Bạn đang đọc Người Bình Xuyên: Bay Bay Suýt Chết Về Tay Bảy Viễn Nhờ Bảy Rô Múa Mép Tô Tần
Bay Bay, Chín Mập và Năm Mười Ba đậu tam bản tại đầu Vàm Cá Đao bố trí trạm gác lưu động. Bộ ba này làm công tác bảo vệ văn phòng bộ chỉ huy Liên chi 2-3 đóng ở mấy cái tắt giữa Rừng Sác. Năm Mười Ba là tên ghép. Năm là chồng. Mười Ba là vợ. Đây là dân lục lâm thảo khấu trong nhóm Bảy Rô.
– Mở máy hát nghe chơi! – Ba Bay vừa mượn được một cái máy hát và bộ đĩa Trảm Trịnh Ân… Với Ba Bay, không có cái thú nào qua cái thú nằm tam bản nghe cải lương. Trời tối đen, nước sông ánh lên một màu sang sáng như có chất thủy ngân. Trên hàng bàn, bày đom đóm chớp tắt, chớp tắt như sân khấu đèn mỹ thuật. Tiếng hát từ đĩa nhựa vọng ra như tiếng hát người thật. Ba Bay hình dung trước mắt mình là pháp trường, Trịnh Ân bị trói đang chờ trảm thủ. Anh còn nghe tiếng Hàn Tố Mai cười đắc chí khi hãm hại được bậc trugn thần. Tiếng hát trong đía vọng ra: Ly thứ nhất… ly thứ hai… Đây là các bạn đến tống tửu kẻ săp về cõi chết. Trọn bộ chỉ có lúc này là hay nhất. Ba Bay đang để hết tâm hồn uống từng lời văn thì Chín Mập hét to:
– Ghe ai đó? Ghé vô đây trình giấy!
Có tiếng xấc láo từ đằng xa:
– Ghe của Việt gian đây, dám xét không?
Chín Mập nhất kim máy hát lên bảo Ba Bay:
– Đ.m thằng Búa lúc này lên “chưn” quá! Nó dựa hơi đám côm-măng-đô của Tư Thiên…
Ba Bây nỏi nóng, lên cò cây mi bá rút:
– Thằng nào mới nói gì đó, nói lại nghe coi!
Đúng là giọng oang oang của thằng Búa, liên lạc văn phòng Bảy Viễn:
– Ghe củaViệt gian đây, dám xét không?
Ba Bay không ưa đám côm-măng-đô. Bọn này sống phè phỡn trên thành, ăn no chỉ lo chọc gái. Xuống chiến khu cũng quen thói ngã ngớn o mèo, gặp gái móc sũng ru lô quay vòng vòng nưh tụi chăn bò trong phim Huê Kỳ. Anh chiếu đèn pin thấy lố nhố cả chục tên lính của Tư Thiên. Cơn nóng nổi lên, Ba Bay hét:
– Đ.m Việt gian thì bắn bỏ – Ba Bay lia hết bằng tômxông.
Bên kia ru lô nổ lẹt xẹt. Nhưng ru lô làm sao chơi lại tômxông? Cả bọn cuống cuồng rút lui vô trật tự.
Ba Bay tiếp tục nghe nốt đoạn tổng tửu Trịnh Ân, nhưng Chín Mập lo ngại, nhắc cây kim lên:
– Tao lo quá Ba Bay! Loạt mi của mày làm thịt ít nhất là nửa chuc côm-măng-đô. Chúng là con cưng của Ngài Khu bộ phó. Mình khó lòng với ổng.
– Sợ con c. gì mậy! Tụi nó xưng là Việt gian thì tao có quyền “giũ sổ” chúng nó. Nếu Ngài Khu bộ phó có hỏi thì tao sẽ nói như vậy – Nói xong Ba Bay tiếp tục hạ cây kim xuống, nghe lại từ ly rượu thứ nhất…
Chín Mập lo ngại rất đúng. Một ngày sau. Năm Hà nhận được công văn của văn phòng Khu bộ phó dạy giải Ba Bay qua để ông Bảy trị tội. Liên lạc còn cho biết ông Bảy còn la hét rầm rầm khi nghe thằng Búa báo về việc Ba Bay ngang nhiên nổ sung vào ghe côm-măng-đô mặc dầu nghe rõ tiếng của Búa. Ông Bảy ra lệnh cho Năm Tài bỏ hết mọi việc để thảo công văn bắt Ba Bay. Ông Bảy nói: “Đ.m ngưng đánh Tây để đánh Ba Bay”.
Ba Bay chết điếng khi nghe tin này. Hắn chỉ còn biết ông chân ông Năm Hà tìm cách cứu mạng:
– Ông Bảy là bạn của anh Ba, ông Bảy coi anh Năm như em ruột. Bây giờ chỉ có anh Năm mới cứu được Ba Bay…
Năm Hà suy nghĩ lung lắm. Giải quyết vụ này như thế nào cho ổn đây? Cố nhiên là không thể để Bảy Viễn giết Ba Bay. Nó là bộ hạ ruột của mình. Nhưng cứu Ba Bay bằng cách nào mà không mích lòng người lớn? Từ lâu, giữa Năm Hà và Bảy Viễn có một chút lấn cấn, bởi hai lần đầu Bộ Chỉ huy thống nhất Liên khu Bình Xuyên, anh em đều bầu Năm Hà, trong khi Bảy Viễn đinh ninh rằng mình xứng đáng thay Ba Dương nắm Bình Xuyên hơn ai hết. Nhưng không ai xem Bảy Viễn là dân Bình Xuyên chánh cống mà là dân hào mé muốn lợi dụng danh nghĩa Bình Xuyên để mưu chuyền riêng tư…
Nhình quanh quẩn. Năm Hà thấy Bảy Rô vừa từ dưới bến đi lên văn phòng. Từ ngày Ba Dương mất, Bảy Rô lãnh công tác binh vận. Năm Hà mừng rỡ nói:
– Bảy Rô, tay đang nghĩ tới mày thì mày lại dẫn xác tới.
– Có chi không anh Năm? Mí mắt trái giật giật, chắc có lộc ăn đây – Bảy Rô vừa nói vừa nheo mắt.
Năm Hà cười ha hả:
– Lộc ăn hả? Đây là khúc xương khó nuốt, tao nói trước ày chuẩn bị tinh thần. Mày hãy tức tốc mang thư của tao qua văn phòng Bảy Viễn xin Bảy Viễn tha chết cho Ba Bay.
Nghe hết mọi việc Bảy Rô đắn đo:
– Sao anh Năm không lựa người nào có khoa ăn nói, chớ Bảy Rô ăn tục nói phét…
Năm Hà khoát tay:
– Tao tin mầy thì tao mới nhờ. Mày đi với Chín Mập và Năm Mười Ba. Tụi nó là nhân chứng, còn mày là sứ giả của tao. Nếu coi thơ mà Bảy Viễn chưa chịu thì mày mới uốn lưỡi Tô Tần…
Vì nể Năm Hà mà cũng vì tình sanh tử có nhau với Ba Bay, Bảy Rô nhận trọng trách thuyết khách. Trên suốt chặn đường tới “Tổng hành chòi” của Bảy Viễn ở Tắt Ông Thọ, Bảy Rô la lắm. Bảy Viễn nóng như lửa. Nói là sao cho khéo, hớ một lời là có thể “bỏ mạng sa tràng” chớ đâu phải chơi! Nếu không nhớ lỡ ăn thề trong đình thần Tam Thôn Hiệp, Bảy Rô đã thoái thác.
Tới nơi, bộ ba cắm sào lên văn phòng. Bảy Viễn đi vắng. Bảy Rô quyết định ở lại chờ để giáp mặt ông Bảy. Thấy đi-văng gõ đặt ở góc, ba anh phủi chân leo lên nằm nghỉ lưng.
Bỗng Năm Tài bước vô chống nạnh chửi đổng:
– Đ.m, tụi bây ở đâu mà dám lên nằm trên bộ ván của Ngài Khu bộ phó? Xuống mau! Đi ra!
Ba mạng ngồi bật dậy như lò xo. Bảy Rô nóng mũi:
– Ngài Khu bộ phó chứ đâu phải là vua mà không ai dám động tới long sàng? Tụi này đâu phải hoạn quan thái giám mà sợ cả cái bóng của đấng Chí tôn!
Năm Tài tái mặt:
– Mày là ai?
Bảy Rô vỗ lên ngực áo:
– Sứ giả của Liên chi 2-3. Có thư của ông Năm Hà đây, chờ trao tận tay cho Ngài Khu bộ phó.
Đang trừng trợn nhìn nhau thì ghe Bảy Viễn về tới. Bảy Rô tự giới thiệu và trao thư Năm Hà.
Bảy Viễn thay đồ, chỉ mặc áo thun tơ và vận xà rông. Đọc lá thư, Bảy Viễn có vẻ suy nghĩ nhiều. Một lúc sau hắn hỏi:
– Tụi bay là em út của Năm Hà, sao hồi nãy không vô nhà mà đứng xớ rớ ngoài hàng ba?
Bảy Rô được dịp trả đũa Năm Tài:
– Hồi nãy tụi này không biết bộ ván này của Ngài Khu bộ phó nên nằm nghỉ lưng. Không biết thằng nào nhảy ra đuổi tụi này như đuổi tà… – Vừa nói, Bảy Rô liếc Năm Tài. Mặt tên này sượng ngắt.
Bảy Viễn nhìn xuống rạch:
– Về nói với Năm Hà là Bảy Viễn không giết Ba Bay, nhưng phải giải nó qua đây để nó xin lỗi tao. Vô cớ, mà nó giết chín mạng. Thằng Sáu Đầy gãy tay về tới đây cũng tắt thở… Thằng Búa báo cáo đầy đủ hết.
Bảy Rổ nhỏ nhẹ nói:
– Ông Năm Hà sợ thằng Búa báo cáo thêm bớt nên biểu tôi dẫn hai nhân chứng theo. Chín Mập và Năm Mười Ba ở trong tổ ba người mà Ba Bay làm tổ trưởng. Xin Ngài Khu bộ phó nhín chút thì giờ quý báu nghe Chín Mập kể lại đầu đuôi…
Bảy Viễn gật. Chín Mập kể hết mọi việc.
Nghe xong, Bảy Viễn im lặng, bắt qua chuyện khác:
– Bây giờ tụi bây ở lại ăn cơm với tao. Chờ nước lớn mới về được.
– Bảy Rô biết sứ mạng của mình đã hoàn thành tốt đẹp, lên tinh thần:
– Ăn cơm có rượu không, Ngài Khu bộ phó?
Bảy Viễn cười:
– Sao lại không! Tụi bay cứ gọi tao là anh Bảy. Đừng có bày đặt Ngài Khu bộ phó nữa!
Cơm dọn lên chỉ có bốn chén và bốn đôi đũa. Bảy Viễn là chủ, Bảy Rô cùng Chín Mập và Năm Mười Ba là khách. Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng Năm Tài. Điều này thỏa mãn lòng tự ái của Bảy Rô và hai bạn. “Nịnh cho lắm rồi mày cũng là tên “chầu rìa”, đây được ăn nhậu chung măm với Bảy Viễn như tụi tao!…”.
Rượu vài tuần, Bảy Rô nhắc:
– Ngài Khu bộ phó… à quên, anh Bảy có còn giữ ý bắt Ba Bay qua đây xin lỗi không?
Bảy Viễn nốc cạn ly rượu:
– Thôi thôi! Lỗi tại thằng Búa… – Y cất tiếng kêu – Năm Tài đâu?
Năm Tài khúm núm chạy ra. Bảy Viễn ra lệnh:
– Soạn ngay cho tao công văn hủy bỏ lệnh truy ngã Ba Bay. Cho đánh máy ngay để Bảy Rô mang về cho Năm Hà.
Năm Tài vâng dạ rồi rít. Không bao lâu tiếng máy đánh chữ từ văn phòng vọng lên lạch cạch. Bảy Viễn vừa buông đũa là Năm Tài mang công văn tới trình hai tay. Bảy Viễn ký cái “rẹt”.
– Đóng dấu cẩn thận nghe không!
Năm Tài đóng dấu xong mang trở ra. Bảy Viễn trao cho Bảy Rô:
– Về nói với Năm Hà là vụ Ba Bay chỉ là một vụ bắn lầm mà lỗi tại thằng Búa nói chơi không đúng lúc. Chỉ có vậy thôi. Cho gởi một cặp Mạc-ten về Năm Hà. Rượu bà con trên thành tặng anh em Bình Xuyên đó.
Bảy Rô cùng hai bạn hớn hở cáo lui xuống tam bản chèo về. Trên suốt chặn về, cả ba tha hồ nghí ngố cho thỏa chí.
Chín Mập bắt tay Bảy Rô khen nức nở:
– Thằng Mười Nhỏ hồi còn sống thường nhắc tới cái tên Lỗ Đạt do thằng Ba Đầu Hình tặng ày lúc mày mới nhập bọn đi hát… Mày ngon lành thiệt! Không có mày là tao đá thấy mẹ thằng Năm Tài. Nhưng tao nghĩ cú đá của tao không đau bằng câu mày xỏ nó. Mày nhớ câu lịch sử đó không Năm Mười Ba?
– Nhớ chớ! – Năm Mười Ba dừng chèo, nói như trả bài – “Ngài Khu bộ phó chứ đâu phải là vua mà không ai dám động tới long sàng? Tụi này đâu phải hoạn quan thái giám mà sợ cả cái bóng của đấng Chí tôn”!
Chín Mập thích chí cười vang:
– Năm Tài đúng là thằng “thượng đội hạ đạp”. Nó làm tàng với mình bao nhiêu thì nó mọp sát đất trước ông Bảy bấy nhiêu. Nó không xứng đáng là dân Bình Xuyên tụi mình.
Bảy Rô cười lớn:
– Ai cho nó vô dân Bình Xuyên? Cái hạng chuyên môn xách giày có đáng gì ình nói tới!…
Về tới nhà đã thấy Năm Hà và Ba Bay chờ sẵn. Bảy Rô hồ hởi kể hết đầu đuôi, nheo mắt với Năm Hà:
– Anh Năm thấy thằng em anh nói đâu có đó chưa? Mí mắt trái giật giật là có ẩm thực. Thiệt đúng y chang! Bảy Viễn đãi ba đứa này một bữa ăn có uống rượu đàng hoàng. Mạc-ten hay Cô-nhắc gì đó, uống tới đâu khoái tới đó. Anh Bảy gởi anh Năm một cặp kia kìa.
Ba Bay nhảy tới ôm Bảy Rô hôn lấy hôn để:
– Mày đã cứu mạng tao!…
Bảy Rô cười thoải mái:
– Ơn nghĩa gì giữa tao với mày! Trái lại, tao phải cảm ơn mày. Nhờ mày mà tao được hân hạnh là thượng khách của Ngài Khu bộ phó. Đâu phải ai cũng may mắn được ăn một mâm, ngủ trên ván của ông Bảy…
Năm Hà gật gù:
– Bảy Viễn tướng tinh con cọp, gầm thét vang rừng nhưng ngủ một đêm tới sáng là quên hết. Mau nóng mà cũng mau nguội. Như vậy là vụ Ba Bay kể như em rồi. Bảy Viễn đã không bắt tội Ba Bay mà còn gởi rượu Tây tạng ta. Sứ giả Bảy Rô đáng được thưởng rượu lần nữa… Ba Bay đâu rồi? Chạy về nhà biểu vợ mày làm gà ăn mừng!… Ủa nó đâu rồi?
Ba Bay không đợi Năm Hà nhắc. Anh phóng về nhà hối vợ nấu nước còn mình thì nhảy xuống rạch bắt con vịt nhổ lông. Vợ Ba Bay rất giỏi, buôn bán chăn nuôi gì cũng xôm trò. Chị lạ có tài nấu nướng nhờ có chồng kén đồ nhậu.
Không mấy chốc mà hai đĩa thịt vịt luộc dọn lên, khói thơm nghi ngút. Thịt vịt chấm với nước mắm gừng vừa béo vừa ngọt, vừa thơm vừa cay…
Năm Hà mang hết hai chai Mạc-ten cổ lùn Bảy Viễn tặng ra uống mừng Ba Bay thoát nạn. Rượu vào lời ra, chuyện xưa chuyện nay kế tiếp không đầu không đuôi nổ như bắp rang. Có điều thích thú là không hẹn mà lại gặp đầy đủ: Năm Hà, Bảy Rô, Ba Bay, Chín Mập và Năm Mười Ba là năm người đã thề đồng sanh đồng tử trong đình thần Tam Thôn Hiệp trong đêm mưa gió sụt sùi tiếc thương Ba Dương tử trận ở Bến Tre…
Rượu được vài tuần, Năm Hà cầm chai rượu lên:
– Tụi bây có biết rượu này của ai cho Bảy Viễn?
– Của bà con trên thành – Bảy Rô “Sao y nguyên văn” lời Bảy Viễn…
– Bà con trên thành, nhưng là ai? Ông Ổi, bà Xoài… phải biết đích danh chớ…
Tất cả đều chịu thua. Năm Hà nói:
– Đây là rượu của hai thằng Lâm Ngọc Đường và Môrit Thiên. Tụi nó là cơ sở trên thành của Bảy Viễn. Tụi nó chứa bạc lấy xâu, hàng tháng đem xuống nạp vào quỹ nuôi quân… Rượu Tây ngon nhưng thằng Tây không ngon. Mình uống rượu Tây mà nhất quyết không theo Tây, phải không bây?
Tất cả đều cụng ly “côm cốp” sau một tiếng “Phải” thật ăn rập như một đội đồng ca.