Người lạ trong gương

Chương 17 + 16


Bạn đang đọc Người lạ trong gương – Chương 17 + 16

Chương 15

Cuộc đời Sam Winters ít hôm nghe được nhiều sự tốt lành như hôm nay. Toàn những tin đáng để ăn mừng. Nào các chương trình truyền hình của Pan-Pacific đang ngày một ăn khách mà Chàng trai có tên Thứ Sáu là phim đứng đầu, nào cánh truyền hình đang muốn ký một hợp đồng năm năm cho loạt phim này. Tin sau còn vui hơn. Bộ phim do Tessie thủ vai chính và do Barbara Carter làm chủ nhiệm đang được quay với tốc độ chóng mặt mà vẫn rất ổn ở cả hai khâu nghệ thuật và kỹ thuật. Cũng có lý do là Tessie phải gắng sức để chứng minh việc cô ta đề cử Barbara là đúng. Nhưng dù Tessie có chẳng chứng minh gì đi nữa thì Barbara vẫn sẽ là một trong những chủ nhiệm phim hàng đầu của năm nay và đây sẽ còn là năm đánh dấu một bước ngoặt đối với các nhà thiết kế trang phục. Sam vừa gấp giấy tờ lại để đi ăn trưa thì cô thư ký Lucille ùa vào, hổn hển. “Họ vừa bắt được người đốt kho đạo cụ, đang dẫn tới đây”. Sam ngớ ra khi thấy người đàn ông già nua bị dẫn giải vào, đôi mắt ông ta đầy thù hận. Đó là đạo diễn lừng lẫy một thời, Dallas Burke. “Tại sao? Ông nói đi, vì Chúa!” Anh gào lên. “Bởi không muốn cứ phải nhận mãi đồ bố thí, anh hiểu chưa?” Burke lồng lộn. “Tôi hận anh, hận cái trò điện ảnh này, cái Hollywood khốn kiếp này, đồ chó đẻ cả lũ. Tôi đã làm giàu cho quá nửa số Hãng phim ở đây, cũng như cho các ông chủ Hãng đó. Tất cả đều làm giàu trên lưng tôi. Tại sao anh cứ làm vẻ hài lòng rồi bỏ tiền ra mua các câu chuyện tôi cóp nhặt lăng nhăng để rồi bỏ xó chúng mà không giao tôi đạo diễn một bộ phim bất kỳ nào đó?” Ông gào lên. “Tại sao? Nếu tôi chìa ra cuốn danh bạ điện thoại chắc anh cũng sẽ mua đấy nhỉ. Tôi cần tiền để sống mà làm việc chứ đâu cần sống chỉ để có mặt trên đời này. Anh săn sóc, anh ưu ái tôi nhưng chính là đang để tôi chết dần chết mòn trong thất bại và tủi nhục, và tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh chuyện này đâu”. Dallas Burke đã được đưa đi song Sam Winters, quên cả ăn uống, vẫn ngồi ngẫm nghĩ mãi về ông, về những bộ phim đặc sắc do ông đạo diễn, về thái độ của ông vừa rồi… Vậy mà anh cứ tưởng sẽ không có gì làm hỏng nổi cái ngày tuyệt vời này.

Chương 16

Từ khi vợ chết, danh tiếng Toby mỗi ngày một lan rộng, các màn hài hước mỗi ngày mỗi khiến khán giả cười nhiều hơn. Anh được mời diễn tại các câu lạc bộ hạng nhất, như Chez Parey ở Chicago, Latin Casino ở Philadelphia, Rouyal ở New York và nhiều nhiều nữa. Anh diễn cho mọi đối tượng khán giả, từ những con người sang trọng ở các câu lạc bộ kể trên đến các cháu nhỏ đau ốm trong bệnh viện trẻ em, đến cả các Hội từ thiện, Hội tương tế…Có thể nói một cách khái quát là anh có thể biểu diễn cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào. Anh không thể sống, dù no hay đói, dù giàu hay nghèo, dù có đàn bà hay không…mà lại không được biểu diễn, không có người xem và nhất là không có tiếng cười, tiếng vỗ tay của họ. Ngay cả các sự kiện lớn xảy ra trên khắp thế giới tác động đến nhân loại thế nào chả biết, nhưng với anh, chúng chỉ là chất liệu cho các màn trình diễn mà thôi. Thí dụ năm 1951, khi tướng Arthur bị thất sủng đã nói. “Những người lính già không thể chết, họ chỉ mai một đi thôi”, thì Toby bảo, “Lạy Chúa, hẳn là chúng ta giặt quần áo chung một hiệu”. Khi Nixon cao giọng phê phán về vấn đề ngân sách, Toby nói. “Tôi sẽ bỏ phiếu tức thì, nhưng không cho Nixon mà là cho ngân khố”. Năm 1954, Stalin chết, Ike lên làm Tổng thống Mỹ, giới trẻ khoái kiểu mũ Crockett, dân chúng tẩy chay xe buýt ở Montgomery… Những cái đó, và vô số cái khác nữa, đều trở thành chất liệu gây cười cho Toby. Nghe giọng nói, nhìn gương mặt với những biểu cảm dữ dội của anh trong khi đôi mắt anh tròn xoe ngây thơ, ngơ ngác, không ai nín cười được. Họ bò ra, ngả ngốn ra, chảy nước mắt ra mà cười. Họ yêu mến anh, và anh tồn tại một cách hữu ích trên đời. Anh đền đáp mẹ, chính là nhờ vào sự yêu mến đó. Nhưng tận nơi sâu kín trong anh luôn nơm nớp một cái gì đó, như một sự lo âu thường trực mà không vinh quang nào đủ sức tiêu diệt nó, thậm chí chỉ khiến nó tạm thời lánh đi. Anh áy náy từ việc bỏ lỡ một tiệc vui được mời; và cả cái băn khoăn vô lý vì cùng lúc không thể trình diễn ở hai nơi, không hiểu sao vẫn cứ ngang nhiên tồn tại. Cả cái việc lỡ dịp lên giường với một cô gái nào đó cũng khiến anh thắc thỏm mới lạ, bởi với anh, từ khi trở lại là người đàn ông độc thân, anh thay đàn bà như thay hộp quẹt, dù thích đến mấy, cũng không cho phép mình dính líu quá sâu hoặc quá lâu với bất kỳ cô nào. Nhớ cái thuở cơ hàn biểu diễn ở các quán rượu, nhà trọ tồi tàn gọi chung là hệ thống nhà vệ sinh, anh đã chả thèm muốn đến phát khóc khi nhìn các ngôi sao sân khấu ngồi trong những chiếc limousine bóng lộn cùng các cô gái xinh đẹp ăn bận lộng lẫy. Bây giờ thì anh đã dư sức có được những gì ngày ấy anh mơ tưởng nhưng nỗi cô đơn vẫn ngày đêm đeo bám lấy anh. Anh khâm phục cái người nào đó đã có câu nói, như nói về chính anh vậy: Khi ta tới được nơi đó, thì lại không thấy có nơi đó… Anh thấy nhớ mẹ. Bà chắc chắn vui khi anh đã nổi tiếng đúng như bà tiên đoán, như bà sẽ có cảm giác gì khi biết anh vẫn phấp phỏng âu lo, vẫn cô đơn sầu muôn? Còn cha anh nữa? Ông bị xuất huyết não đã mấy năm nay, đầu óc đã như ngớ ngẩn chẳng nhớ được gì khác ngoài những lần con trai viếng thăm. Toby gửi ông vào nhà an dưỡng ở Detroit, một công trình xấu xí xây bằng gạch từ thế kỷ trước, toát ra vẻ già lão, bệnh hoạn và chết chóc. Toby bước vào căn phòng rộng rãi trải tấm thảm xanh bẩn thỉu, nơi bố anh sống cùng hơn chục ông già bà cả khác. Họ vây quanh anh, cả các y tá, hộ lý nữa, thảy đều hướng về anh bằng những cái nhìn phải nói là sùng bái. “Kìa, tối qua tôi vừa được xem anh trên tivi. Nhất anh đấy. Tôi cười đến nỗi ngã lăn từ trên giường xuống đất”. “Toby ơi, làm sao anh nghĩ ra được những chuyện tức cười đến thế?” “Trong lúc chờ gặp cha, anh kể chuyện gì cho chúng tôi cười đi”. Vừa may, một hộ lý đang đẩy tới chiếc xe có bố anh ngồi trên đó. Ông mới được cắt tóc, cạo râu và còn chịu mặcple để đón con trai tới thăm. “Ai thế kia, cha tôi đấy, ư, sao nom giống Jack Barrymore vậy?”. Toby kêu lên và ai nấy đều nhìn ông Temple, thầm ao ước giá mình cũng có đứa con tuyệt vời như vậy đến thăm. Anh cúi xuống ôm lấy vai ông. “Đừng trêu chọc người ta thế nữa”, rồi chỉ tay vào cô hộ lý, “mình là đàn ông, phải đẩy xe cho cô ta mới đúng chứ?” Tất cả cười rũ ra. Sẽ có nhiều người học thuộc câu đùa này, nhớ đúng ngày tháng này để sau đó kể lại với gia đình, bè bạn rằng. Hôm ấy, lúc ấy, tôi đứng ngay bên Toby, sát bên, như thế này này, và anh ấy bảo với ông bố là… Anh đứng lại thêm lát nữa, pha trò cười, trêu chọc đám người đủ chuyện, từ sức khoẻ, con cái tới chuyện gối chăn…Họ cười về chính những chuyện của họ mỗi lúc một to hơn, sảng khoái hơn và Toby biết họ mong anh cứ trêu chọc họ nữa, trêu chọc họ mãi… Rồi anh làm bộ buồn rầu. “Tôi căm ghét giờ khắc phải chia tay này. Các vị là những khán giả đáng yêu nhất mà tôi được biểu diễn cho, nhưng công việc là trọng. Đã đến giờ tôi phải gặp riêng bố tôi, để nghe ông truyền thụ lại ít chuyện cười. Tôi sắp hết vốn rồi. Xin phép các vị”. Anh gập mình chào trước tiếng vỗ tay và reo hò như của cả trăm người. Giờ chỉ còn hai bố con trong phòng khách. Là nơi tiếp khách song nó cũng sặc mùi chết chóc. Nhưng suy cho cùng, cả cái nhà này cũng chẳng để dành cho cái kết cục đó hay sao? Toby nghĩ. Chết ư? Có khác gì nhau cái chết chầm chậm ở nhà, ở bệnh viện, hoặc chết tươi bởi tai nạn trên đường? Ở chỗ an dưỡng này, dù sao, ít hay nhiều, nhanh hay chậm, bố anh cũng còn được sống với những người, dù không là bạn thì cũng có thể là bè, và dù có không là gì thì theo anh, họ cũng rất đáng yêu, thể hiện qua thái độ của họ với anh vừa rồi. Và Toby tin rằng họ không thể làm gì để bố anh phải buồn. “Bố sung sướng vì con vẫn nhớ đến thăm bố”. Ông Temple chậm chạp nói. “Bố rất muốn gặp con để báo cho con một tin vui, là ông già Art Riley ở phòng bên cạnh vừa chết đêm qua”. “Con khó mà đưa cái chuyện ấy vào màn diễn, nghe chẳng vui lắm”. Toby cười cười. “Vui chứ con. Vui lắm. Bởi bố có thể dọn vào phòng đó. Nó chỉ có một giường”. Tuổi già còn là thế đó, Toby nghĩ, vẫn ham sống, vẫn mong tận hưởng những gì sung sướng vớt vát được. Chắc là vẫn dễ chịu hơn cái chết. Cái chết của họ có thể là sự giải thoát cho vợ con hoặc họ hàng thân thích của họ, nhưng với họ, còn sống vẫn là tốt đẹp hơn nhiều, nên họ vẫn mong bám được vào nó. “Chúc mừng sinh nhật, ông Dorset. Ông thấy sao, ở ngày bắt đầu cái tuổi chín tư này?” – “Tuyệt vời, anh bạn trẻ ạ. Thêm ba năm, năm năm nữa, vẫn cứ là tuyệt vời khi mình còn đang sống”. Đến lúc Toby phải đi rồi. “Có dịp là con sẽ vào thăm bố ngay”. Anh tặng bố một ít tiền, tặng các y tá, hộ lý nhiều hơn. “Mong các vị chăm sóc bố tôi chu đáo. Ông đã kể tôi nghe rất nhiều chuyện vui để đưa vào màn diễn. Cảm ơn các vị”. Chưa ra khỏi cổng nhà an dưỡng anh đã quên hết mọi chuyện liên quan đến ông bố tội nghiệp, chỉ nghĩ về buổi diễn tối nay. Song các y tá, hộ lý và đám bệnh nhân gặp anh hôm đó, rất lâu sau sẽ còn nói với nhau, và với ai quen biết họ, về ngày thăm viếng này của anh.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.