Người Tìm Xác

Chương 34: Thi thể người phụ nữ trong rừng


Bạn đang đọc Người Tìm Xác – Chương 34: Thi thể người phụ nữ trong rừng

Chúng tôi đi theo hướng làn khói, quả nhiên mấy căn nhà gỗ xuất hiện…

Đột nhiên, một con chó rất to từ đâu nhảy xổ ra sủa, cũng may nó bị sợi xích thô trói lại. Chỉ một lát sau, một người phụ nữ đeo khăn trùm đầu đi ra, thấy chúng tôi nhiều người như vậy thì nghi ngờ hỏi: “Mấy người tìm ai?”

Diệp Lỗi quen thuộc phong tục địa phương nên mỉm cười đi qua, nói: “Chị gái, chúng tôi lên núi để tìm kiếm một cô gái trẻ lạc đường, giờ trời cũng tối rồi, chị có thể cho chúng tôi ở nhờ một đêm được không?”

Người phụ nữ ngạc nhiên, sau đó chị ta khó xử nhìn lướt vào căn nhà tối om của mình rồi nói: “Nhà tôi nhỏ lắm, không ở được nhiều người như vậy đâu!”

Diệp Lỗi vội chắp tay vái: “Không sao, chúng tôi sẽ không ở trong nhà, chúng tôi có lều vải, chị chỉ cần cho mượn bếp lò để nấu cơm là được!” Nói xong, anh ta lấy 200 tệ dúi vào tay người phụ nữ kia: “Đành quấy rầy chị vậy.”

Người phụ nữ nhìn tờ tiền, khóe miệng hơi giương lên, sau đó chị ta quay sang quát con chó nhà mình: “Viên, đi! Đây là khách của nhà ta!”

Chú chó bị mắng thì ngoan ngoãn im lặng ngay. Mấy người trong đoàn đi theo Diệp Lỗi đến phòng bếp để chuẩn bị làm cơm tối. Vào rồi mới biết, thì ra chị ta cũng đang chuẩn bị nấu cơm, thế là Diệp Lỗi lại đưa thêm ít tiền để chị ta nấu luôn cho chúng tôi một bữa “Mì kéo“.


Mì kéo là một đặc sản nổi tiếng ở Tân Cương, nó cũng giống món mì thịt kho, là xào hết các nguyên liệu rồi trộn với mì kéo tay thủ công, cho nên dân địa phương thường gọi là “Mì trộn“.

Tay nghề của người phụ nữ này rất tốt, chẳng bao lâu, chúng tôi đã được ăn món mì kéo do chị làm.

Đây là một món ăn thôn dã, mặc dù không tinh tế nhưng nó có hương vị rất đặc trưng! Rất thích hợp với những người leo núi mà bụng đói cồn cào. Chúng tôi đều ăn ngon lành, từ đó cũng có ấn tượng tốt với người phụ nữ này. Ai cũng nghĩ, nếu có thể lấy được một người vợ biết nấu ăn như thế thì quá là tốt.

Người phụ nữ nghe chúng tôi khen tới tấp tay nghề của mình thì chỉ cười xấu hổ. Một lúc sau dần quen thuộc hơn, chị ta mới kể cho chúng tôi biết, những người sống ở đây đều là dân chăn nuôi, chị ta và chồng cũng có gần trăm con dê non, bình thường chồng chị đưa dê đi chăn phải mất mấy ngày, vì muốn cho đám dê được ăn cỏ non.

Chúng tôi nói chuyện vui vẻ một lúc thì trời cũng dần tối. Người phụ nữ kia cho chúng tôi một ít củi để nhóm lửa sưởi ấm. Nhưng khi chúng tôi đang bận rộn chuẩn bị lều vải, đột nhiên, một tiếng kêu như tiếng cú đêm cất lên gần đó truyền đến đây.

Mọi người nghe thấy âm thanh kì dị này, cả đám đần thối mặt, nhưng chị gái kia lại phẩy tay nói với chúng tôi: “Đừng sợ, đây là bà vợ điên của lão Độc Thân, cứ đến lúc trời sập tối là cô ta lại hú lên vài tiếng như vậy đấy!”

“Lão Độc Thân?” Tôi ngạc nhiên hỏi.

Người phụ nữ thấy tôi tò mò thì ngồi xuống, nói khẽ với tôi: “Lão Độc Thân là hàng xóm của tôi, hơn bốn mươi tuổi rồi mà vẫn chưa có vợ, thế cho nên mọi người đều gọi lão là lão Độc Thân.”

Chú Lê chen vào hỏi: “Nếu đã là lão Độc Thân thì sao lại có bà vợ điên?”

Chị gái cười nói: “Cũng không phải, chúng tôi đều nghĩ cả đời này ông ấy cũng không lấy được vợ, nào ngờ mấy năm trước, chẳng biết lão mua ở đâu ra một cô gái điên về làm vợ, lão Độc Thân cũng coi như là cây già nở hoa rồi. Nhưng mà cô gái này điên lắm, còn không biết nói chuyện cơ, nên lão Độc Thân chỉ có thể giam cô ta cả ngày.”

“Không phải buôn bán người là phạm pháp à?” Tôi nói.


Chị gái nhún vai: “Phạm pháp chứ, nhưng chắc cô gái điên này bị người nhà bán đi rồi, cậu thử nghĩ mà xem, có ai tình nguyện chứa một người điên trong nhà không! Với lại, chỉ cần người nhà của cô ta không báo cảnh sát, đương nhiên sẽ chẳng có ai quản chuyện bao đồng.”

Lúc này, tiếng “ô ô” lại truyền tới từ nơi xa, trước đó thì không cảm thấy gì, bây giờ nghe chị gái này nói, đúng là giống như cô gái điên kia đang đau khổ tru lên vậy.

Nửa đêm, tôi lại bị tiếng rên rỉ làm cho tỉnh giấc, liếc sang Đinh Nhất nằm cạnh, thật khó mà thấy anh ta ngủ đêm say như vậy. Vì buồn đi vệ sinh quá nên tôi không thể không thức dậy, chui ra lều vải để giải quyết nỗi buồn. Vừa ra khỏi lều, tôi thấy chú Lê đang ngồi một mình trước đống lửa, đã trễ thế này rồi, sao lão không đi ngủ mà còn ngồi đây làm gì?

Chú Lê ngẩng lên thấy tôi thì cười hỏi: “Sao thế? Cháu cũng bị đánh thức à?”

Tôi nhún vai: “Cũng không hẳn ạ, vừa đúng lúc cháu buồn đi vệ sinh thôi.” Nói rồi tôi vội vã chạy vào trong lùm cây để giải quyết nỗi buồn cho nhanh còn quay lại, từng đợt gió thổi qua khiến tôi rùng mình nổi cả gai ốc.

Nhưng vừa vào rừng, đầu tôi chợt giật lên. Không thể nào? Sao ở đây lại có người chết được? Tôi quay lại nhìn chú Lê đang ngồi trước đống lửa, thấy ông ấy cách mình chưa tới 10m, tôi cũng tạm yên tâm hơn, cả gan đi tới xem thử.

Cơn buồn tiểu đã bị cảnh tượng trong đầu dọa chạy mất dép, thật không ngờ ở nơi núi rừng dân phong thuần phác này, lại chôn một người phụ nữ vừa chết chưa lâu…

Mái tóc dài của người phụ nữ rối bù, chắc phải mấy năm rồi không tắm rửa, tóc tai bết dính thành từng mảng, tuổi tầm ba, bốn mươi tuổi, rất bẩn.


Vì muốn có thêm nhiều thông tin hơn, tôi lại đến gần thêm vài bước, rất nhiều hình ảnh chui vào trí óc tôi. Rất nhiều năm trước đây, người phụ nữ bị một gã mà mình gọi là “chú ba” lừa đến đây. Khi đó, cô ấy một lòng muốn vào thành phố để làm công kiếm tiền, nhưng không ngờ lại bị chú ba bán cho lão Độc Thân chăn dê này.

Cuộc sống của cô ấy những ngày sau đó chỉ có thể dùng hai chữ thê thảm để hình dung, nó chẳng khác gì địa ngục trần gian cả. Lão Độc Thân vì đề phòng cô chạy trốn mà nói với mọi người rằng cô ấy bị tâm thần, rồi thường xuyên nhốt cô trong chuồng dê.

Có một lần, cô ấy thừa dịp lão Độc Thân ra ngoài chăn dê thì gào lên, muốn cầu cứu người ta. Nhưng đáng tiếc, cô ấy không phải là người địa phương, khẩu âm lại rất nặng nên dù có ai nghe thấy cũng chỉ cho là cô ấy đang phát bệnh mà thôi.

Sau khi trở về, lão Độc Thân nghe được chuyện này, đã dùng dao cắt mất lưỡi để cô ấy không thể nói chuyện được nữa, chỉ có thể phát ra những âm thanh ô ô đơn điệu. Đối với lão Độc Thân, phụ nữ chỉ là công cụ để phát tiết, lão không hề nghĩ sẽ cho cô một cuộc sống của người bình thường.

Thời gian dần trôi, người phụ nữ đó cũng tuyệt vọng và dần từ bỏ ý định chạy trốn. Thế nhưng không ngờ, khi cô ấy không còn muốn trốn nữa thì vào một đêm nọ, lão Độc Thân kéo cô ra khỏi chuồng dê. Đến khi cô hiểu được chuyện gì xảy ra, thì đã bị một sợi dây thừng quấn lên cổ mình…

Cô ấy bị lão Độc Thân siết chết, khi chết, trên mặt còn nở một nụ cười. Có lẽ đối với cô ấy đó chính là sự giải thoát, nếu phải sống như chó thì thà chết đi còn hơn.

“Tiến Bảo?” Tiếng gọi của chú Lê kéo tôi trở về từ hồi ức của người phụ nữ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.