Đọc truyện Người Con Gái Áo Trắng Trên Quán Bar – Chương 3: Quá khứ không bình yên
Quá khứ không bình yên
– Mày lại hút thuốc lại à?
Chị giật điếu thuốc từ môi khi nó ngồi trên ban công tầng 5 lim dim mắt tận hưởng ly cà phê đặc tự tay pha cùng chút gió trời.
– Kệ, em.
– Sao hôm nay mày không đi làm?
– Mệt.
– Mệt gì chứ.
Nó đáp lại câu hỏi của chị bằng sự im lặng, bà ấy chấm đầu thuốc rực đỏ vào cốc cà phê, bẻ đôi điếu thuốc ra và soi soi đầu ống lọc. Nó nhếch mép cười rồi lại lim dim đôi mắt ra vẻ phê pha như cũ. Con chị chẳng buồn xin lỗi một câu vì hành động tự ý vừa rồi, thản nhiên nói
– Làm cốc rượu nhé?
– Không. Khó ngủ lắm.
– Cà phê thì uống thay thuốc ngủ được à? Để tao pha mày cốc sữa chua nhớ.
– Vầng, ít đá thôi. Mấy hôm nay em khục khặc ho rồi – Nó trả lời mắt vẫn cúi xuống nhìn dòng người ngược xuôi và phố phường lấp lóa ánh đèn.
Tiếng máy xay lục cục trong bếp, tiếng dao thìa cốc chén loảng xoảng, bất giác nó mỉm cười, thiếu tiếng kêu thất thanh khi cắt phải tay như mọi khi của chị. Gần hai năm không ở nhà, nó thấy chị trưởng thành hơn nhiều, người lớn hơn dù trên mặt vẫn phảng phất nét ngây ngô như trẻ con ngày nào
– Này- Chị dứ dứ cốc sinh tố 3 màu về phía nó.
– Nào thế nào mà chị làm được ba màu tách biệt thế? – Nó ngạc nhiên, cứ khi nào em định làm thế là chúng nó lại trộn lẫn vào nhau? Thành ra cái màu xỉn xỉn đến là kinh.
– Nếu mày biết làm, thì mày sẽ là em gái, chứ không phải em trai tao- Chị cười nguýt- Cái quan trọng là kiếm cho tao một cô em dâu chăm chỉ, tao sẽ dạy nó từ a-z. Hê hê.Uống đi, đá chảy hết giờ, mất ngon. Trong ấy thì móc đâu ra mấy cái này.
– Cũng có, nếu có tiền thì có hết chị ạ – Nó trầm ngâm- Cái gì em cũng có, kể cả thuốc, cái duy nhất em thiếu, là một bà chị gái lắm điều như chị thôi – Nó lè lưỡi lắc đầu.
– Cái gì mà thuốc với cả không thuốc- Chị nó nhăn mặt- Ý mày là gì đây? Một lần thôi em ạ, đừng dính đến nó nữa. Bỏ được là tốt, nhà giờ còn mỗi mình mày, tao thân con gái, rồi cũng chẳng ở mãi mới mẹ được.
– Cũng đừng viện lí do đấy mà phá nát điếu thuốc với cốc cà phê của em- Nó lại nhếch mép cười- Mười thằng nghiện, thì cả 10 thằng sẽ chẳng bao giờ bỏ được, em không nghiện, chỉ là muốn bay bay phê phê tí thôi. Ai ngờ mẹ ra tay tàn quá, cho ngay vào rọ – Nó phá lên cười, rồi làm một ngụm sinh tố rõ to phùng mang trợn mắt lên nhìn chị.
– Khi ấy, suốt một tuần trời, mày bay, lắc. Mẹ khóc hết nước mắt. Lúc đầu thằng nào chơi, chẳng bảo là thử tí cho biết, rồi đến lúc ngấm vào máu rồi mày cầm dao đâm cả tao lúc nào không hay.
Nó im lặng.
– Nếu không phải là mẹ, thì cũng sẽ có thằng khác đưa mày vào trại, không là công an, thì cũng là người trong giới. Lúc nào chẳng có đứa nhăm nhe đâm vào lưng nhà mình. Tao cũng chẳng sợ chuyện mày bị bắt hay không, nhưng sợ nhất là mày dính vào rồi cả cơ nghiệp này cũng chẳng đủ cho mày phá.
– Lấy em cái Zippo
Nó với với tay gẩy gẩy bao Man đỏ. Tiếng bật lửa lạch cạch và tóe sáng, nó hít một hơi thật sâu mắt lại lờ đờ như một thói quen cố hữu của thằng nghiện. Thực ra là thói quen của một thằng mới biết “thưởng thức” thuốc, khi đã dùng thuốc lâu rồi, các con nghiện mắt lúc nào cũng thao láo hằn lên những tia đỏ vì phải cố căng ra để che giấu người thân.
– Chị này, có khi nào chị nghĩ là em rất hận mẹ không?
– Tao không biết, nhưng không thể nói là không có khoảng cách – Chị với tay khều khều điếu thuốc trên tay nó- Tao xin hơi.
– Vẫn phải check hàng em à? – Nó phá lên cười- Đây – tay đưa điếu thuốc cho chị.
– Cẩn tắc vô ưu, ít nhất trong tháng đầu. Tao sẽ giám sát mày bằng mọi cách. Nhưng thật ra cũng là thừa thôi. Cả Hà Nội này, sẽ chẳng ai dám bán thuốc cho mày nữa đâu.
– Sao lại thế? Mua được thì chị mất gì? – Nó nghếch mặt lên ra vẻ sắp nhận kèo với chị.
– Sẽ chẳng có thằng nào có gan bán cho mày nữa, trừ khi mày lang thang ra bãi Phúc Tân. Nhưng khu ấy là điểm nóng rồi, bọn sự nó càn suốt ngày mà bọn dân bãi ranh lắm, không bán khách lạ, nói chung là vô vọng.
– Đợt em ở trong “trường” mấy đứa vào sau nói, mẹ dập cho phi đội của em tơi tả. Mấy thằng cấp thuốc thì vào thẳng Thanh Hóa, vụ đấy làm nhà mình mất uy tín quá. Lỗi do em làm em chịu, sao phải dồn người ta tới đường cùng chẳng hay ho gì.
– Uy tín mất thì chẳng sao, nhưng con thì không đẻ ra lại được. Mẹ thà mất uy tín, còn hơn mất chị em mình. Mấy năm mày đi, nhà khốn đốn đủ điều, giờ mày về chỉ mong mày đỡ đần được ít. Ở trong đấy lâu thế, có nghiệm được ra điều gì hay ho không?
– Sáng ngủ, tối ngủ, chiều ngủ, rồi lại ăn. Lúc đầu vào thì là ăn, ngủ để người ta đánh, sau này khá hơn thì là ăn, ngủ và đánh người ta. Quanh quẩn chỉ có thế thôi. Nhưng mà ra ngoài nghiệm được ra một số điều.
– Nói nghe?
– Ở nhà hít một hơi, phổi đầy bụi luôn, không như trong ấy, ở đâu cũng lành lạnh hơi người, hè nằm sàn xi măng, chả cần bật quạt, ra ngoài cả ngày nằm ôm cái điều hòa. Nhưng mà biết nói thế nào nhỉ? Cái này là bầu không khí của tự do – Nó tự gật gù với câu chiêm nghiệm chuẩn không cần chỉnh của mình.
– Thế thì đừng tìm cách mà mò lại vào đấy nữa? – Chị cũng gật gù theo.
– Không… nhất định không… chắc thế… Buồn lắm… ở ngoài này thôi.. – Nó lẩm bẩm một mình.
– Mày về cũng được hơn hai tuần rồi, đừng tránh mẹ nữa, ngồi ăn một bữa cơm với mẹ cho mẹ vui. Tao đã cố tạo điều kiện cho hai mẹ con nói chuyện với nhau rồi. Nhưng cả mày với mẹ cố chấp quá. Cứ thế này gọi gì là một mái nhà.
– Vâng.. – Nó thở dài.
– Tao biết ai cũng có lí do riêng, mẹ thì đưa mày vào tròng, lại không dang tay ra che chở khi mày trong ấy, còn mày vì một con đàn bà mà tí nữa thì hủy đời. Chỉ có tao đứng giữa là cảm thông được cho cả hai. Mẹ không vì hận thù gì mày mà đưa mày vào đấy cả, vì mày hết, mày phải hiểu thế, dù tao biết là mẹ có quá đáng. Còn giờ cả mày và mẹ hình như từ lúc về chưa nhìn mặt nhau lấy một lần.
– Thôi, chị đừng nhắc tới nó nữa. Em không muốn nghe. Còn mẹ, mai chị mời mẹ đi ăn gì đó với em, gọi là mừng ngày ra trường, em sẽ làm lành với mẹ. Chấm dứt chuyện này ở đây nhé – Nó đổi giọng cáu bẳn khi chị nhắc tới người con gái mà nó muốn quên từ lâu, người con gái là nguyên nhân của sự đổ vỡ trong lòng nó.
– Dù gì chị cũng phải nói, đàn bà không phải là thứ để đàn ông theo đuổi và rồi lại đau khổ khi không đạt được, đàn bà chỉ là phần thưởng cho đàn ông thôi. Con bé đó, cuối cùng cũng chỉ là phần thưởng cho thằng khác, không hơn không kém.
– Chị cũng là đàn bà đấy chị ơi. Rồi chị cũng sẽ là phần thưởng cho thằng khác phải không?Dùng facebook nhiều, nhiễm triết lí mạng à? – Nó ngước mắt lên nhìn chị, đắc chí khi bắt được sơ hở trong câu nói của chị.
– Sự thật là đúng như thế đấy – Chị bình thản nói nhưng không giấu được chút buồn buồn trong giọng, không khí chùng hẳn xuống- Con gái là con người ta, rồi tao cũng không thể ở mãi nhà này được. Con gái dù có giỏi giang đến mấy, cũng chỉ là con gái mà thôi. Nhà có duy nhất đứa con trai, nếu hỏng là mất hết. Đừng vì một đứa con gái mà làm nát đời mình em ạ.
Nó và chị lại im lặng. Nó cúi ngang cúi dọc nhìn dòng người tấp nập qua lại. Nhanh thật, chớp mắt một cái, hai chị em đã lớn đến ngần này. Ngày xưa khi ngồi ở đây nhìn xuống, nó và chị chỉ phải suy nghĩ xem, mai đi chơi đâu, làm gì, ăn gì, có đủ tiền tiêu không. Giờ thì trong đầu lại phải bấn loạn đủ thứ suy nghĩ. Rồi sẽ đếm được mấy lần hai chị em ngồi với nhau thế này nữa
– Mà công việc thế nào? Mày có quen không?
– Cũng ổn chị ạ, làm được. Vừa làm vừa chơi.
– Làm được thì nghỉ ít thôi. Mấy năm nay kinh tế khó khăn rồi. Không dám cho người ta bốc bát họ to nữa, nhà chuyển hướng kinh doanh dần. Chỗ ấy nếu ổn ổn thì cũng bới ra khá tiền.
– Nhưng mà hơi đau đầu chút, em thích… trông xe hơn.
– Mày đùa à? – Chị tròn mắt- Sướng không muốn lại muốn khổ, giờ lại thích xé vé lấy số, dắt xe. Mưa gió thì giương ô ra xe đón khách? Thôi đi mày, lạy mày luôn – Bà chị lại chẹp chẹp môi- Kể ra thì cũng chẳng muốn mày đi làm,lương chả được bao nhiêu, chả bằng 1/10 tiền cổ tức hàng tháng, nhưng để mày ở nhà sợ mày cũng chán, nhàn cư vi bất thiện, thôi đi làm cho có chị có em rồi quên đi mấy cái thú vui tầm thường kia đi -Chữ “thú vui tầm thường” được bà ấy nhấn mạnh và kéo dài đầy vẻ châm chọc.
– Ha ha – Nó cười.
– À con dở hơi kia chưa tới lấy túi à?
– Ôi giời, chán chả muốn kể nữa. Con này chắc sáng hôm ấy vẫn ngáo đá chưa tỉnh.
– Nhìn nó giống con bé cũ nhỉ, nhưng hiền hơn. Mày xem có duyệt được không? – chị nháy mắt đầy ẩn ý – Chị là chị ưng đấy, bảo nó về đêm rồi đêm nào cũng cho lên bar bay lắc free.
– Chưa đủ 16 tuổi, bố lại làm to, em sợ lại chôn chân trong khám thêm 15 năm nữa quá chị ơi)
– Thằng khốn nạn, đầu óc mày chỉ nghĩ tới bậy bạ là nhanh – Chị chọc nạnh sườn nó- Mày không làm gì nó thì ai đưa mày đi tù chứ
– Ôi giời, biết được đấy, nhỡ em bị đánh thuốc thì sao.
Nhắc tới con bé kia, hai chị em tự nhiên vui hẳn. Nó tự nhiên cười ngu ngơ một mình. Lần đầu tiên trong đời nó gặp một con bé như thế, rất thật nhưng lại rất ảo. Nó chưa thử đập đá bao giờ, nhưng nghe đâu, cũng có nhiều loại đá ngáo tới hơn nửa ngày là chuyện bình thường. Nó nói cái suy nghĩ ấy với chị, hai chị em bắt đầu chuyển sang chủ đề con bé áo trắng và loại đá ngáo hơn nửa ngày để bàn tán, rồi lại cười nói huyên thuyên ầm cả nhà lên.
12h30 nó mới tống cổ được chị về để đi ngủ, bà này tám chuyện đến là dai, đàn bà có cái tật xấu này không sửa được. Nó vơ lấy cái điện thoại định cài lại đồng hồ báo thức để ít nhất có thể dậy trước bữa cơm trưa thì tá hỏa với 50 cuộc gọi nhỡ và một ổ tin nhắn chi chit máy
“hi, anh, ngủ chưa?”
“anh không nghe máy à? Kiêu thế”
“ầy, có loại đàn ông thế này à? Thảo nào ế dài răng =.=”
“anh ơi =0=”
“lúc nào đi bay lắc về thì gọi lại cho em nhớ, em có việc”
“lâu thế không biết”
Nó định ném máy lên giường mặc kệ con dở hơi này, nhưng lại tặc lưỡi nghĩ bụng gọi cho nó một phát cũng chả sao, chứ nửa đêm đang ngủ mà nó khua dậy chắc ức hộc máu mồm mà chết mất
– Cái gì mày? Có việc gì đấy?
– Em nhớ anh nên gọi không được ạ!
– Mày có điên không mày? Mày có tin là nói thêm câu nữa đêm mai nhà mày sáng nhất phố không?
– Sao lại không phải là ngay đêm nay =0=?
– Đêm nay tao buồn ngủ rồi. Không có gì thì từ giờ đừng gọi tao nữa, tao không rảnh để đùa với mày đâu.
– Hic, em xin lỗi. anh ơi, mai anh mang cho em xin cái thẻ học sinh được không? Mai em thi học sinh giỏi quận. Không có thẻ, sợ không được vào phòng thi.
– Cái loại mày thì đi thi học sinh giỏi môn gì? Môn thể dục hay giáo dục công dân hả mày? Uống thuốc tăng IQ lên và kiếm lí do nào nó hợp lý hơn đi. Chồng đủ tiền ra thì mai qua mang thẻ về, tao không phải quân hầu nhà mày. Hiểu chưa?
– Em thề, chó nói điêu. Em vẫn để lại cái túi cơ mà, đi đi mà. Không em nt gọi điện cho anh từ giờ tới sáng mai luôn. Nếu mà mai em không được đi thi thật thì em hành anh cả ngày mai nữa luôn. Huhu..hu..
– Tao không dở hơi, nếu cần mai tự qua nhà mà lấy.
– Nhưng mai em phải đi học, chiều lại đi thi luôn rồi. Em không được đi xe mà, mấy hôm nay bố mẹ toàn cho người đưa đón thôi.
– Sang vãi.. – Tí nữa thì nó thốt ra cái từ *beep* nhưng mà chặn họng lại kịp, dù sao thì mình cũng đang nói chuyện với một em có văn hóa, nó lại bắt bẻ lỗi thì chẳng biết tới bao giờ mới tắt được máy đi ngủ- Bảo thằng lái xe qua mà lấy.
– Ơ hay, lái xe cũng có giờ thôi chứ. Có phải osin đâu mà sai đi đâu cũng được. Anh ra đi, trường em có bán chè khúc bạch ngon lắm nhớ.
– Mày tưởng tao là lợn à mà mang chè ra dụ tao… Cơ mà chè khúc bạch là cái gì thế? Ăn được không? – Nó đi vắng cũng lâu lâu, không kịp update thêm mấy món ăn mới của Hà Nội.
– Ngon lắm, chẹp chẹp nhắc tới lại nhỏ hết cả nước dãi này. Có vị thanh thanh của nước đường ướp hoa nhài, dai dai của miếng trân châu, ngọn ngọn ngậy ngậy của khúc chè… Ực ực…
– Thôi được rồi, mấy giờ đây hả mày? – Nó xuống nước.
– 12h heehe, canh thiu anh giai. Em đi ngủ đây mai còn đi thi.
Nó cúp máy ném bụp phát vào cái gối, chị nó thò mặt ra ngoài cửa phòng miệng vẫn ngậm cái bàn chải đánh răng phùng hết cả hai bên má lên miệng toàn bọt kem đánh răng nghêu ngao hát
– Anh dối lòng rằng đã quên rồi…
– Quên cái gì. Lại thò mặt vào đây mà hóng chuyện đi.
– Ai bảo mày không đóng cửa, cầu tõm nhà mình lại ngay cửa phòng mày, tao không muốn nghe đâu nhưng nó cứ đập vào tai. Cái gì mà anh có phải heo con tham ăn đâu mà lại lấy thức ăn ra dụ anh, được mấy câu thì đã chuyển sang mai mình hẹn nhau mấy giờ em nhỉ… Ôi tôi nôn mẹ nó vào bồn cầu mất – Bà ấy nhại mình với giọng điệu khốn nạn nhất có thể.
Nó bật dậy đuổi theo con chị, bà chị chui ngay vào nhà tắm đóng sầm cửa lại, miệng vẫn nói với ra.
– Ôi heo con của lòng em, anh ăn chè khúc bạch đi này, há mồm ra nào, nào… ầm… hết rồi giỏi quá
– Chị giỏi thì ra đây, em giết chị bây giờ – Nó gào ầm nhà lên.
– Không được đâu sói ạ, không được đâu. Gớm muốn đi bỏ mẹ còn làm trò. Anh có phải lợn đâu mà dụ anh, tổ sư mày. Buồn nôn vãi.
– Chị mà nhấc chân ra đây, em chém bay xác – Nó đập cửa ầm ầm trong sự tuyệt vọng, chỉ tổ đau tay tất cả cửa nhà nó đều làm full gỗ lim hết. Cách âm cũng khá tốt nhưng vẫn nghe thấy tiếng chị nó vừa hát vừa đánh răng trong phòng.
– Đêm rồi đừng làm ầm cho hàng xóm ngủ – Tiếng mẹ dưới tầng nói vọng lên.
– Vâng – Nghe giọng mẹ, lập tức nó thay đổi thái độ, lạnh lùng đáp rồi đóng sập cửa phòng chui tọt vào giường.
Độ 15 phút sau, chị gõ cửa phòng nó rồi thò mặt vào hỏi
– Sao thế?
– Không sao?
– Lại thái độ với mẹ à?
– Không.
– Mày cứ thế này chị chán lắm, làm sao đi lấy chồng được? – chị nó giả bộ xị mặt.
– Rồi rồi, ngoan cho bà lấy chồng được chưa, nhà này của tôi cấm bén bảng về đấy.
– Xời, thèm vào, tao lấy thằng nào có độ năm cái nhà như thế này cho mày xem – Bà ấy cười lớn.
– Mong là nó tốt, thế là đủ.
– Bỏ cái bộ mặt và giọng nói kiểu thanh niên nghiêm túc ấy đi. Mai có về nhà ăn cơm không?
– Có.
– Thế còn vụ liên hoan.
– À, tối chị đặt bàn cho em nhé, ăn lẩu thôi cho ngồi được lâu.
– Ukm, biết rồi.
Bà ấy đóng sầm cửa lại đi ra, được mất giây lại bật cửa ra thò mặt vào
– À này tao bảo.
– Sao?
– Chuyện con bé kia.
– Làm sao?
– Chơi bời thì được, rồi cũng chẳng đi đến đâu đâu, chị nói thật đấy. Đừng có đi xa quá rồi lại sa chân rút ra không kịp
– Vâng- Nó trả lời bình thản vẫn chúi mũi vào cái điện thoại ra vẻ đang tập trung chơi game dù màn hình trống trơn, chẳng có cái gì. Nhưng đấy là cách tốt nhất để chị không biết nó đang nghĩ gì – Ra nhớ chốt em cái cửa.
– Ngủ ngon.
– Chị ngủ ngon ạ.
Nó nằm ôm gối thở dài “rồi chẳng đi đến đâu đâu”, lời của chị xoáy sâu vào tâm trí nó. Mày đang nghĩ cái gì thế này hả não? Biết thế chẳng nhận lời để giờ lại phân vân, nó ôm cái mớ cảm xúc hỗn độn ấy chìm vào giấc ngủ.