn nhiều so với tuổi của cô.
Đầu tháng Mười hai, Luc đề nghị tôi giúp cậu một chuyện vô cùng quan trọng. Tối đó tôi tới gõ cửa nhà Sophie, cô lập tức đón nhận tôi lên giường mình. Mối quan hệ Luc duy trì với Annabelle cuối cùng cũng đẩy tôi xích lại gần Sophie hơn. Tôi ngủ lại nhà cô mỗi lúc một thường xuyên hơn, và Annabelle cũng ngủ lại nhà tôi thường xuyên hơn. Các buổi tối Chủ nhật, Luc tập trung tất cả chúng tôi trong căn phòng của tôi, sau đó cậu bắt tay vào làm việc với chiếc lò nướng, cho chúng tôi được dịp thưởng thức tài năng làm bánh của cậu. Tôi không còn nhớ nổi chúng tôi đã nếm qua bao nhiêu chiếc bánh trứng và bánh mì tròn nữa. Bữa tối kết thúc, Sophie và tôi để Luc và Annabelle ở lại “ôn bài” một cách hoàn toàn riêng tư.
*

Tôi chưa gặp lại mẹ kể từ dịp hè, bà đã hủy bỏ chuyến đi thăm thường lệ vào mùa thu. Mẹ tôi cảm thấy mệt và quyết định không thực hiện chuyến đi nữa. Trong bức thư mẹ viết cho tôi rằng cũng như bà, cả căn nhà đang dần già đi. Mẹ tôi từng bắt tay vào sơn lại ngôi nhà, và rồi mùi của các loại dung môi cuối cùng cũng làm bà thấy khó chịu. Qua điện thoại, mẹ cả quyết trấn an tôi rằng không có lí do gì phải lo lắng cả. Vài tuần lễ nghỉ ngơi và mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy. Mẹ bắt tôi hứa sẽ về thăm bà vào dịp Giáng sinh, và Giáng sinh đang tới gần.
Tôi đã mua quà cho bà, đặt vé tàu và thu xếp để không phải trực hôm 24 tháng Mười hai. Một tài xế xe buýt và một mảng băng đóng trên đường đã làm hỏng tất cả dự định của tôi. Một cú mất lái không kiểm soát được, theo lời các nhân chứng, đã khiến chiếc xe buýt tông vào hàng rào chắn trước khi lật nghiêng sang một bên. Bốn mươi tám nạn nhân kẹt trong xe, mười sáu người trên vỉa hè. Tôi đang chuẩn bị túi hành lí đi đường thì máy nhắn tin của tôi bắt đầu rung lên trên bàn đầu giường. Tôi gọi tới bệnh viện, tất cả sinh viên ngoại trú đều được huy động. Khu sảnh của khoa cấp cứu chìm trong một cơn hỗn loạn thực sự, các y tá đều bị quá tải, mọi phòng khám đều có bệnh nhân, còn nhân viên bệnh viện không ngừng hối hả chạy tới chạy lui theo mọi hướng. Những người bị thương nặng nhất chờ đến lượt được đưa vào phòng mổ, những người bị nhẹ hơn buộc phải kiên nhẫn nằm chờ trên những chiếc cáng ngoài hành lang. Luc, với nhiệm vụ của hộ lí, không ngừng chạy đi chạy lại như con thoi giữa xe cấp cứu đang không ngớt đổ về bệnh viện và khu vực phân loại bệnh nhân. Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm việc cùng nhau. Trông cậu bạn tôi tái xanh, và mỗi khi cậu lao qua trước mặt tôi, tôi lại để ý chăm chú quan sát cậu.
Khi những người lính cứu hỏa[*] giao lại cho cậu bạn học cũ của tôi một người đàn ông với xương chày và xương mác chọc thẳng vuông góc xuyên qua bắp chân, tôi thấy cậu quay về phía tôi, mặt xanh lét, áp người vào hai cánh cửa dẫn vào sảnh tiếp nhận bệnh nhân trước khi đổ ập người xuống sàn nhà lát gạch men ô vuông bàn cờ. Tôi vội vàng chạy tới nâng cậu dậy, dìu cậu tới ngồi xuống một chiếc ghế tựa trong phòng đợi để cậu có thời gian định thần lại.
[*] Tại Pháp, lính cứu hỏa không chỉ làm nhiệm vụ chữa cháy mà còn tham gia giải quyết các trường hợp cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp…
Cuộc tra tấn kéo dài gần hết đêm. Tới mờ sáng, cảnh tượng ở khoa cấp cứu không khác gì một quân y viện vài giờ sau trận đánh. Mặt đất bê bét vết máu và rải đầy băng gạc. Không khí yên tĩnh trở lại, các nhân viên cấp cứu bắt tay vào thu dọn bãi chiến trường.
Luc vẫn ngồi yên ở chiếc ghế tựa nơi tôi đã để cậu lại. Tôi tới ngồi xuống cạnh cậu. Cậu bạn học cũ của tôi đang ngồi tựa cằm trên hai đầu gối. Tôi buộc cậu ngồi ngay người lên và nhìn thẳng vào mắt tôi.
– Xong rồi, tôi nói với Luc. Cậu vừa trải qua lần thử lửa đầu tiên, và ngược lại với những gì cậu nghĩ, cậu đã xoay xở không đến nỗi nào đâu.
Luc thở dài, đưa mắt nhìn quanh một vòng rồi vội vàng lao ra ngoài để trút hết những gì có thể từ trong dạ dày ra. Tôi đi theo để đỡ cậu khỏi ngã.
– Cậu thấy sao về cách tớ xoay xở lúc nãy? Luc vừa tựa lưng vào tường vừa hỏi tôi.
– Quả là một đêm Giáng sinh ra trò, tớ cam đoan với cậu là cậu xử sự rất cừ.
– Tớ đã xử sự như đồ bỏ đi, chắc cậu muốn nói vậy, tớ đã ngoảnh mặt đi không dám nhìn, và vừa rồi còn nôn thốc nôn tháo ra nữa; với một sinh viên y, tớ có thể hình dung ra đó quả là màn trình diễn ấn tượng hạng nhất.
– Nếu điều này có thể làm cậu an tâm, xin nói luôn là tớ đã ngất xỉu ngay hôm đầu tiên bước chân vào phòng thực hành giải phẫu.
– Cảm ơn đã cảnh báo trước, tới thứ Hai tuần sau tớ sẽ bắt đầu giờ thực hành giải phẫu đầu tiên.
– Tất cả sẽ ổn thôi, rồi cậu xem.
Luc ném về phía tôi một cái nhìn bỏng rát.
– Không, chẳng có gì ổn hết. Tớ quen nhào bột chứ không phải da thịt còn rớm máu, tớ quen cắt bánh mì chứ không phải những chiếc áo sơ mi và quần dài ướt sũng máu, và hơn hết, tớ chưa bao giờ thấy một chiếc bánh xốp rên la gào thét cho đến chết, ngay cả khi tớ cắm ngập con dao vào nó. Tớ tự hỏi liệu thực sự tớ có phải là người dành cho những việc này không, cậu biết đấy.
– Luc, phần lớn sinh viên y đều từng gặp phải cảm giác ngờ vực như thế. Cùng với thời gian cậu sẽ quen dần. Cậu không thể tưởng tượng được chăm sóc cho ai đó là một điều tuyệt vời thế nào đâu.
– Tớ quen chăm sóc mọi người bằng những chiếc bánh mì sô cô la, và tớ có thể cam đoan với cậu là cách này lúc nào cũng hiệu nghiệm, Luc vừa đáp vừa cởi chiếc áo blu ra.
Tôi gặp lại cậu ở căn phòng của chúng tôi muộn hơn một chút trong sáng hôm đó. Cậu đang lôi hết đồ trong túi xách ra, rồi vẫn trong cơn bực bội, cậu bạn học cũ của tôi xếp đồ của mình trở lại các ngăn kéo tủ áo được dành cho cậu.
– Đây là lần đầu tiên em gái tớ trải qua một dịp lễ Giáng sinh mà không có tớ. Tớ biết nói gì với nó qua điện thoại để giải thích lí do khiến tớ vắng mặt đây?
– Sự thật, bạn thân mến của tôi ơi, đúng như nó đã xảy ra.

– Với cô em gái mới mười một tuổi của tớ sao? Cậu còn ý tưởng nào kiểu đó để đề xuất với tớ nữa không?
– Cậu đã dành cả đêm Giáng sinh để cứu giúp những người gặp nạn, cậu nghĩ rằng vì thế mà gia đình cậu sẽ trách móc cậu sao? Mà biết đâu rất có thể chính cậu đã ở trên chiếc xe buýt đó, vậy hãy thôi đừng có than vãn nữa.
– Và rất có thể tớ đã được có mặt ở nhà! Ở đây tớ cảm thấy thật ngột ngạt, tớ đang chết ngạt trong thành phố này, trong giảng đường, trong những cuốn giáo trình cần phải ngốn ngấu cả đêm lẫn ngày.
– Cậu có thể vui lòng nói cho tớ biết có chuyện gì không ổn hay không đây? tôi hỏi Luc.
– Annabelle, cô ấy chính là điều không ổn. Tớ luôn mơ được có cuộc sống chung với một cô gái, mà cậu không thể biết đến mức độ nào đâu. Mỗi lần bố tớ nhắc nhở tớ tập trung vào công việc vì ông thấy tớ đang để đầu óc tận đâu đâu, những lúc như thế tớ đều đang tưởng tượng ra mình ở bên một cô gái. Và giờ đây, khi chuyện đó thực sự đến với tớ, tớ lại chỉ có một mong muốn duy nhất, được trở lại một mình như trước. Thậm chí tớ còn phát bực với cậu khi thấy cậu không chịu chăm chút nhiều hơn ối quan hệ của cậu với Sophie. Lần đầu tiên tớ trông thấy cô ấy ở nhà mẹ cậu, tớ đã tự nhủ thật hoài của, đúng là đổ mứt quả hảo hạng cho lợn ăn.
– Xin cảm ơn.
– Tớ xin lỗi, nhưng tớ thấy rõ hầu như cậu chẳng buồn để mắt nhìn cô ấy, một cô gái như thế, thật đúng là lạ lùng.
– Cậu đang định nói bóng gió với tớ là cậu phải lòng Sophie chắc?
– Đừng có ngớ ngẩn thế, nếu đúng là vậy, tớ sẽ chẳng thèm bóng gió làm gì, tớ chỉ đang muốn nói với cậu là tớ chẳng còn hiểu gì nữa. Tớ phát ngán Annabelle rồi, cô nàng thực sự chẳng có gì thú vị cả. Cô ấy lúc nào cũng làm bộ nghiêm trọng và luôn nhìn tớ với vẻ bề trên vì tớ đã lớn lên ở tỉnh lẻ.
– Cái gì khiến cậu nghĩ thế?
– Cô ấy về dự lễ Giáng sinh cùng gia đình, tớ đã ngỏ ý muốn đi cùng, song tớ cảm thấy rõ ý tưởng giới thiệu tớ với bố mẹ mình làm cô ấy không được thoải mái cho lắm. Bọn tớ không thuộc về cùng một thế giới.
– Cậu không nghĩ cậu đang bi kịch hóa mọi thứ lên hơi thái quá đấy chứ? Giới thiệu ai đó với gia đình, việc này đâu phải không có hệ quả của nó, nghĩa là ít nhiều nó cũng có ý nghĩa nhất định, đó là một giai đoạn trong bất cứ mối quan hệ nào.
– Cậu đã nghĩ tới tất cả những gì cậu vừa nói khi đưa Sophie về nhà mẹ cậu hay chưa?
Tôi lặng im nhìn Luc. Không, tôi chẳng hề nghĩ tới chúng khi đột ngột mời Sophie về nhà cùng tôi, và chỉ đến bây giờ tôi mới nghĩ tới những gì có lẽ cô đã đi tới kết luận vào lúc đó. Thói ích kỉ và ngớ ngẩn của tôi quá đủ để giải thích tại sao cô lại lánh xa tôi như vậy từ đầu mùa thu. Tôi đã chẳng có lấy một lời mời dành cho cô vào lễ Giáng sinh. Tình bạn pha lẫn hương vị yêu đương của chúng tôi cứ thế nhạt dần, và tôi là kẻ duy nhất không hề nhận ra điều đó. Tôi để mặc Luc ngồi lại một mình với tâm trạng ủ ê của cậu ta để lao bổ tới bên điện thoại gọi cho Sophie. Không ai bắt máy. Biết đâu cô đã nhìn thấy số điện thoại của tôi xuất hiện trên màn hình và từ chối không nghe máy?
*
Tôi gọi điện ẹ để xin lỗi về việc đã thất hứa với bà. Mẹ nói tôi không cần cảm thấy áy náy, bà hiểu rất rõ tình thế của tôi. Bà trấn an tôi rằng vẫn còn thời gian để mẹ con tôi trao quà cho nhau, bà sẽ cố gắng đẩy chuyến đi vào mùa xuân của mình sớm lên và tới thăm tôi vào tháng Hai.
*
Tối giao thừa, tôi chính thức phải trực đêm, tôi đã nhận đổi lấy ca trực này để được tự do vào đêm Giáng sinh và đã mất toi cơ hội đó. Luc ra tàu để quay về đoàn tụ với gia đình. Tôi vẫn không có tin tức gì của Sophie. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế tựa trong sảnh tiếp nhận bệnh nhân của khoa cấp cứu trong lúc đợi những nạn nhân đầu tiên của đêm chào năm mới ghé thăm chúng tôi. Tối hôm ấy tôi đã có một cuộc gặp gỡ lạ lùng nhất người ta có thể hình dung ra.
*
Bà lão được lính cứu hỏa đưa đến khoa cấp cứu lúc 23 giờ. Bà được đưa vào trên cáng, và khuôn mặt hiện rõ vẻ hân hoan của bà làm tôi không khỏi ngạc nhiên.

– Ai đã khiến cụ vui vẻ đến thế này? tôi hỏi bà lão bệnh nhân trong lúc đo huyết áp cho bà.
– Chuyện này thì rắc rối lắm, cậu không thể hiểu được đâu, bà cụ vừa cười vừa đáp.
– Thì cụ thử cho cháu một cơ hội nhỏ đi nào!
– Tôi xin cam đoan với cậu là cậu đang coi tôi như một bà già mất trí.
Bà lão ngồi dậy trên cáng rồi chăm chú nhìn tôi.
– Tôi biết cậu mà! bà reo lên.
– Chắc cụ nhầm rồi, tôi vừa nói vừa tự hỏi liệu có cần thiết phải đưa bà cụ đi chụp cắt lớp hay không.
– Cậu, chắc chắn cậu đang tự nhủ tôi là một bà già lẩm cẩm và tự hỏi liệu có cần tiến hành khám cẩn thận hơn nữa hay không. Thế nhưng giữa hai chúng ta thì kẻ lẩm cẩm hơn lại là cậu đấy, chàng trai.
– Vậy cơ đấy!
– Cậu sống trong căn phòng bên phải ở tầng bốn, còn tôi ở ngay trên đầu cậu. Thế nào, chàng trai trẻ, ai trong chúng ta là kẻ đãng trí hơn đây?
Kể từ khi bắt đầu học nghề y, tôi đã luôn lo lắng đến ngày nào đó sẽ gặp lại bố tôi trong một hoàn cảnh như lúc này. Tôi hôm đó, người tôi gặp là bà hàng xóm của tôi, song không phải trên cầu thang tòa nhà nơi chúng tôi sống, mà lại trong khoa cấp cứu. Tôi đã dọn tới sống trong tòa nhà đó từ năm năm nay, đã năm năm tôi lắng nghe tiếng bước chân của bà trên đầu mình, tiếng ấm nước của bà kêu rít lên buổi sáng, nhìn thấy những cánh cửa sổ phòng bà khi bà mở chúng ra, thế nhưng chưa bao giờ tôi hỏi mình ai đang sống trong căn phòng đó, và con người mà cuộc sống thường ngày diễn ra gần với tôi đến thế có diện mạo ra sao. Luc nói đúng, các thành phố lớn làm con người ta trở nên điên rồ, chúng hút cạn tâm hồn bạn rồi lại khạc nó ra như một con rệp hút máu.
– Đừng bối rối, chàng trai, không phải vì tôi từng nhận hộ cậu hai ba bưu kiện mà cậu phải nợ tôi một lần ghé thăm đâu. Chúng ta đã gặp nhau nhiều lần trên cầu thang, nhưng cậu leo lên nhanh đến mức nếu cái bóng của cậu phải chạy theo cậu, không khéo cậu sẽ đánh rơi nó dọc cầu thang mất.
– Những gì cụ vừa nói thật thú vị, tôi đáp trong lúc dùng đèn kiểm tra hai đồng tử của bà.
– Có gì thú vị vậy? bà cụ ngạc nhiên vừa hỏi vừa nhắm mắt lại.
– Không gì cả. Cụ có thể cho cháu biết điều gì đã làm cụ vui đến thế không?
– À không đâu, càng không khi giờ đây tôi biết cậu là láng giềng của tôi. Nhân tiện đây, tôi có một điều muốn nhờ cậu đây.
– Bất cứ gì cụ muốn.
– Nếu cậu có thể đề nghị cậu bạn của cậu bớt ồn ào hơn khi cậu ta nhảy nhót vui vẻ với bạn gái cậu ta, tôi sẽ rất biết ơn cậu. Tôi chẳng có gì phản đối những cuộc vui của tuổi trẻ, nhưng than ôi, ở tuổi của tôi người ta có giấc ngủ thật chẳng được sâu.
– Nếu điều này có thể làm cụ yên tâm, cụ sẽ không còn nghe thấy gì nữa đâu, cháu tin rằng hai người họ sắp chia tay đến nơi rồi.
– Ái chà, bà cụ trầm ngâm, tôi thực sự lấy làm tiếc cho họ. Được rồi, nếu tôi không làm sao cả, tôi có thể quay về nhà được rồi chứ?
– Cháu cần phải giữ cụ lại để theo dõi, trách nhiệm của cháu là vậy.
– Thế cậu muổn theo dõi cái gì?
– Cụ!
– Được rồi, thế thì tôi sẽ giúp cậu đỡ tốn thì giờ. Tôi là một bà già cũng đã có tuổi, chẳng liên quan gì đến cậu, và tình cờ tôi bị trượt chân ngã trong bếp. Chẳng còn gì khác để nhìn hay để làm ngoài việc băng bó lại cho tôi cái mất cá đang sưng vù mà chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ rành này.

– Cụ nằm xuống nghỉ đi, bây giờ mọi người ở đây sẽ đưa cụ đi chụp X quang, và nếu không có thứ gì bị gãy, cháu sẽ đưa cụ về khi cháu hết ca trực.
– Vì tôi với cậu là hàng xóm với nhau, tôi sẽ cho cậu ba giờ đồng hồ. Nếu không tôi sẽ tự tìm cách quay về.
Tôi viết phiếu yêu cầu chụp X quang rồi bàn giao bệnh nhân ột hộ lí trước khi quay lại vị trí của mình. Nhưng đêm giao thừa bao giờ cũng là thời điểm tồi tệ nhất tại các khoa Cấp cứu, chỉ ba mươi phút sau nửa đêm các bệnh nhân đầu tiên đã bắt đầu đổ về. Tận hưởng đồ uống có cồn và thức ăn vượt xa ngưỡng thái quá, cách vui vẻ hội hè ở một số người luôn làm tôi không tài nào hiểu nổi.
Tôi gặp lại bà cụ hàng xóm vào đầu giờ sáng, bà đang ngồi trên một chiếc xe lăn, chiếc túi xách đặt trên hai đầu gối, bàn chân đã được băng bó.
– Thật may là cậu đã chọn nghề y, vì nếu làm lái xe thì cậu đã bị đuổi việc rồi. Giờ cậu đưa tôi về chứ?
– Nửa tiếng nữa cháu hết ca trực. Mắt cá chân có làm cụ đau lắm không?
– Bong gân thôi mà, chẳng cần phải là bác sĩ cũng biết. Nếu cậu chịu chạy lại chỗ máy bán tự động lấy cho tôi một cốc cà phê, tôi sẵn sàng đợi cậu thêm một lúc nữa; một lúc thôi, không hơn đâu đấy.
Tôi lại chỗ máy bán đồ uống tự động và mang cà phê về cho bà lão. Bà đưa cốc lên nhấp môi rồi trả lại nó cho tôi với vẻ ghê tởm và ra hiệu chỉ về phía thùng rác treo trên một chiếc cọc.
Sảnh tiếp đón bệnh nhân của khoa cấp cứu giờ trở lại vắng tanh. Tôi cởi áo blu ra, vào buồng dành cho nhân viên trực lấy áo măng tô rồi đẩy chiếc xe lăn ra ngoài.
Tôi đang tìm taxi thì một lái xe cấp cứu nhận ra tôi và hỏi tôi định về đâu. Anh cũng vừa hết ca và vồn vã đồng ý đưa chúng tôi về. Cũng nhiệt tình như thế, anh lái xe giúp tôi đưa bà lão hàng xóm của tôi lên cầu thang. Lên tới tầng năm, cả hai chúng tôi đều đã thở không ra hơi. Bà cụ hàng xóm đưa tôi chìa khòa nhà. Anh lái xe cấp cứu để chúng tôi lại, và tôi giúp bà lão ngồi xuống chiếc ghế tựa của bà.
Tôi hứa với bà cụ sẽ quay lại, mang tới cho bà tất cả những gì bà cần; với mắt cá chân bị thương như thế, tốt nhất bà cụ nên tránh xa cầu thang một thời gian. Tôi ghi số điện thoại của mình lên một tờ giấy, để vào chỗ dễ thấy trên mặt bàn và buộc bà cụ phải hứa gọi ngay cho tôi không do dự nếu gặp bất cứ rắc rối nào. Tôi sắp sửa ra về thì bà cụ gọi tôi lại.
– Cậu có vẻ không tò mò lắm nhỉ, thậm chí cậu còn chẳng buồn hỏi xem tên tôi là gì nữa.
– Alice, cụ tên là Alice, trên giấy nhập viện của cụ có ghi rõ như thế.
– Cả ngày sinh của tôi nữa đúng không?
– Đúng thế.
– Tệ quá.
– Cháu vẫn chưa thử làm phép tính mà.
– Cậu thật lịch sự nhưng tôi không tin cậu đâu. Phải đấy, tôi chín mươi hai tuổi trên giấy tờ và tôi biết, tôi mới chỉ chín mươi thôi!
– Đúng là ít tuổi hơn nhiều, và cháu dám thề là cụ…
– Thôi cậu im đi, cho dù cậu có nói gì nữa cũng sẽ là quá nhiều. Nói gì thì nói cậu cũng chẳng phải người tò mò cho lắm, tôi vẫn chưa cho cậu biết cái gì đã làm tôi vui vẻ đến thế khi vào viện.
– Cháu quên mất chuyện đó rồi đấy, tôi thú thật.
– Vậy hãy vào bếp, tại đó cậu sẽ tìm thấy một gói cà phê trong tủ bếp phía trên bồn rửa, chắc cậu biết dùng máy pha cà phê chứ?
– Cháu nghĩ là có.
– Dù thế nào đi nữa, kết quả chắc cũng không thể kinh khủng hơn thứ thuốc độc cậu vừa cho tôi nếm thử lúc nãy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.