Đọc truyện Người Lạ Quen Mặt – Chương 59: Tôi và anh ấy, ai xa lạ hơn ai?
“Đừng vì quá an tâm về khoảng cách và tình yêu mà quên đi rằng, ai ở bên nhau cũng cần phải hiểu nhau.”
Trận sốt virus kéo dài một tuần khiến tôi như vừa trở về từ một nơi túng thiếu và cực khổ, tôi gầy xọp và hốc hác. Lại thêm việc ăn ngủ thất thường nên trận ốm kéo dài hơn những gì tôi tưởng tượng. Tôi ngủ rất ít, một ngày ngủ hai ba tiếng hoặc không ngủ. Việc ăn uống cũng hạn chế quanh mấy hộp cháo ăn liền và một vài thực phẩm đóng hộp tôi mua từ tháng trước. Thứ mà tôi mua gần đây nhất là thuốc kháng sinh và thuốc hạ sốt mà tôi lười nhác mãi mới chịu đem về từ bệnh viện nhỏ gần nhà. Tôi rất ít khi ốm nhưng hễ ốm là ốm rất lâu. Có vài người gọi điện cho tôi nhưng hầu như tôi không nghe máy, chỉ nhắn lại bằng vài tin giống nhau.
Phong và Vương đều đến tìm tôi, một người buổi sáng, một người buổi chiều. Vương muốn đưa tôi đi bệnh viện nhưng tất cả những việc tôi làm chỉ là từ chối tế nhị. Dĩ nhiên anh ấy không đồng ý, còn nói không gặp sau này cũng được, miễn là bây giờ tôi chịu đi bệnh viện. Sau rồi vì tôi nhất quyết không chịu đi nên anh ấy cũng phải đầu hàng, rời đi rồi quay lại với một hộp cháo nóng hổi và một túi thuốc lớn. Phong thì đến vào buổi chiều, cũng với yêu cầu tương tự Vương và nhận được lời từ chối của tôi. Không hiểu sao khi được người khác quan tâm, tôi lại cảm thấy khó chịu hơn là cảm kích. Phải chăng vì sự quan tâm không đến từ người tôi mong chờ nên tôi mới có loại cảm xúc không tốt như vậy chăng? Đó cũng chỉ là một trong rất nhiều suy nghĩ mà tôi đã nghĩ mỗi lúc tôi không ngủ. Tôi suy nghĩ rất nhiều thay vì tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe bản thân.
Tôi đã không ngủ kể từ giấc ngủ cuối là ba mươi tiếng trước nên sắc mặt tôi cũng trở nên u ám và xám xịt như bầu trời ở bên ngoài. Mưa cả ngày, không dứt. Tôi cũng vì mưa mà lòng nặng trĩu hơn. Tôi cảm thấy mệt mỏi hơn bao giờ hết. Tôi nhớ Dim. Đã rất nhiều lần tôi cầm điện thoại lên nhưng lại bỏ xuống vì không dám gọi cho Dim. Tôi biết nếu tôi mà gọi cho anh ấy, dù chỉ là một hồi chuông anh ấy cũng chạy ngay đến với tôi nhưng hiện tại chúng tôi đang có mối quan hệ khó xử như thế này thì tôi biết lấy lý do để gặp anh ấy. Vì thế tôi đã gọi cho Huy và cậu ta cũng là người đàn ông duy nhất tôi cho vào nhà. Nhưng khi Huy bắt đầu bước chân vào nhà thì ngôi nhà của tôi chẳng thể yên bình, tĩnh lặng được nữa vì hàng loạt lời kêu ca chê bai sự luộm thuộm và lười nhác của tôi phát ra từ miệng cậu ta. Cậu ta chẳng màng tôi ốm đau bệnh tật ra sao mà chỉ chú tâm vào việc bình luận căn nhà và chủ yếu là tỏ rõ thái độ khinh thường trước sự lộn xộn mà tôi gây ra cho căn nhà.
– Làm thế nào để chị có thể sống trong một nơi như thế này vậy?
Huy bịt mũi khi đi qua đống đồ ăn bị thiu vì tôi đã để chúng ở ngoài những hai ngày.
Tôi ngồi lên ghế, nhún vai.
– Thì cứ thế mà sống thôi!
Bỗng nhiên Huy bước lại gần tôi, mặt không chút cảm xúc, bất ngờ vung tay ra trước mặt tôi. Tôi theo phản xạ tránh sang một bên, ngỡ là cậu ta định đánh tôi nhưng cậu ta lại khiến cho tôi ngạc nhiên khi mở bàn tay ra. Trong lòng bàn tay của Huy là một chiếc bánh bao nhỏ xíu được bọc cẩn thận trong một lớp giấy. Đây là chiếc bánh bao nhỏ nhất mà tôi nhìn thấy, to hơn chiếc nắp chai Lavie một chút. Hình thù của nó không khác chiếc bánh bao thường thấy là bao nhiêu.
Tôi ngước mắt nhìn Huy, cầm chiếc bánh trên tay cậu ta.
– Ở đâu ra thế?
Huy đi loanh quanh, kéo rèm rồi mở cửa sổ. Mùi ngai ngái của đất ẩm tràn vào trong căn nhà làm không khí trong nhà bớt ngột ngạt. Tôi khịt mũi, mơ hồ nhấp nháp chút vị tự nhiên mà bao ngày qua tôi đã chối từ.
Huy không trả lời, trầm mặc ngồi nhìn tôi. Nhìn chiếc bánh trong tay, tôi không nỡ ăn mà chỉ muốn được ngắm nhìn nó, để nó trong lòng bàn tay rồi thích thú vì sự bé nhỏ của nó.
– Đáng yêu thế này tôi không đành lòng ăn được.
Tôi nói với vẻ tiếc nuối, hướng ánh mắt buồn rầu nhìn về phía Huy nhưng cậu ta chẳng có chút phản ứng lại.
– Này, sao nãy nói nhiều mà giờ im re vậy?
Tôi nghiêng cổ, thu chân vào, ngồi gập trên ghế.
– Vợ chồng chị ly hôn rồi à?
Huy cắt đứt dòng suy nghĩ về chiếc bánh bao của tôi, hỏi một câu mà mấy ngày nay tôi đã trốn tránh không nghĩ tới.
– Sao cậu không thể nói vấn đề đó nhẹ nhàng hơn bằng từ chia tay được nhỉ?
Tôi không đồng tình với hai từ “ly hôn”, nhăn mặt đáp lại.
Huy ngay lập tức phản biện, bĩu môi.
– Vợ chồng bỏ nhau thì chẳng là ly hôn chứ còn là gì được nữa? Hay là…
Huy nghi ngờ, nói rất chậm rãi.
Cậu ta dám động đến chuyện vợ chồng tôi một cách vô ý như thế mà được sao? Tôi bực tức lên tiếng.
– Cậu đang nói năng vớ vẩn gì thế? Chúng tôi đã tổ chức hôn lễ và đăng ký….
Nói đến đây, tôi chợt ngừng lại. Chuyện đăng ký kết hôn hình như là… Năm đó khi tôi và Dim đi đăng ký, có vài vấn đề xảy ra nên anh ấy phải quay trở về Mỹ để xử lý và xin giấy tờ. Nhưng rồi, công việc quá bận rộn nên tôi không nhớ tới việc đăng ký, Dim cũng không nói gì sau khi trở về.
Chúng tôi chưa từng đăng ký kết hôn.
Phải rồi, chưa từng.
Huy thấy biểu hiện ngập ngừng và ngớ người ra của tôi, lại gần, nhíu mày.
– Thế nào vậy? Hai người đăng ký chưa?
Huy vỗ vỗ vào vai tôi nhưng tôi vẫn ngồi im, ngơ ngác.
– Nói gì đi chứ? Chị bị sao thế?
Ra là Dim đã chuẩn bị sẵn cho ngày này, chuẩn bị sẵn cho sự ra đi của anh ấy. Khi yêu nhau, anh ấy thích nói về hôn nhân và cuộc sống hôn nhân của chúng tôi, đùa cợt về ngày mà chúng tôi nắm tay nhau đến nơi đăng ký kết hôn để khẳng định mối quan hệ của chúng tôi. Còn sau khi chúng tôi bước vào cuộc sống hôn nhân, anh ấy không ép buộc tôi phải gần gũi với anh ấy, tránh né việc có con và giờ thì cả việc đồng ý ra đi mà không lời giải thích. Tôi có cảm giác mình bị phản bội, bị lừa dối và bị tổn thương nhưng lại không hề oán hận Dim.
– Có thuốc không?
Tôi liếc mắt nhìn Huy.
Cậu ta không hiểu, hỏi lại.
– Thuốc gì?
Tôi không đợi chờ thêm phản ứng nào của Huy, đứng dậy lục túi quần của cậu ta lấy ra bao thuốc lá, rút ra một điếu rồi đi ra ban công, châm lửa. Những làn khói mờ mịt bay thành tảng, trôi hờ hững trước mặt tôi. Mùi khói thuốc luôn làm tâm trạng tôi tốt hơn mỗi khi tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng và bối rối.
Tôi muốn uống rượu nhưng trong nhà chẳng còn lấy một chai vì một năm trước tôi đã vứt hết rượu đi để giữ cơ thể khỏe mạnh hơn với mục đích có con. Tôi cai rượu, cai thuốc và mọi chất kích thích khác để sức khỏe ổn định. Thậm chí tôi còn cố gắng ăn những món ăn dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe. Tôi làm tất cả để mong có thể mang thai nhưng Dim lại từ chối tất cả. Anh ấy đụng vào tôi nhưng không nhiều. Những lần chúng tôi chung đụng hầu hết là do tôi chủ động. Mỗi lần tôi nhắc đến việc có con là anh ấy lại trêu đùa hay cố gắng nói đến chuyện khác. Thái độ của anh ấy quay ngoắt lại sau một năm kết hôn. Khi đó tôi không để ý nhiều, một phần vì công việc, một phần do quá khứ và cũng do tôi nghĩ rằng Dim nghĩ cho tôi nên không muốn bắt ép tôi có con sớm. Nhưng rồi dần dần, khi tôi có những suy nghĩ lạc quan hơn, tôi mong muốn có đứa con chung với Dim thì anh ấy lại chẳng để ý tới. Hóa ra anh ấy không muốn có con là vì anh ấy đã có một đứa con rồi, cũng chuẩn bị cho sự chia tay với tôi. Điều này, nghĩ tới thật sự rất đau lòng.
Một điếu, hai điếu, ba điếu lần lượt bị tôi hút đến tận đầu lọc mới dụi xuống chậu hoa. Ngày mới cưới, tôi thường ra ban công vào buổi đêm hoặc khi Dim không có ở nhà, lén lút hút vài điếu mỗi ngày rồi giấu những đầu lọc ngắn củn dưới lớp đất của chậu hoa. Mỗi tháng tôi vứt một lần hoặc vài tháng mới nhớ tới để vứt. Hai năm trở lại đây tôi không còn hút thuốc. Nhưng khi tôi nhấc cây hoa lên, dưới lấp đất là vô số đầu lọc còn mới, chưa bị phai màu, chỉ ẩm ướt một chút. Tôi không hút, vậy chẳng phải là Dim sao? Dim đã bỏ thuốc rồi mà. Bởi vì muốn tôi cai thuốc nên anh ấy chịu bỏ thuốc trước tôi. Kể từ khi yêu nhau, anh ấy không hề hút thuốc dù chỉ một điếu. Dim từng nói với tôi, anh ấy không thích hút thuốc nhưng anh ấy vẫn hút bởi vì hút thuốc sẽ làm cho tâm trạng anh ấy tốt hơn, giải tỏa căng thẳng trong lòng anh ấy mỗi khi anh ấy phải suy nghĩ điều gì đó. Với ngần này đầu lọc, anh ấy đã mất bao nhiêu điêm để hút đây… Và, anh ấy đã suy nghĩ những gì mà phải tìm đến thuốc lá thế này? Tôi cảm thấy Dim xa lạ quá. Tôi không hiểu gì về anh ấy cả. Tôi cũng không biết anh ấy nghĩ gì và muốn làm gì. Làm vợ chồng bao năm mà tôi như một người xa lạ sống chung nhà, nằm chung giường. Chỉ thế, không hơn. Tôi chưa từng cố tìm hiểu Dim, chưa từng xem anh ấy thích gì và hỏi anh ấy nghĩ gì. Luôn là Dim quan tâm tôi, nghĩ cho tôi.
– Tôi thấy Dim giống chiếc bánh bao kia.
Huy đứng sau lưng tôi, mãi sau mới lên tiếng.
Tôi quay đầu lại, dụi thuốc lá xuống.
Thấy tôi có vẻ muốn lắng nghe, Huy tiếp tục nói.
– Chị chỉ muốn để Dim ở bên chứ không muốn Dim trở thành một phần nào trong chị. Chị thích Dim ở cạnh, thích được thấy Dim hơn là để bản thân chị thuộc về Dim. Chị khiến anh ấy cảm thấy thiếu an toàn trong tình yêu của chị. Một ngày nào đó, chiếc bánh bao bị mốc và không còn ăn được nữa, dù chị không đành lòng nhưng cũng phải vứt đi. Giống như chiếc bánh bao kia, Dim lo sợ sẽ có một ngày như vậy xảy ra nên chọn lựa sẵn cho mình một lối rẽ khác cũng không phải điều đáng trách.
Huy đang tự cho cậu ta là ai? Cậu ta không sống trong cuộc hôn nhân của tôi, dựa vào điều gì mà cậu ta nói về hôn nhân của tôi một cách chắc chắn như thế? Dựa vào gì mà cậu ta có thể lý giải hành động của Dim giống như cậu ta là Dim?
Tôi cảm thấy nóng bức và khó chịu. Tôi muốn gào ầm lên hay quát mắng Huy nhưng tôi chỉ biết đứng im, với mẩu thuốc dụi vội trên tay, với đôi mắt ngập nước nhìn vào Huy.
Tôi vô thức lắc đầu, chối bỏ những lời Huy nói, giọng run rẩy.
– Không… không… không phải… không phải đâu.
Rồi tôi đột ngột khụy gối, ngã xuống. Tê tái. Đau đớn. Khốn cùng. Dường như lòng tin vào bản thân tôi đã phản bội lại chính tôi. Tôi thấy mình giống như kẻ mang tội.
Huy ngồi xuống, nhìn tôi với ánh mắt thất vọng.
– Chị luôn cố chấp, trước cũng vậy và nay cũng không hề thay đổi.
Huy thở dài rồi đứng dậy, bước ra khỏi nhà.
Xung quanh tôi trống vắng đến lạ lẫm. Tôi ngỡ tưởng một tuần nay tôi đã quen với sự cô đơn lạnh lẽo này nhưng giờ tôi mới thật sự cảm nhận được hết nỗi bi thương và đơn độc. Cô đơn đối với tôi mà nói, chính là khi bản thân không hiểu gì về chính mình. Đó chính là nỗi cô đơn lớn nhất. Nếu tôi không hiểu tôi thì còn tư cách gì để đòi người khác hiểu tôi, hiểu cho nỗi đau của tôi và những tổn thương tôi gây ra cho người khác.
Bây giờ, tim tôi, đau lắm.