Đọc truyện Người Tình Sputnik – Chương 6: Part 02
Miu xem xét màu sắc của chai Médoc 1986 rồi như thể đang thưởng thức một bài văn tuyệt vời, cẩn thận nếm thử vị của nó.
“Việc gì cũng vậy thôi, em phải học bằng kinh nghiệm của mình, phải tự trả học phí ình. Sách vở không giúp gì được cho em đâu.”
Theo Miu ra hiệu, Sumire nâng cốc rượu lên, chăm chú nhấp một ngụm, ngậm trong miệng rồi mới nuốt. Một dư vị dễ chịu đọng lại, nhưng sau vài giây nó tan biến giống như giọt sương buổi sáng trên chiếc lá mùa hè. Đấy là để khai vị ón ăn sắp tới. Lần nào ăn uống và trò chuyện cùng Miu, Sumire cũng học thêm được điều mới mẻ. Sumire cảm thấy choáng váng trước vô số những điều cô còn phải học.
“Chị biết đấy, em chưa bao giờ nghĩ rằng mình muốn trở thành một người nào khác,” một lần Sumire thổ lộ, có lẽ bị thôi thúc bởi lượng rượu cô uống nhiều hơn thường lệ. “Nhưng đôi khi em nghĩ mình mà giống chị thì cũng hay.”
Miu nín thở trong một thoáng. Rồi chị cầm cốc rượu lên uống một ngụm. Thoáng chốc mắt chị nhuốm màu rượu đỏ sẫm. Khuôn mặt không còn chút nào vẻ lanh lợi thường ngày.
“Chị chắc em không biết điều này,” chị nói nhẹ nhàng, đặt lại cốc rượu xuống bàn. “Cái người bây giờ ngồi đây không phải con người thật của chị. Mười bốn năm trước chị đã trở thành chỉ một nửa con người thật của mình. Chị ước gì mình có thể được gặp em khi chị còn là con người thật của mình, điều đó sẽ thật tuyệt vời. Nhưng bây giờ nghĩ tới việc đó thì cũng chẳng có nghĩa lý gì cả.”
Sumire sửng sốt, không thốt được lời nào. Và bỏ lỡ cơ hội hỏi những câu hỏi quá hiển nhiên. Chuyện gì đã xảy đến với Miu mười bốn năm trước? Vì sao chị lại trở thành một nửa con người thật của mình? Và dù sao đi nữa chị nói một nửa có nghĩa là gì?Cuối cùng, lời tuyên bố khó hiểu này chỉ càng làm cho Sumire thêm say mê Miu. Một con người mới kỳ lạ làm sao chứ, cô nghĩ.
Qua các đoạn hội thoại rời rạc, Sumire có thể chắp nối một vài sự kiện về Miu. Chồng chị là người Nhật, lớn hơn chị năm tuổi, nói thạo tiếng Hàn nhờ hai năm là sinh viên trao đổi của khoa kinh tế, đại học Seoul. Anh là người nồng hậu, biết làm tốt công việc của mình, mà thực chất là giúp lèo lái công ty của Miu. Và mặc dù ban đầu đó là công ty gia đình trị nhưng chưa từng có ai phàn nàn chê trách gì anh cả.
Ngay từ khi còn là một cô bé, Miu đã có năng khiếu chơi dương cầm. Đến tuổi thiếu niên chị đã giành được giải nhất tại một số cuộc thi dành cho giới trẻ. Chị vào nhạc viện, học tập dưới sự hướng dẫn của một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng và nhờ người thầy này giới thiệu chị đã được vào học tại nhạc viện nước Pháp. Vốn tiết mục của chị chủ yếu là tác phẩm của các nhạc sĩ từ chối thời Lãng mạn, Shumann và Mendelssohn đến Poulensm Ravel, Bartók và Prokofiev. Tiếng đàn của chị là sự kết hợp giữa âm thanh da diết, gợi cảm với một kỹ thuật trình tấu điêu luyện, ấn tượng. Thời sinh viên chị đã tham dự một số cuộc hòa nhạc và đều được đánh giá cao. Tương lai tươi sáng của một nghệ sĩ hòa tấu dương cầm có vẻ được đảm bảo chắc chắn. Nhưng khi chị đang học ở nước ngoài thì bố chị đổ bệnh, Miu đóng nắp đàn và quay về Nhật Bản. Không bao giờ chạm vào phím đàn lần nữa.
“Sao chị có thể dễ dàng từ bỏ piano như thế?” Sumire ngập ngừng hỏi. “Nếu chị không muốn nói chuyện này thì thôi. Em chỉ thấy nó – em không biết nữa – có chút bất thường. Ý em là chị đã phải hy sinh rất nhiều thứ để trở thành nghệ sĩ dương cầm, phải vậy không?”
“Chị không hy sinh nhiều thứ vì piano,” Miu nói nhẹ nhàng. “Chị đã hy sinh mọi thứ. Piano đòi hỏi phải dâng hiến cho nó đến từng mảnh da, từng giọt máu, và chị không thể từ chối. Không thể dù chỉ một lần.”
“Chị có tiếc khi phải từ bỏ không? Chị đã sắp học xong mà.”
Ánh mắt sắc sảo của Miu xoáy vào mắt Sumire. Một cái nhìn sâu lắng, điềm tĩnh. Sâu thẳm trong mắt Miu, như trong vũng nước lặng của một con suối chảy xiết, những dòng chảy câm nín dồn đuổi nhau. Những dòng chảy ôm riết đó chỉ lắng xuống từ từ.
“Em xin lỗi,” Sumire nói. “Em sẽ không chõ mũi vào nữa.”
“Không sao đâu. Chị chỉ không thể giải thích rõ ràng được.”
Hai người không nói lại chuyện này nữa.
Miu không cho hút thuốc ở văn phòng và rất ghét những ai hút thuốc trước mặt mình, vì thế sau khi bắt đầu công việc, Sumire quyết định đây là cơ hội tốt để bỏ thuốc. Nhưng với một người hút hai gói Marlboro một ngày như cô thì việc này không hề dễ chút nào. Sau một tháng cô cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như con thú bị vặt trụi lông đuôi. Và bạn cũng có thể đoán ra là cô liên tục gọi cho tôi lúc nửa đêm.
“Tớ không nghĩ đến điều gì khác ngoài thuốc lá. Tớ rất khó ngủ, và hễ chợp mắt thì lại gặp ác mộng. Tớ bị táo bón. Tớ không thể đọc, không thể viết được một dòng nào.”
“Ai bỏ thuốc cũng thế cả mà. Ít nhất lúc bắt đầu,” tôi nói.
“Chừng nào nó còn là chuyện của người khác thì cậu thấy thật dễ đánh giá, đúng không?” Cô ngắt lời. “Cả đời cậu có bao giờ động đến điếu thuốc nào đâu.”
“Này, nếu cậu không thể đưa ra ý kiến về người khác thì thế gian sẽ biến thành một chốn rất kinh hoàng, không phải thế à. Nếu cậu không nghĩ thế thì chỉ cần nhìn xem Joseph Stalin làm gì đi.”
Đầu dây bên kia Sumire im lặng hồi lâu. Sự im lặng nặng nề như những hồn ma trên Mặt trận phía Đông.
“Này?” Tôi hỏi.
Cuối cùng cô lên tiếng. “Nói thật ra tớ không nghĩ bỏ thuốc đã khiến tớ không viết được. Nó có thể là một lý do nhưng không phải tất cả. Tớ muốn nói bỏ thuốc chỉ là sự biện hộ. Cậu biết đấy: Tôi bỏ thuốc nên tôi không viết được. Tôi không thể làm được gì về việc đó cả.”
“Đó là cách giải thích vì sao cậu lại rối loạn thế?”
“Có lẽ vậy.” Sumire đáp lại, đột nhiên tỏ ra nhu mì. “Không chỉ vì việc tớ không còn tin vào việc viết lách nữa. Tớ đọc lại những gì đã viết gần đây và nó thật chán ngắt. Tớ có thể nghĩ gì chứ? Y như nhìn một căn phòng tất bẩn vứt bừa bãi trên sàn. Tớ cảm thấy khủng khiếp khi nhận ra mình đã hoang phí biết bao thời gian và sức lực.”
“Khi chuyện này xảy ra cậu gọi điện cho ai đó vào lúc ba giờ sáng và đánh thức người đó dậy – tất nhiên tượng trưng thôi – khỏi giấc ngủ êm đềm mang tính ký hiệu.”
“Hãy cho tớ biết,” Sumire nói, “cậu đã bao giờ có cảm giác nhầm lẫn về những việc cậu đang làm, giống như nó không phải là vậy chưa?”
“Phần lớn thời gian tớ bị nhầm lẫn mà.”
“Cậu nói nghiêm túc chứ?”
“Nghiêm túc.”
Sumire gõ gõ móng tay vào răng, một trong nhiều thói quen của cô mỗi khi nghĩ ngợi điều gì.
“Trước đây tớ cũng rất ít khi cảm thấy bối rối thế này. Không phải lúc nào cũng tự tin, chắc chắn về tài năng của mình. Tớ không phải là người mạnh mẽ đến thế. Tớ biết tớ là loại người bừa bãi, ích kỷ. Nhưng tớ chưa bao giờ nhầm lẫn. Tớ có thể sai lầm trên đường đi nhưng lúc nào cũng cảm thấy mình đi đúng đường.”
“Cậu thật may mắn,” tôi đáp. “Giống như vừa cấy xong thì được đợt mưa dài.”
“Có lẽ cậu nói đúng.”
“Nhưng về vấn đề này thì mọi chuyện chẳng đi đến đâu cả.”
“Phải. Chúng chẳng đi đến đâu cả. Đôi khi tớ có cảm giác sợ hãi, giống như mọi việc tớ làm cho đến hôm nay đều sai lầm hết. Tớ mơ những giấc mơ như thực đó, rồi bất ngờ thức dậy giữa đêm. Và mất một lúc tớ không thể xác định được đâu là thực, đâu là mơ…Cái kiểu cảm giác đó. Cậu hiểu tớ đang nói gì chứ?”
“Tớ cho là vậy,” tôi đáp.
“Nhiều ngày qua tớ luôn bị dằn vặt bởi ý nghĩ rằng có lẽ những ngày viết tiểu thuyết của tớ đã qua rồi. Thế giới này đầy rẫy những cô gái ngây thơ, ngu ngốc, và tớ cũng là một người trong số đó, tự mình chạy theo những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực. Tớ nên đóng nắp đàn piano và rời khỏi sân khấu. Trước khi quá muộn.”
“Đóng nắp đàn piano?”
“Một ẩn dụ.”
Tôi chuyển ống nghe từ tay trái sang tay phải. “Tớ cảm thấy chắc chắn một điều. Có thể cậu không chắc nhưng tớ thì có. Một ngày nào đó cậu sẽ trở thành nhà văn vĩ đại. Tớ đã đọc những gì cậu viết và tớ tin thế.”
“Cậu thực sự nghĩ như vậy?”
“Từ tận đáy lòng tớ,” tôi nói. “Tớ không nói dối cậu về những việc như thế này. Trong những trang cậu đã viết có nhiều đoạn đặc biệt rất hay. Ví dụ như cậu đang viết về bờ biển tháng Năm nhé. Cậu có thể nghe được tiếng gió thổi, ngửi thấy mùi không khí mằn mặn. Cậu có thể cảm thấy ánh nắng ấm áp trên cánh tay. Nếu cậu viết về căn phòng nhỏ tràn ngập khói thuốc lá, cậu có thể cá là người đọc sẽ bắt đầu cảm thấy như không thở nổi. Và mắt cay xè. Văn như thế phần lớn nhà văn không viết được. Trong tác phẩm của cậu, có một dòng sức mạnh tự nhiên sinh động, tràn đầy sức sống. Ngay bây giờ chúng chưa kết nối được với nhau để làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh nhưng điều đó không có nghĩa là đã đến lúc – đóng nắp đàn lại.”
Sumire im lặng khoảng mười, mười lăm giây. “Cậu không nói như vậy chỉ để an ủi, động viên tớ đấy chứ?”
“Không, tớ không có ý vậy. Đó là một sự thực không thể phủ nhận, đơn giản và rõ ràng.”
“Giống như sông Moldau?”
“Cậu nói đúng. Giống như sông Moldau.”
“Cám ơn cậu,” cô nói.
“Có gì mà ơn với huệ,” tôi đáp.
“Có những lúc cậu đúng là điều ngọt ngào nhất. Như sự hòa trộn của Giáng sinh, kỳ nghỉ hè và chú cún mới ra đời vậy.”
Tôi lúng búng mấy tiếng mơ hồ như vẫn làm như vậy bất cứ khi nào được ai đó khen.
“Nhưng có một điều làm tớ thấy phiền lòng,” cô nói thêm. “Rồi sẽ đến ngày cậu cưới một cô gái xinh đẹp nào đó và quên đi hết mọi điều về tớ. Còn tớ sẽ không thể gọi điện cho cậu vào nửa đêm mỗi khi tớ muốn nữa. Phải thế không?”
“Bao giờ cậu cũng có thể gọi vào ban ngày.”
“Ban ngày thì không ổn. Cậu chẳng hiểu gì cả, đúng không?”
“Cả cậu cũng không hiểu,” tôi phản đối. “Hầu hết mọi người làm việc khi mặt trời lên và đêm xuống thì tắt đèn đi ngủ.” Tôi nói như đang đọc thuộc lòng những vần thơ đồng quê ình nghe giữa cánh đồng ngô.
“Hôm trước tớ đọc một bài báo,” cô nói, hoàn toàn không để ý lời của tôi. “Bài báo viết là những người đồng tính nữ sinh ra đã như vậy rồi; ở tai trong của họ có một cái xương nhỏ khác hẳn với các phụ nữ khác, và nó đã dẫn đến toàn bộ sự khác biệt. Cái xương nhỏ nào đó có cái tên rất rắc rối. Như vậy bị đồng tính nữ không phải do mắc phải mà do di truyền.
Một bác sí Mỹ phát hiện ra điều này. Tớ không biết vì sao ông ta nghiên cứu vấn đề này nhưng từ khi đọc bài báo đó rồi thì tớ không sao gạt khỏi đầu ý nghĩ cái xương nhỏ vô tích sự đó đang ở trong tai tớ, tự hỏi cái xương nhỏ bé tí của tớ có hình dáng như thế nào.”
Tôi chẳng biết nói sao. Một sự im lặng buông xuống đột ngột như thìa dầu tươi bất ngờ được trút vào cái chảo rán to.
“Vậy cậu tin chắc cậu có cảm hứng tình dục với Miu?” Tôi hỏi.
“Chắc chắn một trăm phần trăm,” Sumire đáp. “Khi tớ ở bên cạnh chị ấy, cái xương đó bắt đầu rung lên trong tai tớ. Giống như gió thổi qua vỏ sò mong manh. Tớ muốn chị ấy ôm tớ, để mọi việc cứ thế diễn ra. Nếu đấy không phải là ham muốn tình dục thì chắc thứ chảy trong huyết quản của tớ chỉ là nước cà chua thôi.”
“Hừm,” tôi nói. Tôi còn có thể nói gì nữa đây?
“Điều đó giải thích mọi chuyện. Vì sao tớ không muốn quan hệ tình dục với bất kỳ người đàn ông nào. Vì sao tớ không cảm thấy gì hết. Vì sao tớ luôn nghĩ mình khác với mọi người.”
“Có phiền không nếu tớ nói ý kiến tầm thường của mình?”
“Cứ nói đi.”
“Bất kỳ lời giải thích hay lập luận logic nào lý giải mọi chuyện một cách dễ dàng như thế đều gài bẫy bên trong. Tớ đang nói từ kinh nghiệm đấy. Có người đã nói rằng nếu một điều gì đó chỉ dùng một cuốn sách cũng có thể giải thích được thì điều đó không đáng để giải thích. Tớ muốn nói là đừng có lao vào bất kỳ kết luận nào hết.”
“Tớ sẽ nhớ điều đó,” Sumire nói. Và cuộc điện thoại ngừng, có phần đột ngột.
Tôi hình dung cảnh cô treo ống nói lên, bước ra khỏi bốt điện thoại. Đồng hồ của tôi chỉ 3h30. Tôi vào bếp, uống một cốc nước, quay lại giường và nhắm mắt. Nhưng giấc ngủ không đến. Tôi kéo rèm cửa, và trên bầu trời mặt trăng đang lơ lửng như một đứa trẻ mồ côi nhợt nhạt, láu lỉnh. Tôi biết mình sẽ không ngủ lại được. Tôi pha một bình cà phê mới, kéo ghế lại gần cửa sổ rồi ngồi xuống nhấm nháp phó mát và bánh quy giòn. Tôi ngồi, đọc sách, đợi trời sáng.
Chú thích
[1] “Sanshiro” (1908) là tên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Soseki Natsume (1867 – 1916). Tác phẩm mở đầu khi chàng trai Sanshiro 23 tuổi lần đầu tiên trong đời lên Tokyo để học đại học. Trên chuyến tàu hỏa anh làm quen với một phụ nữ quyến rũ. Hai người xuống ga cuối và người phụ nữ đề nghị anh dẫn vào khách sạn. (Theo chú thích bản tiếng Nga).