Bạn đang đọc Người Bình Xuyên: Về Nam Hai Vĩnh Mở Bến Lộc An Chiến Dịch Bình Giã Địch Chết Như Rạ
Nghe miền Nam đồng khởi năm 60 ở Đồng Tháp, Bến Tre, Tây Ninh, Biên Hòa, Hai Vĩnh nôn nóng xin về Nam chiến đấu nhưng mãi đến đầu năm 63 anh mới được chính thức đi B cùng với phái đoàn quân sự. Trong đoàn có các đồng chí Đồng Văn Cống, Nguyên Văn Ngà, Ba Thắng, Nam Hòa… Nhiệm vụ của Hai Vĩnh một khi về tới miền Đông là chuẩn bị bến bãi tiếp nhận hàng viện trợ võ khí của Trung ương bằng đường biển. Địa điểm được chọn là Lộc An, gần Phước Hải, cách Vũng Tàu không bao xa.
Về tới Bà Đả, gặp đồng chí Đào Sơn Tây trao điện của Trung ương Cục chỉ thị Hai Vĩnh đi thẳng về Bà Rịa gặp đồng chí Hai Già nhận nhiệm vụ cụ thể. Đồng chí Hai Già – bấy giờ là ủy viên Trung ương Cục, bí thư Quân khu 7 – giao nhiệm vụ Đoàn trưởng “Đoàn 1.500 xây dựng bến bãi tiếp nhận hàng Trung ương” cho Hai Vĩnh. Lực lượng Đoàn gồm một đại đội võ trang và trên một trăm dân công bộc dỡ. Đoàn có điện đài, mật mã để liên lạc với Trung ương. Bí thư Đoàn ủy là đồng chí Sáu Chí. Phụ trách chuyên môn có đồng chí Năm Dung.
Công việc đầu tiên của Hai Vĩnh là nắm tình hình chung quanh Lộc An. Địch lập ấp chiến lược dày đặc, phong tỏa vùng giải phóng. Đời sống khó khăn, thiếu thốn. Một số binh sĩ và dân cộng ngại gian khổ bỏ trốn. Hai Vĩnh được đồng chí Lê Duẩn dặn dò trước ngày lên đường: “Phá được ấp chiến lược là ta thắng Mỹ”. Cho nên mối quan tâm số một của Hai Vĩnh là đánh bung các ấp chiến lược xung quanh Lộc An.Để giữ bí mật, anh đổi tên, lấy biệt hiệu mới là Tư Phúc. Nhưng khi đi trinh sát Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc), Tư Phúc bị xã đội trường Năm Thạch nhận ra “Hùm xám Bình Xuyên” ngày xưa. Hai bên tay bắt mặt mừng. Sau khi nghe Hai Vĩnh trình bày các khó khăn của Đoàn 1.500, Năm Thạch kêu lên:
– Anh Hai khỏi lo! Tôi bảo đảm vấn đề bao tử. Năm gia đình trong xã đủ sức nuôi một trung đội.
Năm Thạch vận động đồng bào mỗi sáng mang gạo, cơm ra ấp tiếp tế anh em ngòai rừng. Địch xét thì bảo “Không quen ăn sớm”.
Giải quyết được vấn đề bao tử. Hai Vĩnh ra sức rèn cán chỉnh quân bung ra, nhổ các ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Mục tiêu đầu tiên là ấp chiến lươc Xóm Rẫy, nằm trong xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. Chọn mục tiêu này, trước tiên vì nó yếu hơn hết trong hệ thống ấp chiến lược trong vùng. Nhổ được ấp này là nhờ đồng bào bên trong làm nội ứng. Ta cần một chiến thắng để gây thanh thế, đưa tinh thần binh sĩ và dân công lên. Chỉ không đầy sáu tháng từ khi về Lộc an, Hai Vĩnh đã tạo thế đi lên cho vùng Lộc An. Cần nêu rõ vị trí vùng này: Lộc An nằm cách Phước Hải ba ki-lô-mét, bến nằm trong eo, lòng lạch thay đổi theo ngọn gió. Đây là một trở ngại lớn về mặt kỹ thuật tiếp nhận hàng từ ghe biển. Về mặt quân sự thì Lộc An nằm trong khu tam giác cảu ấp chiến lược Bưng Riềng (Xuyên Mộc) và xã Phước Hải (Long Đất).
Cuối năm 63, chuyến tàu đầu tiên được Trung ương điện vô cho Hai Vĩnh chuẩn bị đón tiếp. Trở ngại to lớn đã xảy ra: tàu mắc cạn cách bờ ba trăm thước. Từ khuya đến sáng không có cách gì giải quyết. Trời càng tối, số phận của thủy thủ và mười tám tấn hàng như chỉ mành treo chuông. Bãi Lộc An trống, một tấm ván cũng không thể giấu. Trực thăng, đầm già địch bay trinh sát liên tục từ sáng đến chiều. Tình thế bắt Hai Vĩnh phải hành động khẩn cấp. Lập tức anh mượn thuyền đánh cá của các đồng bào tốt ở xã Phước Hải để đi trinh sát, đồng thời đưa hết thủy thủ dưới tàu lên, chỉ để lại một người. Đồng chí bí thư thủy thủ đoàn tình nguyện ở lại với tàu. Trong đêm ấy, Hai Vĩnh vận động dân công từ các tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh đến Lộc An tải hàng. Số dân công tham gia bốc dỡ hàng là 1.500 người. Trong khi chờ đợi tàu cắm cờ ba que ngụy trang tàu đánh cá. Đồng chí bí thư mặc quần đùi, ở trần, vờ phơi lưới. Trực thăng Mỹ lượn trên đầu rồi bay luôn. Tất cả dân công đều mặc quần đùi và ở trần đứng sát vào nhau chuyển hàng từ ghe vào bờ.Ta mượn được hai ghe của đồng bào trong công tác bốc hàng, làm khẩn trương từ khuya đến chín giờ sáng, chuyển hết mười tám tấn hàng. Đang chuyển hàng thì trực thăng Mỹ-ngụy lên. Tất cả dân công đồng loạt ngồi xuống phủ cát lên người. Máy bay quần năm lần rồi bay đi.
Chiếc tàu cũng được đưa vào cửa Lộc An, ngụy trang cành lá an toàn. Tàu hư không thể quay về Bắc được. Phải nằm lại Lộc An mười sáu ngày chờ một chuyến tàu khác dòng về. Mười sáu ngày này, lực lượng võ trang Lộc An phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu vì địch có thể tấn công chiến khu bất cứ lúc nào do một sự cố đang tiếc: trong khi mắc cạn, để nhẹ mình, tàu phải thả mười tám thùng phuy dầu có ký hiệu Liên Xô. Anh em thủy thủ đã cẩn thận cột mười tám phuy này lại, nhưng vài phuy đứt dây trôi gần Phước Hải. Du kích địch lội theo vớt về, cột gần cửa Lộc An. Trong khi du kích về ăn tối để lấy sức đưa các phuy lên bờ thì vài phuy lại bị đứt dây lần nữa. Ngụy vớt được các phuy này, báo động “tàu lặn Liên Xô tới sát vùng biển Vũng Tàu”.
Để bảo vệ bí mật bến bãi, đồng chí Hai Già đề nghị phá hủy chiếc tàu. Bộ tổng tham mưu cũng ra lệnh phá hủy tàu khi có tin địch tấn công ba mũi vô Lộc An. Nhưng Hai Vĩnh tiếc công trình thiết kế chiếc tàu của anh em miền Nam tập kết ở Bắc nên hứa sẽ cố gắng bảo vệ chiếc tàu.
Năm 64, phấn khởi trước thắng lợi đó, ta chuẩn bị chiến địch Bình Giã phá tan hệ thống ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Hai Vĩnh được lệnh đón tiếp chuyến hàng thứ hai trên bãi Lộc An. Lần này phải lấy dân công nhiều hơn vì tàu sắt chở tới bốn mươi tám tấn hàng. Tình thế khó khăn hơn trước bội phần. Đích thân tên Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên ngồi trực thăng chỉ huy tái chiếm ấp chiến lược Bình Châu vừa bị ta phá. Địch cũng đánh mạnh vào cánh đồng Cu Nhí nhằm cướp lúa đang chín vàng đồng. Ta bám trụ đánh bật ra, tranh thủ gặt thêm 22 ngàn giạ lúa giao Cục Hậu Cần để chuẩn bị cho chiến địch Bình Giã. Dẹp xong khó khăn trên bộ, ta gặp khó khăn trên biển. Sau vụ Rũng Rô – một tàu vũ khí bị địch phát hiện ta phải đánh đắm – địch tăng cường kiểm soát bờ biển. Ngoài 30 km, địch có tàu chiến thuộc hạm đội mẹ, ngoài 10 km có khu trục và ngoài 6 km địch có giang đỉnh và hải thuyền…
Dù vậy, Hai Vĩnh được lệnh phài hoàn thành công tác tiếp nhận bốn mươi tám tấn võ khí để trang bị cho sư đoàn 5, sư đoàn 9 có nhiệm vụ đánh Đồng Xoài đồng thời cung cấp đầy đủ súng đạn cho chủ lực và ba trung đoàn bộ binh với một trung đoàn pháo trong chiến dịch Bình Giã…
Chuyến hàng thứ ba đến bến Lộc An vào ba mươi Tết Ấ Tỵ (1965). Thời điểm này cũng thuận lợi vì địch lo vui xuân chểnh mảng việc canh tuần. Theo tin điện thì tàu sắt chở tám mươi lăm tấn võ khí sẽ đến Lộc An vào nửa đêm ba mươi Tết. Hai Vĩnh cho đốt lửa trong rừng làm hiệu cho tàu biết mà đâm thẳng vào. Mọi người hồi hộp chờ đợi, bỗng súng đủ loại nổ vang rền, Hai Vĩnh tái sắc. “Địch bắt được tin mật của ta rồi chăng?”. Nhưng một giây sau anh mỉm cười vì phản ứng sai lầm của mình. Thì ra địch nổ súng mừng giao thừa thay pháo. Quận đội ngụy là vậy: không có kỷ luật gì ráo. Thầy của chúng cũng vậy. Có đơn vị Mỹ đi hành quân mang theo cả radio Transitor loại bỏ túi. Buồn mở nhạc ra nghe! Chỉ có quân đội Úc của Tân Tây Lan là già dặn chiến trường. Chúng đánh du kích, đội nón vải, không dùng bất cứ những gì có thể gây tiếng động hoặc phản chiếu ánh mặt trời. Cố nhiên là bọn Úc ở Núi Đất, Bà Rịa không chịu hành quân chung với quân đội Mỹ. Đối với một địch thủ biết áp dụng chiến thuật chống du kích, Hai Vĩnh phải hết sức cẩn thận. Trong các chuyến tải hàng, anh đã cẩn thận dặn ba ngàn dân công triệt để giữ bí mật: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Anh có sáng kiến xẻ ván dày ba phân, dài năm mét bắt cầu qua các lộ để dân công đi không để lại dấu vết, vô hiệu hóa bọn thám báo Mỹ và Úc trong vùng.
Rút kinh nghiệm chuyến hàng đầu và thứ hai, Hai Vĩnh tập trung nhân công giải quyết nhanh chóng chuyến hàng thứ ba. Trận Bình Giã sau đó gây tiếng vang đến tận Washington. Hỏa lực của quân giải phóng khiến chiến đoàn thiết giáp ngụy cán bừa lên bộ binh tìm đường chạy chết. Tin thần quân ngụy tuột xuống tận mắt cá. Mỹ phải đổ quân ồ ạt mở chiến địch “Bắc tiến” để giúp quân đội Sài Gòn lấy lại tinh thần.
Chỉ tiếp nhận ba chuyến hàng từ Trung ương chi viện mà tương quan lực lượng giữa ta và địch tại miền Đông thay đổi dữ dội. Hai Vĩnh được đồng chí Ba Trà khen ngợi và giao công tác mới: Đưa lực lượng về Phước Long xây dựng Đoàn Hậu Cần 86 nhận hàng từ cảng Sihanouk-ville (Si-ha-núc).
Bấy giờ ta nắm được Sihanúc, tranh thủ mở bến tiếp nhận võ khí tại cảng mang tên ông ta. Đây là công cuộc làm ăn lớn. Mỗi đêm có từ 50 đến 100 “xe nhà lầu” (loại xe mười tấn) chở võ khí từ cảng về căn cứ bí mật của ta. Nhà quan quyền Cam-pu-chia yêu cầu ta giải quyết nhanh gọn, không để hàng ở bến lâu vì sợ Mỹ biết thì rắc rối. Đoàn 86 do đồng chí Lâm Quốc Đăng chỉ huy. Hai Vĩnh được lệnh qua nước bạn tiếp tay đồng chí Lâm Quốc Đăng trong công tác trọng đại này.