Người Tìm Xác

Chương 67: Tử kiếp trong số mạng


Bạn đang đọc Người Tìm Xác – Chương 67: Tử kiếp trong số mạng

Tuy Đinh Nhất nói rất nghiêm trọng, nhưng tôi lại cảm thấy chẳng sao cả. Dù sao tôi cũng không làm hại con hồ ly đó, còn tốt bụng ôm nó về phòng, con thú đó cũng không thể lấy oán trả ơn chứ?

“Được rồi, anh cứ tính đi. Không được rồi, tôi mệt quá.” Nói rồi, tôi mơ mơ màng màng thiếp đi.

Mới sáng hôm sau, tôi đã bị Đinh Nhất gọi: “Dậy đi. Sư phụ đang chờ cậu đấy.”

Đầu như ổ gà, tôi ngồi dậy nhìn đồng hồ, mới con mẹ nó chưa tới 6 giờ, sớm thật đấy nhỉ. Nhưng nghe chú Lê đang đợi, tôi cũng không tiện nói gì, đành phải mặc quần áo tử tế rồi ra ngoài.

Lúc vào phòng khách, tôi thấy chú Lê tinh thần phơi phới ngồi trên ghế sofa chờ mình.

“Lại đây… Tiến Bảo. Chú nghe Đinh Nhất nói cháu gặp phải thứ không đơn giản. Lại đây chú bói cho một quẻ, không để dính chuyện mới được.”

Tôi gật đầu đi tới, nói ngày sinh tháng đẻ của mình xong, tôi thấy chú cầm mai rùa, đút mấy đồng tiền khai nguyên thông bảo lớn vào rồi lắc.


“Keng…” Chú Lê đổ mấy đồng tiền trong mai rùa xuống bàn, rồi bấm đốt ngón tay liên tục để tính gì đó. Mãi sau, chú mới ngẩng lên, nói với tôi: “Tiến Bảo, cháu có duyên với thứ này. Cháu đã từng gặp nó rồi.”

Tôi nghe xong thì giật mình, vì tôi thật sự không nhớ đã gặp con vật lông lá kia khi nào? Nhưng thấy chú Lê chắc chắn, tôi biết chú không nói linh tinh để lừa mình.

“Chú Lê, vậy nó muốn làm hại cháu à?”

Chú Lê lắc đầu: “Không giống lắm. Cháu gặp được nó, chứng tỏ cháu và nó chưa hết duyên phận. Nhìn quẻ bói, sau này cháu sẽ gặp phải một kiếp, cần nó độ kiếp giúp cháu.”

“Kiếp gì ạ? Có nguy hiểm không?” Tôi sợ hãi nói.

Sắc mặt chú Lê hơi nghiêm trọng: “Đây là kiếp phải chết đã định trong số mạng cháu. Nếu qua được thì sẽ sống lâu trăm tuổi, nếu không qua… chỉ e không sống tới 30.”

“Cái gì! Chú Lê, chú đừng làm cháu sợ. Cháu còn chưa hẹn hò, chưa kết hôn, chưa sinh con đâu đấy!” Tôi sốt ruột nói một hơi hết những tâm nguyện mà mình chưa làm xong.

Chú Lê buồn cười, bèn xoa đầu tôi nói: “Đừng sợ, đừng sợ. Có chú ở đây, sao lại để cháu sống không quá 30 được! Chú đã tính được Hỏa Hồ Ly kia sẽ giúp cháu, thì chắc cháu sẽ không có chuyện gì. Nói đi cũng phải nói lại, nếu lúc đó nó không thể giúp cháu, chẳng phải vẫn còn chú và Đinh Nhất sao? Yên tâm!”

Nghe chú nói vậy, tôi cũng yên tâm hơn một chút. Dù sao tôi cũng là công cụ phát tài, chắc chú cũng không ngồi yên bỏ mặc tôi đâu.

Nhưng bây giờ, biết mình sẽ có kiếp nạn sống còn, tôi vẫn hơi lo lắng về tương lai…

11 giờ trưa, chúng tôi ăn sáng xong thì Phương Thanh Bình đến đón. Lần này, sau khi gặp Lâm Dung Trân, chú Lê yêu cầu, mong bà có thể tìm một chuyên gia tinh thông các ngôn ngữ thuộc vùng Đông Nam Á. Chú còn nói với bà rằng, rất có thể Trương Tuyết Phong đã bị ném trên một hòn đảo vô danh thuộc địa phận Đông Nam Á.


Lâm Dung Trân nghe xong, nhanh chóng sai người đến đại học Hồng Kông mời người bạn già của mình là tiến sĩ Tào. Ông ấy là một trong số ít những chuyên gia tinh thông các ngôn ngữ vùng Đông Nam Á. Sau khi tiến sĩ Tào đến nhà họ Lâm, tôi nhắc lại những câu thoại mà mình nghe được, sau đó ông ấy nêu ra vài ngôn ngữ tương tự.

Tiến sĩ Tào này đúng là giỏi thật, ông ấy nói hơn 10 ngoại ngữ, trong đó có một loại mà tôi thấy khá giống với lời của ngư dân kia. Sau đó tôi lại cầm cái kẹp, cảm nhận lời của ngư dân đấy một lần nữa, rồi cố bắt chước lại cho tiến sĩ Tào nghe.

Cuối cùng, hai chúng tôi thống nhất ngôn ngữ này là tiếng của một địa phương ở Philippines. Nói cách khác, năm đó Trương Tuyết Phong bị đưa đến Philippines! Sau khi xác định được vị trí, Lâm Dung Trân liền quyết định tổ chức một đội, đi tìm người chồng mất tích của bà lần cuối…

Nhưng vì nguyên nhân sức khỏe nên bà không thể đi cùng chúng tôi được. Nhưng bà đã ủy thác luật sư Nghiêm, người đã liên hệ với chúng tôi từ trước, và Phương Thanh Bình đi theo giúp đỡ.

Sau đó, luật sư Nghiêm còn tìm được một hướng dẫn viên bản địa ở Philippines – Ivan. Tôi nghe anh ta nói giọng địa phương, khoanh vùng được tiếng địa phương ở khu vực quần đảo Babuyan. Ở đó có mấy hòn đảo nhỏ không ai quản lí, vẫn bị nhóm buôn bán ma túy và vũ khí của địa phương chiếm.

Hướng dẫn viên Ivan mà luật sư Nghiêm tìm đến rất thắc mắc khi chúng tôi đến khu vực sâu như vậy, vì trị an ở đó rất kém, còn có rất nhiều hòn đảo không tên. Vì trên đó không có ai ở, nên chính phủ Philippines cũng không mấy quan tâm đến những hòn đảo đó.

Thế nên đã cho bọn buôn bán vũ khí và dân địa phương hoành hành. Chúng chiếm những đảo hoang kia trường kì để làm hoạt động trái pháp. Trong tình hình đó, người ngoài rất khó lên đảo.

Tôi và chú Lê nghe Ivan nói xong cũng thấy hơi lo lắng. Nếu ở trong nước thì dễ rồi, dù sao Trung Quốc cũng là quốc gia có luật pháp, cùng lắm thì gọi cảnh sát thôi. Nhưng Philippines thì khó mà nói được.


Chú Lê nói băn khoăn của chúng tôi với luật sư Nghiêm, nhưng ông ấy lại bảo chúng tôi yên tâm. Dù có nguy hiểm như Ivan đã nói thật, nhưng tiền có thể xui khiến được ma quỷ, ông ấy tự có cách để hộ tống chúng tôi trong hành trình này.

Hơn nữa, lần này chúng tôi đi cùng một đội gồm mười người. Các thành viên trong đó đều là cảnh sát xuất ngũ, có thể đảm bảo an toàn cho hành trình lần này.

Vì vậy, sau khi chuẩn bị xong, ngay tối hôm sau, chúng tôi leo lên du thuyền cỡ lớn, tiến về mục tiêu của chuyến đi lần này, quần đảo Babuyan.

Tôi vừa lên thuyền thì gặp đội cảnh sát mà luật sư Nghiêm nói đến. Ai nấy đều có dáng vẻ mạnh mẽ, cường tráng. Hơn nữa, quan trọng nhất là họ đều có súng! Chuyện này khiến tôi giật mình. Vì vậy, tôi hỏi Phương Thanh Bình: “Không phải bọn họ đều là cảnh sát xuất ngũ à? Lấy đâu ra súng thế!”

Phương Thanh Bình đẩy kính gọng vàng: “Không sao. Du thuyền sắp vào vùng biển quốc tế rồi. Ở đó không chịu quản lí của pháp luật Hồng Kông. Đương nhiên, súng của họ chủ yếu là để bảo vệ an toàn cho mọi người thôi. Dù sao nơi chúng ta đến cũng chẳng phải thánh địa du lịch gì.”

Dẫn đầu nhóm là một gã đàn ông được xưng anh Hào, mặt đầy râu. Người này cao ít nhất 1m9, ngoại hình hơi giống người nước ngoài. Sau khi làm quen với nhau, tám chuyện rồi mới biết, anh ta là người Macao, con lai Trung – Bồ Đào Nha.

Anh Hào là người rất nhiệt tình. Vừa thấy chúng tôi lên thuyền, đã chủ động chào hỏi. Tuy giọng phổ thông của anh ta rất kém, nhưng việc này cũng chẳng ảnh hưởng đến giao tiếp của mọi người. Ngoài nhóm của anh Hào, thì còn có một nhóm nhỏ hai người phụ trách mảng y tế, chuẩn bị cho bất cứ tình huống nào.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.