Người Đẹp Phải Mạnh Mẽ

Chương 3


Đọc truyện Người Đẹp Phải Mạnh Mẽ – Chương 3

Vệ Tử cố gắng nuốt trôi miếng bánh, rồi trả lời Ngưu Lệ Lệ: “Em không…”, không ngờ, vừa mới mở miệng nói thì một cơn ho lại bật ra, lại bị sặc vì miếng bánh mất rồi!

Thế nên, cả một phòng khách huyên náo bỗng nhiên bị tiếng ho của Vệ Tử át hẳn đi. Thấy cô ho tới mức tím cả mặt, nước mắt nước mũi giàn giụa, Ngưu Lệ Lệ sợ quá vội vàng gọi người giúp việc mang nước tới.

Uống một ngụm nước, Vệ Tử bịt miệng, cúi người xuống, khó khăn lắm mới ngăn được cơn ho, vội giải thích với Ngưu Lệ Lệ: “Em không có ý định ra nước ngoài, càng không có ý định tìm người dựa dẫm để học cao hơn. Vì em nghe nói học cùng như thế thực ra là phải ngủ cùng giường”.

Cuối cùng thì cũng đã mở được mắt ra, Vệ Tử bỗng phát hiện sự khác thường đang diễn ra: Tất cả mọi người trong phòng dường như đều đang dồn mắt về phía cô, người gần nhất là Ngưu Lệ Lệ cũng đang tròn xoe mắt lên nhìn mình, sắc mặt chỗ xanh chỗ trắng trông thật đáng sợ.

Do cơn ho chấm dứt, máu dồn lên não, Vệ Tử chợt hiểu ra một chuyện, nghe nói Ngưu Lệ Lệ học chuyên ngành Tài chính, ngành này khó mà xin xuất ngoại được, không lẽ cô ấy đã xuất ngoại theo kiểu đi học cùng?!

Hiểu rõ chuyện này, lại nhìn thấy phản ứng của mọi người, Vệ Tử càng chắc chắn rằng suy đoán của mình là chính xác, tiếp đó cô cảm thấy xung quanh rất yên ắng, không biết cô có nên hiểu rằng tiếng ho của mình đã làm cho cả phòng khách yên lặng, rồi sau đó nói ra câu nói đấy hay không? Nói cách khác, có nghĩa là tất cả mọi người đều đã nghe được câu “học cùng là ngủ cùng giường” mà cô nói.

Từ vẻ mặt xám xịt của ông chú họ ngồi trong góc, Vệ Tử lại một lần nữa có thêm chứng cứ để khẳng định suy nghĩ của mình, trời ơi, giá mình hóa thành mây khói biến mất được thì tốt!

“Điều đó rất giống với tác phong làm việc của cậu.” Dương Sương kết luận. Vì cách một lớp rèm, Vệ Tử không thể nào đoán được câu nói đó là thể hiện sự đồng tình hay chế nhạo, nhưng cô không dám hỏi bừa, mà chỉ nghe Dương Sương hỏi tiếp: “Sau đó thì sao? Cậu thoát ra khỏi hoàn cảnh đó như thế nào?”.

“Sau đó con rể của chủ nhiệm Ngưu hình như đã giới thiệu một người khách rất quan trọng cho ông ta, và mọi người đều chú ý đến người khách đó, còn mình thì lặng lẽ chuồn và gọi taxi về.” Tiền đi taxi từ biệt thự về đến trường đã khiến cô xót ruột suốt mấy ngày liền, nhưng cô thực sự không còn mặt mũi nào để ở lại đó thêm được nữa.

“Nói như vậy, cậu đã không đi gặp mặt một cách nghiêm túc thực sự, và người kia cũng không phải là đối tượng xem mặt.” Dương Sương có vẻ không lấy gì làm hài lòng với suy đoán chưa chính xác của mình.

“Ông chú họ của cậu cũng chịu từ bỏ như thế ư?” Vũ Di cảm thấy câu chuyện vẫn chưa kết thúc.

“Sau đó chú họ gọi điện mắng cho mình một trận, có điều ông ấy nói sẽ không có chuyện bỏ mặc không quan tâm đến mình, nể tình ông ấy với bố mình, ông ấy sẽ để ý tìm cho mình một đối tượng thích hợp. Trời ạ, mình thực sự hy vọng ông ấy đừng có tốt với mình như vậy nữa!”

“Tốt với cậu cái con khỉ! Cậu đúng là đồ ngốc, bị người ta mang đi bán mà vẫn còn không tỉnh ra!” Dương Sương không nén được nữa, cuối cùng phải buột ra câu mắng ấy.


“Vì sao?” Vệ Tử biết trí thông minh của mình còn lâu mới bằng Dương Sương, nên chuyện bị cô ấy mắng đã trở thành quen, vì vậy cô bình thản hỏi lý do.

“Một người chú, mà là chú họ, vì sao lại phải nhọc lòng với cậu như vậy? Ông ấy đã nói thời gian đối với ông ấy rất quý, ấy thế mà vẫn mất thời gian với cậu, chẳng phải là vì cậu có chút nhan sắc thì còn là gì?”

Mặc dù mọi người không nhìn thấy, nhưng mặt Vệ Tử đã đỏ bừng lên rồi: “Ông ấy là chú họ của mình, giữa hai chú cháu có quan hệ máu mủ, không thể…”.

“Nói rằng cậu ngốc, còn không chịu thừa nhận.” Dương Sương có vẻ rất tức giận, “Mình đâu có nói ông ta có ý đồ gì với cậu, nhưng những người buôn bán thì luôn coi trọng cái lợi. Cậu nghĩ mà xem, nếu cậu tốt nghiệp xong mà chỉ tìm được một công việc ăn lương nhà nước thì ông ta được lợi lộc gì? Dù cậu có đưa toàn bộ tiền lương cho người nhà ông ta, ông ta cũng chẳng thèm, nhưng nếu qua cậu mà có thể với tới người ông ta cần thì tương lai lại hoàn toàn khác. Chẳng phải cậu đã nói rằng ông ta muốn đưa con cái ra nước ngoài hay sao? Nếu cậu ra nước ngoài học cùng rồi trụ lại được bên đó, thì chuyện con cái ông ta sau này ra nước ngoài không cậu giúp đỡ thì là ai? Còn như chuyện cậu lấy phải người đầu trâu mặt ngựa như thế nào, cậu hạnh phúc hay không thì có liên quan gì đến ông ta, chỉ cần là người có thể giúp được ông ta, người ta mới quan tâm chứ!”.

Dương Sương nói xong, cả phòng yên lặng, một lúc lâu sau, Lưu Hiểu Tinh mới chậm rãi nói: “Những điều Cục băng nói ra tuy khó nghe, nhưng mình thấy rất có lý. A Tử, sau này ra ngoài xã hội rồi, đi đâu cậu cũng phải chú ý một chút”.

“Chà”, Vũ Di thở dài, “Tiểu Tứ ơi tiểu Tứ, em thế này, làm sao chị yên tâm rời xa em được?”.

Cuộc ngọa đàm trong phòng buổi tối hôm ấy chính thức kết thúc, lần đầu tiên Vệ Tử mở chong mắt thức đến sáng.

Trong ký ức của cô, từ nhỏ đã tiếp thu sự giáo dục rằng phải học hành cho tốt, cố gắng vươn lên, để sau này được hơn người, nhưng cô đã cố gắng hết sức của mình, nhưng rút cục thì thế nào mới được hơn người? Đứng trước ngã ba đường bây giờ phải làm thế nào mới là đúng đắn? Mình thực sự ngốc nghếch, Vệ Tử buồn rầu nghĩ, nếu không thì sao tất cả mọi người đều đã có con đường đi riêng, chỉ còn mình cô là vẫn cứ quanh quẩn, tất bật?

Từ trước tới nay cô không phải là người thông minh lanh lợi, cô biết rõ điều đó, mặc dù từ hồi còn học tiểu học, thầy cô giáo thường lấy cô làm gương cho các bạn trong lớp. Trong đám trẻ nghịch ngợm hay gây sự, sự chăm chỉ và ngoan ngoãn của cô trở thành đối lập, bọn con trai và cả con gái không thèm để ý đến cô, vì thầy cô thường nói với bọn chúng: “Hãy nhìn chữ của Vệ Tử mà xem, bạn ấy viết rất ngay ngắn”, “Giờ lên lớp Vệ Tử không nói chuyện riêng”, nhưng thầy cô đâu biết, sở dĩ giờ lên lớp cô không nói chuyện riêng là vì hầu như không có ai thèm để ý đến cô.

Trở về nhà cô hỏi mẹ: “Vì sao Mi Na lúc nào cũng nói xấu người khác sau lưng vậy mà các bạn vẫn chơi với bạn ấy, còn con không phạm lỗi gì, thế mà dù là chơi nhảy dây các bạn cũng không gọi con chơi?”.

“Nhảy dây cái gì mà nhảy, con chỉ biết chơi thôi! Mẹ đã nói với con rồi, không cần để ý đến những chuyện khác, chỉ cần học giỏi, sau này thi đỗ đại học, để bố mẹ được nở mặt nở mày, chứng tỏ mẹ đã không uổng công nuôi dạy con!” Mẹ đang nấu cơm ở hiên của nhà ngang, bị khói bếp làm cho chảy nước mắt, tay đang bận thái rau nên chẳng có thời gian để ý đến tâm trạng của con gái.

Vệ Tử mím đôi môi nhỏ hồng xinh, đi vào phòng đặt cặp sách xuống, lôi sách ra rồi bê ghế đến cúi xuống giường cặm cụi làm bài tập. Cô biết, nếu cô còn tiếp tục nữa thì mẹ sẽ lại mắng và bảo cô “Chim ngốc sợ bay không kịp thì phải bay trước”, vì cô ngốc nên các bạn mới không muốn chơi với cô, vì cô ngốc nên cô phải dành ra khoảng thời gian cho học tập nhiều hơn những bạn bè cùng trang lứa rất nhiều, nếu không cô sẽ không thể làm cho bố mẹ được mở mặt mở mày.


Còn như vì sao lại phải cố gắng, và lấy hơi sức đâu ra để mà cố gắng thì lớn hơn một chút nữa cô mới hiểu.

Khi nhìn tranh học chữ, trong tranh nói về một gia đình gồm có: “Ông, bà, bố, mẹ, và tôi”, đột nhiên cô sáng bừng mắt, hỏi: “Mẹ ơi, ông và bà của con đâu?”.

Mẹ cô vốn là người ít cười, nghe hỏi vậy vẻ mặt càng thêm nghiêm nghị: “Con không có ông bà!”.

Lúc đó bố cô tiếp lời: “Nói linh tinh gì với con bé thế?”, rồi ông quay sang nhẹ nhàng nói với cô: “A Tử, ông với bà con ở dưới quê, hồi con còn nhỏ ông bà cũng từng bế con, chỉ là lúc đó con không nhớ”.

Mẹ cười lạnh lùng: “Bế nó? Là cái lần dìm chết ấy hay là cái lần định cho người khác?”.

Vệ Tử sợ tới mức không dám động đậy, ánh mắt đầy vẻ hoảng hốt: Ông bà đáng sợ đến thế sao? Cô chỉ biết có bà ngoại sói[1], nhưng bà ngoại lại rất hiền từ và lương thiện, thì ra ông bà nội lại là người có thể dìm chết cô và đem cô cho người khác!

[1] Bà ngoại sói là nhân vật con sói hóa trang thành bà ngoại để lừa ăn thịt những đứa trẻ khi mẹ chúng vắng nhà. Đây là nhân vật trong câu chuyện cổ “bà ngoại sói” của Trung Quốc.

Bố cô đột nhiên nổi nóng: “Cô làm cái gì thế? Con còn bé như vậy, cô nói những điều đó ra làm gì?”.

Mẹ cô cũng không hề tỏ ra yếu thế: “Sao? Tôi đã nói sai à? Những điều mà họ đã làm, còn sợ người khác nói ra nữa ư? Tôi nói cho anh biết, nếu sau này A Tử mà dám rót cho hai người ấy dù chỉ một cốc nước thì tôi sẽ không mẹ con gì với nó nữa!”.

Hồi nhỏ cô rất thích nghe kể chuyện, mẹ kể hết chuyện trong cuốn “Toàn tập chuyện kể cho trẻ em trước giờ đi ngủ”, bèn kể cho cô nghe về chuyện cuộc đời của bà.

Mẹ cô chỉ là một người phụ nữ bình thường, nhưng cuộc đời bà thì vô cùng truân chuyên.

Năm ấy, ông ngoại cô sau khi chuyển ngành từ quân đội tới thực tập tại một trạm y tế dưới nông thôn, người hướng dẫn cho ông là một thầy thuốc Đông y rất nổi tiếng ở địa phương. Ở địa phương thì không có sự phân biệt Đông và Tây y, hai người rất hợp nhau và trở thành bạn vong niên của nhau, dù tuổi tác cách nhau tới hai mươi tuổi.


Mấy năm sau, ông ngoại có thêm một người con gái, đó là mẹ cô, còn ông thầy của ông ngoại cô thì lại mừng vì có thêm một đứa cháu trai trưởng, hai người bàn nhau, rồi học cách của người xưa, giao ước chuyện hôn nhân cho hai đứa trẻ.

Sau khi lớn lên, mẹ cô trở nên vô cùng xinh đẹp với đôi mắt lá răm và khuôn mặt trái xoan, còn cậu cháu trai trưởng kia, tức là bố cô cũng là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, hơn nữa rất thông minh, thi đỗ đại học ngay trong lần đầu tiên khôi phục lại chuyện thi tuyển vào đại học. Mẹ cô vì mắc bệnh viêm màng não mà dở dang chuyện học hành, sau khi tốt nghiệp cấp hai, vào học trường y, rồi sau đó ở lại làm việc trong trạm xá.

Ông già thầy thuốc là người luôn giữ phong cách của người xưa, vẫn luôn nhớ chuyện hôn nhân của hai đứa trẻ, lúc đó, từ bạn thanh mai trúc mã, bố và mẹ của Vệ Tử cũng sớm đã yêu nhau, chỉ chờ bố cô tốt nghiệp là kết hôn.

Nhưng vấn đề lại từ con trai và con dâu của ông già thầy thuốc, họ nghĩ, con trai mình học đại học, sau này sẽ ở lại thành phố công tác, vì thế một cô gái chỉ là y tá nông thôn không bằng cấp chẳng xứng đôi với con trai họ, thế nên họ nảy ra ý định tìm cách ngăn cản cuộc hôn nhân ấy.

Nhưng ông già thầy thuốc nghĩ rằng, làm người thì phải giữ lời hứa, ông đã mắng cho con trai và con dâu một trận. Người con trai của ông không theo nghề bố, không học hành không nghề nghiệp, ở nhà làm nông, cuộc sống vẫn phải nhờ vào sự giúp đỡ của ông, nên không dám kiên quyết trái ý ông, đành phải đồng ý.

Sau khi cưới xong, bố mẹ cô không được sống lâu cùng nhau, vì bố cô tốt nghiệp xong, được phân về một tỉnh thành cách quê hơn trăm cây số, còn mẹ cô do vấn đề bằng cấp nên không thể xin chuyển công tác được, hơn nữa điều kiện giao thông lúc đó khó khăn, tới cả tháng trời hai vợ chồng cũng không gặp mặt nhau được lấy một lần.

Mẹ cô ở nhà, không chỉ lo làm việc mà còn phải chăm sóc cả gia đình từ người già đến người trẻ, may mà có ông nội chồng giúp đỡ nên cuộc sống cũng không đến nỗi quá khó khăn, nhưng nào ngờ khi mẹ cô thông báo chuyện mình có thai với gia đình nhà chồng xong, ông nội chồng vì quá vui mừng nên đột ngột ra đi.

Lo liệu xong chuyện ma chay cho ông nội chồng, cuộc sống của mẹ càng ngày càng khó khăn hơn, bố mẹ chồng vốn luôn cảm thấy mẹ cô rất chướng mắt, lúc này đổ lỗi cái chết của ông nội lên đầu bà, nói mẹ cô là sao chổi. Mẹ cô cố nín nhịn, biết rằng chẳng qua bố mẹ chồng tiếc suất lương hưu của ông nội chồng mà thôi, vì thế hằng tháng bà đem hết tiền lương của mình về đưa cho mẹ chồng mà không giữ lại một xu nào.

Cuộc sống cứ thế trôi qua được một thời gian thì mẹ cô hạ sinh một đứa con gái, chính là Vệ Tử, từ lúc đó, mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng với nàng dâu càng trở nên không thể nào xoa dịu được.

Đúng vào cái hôm mẹ cô sinh, ông nội cô đã nhảy lên chửi rằng: “Lấy phải đứa con dâu vô tích sự đã là một việc quá đáng rồi, thế mà đến việc đẻ một thằng con trai cũng không làm được. Giờ thì hay lắm, đã thành một hộ tuyệt tự rồi!”. Bố mẹ Vệ Tử là cán bộ nhà nước, nên tất nhiên phải chấp hành chính sách chỉ sinh một con.

Bà nội cô nhìn thấy đó là một đứa bé gái, thì quay đầu bỏ đi, cũng không hề thông báo gì cho bố cô biết, vì vậy mà mẹ cô phải tự nấu cơm, giặt tã ngay trong ngày sinh nở.

Sau đó bà ngoại tới chăm sóc được mấy ngày, nhưng vì ông ngoại cô ốm nên không thể ở thêm được, thế là ngày hôm sau bà nội lấy đi cả làn trứng gà mà bà ngoại mang đến cho mẹ cô với lý do là để tiếp khách.

May mà mẹ cô sinh ra trong một gia đình truyền thống nên những ấm ức ấy đều có thể nhịn được. Đến khi bố cô về, hai vợ chồng ngọt ngào nồng ấm bên nhau, cùng nghĩ tới tương lai tốt đẹp, mọi khó khăn, khổ sở hầu như đều vượt qua được.

Nhưng ai ngờ, sau khi bố cô đi được hai ngày, một chuyện đã xảy ra, khiến mâu thuẫn bùng phát đến đỉnh điểm.


Thì ra là bố cô nhìn thấy đứa con gái đáng yêu, xinh đẹp như ngọc ngà phải mặc chiếc áo bông được may lại từ tấm áo cũ, bèn đưa ít tiền tiết kiệm được cho vợ, bảo vợ mua cho hai mẹ con một ít quần áo.

Vậy là, sau khi tròn tháng, mẹ cô mừng rỡ đi ra chợ, chọn cả buổi nhưng vẫn không nỡ mua cho mình một bộ mà chỉ mua cho con mấy bộ quần áo đẹp nhất.

Ông bà nội nhìn thấy cháu gái mặc đồ mới, mặt lập tức biến sắc, mẹ cô vội giải thích: “Con không hề để lại một đồng nào, đây là tiền của bố nó cho con”.

Lúc đó ông nội cô đang ăn cơm, nghe vậy ném vỡ chiếc bát, gầm lên: “Một đứa con gái rẻ rách, thế mà mày cũng coi như báu vật được sao?”.

Mẹ cô rất ấm ức, không nén được cãi lại một câu: “Cho dù nó là con gái thì chẳng phải cũng là con gái của con trai bố, là cháu của bố sao? Không thể mua cho nó được một tấm áo à?”.

Bà nội cô đứng bên không nói gì, lúc đó mới chêm vào một câu lạnh lùng: “Sao? Con trai tôi về một lần mà cô trở nên giỏi giang đến thế à, bắt đầu biết cãi lại rồi hả? Nói cho cô biết, tôi đẻ ra con trai, con trai tôi tốt nghiệp đại học, còn cô thì là cái thá gì? Tiền của con tôi kiếm được, cô dựa vào đâu mà dám tiêu? Cô dựa vào đâu mà dám hưởng phúc của con trai tôi?”.

Hồi còn trẻ, mẹ cô nổi tiếng là người xinh đẹp, giỏi giang, cũng lại là người có lòng tự trọng, làm sao có thể chịu đựng được sự sỉ nhục ấy, nên không kìm được tức giận, nói: “Người kiếm tiền đâu chỉ có một mình con trai mẹ, tiền con làm chẳng phải đều đưa hết cho mẹ rồi sao?”. Nói xong, bà quay người bỏ đi.

Ông bà nội của Tử Vệ thấy người con dâu từ trước đến nay luôn ngoan ngoãn bỗng dưng dám cãi lại, biết nếu lúc này mà cho qua thì sau này sẽ thành lệ, nên ông đã gầm lên: “Mày đứng lại ngay!”.

Mẹ cô biết, sẽ chẳng có những lời tử tế gì từ bố chồng, nên bịt tai coi như không nghe thấy, bỏ chạy về phòng, thế rồi bà bất ngờ bị túm ngược tóc từ phía sau, tiếp đó những cái tát và cú đấm tới tấp giáng xuống, cô con gái Vệ Tử cũng bị ném sang bên cất tiếng khóc oe oe nhưng chẳng ai thèm để ý.

Mẹ chồng đứng bên còn vào hùa: “Đánh chết đi, đánh chết con đàn bà xấu xa đó đi, để Vệ Quốc lấy một người vợ học đại học, đẻ ra thằng con trai!”.

Mẹ của Vệ Tử định kháng cự lại, nhưng lúc đó bố chồng bà mới có gần năm mươi tuổi, vẫn rất cường tráng, khỏe mạnh, nên bà làm sao có thể chống chọi được?

Sau cùng may mà hàng xóm nghe thấy tiếng mới chạy sang khuyên can, mấy người đàn ông xúm lại ngăn nhưng mẹ Vệ Tử đã bị đánh sưng tím cả mặt mày, thậm chí còn bị lột cả một mảng da đầu.

Đêm hôm đó, mẹ của Vệ Tử suy nghĩ mãi, bà cảm thấy mình không còn chút thể diện nào nữa, không thể tiếp tục sống được nữa, bà đã mấy lần định tìm đến cái chết, nhưng nhìn sang đứa con thơ bé đang nằm trong bọc, bà lại phải từ bỏ ý định.

Ngày hôm sau, mẹ cô ôm mặt chạy lên thị trấn gửi điện tín cho bố cô, nội dung bức điện chỉ có bốn từ: “Ly hôn, về ngay”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.