Bạn đang đọc Người lạ trong gương – Chương 21 – Phần 02
Jill gấp kịch bản lại, nhìn sang. Cô Dunning như đang lên cơn sốt, mặt mũi đỏ bừng, ánh mắt ngây dại, miệng vẫn lắp bắp. “Đọc đi, đọc tiếp đi… đi”. “Tôi không thể đọc nếu chị cứ… thế này.”. Những ngón tay cô ta đã luồn vào bên trong quần lót Jill, đặt lên vùng đồi được che phủ bởi đám cỏ tơ non êm ái, giọng cô ta khàn đi. “Nó là một cảnh khêu gợi của phim nên anh làm vậy để em hứng thú hơn, để xem cái trong em rạo rực thế nào…” Vừa nói cô ta vừa đưa những ngón tay vào sâu trong nàng, ở chỗ mà đến hôm nay mới chỉ có David biết đến. “Không. Không thể?” Jill vùng dậy. Nước bọt ứa ra hai bên mép cô Dunning. “Chúng ta chiều theo ý muốn của nhau, em chịu không. Tôi hứa, em sẽ là một ngôi sao, chịu không? Lại đây với anh, em yêu?” Cô ta đứng lên, như muốn ôm lấy Jill. Nàng bỏ chạy. Và dừng lại nôn thốc nôn tháo bên hè đường. Rồi cơn đau đầu ập đến. Lạy Chúa? Đau đầu là của Josephine Czinski chứ đâu phải của Jill Castle? *** Một năm trôi qua. Hơn một năm mới đúng. Jill Castle đã trở nên chững chạc trong Đội tạp chủng, một tập hợp của nhóm người lêu têu bên rìa điện ảnh hàng chục năm qua, và có thể là suốt cả cuộc đời làm đủ mọi nghề, ăn đủ mọi thứ, miễn sao khỏi chết đói, để còn có cơ lọt được vào đội ngũ chính thức của phim trường. Đám người này tài lắm. Chỉ lêu têu bên rìa, có nghĩa là những người ngoài cuộc, nhưng với cách thức bí hiểm nào đấy, họ luôn tỏ tường đến từng hơi thở của thời cuộc điện ảnh. Họ biết đêm qua đạo diễn nào bế cô tài tử nào lên giường và sau đó tại sao không cho cô ta ngủ lại, biết chiều nay diễn viên nào sẽ được gọi vào bộ phim sắp quay nào để thay thế cho diễn viên nào sẽ bị thải ra, thậm chí họ còn biết tuần sau, tháng tới ai sẽ được phong chức giám đốc Hãng phim nào và ai sẽ có “vinh hạnh” nhập vào Đội tạp chủng cùng họ… Sau khi đã trao đổi, bàn bạc những diễn tiến mới nhất của thời cuộc điện ảnh, họ tản mát ra bốn phương tám hướng, kẻ vào siêu thị bốc dỡ hàng hoá, người ra bến đỗ chùi rửa ô tô. Bất kỳ nơi nào kiếm ra miếng ăn là nơi ấy có họ; trạm bán xăng, tiệm làm đầu, gara sửa xe, lau chùi cửa kính… Họ ăn cùng bàn, ngủ cùng giường chán chê mới chịu lấy nhau rồi lại lập tức bỏ nhau để đi ăn đi ngủ với người khác. Họ cứ mãi hồn nhiên như kẻ điên, trong túi không có tiền để chẳng ai nhận ra đang bị thời gian phản bội bằng nếp nhăn trên mặt, điểm sương trên tóc. Họ giống hệt hàng tồn đọng chưa hề qua sử dụng song đã bị gián chuột gặm nhấm. Giống như thế hỏi họ còn làm được gì? Song Đội tạp chủng vẫn rừng rực ước mơ. Cả Jill Castle nữa. Nàng không chịu bắt chước các cô gái trẻ trung như nàng, nhan sắc kém xa nàng, sinh sống và nuôi nấng mơ ước của mình bằng cái họ gọi là vốn tự có. Họ bảo nàng. “Xấu xí hay đui què gì đâu mà phải quần quật cả ngày chỉ để kiếm cái nhét vào miệng. Tiền công cởi đồ cao hơn nhiều, lại chỉ vài mươi phút là xong. Còn nếu mình cũng lại máu chuyện đó thì thật là một công đôi việc”. “Cho đến bao giờ?” Jill hỏi. Họ thản nhiên. “Đến bao giờ đại lý gọi thì lại tính tiếp”. Jill lắc đầu. Thà về lại Odessa phụ mẹ khâu vá còn hơn. Cuộc sống ấy đâu có giúp một cô gái Ba Lan nghèo khó cưới được một chàng trai Kenyon nào đấy. Bây giờ thì nàng tỉnh ra rồi. Nhưng nếu là một Jill Castle – ngôi sao điện ảnh thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Ngôi sao ấy muốn gì cũng được, kể cả một mỏ dầu, và lấy ai cũng được, kể cả ông chủ hoặc đứa con trai ông ta. Nàng không muốn và không thể trở lại là Josephine Czinshi nữa. Jill Castle có được vai diễn đầụ tiên là nhờ Harriet, một cô gái trong Đội tạp chủng, chính là cái cô đã rủ Jill kiếm sống chờ thời bằng nghề cởi đồ. Người chồng cũ của bà chị họ bên đằng ngoại cô ta hiện là thư ký trường quay tại hãng Universal, đang thực hiện một bộ phim truyền hình nhiều tập nói về y bác sĩ gì đó. Vốn mê cô em gái người vợ cũ, thỉnh thoảng anh ta lại cho Harriet một cơ hội, nhưng vì cũng rất hãn hữu nên cô ta dần quen với việc cởi đồ hơn là đóng phim. Lần này, vớ được một ông chủ chịu bao chuyến du hý châu Âu, Harriet bèn giới thiệu Jill thay mình, và bởi đẹp hơn cô ta nhiều nên Jill nhanh chóng được chàng trợ lý kia chấp nhận. Vai diễn chỉ dài khoảng nửa phút và nói đúng một câu. Đấy là cảnh bệnh viện, nàng đang ngồi bên giường bệnh nhân đo huyết áp cho người bệnh thì bác sỹ đi vào. Bác sỹ hỏi. “Ông ta ra sao, cô y tá!” Nàng sẽ đáp. “Tôi cho là không được tốt, thưa bác sỹ”. Vẻn vẹn có vậy. Rồi nàng sẽ được nhận bảy nhăm đôla nhưng không được bỏ túi hết số đó vì còn phải trừ đi khoản bảo hiểm xã hội, lại trừ tiếp thuế thu nhập rồi còn trừ khoản đóng góp cho nhà dưỡng lão của ngành y tế. Có trừ hết nàng cũng vui vẻ vì chủ yếu là nàng đã có cơ hội tích luỹ kinh nghiệm diễn xuất. Chiều hôm trước, người ta đưa cho Jill một trang xé ra từ tập kịch bản và dặn nàng đúng sáu giờ sáng hôm sau phải có mặt ở phòng hoá trang. Nàng suy đi nghĩ lại về cảnh đó và ước rằng nếu được đọc toàn bộ kịch bản thì tốt hơn bao nhiêu. Chỉ vài mươi dòng thế này, làm sao nàng hình dung ra nổi cô y tá kia chứ? Cô ta có chồng có con chưa? Đã từng phải trông nom người ruột thịt nào đau ốm nằm viện chưa? Quan hệ của cô ta với viên bác sỹ thế nào? Có mối liên hệ tình cảm gì với người bệnh mà cô ta đang trông nom không. Bình thường, thương cảm, hay là ghét bỏ? “Tôi cho là không được tốt, thưa bác sỹ”. Nàng nói câu thoại ấy tới lần thứ một trăm rồi, và chẳng lần nào giống lần nào cả. Một lần nữa, nàng tự nhủ. “Thưa bác sỹ, có lẽ không được tốt lắm”. Lần này nữa thôi, nàng tự động viên mình. “Tôi chắc là không tốt, bác sỹ!” Cứ thế, loay hoay tới gần sáng nàng mới chợp mắt được. Nhưng chưa bao giờ nàng khoẻ và vui như hôm ấy, trên đường tới Hãng phim. Trời chưa sáng hẳn khi nàng tới cổng Hãng bằng chiếc xe đi mượn của một người trong Đội tạp chủng. Nàng xưng tên với người gác cổng. Anh ta dò dò trong cuốn sổ rồi bấm nút điện cho cổng mở ra để nàng lái xe vào. “Trường quay số bảy”, anh ta nói, “đi theo biển chỉ dẫn”. Thế là tên Jill đã có trong sổ của một Hãng phim rồi đó. Universal đang chờ nàng và đã sẵn sàng đón nàng. Còn hơn cả giấc mơ. Và Jill quyết định sẽ trao đổi với đạo diễn một chút về nhân vật y tá trước khi bấm máy, để ông ta biết rằng nàng đã hình dung tới rất nhiều cách thể hiện, để ông ta dễ dàng chọn lựa cách tốt nhất. Trường quay, dưới mắt Jill lần đầu tiên được thấy, ngổn ngang như đang xây dựng, và ồn ào như sân bóng. Một cách ví von, nhưng thực tế cũng gần đúng vậy. Thì người ta đang xây dựng một bộ phim và với mấy chục con người đang bận rộn với những công việc đòi hỏi sự gào to nói lớn thì không chửi mắng nhau đã là trật tự lắm rồi. “Mang đèn lại đây phản quang đâu … sẵn ngựa chưa, ngựa cái, còn ngựa đực à, mang về cho con nhỏ Lara vừa bị chồng bỏ ấy… vứt mẹ cái nệm này đi, đã bảo nệm lò so để tăng độ nẩy chứ nệm rơm để hút chặt mông nó vào à…”. Toàn thứ ngôn ngữ Jill chẳng thể hình dung lại có trong điện ảnh, ở cái nơi làm ra những bộ phim xem mà phát khóc này, nhưng nàng vẫn đứng nhìn và nghe một cách say sưa, thầm nhủ không những phải quen mà còn phải học nữa, bởi từ hôm nay, đây sẽ là thế giới của nàng, là tương lai của nàng, là mơ ước của nàng đã thành hiện thực. Bắt đầu, nàng sẽ cho đạo diễn thấy, tuy lần đầu tiên đóng phim, nhưng nàng là một diễn viên ông ta chưa được gặp bao giờ, dù vẫn hằng tìm kiếm. Nàng sẽ nói với ông ta rằng… rằng… Cùng hơn chục người nữa, Jill đi tới phòng hoá trang. Người ta trao cho nàng bộ đồ y tá rồi bảo nàng trở lại trường quay để ngồi vào một góc khuất cùng bôi son trát phấn với các diễn viên phụ khác. Vừa xong thì nghe tiếng gọi tên mình, nàng vội chạy tới chỗ có tấm biển nhỏ nguệch ngoạc dòng chữ “Cảnh giường bệnh”. Bên chiếc máy quay, Jill thấy đạo diễn đang đứng nói chuyện với Rod Hanson, diễn viên nam chính trong vai người bác sĩ vui tính và đa tình. Nhích tới gần hơn, Jill nghe Hanson càu nhàu. “Tôi ngày càng chán những lời lẽ rẻ tiền được gọi là thoại này lắm rồi. Nghe con chó của tôi đánh rắm còn hay hơn. Lạy Chúa, tôi còn phải nhai nhải nó tới tận bao giờ?” Đạo diễn ôn tồn, “Phim phát sóng cả năm nay rồi, và nó vẫn được người xem tán thưởng, vậy sao lại phải thay đổi, dù chỉ là lời thoại? Khán giả thích anh vẫn cứ là anh, như họ đã quen”. “Tất cả đã chuẩn bị xong, xin mời đạo diễn?” Tiếng ai đó vang lên. Người đạo diễn nói với Rod Hanson. “Vào vai nhé, chuyện kia ta sẽ bàn tiếp sau”. “Tôi mong sớm đến ngày được giã biệt bộ phim và cả cái Hãng phim này”. Rod bỏ đi. Jill tranh thủ đến bên đạo diễn, cười rất tươi, nghiêng mình tự giới thiệu. “Tôi là Jill Castle, đóng vai nữ y tá. Và tôi thấy nhân vật này cần…”. Đạo diễn lơ đễnh hất hàm, bảo. “Đến bên giường người bệnh đi”. Rồi ông bước đến nói gì đó với người quay phim. Jill đứng ngây người nhìn theo ông ta. Chàng trợ lý trường quay vội chạy tới. “Mơ mộng gì đấy, không nghe ông ta nói ư. Đến giường đi”. “Tôi muốn bàn với ông y về…” “Cô thì biết gì mà bàn”. anh ta cáu, “ra chỗ diễn đi, nhanh!” Jill lặng lẽ đến bên giường bệnh trong khi tiếng trợ lý vang vang. “Trật tự, tất cả im lặng”. Anh ta nhìn đạo diễn. “Ông có cần xem diễn thử không?” Đạo diễn nhún vai. “Cảnh này á? Quay luôn?” “Diễn viên vào vị trí, đèn, máy sẵn sàng”. Jill mỗi lúc thêm ngơ ngác. Chẳng ai thèm nói nàng phải thể hiện nhân vật ra sao và cũng chẳng ai thèm nghe nàng nói về nhân vật mà nàng thể hiện phải nên thế nào để có sức truyền cảm hơn, hấp dẫn người xem hơn. “Máy! Bắt đầu” Tiếng hô như lệnh Chúa truyền, lập tức mọi con mắt đổ dồn vào Jill trong vai cô y tá. Liệu nàng có dám xin họ dừng máy, dù chỉ một vài giây, để nàng được nói đôi lời về cảnh quay này? Tiếng đạo diễn hét lên. “Y tá, sao không đo huyết áp cho bệnh nhân trước khi ông ta chết vì chờ đợi?” Ngay cả cái vầng sáng trắng loá dọi vào cảnh quay như cũng nhấp nháy thúc giục Jill hít một hơi rõ dài, cầm tay người bệnh lên. Họ không thèm chỉ bảo nàng, không thèm nghe nàng nói, thì đành tự làm theo ý nàng vậy. Hãy cứ coi ông lão bệnh tật này là bố chàng bác sĩ kia, và họ đang xung khắc lớn. cãi vã mấy lần rồi. Bây giờ, người bố gặp tai nạn, và anh con trai vừa hay tin. “Ông ta thế nào, cô y tá!”, Rod Hanson trong vai bác sỹ, hỏi. Jill ngước lên, nhìn sâu vào mắt anh ta, đọc được vẻ lo lắng trong đó, và rất muốn chia buồn rằng cha anh ta sắp chết rồi, rằng đã quá muộn để họ có thể hàn gắn lại, rằng… Tiếng thét của đạo diễn khiến Jill giật bắn mình. “Cắt! Cắt ngay! Ai, ai đưa con bò cái này đến hả? Có mỗi một câu mà không sủa ra nổi”. Jill nhìn về phía tiếng nói, mắt nheo lại vì ánh đèn, vừa ngượng vừa tức, giọng run lên. “Tôi nói được, nhưng tôi muốn thể hiện…” Không ai cho nàng nói hết câu. “Hãy nói nhanh ra cái câu trả lời mà cô bảo là nói được. Còn không thì cắp đít đi chỗ khác chơi cho”. “Tôi đang tự hỏi cô y tá có nên…” “Nên hay không nên cái gì là việc của cô y tá chứ không phải của cô. Nào, máy, chuẩn bị”. “Máy! Bắt đầu!”. Nỗi giận bất ngờ ập đến khiến Jill run bắn cả người. Ngoài nàng ra, chả ai thèm quan tâm đến cảnh này, dù nó xấu hoặc đẹp, hay hoặc dở, hợp lý hoặc không. Chậm một vài phút thì đã sao nếu người ta chịu nghe nàng nói, để cảnh bên giường bệnh trở nên cảm động hơn, hấp dẫn hơn. Mồ hôi vã ra khắp người và hình như cơn đau đầu lại đến … “Y tá! Diễn!” Jill lại cầm lấy tay người bệnh. Universal sẽ không bao giờ gọi đến con bò cái nữa nếu nó tiếp tục làm hỏng lần quay thứ hai này. Trong một tích tắc, nàng nghĩ tới Harriet, tới Đội tạp chủng, tới mơ ước của mình. Rod Hanson bước vào vùng sáng, hỏi. “Ông ta ra sao, cô y tá!” Nàng đã quyết định nhập cuộc, theo cách họ muốn. Nếu không, nàng sẽ chẳng bao giờ là người trong số họ, chẳng bao giờ được đặt chân vào ngôi đền điện ảnh nữa, mà ngược lại, còn tệ hại hơn cả bây giờ, tệ hại hơn cả Đội tạp chủng, sẽ thành trò cười cho cả Hollywood. Nàng chưa muốn tất cả chấm dứt ở đây. “Tôi cho là không được tốt, thưa bác sỹ” “Tôi muốn cô chuyển ông ta vào phòng chăm sóc đặc biệt”. “Tốt?” Đạo diễn hô. “Cắt, đưa in luôn”. Tất cả thế thôi ư, cảnh quay đầu tiên trong đời nàng? Bước chân đầu tiên nàng đặt vào điện ảnh? Jill hầu như không biết quanh nàng người ta lại ồn ào như sân bóng, lại chạy tới chạy lui… Còn nàng, lại chẳng ai nhắc đến nữa, lại là người đứng ngoài. Nàng có nên nhắc khéo lại bằng cách đến cám ơn đạo diễn không nhỉ. Biết đâu ông ta lại mời nàng một vai gì đó, tiếp theo, vì đã cảm nhận được một cái gì đó đặc biệt ở nàng qua vai cô y tá. Vừa lúc đó, chàng thư ký trường quay bước đến gật đầu với nàng. “Cũng được đấy, cô em. Nhưng lần sau nhớ học thuộc lời thoại vào”. Anh ta còn phải dặn ư? Cái “lần sau” ấy đến với Jill cách lần đầu… mười ba tháng, và ở Hãng MGM, chỉ giống lần đầu ở chỗ vẫn là vai phụ, và thời gian diễn vẫn không đầy một phút. Khoảng thời gian giữa lần đầu và lần sau ấy, nàng cũng như Đội tạp chủng, kiếm sống bằng đủ nghề khác nhau, chỉ thiếu nghề cởi đồ như Harriet, song bây giờ chính cô ta cũng đã kiếm được nghề người mẫu, thỉnh thoảng túng đói lắm mới “nhảy dù”. Vì tiền nong hạn chế nên Jill và Harriet thuê chung một căn hộ có hai buồng ngủ. Trong khi Jill chẳng có ai đến chơi thì buồng Harriet khách khứa suốt ngày, đôi khi cả suốt đêm. Harriet mắt đen, tóc đen, mặt không đẹp lắm nhưng thân hình nom thật gợi cảm, và đầu óc thì toàn chuyện vui cười. “Tớ là dân Hoboken, sự vui cười nuôi sống tớ”. Cô ta hay nói vậy. Thoạt tiên, Jill thèm được như Harriet, có thể yêu ngay từ câu tỏ tình bông đùa của bạn trai. Rồi sau nàng thấy sợ. Nó dẫn tới cái gì? Ở chung được một ngày, Harriet giới thiệu Ralph với nàng và bảo hai người sắp làm đám cưới. Mấy hôm sau Ralph biến mất cùng chiếc xe hơi của cô ta. Một tuần sau đó, Harriet gặp Tony, nghe nói làm kinh doanh hoa quả gì đó, và lập tức yêu mê yêu mệt. “Nhân vật quan trọng đấy”, Harriet nói vậy, nhưng không lâu sau báo đăng ảnh xác Tony dạt vào bờ biển với một quả táo nhét trong mồm. Rồi đến Alex. “Cậu chả thấy ai đẹp trai như anh ấy đâu!”. Đúng vậy. Có điều anh ta bỏ Harriet còn nhanh hơn cả khi yêu vì thấy người yêu không cung phụng nổi cho thói ăn no uống say của mình. Rồi tới cả chục chàng trai khác nữa, đến rồi đi, đến rồi đi…”Thấy ai yêu mình mà mình không yêu lại cứ như mình đánh mất một thứ gì đó. Mà mình lại không muốn để mất bất cứ thứ gì?” Harriet tâm sự. “Thế cái ô tô và vô số tiền bạc mất cho họ thì sao?” Jill định hỏi vậy nhưng nhìn vẻ mặt tội nghịêp của bạn lại thôi. Rồi Harriet báo tin có bầu. “Có lẽ là của Leonard”, rồi đùa luôn, “tớ bảo có lẽ, vì ban đêm mọi anh chàng có râu đều giống hệt nhau, mà tớ thì chỉ yêu được những chàng có râu thôi”. “Nói với Leonard chưa? Anh ta hiện ở đâu?” “Omaha hay Okinawa gì đó. Tớ dốt địa lý lắm”. “Vậy sẽ ra sao?” “Tớ nuôi chứ còn sao nữa”. Cái thai lớn dần, Harriet mất nghề người mẫu, tiền ăn, tiền nhà của cả hai, nay mình Jill gánh và nàng không phàn nàn gì, chỉ thêm thương bạn. Một buổi chiều, mở cửa căn hộ, nàng thấy im ắng lạ thường. Dưới khe cửa là mảnh giấy Harriet để lại “Tớ chỉ muốn con mình được sinh ra ở Hoboken. Và tớ tin ở đó đang có một chàng trai tuyệt vời dành cho tớ. Cám ơn những ngày sống bên cậu. Tớ yêu cậu, mãi mãi – Harriet, nữ tu sỹ”. Ngay giữa mùa đông căn phòng cũng không lạnh đến thế.