Người Tình Sputnik

Chương 9


Đọc truyện Người Tình Sputnik – Chương 9


CHƯƠNG 6
Chiếc phong bì dán một con tem Ý to sặc sỡ và đóng dấu bưu điệm Rome, tuy nhiên tôi không biết nó được gửi đi khi nào.
Ngày bức thư đến, tôi đã đi Shinjuku, lần đầu tiên sau một thời gian khá lâu, mua một ít sách mới ở hiệu sách Kinokuiya và vào rạp xem bộ phim của Luc Besson. Sau đấy tôi ghé vào quán bia, thưởng thức món pizza cá trồng và một cốc bia đen. Ngay trước giờ cao điểm, tôi bắt chuyến tàu điện Chuo Line và đọc quyển sách mới mua cho tới lúc về đến nhà ở Kunitachi. Tôi dự định ăn tối qua loa rồi bật ti vi xem bóng đá. Cách sử dụng thời gian lý tưởng ột ngày hè nghỉ ngơi. Nóng, một mình và tự do, không làm phiền ai cũng như không bị ai làm phiền.
Khi tôi về tới nhà thì đã thấy bức thư trên tấm thảm chùi chân. Trên phong bì không đề tên người gửi, nhưng nhìn nét chữ tôi đã biết đó là thư của Sumire. Chữ tượng hình, chắc nịch, cứng cáp, dứt khoát. Chữ viết gợi tôi nhớ đến những con bọ cánh cứng được tìm thấy trong các kim tự tháp Ai Cập. Giống như chúng sẽ bắt đầu bò ra nhung nhúc rồi lại biến mất vào trong bóng tối lịch sử.
Rome?
Tôi bỏ thức ăn mua ở siêu thị vào tủ lạnh rồi tự rót nước đá vào chiếc cốc cao thành ình. Tôi ngồi xuống chiếc ghế trong bếp, lấy con dao xén rọc phong bì và đọc thư. Năm trang giấy viết thư của khách sạn Rome Excelrior chi chít những nét chữ nhỏ li ti bằng mực xanh. Chắc hẳn phải mất rất nhiều thời gian mới viết được dài như thế. Ở góc trang giấy cuối cùng có vết bẩn, có lẽ là vết cà phê.
Cậu dạo này thế nào?
Tớ có thể tưởng tượng được cậu sẽ phải kinh ngạc đến thế nào khi bất ngờ nhận được bức thư tớ gửi từ Rome. Tuy nhiên, cậu là người điềm tĩnh nên có lẽ chỉ riêng Rome thì vẫn chưa đủ khiến cậu ngạc nhiên. Rome quá nhiều khách du lịch. Phải là một nơi nào đó như Greenland, Timbuktu, hay eo biển Magellan, đúng không? Mặc dù tớ có thể nói với cậu là chính tớ cũng thấy khó tin nổi mình đang ở tại xứ Rome này.

Dẫu sao, tớ cũng xin lỗi vì đã không mời cậu ăn tối như đã hẹn. Chuyến đi châu Âu này quá bất ngờ, ngay sau khi tớ chuyển nhà. Rồi thì hoàn toàn phát điên lên trong mấy ngày ít ỏi – chạy xin hộ chiếu, mua vali, hoàn thành những việc mình đã bắt tay vào làm. Trí nhớ tớ không tốt lắm – tớ khỏi cần nói thì cậu cũng biết, đúng không – nhưng tớ sẽ cố gắng hết sức để giữ lời hứa của mình. Tức là, những lời hứa mà tớ nhớ. Chính vì vậy tớ muốn xin lỗi vì đã không thực hiện được cái hẹn ăn tối của chúng mình.
Tớ thật sự thích nơi ở mới của mình. Chuyển nhà chắc chắn là việc rất vất vả (tớ biết cậu đã cáng đáng phần lớn công việc, tớ rất cảm kích về điều đó; hơn nữa, là phần việc nặng nhọc), nhưng một khi đã chuyển xong xuôi thì nó là một nơi rất đẹp. Tại nơi ở mới của tớ không có tiềng gà gáy như ở Kichijoji, thay vào đó lũ quạ kêu ầm ĩ chẳng khác gì những bà già lắm điều. Sáng sớm chúng tụ lại hàng đàn trong công viên Yoyogi, kêu om sòm đến mức cậu sẽ tưởng như sắp đến ngày tận thế vậy. Chẳng cần đến đồng hồ báo thức, vì hôm nào tớ cũng bị tiếng huyên náo om sòm dựng dậy. Nhờ vậy mà bây giờ tớ cũng giống cậu, sống theo kiểu nông dân ngủ sớm dậy sớm. Tớ bắt đầu hiểu ra cảm giác của người bị gọi dậy vào lúc ba rưỡi sáng. Bắt đầu hiểu, cậu nhớ nhé.
Tớ viết thư này tại quán cà phê ngoài trời ở một ngõ nhỏ của Rome khi đang nhấp từng ngụm espresso đặc sệt như mồ hôi quỷ, và tớ có cảm giác kỳ lạ rằng mình không còn là chính mình nữa.Thật khó diễn tả bằng lời, nhưng tớ cho rằng nó cũng giống như tớ thiếp đi rất nhanh rồi ai đó đến, tháo rời tớ ra từng mảnh, rồi lại vội vã ghép lại như cũ. Một cảm giác kiểu như thế đấy. Cậu hiểu tớ nói gì chứ?
Mắt tớ nói rằng tớ vẫn chính là con người cũ đó, nhưng có cái gì đó khác bình thường. Không phải là tớ có thể nhớ một cách rõ ràng “bình thường” là thế nào. Ngay khi bước ra khỏi máy bay tớ đã không thể rũ bỏ được cái ảo ảnh rất thực mang tính giải phá này. Ảo ảnh? Tớ nghĩ chính là cái từ đó…
Ngồi tại đây, tự hỏi, “Trong tất cả mọi nơi trên thế giới, sao mình lại ở Rome?” và tất cả mọi vật xung quanh tớ bắt đầu trở nên không thực. Tất nhiên nếu lần theo chi tiết việc tớ đã đến đây như thế nào thì tớ có thể tìm được một lời giải thích, nhưng tớ vẫn bị mắc ở một điểm. Cái tớ đang ngồi ở đây và cái hình ảnh về mình mà tớ có không đồng bộ. Nói cách khác, tớ không đặc biệt cần phải ở đây, nhưng chẳng hiểu sao tớ lại ở đây. Tớ biết mình nói năng mù mờ nhưng cậu hiểu tớ, đúng không?
Có một điều tớ có thể chắc chắn: tớ muốn cậu ở đây với tớ. Thậm chí dù đã có Miu bên cạnh tớ vẫn thấy cô đơn khi xa cậu. Nếu chúng ta càng xa nhau thì tớ biết tớ sẽ càng cảm thấy cô đơn hơn. Tớ muốn nghĩ rằng cậu cũng có cùng cảm giác đó.
Vậy là dù sao đi nữa, Miu và tớ đang ở đây, rong chơi khắp châu Âu. Chị ấy phải lo một số việc kinh doanh và thoạt đầu chỉ tính một mình sang Ý và Pháp trong hai tuần, nhưng rồi lại yêu cầu tớ đi cùng với tư cách thư ký riêng. Chị ấy nói điều đó vào một buổi sáng, khiến tớ hết sức kinh ngạc. Có thể tớ được gọi là “thư ký riêng”, nhưng tớ không nghĩ mình giúp được gì nhiều cho chị ấy, mặc dù vậy, đối với tớ có thêm kinh nghiệm thì cũng tổt; và Miu bảo chuyến đi này là quà chị ấy tặng tớ vì đã bỏ thuốc. Thế là tất cả những tháng vật vã, khổ sở mà tớ phải chịu đựng cuối cùng cũng đã được đền đáp.
Đầu tiên bọn tớ hạ cánh ở Milan, đi thăm thú thành phố, sau đó thuê chiếc Alfa Romeo màu xanh theo xa lộ tiến thẳng về hướng Nam. Hai chị em tới mấy vườn nho ở Tuscany và sau khi công việc xong xuôi thì nghỉ lại vài đêm tại một khách sạn nhỏ xinh đẹp, rồi đến Rome. Các cuộc giao dịch nếu không sử dụng tiếng Anh thì cũng là tiếng Pháp nên tớ gần như ngồi không, mặc dù tiếng Ý của tớ rất hữu dụng trong những vấn đề thường nhật khi hai chị em đi chơi. Nếu bọn tớ sang Tây Ba Nha (đáng tiếc là điều đó đã không xảy ra trong chuyến đi này) thì tớ có lẽ sẽ có ích hơn cho Miu.

Chiếc Alfa Romeo bọn tớ thuê là loại lái bằng tay nên tớ không giúp được gì cả. Miu lái suốt. Chị ấy có thể lái hàng giờ mà dường như chẳng phải bận tâm. Tuscany là vùng toàn đồi núi, đường vòng, và thật vô cùng ngạc nhiên khi thấy chị tăng giảm số một cách êm ru; nhìn chị ấy lái tớ thấy (tớ không đùa đâu) rùng hết cả mình. Đang cách xa Nhật Bản, được ngồi bên chị ấy, với tớ thế là đã đủ thỏa mãn rồi. Giá như bọn tớ có thể mãi mãi như thế này.
Lần sau tớ sẽ viết về tất cả các món ăn và rượu hảo hạng bọn tớ đã được thưởng thức ở Ý; bây giờ mà kể thì mất nhiều thời gian quá. Ở Milan bọn tớ la cà hết cửa hàng này đến cửa hàng khác. Quần áo, giầy dép, đồ lót. Ngoài mấy bộ pyjama (tớ đã quên mang theo đồ ngủ) tớ không mua gì hết. Tớ không có nhiều tiền, hơn nữa có quá nhiều hàng đẹp khiến tớ không biết bắt đầu từ đâu nữa. Đó chính là hoàn cảnh khiến óc xét đoán của tớ nổ tung vì quá tải. Chỉ cần ở bên cạnh Miu khi chị mua sắm cũng đã đủ rồi. Chị ấy đúng là bậc thầy mua sắm, chỉ chọn những thứ thượng hạng và chỉ mua vài món chọn lọc. Giống như chỉ ăn miếng ngon nhất trên đĩa thức ăn. Rất khôn ngoan và tinh tế. Khi nhìn chị ấy chọn mấy chiếc tất lụa và đồ lót đắt tiền tớ thấy gần như không thở nổi. Mồ hôi ứa ra trên trán. Nghĩ đến thì chuyện đó cũng khá kỳ lạ. Dù sao tớ cũng là con gái. Tớ cho rằng viết chuyện mua sắm thế đủ rồi, viết hết thì thư quá dài mất.
Tại khách sạn bọn tớ mỗi người một phòng. Về vấn đề này thì Miu có vẻ rất dứt khoát. Chỉ có một lần, ở Florence, do trục trặc trong khâu đặt chỗ, nên hai chị em phải ở chung phòng. Trong phòng có một chiếc giường đôi, nhưng chỉ riêng việc được ngủ chung phòng với chị ấy đã khiến tim tớ đập rộn lên. Tớ liếc nhìn khi chị ấy từ phòng tắm bước ra, khăn quấn quanh người, liếc nhìn khi chị ấy thay quần áo. Cố nhiên tớ giả vờ không nhìn mà đang đọc sách nhưng tớ vẫn hé mắt nhìn trộm. Miu có một thân hình thực sự tuyệt mỹ. Chị ấy không khỏa thân hoàn toàn mà mặc bộ đồ lót nhỏ tí xíu; nhưng thân hình chị ấy cũng đã đủ khiến tở nghẹt thở. Mông thon, mẩy, một phụ nữ vô cùng hấp dẫn. Tớ ước gì cậu được thấy cảnh này, mặc dù nói thế cũng hơi kỳ quặc.
Tớ hình dung mình được ôm thân hình thon thả, mềm mại ấy. Đủ loại hình ảnh khiêu dâm của bọn tớ ùa đến trong đầu khi tớ nằm trên giường cùng phòng với chị ấy, và tớ cảm thấy những ý nghĩ này đã đẩy tớ đến một nơi nào đó khác. Tớ nghĩ mình hơi quá kích động – đêm ấy tớ có kinh, sớm hơn thường lệ. Nó mới đau đớn làm sao chứ. Hừm. Tớ biết kể lại chuyện này với cậu cũng chẳng đưa tớ tới đâu. Nhưng dù sao đi nữa tớ vẫn sẽ tiến lên phía trước – chỉ để viết ra giấy những sự kiện đó.
Đêm qua bọn tớ nghe hòa nhạc ở Rome. Tớ không trông chờ nhiều lắm, đang mùa vắng khách, nhưng hai chị em đã được thưởng thức một buổi trình diễn không thể tin được. Martha Argerich chơi bản Concerto số 1 dành cho piano của Liszt. Tớ thích mê bản ấy. Nhạc trưởng là Giussepe Sinopoli. Một buổi trình diễn tuyệt vời! Không thể nào cảm thấy chán khi nghe loại nhạc đó – nó là thứ âm nhạc lạ thường và dạt dào tình cảm nhất tớ từng nghe. Nghĩ lại thì có lẽ nó quá hoàn hảo so với sở thích của tớ. Liszt cần một chút láu cá, tinh quái hơn, giống như âm nhạc trong buổi hội làng. Bỏ những chỗ phức tạp đi, để tớ cảm thấy rùng mình, đó là cái tớ thích. Miu cũng đồng ý với tớ điểm này. Có liên hoan nhạc Vivaldi ở Venice và bọn tớ bàn chuyện tới đó. Miu và tớ có thể trò chuyện không dứt về âm nhạc, ý như tớ và cậu nói chuyện về văn học vậy. Thư tớ khá dài rồi phải không? Lần nào cũng vậy, hễ cầm bút lên là tớ không sao dừng lại giữa chừng được. Tớ bao giờ cũng như vậy cả. Người ta hay nói con gái có giáo dục thì đừng có ở chơi lâu đến nỗi chẳng ai muốn tiếp nữa, nhưng khi đã bắt đầu viết (có lẽ không chỉ khi viết?) thì lối cư xử của tớ đúng là không cứu chữa nổi. Thỉnh thoảng gã hầu bàn áo vét trắng lại ngó về phía tớ với vẻ mặt khó chịu. Nhưng tay tớ đã mỏi rồi, tớ thừa nhận. Vả lại, giấy cũng sắp hết.
Miu đang đi thăm một người bạn cũ ở Rome, còn tớ lang thang quanh mấy con phố gần khách sạn rồi quyết định rẽ vào quán cà phê này ngồi nghỉ và viết thư cho cậu. Cứ như là tớ đang ở đảo hoang và gửi một tin nhắn trong chai vậy. Điều kỳ lạ là, khi không có Miu tớ chẳng muốn đi đâu cả. Tớ vượt qua bằng ấy đoạn đường để tới Rome (và có lẽ sẽ không quay lại lần nào nữa) nhưng tớ không tài nào lôi được mình dậy để đi thăm những đống đổ nát – người ta gọi chúng là gì ấy nhỉ? – hay các đài phun nước nổi tiếng đó. Hay thậm chí đi mua sắm. Chỉ cần ngồi đây trong quán cà phê, ngửi mùi thành phố như một con chó, lắng nghe giọng nói và cả âm thanh, quan sát khuôn mặt khách qua đường.
Đột nhiên, khi viết lá thư này cho cậu, tớ có cảm giác những gì tớ miêu tả ở đầu thư – cảm giác bị tháo rời kỳ lạ – bắt đầu mờ nhạt. Giờ đây nó không còn làm tớ lo lắng nhiều như thế nữa. Giống như cảm giác của tớ khi nửa đêm gọi điện cho cậu và vừa kết thúc cuộc nói chuyện, bước ra khỏi bốt điện thoại. Phải chăng cậu đã có được kiểu tác động như thế đối với tớ?
Cậu nghĩ sao? Dù sao đi nữa, xin cậu hãy cầu chúc cho tớ được may mắn và hạnh phúc. Tớ cần lời cầu chúc của cậu.

Tạm biệt.
Tái bút. Có lẽ tớ sẽ về nhà ngày 15 tháng Tám. Rồi chúng ta có thể cùng ăn tối – tớ hứa đấy! – trước khi hết hè.
Năm ngày sau bức thư thứ hai đến, mang dấu bưu điện của một ngôi làng ở Pháp nào đó chẳng mấy tiếng tăm. Thư này ngắn hơn thư trước. Miu và Sumire bỏ chiếc xe thuê lại Rome và bắt tàu tới Venice. Phần lớn các buổi hòa nhạc được tổ chức ở nhà thờ nơi Vivaldi làm linh mục. “Nếu sáu tháng nữa không nghe Vivaldi thì với tớ vẫn ổn,” Sumire viết. Cô miêu tả sự ngon lành của những món hải sản cuộn nướng ở Venice một cách sinh động đến mức tôi những muốn lao ngay đến đó và tự mình nếm thử.
Sau Venice họ quay về Milan rồi bay sang Paris. Họ dừng chân tại đấy, mua sắm chút ít, sau đó đáp tàu đi Burgundy. Hai chị em nghỉ lại ở ngôi nhà đồ sộ, thật ra là một trang viên, của người bạn thân của Miu. Cũng như ở Ý, Miu thường đến thăm mấy vườn nho nhỏ bàn chuyện làm ăn. Những trưa rảnh rỗi hai chị em mang theo bữa ăn trưa ngoài trời và dạo bước trong khu rừng gần đó. Cố nhiên là trong túi luôn có thêm hai chai vang. “Vang ở đây ngon nhất thế giới,” Sumire viết.
Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác thì có vẻ như kế hoạch quay về Nhật vào ngày 15 tháng Tám như dự định ban đầu của bọn tớ sẽ thay đổi. Sau khi xong việc ở Pháp hai chị em có thể đi nghỉ ít ngày ở một hòn đảo Hy Lạp. Quý ông người Anh bọn tớ tình cờ gặp ở đây – xin cậu nhớ cho là quý ông thực sự đấy nhé – có một biệt thự trên đảo và đã mời hai chị em về đấy bao lâu cũng được. Thật là tin vui! Miu cũng thích ý tưởng ấy. Bọn tớ cần phải được gác công việc sang một bên, thỉnh thoảng xả hơi, thư giãn. Hai chị em nằm dài trên bãi biển Aegean cát trắng lóa, hai bầu vú xinh đẹp phơi dưới ánh mặt trời, nhấp từng ngụm vang mùi nhựa thông, ngắm mây trôi. Nghe có tuyệt không?
Chắc chắn là tuyệt rồi, tôi nghĩ.
Chiều hôm đó tôi đến bể bơi công cộng bơi một lúc, trên đường về nhà ghé vào một tiệm cà phê tử tế có máy lạnh ngồi đọc sách khoảng một giờ. Về tới nhà, trong lúc là ủi ba chiếc sơ mi, tôi đã nghe hết cả hai mặt đĩa hát “Mười năm sau”. Là áo xong, tôi uống một ít bia giá rẻ mua ở cửa hàng hạ giá pha với nước khoáng Perrier và theo dõi trận bóng đã được tôi ghi hình lại. Cứ mỗi khi thấy một cú chuyền bóng tôi lại nghĩ mình sẽ không làm được như vậy, tôi lắc đầu thở dài. Chê bai khuyết điểm của người lạ là việc dễ thực hiện – và khá dễ chịu.
Xem xong trận bóng tôi thả người vào ghế, nhìn chăm chăm lên trần nhà và tưởng tượng hình ảnh Sumire trong ngôi làng Pháp đó. Bây giờ thì cô đã ở trên hòn đảo Hy Lạp rồi. Nằn trên bãi biển, ngắm mây trôi. Dù ở đâu thì cô cũng rất xa tôi. Rome, Hy Lạp, Timbuktu, Aruanda – ở đâu cũng vậy thôi, đâu cũng là xa cả. Cô đang ở rất xa. Nói tóm lại thì có vẻ như trong tương lai, Sumire càng lúc càng cách xa hơn. Điều đó khiến tôi buồn. Tôi thấy mình như một con côn trùng vô tích sự nào đó chẳng có lí do gì đặc biệt mà cứ bám lấy bức tường đá cao trong đêm lộng gió, không dự định, không niềm tin. Sumire nói cô nhớ tôi. Nhưng cô có Miu bên cạnh. Tất cả những gì tôi có là – tôi. Lúc nào cũng vậy.
Sumire không quay về vào ngày 15 tháng Tám. Điện thoại của cô vẫn chỉ có một câu ghi âm cụt ngủn Tôi đang đi vắng. Một trong những món đồ đầu tiên cô sắm sau khi chuyển nhà là chiếc điện thoại có máy trả lời tự động, vì vậy cô khỏi phải giữa đêm cầm ô đi ra bốt điện thoại. Một ý tưởng tuyệt hảo. Tôi không để lại lời nhắn.

Ngày 18 tôi lại gọi cho cô nhưng nhận được cùng câu ghi âm đó. Sau tiếng bíp vô hồn tôi để lại tên và lời nhắn đơn giản khi nào cô về thì hãy gọi cho tôi. Chắc hẳn cô và Miu thấy thích thú với hòn đảo Hy Lạp của họ quá đến mức chẳng muốn rời khỏi đó.
Trong khoảng thời gian giữa hai cuộc gọi, tôi chỉ đạo một buổi bóng đá ở trường và ngủ một lần với người bạn gái của mình. Chị có làn da rám nắng, vừa cùng chồng và hai con đi nghỉ ở Bali về. Khi ôm chị tôi lại nghĩ đến Sumire ở hòn đảo Hy Lạp. Ở trong chị, tôi vẫn không thể không nhớ đến cơ thể Sumire.
Nếu không biết Sumire thì có lẽ tôi đã dễ dàng yêu người phụ nữ lớn hơn tôi bảy tuổi này (và con chị là học trò của tôi). Chị xinh đẹp, mạnh mẽ, phúc hậu. Chị trang điểm hơi quá so với ý thích của tôi, nhưng ăn mặc đẹp. Chị lo sẽ bị tăng cân, nhưng lẽ ra không cần phải bận tâm thế. Tôi chắc chắn không có gì phàn nàn về thân hình gợi cảm của chị. Chị biết mọi ham muốn của tôi, tất cả những gì tôi muốn và không muốn. Chị biết nên tiến xa đến mức nào và khi nào thì nên dừng lại, cả trong và ngoài giường. Khiến tôi cảm thấy mình như được bay ở khoang hạng nhất.
“Gần một năm nay tôi không ngủ với chồng,” chị thổ lộ khi nằm trong vòng tay tôi. “Cậu là người duy nhất đấy.”
Nhưng tôi không thể yêu chị được. Bất kể vì lý do gì, mối quan hệ của tôi và chị không có được sự gần gũi tự nhiên, vô điều kiện như giữa tôi và Sumire. Có một bức màn mỏng manh, trong suốt luôn ngăn giữa hai chúng tôi. Dù nhìn thấy hay không thì vẫn có một hàng rào. Lần nào gặp nhau, chúng tôi cũng vấp phải sự im lặng khó xử – nhất là khi chia tay. Điều này không bao giờ xảy ra với tôi và Sumire. Ở bên người phụ nữ này tôi càng thấy rõ một điều không thể phủ nhận: tôi cần Sumire hơn bao giờ hết.
Sau khi người phụ nữ ra về, tôi đi dạo một mình, lang thang vô định một lúc, rồi ghé vào quán rượu cạnh bến xe và gọi một cốc Canadian Club rẻ tiền. Bao giờ cũng vậy, vào những lúc như thế này, tôi luôn cảm thấy mình là con người khốn khổ nhất đời. Tôi nhanh chóng uống cạn cốc đầu tiên và gọi cốc nữa, nhắm mắt nghĩ về Sumire. Sumire, áo hở ngực, đang tắm nắng trên bãi cát trắng của hòn đảo Hy Lạp. Bàn bên cạnh tôi, bốn cô cậu sinh viên đang uống bia, cười đùa vui vẻ. Một bài hát cũ của Huey Lewis và nhóm New đang được trình diễn. Tôi có thể ngửi thấy mùi bánh pizza nướng.
Thời trẻ của mình đã trôi qua khi nào vậy? Tôi chợt nghĩ. Nó đã qua thực ư? Dường như chỉ mới hôm qua thôi tôi vẫn còn là đứa trẻ mới lớn. Hồi ấy Huey Lewis và nhóm New có mấy bài hát được xếp hạng cao. Chỉ mới mấy năm thôi. Và giờ khi tôi ngồi đây, trong một cái vòng khép kín, quay bánh xe của mình. Biết mình sẽ chẳng đi tới đâu, nhưng vẫn quay như vậy. Tôi phải làm thế. Phải duy trì việc đó nếu không tôi sẽ không thể nào sống sót.
Đêm ấy tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Hy Lạp. Lúc hai giờ sáng.
Nhưng đó không phải Sumire. Đó là Miu. 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.