Bạn đang đọc Người Bình Xuyên: Sau Tảo Thanh Hai Vĩnh Ra Bắc Sang Nam Hải Mở Bến Nhận Vũ Khí Về Nam
Sau tảo thanh, để chấn chỉnh tình hình ở Rừng Sác, Nguyễn Bình họp bộ tham mưu quyết định thành lập Phân khu Duyên Hải. Về ban chỉ huy Phân khu, Trung tướng chọ Năm Hà là người được anh em Bình Xuyên ủng hộ. Chánh ủy Hai Trí giới thiệu tay chân thân tín của mình là Hai Đại, tên chính thức là Nguyễn Đức Huy nắm chính trị viên.
Khi đã nhứt trí, chánh văn phòng Võ Bá Nhạc cho đánh máy giấy bổ nhậm gởi xuống các đương sự.
Nguyên văn như sau:
Quân đội Quốc gia Việt Nam
Ban quân sự Nam Bộ
GIẤY BỔ NHẬM
Chiếu theo thông tư số281/TS ngày 11-8-48 của ban Quân sự Bình Xuyên, thành lập Phân khu Duyên hải miền Đông.
Các ông có tên dưới đây được bổ nhậm và Ban chỉ huy của Phân khu Duyên Hải từ ngày 11-8-48:
Dương Văn Hà: Phân khu trưởng
Nguyễn Sơn Xuyên: Phân khu phó
Nguyễn Đức Huy: Chánh trị viên
Tổng hành dinh, ngày 11/8/48
Trung tướng Nguyễn Bình
Ủy viên Quân sự Nam Bộ
° ° °
Nhận được quyết định này, anh em ở Rừng Sác rất phấn khởi. Tấm lòng trung thành với cách mạng của anh Năm và đông đảo anh em Bình Xuyên đã được cấp trên thấu rõ. Anh em vui lòng hưởng ứng chủ trương giải thể các Chi đội cũ để lập những đơn vị mới, điều đi các nơi trong Quân khu.
Chi đội 9 của Bảy Viễn – đa số là dân lao động vùng Phú Thọ – được sát nhập với Chi đội 7 của Hai Vĩnh để trở thành Trung đoàn 197, tức là Trung đoàn chủ lực của hai tỉnh Bà Rịa, Chợ Lớn, gọi tắt là Bà-Chợ. Liên chi 2-3 cùng một số bộ phân Chi đội 9 trở thành Trung đoàn 302 rút lên chiến khu Đ. Các chỉ huy cũng phân tán: Hai Lung về Khu 7, Năm Chảng về Chi đội 1 nay là trung đoàn 301 do Nguyễn Văn Thi nắm thay Hùynh Kỉm Trương. Ba Trứ về Lý Nhơn phối hợp với đại đội C huyện Long Thành của Lương Văn Nho, được ít lâu phụ trách đại đội pháo binh của Khu tại Đât Cuốc trong Đ. Lên bộ, khẩu “cốt che” 1 75 ly là một gánh nặng. Phải bốn chục người khiêng lên khiêng xuống xe bò. Kỷ niệm không quên được là trận bị phục kích trên đường số 15 khi kéo “voi” qua lộ.
Hai Lung cũng có kỷ niệm nhớ đời là phục kịch hạ con “Cọp Ba Móng” từng gieo kinh hoàng trong nhiều tháng ở chiến khu Đ. Con cọp này từ Là Ngà vượt sông vô chiến khu. Nó ăn thịt người bỏ lại chiến trừong Là Ngà nên “ăn quen bén mùi”. Nó bị bắn hư mất một chân nên để lại trên cát chỉ có ba móng. Từ đó thiên hạ đặt cho nó cái tên “Ông Ba Móng”. Cùng một lúc, nó xuất hiện ở nhiều nơi: Cây Chanh, Hàng Dài, Ba Hố, Đất Cuốc, Suối Đỉa, đâu đâu dân chúng, cơ quan cũng đốn cây rào dậu kiên cố. con Cọp Ba Móng có thể nhảy qua rào cỡ hai thước cõng một con bò trên lưng chạy đi mấy cây số. Có lần Ba Trứ đi công tác cưỡi ngựa, qua một truông rừng trông thấy một chiếc áo bông đẫm máu – thêm một nạn nhân nữa của Cọp Ba Móng vừa bị vồ. Danh sách nạn nhân của Cọp Ba Móng dài sọc, ông già, con nít, thanh niên, phụ nữ đều có; bộ đội cũng góp phần xương máu, đại đội phó Xê cũng bị vồ trên đường đi công tác. Không thể để nó tác oai tác quái mãi được, anh Bùi Cát Vũ cùng một số anh em binh công xưởng nghĩ ra kế gài mìn trên thi hài nạn nhân, cuối cùng mới diệt được nó.
Hạ được con Cọp Ba Móng rồi, dân chúng và cán bộ trong chiến khu Đ thở phào nhẹ nhõm. Đây là chiến công không kém trận Chi đội 10 đánh địch nhảy dù ở Tân Hòa, Mỹ Lộc những năm đầu kháng chiến.
Kỷ niệm đáng yêu nhất đời của Năm Chảng không giống kỷ niệm của các tạn tiểu tư sản trí thức. Anh rất vui mừng được học lớp văn hóa bổ túc để chuẩn bị về thành công tác. Năm Chảng không khỏi buồn cười khi nghĩ tới chuyện điều khiển cây bút máy. Nó nhỏ nhoi, nhẹ hửng mà bướng bỉnh, rắc rối gấp chục lần cây “xà búp” vừa nặng vừa dài của anh thuở giang hồ. Nhưng anh hết sức cố gắng vì anh hòan tòan đồng ý với giảng viên là kém văn hóa không làm được việc lớn…
Vài tháng sau tảo thanh, Hai Vĩnh mới bình phục. Lãnh chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 197 không được bao lâu thì được lệnh ra Bắc trong phái đoàn quân dân chánh do đồng chí Phạm Hùng dẫn đầu. Trung ương chuẩn bị mở Đại hội Đảng vào cuối năm 49 nên đầu năm 49 phái đoàn miền Nam chuẩn bị dần. Đường Xuyên Việt dài trên hai ngàn cây số nhưng trong kháng chiến phải tính gấp đôi vì phải đi vòng, vô rừng, lên núi chưa kể phải đánh địch mà đi… Hai Vĩnh được tín nhiệm giao công tác tổ chức bảo vệ an ninh cho đoàn. Trong phái đoàn này có hai đồng chí Tám Tâm và Lưu Quý Thoái.
Không lãnh nhiệm vụ như Hai Vĩnh nhưng Tám Tâm cũng bận rộn: anh phải báo cáo về việc tảo thanh với các đồng chí Trung ương, nhất là về số tiền vàng tịch thu của Bảy Viễn. Giám đốc binh công xưởng miền Đông là Kiều Đắc Thắng đã mựơn Tám Tâm nửa triệu bạc để mua hóa chất cho binh công xưởng. Tám Tâm tới đòi trước ngày lên đường.
– Anh là cái thá gì mà tôi trả cho anh? – Kiều Đắc Thắng trừng trợn nhìn Tám Tâm – Tiền này đâu phải tiền của anh!
Tám Tâm giận xám mặt:
– Anh Hai Thắng, anh là cán bộ lãnh đạo Quân khu, sao ăn nói ngược ngạo vậy? Đồng ý là tiền không phải của tôi, nhưng chính tay tôi giao cho anh, giao tận tay anh. Và anh đã làm giấy ký nhận. Bây giờ anh trở trái làm mặt…
Kiều Đắc Thắng hung hăng chụp khẩu súng sáu. Tám Tâm nhanh tay hơn:
– Bỏ tay ra! Anh không lẹ bằng tôi đâu. Bàn tay quân phiệt của anh đã giết người ta như ngóe. Bây giờ phải có người trị anh. Năm đó anh ra Bắc, Bác đã đặt cho anh một cái tên mới: Vũ Thùy Nhân. Ý Bác muốn anh bỏ tánh quân phiệt, vũ phải tùy nhân. Tại sao anh không chút nào biến đổi?
Trong văn phòng Kiều Đắc Thắng có nhiều bảo vệ, nhưng thấy Tám Tâm ra tay trước, lại có hai bảo vệ ôm tôm-xông đứng phía sau nên không dám can thiệp. Tám Tâm đưa biên nhận ra:
– Anh ký tên đây! Tôi tới đây là tôi dám chết. Nhưng anh có sống được không? Tốt hơn là ta nên ăn nói lễ độ, đoàn kết, thân ái với nhau, phải đẹp hơn không? Nếu như anh chưa có tiền thì nói với tôi: “Anh cứ theo phái đoàn. Tiền này tôi sẽ giao cho Bộ Tư lịnh”…
Lần đâu tiên Kiều Đắc Thắng giận chín người mà không dám nổ súng. Tám Tâm nổi tiếng là thiện xạ trong bộ đội Bình Xuyên và tiếng đồn lan ra tới Quân khu 7.
Cùng đi một chuyện với phái đoàn Phạm Hùng có phái đoàn thanh niên của Trần Bạch Đằng, số người hai bên bằng nhau: khoảng ba mươi người. Tới Bình Thuận, Hai Vĩnh nói với đồng chí trưởng đoàn:
– Đoan thanh niên lúc nào cũng sôi nổi ồn ào. Mình không trách họ, nhưng nên tách ra vì đi chung dễ bị lộ, tôi sợ không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ.
Hai Hùng gât đầu:
– Đồng chí tinh hơn trinh sát. Đúng, ta nên tách ra.
Đúng như Hai Vĩnh nhận định, địch đã đánh hơi bám sát và tới Khánh Hòa thì Trần Bạch Đằng bị địch bắt. Đi tới đâu Hai Vĩnh nắm tình hình địa phương, chuẩn bị chu đáo. Có những đoạn đường phải mang theo người chín ngày gạo. Đến đoạn Trường Sơn, Hà Hùy Giáp đau khớp xương đầu gối – bệnh đầu voi – phải uống nước đái gắng gượng tiếp tục lên đường. Đường đi càng gian khổ, tình đồng chí càng khắn khít mặn mà. Những đêm dừng chân bên đống lửa rừng, họ kể chuyện đời riêng tư cho nhau nghe, bắt đầu từ Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Trần Xuân Độ, Hai Vĩnh khiêm tốn, không dám “múa rìu qua mắt thợ” nhưng được khuyến khích anh cũng bồi hồi kể lại cuộc đời lưu lạc giang hồ cho tới khi gặp được đồng chí Bảy Trân tại nhà ông già vợ. Ngày đó đã đem lại ánh sáng trong cuộc đời tối tăm của mình…
Phải mất sáu tháng mười hai ngày mới tới nơi Trung ương Đảng đóng. Hai Vĩnh được giới thiệu học trường Nguyễn Ái Quốc, sau đó được mời tới thăm Hội đồng Chính phủ ở Tân Trào, Tuyên Quang. Anh hồi hộp mong gặp Bác. Bỗng Bác bất ngờ xuất hiện khiến nhóm học viên không kịp hô khẩu hiệu đã chuẩn bị trước.
Đêm liên hoan có đốt lửa trại, Hai Vĩnh mang theo máy ảnh Zeiss Ikon đến xin chụp với Bác làm kỷ niệm. Bác gật. Hai Vĩnh chụp hết tám cuộn phim, tất cả 48 ảnh. Có một kỷ niệm không quên được. Anh muốn chụp chân dung Bác mà cứ đắn đo mãi. Đến chừng ngõ lời, Bác cười bảo:
– Người ta đứng cho chụp mà còn xin phép!
Vì quá xúc động, Hai Vĩnh run tay làm hỏng bức ảnh quan trọng nhất. Khi rửa, tấm ảnh mất chòm tóc trên trán. Hai Vĩnh tiếc ơi là tiếc.
Cuối năm 49, Hai Vĩnh ra đường đúng và ngày ta làm lễ chào mừng Trung Quốc giải phóng lục địa.
Hết khóa ba tháng ở trường Nguyễn Ái Quốc, Hai Vĩnh lại dự khóa sĩ quan lục quân trung cấp bốn tháng tại Thái Nguyên và Vân Nam (Trung Quốc).
Hai Vĩnh học ngày đêm vì lúc đó Trung ương nhận định Mỹ sẽ nhảy vào chiến trường Việt Nam tiếp tay Pháp đang lúng túng trước các chiến dịch trung du, đồng bằng…
Ra trường, Hai Vĩnh được lệnh qua đảo Hải Nam nghiên cứu việc xây bãi tiếp nhận viện trợ của Trung Quốc.
——————————–
1Tiếng Pháp là cotière (pháo trên tàu hay ở bờ biển)