Bạn đang đọc Người lạ trong gương – Chương 3
Mùa hè kết thúc thì nhà ảo thuật cũng hết việc, kéo theo Toby thất nghiệp, tất nhiên. Anh lại tự do, theo đúng nghĩa của nó. Đi đâu và làm gì bây giờ, khi anh không nhà cửa, không xu dính túi? Rồi anh gặp may khi có một bà chịu trả 20 đôla nếu anh lái xe đưa ba mẹ con bà ta tới Chicago. Anh bỏ đi, không một lời tạm biệt nhà ảo thuật cùng đám thú hôi hám. Thời gian này, Chicago cũng tương tự như Detroit, vô vàn công ăn việc làm chờ đợi những ai muốn làm việc. Nơi đây, cái gì cũng bán được và mua được, từ xe hơi, nhà cửa, thuốc độc bảng A, đàn bà con gái tới các thượng hạ nghị sĩ. Hộp đêm nhiều hơn nhà ở và mọi nhu cầu của khách đều được thoả mãn. Toby không bỏ sót hộp đêm nào, từ lớn đến nhỏ, từ sang đến hèn. Song ở đâu cũng chỉ một câu trả lời như nhau: Không biết sử dụng ra sao với một người chưa hề có danh tiếng mà lại chỉ biết diễn hài. Làm gì để không phụ lòng tin của mẹ đây? Anh lớn rồi, đã sắp bước sang tuổi mười chín. Knee Hit là nơi Toby năng qua lại nhất. Việc mua vui cho khách ở đây cũng y hệt các hộp đêm khác, song “đội hình” thật thảm hại. Mấy gã chơi đàn thì luôn miệng ngáp, tay diễn viên hài thì như đang cai nghiện, còn cặp múa thoát y, Meri và Jeri, vẫn được gọi chung là chị em nhà Perry, mà cũng có thể là chị em thật, thì tuy đều mới xấp xỉ hai mươi, và cũng khá hấp dẫn, nhưng nom đều rẻ tiền và rạc rài như đã quá bốn mươi. Một đêm, ngồi cạnh Jeri ở quầy bar, Toby thăm dò “Tôi khoái màn trình diễn của chị lắm”. Jeri đánh mắt sang, chỉ thấy một gương mặt non choẹt, dáng vẻ ngơ ngác, ăn mặc tồi tàn, không có gì đáng để cô ta “khai thác”, vừa định quay đi thì thấy cậu ta đứng dậy, và như cố tình phô ra cái vật to sù nổi cộm trong đáy quần mình cho cô nhìn thấy, thì cô sững sờ thốt hỏi: “Của thật ư?” “Chỉ mỗi một cách trả lời câu chị hỏi”, Toby đáp, mặt hơi vênh lên. Quá nửa đêm, trong căn phòng của hai chị em nhà Perry, Toby nằm giữa, không biết hai chị em, cô nào bên nào, nhưng chắc chắn mỗi cô một bên. Có ăn có trả, Toby “phục vụ” hai chị em nhà Perry một thời gian, cũng được họ tận tình đáp lại, sau khi biết ước muốn của anh. Vả lại, họ cũng sợ anh sẽ bỏ đi nếu kiếm được việc làm ở nơi khác. Và cả ba đã tính toán kỹ lưỡng để đêm đó, một tiếng trước giờ ra sân khấu, Jeri dẫn tay diễn viên hài của tiệm, một đệ tử ruột của thần đổ bác tới một sòng bài xoàng xĩnh với những cửa đặt cò con hợp với túi tiền còm của gã. “Chúng mình không ở đây lâu được. Sắp đến giờ diễn của tôi rồi”. Gã thở dài tiếc rẻ. Một lúc sau, Jeri lẻn đi, trong khi gã hài nọ đang trong cơn say máu nhất. Còn ở Knee High, Toby đã sẵn sàng. Tất nhiên, gã hài nọ không thể có mặt đúng giờ diễn. Lão chủ tiệm lồng lộn. “Cái thằng con hoang bất tài ấy kể như xong rồi. Lạy trời đừng để nó vác mặt tới đây nữa”. “Thật rủi cho gã đó, nhưng lại thật may cho ông, và cho Knee High. Tình cờ có một cây hài đang ngồi trong quán chúng ta. Anh ta mới từ New York đến”. Meri làm như vô tình nói. “Cái gì? Đâu?” Lão nhìn theo cái hất hàm của Meri, rồi bĩu môi. “Thằng nhóc đó? Thế vú nuôi của nó đâu”, lão giễu cợt, “để tôi còn bàn chuyện giá cả?”. Tất nhiên Meri hiểu, nhưng cô vẫn thật lòng bênh vực Toby. “Nhiều trò lắm đấy. Ông cứ thử xem, có mất gì đâu.” “Mất khách chưa đủ sao hay còn phải mất thêm gì nữa?” Lão lẩm bẩm rồi tới bên Toby. “Nghe nói cậu từng diễn hài?” “Tôi vừa qua đợt diễn ở New York. Đang trên đường đi nghỉ”. Toby nhún vai nhưng tinh mắt lắm mới thấy. “Bao nhiêu tuổi?” Toby lại kín đáo nhún vai. “Hai hai”. Suýt nữa lão chủ văng tục, nhưng rồi lão chỉ nói như doạ. “Hai hai cái cục cứt. Thôi, lên đi. Nếu làm trò không ra gì thì đừng mong mà sống tới hai hai năm với tao”. Cơ hội đây rồi. Giấc mơ có thành sự thật hay không cũng là từ đây thôi. Toby tự động viên mình rồi quả quyết bước ra sân khấu sáng trắng ánh đèn. Khi chờ ban nhạc chơi khúc dạo đầu cho tiết mục của mình, anh nhìn xuống đám khán giả cả đàn ông lẫn đàn bà, hoặc đang say sưa hoặc đang mải hôn hít sờ mó nhau. Họ sẽ ngưỡng mộ hay sẽ la ó xua đuổi anh? Sao lúc này mẹ lại không bên anh, hoặc ngồi lẫn vào họ nhỉ? Nhạc ngừng lại. Anh hiểu, thời khắc của anh bắt đầu. “Chào các quý ông quý bà, thật hạnh phúc khi được là các vị. Nhưng tôi chỉ là Toby, Toby Temple. Tôi cam đoan rằng quý ông quý bà đều biết tên của mình”. Chả ai cười, hoặc nói gì. “Có ai nghe tin gì về ông trùm mới của Chicago không? Một kẻ quái dị đấy. Từ khi ông ta lên ngôi, danh sách nụ hôn tử thần có thêm cả bữa tối và vũ hội”. Đám khán giả lặng lẽ nhìn anh, dửng dưng và xa lánh. Mồ hôi bỗng vã khắp người, trong khi nỗi hoảng sợ chẹn ngang họng Toby. Anh gặp phải đám khán giả không biết cười, thậm chí không biết nghe rồi. Nhưng anh không thể ngưng lại được. “Tôi mới diễn tại một nhà hát nằm sâu mãi trong rừng ở Maine, và chủ rạp là một con gấu”. Chẳng có gì thay đổi. Anh là kẻ thù của đám đông này ư? “Chẳng ai báo trước cho tôi đây là hội thảo của những người câm điếc. Tôi bỗng thấy đau xót khi không được cùng mắc căn bệnh với quý ông quý bà. Bởi thế tôi sẽ chỉ nói được bằng tay, và chắc chắn chúng ta đã ôm nhau rồi”. Họ bèn la hét ầm lên. Lão chủ tiệm cuống quýt ra hiệu cho ban nhạc chơi to hết cỡ, cốt sao át được tiếng Toby. Anh đứng đó, ngây ngô, nụ cười vẫn nở toác trong khi nước mắt giàn giụa. Hết cả rồi ư? Czinski chợt tỉnh giấc, không biết vì sao. Mãi rồi bà mới nghe tiếng Josephine đang khóc. Vội vã đến bên cũi nằm của con gái, bà thấy nó đang giẫy giụa, mặt tím ngắt vì ngạt thở. Bà gọi cho bác sĩ Wilson và được lệnh mang Josephine tới bệnh viện ngay. Nó được tiêm thuốc an thần vào mạch và lại ngủ ngon lập tức. Bác sĩ Wilson khám cho Josephine rất kỹ , song không tìm ra được dấu hiệu bệnh tật gì. Ông không yên tâm được. Mãi mãi, kim giây của chiếc đồng hồ treo tường trong phòng sản bệnh viện ám ảnh ông. hết: Chương 3, xem tiếp: Chương 4