Đọc truyện Người Tình – Chương 3
Mười lăm tuổi rưỡi. Đang là lúc qua sông. Mỗi lần trở lại Sài Gòn đối với tôi là một cuộc hành trình, nhất là khi tôi đi xe khách. Và buổi sáng hôm ấy, tôi lên xe khách ở Sa Đéc, nơi mẹ tôi là hiệu trưởng một trường học dành cho nữ sinh. Lúc đó kỳ nghỉ của các trường học vừa chấm dứt, tôi không nhớ là kỳ nghỉ nào nữa. Tôi đã về nghỉ trong ngôi nhà nhỏ mà mẹ tôi được cấp do công việc. Và ngày hôm ấy tôi trở lại Sài Gòn, về trường nội trú. Chiếc xe khách của dân bản địa khởi hành từ khu chợ ở Sa Đéc. Như thường lệ, mẹ tôi đi tiễn tôi và gửi gắm tôi cho tài xế, bao giờ bà cũng gửi gắm tôi cho các tài xế xe khách đi Sài Gòn, phòng trường hợp xảy ra tai nạn, bị hỏa hoạn, bị hãm hiêos, bị cướp tấn công, bị đắm phà. Như thường lệ, người tài xế xếp cho tôi ngồi ở phía trên, cạnh ông ta, ở chỗ dành cho các hành khách da trắng.
Chính trong chuyến đi này mà hình ảnh đó dường như đã tách ra, đã bị bứt ra khỏi tổng thể. Lẽ ra nó đã có thể tồn tại, lẽ ra đã có thể có một bức ảnh chụp lại, như một hình ảnh nào khác, ở một nơi khác, trong những tình huống khác. Nhưng nó đã không tồn tại. Chủ thể quá mờ nhạt để có thể khiến người ta chụp ảnh. Ai có thể nghĩ đến điều này được? Bức ảnh có thể đã được chụp nếu ai đó đã có thể đoán trước tầm quan trọng của sự kiện này trong đời tôi, cái chuyến qua sông ấy. Thế nhưng, lúc mà sự kiện này diễn ra, ngay cả sự tồn tại của nó cũng chẳng được biết đến. Chỉ có mình Thượng Đế là biết. Chính vì vậy, và không thể nào khác được, hình ảnh ấy không tồn tại. Nó không bị tách ra, bứt ra khỏi tổng thể. Chính vì không được ghi lại mà nó có một tính năng, tính năng đại diện cho cái tuyệt đối, làm chính tác giả của cái tuyệt đối.
Như vậy, đó là lúc đi qua một nhánh sông Mê Kông trên chuyến phà nối Vĩnh Long và Sa Đéc trong một vùng đồng bằng trồng lúa bao la và lầy lội ở phía nam Nam Kỳ, Tràm Chim.
Tôi xuống khỏi xe khách. Tôi bước đến mạn phà. Tôi nhìn dòng sông. Đôi khi mẹ tôi nói rằng, suốt đời, sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy lại những dòng sông đẹp như vậy, lớn như vậy, hoang dã như vậy đâu, như sông Mê Kông và những nhánh của nó xuôi ra biển, những vùng nước sắp sửa biến mất trong các vực thẳm của đại dương ấy. Trong mênh mang hút mắt, những dòng sông ấy chảy xiết, nước đổ như thể mặt đất nghiêng.
Bao giờ tôi cũng xuống khỏi xe khách khi lên phà, ban đêm cũng vậy, bởi vì lúc nào tôi cũng sợ, tôi sợ dây chẳng bị đứt, chúng tôi sẽ bị cuốn trôi ra biển. Trong dòng nước khủng khiếp tôi nhìn khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. Dòng nước thật hung hãn, nó có thể cuốn đi mọi thứ, cả những tảng đá, cả một nhà thờ, một thành phố. Bão táp nổi lên trong lòng sông. Gió lồng lộn.
Tôi mặc một chiếc váy lụa tơ tằm, váy đã cũ sờn, gần như trong suốt. Trước đây, đó là váy của mẹ tôi, đến một hôm mẹ tôi không mặc nữa vì cho là nó quá nhạt màu, bà bèn cho tôi. Chiếc váy này không tay, cổ hở rộng. Nó có màu nâu xám của lụa tơ tằm đã dùng nhiều. Đó là một chiếc váy mà tôi nhớ. Tôi thấy nó rất hợp với tôi. Tôi đeo ngang lưng một chiếc thắt lưng da, một chiếc thắt lưng của các anh trai tôi thì phải. Tôi không nhớ những năm đó tôi đi giày nào mà chỉ nhớ được vài chiếc váy. Phần lớn thời gian tôi để chân trần đi dép xăng đan làm bằng vải bạt. Ý tôi nói đến cái thời trước khi tôi vào trường trung học Sài Gòn. Từ thời đó trở đi thì tất nhiên tôi luôn luôn đi giày.
Ngày hôm ấy hẳn là tôi đã đi đôi giày cao gót dát kim tuyến vàng đáng nhớ ấy. Tôi không thấy một đôi giày nào khác mà tôi có thể đi ngày hôm đó được, vậy là tôi đi đôi giày này. Thứ đồ hạ giá bán tháo mà mẹ tôi đã mua cho tôi. Tôi đi đôi giày dát kim tuyến vàng này để đến trường trung học. Tôi đi học với đôi giày để đi chơi buổi tối, được trang trí bằng những họa tiết lóng lánh. Đó là ý muốn của tôi. Tôi chỉ có thể bằng lòng với mình khi đi đôi giày này, và ngay cả bây giờ tôi vẫn muốn mình như vậy, đôi giày cao gót này là đôi giày đầu tiên của đời tôi, nó thật đẹp, nó làm lu mờ tất cả những đôi giày trước đó, những đôi giày dùng để chạy nhảy đùa nghịch, đế phẳng, làm bằng vải bạt trắng.
Không phải giày dép là cái làm nên vẻ khác thường, lạ lùng trong trang phục của cô bé ngày hôm ấy. Điều đáng nói trong ngày hôm ấy là việc cô bé đã đội trên đầu một chiếc mũ đàn ông vành phẳng, một chiếc mũ phớt mềm màu gỗ cẩm lai thắt một dải ruy băng đen rộng.
Sự mơ hồ có tính quyết định của hình ảnh nằm ở chiếc mũ này.
Làm sao mà chiếc mũ lại rơi vào tay tôi, tôi đã quên mất rồi. Tôi không nhớ ai đã cho tôi chiếc mũ ấy. Tôi nghĩ là mẹ tôi đã mua nó cho tôi và là do tôi xin mẹ. Điều chắc chắn duy nhất, đó là một món đồ hạ giá bán tháo. Giải thích việc mua chiếc mũ này như thế nào đây? Không có một người bàn bà nào, không có một cô gái nào lại đội mũ phớt đàn ông ở cái xứ sở thuộc địa này vào thời ấy. Cũng không có một người đàn bà bản xứ nào như thế. Điều đã xảy ra hẳn là phải như thế này, là tôi đội thử chiếc mũ phớt cho vui thôi, tôi soi vào tấm gương của người bán hàng và tôi thấy: dưới chiếc mũ đàn ông, cái dáng vẻ mảnh khảnh, cái nhược điểm trẻ con ấy, đã trở nên khác hẳn. Nó không còn là một cứ liệu tàn nhẫn, tiền định của tạo hóa. Trái lại, nó đã trở thành một sự lựa chọn ngược ý tạo hóa, một sự lựa chọn của tinh thần. Bỗng dưng, cái vẻ mảnh khảnh ấy trở thành điều được mong muốn.
Bỗng dưng tôi thấy mình như một người con gái khác, một người con gái có thể sẽ được ngắm nhìn, từ phía bên ngoài, được trưng ra cho tất cả mọi người, cho mọi ánh mắt, giữa dòng xuôi ngược của các thành phố, các con đường, của dục vọng. Tôi cầm lấy chiếc mũ, tôi không dứt ra khỏi nó nữa, tôi có nó rồi, tôi không rời xa nó nữa. Chuyện xảy ra với đôi giày có lẽ cũng gần như vậy, nhưng sau chuyện chiếc mũ. Đôi giày đối lập với chiếc mũ, giống như chiếc mũ đối lập với tấm thân gầy còm, vậy là nó hợp với tôi. Tôi cũng không rời xa nó nữa, tôi đi khắp nơi với đôi giày này, với chiếc mũ này, đi ra ngoài, trong mọi thời tiết, trong mọi dịp, đi vào thành phố.
Tôi tìm lại được một bức ảnh chụp con trai tôi băm nó hai mươi tuổi. Nó ở California với hai cô bạn gái Erika và Elisabeth Lennard. Nó gầy gò, gầy đến nỗi có thể nói có cũng là một người Uganda da trắng. Tôi thấy nó có nụ cười ngạo mạn, vẻ như hơi giễu cợt. Nó muốn tự tạo ra cho mình một hình ảnh lệch lạc của gã trai trẻ lang bạt. Nó thích như vậy, thật tội nghiệp, thích cái vẻ mặt tội nghiệp ấy, cái vẻ nhố nhăng của gã trai trẻ gầy gộc ấy. Chính bức ảnh này là cái gần giống nhất với bức ảnh đã không được chụp của thiếu nữ trên chuyến phà.